Văn hóa là một
khái niệm mang nội hàm rất rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, rất khó để
các nhà nghiên cứu tìm một định nghĩa bao quát, nhưng nó cũng rất gần gũi vì nó
liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần và cách ứng xử của mỗi dân
tộc, tạo nên các nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, văn hóa đang được xem là một
nhân tố quan trọng của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong thời đại
toàn cầu hóa hiện nay.
Trong mọi nền văn
hóa, ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất để chuyển giao văn hóa, làm
cho văn hóa có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là một hệ
thống các ký hiệu có ý nghĩa chuẩn, giúp cho các thành viên trong xã hội có thể
truyền đạt được với nhau. Ngôn ngữ ảnh hưởng đến những cảm nhận, suy nghĩ của
con người về thế giới, đồng thời truyền đạt cho cá nhân những chuẩn tắc, giá
trị, sự chấp nhận quan trọng nhất của một nền văn hóa, tạo tiền đề cho sự sáng
tạo. Chính vì thế, việc thay đổi hay du nhập một ngôn ngữ mới vào một xã hội đã
trở thành vấn đề rất nhạy cảm tại nhiều nơi trên thế giới và là tiêu điểm cho
các cuộc tranh luận về vấn đề xã hội. Xét ở khía cạnh này, trong lịch sử hình
thành văn hóa Việt nam, nổi rõ hai bước ngoặt lớn, có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc
đến văn hóa Việt, và do đó, đến đời sống của dân tộc Việt nam, trong đó có lối
sống và văn học nghệ thuật, kéo dài hàng thế kỷ cho đến tận thời đại ngày nay.
Đó chính là sự xuất hiện của
chữ Nôm và chữ Quốc ngữ .
Theo các nhà
nghiên cứu, chữ Nôm xuất hiện ở Việt Nam dựa trên cơ sở chữ Hán của
người Trung quốc và âm Hán-Việt đã hình thành một cách có hệ thống ở Việt nam.
Dần dần, có những chữ Hán không ghi được âm Hán-Việt nên các chữ Nôm được sáng
tạo ra để ghi âm tiếng Việt, tạo thành các văn tự Nôm . Chữ Nôm hình thành và
phát triển khoảng từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX (về thời điểm chữ Nôm ra đời
vẫn còn nhiều tranh cãi). Cứ liệu sớm nhất về chữ Nôm là bài văn khắc trên quả
chuông Vân Bản năm 1076, thời nhà Lý, thế kỷ XI. Ban đầu, chữ Nôm thường dùng
để ghi tên người, tên đất, nhưng càng về sau, chữ Nôm càng trở nên phổ biến và
tìm thấy ý nghĩa trong đời sống văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, chữ Nôm chưa
bao giờ được các triều đại phong kiến coi là ngôn ngữ chính thống trên phương
diện nhà nước, trừ nhà Hồ đầu thế kỷ XV (1400-1407), nhà Tây Sơn cuối thế kỷ
XVIII (1788-1802), với số năm ít ỏi, đã từng có xu hướng sử dụng chữ Nôm trong
các văn bản hành chính . Sau khi Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc
vào năm 939, chữ Nôm được hoàn chỉnh dần dần và chỉ đến thế kỷ 13-15 mới được
dùng nhiều trong văn chương [1] …
Mặc dù lịch sử
hình thành chữ Nôm còn không ít vấn đề cần làm sáng tỏ, nhưng về ý nghĩa của sự
ra đời của chữ Nôm, các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định rằng : trong
suốt quãng thời gian tồn tại, chữ Nôm là công cụ duy nhất, hoàn toàn Việt nam,
ghi lại lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt. Chữ Nôm ra đời bắt nguồn từ ý thức
phản vệ của dân tộc chống lại xu hướng Hán hóa của người phương Bắc, khẳng định
tinh thần dân tộc của người Việt. Sự hình thành và phát triển của chữ Nôm, dù
nói gì chăng nữa, cũng mang đậm tính thuần Việt ở chỗ nó đi lên từ đòi hỏi của
đời sống Việt, nó được cư dân Việt nam chấp nhận trong nền văn hóa của mình mà
không cần một “sắc lệnh” nào từ giới cầm quyền.
Sự hình thành và
phát triển của chữ Nôm là bước ngoặt thứ nhất trong lịch sử ngôn ngữ văn tự của
người Việt và cũng là một bước ngoặt trong lịch sử văn hóa Việt nam, đáp ứng
đòi hỏi của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư,
suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt.
Mặc dù còn những
khiếm khuyết, chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng
văn hóa Việt, điều mà trước nó chữ Hán trên đất Việt không hề có được. Bắt đầu
từ thế kỷ 15 với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, kế đến thế kỷ 16 với Bạch Vân
Am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chữ Nôm đã chứng tỏ có nhiều khả năng diễn tả
không những tình cảm mà còn tư tưởng của người Việt. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực
văn học, chữ Nôm đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên một nền
văn học Việt nam rực rỡ xuyên suốt nhiều thế kỷ. Từ chữ Nôm, nền văn học Việt
nam sinh ra ba thể loại độc đáo của riêng Việt nam là Truyện thơ Nôm Lục
Bát, Ngâm Khúc (song thất lục bát) và Hát Nói (trong ca trù). Sự
sáng tạo đó đã để lại cho đời sau những di sản thơ Nôm vô giá, từ Nguyễn Thuyên
tức Hàn Thuyên (1229-?) với bài văn tế cá sấu, cũng là người đầu tiên dùng luật
thơ Đường vào thơ Nôm (nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn
luật), đến “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, (1380-1442)[5]
- danh nhân văn hóa thế giới; từ “Hồng Đức quốc âm thi tập” của Lê Thánh
Tông đến “Bạch Vân am thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm; từ “Đại Nam
quốc sử diễn ca” đến những bài thất ngôn bát cú bằng thơ Nôm của Hồ Xuân
Hương (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX), của Bà Huyện Thanh Quan
(thế kỷ XIX); đến dạng song thất lục bát trong “Chinh phụ ngâm” của Đoàn
Thị Điểm,“Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798); đến
truyện thơ lục bát kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1766-1820) -
danh nhân văn hóa thế giới, hay “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu…
Ngoài ra còn thi ca hát nói của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn-Công-Trứ… và
không ít những tác phẩm truyện Nôm khuyết danh khác như Thạch Sanh, Trê Cóc,
Nhị độ mai, Phan Trần, Tấm Cám, Lưu Bình Dương Lễ, Ngư tiều vấn đáp y thuật,
Kim thạch kỳ duyên, Nữ tú tài, v.v… và hàng ngàn tác phẩm chữ Nôm đủ các loại
như Truyện, Tuồng, Ngâm Khúc, Diễn Ca, Diễn Truyện, Thần Tích, Ngọc Phả, Thần
Sắc, Ðiều Ước, Tục Lệ, Ðịa Bạ, Gia Phả ... đang nằm rải rác trong các thư
viện trên thế giới, cũng như đang được cất giữ trong dân gian. Ngày nay, đã có
hơn 10.000 chữ Nôm đã được tổ chức Unicode Consortium cho mã số [1]
. “Văn dĩ tải đạo”, tư tưởng, cách sống, đức tin, nề nếp gia phong, tri thức
tiếp nhận, cách ứng xử, v..v.. - những thành tố của một nền văn hóa - chắc chắn
cũng theo đó mà có sự phát triển theo. Tất cả những thành tựu rực rỡ đó ngày
nay đã trở thành di sản văn hóa Việt nam, một số đã được thế giới công nhận và
vinh danh, cho thấy tầm vóc lớn lao của nó mà trước khi chữ Nôm ra đời không hề
có trong nền văn hóa Việt.
Áng văn Nôm Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị dưới tựa Thúy Kiều Truyện
tường chú và 6 câu thơ đầu
tường chú và 6 câu thơ đầu
Tóm lại, sự hình
thành và phát triển của chữ Nôm là một bước ngoặt trong lịch sử văn hóa Việt
nam. Chữ Nôm đã tạo nên những thành tựu rực rỡ làm phong phú kho tàng văn hóa
Việt nam, điều mà trước nó chữ Hán trên đất Việt không hề có được. Hơn nữa, cái
đặc sắc của bước ngoặt này là : nó do chính con người Việt nam tạo ra và phát
triển từ sức sống của dân tộc, từ sâu thẳm của bản sắc văn hóa đã được tạo dựng
ngàn năm của chính mình . Có lẽ vì vậy, con người Việt nam cùng với chữ Nôm là
những con người thuần Việt hơn bao giờ hết . Chữ Nôm đã góp phần to lớn trong
việc giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc Việt nam trên con đường tự khẳng
định mình vậy .
Không giống như sự
ra đời của chữ Nôm - một thể hiện của ý chí sống còn của tinh thần dân tộc về
mặt ngôn ngữ văn tự - chữ Quốc-ngữ ra đời trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác
biệt. Lịch sử đã khẳng định : không phải chữ Quốc-ngữ hình thành do đòi hỏi
của đời sống Việt, mà thực ra, chữ Quốc-ngữ hình thành theo hướng chung của
các giáo sĩ Tây Phương, họ muốn La-tinh hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn
truyền giáo của họ, trong đó có Việt nam, mở đầu cho sự xâm lăng và đô hộ của
thực dân Pháp với Việt nam suốt 80 năm sau này .
Như vậy đã rõ, từ một công cụ để
truyền giáo, chữ Quôc-ngữ đã trở thành một vũ khí xâm lăng, một ý đồ đồng hóa
về văn hóa, mà chủ nghĩa thực dân Pháp tiến hành với dân tộc Việt sau khi đã
đặt được bước chân xâm lược của chúng lên đất Việt.
Có lẽ từ “Mẫu
quốc” gán cho nước Pháp hình thành từ lúc này chăng ?
Sang đầu thế kỷ
20, chính quyền Pháp cho giải thể phép thi cử chữ Nho (1915 ở Bắc Kỳ, 1919 ở
Trung Kỳ) và đưa chữ Quốc-ngữ lên hàng văn tự chính thức bắt đầu từ năm 1908 ,
khép lại thời kỳ dùng chữ Nôm để truyền đạt tư duy cùng những cảm hứng của dân
tộc Việt . Lịch sử văn hóa Việt nam lật sang trang mới từ bước ngoặt này. Chữ
Nôm dần dần bị lu mờ và rồi chỉ còn là một hoài niệm buồn như nhà thơ
Vũ-Đình-Liên đã viết qua hình tượng “Ông Đồ” nổi tiếng : “…Giấy đỏ buồn
không thắm / Mực đọng trong nghiên sầu.../ Ông đồ vẫn ngồi đấy / Qua đường
không ai hay / Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài giời mưa bụi bay …/ Những người
muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ ?” .
Lịch sử là quá khứ
có mặt trong hiện tại, nó không chấp nhận chữ “nếu”. Sự xuất hiện của chữ
Quốc-ngữ từ tay kẻ xâm lược ngẫu nhiên đã mở đường cho văn hóa Việt nam một
chân trời mới chưa từng có sau cái bóng của Hán học. Chính vì vậy, nó được đón
nhận đầy hào hứng của giới trí thức thuở ấy mà sau này mang cái tên những người
“tân học”. Có thể nói rằng, sự ra đời và hoàn thiện chữ Quốc-ngữ, bên cạnh
những cái tên Pháp như A. de Rhodes, P. de Béhaine,... còn có vai trò cực kì
quan trọng của cộng đồng cư dân công giáo là những người sử dụng ngôn ngữ, và
phải tính đến ưu thế phát triển thống nhất trong nội tại tiếng Việt và công lao
của những người “tân học” tiên phong với những cái tên như Trương-Vĩnh-Ký,
Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và nhất là nhóm
Nam Phong v..v…vào những năm hai mươi của thế kỷ XX . Sự ra đời và hoàn
thiện chữ Quốc-ngữ như dạng thức ngày hôm nay là sự tác động tổng hoà của những
yếu tố khác nhau mà không thể thiếu đi một yếu tố nào trong những yếu tố đó.
"Nông cổ mín đàm" nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn") là tờ báo tiếng Việt viết về nông nghiệp và thương nghiệp phát hành thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn bằng chữ Quốc ngữ. do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa
Tờ báo ra đời góp phần thúc đẩy việc phát triển nền báo chí và văn học chữ
quốc ngữ tại Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung, Nông cổ mín đàm chính là
tờ báo tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam.
Về mặt văn học
nghệ thuật, như trong lĩnh vực thơ, sự gặp gỡ với các thi sĩ Pháp đã đem tới
cho tác gia Việt Nam
nguồn cảm hứng mới và những hình thức biểu đạt mới với chữ Quốc-ngữ, mà đỉnh
cao là phong trào Thơ mới. Trong lúc xã hội khám phá ra cá nhân, cái tôi, văn
hóa Việt có thêm một nhãn quan mới về vũ trụ, một quan niệm mới về nghệ thuật.
Từ đó lối sống chung và cách ứng xử trong xã hội cũng có những biến động sâu
sắc. Điều này được phản ánh rõ nét trong các tác phẩm văn chương những năm
30-40 của thế kỷ XX qua các sách báo, đặc biệt qua các tác phẩm của nhóm Tự lực
văn đoàn...với những tên tuổi như Nhất-Linh, Khái-Hưng, Thạch-Lam …và các nhà
văn hiện thực như Vũ-Trọng-Phụng, Nam-Cao, Nguyên-Hồng v..v..
Thế nhưng, trên
một nền tảng xã hội cực kỳ thấp kém bởi sự bần cùng hóa của chế độ thực dân
Pháp, với hơn 90% dân nghèo mù chữ bị “bỏ quên sau lũy tre xanh” , một thi đàn
Thơ mới nhỏ nhoi, một Tự lực văn đoàn đơn độc, cùng các báo chí bị kiểm duyệt
gắt gao, chữ Quốc-ngữ không tỏa được ánh hào quang nào đặc biệt trong văn hóa
Việt như chữ Nôm đã từng đạt được. Trái lại, văn hóa Việt bị dồn nén giữa cái
cũ (là “Ta”) và cái mới (là “Tây”) trong sự tìm đường cho một bản sắc văn hóa
của dân tộc. Cho đến khi chủ nghĩa Mác vào Việt nam mở đường thắng lợi cho công
cuộc giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước, bản sắc văn hóa của
dân tộc hình như vẫn bị bóng đen của sự xáo trộn văn hóa Đông-Tây mà sự ra đời
của chữ Quốc-ngữ đem lại. Cái hệ lụy, mà đến nay, người ta vẫn nói dân dã rằng
: nửa Ta nửa Tây, không phải là không có ý nghĩa sâu xa của nó .
Lịch sử nhân loại
không dễ tìm thấy một dân tộc nào giống như dân tộc Việt nam mà nền văn hóa bị
xáo trộn sâu sắc bởi sự ra đời của chữ viết của dân tộc mình và để khẳng định
một bản sắc văn hóa của dân tộc trong thời đại mới, giữa cái gọi là đậm đà
truyền thống dân tộc và giữa cái gọi là xã hội văn minh mà ta đang hướng tới.
Âu cũng là sự thử thách đầy nghiệt ngã của Tạo hóa, như một nhà triết thi thời
tiền chiến đã từng thổn thức:
Giống Việt đã bao
phen chìm nổi ,
Sóng sông Hồng trộn lẫn sóng Ngân giang ?
Đã từng qua bao thế hệ với thời gian ,
Hỏi có thể tử sinh cùng vũ trụ ?
(“Phấn đấu”/Minh-Tuyền Hoàng-Chí-Trị /1944)
Nhưng lịch sử cũng cho phép chúng ta tin tưởng vào sự phát triển của văn hóa Việt nam - một nền văn hóa của một dân tộc có truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước với vị thế đi lên của đất nước bên bờ biển Đông dữ dội nhưng đầy thơ mộng hôm nay ….
Sóng sông Hồng trộn lẫn sóng Ngân giang ?
Đã từng qua bao thế hệ với thời gian ,
Hỏi có thể tử sinh cùng vũ trụ ?
(“Phấn đấu”/Minh-Tuyền Hoàng-Chí-Trị /1944)
Nhưng lịch sử cũng cho phép chúng ta tin tưởng vào sự phát triển của văn hóa Việt nam - một nền văn hóa của một dân tộc có truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước với vị thế đi lên của đất nước bên bờ biển Đông dữ dội nhưng đầy thơ mộng hôm nay ….
Hà Nội, 05 / 01 / 2011
Tài liệu sử dụng :
[1]
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[2] Dương Quảng Hàm (1943). ViệtNam văn học sử yếu. Nxb Hội Nhà
văn, 1996, trang 178.
[3] GS Nguyễn Phú Phong - ViệtNam , Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội .
[4] Đào Duy Anh (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
[5] Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
[2] Dương Quảng Hàm (1943). Việt
[3] GS Nguyễn Phú Phong - Việt
[4] Đào Duy Anh (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc – Cấu tạo – Diễn biến. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
[5] Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.