Home » » Bông Súng Trắng

Bông Súng Trắng

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011 | 03:08

Bông Súng Trắng

Bông Súng Trắng Chiếc xe đò cũ kỹ , chật kín người , thở hồng hộc đưa chúng tôi đến chợ Tri Tôn , trời đã xế chiều . Cuộc chiến vừa lụi tàn nên đó đây hãy còn nguyên dấu tích đạn bom . Từ phía trái cạnh chiếc cầu sắt gỉ , chúng tôi phải sang xe ngồi thêm mươi cây số nữa , mới đến được nơi cần đến… Thuở ấy lối về Hòn Me , Hòn Đất (Kiên Giang ) là một con lộ trải dất đỏ lem lấm, nhỏ hẹp . Nó gập ghềnh men theo những triền đá lởm chởm, có đoạn nó uốn lượn bên một dòng kênh nhuốm phèn đỏ quạch mà ven bờ là những bụi dừa nước , ô rô, bình bát…chen chúc de ra như muốn chắn đường .

Bấy giờ nhà việc ban ấp Hòn chỉ là một túp lều bằng tre lá , nép bên ngôi chùa Khơme cổ . Ở đấy có những hàng cây thốt nốt nâu xù xì mang chòm lá vươn cao, trông giống như tóc người ốm lâu xõa xượi . Ra đón chúng tôi là một người đàn ông tròn trèm 50 tuổi , dáng dong dỏng cao, mặc bộ bà đen sờn bạc.Trên gương mặt xạm khô vì nắng gió của ông hằn vài vết sẹo đã chai và cánh tay trái bị cụt gần đến khủyu . Chính dáng dấp ấy khiến lòng tôi phấp phỏng , bởi e ngại tánh ý giống như hình dạng bên ngoài .

Đợi chiếc xe lam tuôn hết mớ đồ đạt lỉnh kỉnh , ông mới chậm rãi cho bọn tôi biết ông tên Sáu , trưởng tổ Đảng tạm kiêm nhiệm Trưởng ban ấp Hòn . Đang lúc mệt mỏi , tôi ngồi bệt xuống ghế tre rồi đảo mắt nhìn hết Hòn Đất lại Hòn Me . Vài chòm nhà dựng bằng cây tràm , lợp lá dừa nước… trống huơ, rệu rã ; dăm ba thửa ruộng đầy lau cỏ khô cằn . Đêm đó một mình tôi trên vạt tràm vênh nghe tiếng ếch nhái kêu, lá khua mà lo lắng, thao thức . Phần vì lần đầu xa nhà nên tôi nhớ mẹ , nhớ em ; phần khác bởi cha tôi làm việc cho chế độ cũ , còn đang ở nơi học tập .
Có lẽ chú Sáu đọc được ý nghĩ của tôi qua ánh mắt và bản khai lý lịch , nên chú thường đến trường , trò chuyện động viên : “Bà con , trẻ nhỏ ấp Hòn đói chữ lắm , trông thấy các thầy cô đến ai nấy đều mừng vui. Chú nói thật lòng , những người trẻ lại có học như cháu rất cần cho xã hội , cho cách mạng …Chú tin một khi đã mến người , mến cảnh , cháu sẽ không còn muốn rời bỏ chốn này đâu …”
Vâng , tôi đã không rời bỏ chốn ấy ngót mười năm .Và tất cả những gì tôi có được từ chốn ấy, dù trải qua hơn hai mươi năm , mỗi lần nhớ lại vẫn không nguôi xúc cảm.

Trong số đó, tôi nhớ thật nhiều cái không khí náo nức của ấ p Hòn vào những ngày đầu độc lập . Với cánh tay còn lại , chú Sáu cùng bà con , đồng đội tất bật bất kể ngày đêm . Nào là cất trường học , lập trạm xá, đón dân hồi cư,tìm thóc giống , tháo gỡ bom min vv…mà xét kĩ việc nào cũng gấp, cũng cần có chú. Có lần chúng tôi nhắc chú giữ gìn sức khoẻ, chú hề hà nói :” Nước nhà được giải phóng , vui lắm ! Mà lòng vui thì thân không thể bệnh . Ví có bệnh , nếu chưa theo ông bà ngay thì cũng cố làm một chút gì , kẻo phụ tình dân đã trông đợi nơi mình …”. Nghe chú Sáu nói vui mà sâu , chúng tôi chỉ còn biết ngó nhau cười theo , mà lòng cộm lên nỗi xốn xang.Bỗng dưng từng gốc cây , mỏm đá , con suối… xứ Hòn sao mà thân thương qúa đổi, chừng như bóng dáng các anh hùng, liệt sĩ vẫn còn lẩn khuất đó đây . Lặng ngắm những triền đồi trơ trụi bởi bom B52 cày xới , những cánh đồng quạnh quẽ chi chít hố bom; ngẫm lời chú nói càng thấm thía. Tôi tin đó không còn là lời nói mà chính là ngọn lửa ấm áp từ trái tim người Cộng sản đích thực, khi đứng trước những mất mát qúa lớn của quê hương , của đồng chí, đồng bào…

Sau này , dù được chú xem như con cháu, nhưng quãng đời xa của chú không ai biết được tỏ tường . Chắp nối lại lời kể của người này , người khác , chúng tôi đoán chừng cha mẹ chú ngày xưa nghèo lắm . Mới mười hai tuổi , chú phải rời nhà đi chăn bò, chăn vịt cho hội đồng Thu . Vừa lớn khôn chú đến với Cách mạng ,rồi được trên phân công đi chăn ngỗng , làm vệ sinh …trên Tòa Bố tỉnh . Việc lớn lộ , chú bị khảo tra đến chết đi, sống lại ; nhận lãnh án tù nơi Côn Đảo ngót 8 năm . Mãn hạn , chú lại tiếp tục cầm súng cùng bà con chống càn giữ đất . Trong một lần bị giặc vây bủa , để giải nguy cho đồng đội , chú bị miễng bom cắt mất một cánh tay …

…Sau ngày giải phóng , chú cùng vợ con lam lũ, giản dị như bao người dân ở ấp Hòn . Một mái lá đơn sơ nằm chon von bên ghềnh đá , vài công ruộng trũng tỉa cấy lúa , cà…Nhớ cơn lụt lớn năm 78 , như nhiều nơi khác , khắp xứ Hòn cũng trắng nước. Ruộng vườn , ao cá, vuông tôm…mất sạch ! Ai nấy đều đói lay lắt . Trong cảnh thừa nước, thừa mưa gió ấy , chú Sáu xăn quần chống xuồng băng đồng hơn mười cây số đến huyện vay lúa cứu dân . Biết vợ tôi có mang , ngoài phần bo bo chú còn chia thêm hơn nửa thúng giê gạo trắng ( sau tôi mới biết đó là phần ưu tiên của chú ) . Nghĩ đến nghĩa tình này , lần nào mắt tôi cũng cay !…

Mùa hè năm ngoái tôi có về thăm lại ấp Hòn . Xóm nhỏ khô cằn buổi nào giờ là một xã trù phú của huyện . Dọc theo con lộ trải nhựa phẳng phiu là những đồng lúa vàng mơ, những vườn xoài xanh trĩu trái . Tôi đã dành nhiều thời giờ đi thăm bà con xưa , học trò cũ; đến thắp hương trước bia mộ của các liệt sĩ. Và tôi đã đứng rất lâu bên mộ phần của chú Sáu – chú mất vì vết thương cũ tái phát- thầm hứa sẽ thận trọng nghĩ suy để không phải nuối tiếc những khi phải đối mặt với chông gai, với cám dỗ của cuộc đời. Bất giác tôi nhớ lại ngày chú dẫn chúng tôi căn cứ địa hang Hòn . Bên dưới hàng chữ đỏ còn in dấu trên vách đá ‘‘Vì lí tưởng Cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân …Tất cả hãy quên mình !’’, tôi ngờ rằng trong mắt chú có ánh trăng , khi chú say sưa nói về một miền xanh mênh mông rợp màu bông súng trắng …


Lời chú của người ghi chuyện:
Bài viết về một địa danh có thật , con người cùng sự việc có thật . Bỡi ngay sau ngày giải phóng tôi đã đến đấy dạy học . Trong ngót mười năm ở đó, tôi đã nhận được không ít tình cảm lẫn vật chất của bao tấm lòng , ngay cả khi bà con còn phải chạy ăn từng bữa … Tôi chỉ tiếc rằng nơi quê hương của những anh hùng , do khả năng viết hạn chế nên tôi chỉ miêu tả được một phần rất nhỏ những gì tốt đẹp nhất của TÌNH NGƯỜI

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved