Home » » TRẦN NINH HỒ

TRẦN NINH HỒ

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:43

Trần Ninh Hồ từ văn đến thơ và…
Trần Ninh Hồ là vậy, đằng sau cái vẻ khôi hài cười cợt, lãng tử phong tình ẩn chứa những nỗi niềm đắng chát, những trăn trở suy tư về sự biến thiên thời vận, sự quái đản của cuộc đời trong những guồng quay đảo lộn, khiến cho đôi mắt luôn nheo cười ấy nhiều lúc bỗng trở nên giá lạnh như băng.
Giở danh mục “Nhà văn ta đang làm gì?” tuần này (cái danh mục mà tôi đã cất công chuẩn bị từ hơn nửa năm nay), thấy tên bác Trần Ninh Hồ, thoạt tiên mừng lắm. Nhà anh ở ngay Ngã Tư Sở, gần khu phố nhà tôi, có thể ới một câu là đến. Nhưng sau vài phút nghĩ suy lại thấy hơi cấn cái. Cả làng văn ai cũng biết các nhà văn ta thường có tác phẩm ứng cử vào giải thưởng hàng năm của Hội và sẽ chính thức xét giải vào tháng 12. Mà tháng 12 lại sắp đến rồi, nếu bây giờ không chỉ nói riêng một vị thì… không khéo người ta lại nghĩ mình làm “phờ rờ” cho cánh hẩu cũng nên ấy chứ!
Nhưng việc phải làm cứ phải làm thôi. Vả lại ai chứ bác Trần Ninh Hồ đâu phải cái dân từng “lảo đảo trường ốc” bao lần lều chõng đi thi mà không đậu? Cách đây hơn chục năm (nếu không nhầm thì là năm 1996) anh đã từng “ẵm” giải thưởng thơ của Hội, chưa kể một xâu giải thưởng của báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Giải phóng… tính từ khi khởi nghiệp đến giờ, chưa kể hàng chục truyện ngắn hay, thơ hay được đưa vào tuyển tập, tổng tập văn học, vào sách giáo khoa, được ghi trên các “cây thơ” hoặc thả lên trời trong những dịp Hội Nhà văn tổ chức Ngày Thơ hàng năm rất là hoành tráng. Ô, nếu bây giờ đem những thành tích đó gộp vào, xếp lên chưa biết chừng còn cao vượt đầu tác giả, phải đến mét sáu, mét bảy, có dư ấy chứ!
Dân Kinh Bắc vốn nổi tiếng hào hoa bậc nhất, ai mà không kính nể. Chưa cần về đến Bên kia sông Đuống, chỉ quanh đất Hà Thành đây thôi khối anh tài, và trong nghiệp văn xem chừng vị nào cũng đã dày công tu luyện cả, ngoài sư ông Hoàng Cầm vừa viên tịch còn có các sư bác Nguyễn Bản, rồi các sư huynh Đỗ Chu, Nguyễn Phan Hách và cố nhiên không thể không tính đến sư… Hồ.
Không biết đến bao giờ tôi thành Phật thành tiên
Hai mươi tuổi làm sao tôi “tu” kịp
Tôi cũng không sao yêu những tính toán so đo trần tục
Tình yêu là một thứ điên điên, một thứ rất… phiền!
Đó là đoạn thơ trích trong bài Chuyện tình người trẻ tuổi của anh. Bài thơ được viết từ năm 1962, khi Trần mới mười chín tuổi, vừa đoạt giải thi Học sinh giỏi văn toàn quốc, lẽ ra được xét đặc cách vào đại học nhưng vì vướng tí thành phần nên anh đã tình nguyện đi Thanh niên xung phong, lên mãi trên Việt Bắc. Bài thơ phản ánh đúng tâm trạng tác giả lúc bấy giờ, vậy mà không hiểu sao mãi đến gần đây anh mới đưa vào tập thơ Nhớ và quên. Nhiều bài thơ khác cũng vậy, tác giả viết từ lâu rồi nhưng bây giờ mới cho ra mắt bạn đọc phải chăng vì thế mới sinh ra cái tiêu đề tập thơ như thế?
Em gieo tình yêu hồn nhiên như đèn toả sáng
Như dòng sông gieo hoa đỏ đôi bờ
Hoa cỏ thì toả hương sông mải trôi nào biết
Như ánh đèn đâu biết những trang thơ
Thơ viết từ ngày xửa ngày xưa đấy, bây giờ đọc vẫn tươi nguyên, như thể vừa mới viết xong còn chưa ráo mực, trách nào đến giờ anh vẫn cứ trẻ trai như thuở ấy.
Lại nói về chuyện nhớ và quên. Xung quanh chuyện này giữa tôi và Trần Ninh Hồ có một kỷ niệm, nhỏ thôi nhưng rất đáng nhớ. Cách đây hơn ba chục năm, hồi tôi mới tập tọng viết văn, khi đó người viết chưa nhiều như bây giờ và cái gọi là “văn học công nông binh” đang được đề cao nên ngay từ tác phẩm đầu tay, tôi đã được trao giải thưởng rồi được Hội Nhà văn triệu tập về dự trại sáng tác ở Quảng Bá. Tại đây có một dãy nhà tập thể dành cho cán bộ nhân viên đang công tác ở các cơ quan hội. Trần Ninh Hồ lúc đó làm biên tập viên báo Văn nghệ, được phân một căn hộ ở khu này. Anh có một mình nên buổi tối đi làm về thường la cà sang chỗ mấy anh em “trại viên” tán chuyện. Một lần vào phòng tôi, thấy có cuốn sổ ghi chép, anh liếc qua mấy trang rồi bảo: “Mày ghi chép linh tinh thế làm gì?” Tôi đáp: “Đây là em bắt chước bác Tô Hoài. Đọc cuốn Sổ tay viết văn của bác ấy thấy rất bổ ích, nên mới học theo”. Anh lắc đầu cười: “Mỗi người viết có một cách làm riêng. Tao thì ngược lại, chẳng bao giờ ghi chép. Cái gì cần nhớ sẽ nhớ, không cần nhớ sẽ quên. Mà văn chương nó hay ở cái mình nhớ chứ!”. Tôi nghe có lý, bèn bỏ luôn thói quen này. Quả nhiên càng về sau tôi càng thấy Trần Ninh Hồ nói đúng, mỗi khi viết cái gì, những gì cần nhớ lập tức được huy động, không cần đến sổ tay ghi chép, dù chỉ là để kiểm tra xem chi tiết mình viết ra có xác thực không như bác Tô Hoài dậy. Có lẽ cái cách của bác ấy là nhằm viết bút ký hay hồi ký chứ không chỉ nhằm viết truyện.
Hồi ấy Trần Ninh Hồ đã khá nổi tiếng. Anh mới ở chiến trường Đông Nam bộ về được ít lâu rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều vốn sống, lại đang sung sức, đầy hứng khởi, viết rất nhiều, hết truyện đến thơ, hết văn đến kịch, lại còn tạt ngang tạt ngửa, viết cả cho thiếu nhi và sưu tầm biên soạn các loại sách nghiên cứu nữa. Thôi thì đủ loại, ngòi bút tha hồ tung hứng, các báo tơi tới đặt bài. Có lần được báo Tiền phong giới thiệu hẳn một trang như nhà văn cỡ lớn, anh khoái quá sang rủ tôi lên mãi phố Bát Đàn gần chợ Đồng Xuân, đãi liền một lúc hai bát phở. Sau đó đi dạo quanh Bờ Hồ, trò chuyện, đọc thơ. Được ăn phở thì đương nhiên phải khen thơ rồi, nhưng quả là thơ anh hay thật. Cũng viết về Ngã ba Đồng Lộc, anh không sa vào tình trạng tả thực như nhiều người khác mà vẽ nên một cái gì đó rất mơ hồ nhưng đầy sức truyền cảm về sự hi sinh của những người nữ TNXP nơi tuyến lửa. Họ như những “vầng trăng sớm” lưu luyến bao nhiêu cái “ánh ngày” tươi sáng của cuộc đời này:
Một phương gió thổi qua chiều
Một màu mây với rất nhiều nhớ thương
Một con đường khuất trong sáng
Một vầng trăng sớm còn vương ánh ngày…
Theo trí nhớ của tôi thì thành công đầu tiên của Trần Ninh Hồ, hay nói cách khác là anh khởi nghiệp bằng văn (xuôi) chứ không phải thơ. Truyện ngắn anh viết cũng tài, năm 1971 đã được giải Nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ, gần như cùng lúc với cuộc thi Thơ mà Phạm Tiến Duật đoạt giải Nhất. Hồi ấy được giải báo Văn nghệ là ghê lắm, cụ Xuân Diệu khi trao giải cho Phạm Tiến Duật còn phải nhún mình nhận là “lão Ô thái tuế” và gọi anh là “Đại bàng non” kia mà. Nhưng cái mà Trần Ninh Hồ tâm huyết hơn cả và có lẽ cũng thành công hơn cả, vẫn là thơ. Có người nói rằng văn xuôi, nhất là tiểu thuyết với đặc thù và dung lượng của nó mới có thể chuyển tải hết những điều tác giả muốn nói cùng bạn đọc, nhưng với Trần Ninh Hồ, tôi lại cảm thấy hình như với thơ, anh nói được nhiều hơn, kí thác được nhiều hơn so với những gì anh viết ở thể loại khác. Người ta nói thơ anh rất phong tình, đúng vậy, nhưng đằng sau sự phong tình đó luôn được thể hiện bằng một cách nhìn riêng, đôi khi có vẻ như một nghịch lý. Thường thì các nhà thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên quyến rũ con người, làm say lòng người, nhưng anh thì ngược lại, chính vẻ đẹp con người quyến rũ thiên nhiên:
Mảnh vườn em qua ngày đó
Lá xanh bay theo tóc mềm
Cỏ xanh tràn theo gót nhỏ
Để giờ vườn hoá vô biên
Có lẽ do cách nhìn khác người như vậy, thường anh viết khá dễ dàng, nhìn đâu cũng ra được tứ thơ. Một đề tài muôn thuở như vầng trăng, anh có đến 16 bài tứ tuyệt, mỗi bài một góc nhìn, một phát hiện nhỏ thôi, nhưng thật thú vị:
Nhìn thế nào mà thấy cây đa
Cuội thổi sáo và trâu gặm cỏ
Ai xưa nghĩ chuyện này khi trăng tỏ
Có phải trong đêm người ấy xa nhà?
Hay trong bài Trăng hạ tuần, dù hơi phảng phất hương vị Đường thi, vẫn thể hiện cách nhìn riêng chỉ Trần Ninh Hồ mới có.
Có vầng trăng vàng thắm
rụng mãi vào đêm sâu
Hình như nó chạm đất
tan thành sương trắng đầu?
Hay là:
Mãi thức làm thơ mong tặng em
Hết trăng khuya khoắt lại chong đèn
Nào hay gương mặt em - thơ tặng
Mờ cả trăng khuya, nhạt cả đèn!
Ồ, thì ra cái gương mặt mà mình yêu dấu kia bao giờ cũng mang những nét đẹp tiềm ẩn đến mức không dễ gì thơ đạt tới. Và phải chăng vì thế, làm thơ về tình yêu, hay ta quen gọi là thơ tình, vẫn luôn là niềm đam mê của mỗi nhà thơ.

