“Phức cảm Genji” trong "Kafka bên bờ biển" - vấn đề chúng tôi tìm hiểu, được đặt trong mối liên hệ với “mặc cảm Eudipe” - thuật ngữ dùng trong học thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud (nhà phân tâm học người Áo). Lý giải mối liên hệ này, ý kiến của chúng tôi sẽ minh chứng cho “phức cảm Genji” - cảm thức truyền thống của văn hóa, văn học Nhật Bản đã được Murakami phóng chiếu vào xã hội và con người Nhật Bản hiện đại một cách tinh tế, độc đáo.
Không chỉ được coi là một tượng đài của văn học đương đại Nhật Bản, Haruki Murakami còn là nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Văn học Nhật Bản coi sự xuất hiện của Murakami như một cột mốc đánh dấu bước chuyển biến của một nền văn xuôi hiện đại: giai đoạn trước Murakami và sau Murakami. Tên tuổi nhà văn cùng những tác phẩm best-seller của ông đã thực sự trở thành hiện tượng gây rung động trên văn đàn Nhật Bản và thế giới. Nhiều nhà văn Nhật thế hệ sau đã học tập phong cách tiểu thuyết của Murakami và coi ông là thần tượng của mình. Có thể nói, sự xuất hiện của Haruki Murakami đã tạo ra “hiệu ứng” trong nền văn học Nhật Bản. Tác phẩm của ông, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết đã chinh phục một lượng độc giả khổng lồ trên khắp thế giới, nhất là giới trẻ.
Haruki Murakami là một tài năng tiểu thuyết hiện đại bậc thầy. Cùng với tên tuổi của Ryu Murakami và Banana Yoshimoto, Haruki Murakami xuất hiện với một vị thế quan trọng trong các công trình nghiên cứu lịch sử văn học hiện đại Nhật Bản như một minh chứng cho “sự khuôn mẫu” của tác phẩm Murakami ngay từ khi tác giả còn sinh thời.
Một loạt tiểu thuyết xuất sắc của Murakami như: Rừng Nauy, Xứ sở kì diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới, Biên niên kí chim vặn dây cót, Người tình Sputnik, Kafka bên bờ biển… đã được giới thiệu và phát hành rộng rãi trên thế giới với hơn 40 ngôn ngữ khác nhau. Ở Việt Nam, “cơn sốt” Murakami thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của giới phê bình nghiên cứu, của độc giả Việt Nam đối với “người kể chuyện” bằng trí tưởng tượng và huyền thoại bậc thầy này.
Trong số những cuốn tiểu thuyết xuất sắc của Murakami, Rừng Na Uy (1987) cùng với Kafka bên bờ biển (2002), đã gây tiếng vang lớn. Tạp chí The New York Time bình chọn Kafka bên bờ biển là một trong 10 tác phẩm văn học xuất sắc nhất năm 2005. Giải thưởng văn học Franz Kafka 2006 cũng được trao cho tác phẩm này, bởi phong cách tiểu thuyết đầy chất siêu thực, thông điệp mang tính toàn cầu và nhân bản sâu sắc của nhà văn. Murakami cùng Kafka bên bờ biển đã nhận được nhiều lời ngợi ca mà bất cứ một người cầm bút nào cũng ao ước: “Một cuốn sách để- ngấu- nghiến thật sự, cũng thật là một ám ảnh siêu dai dẳng” (John Updike),“Tiểu thuyết khác thường và mê hoặc nhất cho tới nay của thần tượng văn chương Nhật Haruki Murakami” (Vintage), “Cuốn sách là một hỗn hợp chừng mực giữa giật gân, kỳ ảo và văn chương, và nó thuyết phục một cách đặc biệt. Lại một lần nữa ông đã tạo ra một câu chuyện khiến bạn lật qua nhanh chóng đến lạ, để rồi ghi nhớ và băn khoăn về nó lâu dài” (Hugo Barnacle). Và “… chưa bao giờ tôi gặp một cuốn sách thuyết phục được mình đến thế bởi sự sáng tạo trong trần thuật và sự yêu thích kể chuyện… hấp dẫn vô cùng” (Stuart Jeffries, Guardian)(1).
Nếu như văn học Nhật Bản cuối thế kỉ XX tập trung phân tích và khám phá bản ngã sâu kín của con người, thì ở Kafka bên bờ biển, vấn đề này cùng với sự phức tạp của xã hội hiện đại được Murakami đặt ra dưới dạng những ẩn dụ triết học và biểu tượng. Phương thức biểu hiện này đã thực sự thách thức trí tưởng tượng của độc giả. Chính vì vậy mà tác phẩm của Murakami nói chung, Kafka bên bờ biển nói riêng rất “kén” người đọc và cách tiếp nhận nó cũng rất khác nhau. Độc giả của Murakami phải có tâm thức huyền thoại; có khả năng mã hóa các biểu tượng và hiểu biết sâu rộng về triết học thì mới cảm nhận được cái hay, sức hấp dẫn lạ thường của tác phẩm này.
Phải khẳng định rằng tiểu thuyết Kafka bên bờ biển chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi kĩ thuật viết văn phương Tây và không nhiều mối liên hệ với văn học truyền thống Nhật Bản (đó là cảm nhận ban đầu của không ít độc giả). Các nhà phê bình đã cố gắng chỉ ra rằng tiểu thuyết này là một hỗn hợp gồm có: Sophocles, phim kinh dị, truyện tranh Nhật Bản, cả yếu tố kì ảo, hoang đường của M. Bulgakov, của Franz Kafka… Đây là điều không ai có thể phủ nhận. Các nhà văn lớn của Nhật Bản như Kawabata, Tanizaki,… và đến Murakami đều xác nhận mình chịu ảnh hưởng của văn chương phương Tây. Tác phẩm của họ mang nhiều dấu ấn của lối viết văn siêu thực, kì ảo, dòng ý thức… Giới phê bình văn học phương Tây, thậm chí cả các nhà phê bình gạo cội Nhật Bản cũng cho rằng: văn chương Murakami không có màu sắc Nhật Bản, là “xa rời truyền thống” và “nặng mùi bơ” (Kenzaburo Oe).
Trả lời khi được phỏng vấn, Murakami đã tự bạch: “Trước đây, tôi muốn làm một nhà văn ngoài lề Nhật Bản. Nhưng tôi vẫn là một nhà văn Nhật. Đây là đất nước tôi và gốc rễ của tôi. Tôi không thể trốn chạy khỏi Tổ quốc”(2). Vậy, có gì mâu thuẫn giữa ý kiến các nhà phê bình với lời tự bạch của Murakami? Theo chúng tôi, bản sắc dân tộc Nhật Bản và diện mạo Murakami- nhà văn đương đại Nhật Bản, là sự hòa quyện thống nhất. Tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, cho dù là sự tổng hợp của kĩ thuật viết văn thế giới: chủ nghĩa siêu thực, hiện thực kì ảo, bi kịch Hi Lạp, ảo giác, chiêm bao, định mệnh… thì cuốn sách vẫn chứa đựng rất nhiều thành tố văn hóa Nhật Bản, vẫn được coi là “cuốn tiểu thuyết giàu màu sắc Nhật Bản nhất”. Là nhà văn đương đại, sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mà văn hóa phương Tây đã thâm nhập mạnh mẽ vào đời sống Nhật Bản, Murakami không thể không chịu ảnh hưởng của những trào lưu văn chương hiện đại. Nhưng mọi lí giải, cảm quan của ông gắn chặt với truyền thống văn hóa, văn học Nhật Bản. Tinh hoa Thiền tông, văn chương nữ tính thời Heian, các cảm thức thẩm mĩ truyền thống Nhật Bản (aware, sabi, wabi, yugen, karumi)… luôn ẩn hiện trong sáng tác của ông. Điều đó đã minh chứng cho mối dây liên hệ giữa cái cũ và mới, truyền thống và hiện đại trong quá trình sáng tạo của mỗi nhà văn: “Không thể nào phủ nhận sự tồn tại song song của những yếu tố truyền thống bên cạnh sự đổi mới. Một nhà văn, dù muốn đi tìm cái mới đến đâu, cũng không thể cắt đứt hoàn toàn với truyền thống. Nó có sẵn trong anh ta”(3). Có thể đôi lúc Murakami cũng không thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của văn học truyền thống nhưng ông không phủ nhận nó và thấy khó có thể cắt lìa với “cuống rốn” của mình. Kì lạ thay, một nhà văn bị coi là “xa rời truyền thống” lại viết nên một tác phẩm được đánh giá là “giàu màu sắc Nhật Bản nhất”! Điều đó cho thấy trầm tích văn hóa, văn học truyền thống đã tích tụ một cách “vô thức” trong thế giới quan sáng tác của Murakami, để ông vẫn là “một tiểu thuyết gia Nhật Bản, không gì khác”. Và những con người ông miêu tả trong thế giới của mình là người Nhật Bản thế kỉ XXI mà cũng là con người nói chung ở bất kì đâu trên thế giới.
Mặc dù Murakami đặt cho cuốn tiểu thuyết của mình cái tên “rất Tây”: Kafka bên bờ biển (Kafka on the shore), nhưng nó vẫn là một cuốn sách hấp dẫn kể về đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản, vẫn hé mở một thế giới huyền bí của đạo Shinto- tôn giáo cổ và đặc trưng của văn hóa Nhật Bản.
“Phức cảm Genji” trong Kafka bên bờ biển - vấn đề chúng tôi tìm hiểu, được đặt trong mối liên hệ với “mặc cảm Eudipe” - thuật ngữ dùng trong học thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud (nhà phân tâm học người Áo). Lý giải mối liên hệ này, ý kiến của chúng tôi sẽ minh chứng cho “phức cảm Genji” - cảm thức truyền thống của văn hóa, văn học Nhật Bản đã được Murakami phóng chiếu vào xã hội và con người Nhật Bản hiện đại một cách tinh tế, độc đáo.
Truyện kể Genji (Genji monogatari) của nữ sĩ tài hoa Murasaki Shikibu là tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết được lưu giữ từ “kỉ nguyên vàng” –văn học Heian. Kiệt tác này (ra đời khoảng thế kỉ XI) đã khai sinh thể loại tiểu thuyết của văn học Nhật Bản và thế giới. Ở đó, yếu tố Thiền tông, tính nữ dịu dàng của văn chương Heian, cái đẹp bất toàn trong đời sống… thấp thoáng mơ hồ mà hiển lộ trong tính cách của các nhân vật, đặc biệt là hoàng tử Genji. Những ngôi sao sáng nhất của văn học hiện đại Nhật Bản như Yasunari Kawabata, Tanizaki, Mishima… đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của cuốn tiểu thuyết kinh điển này.
“Phức cảm Genji” (Genji complex) là thuật ngữ mà các nhà phê bình dùng để chỉ một hiện tượng tâm lí, những nỗi xúc động, cảm xúc phức tạp của Genji- nhân vật chính. Tính cách Genji hiện lên hào hoa, độ lượng mà không lừa bịp, không thủ đoạn qua tất cả các mối tình mà chàng đã trải nghiệm trong cõi đời phù thế. Cốt lõi của “phức cảm Genji”, của hiện tượng tâm lí phức tạp này là một khát vọng “lưỡng tính”. Chàng tìm kiếm vẻ đẹp tình yêu thương vĩnh cửu của người mẹ trong hình ảnh người tình. Bản chất tình cảm của Genji đối với người mẹ kế Fujitsubo là như vậy, rất khó tách bạch. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng cao quý hay là tình yêu nam nữ quyến rũ và đầy đam mê nhục thể? Cả hai điều đó dường như hòa trộn không phân biệt trong “phức cảm Genji”. Genji yêu mẹ kế ở độ tuổi thiếu niên (khoảng 15, 16 tuổi), ngay từ lần đầu tiên nghe kể về nàng: “Genji không thể nhớ khuôn mặt của mẹ, nhưng nghe lời người cung nữ lần đầu tiên nói về Fujitsubo với nhà vua, cậu thấy xúc động đến tận đáy lòng khi hay biết nàng giống mẹ cậu như tạc. Cậu luôn luôn quấn quýt bên nàng (…) Tình yêu thương của Genji đối với thứ phi mỗi ngày càng đậm, và thậm chí mỗi lần nhắc đến một bông hoa tầm thường nhất hoặc một chiếc lá nhuốm vàng cũng trở thành một dịp để chàng biểu thị tình cảm đó”(4). Kết quả của thứ tình cảm ấy là chàng đã có một đứa con với mẹ kế. Hoàng tử Reidei trên danh nghĩa là em trai nhưng chính là con ruột của chàng.
Như vậy, phức cảm “người tình- người mẹ” trong Genji monogatari đã được đặt ra và lí giải trong cảm quan của người Nhật về một thế giới của niềm bi cảm (aware), về tác phẩm văn học sắc tình truyền thống và về một sáng tạo nghệ thuật thuần túy Nhật Bản của thời kì văn học nữ lưu.
Về cơ bản, khái niệm “phức cảm Genji” (văn học Nhật Bản) và “mặc cảm Eudipe” (phân tâm học Freud) được hiểu giống nhau khi cả hai đều dùng để giải mã một hiện tượng: Người con trai có tình cảm đặc biệt (có thể gọi là tình yêu) đối với mẹ của mình. Vì vậy, đôi khi hai thuật ngữ này (phức cảm và mặc cảm) được dùng giống nhau, không phân biệt (“phức cảm Eudipe”, hoặc là “mặc cảm Eudipe”). Chúng tôi không có ý định truy nguyên nghĩa của hai thuật ngữ tiếng Việt này, nhưng cũng cần phân biệt để làm rõ dụng ý của Murakami và vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài viết.
Hiểu mã văn hóa truyền thống Nhật Bản trong truyện kể Genji, Murakami đã xây dựng nhân vật Kafka Tamura trong tính biểu tượng nước đôi. Hành vi “giết cha” trong giấc mơ là hành động bản năng để duy trì sự tồn tại. Hành vi “lấy mẹ” của Kafka cũng trong tình trạng không hoàn toàn ý thức. Kafka không mang nặng mặc cảm tội lỗi như Eudipe. Thế giới nội tâm của Kafka phức tạp nhưng mang tính bản năng: bản năng sống và bản năng yêu thương. Mô-típ chủ đạo của cốt truyện là lời nguyền số phận “giết cha, lấy mẹ” như trong bi kịch Hi Lạp, nhưng trong quá trình sáng tạo, Murakami lại bị chi phối bởi lối tư duy và cách ứng xử của người Nhật. Cậu bé Kafka mang dáng dấp của chàng Eudipe trong vở bi kịch Eudipe làm vua của Sophocles nhưng được Murakami xây dựng thành một “huyền thoại mới” về con người và xã hội Nhật Bản thế kỉ XXI. Có thể xem câu chuyện là một cách “đọc lại” huyền thoại của Murakami.
Vấn đề được chúng tôi tiếp tục khám phá là: cùng những tình tiết đặc trưng của mô-típ và cốt truyện của bi kịch của Sophocles nhưng bằng các yếu tố “ma ảo” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu) như giấc mơ kì bí, sự tưởng tượng hoang đường..., Murakami đã viết Kafka bên bờ biển bằng một cảm quan hiện đại, dưới ảnh hưởng của lí thuyết Phân tâm học Freud. Nhưng “nỗi ám ảnh siêu dai dẳng” của tác phẩm lưu giữ trong lòng người đọc lại chính ở cách lí giải, ở ý nghĩa triết lí của tác phẩm mà nhà văn đã dụng công thể hiện. Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân quan trọng tác động đến cách triết giải vấn đề của Murakami:
Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của văn học Nhật Bản, nền văn học duy tình (đề cao tình cảm). Với tính chất này, văn học luôn đặt yếu tố tình cảm lên hàng đầu và không bao giờ đi chệch con đường ấy. Đạo đức, vì vậy trở thành yếu tố thứ yếu sau tình cảm. Văn hóa, văn học Nhật Bản không xem xét các vấn đề dưới góc độ đạo đức, kể cả đời sống tình dục của cá nhân: “Đời sống tình dục cá nhân trong lịch sử văn hóa Nhật Bản hầu như chưa bao giờ được đưa ra phán xét dưới quan niệm đạo đức”(5). “Phức cảm Genji”- mối quan hệ giữa Genji với mẹ kế Fujitsubo được xây dựng từ đặc trưng văn học sắc tình này. Mặt khác, văn học Nhật Bản từ trước đến nay thường không có đề tài “cấm kị”, kể cả những vấn đề nhạy cảm nhất của đời sống tình cảm con người như tình yêu đồng tính, tình yêu trong tôn giáo…
Thứ hai, trên phương diện tâm lí, tính cách dân tộc, Takeo Doi- tiến sĩ tâm lí học nổi tiếng người Nhật đã khám phá đặc điểm tâm lí người Nhật trong công trình khoa học Giải phẫu sự phụ thuộc(6). Công trình này được đánh giá cao vì sự nỗ lực tìm kiếm và khám phá bản chất của lối tư duy Nhật Bản. Kế thừa những thành tựu tâm lí học hiện đại của thế giới cùng với kinh nghiệm của một bác sĩ chuyên khoa tâm lí học thần kinh, Takeo Doi đã rất thuyết phục khi lí giải những đặc điểm tâm lí phức tạp và “khó hiểu” của người Nhật trong mắt người phương Tây. Ở công trình này, Takeo Doi gọi “phức cảm Genji” mà chúng tôi đang bàn đến bằng thuật ngữ AMAE. Ông coi đó là chìa khóa vạn năng mở cửa thế giới tâm hồn của người Nhật: “Amae trước hết và chủ yếu là một cảm xúc, một cảm xúc có cùng bản chất với một xung năng và có gì đó mang tính bản năng ở cơ sở của nó (…), “là khao khát của đứa con mới sinh được gần gũi mẹ nó, và theo nghĩa rộng hơn, ham muốn chối bỏ việc xa lìa là phần không tránh khỏi của nhân sinh, và xoa dịu sự phiền muộn liên quan đến sự xa lìa ấy”(7).
Đặc trưng cơ bản của amae, theo Doi: “Amae không phải là một cảm xúc được trải nghiệm mà là một ước mong ẩn giấu”. Cảm xúc này có tính phổ quát chung cho toàn nhân loại: “Gốc rễ của những tình cảm amae dường như có cái gì đó mang tính bản năng chung cho cả nhân loại, cái mà tôi gọi tên là xung năng hướng tới sự phụ thuộc”(8). Doi còn giải thích thêm: “Amae tồn tại ngay cả trong xã hội phương Tây mà không được cảm nhận rõ rệt một cách ý thức đúng như nó là”(9), và ông cho rằng sở dĩ người phương Tây không “cảm nhận một cách rõ rệt” như vậy vì họ không có “từ” để gọi tên nó như là từ “amae” trong ngôn ngữ của người Nhật.
Về nguồn gốc tâm lí amae, Doi đưa ra kết luận: “Nguyên mẫu của tâm lí amae là ham muốn của đứa bé được gần gũi mẹ, người mà nó bắt đầu nhận ra một cách mơ hồ là một tồn tại tách rời khỏi bản thân nó”... “Tâm lí amae vận hành để nuôi dưỡng cảm giác hợp nhất giữa mẹ và con. Theo nghĩa đó, não trạng amae có thể định nghĩa là cố gắng chối bỏ việc tách rời vốn là một phần không thể tách rời của sự sống con người và xóa mờ nỗi đau chia lìa(10).
Cơ chế vận hành của tâm lí amae ở não trạng người Nhật đã giải thích vì sao: “trong con mắt người phương Tây, cảm giác tội lỗi của người Nhật có vẻ khá mờ nhạt (…). Có lẽ là do trong khi người phương Tây có chiều hướng nghĩ về cảm giác tội lỗi như một vấn đề bên trong của cá nhân, thì người Nhật không nghĩ thế”(11).
Như vậy, với đặc trưng tâm lí amae, người Nhật chấp nhận một cách tự nhiên những xúc cảm kiểu như “phức cảm Genji”. Điều này đã giải thích tại sao, trong cùng một hoàn cảnh nhưng Genji lại không có mặc cảm tội lỗi như Eudipe. Hành động của Genji không bị kết án như Eudipe.
Từ Genji monogatari, “phức cảm Genji” trở thành một kiểu xúc cảm mang tính “cổ mẫu” của văn học Nhật Bản. Nó có thể được lí giải từ góc độ “cội rễ” của văn hóa Nhật Bản. Xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu, người Nhật tôn thờ nữ thần Mặt trời và coi đây là người mẹ đầu tiên của dân tộc. Sự gần gũi, dịu dàng, tận tụy của người phụ nữ làm cho người đàn ông thấy họ giống với hình ảnh người mẹ trong tiềm thức. Người mẹ chính là “người nữ vĩnh cửu” trong tâm thức của người Nhật. Hình ảnh người mẹ nằm ở tầng sâu nhất của tiềm thức phương Đông, trong khi đó “cơ sở của những lối tư duy và cảm nhận của người phương Tây có người cha”. Thiền giả Nhật Bản Suzuki Daisetsu đã nói: “Người mẹ ôm lấy mọi thứ trong một tình yêu vô điều kiện, không có vấn đề đúng, sai. Mọi thứ đều được chấp nhận không có gì khó khăn hay cần căn vặn. Tình yêu ở phương Tây luôn chứa đựng một cái bã của quyền lực. Tình yêu ở phương Đông thì ôm lấy tất cả”(12).
Các nhà văn lớn của Nhật Bản như Kawabata (Xứ tuyết; Ngàn cánh hạc), Tanizaki (Cầu mộng)… và đến Haruki Murakami (Kafka bên bờ biển) đều đề cập đến kiểu “phức cảm” này.
Tanizaki (1886 - 1965), trong tiểu thuyết Cầu mộng của ông, “phức cảm Genji” được khám phá ở góc độ những ám ảnh về mẹ (mẹ ruột và mẹ kế) của cậu bé và sau này là một chàng trai trưởng thành. Một hoài niệm ấu thơ mà ở đó, “phức cảm Genji” được miêu tả trong vẻ đẹp phù du, ảo mộng của cuộc đời, trong sự lẫn lộn giữa thực- mộng và tình.
Với Kawabata (1899 - 1972), hình ảnh người mẹ trong người tình là một kiểu hình tượng rất đặc trưng được nhà văn khéo léo chắt lọc từ cảm xúc tinh tế của các nhân vật nam, khi gần gũi và tiếp xúc trực tiếp với các cô gái trinh bạch. Họ tìm lại hình ảnh của người mẹ trong bóng dáng của người tình.
Đến Murakami, trong tác phẩm của ông, đặc biệt là Kafka bên bờ biển, nhà văn đã xây dựng mối quan hệ “bất thường” giữa Kafka Tamura và Miss Saeki. Mối quan hệ ấy là sự phóng chiếu của tâm lí amae và lối tư duy Nhật Bản. Murakami đã triển khai “phức cảm Genji” trong Kafka bên bờ biển bằng phương thức biểu hiện mới: cảm quan phương Tây và Phân tâm học Freud.
Khi gặp gỡ Miss Saeki, Kafka linh cảm mơ hồ đó chính là người mẹ mình đang tìm kiếm. Miss Saeki đẹp dịu dàng, có nụ cười đẹp như ánh sáng của vầng trăng bạc đã khơi dậy ở Kafka “xung năng hướng tới sự phụ thuộc” một cách mãnh liệt. Hành vi “lấy mẹ” của Kafka có nguyên nhân sâu xa là sự khao khát kiếm tìm tình cảm; là bản năng yêu thương và được yêu thương của cậu bé bị bỏ rơi, cô độc giữa cuộc đời. Theo Takeo Doi: “Thực tế không có amae thì không thể thiết lập mối quan hệ mẹ con và không có mối quan hệ mẹ con thì sự trưởng thành thực sự của đứa trẻ là không thể có (…) Như thế, amae đóng vai trò không thể thiếu trong một đời sống tinh thần lành mạnh”(13). Phải chăng Murakami muốn hướng tới điều này khi thiết lập mối quan hệ tình cảm giữa Kafka và Saeki? Cậu bé trưởng thành đã tìm thấy nguồn cội của mình, đã tìm ra lời giải đáp cho số phận trong “sự hòa hợp” với người mẹ sinh ra mình.
Miss Saeki - người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần, mang nhiều ẩn ức, có cuộc đời huyền thoại, được Murakami miêu tả như biểu tượng của “tính nữ vĩnh cửu”. Nhà văn đã xử lí khéo léo dấu hiệu vô thức ở Saeki bằng lí thuyết phân tâm học để hóa giải sự thật khó chấp nhận thành một điều tất yếu, biến cái phi lí thành cái có lí. Đây cũng là đặc điểm nổi trội trong cảm quan tự sự của Murakami: mọi điều đều có thể xảy ra trong thế giới mà chúng ta đang sống, vì thế giới này là một thế- giới- không- hoàn- hảo. Miss Saeki sống bằng kí ức của mối tình đầu năm 15 tuổi, kí ức này đã ám ảnh bà suốt cuộc đời trong một nỗi đau dịu ngọt: “Kí ức làm ấm lòng ta từ bên trong, đồng thời nó cũng xé nát tim ta”(14). Đến khi bà gặp Kafka, sự giống nhau một cách kì lạ giữa Kafka và người tình tuổi mười lăm của bà đã đánh thức bản năng vốn ẩn sâu trong tiềm thức của người phụ nữ chịu nhiều đau thương do những điều phi lí của số phận. Sự chung đụng thể xác với Kafka là sự cứu rỗi và thanh lọc tâm hồn đối với Saeki. Bà đã thoát khỏi sự ràng buộc của quá khứ, đối mặt và chấp nhận cái chết thanh thản sau khi giao lại bản thảo hồi kí về cuộc đời mình cho ông già Nataka. Ý nghĩa của mối liên hệ, của sự chung đụng Kafka- Saeki, vì thế có giá trị kép.
Động lực chính để Murakami miêu tả, lí giải mối quan hệ Saeki- Kafka là “phức cảm Genji” nhưng cũng không thể phủ nhận phương diện “vô thức” trong mỗi con người. Vì vậy, hành vi của Kafka còn chịu sự chi phối của một “lực đẩy vô hình” của “bản năng”, “xung năng sống” ở cậu bé 15 tuổi. John Updike trên tờ The New Yorker xác tín điều này: “Đằng sau những cuộc phiêu lưu điên rồ và bất ổn theo lối biểu tượng của nhân vật chính, còn có một lực đẩy trong tiềm thức gần ngang bằng với lực đẩy của sex và tuổi trưởng thành: lực đẩy về phía hư vô, về khoảng trống, về sự rỗng không đầy hoan lạc”(15).
Murakami không bình luận. Ông để cho độc giả cảm nhận và suy ngẫm về câu chuyện chứa đựng nhiều yếu tố “ma ảo” của cậu bé Kafka. Hình ảnh Kafka trở về thế giới thực tại cuối tác phẩm là một ẩn dụ ám ảnh. Sau bao giông tố, vòng xoáy nghiệt ngã của số phận, điều gì sẽ chờ đón cậu bé? Liệu Kafka có đủ bản lĩnh để tiếp tục sống khi trái tim nhỏ bé của cậu đã hằn vết sẹo số phận? Người đọc sẽ “phán xét” thế nào về Kafka? Ai cũng có thể tìm thấy một lời giải đáp của mình khi cùng tham gia vào chuyến du hành định mệnh của Kafka, để rồi mang theo những ám ảnh cho riêng mình.
“Phức cảm Genji” đã tạo “hiệu ứng” cho Kafka bên bờ biển, chuyển tải thông điệp của Murakami đến với độc giả. Thông điệp về “bản ngã”, “bản năng” (xung năng sống) của con người trong xã hội hiện đại cần phải được quan tâm và trân trọng.
“Phức cảm Genji”- cảm thức truyền thống của văn học Nhật Bản và lí thuyết phân tâm học Freud đã làm nên sức cuốn hút kì diệu của Kafka bên bờ biển - cuốn tiểu thuyết “ẩn chứa nhiều tham vọng nhất và cũng thành công nhất của Haruki Murakami cho đến nay”(16). Sự dung hợp hài hòa của niềm bi cảm aware, của cảm thức truyền thống Nhật Bản với văn chương phương Tây hiện đại đã tạo thành phong cách riêng của Murakami- tiểu thuyết gia văn học đương đại Nhật Bản. Murakami không tìm kiếm sự tĩnh lặng và những khoảng chân không ngưng đọng của mỹ học truyền thống như Kawabata- tác giả của những trang văn tinh tế, giàu chất thơ. Nhật Bản truyền thống trong Murakami là sự tiếp tục khám phá những tồn tại sâu kín, khó giải đoán của bản thể con người, luận giải những vấn đề tồn vong của xã hội hiện đại, khi mà ánh hào quang của quá khứ Nhật Bản đã lùi xa1
____________
(1), (2), (15), (16) Trang web: http://www.evan.com.vn
(3) Đặng Anh Đào: Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Nxb. Đại học Quốc gia, H, 2001, tr.8.
(4) Murasaki Shikibu: Truyện kể Genji (Tập 1). Nxb. Khoa học xã hội, H, 1991, tr.33.
(5) Khương Việt Hà: Các khuynh hướng phản tự nhiên chủ nghĩa trong văn học Nhật Bản đầu thế kỉ XX. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8-2005.
(6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Takeo Doi: Giải phẫu sự phụ thuộc. Nxb. Tri Thức, H, 2008, tr.218; 221; 222; 96-97; 63; 99; 79.
(14) Haruki Murakami: Kafka bên bờ biển (Dương Tường dịch), Nxb. Văn Học, H, 2007.