đào trung đạo
Thông Diễn Luận
của
Martin Heidegger
- 12 -
Chúng ta có thể nhận ra có hai chặng đường suy tưởng về Ngôn ngữ của Heidegger: giai đoạn đầu trong hai thập niên 20s và 30s, và giai đoạn thứ nhì từ thập niên 40s tới giữa thập niên 70s. Trong giai đoạn đầu, xương sống của quan niệm về Ngôn ngữ của Heidegger là nhằm thanh toán dứt khoát chủ trương cho rằng ngôn ngữ thuộc thẩm quyền của ngành Luận lý – thứ luận lý học duy tâm lý hay toán học – những triết lý về ngôn ngữ vốn đặt cơ sở trên những siêu hình học cổ điển quan niệm ngôn ngữ khởi từ khái niệm cho rằng con người là hữu(con vật có) lý trí (animal rational). Đây là giai đoạn phân tích Hiện thể để tìm về Hữu. Trong giai đoạn hai quan niệm về ngôn ngữ của Heidegger xoáy mạnh vào vấn đề minh giải chân lý của Hữu, trong đó ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ thi ca cũng như sứ mệnh của thi sĩ, đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Dĩ nhiên xét về mặt thông-diễn-luận giai đoạn hai có nhiều gợi ý quí giá cho việc nghiên cứu và phê bình văn học. Sang giai đoạn này Heidegger đi theo chiều ngược lại, nghĩa thay vì từ phân tích Hiện thể tìm về Hữu, lại khởi từ chân lý của Hữu để soi sáng Hiện thể.
Trong Sein und Zeit §7B Heidegger nhân việc đưa ra một định nghĩa cho hiện tượng luận đã khái quát về nghĩa của từ λόγος (logos). Muốn định nghĩa ngôn ngữ là gì ta cần tìm về gốc nguyên thủy của từ này bằng cách truy cứu từ cổ Hy Lạp λόγος trong văn bản của Plato và Aristotle. Vào thời đó người Hy Lạp chưa có từ ngôn ngữ, và trong Plato và Aristotle khái niệm λόγος lại được hiểu theo nhiều nghĩa, không có nghĩa nào là nghĩa chính cho nên cần được minh giải. Nếu ta cho rằng nghĩa căn bản của từ này là “diễn ngôn” thì nghĩa này chỉ chuẩn khi nào ta xác định được diễn ngôn có nghìa gì. Theo Heidegger nghĩa nguyên thủy của từ λόγος đã bị phủ lấp bởi những diễn giải võ đoán suốt trong lịch sử của từ này và trong triết học đời sau. Chữ này đã thường được dịch thành “lý trí”, “phán đoán”, “khái niệm”, “định nghĩa”, “nền tảng”, và “tương quan”. Ngay như nếu hiểu λόγος theo nghĩa là “xác quyết” (assersion) ta vẫn đánh mất ý nghĩa căn bản của từ này, nhất là khi hiểu “phán đoán” theo nghĩa của “lý thuyết về phán đoán” vì từ này không có nghĩa là phán đoán nếu người ta hiểu phán đoán trước hết có nghĩa là một cách thế ghép một cái này với một cái khác hay theo nghĩa “từ một vị trí.” Heidegger tìm lại nghĩa của từ λόγος hiểu như diễn ngôn trong Aristotle thì λόγος trước hết có nghĩa là phơi mở, làm cho một cái gì được nhìn thấy, chỉ ra. Nhưng không phải loại diễn ngôn nào cũng cũng làm việc này theo một cách giống nhau mà chỉ khi nào λόγος là ϕωνή (phoné), nghĩa là phát ra thành lời, và chính vì nhiệm vụ của λόγος khi đó như άπόϕανσις (apophansis) thì từ này mới có cấu trúc hình thức của σύνθεσις/hợp đề (synthesis) hiểu theo đúng nghĩa là đề quyết (apophantic) nghĩa là làm cho cái gì đó được nhìn thấy tính chất toàn vẹn của nó, như thể một cái gì đó. Nhưng câu đề quyết cũng có thể là đúng thực hay sai giả, chỉ là đúng một khi không còn bị ẩn dấu. Nhưng λόγος cũng không phải là nơi chứa đựng sự thật như ngày nay người ta thường định nghĩa sự thực là cái chứa trong phán đoán khi viện dẫn Aristotle, như vậy tức là đã hiểu hiểu lầm quan niệm Hy Lạp về chân lý. Cũng chính bởi vì chức năng của λόγος chỉ thuần ở chỗ làm cho một cái gì đó được nhìn thấy, làm cho những thực tại (entities) được quan nhận/tri giác cho nên λόγος có thể nghĩa là lý trí (Vernunft), hơn thế nữa khi λόγος được dùng không những theo nghĩa λέγειν (legein) mà còn theo nghĩa của λεγόμενον (legomenon) (cái được bầy ra như thế) và chữ này không là gì khác hơn là ύποκείμενον tức là cái gì ngay tầm tay đã nằm sẵn nơi đáy (zum Grunde) của bất kỳ cách thế ta hướng tới hay thảo luận về, λόγος qua λεγόμενον nghĩa là cái nền, cái ratio. Sau hết khi hiểu λόγος là λεγόμενον cũng có nghĩa là cái ta hướng tới trở thành nhìn thấy được trong tương quan của nó với một cái khác cho nên λόγος có cái nghĩa là tương quan.
Sang đến §34 Tại hữu (Being-there) và Diễn ngôn. Ngôn ngữ Heidegger mới thực sự đi vào định nghĩa ngôn ngữ trên cơ sở của in-der-Welt-sein. Ta chỉ có thể hiểu rõ phần này khi đã nắm vững quan niệm về am hiểu (understanding) và hiện-hữu-trong-thế giới của Heidegger, chính vì vậy trong những phần trên am hiểu và hiện-hữu-trong-thế giới đã được giải thích tương đối cặn kẽ. Hai phạm trù sinh hiện cấu tạo nên sự phơi mở in-der-Welt-sein của “tại/Da” của Hiện thể (Dasein) là tâm trạng (Befindlichkeit) và am hiểu (Verstehen) hai khả hữu này đồng nguyên (gleichursprünglich/equiprimordial). Ngôn ngữ như một hiện tượng có gốc rễ nơi cấu trúc hữu hiện (existential construction) phơi mở của Hiện thể vì vậy “Nền tảng hữu hiện hữu thể luận của ngôn ngữ là diễn ngôn hay nói (Rede)” (GA 2:161) như vậy ngôn ngữ cũng đồng nguyên với tâm trạng và am hiểu. “Trong diễn ngôn tính khả tri, hiểu được (intelligibility) về một cái gì đó đã được phát biểu ra ngay cả trước khi có sự diễn giải tương ứng về cái đó. Diễn ngôn là sự Phát biểu (Akticulation) tính khả tri. Do đó tính khả tri làm nền tảng cho cả diễn giải lẫn sự xác quyết. Ý nghĩa (Sinn,meaning) là cái được phát biểu trong diễn giải, ý nghĩa trong diễn ngôn lại còn nguyên ủy hơn vậy nữa. Trong Phát biểu diễn ngôn cái được phát biểu ra như vậy là toàn thể những cho/chỉ-định nghĩa (Bedeutungsdanze/significations). Vậy nếu diễn ngôn hiểu như Phát biểu của tính khả tri của cái “tại/Da”, là một hữu hiện (Existenzial) của sự phơi mở, và nếu sự phơi mở trong nguyên ủy được tạo nên bởi hiện-hữu-trong-Thế giới thế nên diễn ngôn thiết yếu phải có một loại Hữu có thế giới tính đặc biệt. Tính khả tri của hiện-hữu-trong-Thế giới – một thứ tính khả tri đi cùng tâm trạng – tự biểu lộ như diễn ngôn. Cái toàn thể những chỉđịnh/cho nghĩa của tính khả tri được đặt vào những từ/chữ. Từ/chữ dồn đầy trong những sự chỉ định/cho nghĩa. Nhưng từ-Sự (word-Things) vật không được cung cấp những sự chỉ định/cho nghĩa. Ngôn ngữ là cách thế diễn ngôn bày tỏ. Ngôn ngữ là toàn thể những từ/chữ - một toàn thể trong đó diễn ngôn có một hữu có tính thế giới của riêng nó; và vì nó như là một thực tại nằm-trong-thế giới, cái toàn thể này trở thành cái ta bắt gặp như thể có sẵn để sử dụng.”(GA 2:162) Như đã chỉ ra khi nói về quan niệm về “thế giới” của Heidegger , thời gian tính và sử tính của hữu có mặt một cách triệt để trong thế giới và thế giới cũng là nơi hữu thực hiện diễn trình thông diễn thành ngôn ngữ. Ngôn ngữ có nền tảng hữu thể luận đặt trên một mạng tương liên (Bewandnisganzheit) và Heidegger dùng từ Bedeutsamkeit/Tính chất có ý nghĩa để chỉ cái nền hữu thể luận của tính khả tri của những mối tương liên này. Rõ ràng ý định của Heidegger là chỉ ra cho thấy tính chất có ý nghĩa này nằm xâu xa hơn hệ thống luận lý của ngôn ngữ. Nói cách khác triết lý về ngôn ngữ phải được đặt trên nền tảng hữu thể luận nền tảng.
Vì hiện-hữu-với (Being-with) cũng thuộc về hiện-hữu-trong-thế giới nên (cộng) thông đạt (communication) mới khả hữu. Khi ta thông đạt một điều gì đó với tha nhân tức là ta bày tỏ ra bên ngoài cái hiện-hữu-trong (Being-in) của hiện-hữu-trong-thế-giới cùng với tâm trạng của ta với tha nhân trong diễn ngôn được chỉ ra trong ngôn ngữ bằng âm điệu (intonation), giọng điệu (modulation), nhịp điệu (tempo) ‘kiểu nói’. Theo Heidegger “Trong diễn ngôn ‘thi ca’, việc thông đạt những khả hữu hiện thể của tâm trạng của ta tự nó có thể trở thành một mục đích cho chính nó, và điều này rốt cuộc dẫn tới một phơi mở của hiện sinh.” (GA 2:162). Diễn ngôn gồm bốn tạo tố: diễn ngôn về cái gì (nói về cái gì), cái được nói ra trong câu nói như vậy, sự cộng thông, và cái được làm cho biết. Những tạo tố này không là những đặc tính ta có thể qua kinh nghiệm đào xới thấy trong ngôn ngữ. Chúng thiết yếu là những đặc tính hữu hiện bắt rễ trong Hữu của Hiện thể, và chính những đặc tính này là những yếu tố trước tiên làm cho ngôn ngữ khả hữu về mặt hữu thể luận.
Sau Sein und Zeit quan niệm về ngôn ngữ trong giai đoạn đầu của Heidegger được trình bày trong hai bài thuyết trình (sau khi Heidegger từ chức viện trưởng đại học Freiburg) vào khóa mùa Hè 1934 được in chung thành quyển Logik als die Frage nach dem Wesen der Sprache/Luận lý như Vấn đề liên quan tới Yếu tính của Ngôn ngữ GA 38. Hẳn những bài thuyết trình này giữ một địa vị quan trong trong quan niệm về ngôn ngữ của mình nên Heidegger đã nhắc tới quyển sách này hai lần trong các giáo trình vào năm 1951-1952 và năm 1959. Trong quyển Was Heisst Denken/ Tư tưởng nghĩa là gì? GA 8 khi bàn tới việc tư tưởng (thinking) Heidegger nhắc nhở những người đang nghe thuyết trình “rằng kể từ những bài thuyết trình về “Luận lý” vào mùa Hè 1934, nhan đề quyền sách là “Luận lý” này dấu kín vấn đề “ sự biến đổi của môn luận lý trong câu hỏi về bản chất thiết yếu của ngôn ngữ” – đây là một vấn đề khác hẳn với triết lý về ngôn ngữ” (Bàn Anh văn của J. Glenn Gray trang 154). Rõ rệt hơn, trong Unterwegs zur Sprache/Con Đường dẫn tới Ngôn ngữ GA 12, 1959 trước câu hỏi của Một Người Nhật rằng “Phải chăng sự truy tìm ngôn ngữ và Hữu có lẽ là một tặng phẩm của cái tia sáng rọi chiếu trên ông không?” Heidegger trả lời: “Kẻ nào mà dám cả gan tuyên nhận một tặng phẩm như vậy đến với mình? Tôi chỉ biết mỗi một điều là: bởi vì sự suy tưởng về ngôn ngữ, và về Hữu, đã định rõ con đường tư tưởng của tôi ngay từ buổi đầu, do đó việc thảo luận về những vấn đề này đã được đặt nằm ở cái nền phía sau càng xa bao nhiêu càng hay. Khuyết điểm căn bản của quyển Sein und Zeit là ở chỗ có lẽ tôi đã mạo hiểm đi quá xa về phía trước sớm sủa quá…thật vậy có đến cả hai mươi năm sau bài luận văn tiến sĩ của tôi, tôi mới mạo muội thảo luận trong lớp học vấn đề ngôn ngữ. Cùng vào thời điểm này tôi, cũng ở trong lớp học, đưa ra công chúng những diễn giải đầu tiên của tôi về những bài tụng ca của Hölderlin. Vào giảng khóa mùa Hè năm 1934, tôi đã đưa ra một loạt những bài thuyết trình mang tựa đề “Luận lý.” Tuy nhiên, thực ra đó là suy tưởng về λόγος, trong đó tôi cố gắng đi tìm kiếm bản chất của ngôn ngữ.” (Bản Anh văn của Peter D. Hertz, trang 7-8.)
Mục tiêu của Heidegger khi “đặt vấn đề luận lý học” là để lay chuyển cái nền móng của những quan niệm truyền thống về luận lý từ trên hai nghìn năm trong tư tưởng Tây phương. Trong phần nhập đề Heidegger sơ lược về cấu trúc cổ điển của môn luận lý. Đối với môn luận lý này thì λόγο, mệnh đề , lời nói chỉ định là hiện tượng căn bản và luận lý học sau này triển khai quanh hiện tượng này theo cấu trúc chặt chẽ: 1. Phân tích thành ý niệm, từ, từ nghĩa (word meanings); 2. Sắp xếp những yếu tố căn bản của mệnh đề và kế đó là mệnh đề với mệnh đề trong khoa tam đoạn luận; 3. Đưa ra qui tắc cho mỗi cấu thức trên (khái niệm, mệnh đề, phán đoán, tam đoạn luận) bằng nguyên lý đồng nhất, nguyên lý bất mâu thuẫn, và nguyên lý của lý ttrí; 4. Khi xét những cấu thức này người ta không cần xét tới nội dung vật chất, và đó chính là sự cứu xét hình thức (formal consideration). Heidegger kêu gọi phải lay chuyển cái nền của luận lý học cổ điển này tuy không để thóat ly khỏi truyền thống nhưng để tập thành những sức mạnh nguồn cội, và đó là một sự cần thiết cho sinh mệnh. Heidegger dành chương đầu để phản biện những giải đáp siêu hình học đằng sau những quan niệm cố điển của luận lý học về bản chất ngôn ngữ, bản chất con người, và bản chất lịch sử, trình bày quan niệm của mình coi hữu của con người là thời gian tính và quan tâm/ưu lự. Trong phần hai sau khi khai triển quan niệm này, Heidegger cho rằng sử tính của con người được kinh qua từ mối tương quan được chuyển đổi với Thời gian, kinh nghiệm của con người về bản chất của mình khởi từ sự xác lập của chính con người, và sau chót là vấn đề Nhân hữu (Being-human) và Ngôn ngữ. Tuy chương này của Phần II không tới bốn trang sách nhưng đúc kết khá đầy đủ quan niệm của Heidegger về ngôn ngữ trong giai đoạn đầu này. Heidegger nói rõ: “ Trong chừng mực quyền lực thời gian coi như thời gian tính tạo nên bản chất của chúng ta, chúng ta hiện hữu phơi mở trong những hữu hiện bày (manifeat beings), và điều này đồng thời cũng có nghĩa: Hữu cũa những hữu (beings) được chuyển sang chúng ta. Hữu như một toàn thể, khi điều khiển xuyên suốt và điều khiển vòng quanh chúng ta, cái toàn thể tính điều khiển của cái toàn thể này, là thế giới. Thế giới không phải là một ý niệm của lý trí lý thuyết, nhưng thế giới tự tuyên bố (kündet) trong tri thức xuyên suốt (Kunde) về hữu lịch sử, và sự thấu hiểu này là tính hiện bày của cái hữu của những hữu trong huyền mật. Thế giới ngự trị điều khiển trong và qua sự thấu hiểu kim cổ. Tuy nhiên sự thấu hiểu kim cổ này diễn ra trong cái sự biến nguyên ủy (primal event) của ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ, diễn ra tính phơi hiện trong những hữu, việc trao gửi (Űberantwortung) cho hữu diễn ra. Thế giới điều khiển – là một hữu (ist Seindes). Bởi hiệu lực/khả năng của ngôn ngữ và chỉ có bằng hiệu lực này mà thôi. Ngôn ngữ không diễn ra trong chủ thể đóng kín và rồi được đem đi trao tay khắp nơi như một phương tiện truyền thông giữa mọi người. Ngôn ngữ không phải là một cái gì chủ quan cũng không phải một cái gì khách quan; ngôn ngữ hoàn toàn không thuộc vào lãnh vực của sự phân biệt này. Ngôn ngữ, như có sử tính, không là cái gì khác ngoài chính cái sự kiện của tính phơi mở được trao gửi cho hữu vào những hữu như một toàn thể.” (GA 38, §29) Trả lời câu hỏi “Tại sao chúng ta lại phải đặt câu hỏi về yếu tính của ngôn ngữ” Heidegger cho rằng Hiện thể của chúng ta là quan tâm/ưu lự - quan tâm về xác định hữu bản thân, thức tỉnh, vượt bắt, và bảo tồn; bởi vì quan tâm/ưu lự hiểu như tự do là mối quan tâm của hiểu biết và của khả-năng-có-thể-hiểu-biết về yếu tính của mọi hữu. Heidegger cho rằng luận lý học cổ điển đã không được hiểu đúng đắn theo Hiện thể-con-người-lịch sử cho nên luận lý học cần được làm mới không ngừng từ những khái niệm nguyên ủy của yếu tính của ngôn ngữ. Kết thúc bài thuyết trình này Heidegger cho rằng Thi ca là ngôn ngữ nguyên ủy vì yếu tính của ngôn ngữ thi ca tinh túy hóa ngôn ngữ bằng quyền lực tạo thành thế giới, tiên phong tạo thành trước và nối kết những hữu với nhau. Thi ca đúng nghĩa là thứ ngôn ngữ của cái hữu đã được nói ra để báo hiệu trước cho chúng ta từ ngàn xưa mà chúng ta trước đây chẳng bao giờ nắm bắt được. Chính vì lẽ đó ngôn ngữ của thi sĩ không bao giờ là ngôn ngữ của hôm nay, nhưng luôn luôn là của quá khứ và của tương lai. Thi sĩ không bao giờ là kẻ đương thời. Trong thi ca, ngôn ngữ của riêng thi ca chỉ diễn ra trong không gian của hữu trị vì được đem vào tính chất không thể đặt tay vào được của từ/chữ nguyên ủy.
(còn tiếp)
Đào Trung Đạo
©gio-o.com 2010