Các học thuyết, tuyên ngôn, cương lĩnh bây giờ
nhiều hơn cả thời “Bách gia chư tử” !
nhiều như thể triết học cũng… cập nhật!
như những bản tin
rào rào mưa đổ
làm mệt nhoài những computer!
Cứ tưng tửng khơi khơi như thế, vậy mà đôi khi làm người ta phải giật mình trước một điều gì đó, tưởng rất giản đơn nhưng vô cùng hệ trọng:
Kẻ yêu ta nhiều nhất chắc chắn là thời gian
Đã cho ta biết lẫy, biết bò, biết đứng dậy
Rồi biết nói. Ôi chao là biết nói
Giữa lạnh im. Chợt tất cả nồng nàn
Nhưng rồi kẻ coi thường ta nhiều nhất lại là Thời gian
Chẳng hề biết từng có ta đi đường nói cười giữa trời đất
Khi tất cả những đi đứng nói cười của ta kia không còn gì đáng nhớ thật
Chỉ là những bắt chước vụng về vô ích những - trôi - qua…
Không chỉ găm ý tưởng sâu xa vào trang viết, bên cạnh đó còn thể hiện một thái độ. Và thái độ của Trần Ninh Hồ trong thơ anh, cũng giống y cái tính ngỡ như tếu táo và láu lỉnh của anh, là một nụ cười rất “liền anh liền chị”:
Có cuộc thi văn chương dựng lên như xới vật
giải nọ giải kia như đánh cá, cua
Có người viết như giành cơm giật áo
Mới “lên đài” đã sặc máu ăn thua !
Người đi gặt gánh về toàn thóc lép
Cứ thấy rạ rơm là bảo… được mùa!
Nhưng những bài thơ tôi thích nhất của Trần Ninh Hồ, vẫn là các bài viết về cái sự “quên quên nhớ nhớ” của anh. Thật cảm động khi anh viết về nhà văn Nguyễn Khải sau khi ông mất ít lâu:
Điện thoại vẫn ở trong bộ nhớ
Đôi khi chợt bấm, vội thôi
Mỗi lần đi qua nơi ấy
Định ghé. Nhưng đâu còn người!

Phải bao ngày mới quen được
Rằng không còn nữa trên đời
Một người thường đi phía trước
Trên mọi khúc quanh đời tôi
Và phải chăng cũng do cái sự luôn “nhớ nhớ quên quên” ấy, thỉnh thoảng anh lại giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya:
Tôi thường có nhiều đêm choàng tỉnh
Mà không sao hiểu được vì sao
Mắt ráo hoảnh như chưa từng ngủ
Không bâng khuâng, không chút cồn cào
Cũng không có câu thơ nào đến cả
Những câu thơ từng ước vọng động trời
Chẳng có lẽ vô cùng tĩnh lặng
Và êm đềm đã đánh thức tôi?
Trần Ninh Hồ là vậy, đằng sau cái vẻ khôi hài cười cợt, lãng tử phong tình ẩn chứa những nỗi niềm đắng chát, những trăn trở suy tư về sự biến thiên thời vận, sự quái đản của cuộc đời trong những guồng quay đảo lộn, khiến cho đôi mắt luôn nheo cười ấy nhiều lúc bỗng trở nên giá lạnh như băng:
Nước mình làm gì có tuyết
Mà trong thơ tuyết đầy trời

Bảo giả ừ thì cũng giả
Bảo thật thì là thật thôi!

Tuyết không rơi ngoài trời đất
Mà hình như từ hồn người

Có thể hôm nay chưa tuyết
Mà ngày mai tuyết mới rơi?
Những câu thơ thao thức không yên như thế của Trần Ninh Hồ hình như rất đồng điệu với tâm trạng của nhà văn Đỗ Chu, đến mức ông đã lấy nó để mở đầu cho một vệt tuỳ bút “Tản mạn trước đèn” rất đặc sắc của mình in trên báo Văn nghệ cách đây chưa lâu:
Giật mình quen thói đèn khuya
Chợt buồn ai thức mà chưa với mình
Nào hay người chẳng vô tình
Trong mơ người cũng lặng thinh mà buồn…
Đọc Trần Ninh Hồ những năm gần đây, nhất là tập thơ Nhớ và quên ra đời năm 2008, có cảm giác anh đã đến độ lão thực, nhìn thấu mọi điều và đang có ý định lui về ở ẩn. Nhưng không phải vào nơi thâm sơn cùng cốc mà ở ẩn ngay giữa chốn thị thành. Ấy mới là cao! Hình như xưa nay kẻ thức giả vẫn khen nhau như vậy.
Nguyễn Đức Huệ
(Văn nghệ)

Nhà thơ Trần Ninh Hồ

Tên khai sinh: Trần Hữu Hỷ
Sinh ngày 23 tháng 7 năm 1943.
Quê quán: Làng Sen Hồ, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1976)
Tác phẩm chính:
- Thơ: Trăng hai mùa (1976); Viết cho một người (1990); Thấp thoáng trăm năm (1996); Giấc mơ vách núi (1999); Thơ gửi cho thơ (1999); Lữ thứ với con người (2004); Cho người tôi thương nhớ (2005); Nhớ và quên (2008)
- Tập truyện ngắn: Vườn hoa cổng ô (1976); Ở trận (1976); Điều không ngờ tới (1984); Thư cuối năm (1985).
- Bốn tập truyện ngắn và một tập truyện dài: Đường đến trường cho thiếu nhi
- Nhiều bài bình luận về lịch sử, văn học, nghệ thuật, xã hội trên báo…
Nhà thơ Trần Ninh Hồ và nhà văn Đỗ Chu (ảnh: SKĐS)

Con người trưởng thành theo năm tháng, người làm thơ cũng vậy. Càng sống nhiều, đi nhiều, tầm mắt càng rộng mở thì tư duy càng chín. Có trường hợp vì thế thành ra bị sốc, mất đi cảm xúc sáng tạo. Nhưng Trần Ninh Hồ luôn tỏ ra bền bỉ, không lỡ nhịp bao giờ. Nếu như trong các tập thơ trước đây, anh được xem làm nhà thơ lãng tử phong tình thì sau này anh lại nghiêng về sự chiêm nghiệm và đôi khi phản tỉnh:
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved