Đông
Á, Tây Âu hai văn minh có thể dung hòa được không?
|
|
Phạm
Quỳnh
Phạm Quỳnh-Luận giải văn học và triết học/ Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin- Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây |
|
|
|
Chúng ta bây giờ
như đương đứng vào chỗ giáp giới hai cái văn minh, văn minh Đông Á và văn
minh Tây Âu, một cái thì cũ kĩ mà là vốn có của ta, bỏ đi không nỡ, một cái
thì mới mẻ nhưng tự ngoài đem lại, thâu lấy cũng khó; nên nhiều người còn
phân vân không biết nên bỏ hẳn cũ mà theo mới, hay là có cách nào dung hòa
mới cũ cho được thỏa đáng hơn. Ở đời theo thời, lẽ sinh tồn xưa nay như thế,
bây giờ cả thế giới xu hướng về đường văn minh mới, thế tất phải hăng hái
bước lên cho theo kịp người; nhưng theo mới mà bỏ hẳn cũ thời cái lòng hoài
cổ của người ta không khỏi áy náy, lòng người còn áy náy thì chưa gọi là tiến
bộ được. Duy có cách dung hòa mới cũ cho vẹn cả hai là có lẽ hay hơn. Ấy phần
nhiều người biết nghĩ bây giờ ai cũng nghĩ như vậy. Song sự dung hòa ấy có
thể làm được không?- Người mình có thể kén chọn trong hai văn minh cái gì hay
thì lấy, cái gì dở thì bỏ, để bắt chước lấy những phương thuật khéo, máy móc
tài của Thái Tây, mà vẫn giữ được cái tinh thần cũ, luân lí xưa của nòi
giống? Văn minh có thể phân tách ra từng phần mà chọn, hay là một khối hồn
nhiên, muốn theo phải theo cả, muốn bỏ phải bỏ hết? Vấn đề ấy hiện nay chưa
giải quyết được, và trong nước ta đương bây giờ phái cấp tiến vẫn nóng nẩy bỏ
hết cũ để theo mới, mà phái bảo thủ thì còn dùng dằng muốn giữ lấy nền nếp
xưa.
Bác sĩ
Đông Á với Tây Âu
“Không biết vì
những duyên cớ gì, ví có thể giải được thì hay lắm, mà Đông Á đã chậm kém Tây
Âu về cái phần máy móc của đời người, cùng những cách ra công, dụng sức để
cho thông tỏ và sai khiến được máy móc ấy. Thái Tây dẫu không phải đã phát
minh ra cách trí cũng là đã biết đem các khoa cách trí ứng dụng ra việc đời;
vì thế mà giúp cho sự sinh hoạt về phần vật chất được sướng tiện hơn xưa
nhiều lắm, không những giúp cho kẻ có của, cái đó đã cố nhiên rồi, mà suy xét
cho kĩ, có lẽ người nghèo cũng được nhờ. Thái Tây đã tìm được cách cho một số
người có kế sinh hoạt được dễ dàng; nhưng cũng lại làm cho cái vẻ phong thú
của đời người hầu mất hết, làm cho cái trí quan niệm sâu xa tiêu mòn đi hết.
Ở các nước Thái Tây bây giờ, dễ không có gì danh giá bằng làm một nhà doanh
nghiệp, nghĩa là kinh doanh nghề nghiệp để cầu lợi lộc cho mình; không gì
danh giá bằng mưu tính sự sinh hoạt thế nào cho hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp
khiến được đời mình thêm sung sướng tiện lợi, bớt phiền nhiễu lôi thôi. Thứ
nhất là ở những dân những nước tân tạo (như nước Mĩ), chưa có văn hiến, chưa
có cổ điển gì, lại càng rõ rệt lắm; nhưng mà chính ở Âu châu là nơi có cổ
điển, có văn hiến, dần dần rồi cũng thế. Về phần riêng tôi không phải rằng
tôi cho cái thái độ đó là tiện thị, đáng khinh bỉ đâu, và quyết rằng Thái Tây
chỉ biết tôn cái “vật chất chủ nghĩa” mà thôi. Tôi vẫn tin rằng tựu trung có
một cái tư trào lớn đương tiến lên, tuy chưa phát ra mà cứ bình tĩnh xét có
thể gọi là một tư trào thuộc về tinh thần được. Thái Tây thực cũng có công về
đường tinh thần, chứ không phải không: Thái Tây cố làm tăng cao trình độ sinh
hoạt về đường vật chất để cho người ta được thêm nhàn hạ, thêm giáo dục, thêm
tư cách, và thêm có dịp nghiên tinh đàn tứ mà suy xét ngẫm nghĩ về sự đời, đó
là phần cốt yếu của sự văn hóa vậy. Thấy rằng Thái Tây chuyên trọng phần vật
chất ở đời mà quyết đoán rằng Thái Tây chỉ biết tôn cái “vật chất chủ nghĩa”,
thì chưa chắc đã là phải; Thái Tây chuyên trọng phần vật chất mà sự sinh hoạt
phải mạnh bạo, não lực nghị lực phải dùng nhiều, thật cổ lai tâm trí người ta
chưa từng có hoạt động như thế bao giờ.
