Home » » BÀN VỀ VẠN VẬT - 2

BÀN VỀ VẠN VẬT - 2

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012 | 03:56

Xét theo thời gian
Trong triết học hiện đại, sự nhấn mạnh tới thời gian của khoa học hiện đại được diễn tả bằng khái niệm về tiến trình (concept of process). Từ đó ta có thuyết triết học tiến trình (philosophy of process). Giờ đây, khi cân nhắc một vật, chúng ta phải xem xét nó dưới ánh sáng của thời gian. Điều đó có nghĩa rằng biến đổi – hay vô thường – là một thực tế căn bản của vật.
Nếu trước đây, các triết gia có vấn đề giải thích sự vô thường trong cái một cách căn bản là thường tại thì ngày nay các nhà tư tưởng hiện đại phải giải quyết vấn đề thường tại trong cái một cách căn bản là vô thường. Có vẻ như chứùng cớ của kinh nghiệm chỉ dấu cho thấy rằng vạn vật vừa thường tại vừa vô thường.
2. Ý nghĩa của thường tại
Yếu tính không biến đổi
Khi bảo vật thường tại thông qua vô thường, tôi có ý nói rằng vật có cái lõi cốt tủy (an essential core) giúp lưu giữ những đặc tính khác nhau trong yếu tính (essence) của nó, vượt quá mọi biến đổi. Thí dụ trái ổi vẫn có những đặc tính làm thành yếu tính của trái ổi tuy trước đây xanh non nay chín vàng. Tuy thế, chúng ta sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn khi tìm cách xác định hay mô tả cái lõi cốt tủy ấy, hay nói như Duy thức tông là Chân như Diệu hữu.
Triết gia Anh *Francis H. Bradley (1846-1924) minh họa vấn đề đó bằng đôi vớ của nhà quí tộc John Curler. Có người tặng Curler đôi vớ dệt bằng tơ, mang vào rất êm mát, ông thích quá. Sau một thời gian, vớ thủng lòi ngón chân cái. Khi muốn vá, không có tơ sợi, Curler đành phải dùng chỉ sợi se bằng bông vải. Vớ thủng ngang đâu nhà quí tộc ấy vá ngang đó.
Theo thời gian, Curler vá hết lỗ này tới lỗ khác bằng chỉ bông vải. Cuối cùng, toàn bộ sợi tơ bị thay thế bằng sợi vải. Tới lúc đó, có phải cũng vẫn là đôi vớ ấy? Bradley cho rằng nó vẫn là đôi vớ ấy. Nếu thế, bản sắc (identity) của đôi vớ cốt ở chỗ nào trong khi toàn bộ nội dung của nó đã thay đổi?
Nhờ đâu nhận được người xưa
Cũng có thể minh họa vấn đề đó bằng khả năng nhận diện một người nào đó rất lâu bạn không gặp. Hôm qua, tôi tái ngộ một người bạn cũ, xa cách nhau mấy chục năm trời. Tôi có thể gọi tên anh ấy, trò chuyện với anh về một số kỷ niệm cả hai có chung dưới mái trường Providence – Thiên Hựu, Huế. Nhưng, làm thế nào tôi nhận ra người bạn thuở nhỏ đó?
Không thể do bởi thể xác của anh ấy, vì giống như đôi vớ của John Curler, mọi tế bào trong con người của bạn tôi đều đã bị thay thế. Cũng không phải bởi vóc dáng của anh ấy vì sau bốn chục năm xa cách, anh ngày càng mập ra, hoặc thậm chí không còn cân đối như lúc gặp nhau lần cuối, vào buổi chiều người bạn cùng lớp ấy trao cho tôi cuốn “lưu bút ngày xanh”!
Cũng không phải nhờ vẻ ngoài của anh ấy vì trong thời gian nhập ngũ, tham gia chiến trận, anh bị mất một cánh tay, vẹo mũi và trên mặt đầy sẹo. Cũng không phải vì lối nói lắp bắp của anh ấy vì tôi nhận ra anh không do bởi trò chuyện. Và dù gì đi nữa, những năm tháng quá khứ đã đè nặng lên đôi vai của bạn tôi trách nhiệm gia đình cùng công chuyện làm ăn khiến thái độ vui vẻ hoạt bát ngày nào nay đã biến thành thẩn thờ thất chí!
Đặt vấn đề
Dù có phân tích vấn đề ấy tới mấy đi nữa, tôi vẫn không thể tìm ra câu trả lời: tôi chắc chắn rằng anh ấy cũng vẫn là con người đó, tuy thế, tôi biết anh đang hoàn toàn khác. Làm thế nào một vật vừa vẫn là cái cũ vừa đang hoàn toàn khác?
Khi tôi viết những dòng này thì bên ngoài cửa sổ kia, xứ lạnh Canada đang mùa đông tuyết phủ, nhờ vậy tôi bỗng nhớ tới một thí dụ của triết gia Pháp *Henry Bergson (1859-1941).
Nếu tôi nắn một trái banh nhỏ bằng tuyết, và từ trên đầu dốc, tôi bắt đầu thả nó lăn xuống. Càng lăn theo triền dốc, nó càng bị tuyết bám theo. Tới khi nằm yên một chỗ ở cuối dốc, nó phình ra, lớn gấp mấy lần lúc mới bắt đầu lăn từ đầu dốc. Tuy vậy, tôi vẫn gọi, không chút lưỡng lự, rằng nó cũng vẫn là trái banh tuyết ấy tuy lúc này nó đang khác.
Có điều gì đó sai lầm khi cho rằng có một cốt lõi thiết yếu khiến cho trái banh tuyết ở cuối dốc vẫn là trái banh tuyết trên đầu dốc trong khi bản thân nó đã tích lũy thêm nhiều tuyết. Khi tôi dừng trái banh tuyết ấy lại trong thực tế hay chỉ trong ý nghĩ của tôi, bằng cụm từ “trái banh tuyết”, tôi có ý nói toàn bộ tuyết kết hợp với nhau làm thành một đối vật.
Quá trình tích lũy tuyết gia tăng kích cỡ nhưng không làm thay đổi bản tính của trái banh tuyết. Nóù chính là cái nó đang là ở bất cứ khoảnh khắc nào tôi xem xét nó. Thật phi lý khi cho rằng trái banh tuyết ấy có một bản tính thường trực và bất biến trong khi tuyết càng lúc càng bám theo nó. Chúng ta chỉ có thể nói rằng trái banh tuyết ấy là cái hiện hữu trong quá trình tích lũy tuyết.
Có phải tôi vẫn là tôi
Khi tôi hướng hành động xem xét đó sang bản thân, tôi thấy mình vẫn là một kiểu mẫu bản sắc xuyên qua biến đổi. Và tôi có khuynh hướng giả định rằng tôi là một cái tôi thường tại đối với những gì xảy ra, tới độ tôi có thể phân biệt mình với các trạng thái của mình và nói rằng các trạng thái thì biến đổi nhưng tôi vẫn tiếp tục tồn tại cái tôi ấy; nói theo kiểu thi sĩ “Tôi vẫn người tình muôn thuở ấy!”
Tôi chỉ có thể liên hệ với cái tôi ấy bằng phương cách độc nhất là nội quan (introspection), tức là tự mình xem xét nội tâm mình. Và dù có cố tới mấy đi nữa, tôi không bao giờ có thể tìm thấy cái tôi tách biệt với trạng thái của nó. Trong cuốn Treatise of Human Nature (Luận về bản tính con người, 1739-40) triết gia và sử gia Anh *David Hume (1711- 1776) kể lại:
“Về phần tôi, khi thăm dò thật sâu vào trong bản thân (myself), tôi luôn luôn quờ quạng theo sự nhận thức thế này này thế nọï, về nóng hay lạnh, sáng hay tối, yêu thương hay thù hận, đau đớn hay khoái lạc. Tôi chẳng bao giờ và chẳng lúc nào có thể bắt được bản thân mà không có nhận thức này nọ, và tôi luôn luôn chỉ có thể quan sát sự nhận thức, ngoài nó ra, chẳng có cái gì khác”.
Trong cuốn Đời không tâm điểm (Nxb Văn học, Hà Nội 2002), nơi trang 12, tôi có kể lại câu chuyện khi người mẹ của Pupul Jayakar hỏi *Krishnamurti (1895-1986) rằng liệu bà có gặp lại người chồng vừa qua đời, ở thế giới bên kia không. Vị đạo sư gốc Ấn Độ ấy đã hỏi lại bà rằng:
“Bà muốn tôi nói với bà rằng sau khi qua đời bà sẽ gặp lại chồng mình, có điều bà muốn gặp người đàn ông nào? Người đàn ông làm lễ thành hôn với bà, người đàn ông sống chung khi bà còn trẻ, người đàn ông đã từ trần hay người đàn ông hiện nay, người đã từng sống? [.] Người chồng nào bà muốn gặp lại?”
Chỉ là tích lũy trải nghiệm
Chừng nào chứng cớ của kinh nghiệm còn thao tác, chừng đó không có gì thường tại xuyên qua các biến đổi. Đó là lý do tại sao Henry Bergson nêu lên ý tưởng rằng cái tôi quả thật giống như trái banh tuyết; ngoài sự tích lũy các trải nghiệm nó không là cái gì khác.
Trong cuốn L’Evolution créatrice (Tiến hóa sáng tạo, 1907), triết gia Pháp ấy viết: “Trạng thái tâm lý của tôi – trong khi nó thăng tiến trên con đường thời gian – liên tục phình lên với quá trình tiếp diễn mà nó tích lủy; nó tiếp tục gia tăng – tiếp tục lăn trên chính nó, như trái banh tuyết lăn trên tuyết”.
3. Vật là biến cố
Tiến trình là tối hậu
Cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm đều đồng ý rằng tiến trình là tối hậu nhưng cả hai không đưa ra giải pháp rõ ràng cho vấn đề bản sắc cụ thể của nó. Triết gia duy tâm người Anh *Bernard Bosanquet (1848-1923), thừa nhận trong cuốn The Value and Destiny of the Individual (Giá trị và số mệnh của cá nhân, 1912) rằng không thể có giải pháp cho vấn đề ấy và rằng chúng ta phải chấp nhận “thực tại có vẻ là thế” (prima facie reality) của các cá thể (individuals) như một cái gì đó ta thấy mà không thể nào cắt nghĩa.
Trong cuốn Appearance and Reality (Vẻ ngoài và thực tại, 1893) Bradley cũng đưa lời quả quyết giống như thế: “Tôi thừa nhận sự kiện mang tính chất manh mún thật sự ấy (the fact of actual fragmentariness); chúng ta không thể giải thích. Kinh nghiệm hẳn thao tác tại các tâm điểm hữu hạn và khoác lấy hình thức “sự này” (thisness) hữu hạn ấy, đó là loại kinh nghiệm mà nói cho cùng không thể nào cắt nghĩa”.
Và khi quả quyết rằng con người chỉ là sản phẩm của môi trường vật chất (a product of material environment), người duy vật chủ nghĩa hẳn cũng đã đạt tới kết luận giống như thế.
Khuôn mẫu tồn tại trong điều chỉnh
Whitehead cố gắng giải quyết vấn đề ấy bằng cách nhận dạng tính thường trực của mỗi vật với khuôn mẫu được tìm thấy trong từng thực thể có thật (actual entity). Chúng ta thấy rằng mỗi cá thể có một khuôn mẫu hoặc một cấu trúc (structure) khiến nó hoàn toàn không mang tính tất định chủ nghĩa và được tự do tới một mức độ nào đó, vì khuôn mẫu cho phép cá thể chọn lọc các thành tố môi trường đang thâm nhập tiến trình lập thành nó. Khuôn mẫu được đồng hóa với mục đích chủ quan hoặc lý tưởng mà mỗi vật sở hữu.
Toàn bộ nội dung của “vật” biến đổi liên tục nhưng khuôn mẫu vừa tồn tại theo thời gian với sự điều chỉnh khả dĩ nào đó, vừa cung cấp định hướng cho sự tổng hợp. Nước trong vũng xoáy đến rồi đi, liên tục bị thay thế, và không có gì liên tục ngoại trừ khuôn mẫu vũng xoáy. Chừng nào còn có thể nói vũng xoáy ấy tồn tại thì chừng đó cái tồn tại chính là khuôn mẫu của nó chứ không phải nội dung của nó.
Từ đâu ra khuôn mẫu
Quan điểm ấy gợi lên câu hỏi quan trọng rằng khuôn mẫu đến từ đâu? Lời đáp của Whitehead cho câu hỏi đó vừa không rõ ràng vừa thiếu sức thuyết phục.
Các triết gia chấp nhận bản tính có hệ thống của các cá thể (the systematic nature of individuals), đã giả định hết sức khái quát rằng khuôn mẫu hay cấu trúc ấy, bằng cách này hoặc bằng cách khác, tiềm ẩn trong nội dung của chính nó. Giải pháp này phù hợp với khuynh hướng của vật lý học hiện đại khi phát biểu về vạn vật trong liên quan tới cấu trúc của chúng chứ không liên quan tới bản tính của chúng.
Vật là biến cố
Theo quan điểm thời hiện đại, từ ngữ “vật” (thing) làm người ta lầm đường lạc lối. Nên thay thế nó bằng từ ngữ “biến cố” hoặc “sự cố” (event). Chừng nào các biến cố còn được xem xét theo lý thuyết thực nghiệm, chừng đó phải xem xét chúng trong liên quan tới tiến trình và cấu trúc hoặc khuôn mẫu hình học (geometrical pattern).
Khuynh hướng hiện đại là nhận dạng bản thể hoặc vật bằng cấu trúc để thấy cấu trúc ấy, bằng cách này cách nọ được hàm chứa trong chính nội dung của nó, chứ không trong lớp tiềm ẩn bên dưới (substratum) mang tính bí nhiệm nào đó hoặc cái cốt lõi thường trực (permanent core) nào đó.
Cấu trúc trong tiến trình
Nếu vạn vật được thông giải là các nội dung được cấu trúc trong quá trình diễn tiến thì hẳn không thể quả quyết rằng vật tự nó sở hữu các phẩm tính (có tự tính, tự túc) và rằng có thể phân biệt chúng theo khả năng tồn tại bất biến xuyên qua sự biến đổi phẩm tính của mỗi vật (thường tại). Theo một ý nghĩa nào đó, mối liên hệ giữa vật và phẩm tính của nó phải rất mật thiết vì vật hoặc sự kiện phải được định nghĩa như một kết hợp các phẩm tính.
Điều này thêm lần nữa thể hiện sự đoạn tuyệt triệt để với triết học cổ truyền cũng như với cảm quan chung. Trái ổi có vẻ vẫn là trái ổi trong khi nó biến đổi từ xanh sang vàng. Lời phát biểu ấy hẳn sai vì theo triết học tiến trình, vật không bao giờ thật sự đang là mà nó lúc nào cũng đang trở thành.
Không thể phân biệt bất cứ vật nào với đặc tính của nó, cũng như không thể gắn liền bản thể (substance) với các thuộc tính (attributes) hay đặc tính (properties). Không thể phân biệt con người với đặc tính của nó, cũng không thể bảo phải ắt có thuộc tính này hay gồm đủ đặc tính nọ mới là con người.
IV. Khái niệm của Aristotle
1. Bản thể nguyên thủy
Aristotle, một trong các triết gia vĩ đại nhất của Hi Lạp, đã quan tâm tới vấn đề bản tính của vạn vật. Chúng ta có thể coi từ ngữ “vật” như bao hàm cái được Aristotle ngụ ý là bản thể nguyên thủy (primary substance). Ông định nghĩa bản thể nguyên thủy là “cái luôn luôn là chủ ngữ, không bao giờ là thuộc từ” (that which is always a subject and never a predicate).
Khi tôi nói “con trâu ấy khỏe”, chữ “khỏe” thay thế cho đặc tính hoặc thuộc tính, cái cũng có thể khẳng định một cách thích đáng rằng nó thuộc về con trâu ấy. Có nhiều đặc tính khác có thể là thuộc tính thích đáng của con trâu ấy, thí dụ cao một thước rưỡi. Tuy thế, tôi nhận thấy mình không bao giờ có thể xác nhận thuộc tính của một con trâu riêng biệt bằng bất cứ vật cá thể nào khác. Đó là điều được ngụ ý khi nói rằng nó luôn luôn là chủ ngữ và không bao giờ là thuộc từ.
Người ta không thể khẳng định bản thể này bằng một bản thể khác, giống như người ta không thể lập thành một câu thích đáng mà không có chủ từ. Quan sát thông thường đủ để chứng minh sự chính xác của phân tích ấy. Thế thì vấn đề là phát hiện cái gì lập thành bản thể nguyên thủy và làm cho nó khác với mọi vật khác.
2. Aristotle và vật chất
Vật chất là tiềm năng
Aristotle đoan chắc rằng mỗi vật là một kếp hợp của vật chất và dạng thức (combination of matter and form). Đối với Aristotle, vật chất không có nghĩa là các phân tử tối hậu đang chiếm lĩnh một phần không gian để loại bỏ các phân tử khác, như đối với Newton, và nếu chúng ta dẫn nhập ý tưởng này vào cuộc suy nghĩ của chúng ta về triết học của ông, nó sẽ làm lẫn lộn lung tung hết.
Có lẽ cách dễ dàng để nắm bắt điều Aristotle ngụ ý trong từ ngữ vật chất là chúng ta hãy nghĩ tới nó theo ý nghĩa nguyên liệu (sense of material) được dùng để làm thành các vật khác. Vật chất đối với bản thể cá thể (individual substance) giống như đồng đối với pho tượng, gỗ đối với chiếc bàn, nguyên liệu thô đối với sản phẩm đã hoàn tất. Do đó, vật chất là cái gì đó có tính tiềm năng (potential), giống như đồng là cái tiềm năng của pho tượng và gỗ là cái tiềm năng của chiếc bàn.
Vật chất nguyên sơ
Bạn có thể phản đối, bảo rằng đồng và gỗ là vật hoặc bản thể. Aristotle hẳn đồng ý với bạn. Nhưng minh họa ấy phải nhường chỗ cho một phân tích sâu thêm, rằng chúng ta sẽ hỏi cái gì là cái tiềm năng của đồng và gỗ. Nếu khám phá ra cái đó, chúng ta sẽ có vật chất liên quan tới các vật đó. Lúc đó chúng ta lại phải hỏi về vật chất của vật đó và cứ thế tiếp tục cho tới khi chúng ta đi tới giới hạn chót của chuỗi câu hỏi ấy, và ở đó chúng ta không còn có vật mà chỉ có cái tiềm năng của vật.
Khi đi tới cái không là vật mà chỉ là tiềm năng, tức là chúng ta tới vật chất nguyên sơ (prime matter) và ta có thể thấy ý nghĩa chân chính và trạng thái chân chính của vật chất. Bởi vì vật chất ấy chẳng là cái gì cả, nó không thể hiện hữu và chúng ta không thể nói nó là thế này hay thế nọ. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là gọi nó là cái tiềm năng đơn thuần (pure potentiality).
Khi Aristotle nói mọi vật trong vũ trụ là sự phối hợp của vật chất và dạng thức, chúng ta phải hiểu rằng mọi vật, về mặt lý thuyết, đều có thể phân tích thành cái tiềm năng như là một trong các mặt của nó.
3. Aristotle và dạng thức
Vật chất chưa là vật
Cái tiềm năng không là vật; nó không thể là vật cho tới khi có nó được hiện thực hóa. Aristotle quả quyết rằng việc đó được thực hiện thông qua dạng thức (form). Đất sét là cái tiềm năng của chén, nhưng nó không là chén cho tới khi nó nhận được dạng thức của chén.
Khi đã nhận được dạng thức, tiềm năng biến thành hiện thực; nó trở thành một vật được xác định rõ ràng.
Dạng thức hiện thực hóa vật
Do đó, chúng ta có thể cho rằng dạng thức là sự thực hiện cái tiềm năng, là việc làm cho vật trở thành cái nó đang là. Như thế, dạng thức không hiện hữu nếu không có cái gì đó đã được thực hiện thành dạng thức. Giống y như vật chất, dạng thức không thể tự nó hiện hữu; nó là khía cạnh bất phân ly của bất cứ vật hiện hữu nào. Dạng thức chén không hiện hữu khi chưa làm xong cái chén. Do đó, theo quan điểm của Aristotle, đó là sự phân tích thích đáng một vật và có thể thấy phân tích ấy áp dụng đúng cho bất cứ vật hiện hữu nào.
Dạng thức là cái làm cho vật trở thành một loại vật nhất định. Do đó dạng thức lập thành yếu tính của vật. Nó thiết yếu cho vật vì nó biến vật trở thành một loại nhất định. Nếu không có dạng thức, hạt bắp không thể trở thành cây bắp rồi trái bắp. Yếu tính của vật cũng chính là định nghĩa thích đáng về nó và được nắm bắt bởi lý trí.
Yếu tinh và bản tính
Khi chúng ta xem xét một vật theo ý nghĩa của nó hoặc theo cái nó đang là tức là chúng ta phát biểu về yếu tính (essence) của nó; nếu chúng ta quan tâm tới động thái (behaviour) của nó tức là chúng ta đề cập tới bản tính (nature) của nó. Yếu tính và bản tính là hai thuật ngữ đồng nghĩa; chúng chỉ biểu thị các cách thức khác nhau khi nhìn một vật; yếu tính thì tĩnh (static) còn bản tính thì động (dynamic).
Ở một đoạn trên, chúng ta đã vạch rõ rằng vật cá thể bị biến đổi xuyên qua thời gian. Vì thế, giải thích của Aristotle về vạn vật bằng yếu tính và bản tính nếu muốn ứng nghiệm, thì phải cắt nghĩa vấn đề đó. Có vẻ dạng thức của vật rõ ràng là không biến đổi, ngược lại, về mặt yếu tính, phát triển hẳn có nghĩa rằng vật biến thành cái gì đó khác một cách cốt tủy.
Dĩ nhiên, khi nói rằng đứa bé biến đổi thành người lớn chúng ta không có ý cho rằng nó thôi là con người. Nếu đứa bé ấy biến đổi thành con trâu hoặc con bò, chúng ta sẽ phải nói rằng yếu tính của nó bị biến đổi. Và điều đó không thể được.
Tùy thuộc của biến đổi
Biến đổi chỉ tùy thuộc vào ngẫu nhiên (accident) hay đặc tính (property) hay phẩm tính (quality) của vật. Hôm nay, Lê văn Tám hạnh phúc, nhưng hôm qua cậu ấy buồn. Hai trạng thái biến đổi ấy không ảnh hưởng lên yếu tính của Lê văn Tám.
Trong cuốn An Introduction to Philosophy (Nhập môn triết học, 1947), triết gia Pháp *Jacques Maritain (1882-1973), phát biểu rằng “Chừng nào một vật còn hiện hữu thì bản thể của nó không biến đổi”. Quan điểm ấy đưa tới hệ quả là có thể phân biệt rõ ràng vật và các phẩm tính của nó.
4. Học thuyết Thomas
Ảnh hưởng của Aristotle
Các tác phẩm của Aristotle được người A Rập lưu giữ suốt thời kỳ gọi là *Đêm trường Trung cổ, được các triết gia ở phần thế giới đó khai thác, góp phần làm thành *triết học Hồi giáo. Cuộc xâm lăng châu Âu của người A Rập cũng là cơ hội quí báu cho các học giả châu Âu tiếp cận chúng. Triết gia Ý và là nhà thần học vĩ đại của Công giáo La Mã *Thomas Aquinas (1225-1274) tìm thấy trong học thuyết Aristotle một cơ sở thích đáng cho triết học Kitô giáo về vũ trụ.
Aquinas biến cải chúng ở những chỗ cần thiết, cho thích hợp với ý tưởng Kitô giáo. Ngày nay, vì chủ thuyết của Thomas Aquinas (Thomism) được các triết gia Công giáo La Mã chấp nhận một cách tổng quát là triết học duy nhất và thỏa đáng nên ảnh hưởng của Aristotle vẫn còn mạnh mẽ trong thời đại chúng ta.
Thuyết của Thomas
Đối với người theo thuyết Thomas Aquinas, quan tâm nguyên thủy của triết học là sự thấu hiểu có tính trí thức bản tính của vạn vật. Họ phân biệt sắc nét triết học với khoa học thực nghiệm (empirical science).
Đối với họ, triết học quan tâm tới cái mà vật đang là trong khi nhà khoa học chỉ quan tâm tới tương quan của các vật; triết gia tìm kiếm tri thức về vật, trong khi đó khoa học gia không để ý tới bản tính của vật mà chỉ quan tâm tới khả năng có thể kiểm soát quá trình xảy ra hoặc có thể ngăn chận quá trình sản sinh các biến cố, từ những nguyên nhân phát khởi của nó.
Cũng đối với người theo thuyết Thomas, triết học là sự thẩm tra cao hơn khoa học vì tri thức chân chính về động thái chỉ có thể phát sinh từ tri thức về bản tính của vật. Vì bản tính của vật được vén lộ cho chúng ta qua các đặc tính (properties) hay phẩm tính (quality) của nó, nên tri thức chân chính phải mang tính phẩm tính. Lượng tính (quantity) là một trong các phương diện ngẫu nhiên của vật; chừng nào các nhà khoa học còn quan tâm tới lượng tính mà thôi, chừng đó họ vẫn ở một cấp bậc khác của sự trừu tượng hóa (a different level of abstraction) và họ không thể nào cung cấp tri thức xác thực.
Đổi từ thế kỷ 16
Từ thời của Galileo, triết học mang bản sắc Aristotle là đối tượng phê phán của các khoa học gia và triết gia. Các nhà khoa học thời đó quả quyết rằng lối tiếp cận hữu hiệu vào bản tính phải mang tính lượng tính, và thay thế sự phân loại bằng sự đo lường ở nơi nào có thể.
Theo người mang bản sắc Aristotle, lý trí quả thật nắm bắt được bản tính của vạn vật; và nếu động thái của một vật bị quyết định bởi bản tính của nó thì có lẽ cái độc nhất khoa học cần tới là quan sát giản dị và suy ngẫm hợp lý về các khái niệm được lý trí nắm bắt.
Trong khi nhấn mạnh thí nghiệm, khoa học hiện đại hoàn toàn chống lại sự suy ngẫm đơn thuần lý tính và ít chú ý tới sự quan sát đơn thuần.
V. Quan điểm hiện đại
1. Đặt cơ sở trên khoa học
Các dạng thức chắc nịch của Aristotle có tính bất biến, chúng là cái đã định trong sự phối hợp với vật chất, làm cho vật hiện hữu đúng cái nó đang là. Như một phối hợp của vật chất và dạng thức, vật được ứng xử theo lối loại suy (analogy) từ chủ từ trong một câu theo đó nó có thể được khẳng định hay bị phủ định. Như vậy, vật bị phân biệt với các phẩm tính của nó và có thể nói là nó sở hữu chúng.
Xét lại Aristotle
Triết gia Hoa Kỳ *John Dewey (1859-1952) tuyên bố rằng Aristotle đã bị lạc lối theo cấu trúc của ngôn ngữ và xem nó là hiển nhiên vì không câu nào có thể được diễn tả mà không có một danh từ (substantive), như thế phải hiện hữu trong bản tính một bản thể hỗ trợ cho những thuộc tính hoặc phẩm tính.
Dewey cho rằng không tìm thấy trong khoa học hiện đại yếu tố nào chứng minh cho khái niệm vật tồn tại bất biến (thường tại) trong khi các phẩm tính của nó bị biến đổi (vô thường), và rằng chỉ dẫn của khoa học thì chắc chắn tốt hơn chỉ dẫn của cấu trúc câu văn.
2. Cần giải thích bản thể
Hầu hết triết gia hiện đại đã bỏ rơi quan điểm có tính truyền thống Aristotle ấy. Họ cảm thấy bị tác động bởi khoa học định lượng (quantitative science) mới mẻ nhưng họ phải cần một khoảng thời gian mới thoát ra được ý tưởng về bản thể đang tiềm ẩn và sở hữu các thuộc tính. Như có thểâ thấy trong các tác phẩm của Descartes và triết gia Anh *John Locke (1632-1704), vấn đề là định nghĩa bản thể sao cho phù hợp với các đòi hỏi mang tính định lượng.
Ổn định trong biến đổi
Dường như cần phải giải thích về tính chất ổn định hiển nhiên của bản thể của một loại nào đó trong khi vật thuộc loại đó đang biến đổi, và cần phải đưa ra một hậu thuẫn nào đó cho các phẩm tính vốn có vẻ không có khả năng hiện hữu nếu chẳng có cái gì sở hữu chúng.
Cho tới thế kỷ 19 là lúc ý tưởng sở hữu ấy được người duy tâm chủ nghĩa đưa vào triết học, dường như chẳng có chọn lựa nào ngoài lối ứng xử với vạn vật như những thực thể thường tại có tự tính (self-contained permanent entities) và đang sở hữu phẩm tính.
VI. Tóm lược
Cái gì là vật
Người bình thường quan sát thế giới và cho rằng nó được làm thành bởi vạn vật. Đối với họ, đó là một giả định có chứng cớ nhất. Sự đồng thuận mang tính cảm quan chung đó không phải lúc nào cũng quá mạo hiểm như vẻ ngoài của nó vì khi cảm quan chung mâu thuẫn với những khám phá của khoa học thì phát sinh lòng ngờ vực mạnh mẽ tính chất chính xác của nó. Lúc đó, sự nan giải có phần nào tùy thuộc vấn đề ý nghĩa, và người ta thấy rằng những hàm ý trong từ ngữ “vật” chẳng rõ ràng chút nào.
Chúng ta đã nêu lên rằng theo cảm quan chung, vật có tự tính, độc lập và thường tại trong khi những đặc tính của nó bị biến đổi, và qua đó nó được nhận ra. Nếu đó là ý nghĩa của vật thì những giới hạn áp dụng của nó không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chắc chắn về mặt bình thường, ta có thể xếp loại những cái thấy rõ trước mắt như núi đồi, cỏ cây và loài người là vật nhưng nếu áp dụng từ ngữ “vật” cho những cái khó thấy, thí dụ một ánh chớp hoặc điện tử, thì chẳng dễ dàng chút nào.
Nếu có thể nhận ra vật nhờ sự tồn tại kéo dài của nó thì chúng ta hẳn hữu lý khi nêu lên câu hỏi rằng nó cần phải kéo dài trong bao lâu mới có thể được gọi là vật. Khôngï khó khăn lắm khi áp dụng từ ngữ “vật” cho các hiện tượng vật lý nhưng liệu có chính xác hay không khi gọi một ước vọng, một giấc mộng hay một ý tưởng là “vật”? Nếu không, căn cứ vào đâu để phân biệt? Nói rằng cái này có tính vật lý, cái kia có tính tinh thần tức là đã có tiên kiến (prejudge) về cái đó và đã quả quyết rằng có thể có sự phân biệt rõ rệt giữa hai thứ bậc.
Không có lớp tiềm ẩn
Nếu có ai đó tiếp tục quả quyết rằng vật có tự tính và độc lập, kẻ đó phải đương đầu với chứng cớ của khoa học hiện đại và triết học hiện đại, vì cả hai đều đồng ý rằng trong vũ trụ này không cái nào có hoặc có thể có đặc tính đó. Nếu ta cho rằng vật có một lớp tiềm ẩn nằm bên dưới (substratum) những biến đổi trạng thái của nó, giống như John Locke đã nói, thì ta phải chứng minh điều đó.
Nếu có lớp tiềm ẩn bên dưới ấy thì ta chỉ có thể biết tới nó bằng lý trí; nó không là một sự kiện mà ta có thể trải nghiệm, và khi dùng nó để giải thích các hiện tượng nhất định, nó hoàn toàn là một lý thuyết đáng ngờ.
Lúc đi vào cảnh giới lý thuyết, cách tốt là chúng ta phải chấp nhận lý thuyết nào có bằng cớ nhất; và toàn bộ bằng cớ khoa học có sẵn đều gợi cho thấy không có cái lớp tiềm ẩn bên dưới ấy. Còn nữa, nó thậm chí cũng không là một nguyên tắc hữu dụng dùng để giải thich.
Khoa học Aristotle
Khoa học mang bản sắc Aristotle tìm cách giải thích động thái của vật bằng bản tính của chúng và kết thúc với một số kết quả khá đặc biệt. Vì mỗi vật có một cùng đích nội tại (intrinsic end) nên có thể giải thích động thái của nó như một nỗ lực đạt tới cùng đích ấy. Tảng đá rơi xuống đất, sự rơi đó được giải thích bằng nỗ lực của tảng đá nhằm đạt tới nơi chốn tự nhiên của nó, và ngọn lửa hướng lên trời cũng được giải thích bằng lý do giống y như thế.
Kịch tác gia Pháp *Molière (1622-1673) chế giễu quan điểm đó bằng lời gợi ý rằng thuốc phiện làm người ta buồn ngủ vì công dụng thuốc ngủ của nó. Cũng thật thú vị khi ghi nhận giáo sư Vincent Edward Smith, một đại biểu hiện đại của thuyết Thomas, trong cuốn Philosophical Physics (Vật lý học triết lý, 1950) cũng sử dụng loại ngôn ngữ tương tự khi nói rằng: “Giấy sẽ được tẩy trắng khi gần hơi rất nóng vì thao tác ấy thích hợp với bản tính của giấy và đó là điều tốt nhất cho nó”. Các nhà khoa học hiện đại không chấp nhận giải pháp cho vấn đề động thái đặt cơ sở trên bất cứ lý thuyết nào về bản tính hoặc cùng đích nội tại, vì đối với họ, chúng chỉ là những giải pháp giả tạo.
Vật là kết liên phẩm tính
Rõ ràng chúng ta chỉ nhận ra vật nhờ các đặc tính của nó. Tri thức của chúng ta phải bắt đầu với các phẩm tính được quan sát bằng giác quan. Một số nhà tư tưởng hiện đại lập luận rằng vật chỉ là sự kết liên các phẩm tính, trong khi đó một số khác nhấn mạnh tới cấu trúc được phô diễn trong sự kết liên ấy, cái vốn tồn tại kéo dài trong khi các phẩm tính bị biến đổi.
Để hiểu hàmï ý của những lời quả quyết ấy, điều đầu tiên ta cần phải hiểu là từ ngữ phẩm tính có ngụ ý gì. Sự am hiểu thích đáng thuật ngữ “phẩm tính” có thể hữu ích trong việc am hiểu các đối tượng của kinh nghiệm.
Có một số triết gia hiện đại, đặc biệt những người đánh giá cao các lời tuyên bố mang tính cảm quan chung, hẳn sẽ không đồng ý với kết luận của chương này. Tuy thế người ta có thể quả quyết, với sự quan tâm tới các ngoại lệ, rằng tâm trạng hiện đại của triết học và khoa học đối lập với bất cứ khái niệm nào cho rằng vật là cái gì đó có tự tính, độc lập, tồn tại kéo dài xuyên thời gian, không bị biến đổi và sở hữu các phẩm tính.
Thế giới và vạn vật
Có thể tóm tắt tâm trạng hiện đại ấy bằng lời phát biểu của Bradley trong cuốn sách đã dẫn rằng: “Có thể yêu cầu người đọc suy ngẫm liệu chúng ta nay có còn lại cái gì được hiểu là vật không. Xét theo thực tế, khi chúng ta dùng từ ngữ “vật” thì thật khó mà nói cái gì được hiểu một cách tổng quát là nó”.
Từ điểm nhìn của khoa học hiện đại và triết học hiện đại, nay đã tới lúc phải buông bỏ một trong những giả định căn bản của người bình thường rằng thế giới này được làm thành bởi “vạn vật”. Sự nhấn mạnh tới thời gian hoặc quá trình diễn tiến đã vô hiệu hóa khái niệm về cái được gọi là độc lập với thời gian và đồng nhất vượt quá mọi dị biệt.
Đồng nhất trong dị biệt
Nếu có sự đồng nhất nào thì đó là sự đồng nhất trong dị biệt chứ không nằm ngoài hay vượt lên trên dị biệt, nghĩa là nó là loại đồng nhất mà chúng ta tìm thấy trong một hệ thống, thí dụ xã hội Việt Nam, cái vẫn tồn tại trong khi các phần tử của nó biến đổi.
Chừng nào vấn đề bản thể còn liên quan tới bản tính của vật, chừng đó phải thay đổi lối tiếp cận từ sự xem xét cái vẫn là đồng nhất trong khi các đặc tính của nó bị biến đổi tới cái, bằng cách này hay cách khác, liên kết một cách không thể tháo gỡ với các đặc tính tự chúng đang biến đổi.
Không tự tính chẳng độc lập
Bởi thế, chúng ta phải đặt câu hỏi về sự giả định mang tính cảm quan chung rằng từ ngữ “vật” quả thật có ý nghĩa gì? Trong một vũ trụ động (dynamic universe), không thể có thực thể nào có tự tính hay độc lập; mọi vật hẳn phải biểu lộ, bằng một hình thức nào đó, ảnh hưởng của môi trường.
Khi nhấn mạnh tới môi trường và được bổ sung bởi ý tưởng tiến trình, thì những cân nhắc tới biến đổi trở thành có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và việc sử dụng từ ngữ “biến cố” để chỉ các thực thể là cách mô tả tốt nhất.
Bằng thông giải này, vật không bao giờ thật sự đang là mà lúc nào cũng đang trở thành. Theo gợi ý của Bergson, có thể diễn tả nó như là một tích lũy kinh nghiệm. Không có bằng chứng về một bản ngã thường tại đang xuyên suốt kinh nghiệm như sợi chỉ xâu chuỗi cẩm thạch. Trong vũ trụ động, mọi biến cố đều tương tác và sự tách biệt vật này với vật khác không là điều có thật mà đúng hơn, đó chỉ là một hình thức trừu tượng hóa.
Kết luận này làm ta nhớ tới khái niệm Không tính của *Long Thọ, triết gia Trung quán tông của Phật giáo Đại thừa khoảng hai ngàn năm trước và khái niệm “hỗ tương nhiếp nhập” của Hoa nghiêm tông. (Xem Đại cương triết học Đông phương, chương Đại thừa, cùng một soan giả).
Triết học suy ngẫm và phê phán
Vấn đề về bản thể cho chúng ta thấy rõ chức năng của triết học. Triết học là một nỗ lực đơn thuần bằng sự suy ngẫm hợp lý để phê phán những giả định không bị tranh cãi về cuộc sống hằng ngày, được hướng dẫn bởi những thông tin sẵn có và tốt nhất. Nhưng triết học không bị giới hạn trong việc phê phán cảm quan chung; nó còn có chức năng thẩm tra các giả định của khoa học với một thái độ giống y như thế.
Ngoại trừ những giới hạn của tự thân lý trí con người, không thể có giới hạn nào đối với các vấn đề có thể phát sinh. Chỉ khi nàovượt qua hết thảy các giả định ấy bằng những thử thách cam go của phê phán, lúc đó chúng ta mới ở trong vị trí có thể hình thành lý thuyết tổng quát về bản tính của vũ trụ như một toàn bộ.
Kinh nghiệm và lý trí
Thế giới này là của chúng ta, nhưng để sở hữu nó và nhận biết nó, chúng ta phải tiếp cận nó với lòng khiêm tốn thích đáng nếu chúng ta muốn đạt tới cứu cánh đáng ao ước ấy.
Trong cuộc thẩm tra của chúng ta, kinh nghiệm là nguồn đầu tiên và là kiểm tra sau cùng, nhưng lý trí là công cụ độc nhất, nó biểu thị trong sự tự nguyên xem xét mọi chứng cớ và chỉ chấp nhận kết luận nào có kèm theo chứng cớ.n
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved