Nhà thơ Lê Đại Thanh- Người yêu chuyện cổ tích nước tôi
Nhà thơ Lê Đại Thanh xuất thân từ một gia đình trí thức. Ông sinh ngày 08/5/1907 tại Hải Phòng. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, Hội viên Hội Văn nghệ Hải Phòng từ ngày đầu thành lập 06/01/1964.
Chân dung nhà thơ Lê Đại Thanh qua nét vẽ của con trai ông - Hoạ sĩ Lê Đại Chúc |
Sau đó vào học trường Bonnal, nay là trường phổ thông trung học Ngô Quyền- Hải Phòng năm 1922 đỗ Certificat. Lên trung học Bảo hộ (trường Bưởi) Hà Nội học tiếp và tốt nghiệp bằng Diplome.
Cuộc đời làm thơ bắt đầu từ năm 1922 với cuộc thi thơ "Ngàn năm văn vật đất Thăng Long" của báo Đông Pháp, thể lệ và yêu cầu thi rất dễ dãi: "Ai gửi thơ về, bấp chấp hay dở, thất niêm thất luật đều cho lên khuôn" (!)
Tiếp đó thi vào ngành sư phạm, năm 1927 ra trường, được bổ về dạy học ở Nam Định Năm 1932 đổi đi Hoà Bình. Năm 1934 lên Cao Bằng. Cuối cùng, năm1941, trở về dạy ở Hải Phòng.
Lê Đại Thanh vừa dạy học, viết báo, làm thơ, viết kịch và diễn kịch. Được giải thưỏng báo Ngày Nay (của Tự Lực văn đoàn) với vở "Hai người trọ học", cùng năm với hai giải chính thức "Kim Tiền" của Vi Huyền Đắc và "Bỉ Vỏ" của Nguyên Hồng. Trong năm 1936-1945 thường viết cho các báo Đông Tây, Ngày Nay, Chuyện đời. Năm 1940, tham gia nhiều phong trào hoạt động cách mạng Hải Phòng, do đó năm 1945 bị chính quyền Nhật bắt giam ba tháng.
Tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám và được cử phụ trách công tác tuyên truyền của Uỷ ban cách mạng lâm thời Hải Phòng. Trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động ở liên khu Ba, từng là phó giám đốc Sở tuyên truyền liên khu Ba, sau đó chuyển sang hoạt động trong Hội văn hoá cứu quốc.
Tham gia Đại hội thành lập Hội văn nghệ Việt Nam (1948). Sau năm 1954, là cán bộ biên tập tuần báo Văn nghệ. Sau đó chuyển về sống và viết tại Hải Phòng cho đến khi qua đời.
*
Cuộc đời nhà thơ Lê Đại Thanh có nhiều điều lạ, theo nhà thơ Vân Long trong cuốn sách: "Những gương mặt những trang đời". Năm 1932-1935 ông dạy học ở Hoà Bình và Nước Hai. Học trò của ông là Nam Cao và tướng Bằng Giang. Ông là diễn viên, rồi đạo diễn, sau đứng ra thành lập đội kịch lấy tên là Lê Đại Thanh - Lan Sơn. Năm 1940, ông tham gia nhóm hoạt động cách mạng của Nguyễn Công Mỹ, bán báo bí mật, mua súng ngắn gửi lên chiến khu. Những năm chộn rộn sục sôi trước Cách mạng Tháng Tám, bài thơ đầu tiên của ông in ra 3000 bản tán phát như truyền đơn đó là bài Chương Dương hành khúc bài thơ dài gần trăm câu độc vận. Bài thơ chứa đầy hào khí, ông từng ngâm sang sảng giữa nhà hát Tây:
Đêm nay trăng tỏ soi trăm dặm
Lau kiếm trường vĩnh biệt thê nhi
Ngày mai đi giữa rừng thương giáo
Hành quân mắt rõi bóng tinh kỳ
Năm 1945 ông đứng trong Uỷ ban Cách mạng lâm thời Hải Phòng. Nếu ông cứ đi đường hành chính không có sai phạm gì, hẳn khi về hưu ông đã có một chức vụ đáng kể nhưng máu nghệ sĩ trong ông đã lái ông sang một số phận khác...
Người vợ thân yêu của nhà thơ Lê Đại Thanh, bà Đinh Ngọc Anh là con gái nhà Vạn An Trường, một trong vài ba "danh gia" như Vạn Vân, Bạch Thái Bưởi... của Hải Phòng xưa. Bà Đinh Ngọc Anh có thời hoạt động trong đoàn kịch Gió Biển, từng đóng vai bà mẹ trong vở "Bức ảnh" của Nguyễn Văn Niêm. Năm 1956 bà là người đầu tiên đóng vai người con gái đất đỏ Võ Thị Sáu.
Các con của ông bà đều là những nghệ sĩ nổi tiếng.
Chị Lê Mai nghệ sĩ sân khấu lấy nghệ sĩ Trần Tiến sinh được ba người con gái: Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi, đều là những nghệ sĩ tài danh.
Người con trai cả của ông bà: anh Lê Đại Châu. Bút danh Lê Minh Châu là một trong những hội viên tham gia thành lập Chi hội Văn nghệ Hải Phòng. Đã có thơ, truyện và ký đăng trên các tập sáng tác của Hải Phòng và các nhà xuất bản Lao Động, Thanh Niên từ nhũng năm 1960.
Người con trai út của ông bà: anh Lê Chức, trước là diễn viên của đoàn kịch nói Hải Phòng, rồi Giám đốc nhà hát Cải lương, rồi phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; từng đạo diễn nhiều vở như Lôi Vũ, Nỗi đau tình mẹ, Trả lại tên cho anh, Một nửa đi tìm... Giống như bố, cùng với sự nghiệp sân khấu anh cũng làm thơ. Tập thơ đầu tiên của anh: Từng ngày của mặt trời, NXB Hội nhà văn 1995.
Người con trai thứ năm của ông bà: Hoạ sĩ Lê Đại Chúc. Nhà bình luận mỹ thuật Pháp Cyryl Lapointe nhận xét: "Lê Đại Chúc là một hoạ sĩ đúng với nghĩa của từ này. Ông đã vượt qua được cái hời hợt bên ngoài cổ truyền và hiện đại, lãng mạng hay hiện thực, trừu tượng hay tượng trưng". Lê Đại Chúc rất thích vẽ chân dung, có lẽ bức chân dung nhà thơ Lê Đại Thanh là bức đẹp nhất thể hiện sự cao quý, sự huyền bí đã được bán ở Mỹ với giá 6.000 đô la.
Ở Việt Nam hiếm gia đình nào ba thế hệ đều làm nghệ thuật mà toàn những người nổi tiếng như gia đình nhà thơ Lê Đại Thanh!
Nhà thơ Lê Đại Thanh sống gần hết thế kỷ 20 (1907-1996) ông có hơn 70 năm gắn bó với THƠ với Hải Phòng, các thế hệ cầm bút ít nhiều đều có những kỷ niệm về ông. Ông từng đi bộ ra các huyện ngoại thành như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo gặp gỡ các bạn làm thơ trẻ để góp ý thơ các bạn làm thơ trong thành phố thì thường xuyên được gặp ông. Bao giờ ông cũng nồng nhiệt đọc thơ, chép tặng thơ. Ông ít khi lưu bản thảo và gửi bài đăng báo. Nhiều người kể khi gặp ông, lúc chia tay ông cũng đấm mạnh tay xuống bàn: Mặt trời thi ca sẽ mọc ở nơi này! người nghe như được tiếp thêm sức mạnh!
Năm 1956 hai bài thơ "Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi" và "Đám cưới chuột đỏ xanh" của nhà thơ Lê Đại Thanh ra mắt bạn đọc lập tức gây tiếng vang và nằm trong sổ tay người yêu thơ, thế mà đến tháng 7-1987 tập thơ duy nhất Những ngôi sao biển gồm 33 bài thơ NXB Hải Phòng ấn hành chào đời! sau này tập hợp in chung trong Tuyển tập thơ và hoạ của ba cha con: Lê Đại Thanh, Lê Chức, Lê Đại Chúc.
Nhà thơ Lê Đại Thanh người mê say thơ suốt đời, là tấm gương lao động lấy chất lượng làm đầu vì thế năm tháng đi qua người yêu thơ vẫn nhớ tới ông một nhà thơ đích thực: Cả cuộc đời đắm đuối vì THƠ!
Trần Quốc Minh
-------------
* Giới thiệu một số bài thơ của Nhà thơ Lê Đại Thanh
Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi
Tôi khổ như chàng trai tương tư
Tìm em hò hẹn tự bao giờ
Em là cô gái đi hài đỏ
Rắc bướm hoa vào những giấc mơ
Tôi bé nhưng tôi đã biết rồi
Em là cô Tấm của đời tôi
Bụt về cả những đêm tôi khóc
Đám hội làng bên chẳng được mời
Nước mắt em là chuỗi ngọc xanh
Mắt tôi sông nước sáng long lanh
Em ngồi đãi thóc chiêm mùa trộn
Tôi bắt chim vàng thả lượn quanh
Tôi yêu Sơn Tinh chòm râu thưa
Thắt núi quả bồng gọi gió mưa
Mây bay
bão chuyển
tan sông nước
Thuỷ Tinh thua trận lạy xin chừa
Cô gái nhà bên mặc áo nâu
Sọ Dừa lăn lóc đợi chăn trâu
Giáng Kiều câu chuyện người xưa kể
Hiện giữa tờ tranh hội Bích Câu
Rồi lớn khôn tôi bỏ giếng làng
Giậu hoa kèn tím mảnh đây lang
Tôi mơ cưỡi ngựa cầm roi sắt
Giết giặc Ân trên các nẻo đường
Mây bắc cầu vồng chân núi lụa
Gió rung nắng ngọc xóm hoa đào
Tôi là Từ Thức về thăm động
Cây lá đêm rừng mũ đội sao
Em tuổi hai mươi mắt sáng ngời
Yêu anh bộ đội đón mừng tôi
Bát chè tươi
khói xanh
men ngọt
Tôi uống chè hay uống mắt ai
Tổ quốc tôi giàu chuyện ái ân
Chuyện thần tiên đến với nhân dân
Nước tôi (cô Tấm bao người giúp )
Hất một ngai vàng sụp dưới chân
Đất hẹp trôi nhanh biển sóng người
Từng trang thần thoại sáng trong tôi
Em là cô gái đi hài đỏ
Trẩy hội đêm trăng vượt núi đồi
Tổ quốc trưởng thành bao Thánh Gióng
Sơn Tinh đuổi giặc núi Ba vì
Giặc bò lổm ngổm như cua cáy
Tôi nhổ tre làng trụi lối đi
Câu chuyện người xưa hoá chuyện mình
Thạch Sanh cầm búa chém trăn tinh
Cung thần bắn gãy đôi xương cánh
Đại Bàng bay quanh vùng Khe Sanh
Tiên Dung gặp mặt Chử Đổng Tử
Một đêm xây dựng một đô thành
Cổ tích điểm tô trang lịch sử
Tổ quốc tôi cười đôi mắt xinh.
Đám cưới Chuột đỏ xanh
Tôi nhớ ngày xưa mẹ già đón Tết
Phiên chợ cuối năm mua tờ tranh đám cưới chuột
Chuột lớn
Chuột con
Chuột đỏ
Chuột xanh
Đánh trống, thổi kèn, râu ngửa vênh vênh
Chuột chú rể ngồi trên lưng ngựa trắng
Cầm roi liễu
Mắt nhìn cao lơ lẳng
Chuột cô dâu che quạt tím theo sau
Khênh kiệu son có bốn chuột khênh hầu
Âm nhạc: sáo, tiêu, nhị, hồ, trống bỏi
Đàn chuột đi vui như ngày trẩy hội
Tâm hồn tôi
Mảnh kính ánh muôn màu
Sáng từng giây lộng lẫy giữa đêm sâu
Giấc mơ nhỏ
có bướm vàng hoa lá
Tôi mơ ước tôi là chàng phò mã
Gặp em là cô gái đi hài thêu
Tuổi ấu thơ chưa rõ ý thương yêu
Chuyện thần thoại sáng vì sao tưởng tượng
Yêu đát nước người nông dân đồng ruộng
Mỗi xuân về bôi phấn vẽ tranh
Tranh lợn
Tranh gà
Đám cưới chuột đỏ xanh
Cô Tố nữ thoa son moi hồng cánh kiến
Mặt vách nhà tôi mỗi ngày Tết đến
Chú cóc cầm roi dạy học nghiêm trang
Chị ỉn lưng xanh
Anh ỉn khoanh vàng
Đủng đỉnh khoe màu giữa lòng đêm tối
Em đến đời tôi mùa xuân mở hội
Cô gái rơi hài mặc áo cô dâu
Nhà nghèo đám cưới vải nâu
Chiếc nón tỉnh Thanh lá gồi bẻ trắng
Em đến đời tôi bốn mùa mưa nắng
Đêm sáng trăng đập lúa sân rêu
Tôi vẫn mơ
em mặc yếm
phẩm điều
Tôi cưỡi ngựa đi giữa đường võng lọng
Rồi khói lửa thắt khăn tang cuộc sống
Không giết nổi người nông dân lao động
Yêu tranh lợn gà như yêu vợ yêu con
Mỗi xuân về cô Tố nữ thoa son
Lại gẩy đàn tranh gõ xênh đón Tết
Đất nước Việt Nam ngàn năm bất diệt
Màu phẩm son, bàn khắc mộc đơn sơ
Còn người tôn trọng đời thơ
Còn người xây dựng giấc mơ tâm tình
Đám cưới chuột đỏ xanh
Âm thầm kéo quân đi trên vách
Chiếc roi tre điểm sách
Họ cóc học đánh vần
Vợ chồng nhà ỉn kiễng chân
Xoắn tít cái đuôi đinh ốc.
Hà Nội 1956
Ngây thơ
Ú tim
Em đi tìm
Tôi đi nấp
Chân lý bên này bên kia trái đất
Ta yêu con người ta mãi tìm nhau
Sân gạch : Đại dương
Xếp đá
Làm cầu
Ú oà !
Tôi đi ra
Em vào bóng tối
Mười ngón tay mành mành đan vội
Em nhìn thấy tôi em mãi đi tìm
Tôi biết em mở mắt mà tôi không nói
Trò chơi ngày thơ như một cuộc săn đuổi
Mặt trời ở trên
Ta đi ở dưới
Hà Nội 1985