Home » » BẢO NINH

BẢO NINH

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:42

Bảo Ninh: Công chức mẫn cán trong cõi mộng
Người ta tin Bảo Ninh sẽ lại viết sách về chiến tranh. Đó mới chính là miền sáng tác luôn bảng lảng trong suốt cuộc đời ông. Nỗi buồn chiến tranh đã "vắt" biết bao nỗi đau, "chiết xuất" ra những câu chữ u uẩn, nhưng vẫn chưa hết.
Chương I: Người nổi tiếng
Với nhiều người thuộc thế hệ 7,8, 9X, trong một thế giới số bận rộn với những 'ngôi sao' nổi tiếng chỉ qua một đêm, giữa cuộc sống ào ạt náo nhiệt của thế kỷ 21. Bảo Ninh có lẽ sẽ là một cái tên xa lạ với những 'người đương thời' vốn đã có quá ít thời gian cho văn chương sách vở.
Thế nhưng, bỗng một ngày tên Bảo Ninh trở nên đặc biệt "hot' khi cuốn tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp văn chương của ông được "làm phim Hollywood", khiến sau này ông phải ra sức thanh minh "không phải Hollywood mà là một nhóm làm phim độc lập".
Nhưng có hề gì, miễn rằng ekip làm phim đó là những người đến từ quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Độc giả bỗng chợt nhớ ra rằng, văn chương Việt Nam đã từng có một Thân phận tình yêu đoạt giải thưởng của Hội nhà văn, và khi cuốn sách được trả lại tên nguyên bản Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ra mười mấy ngôn ngữ, nhiều lần được những tờ báo danh tiếng nhất thế giới đề cập.
Văn đàn Việt bỗng nhớ ra rằng đã có lúc họ từng xôn xao tranh cãi về khả năng đoạt giải Nobel của Bảo Ninh, và nhớ ra một nhà văn Bảo Ninh được coi là người cóp nhặt đầy đủ nhất, tỉ mỉ nhất, công phu nhất những nỗi đau từ chiến tranh mà những người cùng thế hệ ông, ở hai chiến tuyến, đã trải qua và cảm nhận. Chính họ, dù muốn hay không, cũng phải thừa nhận rằng Bảo Ninh đã làm việc mà họ đã không thể, không dám làm khi lưu giữ phơi bày những góc khác với những gì vốn đã được tung hô, đã quen thuộc.
Họ vừa nể, vừa phục, vừa nghi ngại Bảo Ninh; vừa muốn đưa tay ra vừa muốn rụt lại với những dòng chữ đắng đót tê tái. 'Thân phận' cuốn sách và tác giả của nó, lúc được tung hô lúc lại bắt buộc phải ẩn đi, lánh đi, náu mình bằng một cái tên khác để tồn tại. Cho đến một ngày người ta vượt qua được những rụt rè thời đại để trả lại vị trí đích thực của nó.
Và rồi một ngày nó bỗng được săn lùng ráo riết bởi "được làm phim Hollywood".
Không chỉ những độc giả trung thành của văn chương, ngay cả những người chưa từng nghĩ tới đọc tiểu thuyết, đặc biệt một cuốn sách nặng nề như Nỗi buồn chiến tranh, bỗng cũng nháo nhào tìm đọc, đôi khi chỉ vì một hy vọng mơ hồ về cuộc tuyển vai cho "phim Hollywood". Một cơn sốt mang tên Bảo Ninh bỗng chốc rầm rộ.
Bảo Ninh ở đâu lúc đó? Ông ngồi lỳ trong nhà, không nghe điện thoại, từ chối mọi lời mời gọi phỏng vấn sôi sục của các nhà báo, sẵn sàng làm nản lòng bất cứ người nào "muốn gặp tận mắt nhà văn có tác phẩm được người Mỹ làm phim".
Như con ốc rụt đầu vào vỏ, không phát ngôn, không chia sẻ dường như là cách sống vốn dĩ của Bảo Ninh không dễ bề thay đổi, nay lại càng khó khăn hơn cho ông để đóng vai 'người nổi tiếng'.
Rồi cũng chính ông, được cho là nguyên nhân khiến những sục sôi, những hy vọng của vô số nhà làm phim và cánh trẻ Việt khi đột ngột tuyên bố chia tay, khiến dự án làm phim bị bỏ dở. Từ săn đón ngưỡng mộ, dư luận lại hướng sang Bảo Ninh sự bực bội giận dữ, như thể ông đã cướp đi cơ hội của họ.
Bảo Ninh lại mất tăm, im lặng giữa mọi trách móc, tò mò, như thể con cá ngóc đầu lên mặt nước đớp không khí, rồi ắng lặng.
Nhà văn Bảo Ninh, Ảnh TTVH
Chương II: Cõi mộng
Dưới mặt nước ấy, con cá Bảo Ninh vẫn đang tỉ mẩn đóng vai một công chức mẫn cán, sáng mang cặp đi, chiều mang ô về, ở một tờ báo của giới văn chương vẫn giữ nguyên phong cách làm việc ở thế kỷ trước.
Có vẻ như vai diễn đó khá hợp với Bảo Ninh, lừ đừ đến, lừ đừ đi, lừ đừ nhìn cuộc đời trôi qua ô cửa.
Hỏi: cuộc sống hiện nay của ông thế nào? Cũng được
Ông thấy đời sống văn chương bây giờ ra sao, có tác phẩm nào ông đặc biệt chú ý không? Cũng tàm tạm.
Đi đi về về ở một cơ quan 'ngắc ngoải', thu nhập có đủ cho ông chu cấp gia đình? Cũng không tệ.
Bao giờ cuốn sách thứ hai của ông ra đời? Cũng chưa biết lúc nào.
Thật ra Bảo Ninh hoàn toàn có quyền 'năng động' như bao con người hợp thời hiện nay. Nhân dịp 'phim Hollywood', ông phải tích cực gặp nhà báo, phát ngôn hùng hồn, đưa ra những quan điểm ấn tượng, kế hoạch làm việc quan trọng, điện thoại luôn mở đầy bận rộn. Comple + cavat xênh xang ở sự kiện này kia, bắt tay vỗ vai hồ hởi... như cách người ta đang tích cực làm.
Bởi vì rất có thể, dù chẳng có cái phim Hollywood nào ra đời từ tiểu thuyết của ông, thì những lời mời từ các hãng phim, hãng truyền thông, công ty này khác... vẫn có thể chạy ùn ùn đến, như những tình huống thường thấy hiện nay.
Nhưng nếu vậy, đã thành một Bảo Ninh khác. Bảo Ninh này không thuộc nhóm đó. Ông sợ, ông ngại, ông chạy trốn, nương náu trong vỏ ốc quen thuộc.
Các câu chuyện của ông lúc nào cũng vậy, đều đều, bình bình, 'tàm tạm'... nửa mãn nguyện, nửa buông trôi, như thể cuộc sống này chỉ là nơi ông 'tạm trú', còn nơi ông thật chú ý, thật thiết tha, thật nhiệt huyết còn ở nơi nào đó.
Không ít người đã hỏi ông, nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh có phải chính là hiện thân của Bảo Ninh, lúc nào cũng bảng lảng trong những miền ký ức. Bảo Ninh ầm ừ: Cũng đúng. Kiên có rất nhiều điểm giống tôi, nhiều chuyện của Kiên được xây dựng từ cuộc đời tôi. Nói tôi là Kiên hay tôi là Kiên cũng chẳng sai.
Vậy còn Phương, Phương của Kiên chắc chính là người yêu, vợ ông bây giờ? Cũng không hẳn. Thật ra thời chúng tôi yêu nhau đơn giản lắm. Thích là yêu, yêu là cưới. Nói chuyện riêng vài lần coi như đã chấm, nắm được tay nhau là phải cưới rồi, đi quá nữa là chết. Dư luận xã hội ngày xưa khủng khiếp lắm.
Câu chuyện về ông luôn luôn như vậy, chậm rãi, lẻ tẻ, như ông đang vừa từ từ nhả ra từng con chữ, vừa nhấm nháp thưởng thức chúng.
Thực ra sau này Bảo Ninh đã ra mắt tập sách thứ hai, một tập truyện ngắn. Nhưng có lẽ cái bóng của Nỗi buồn chiến tranh quá lớn, nên độc giả văn chương vẻ như không hài lòng lắm, không để ý lắm đến nó, như thể Bảo Ninh còn nợ họ món nợ khá lớn. Tập truyện ngắn kia chỉ là phần 'trả lãi', chỉ tạm đủ để họ nhấm nháp chờ 'con nợ'.
Người ta phấp phỏng, hỏi han một 'nỗi buồn' mới, dễ đã cả mấy chục năm. Nhưng Bảo Ninh vẫn thế, ngúc ngắc đầu: đang viết, sẽ hoàn thành sớm. Người ta đoán già đoán non, cái đang viết ấy là gì: viễn tưởng trinh thám ư? Ít có khả năng. Hiện thực phê phán, hay gì gì đó chăng? Tất cả đều có thể.
Nhưng người ta tin hơn cả, Bảo Ninh sẽ lại cho ra đời một cuốn sách về chiến tranh. Có lẽ đó mới chính là miền sáng tác luôn bảng lảng trong suốt cuộc đời ông. Nỗi buồn chiến tranh đã "vắt" biết bao nỗi đau, "chiết xuất" ra những câu chữ u uẩn.
Nhưng người ta tin vẫn còn nhiều lắm những ẩn ức còn lưu giữ trong Bảo Ninh chưa được "chiết xuất" hết, và rằng ông vẫn còn ôm giữ, dành dụm và 'ủ men' chúng. Chứng minh qua những ánh nhìn xa xôi, những ưu tư lạc lõng, những buồn vui u uẩn bảng lảng như trong cơn mộng.
Chương cuối: Chờ đợi
Ông vẫn đi về chăm chỉ đúng hình mẫu của một công chức mẫn cán. Nhưng tôi tin, bên trong sự đi về tẻ nhạt, đầy vẻ yên phận đó là vỏ bọc để lớp men đang ủ chờ ngấu. Để rồi - như Bảo Ninh đã hứa khá nhiều - sớm cho ra những giọt sáng tạo sóng sánh.
Hy vọng lòng kiên nhẫn của những độc giả của ông không bị thử thách thêm nhiều nữa.

(tuanvietnam)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved