Quan Niệm Nghệ Thuật về Con Người Qua Người Đàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành của Nguyễn Minh Châu
Bùi Tuý Phượng
1. Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người
1.1. Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc lý giải, cảm thụ của chủ thể
Văn học là nhân học, là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người. Con người là đối tượng chủ yếu của văn học. Dù miêu tả thần linh, ma quỉ, đồ vật, hoặc đơn giản là miêu tả các nhân vật, văn học đều thể hiện con người. Mặt khác, người ta không thể miêu tả về con người, nếu không hiểu biết, cảm nhận và có các phương tiện, biện pháp nhất định. Điều này tạo thành chiều sâu, tính độc đáo của hình tượng con người trong văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó.
Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học, tuy nhiên trước nay người ta chỉ chú ý tới phương diện khách thể của nó. Nhân vật mang những phẩm chất gì? Tính cách nhân vật như thế nào? Ngoại hình được khắc họa ra sao, tâm lý nhân vật có gì đặc sắc? Ngôn ngữ nhân vật có được cá tính hóa hay không? Đó là những vấn đề không thể bỏ qua khi phân tích nhân vật như một khách thể. Từ đó, cũng nhiều khi người ta phân tích nhân vật như những con người có thật ở ngoài đời.
Đối với nhân vật trong hệ thống hình tượng tự sự, có nhiều cách hình dung về chức năng và cấu tạo. Về loại hình nhân vật, người ta chia ra nhân vật chính, phụ, nhân vật chính diện, phản diện. Về mặt cấu trúc có người chia ra nhân vật mặt nạ, nhân vật loại hình, nhân vật tính cánh, nhân vật tư tưởng. Sự chú trọng đến hình tượng khách thể của con người là cần thiết, song xem nhẹ việc tìm hiểu các nguyên tắc lý giải, cảm thụ của chủ thể trong hình tượng sẽ dẫn đến việc giản đơn hóa bản chất của sáng tác văn học, đặc biệt là vai trò sáng tạo tư tưởng của nhà văn, rút gọn tiêu chuẩn tính chân thực vào một điểm là miêu tả giống hay không giống so với đối tượng.
Quan niệm nghệ thuật về con người hướng người ta khám phá cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể, ngay cả khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng.
1.2. Cơ sở lịch sử xã hội và văn hóa của quan niệm nghệ thuật con người
Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc cảm thấy, hiểu và miêu tả con người trong văn học. Nhưng các nguyên tắc đó có cơ sở sâu xa trong thực tế lịch sử. trong Hệ tư tưởng Đức, Mác nói: “Trong tất cả các hình thái xã hội có trước chủ nghĩa tư bản các đặc điểm đẳng cấp và tầng lớp được từng cá nhân riêng lẻ thời đó cảm nhận như là cá tính không thể tách rời của họ”. Ngược lại, “Trong các xã hội có sự thống trị của tư hữu ruộng đất, thì các quan hệ tự nhiên chiếm ưu thế. Nơi nào tư bản thống trị thì các yếu tố được tạo thành bằng phương thức xã hội và lịch sử chiếm ưu thế”. Hiểu như vậy thì quan niệm nghệ thuật về con người là một sản phẩm của lịch sử.
Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hóa tư tưởng. “Quan niệm con người là hình thức đặc thù nhất cho sự phản ánh nghệ thuật, trong đó thể hiện sự tác động qua lại của nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội khác”. Thời trung đại phương Tây, người ta xem con người là sản phẩm sáng tạo của Chúa Trời; từ thời Phục Hưng đến Khai Sáng thì con người được xem là sản phẩm của tự nhiên; từ thế kỷ XIX thì xem con người là sản phẩm vừa của tự nhiên, vừa của xã hội.
Quan niệm con người chính là sự khám phá về con người. Nó phản ánh cấu trúc của nhân cách con người và các hình thức phức tạp tương ứng trong quan hệ con người đối với thế giới.
Quan niệm nghệ thuật về con người tất nhiên cũng mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn nghệ sĩ. Đây là điều đã được phổ biến công nhận. Chẳng hạn, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của Nam Cao so với Vũ Trọng Phụng hoặc Ngô Tất Tố.
Trong các thể loại văn học khác nhau, do chức năng và hệ thống phương tiện biểu hiện khác nhau, quan niệm nghệ thuật cũng có sự khác nhau quan trọng.
1.3. Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật. Sự vận động của thực tế làm nảy sinh những con người mới, và miêu tả những con người ấy sẽ làm văn học đổi mới. Nhưng còn một khía khác là đổi mới cách giải thích và cảm nhận con người cũng làm cho văn học thay đổi căn bản. trong lịch sử văn học sử dụng lại các đề tài, cốt truyện, nhân vật truyền thống là rất phổ biến. Vẫn là con người đã biết, nhưng hôm qua được nhìn ở một góc độ, hôm nay nhìn sang góc độ mới cũng tạo thành sáng tác văn học mới.
Quan niệm nghệ thuật về con người không phải bất cứ cách cắt nghĩa, lý giải nào về con người, mà là cách cắt nghĩa có tính phổ quát, tột cùng mang ý vị triết học, nó thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người.
Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn vốn có của văn học. Nghệ sĩ là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu về con người, do đó càng khám phá nhiều quan niệm nghệ thuật về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh giá đúng thành tựu của họ.
2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu qua tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành
2.1. Vài nét về tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành được Nguyễn Minh Châu cho in lần đầu năm 1983. Truyện kể xoay quanh câu chuyện người đàn bà tên Quỳ, với những kỷ niệm thời chiến tranh, với người yêu của cô là anh trung đoàn trưởng Hòa – một con người “trác việt”, tập trung “tất cả tinh hoa của nam giới”. Yêu Hòa nhưng Quỳ lại đòi hỏi nơi anh một cách toàn diện, một “thánh nhân”. Hòa hy sinh, cô luôn dằn dặt, trăn trở, … và rồi cô lấy Ph (vốn là bạn của Hòa) làm chồng. Cuộc sống biến động, Ph phải đi tù. Quỳ luôn sống trong những mộng tưởng. Người ta nghĩ cô bị tâm thần và đưa cô vào viện. Câu chuyện được Quỳ kể lại với người bạn cùng bệnh viện đó.
2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành.
2.2.1. Con người với truyền thống đạo lý, uống nước nhớ nguồn
Hiện lên qua trang sách là hình ảnh nhân vật Quỳ trong đêm đi lượm hành trang của các tử sĩ, khi đọc những trang nhật ký của họ chị đã xúc động nghĩ đến những từ thiêng liêng như “Đất nước”, “Tổ quốc”, cùng lúc với việc gọi tên những chiến sĩ đã hy sinh.
2.2.2. Hoài bão xây dựng ước mơ xây dựng quê hương giàu đẹp
Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy tài năng, tinh hoa ở những người trẻ tuổi phải dồn vào lĩnh vực quân sự như Hoà.
Anh Hoà chấm dứt cuộc đời lúc mới 29 tuổi tài năng đang độ sung sức và hứa hẹn. Nhưng với Hoà không chỉ có thế. Kết thúc cuộc đời là phải từ bỏ ước mơ tìm tòi, khoa học kỹ thuật, để mang ánh sáng khoa học kỹ thuật về với đồng ruộng, làng quê thân yêu của anh, để thay đổi cuộc đời của mẹ và những người thân trên quê hương. Đó là giấc mơ mà từ thuở còn ấp bụng trên sống lưng trâu, những đêm ngồi với mẹ trên ruộng rạ, những ngày cắp sách đến trường anh hằng mơ ước.
2.2.3. Con người trong thực tiễn lao động, xây dựng quê hương
Công cuộc xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới từ nhiệt tình và ý chí, nhưng chưa đủ. Thông qua hình tượng Quỳ, Nguyễn Minh Châu đã nói lên suy nghĩ về điều này. Hoà bình được lặp lại, Quỳ đã có mặt trên mặt trận kinh tế, ngay trên mãnh đất mà người thân yêu và đồng đội đã ngã xuống. Chị đã cứu Ph ra khỏi sự lầm lạc, trả lại vị trí xứng đáng để người kỹ sư cơ khí phát huy năng lực sở trường. Phải có niềm khát khao bắt nguồn từ tình yếu cuộc sống, tình yêu con người, dám sống hết mình cho quê hương xứ sở mới đủ sức tái sinh những cuộc đời dang dở, làm lành các vết thương trên mảnh đất mà cuộc chiến tranh tàn khốc vừa đi qua. Phải biết tổ chức quản lý, biết sử dụng nguồn tài nguyên, con người, trong đó đội ngủ cán bộ khoa học kỹ thuật là đội ngũ nồng cốt, mới nhanh chóng khắc phục được hậu quả nặng nề của chiến tranh, đưa quê hương đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo lạc hậu. Quỳ đã nhận ra được vai trò quan trọng của tài năng, của tri thức trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới: Tôi nhận ra ở trong tôi có một cơn khát ghê gớm, cơn khát của sự hồi sinh của mọi tài năng nhất quyết tôi phải làm sống lại một khả năng và trí tuệ đang chết.
Cách sống suy nghĩ và hành động của Quỳ đã trực tiếp thể hiện quan niệm của Nguyễn Minh Châu về đạo lý làm người, về nhân cách, về lối sống về cách ứng xử đầy tính nhân đạo chủ nghĩa. Nó hoàn toàn đúng với tinh thần nhân đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh: không chỉ là sống vì con người, suốt đời lo toan cho con người, càng không phải là làm ra và đen lại cho con người hưởng những điều mong muốn mà khơi dậy trong con người lòng tự hào và niềm tin ý chí và nhiệt tình cách mạng, để con người tự mình làm ra tất cả.
2.2.4. Khám phá đời tư con người cá nhân
Trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975, có một hiện tượng đáng chú ý là: các nhà văn với các tác phẩm ngược thời gian viết về đời sống riêng tư của từng cá nhân như là tiếng nói tự nhận thức về bản thân. Nhân vật Quỳ nghĩ về những năm tháng ở Trường Sơn, về người lính trong ý nghĩ của chị lúc đó: Tôi thật ngu với những người đàn ông đáng quý nhất trong số những người đáng quý ấy, tôi đã không coi họ là những người đang sống giữa cuộc đời, mà lại đòi hỏi nơi họ một thánh nhân. Tôi đã tìm cái tuyệt đối không bao giờ có. Hiểu những giá trị có được của chính bản thân cũng có nghĩa là mỗi người đang thực hiện hành động tự giải phóng. Từ những chiêm nghiêm, mỗi người hiểu thêm về bản thân mình, về người thân, về nhân dân, Hoá ra cuộc sống từ bao đời là như thế, con người là một sự kết tinh của những tinh hoa. Hóa ra thời nào cũng có những con người như anh ấy, tập trung trí tuệ và tài năng trác tuyệt của nhân và mang trong lòng tất cả những khát vọng cháy bỏng của nhân dân.
Ở một góc độ khác, thân phân cuộc đời của từng con người cũng được Nguyễn Minh Châu khám phá. Nữ y sĩ Quỳ trở thành bệnh nhân thần kinh vì những nỗi niềm riêng tư không thể không sống với nó được và phải có nhu cầu để giải bày: Không, không nói với đồng chí thì tôi cũng phải nói với người khác, bởi vì tôi không thể trò chuyện với mình suốt đời được.
2.2.5. Con người phong phú phức tạp
Sự phong phú, phức tạp trong đời sống con người bình thường thể hiện trong tác phẩm Người đàn bề trên chuyến tàu tốc hành. Người trung đoàn trưởng có tài năng xuất chúng, khiến người lính ở hàng ngũ bên kia cũng phải ngưỡng mộ. Nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, Hoà cũng có những thói nọ tật kia như những con bình thường khác. Nghĩa là cũng bộc lộ những ham hố, những nhược điểm. Đây là những biểu hiện của Hoà trong sinh hoạt hàng ngày: Sống gần kề hầu như ngày nào cũng gặp nhau, tôi mới có dịp được thấy anh ấy cũng mừng rỡ, hý hửng khi được thăng cấp, mới có dịp được thấy anh ấy ăn, ngủ, đi lại, cũng chăn một đàn gà riêng, đánh một cái quần xà lỏn đi phát rẫy, cũng yêu người này, nói xấu sau lưng người kia. Và, anh ấy cũng có mồ hôi tay, hai bàn tay lúc nào cũng dấp dính, …
Điều tưởng kỳ lạ nhưng có thật đầy sức hấp dẫn ở nhân vật của Nguyễn Minh Châu là trước bao thử thách, trước những hy sinh mất mát, nhân vật của ông có thể thành “thánh nhân” – như Hoà và các chiến sĩ của trung đoàn K được tác giả tập trung thể hiện qua hình ảnh một con người có “ngàn mắt ngàn tay”.
2.2.6. Con người với đời sống tâm linh
Quỳ trong một lần đi kiểm tra hành trang của các sĩ tử trong hang đá, tình cờ chị gặp những trang nhật ký của các anh chiến sĩ trẻ hy sinh. Đọc vào trang nào thì cũng gặp tên mình. Quỳ đã xúc động áp những dòng nhật ký vào ngực mình và gọi tên những từ thiêng liêng như “Tổ quốc”, “Đất Nước”: Tôi chợt nghĩ đến những chữ vô cùng trừu tượng, thiêng liêng như Tổ quốc, Đất nước, tôi lại còn hình dung đến làng quê của từng anh với những người thân sống chung dưới một mái nhà, những bờ đê, một khúc sông ngầu phù sa, một lối ngỏ tiếng tre kẽo kẹt và màu tím hoa xoan tím rắc li ti trên vạt đất ấm, và chiếc gàu sắt Tây chạm vào thành giếng khơi kêu lanh canh. Thông thường, khi người ta gặp những hoàn cảnh thiêng liêng, điều tâm niệm sâu sắc, ăn sâu vào tiềm thức được bật ra. Phải chăng ở hoàn cảnh đó, đời sống bên trong của Quỳ đã thức dậy những gì thật sâu kín mà ta gọi là cõi tâm linh, những điều thiêng liêng và cao cả nhất? Vì điều đó mà những người trai trẻ cống hiến cả tuổi xuân của mình, hy sinh những năm tháng đẹp nhất của mình cho nó.
Ta bắt gặp cách nghĩ, cách đánh giá về sự hy sinh, mất mát gắn với tâm thức truyền thống của người Việt. Hình ảnh những người lính trong trung đoàn K đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc. Vì tự do hạnh phúc của nhân dân. Tất cả đã in đậm trong tiềm thức của Quỳ. Họ xứng đáng được ngưỡng mộ và tôn kính. Hiểu như thế ta mới cắt nghĩa được sự xúc động của Quỳ trước sự hy sinh của những người trẻ tuổi trong cuộc kháng chiến vừa qua. Trên đường đi công tác, khi ngang qua một ngôi chùa, bắt gặp pho tượng “ngàn tay ngàn mắt”, Quỳ đã nghĩ đến tập thể những người lính trong trung đoàn K, tôi đứng ngẩn ngơ trước bức tượng hồi lâu… lập tức tôi nghĩ ngay đến trung đoàn K, và anh ấy đang ở một nơi rất xa xôi cả hai vừa hoà chung vào nhau trong hình ảnh một con người có “ngàn mắt ngàn tay”.
Quỳ yêu Hoà tha thiết nên khi Hoà mất đi, một phần đời của Quỳ đã ra đi vậy: Như một con chim đã mất bạn … đến bây giờ tôi mới hiểu được, trong tất cả mọi sự mất mát thì mất một con người là không có gì bù đắp được, không sao lấy lại được, …
Nhân vật Quỳ gây ấn tượng trong người đọc không chỉ ở quan hệ tình cảm sâu nặng giữa chị và người trung đoàn trưởng tài ba: anh ấy quyết tâm làm một thánh nhân mà còn ở sự bao dung, năng lực thực tiễn của người phụ nữ tưởng như rất khó lý giải, rất khó hiểu về động cơ hành động của chị. Nếu như nhà văn không đụng đến vùng sâu thẩm nhất, nơi chất chứa những điều vừa thiêng liêng vừa cao cả là cõi tâm linh. Giữa những ngày bom đạn tàn sát sự sống, hàng ngày thương binh ứ đọng nơi mặt trận, Quỳ bỗng nhận ra: và trong một lúc tôi bỗng hiểu được như thế nào là người đàn bà. Tôi hiểu được chính tôi bấy lâu nay. Tôi đã trong thấy trong một phút tất cả các phần sâu thẳm như một thứ thiên phú riêng của tâm hồn những người đàn bà chúng tôi: đó chính là bản năng chăm lo lấy sự sống của con người - chính chúng tôi mang nặng đẻ đau sinh ra, …
3. Kết luận
3.1. Để trả lời ngắn gọn nhất cho câu hỏi văn học đổi mới sau 1975 là đổi mới cái gì? Chúng ta có thể không ngần ngại khẳng định, một trong những tiêu chí quan trọng nhất là đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người.
Đúng như Nguyễn Minh Châu đã từng nói Đã đến lúc phải nói với nhau rằng: đứng trước trách nhiệm xây dựng con người mới và một nền đạo đức mới … mỗi nhà văn chúng ta đang mang trọng trách như một nhà văn hoá.
Và Văn học bao giờ cũng phải trả lời câu hỏi của ngày hôm nay, bao giờ cũng phải đối thoại với người đương thời về những câu hỏi cáp bách của đời sống.
Cách nhìn về con người trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành nói riêng và các tác phẩm viết những năm giữa thập niên 1980 về sau nói chung đã có sự thay đổi rõ rệt. Đó là con người đa diện, đa chiều, phức tạp trong cách nghĩ, cách sống, cách hành động, … Ta có thể gặp một lão Nhĩ (Bến quê), người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa) hay người họa sĩ (Bức tranh), lão Khúng (Phiên chợ Giát)… là những nhân vật như thế. Tất cả họ đã góp phần khẳng định tên tuổi của Nguyễn Minh Châu – ông xứng danh là lá cờ tiên phong của văn học đổi mới sau 1975.
3.2. So với Nguyệt, Lãm (Mãnh trăng cuối rừng, 1976), Lữ (Dấu chân người lính, 1970), là những con người được xây dựng theo mẫu anh hùng thời đại. Họ có những “công thức chung” (tất nhiên chỉ hiểu theo nghĩa tương đối của nó) mà theo G.S Nguyễn Đăng Mạnh đó là các yếu tố không thể tách rời, không thể thiếu: yêu, căm, chiến, lạc. Và đây cũng có thể là những tiêu chí để phân biệt hai giai đoạn văn học: giai đoạn văn học minh họa (chữ dùng của Nguyễn Minh Châu) và văn học đổi mới (sau 1986).
3.3. Cuối cùng, có thể nó rằng, nhân vật trong văn học sử thi là những con người được tác giả đặt lên cao để ca ngợi, chiêm ngưỡng. Nhân vật trong văn học thời kỳ đổi mới đã được dân chủ hơn, nhà văn và nhân vật là “bạn đồng trang lứa”, từ đó, nhà văn sẵn sàng chỉ ra tất cả những ưu điểm, khuyết điểm của nhân vật mình. Đó là một biểu hiện quan trọng của việc thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người của văn học thời kỳ đổi mới./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Minh Châu, Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học, H. 2006
2. Phan Cự Đệ (2007), Truyện ngắn Việt Nam : Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Lâm Điền, Trần Văn Minh, Chuyên đề: Đổi mới của văn học Việt Nam sau năm 1975, Trường Đại học Cần Thơ.
4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên, 2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Kha, Đổi mới quan niệm về con người trong truyện Việt Nam 1975 – 2000, Nxb Đại học Quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh, 2006.
7. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.