“Tuy vậy mà sự
sinh hoạt của ta vội vàng hấp tấp quá, sự cạnh tranh thiên hình vạn trạng,
hết thảy đều mạnh bạo khó nhọc mà sức thần kinh phải dụng nhiều, thành ra tâm
não không được điều hòa mà nên quyết liệt. Như ở Đông phương thời xưa nay sự
sinh hoạt không có bao giờ cương cường như vậy. Đông phương vẫn giữ được sự
hành động với sự quan niệm hai bên điều hòa nhau. Tôi tưởng có điều hòa như
vậy mới gọi là văn minh. Sự điều hòa ấy, Thái Tây phải hồi phục lấy mới được,
về trước kia tôi vẫn nghĩ rằng Đông phương có thể giúp cho Tây phương phục
hồi được. Tôi vẫn nghĩ rằng hai văn minh của Đông phương và Tây phương đều có
khuyết điểm cả, muốn dung hòa lại làm một cho bao gồm được cả nhân loại, thời
hai bên phải học lẫn mượn lẫn của nhau mới được. Từ ngày đi du lịch ở Đông
phương thì tôi không dám quyết như thế nữa. Tôi xét ra văn minh là một cái
“toàn thể”. Mĩ thuật, tôn giáo cùng những thói cách ăn ở đều có liên hệ với
sự phát đạt về đường kinh tế, đường nghệ thuật. Tôi không dám chắc rằng một
dân một nước có thể châm chước mà chọn lọc được; không dám chắc rằng người
Đông phương có thể nói rằng: “Ta bắt chước Thái Tây những cách làm tàu trận,
lập xưởng máy, thuật trị bệnh; ta không bắt chước những sự hỗn độn trong xã
hội, sự vội vàng hấp tấp, sự thô bỉ nhọc nhằn, ta không bắt chước mà quá
trọng sự hoạt động như người Tây”. Cũng không dám chắc rằng người Tây phương
có thể nói: “Ta mượn cái tinh thần của Ấn Độ về tôn giáo, về tư tưởng; nhưng
ta cứ giữ lấy cái hơn cái khéo của ta trong nghề nghiệp, ta cứ giữ lấy những
chế độ dân chủ của ta, những khoa học thuyết lí và ứng dụng của ta”. Tây
phương có thể trông gương Đông phương mà tự khích lệ, không thể bắt chước
Đông phương được; mà Đông phương thì đã mượn Tây phương các nghệ thuật, thế
tất rồi phải mượn hết thảy. Vậy thời tôi thiết tưởng Tây phương rồi cũng có
ngày tự chấn chỉnh lại cho được điều hòa, không phải là trực tiếp thâu nhập
cái tinh thần của Đông phương đâu, nhưng là tự mình chấn chỉnh, vì đã lạm
dụng sức hoạt động quá, thế nào rồi cũng phải tỉnh ngộ. Tôi thiết nghĩ như
thế mà tôi lại dám dự đoán rằng Đông phương rồi sẽ theo ta mà cũng làm quá độ
như ta, dù muốn hay dù không muốn mặc lòng, đã tấn tới lên trình độ cao hơn
thì rồi cũng phải qua bấy nhiêu bước khó khăn như ta đã qua, không có đường
nào đi tắt mà mong tránh được.
Nói tóm lại thời
tôi tưởng rằng mĩ thuật, tư tưởng, tôn giáo ở Tây Phương rồi có ngày phục
hưng, mà là tự sức tinh thần của mình phấn phát mà hưng khởi lên, còn Đông
phương thời cái tinh thần cũ sẽ mất hết mà hưng khởi lên, rồi cũng tôn sùng
cái “vật chất chủ nghĩa” như Tây phương, kì cho đến ngày có thể tự mình phát
minh được một tinh thần mới vậy”.
Nguồn: Phạm Quỳnh-Luận giải văn học và
triết học/ Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin- Trung
|
Home »
VĂN HÓA HỌC
» Đông Á, Tây Âu hai văn minh có thể dung hòa được không?