Home » » NHỮNG CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN

NHỮNG CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012 | 11:36



NHỮNG CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA
CHƯƠNG VII

NHỮNG CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA
PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

Mục tiêu:

Sau khi học xong chương này anh/chị sẽ:

- Hiểu được phạm trù và phạm trù triết học là gì;

- Nắm được 6 cặp phạm trù của triết học duy vật biện chứng cùng những tính chất, nội dung, ý nghĩa phương pháp luận của từng cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật.

Nội dung:

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHẠM TRÙ

1. Định nghĩa phạm trù và phạm trù triết học

Phạm trù là những khái niệm rộng nhất phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật và hiện tượng thuộc một lĩnh vực nhất định.

Mỗi bộ môn khoa học có hệ thống phạm trù riêng của mình, phản ánh những mối liên hệ cơ bản và phổ biến thuộc phạm vi khoa học đó nghiên cứu. Ví dụ, toán học có các phạm trù “đại lượng”; “hàm số”; “điểm”; “đường thẳng”, v.v. Trong kinh tế chính trị có các phạm trù “hàng hoá”, “giá trị”, “giá trị trao đổi”, v.v.

Phạm trù triết học là những khái niệm chung nhất, rộng nhất phản ánh những mặt, những mối liện hệ bản chất của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Ví dụ, phạm trù “vật chất”, “ý thức”, “vận động”, “đứng im”, v.v phản ánh những mối liên hệ phổ biến không chỉ của tự nhiên mà cả xã hội, tư duy của con người. Phạm trù triết học khác phạm trù của các khoa học khác ở chỗ, nó mang tính quy định về thế giới quan và tính quy định về phương pháp luận.

Phạm trù triết học là công cụ của nhận thức, đánh dấu trình độ nhận thức của con người.


2. Bản chất của phạm trù

Trong lịch sử triết học có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của phạm trù. Có nhà triết học coi phạm trù là có sẵn, có trước con người như I.Cantơ - nhà triết học người Đức. Các nhà triết học thuộc phái duy thực cho những khái niệm (phạm trù) có trước các sự vật riêng lẻ, cá biệt và quy định các sự vật riêng lẻ, cá biệt đó. Các nhà duy danh ngược lại cho rằng, những khái niệm (phạm trù) chỉ là tên gọi, không có nội dung, chỉ có những sự vật riêng lẻ, cá biệt là tồn tại thực, v.v. Những quan niệm trên đều chưa đúng.

Theo triết học duy vật biện chứng, phạm trù không có sẵn bẩm sinh, mà được hình thành trong quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người, bằng con đường khái quát hoá, trừu tượng hoá những thuộc tính, những mối liên hệ vốn có bên trong bản thân sự vật. Do vậy, nguồn gốc, nội dung phạm trù là khách quan. Mặc dù hình thức thể hiện của nó là chủ quan. Phạm trù có các tính chất sau:

- Tính khách quan. Mặc dù phạm trù là kết quả của tư duy, song nội dung mà nó phản ánh là khách quan, do hiện thực khách quan mà nó phản ánh quy định. Nghĩa là phạm trù khách quan về nguồn gốc, về cơ sở, nội dung, còn hình thức thể hiện của phạm trù là chủ quan.

- Tính biện chứng. Thể hiện ở chỗ, nội dung mà phạm trù phản ánh luôn vận động, phát triển cho nên các phạm trù cũng luôn vận động, thay đổi không đứng im. Các phạm trù có thể thâm nhập, chuyển hoá lẫn nhau. Tính biện chứng của bản thân sự vật, hiện tượng mà phạm trù phản ánh quy định biện chứng của phạm trù. Điều này cho chúng ta thấy rằng, cần phải vận dụng, sử dụng phạm trù hết sức linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo, biện chứng.

II. CÁI RIÊNG VÀ CÁI CHUNG

1. Khái niệm cái riêng và cái chung

Cái riêng là phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình hay một hệ thống các sự vật tạo thành một chỉnh thể tồn tại độc lập với cái riêng khác. Ví dụ, một tác phẩm văn học cụ thể, chẳng hạn tác phẩm “Chiến tranh và hoà bình”; một ngôi nhà cụ thể, v.v.

Cái chung là một phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính giống nhau được lặp lại trong nhiều cái riêng khác. Ví dụ, thuộc tính là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả một quốc gia dân tộc của thủ đô. Thuộc tính này được lặp đi, lặp lại ở tất cả các thủ đô riêng biệt như Hà Nội, Ph-nôm-pênh, Viêng-Chăn, Mát-xcơ-va, v.v.

Cái đơn nhất là phạm trù triết học chỉ những đặc điểm, những thuộc tính vốn có chỉ của một sự vật, hiện tượng, quá trình và không được lặp lại ở các cái riêng khác. Ví dụ, vân tay của mỗi người; số điện thoại (kể cả mã vùng, mã nước luôn là đơn nhất), v.v.

2. Quan hệ biện chứng giữa cái riêng và cái chung

Theo triết học duy vật biện chứng:

- Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng. Ví dụ, cái chung “thủ đô” chỉ tồn tại thông qua từng thủ đô cụ thể như Hà Nội, Ph-nôm-pênh, Viêng-chăn, v.v.

- Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung, vì bất cứ cái riêng nào cũng tồn tại trong mối liện hệ với các cái riêng khác. Giữa những cái riêng ấy bao giờ cũng có những cái chung giống nhau. Ví dụ, trong một lớp học có 30 sinh viên, mỗi sinh viên coi như “một cái riêng”; 30 sinh viên này (30 cái riêng) liên hệ với nhau và sẽ đưa đến những điểm chung: đồng hương (cùng quê), đồng niên (cùng năm sinh), đồng môn (cùng học một thầy/cô), đều là con người, đều là sinh viên, v.v.

- Cái chung là một bộ phận của cái riêng, cái riêng không gia nhập hết vào cái chung. Do đó, cái riêng phong phú hơn cái chung. Tuy nhiên, cái chung sâu sắc hơn cái riêng. Ví dụ, cái chung của thủ đô là thuộc tính “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một quốc gia”. Nhưng, từng thủ đô cụ thể còn có nhiều nét riêng khác về diện tích, dân số, vị trí địa lý, v.v. Cho nên, một thủ đô cụ thể - với tư cách là cái riêng - có nhiều đặc điểm, thuộc tính hơn thủ đô (với tư cách là cái chung). Do vậy, cái riêng phong phú hơn cái chung. Nhưng rõ ràng, thuộc tính “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của một quốc gia dân tộc” sâu sắc hơn, nó phản ánh được bản chất sâu xa, ổn định, bền vững của thủ đô, những thuộc tính về dân số, vị trí, diện tích, v.v không nói lên được bản chất của thủ đô.

- Cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hoá lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật. Bởi lẽ, cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay mà ban đầu xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất. Dần dần cái chung ra đời thay thế cái đơn nhất. Ngược lại, cái cũ ban đầu thường là cái chung, nhưng do những yếu tố không còn phù hợp nữa nên trong điều kiện mới mất dần và trở thành cái đơn nhất.

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

Cái chung chỉ tồn tại thông qua cái riêng. Do đó để tìm cái chung cần xuất phát từ nhiều cái riêng, thông qua cái riêng.

Trong hoạt động thực tiễn cần lưu ý, nắm được cái chung là chìa khoá giải quyết cái riêng.

Không nên tuyệt đối hoá cái chung (rơi vào giáo điều); cũng không nên tuyệt đối hoá cái riêng (rơi vào xét lại).

Khi vận dụng cái chung vào cái riêng thì phải xuất phát, căn cứ từ cái riêng mà vận dụng để tránh giáo điều.

Trong hoạt động thực tiễn phải tạo diều kiện cho cái đơn nhất có lợi cho con người dần trở thành cái chung và ngược lại để cái chung không có lợi trở thành cái đơn nhất.

III. NGUYÊN NHÂN VÀ KẾT QUẢ

1. Khái niệm nguyên nhân và kết quả

Nguyên nhân là phạm trù triết học dùng để chỉ sự tác động qua lại giữa các mặt, các bộ phận, các thuộc tính trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra một sự biến đổi nhất định.

Kết quả là phạm trù triết học dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện do nguyên nhân tạo ra. Ví dụ, sự tương tác lẫn nhau giữa các yếu tố trong hạt ngô là nguyên nhân làm cho từ hạt ngô nảy mầm lên cây ngô. Sự tác động giữa điện, xăng, không khí, áp xuất, v.v (nguyên nhân) gây ra sự nổ (kết quả) cho động cơ.

Cần phân biệt nguyên nhân với nguyên cớ và điều kiện. Nguyên cớ là những sự vật, hiện tượng xuất hiện đồng thời cùng nguyên nhân nhưng chỉ có quan hệ bề ngoài, ngẫu nhiên chứ không sinh ra kết quả. Ví dụ, Mỹ lợi dụng nguyên cớ chống khủng bố và cho rằng Irắc có vũ khí huỷ diệt hàng loạt để tiến hành chiến tranh xâm lược Irắc. Thực chất, Irắc không có liên quan tới khủng bố và không có vũ khí huỷ diệt hàng loạt như thanh tra của Liên Hợp quốc đã kết luận. Điều kiện là hiện tượng cần thiết để nguyên nhân phát huy tác động. Trên cơ sở đó gây ra một biến đổi nhất định. Nhưng bản thân điều kiện không phải nguyên nhân. Ví dụ, nguyên nhân của hạt thóc nảy mầm là do những yếu tố bên trong hạt thóc tác động lẫn nhau gây nên, nhưng để nẩy thành mầm thì phải có điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, v.v.

Triết học duy vật biện chứng cho rằng, mối liên hệ nhân quả có các tính chất:

Tính khách quan. Điều này thể hiện ở chỗ, mối liên hệ nhân quả là vốn có của sự vật, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Dù con người có biết hay không thì giữa các yếu tố trong một sự vật, hoặc giữa các sự vật vẫn liên hệ, tác động để gây ra những biến đổi nhất định.

Tính phổ biến thể hiện ở chỗ, mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, tư duy đều có mối liên hệ nhân quả. Không có hiện tượng nào không có nguyên nhân của nó.

Tính tất yếu thể hiện ở chỗ, cùng một nguyên nhân như nhau, trong những điều kiện như nhau thì kết quả gây ra phải như nhau. Nghĩa là nguyên nhân tác động trong những điều kiện càng ít khác nhau thì kết quả do chúng gây ra càng giống nhau.

2. Quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả

a. Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả về mặt thời gian. Tuy nhiên, không phải mọi sự nối tiếp nhau về thời gian đều là quan hệ nhân quả. Ví dụ, ngày và đêm không phải là nguyên nhân của nhau. Sấm và chớp không phải nguyên nhân của nhau. Muốn phân biệt nguyên nhân và kết quả thì phải tìm ở quan hệ sản sinh, tức là cái nào sinh ra cái nào.

Một nguyên nhân có thể sinh ra nhiều kết quả khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, ví dụ: gạo và nước đun sôi có thể thành cơm, cháo, v.v phụ thuộc vào nhiệt độ, mức nước, v.v.

Ngược lại, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ: sức khoẻ của chúng ta tốt do luyện tập thể dục, do ăn uống điều độ, do chăm sóc y tế tốt v.v chứ không chỉ một nguyên nhân nào.

b. Trong những điều kiện nhất định, nguyên nhân và kết quả có thể chuyển hoá lẫn nhau. Nghĩa là cái trong quan hệ này được coi là nguyên nhân thì trong quan hệ khác có thể là kết quả. Ví dụ, chăm chỉ làm việc là nguyên nhân của thu nhập cao. Thu nhập cao lại là nguyên nhân để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân.

Kết quả, sau khi xuất hiện lại tác động trở lại nguyên nhân (hoặc thúc đẩy nguyên nhân tác động theo hướng tích cực, hoặc ngược lại). Ví dụ, nghèo đói, thất học làm gia tăng dân số, đến lượt nó, gia tăng dân số lại làm tăng nghèo đói, thất học, v.v.

3. Một vài kết luận về mặt phương pháp luận

- Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần tôn trọng tính khách quan của mối liên hệ nhân quả. Không được lấy ý muốn chủ quan thay cho quan hệ nhân quả.

- Muốn cho hiện tượng nào đó xuất hiện cần tạo ra những nguyên nhân cùng những điều kiện cho những nguyên nhân đó phát huy tác dụng. Ngược lại, muốn cho hiện tượng nào đó mất đi thì phải làm mất nguyên nhân tồn tại của nó cũng như những điều kiện để các nguyên nhân ấy phát huy tác dụng.

- Phải biết xác định đúng nguyên nhân để giải quyết vấn đề nảy sinh vì các nguyên nhân có vai trò không như nhau.

- Nguyên nhân có thể tác động trở lại kết quả; do đó, trong hoạt động thực tiễn cần khai thác, tận dụng những kết quả đã đạt được để thúc đẩy nguyên nhân tác động theo hướng tích cực phục vụ cho con người.

IV. TẤT NHIÊN VÀ NGẪU NHIÊN

1. Khái niệm tất nhiên và ngẫu nhiên

Tất nhiên là phạm trù triết học chỉ cái do nguyên nhân chủ yếu bên trong sự vật quy định và trong những điều kiện nhất định, nó nhất định phải xảy ra như thế chứ không thể khác.

Lưu ý: Tất nhiên có quan hệ với cái chung, nhưng không phải cái chung nào cũng là tất nhiên. Cái chung được quy định bởi bản chất nội tại bên trong sự vật thì đồng thời là cái tất nhiên. Ví dụ, cái chung biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động là cái tất nhiên cuả con người. Cái chung về màu tóc, màu da, v.v không phải là cái chung tất nhiên vì nó không quy định bản chất con người.

Tất nhiên có liên hệ với nguyên nhân, nhưng tất nhiên không phải là nguyên nhân. Hơn nữa, không chỉ tất nhiên mà cả ngẫu nhiên cũng có nguyên nhân. Do vậy, không được đồng nhất tất nhiên với nguyên nhân.

Tất nhiên cũng không phải là quy luật vì ngẫu nhiên cũng có quy luật của ngẫu nhiên. Tuy nhiên, quy luật của tất nhiên khác quy luật của ngẫu nhiên. Cái tất nhiên tuân theo quy luật động lực. Nghĩa là quan hệ qua lại giữa nguyên nhân và kết quả là mối quan hệ đơn trị. Ứng với một nguyên nhân chỉ có một kết quả tương ứng. Ví dụ, ta tung vật gì lên cao nhất định nó sẽ phải rơi xuống đất do lực hút của trái đất. Cái ngẫu nhiên tuân theo quy luật thống kê. Nghĩa là quan hệ qua lại giữa nguyên nhân và kết quả là quan hệ đa trị. Ví dụ, gieo đồng xu, chúng ta khó mà biết chắc chắn là đồng xu sấp hay ngửa. Đồng xu sấp hay ngửa sau mỗi lần gieo là ngẫu nhiên.

Ngẫu nhiên là phạm trù triết học chỉ cái không phải do bản chất kết cấu bên trong sự vật, mà do những nguyên nhân bên ngoài sự vật, do sự ngẫu hợp của những hoàn cảnh bên ngoài sự vật quyết định. Ví dụ, trồng hạt ngô (tất nhiên) phải mọc lên cây ngô, chứ không thể lên cây khác. Nhưng cây ngô tốt hay không tốt là do chất đất, thời tiết, độ ẩm bên ngoài hạt ngô quy định. Đây chính là cái ngẫu nhiên.

2. Quan hệ biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên

a. Tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của con người và đều có vị trí nhất định đối với sự phát triển của sự vật.

Cả cái tất nhiên cả cái ngẫu nhiên đều có vai trò quan trọng đối với sự vật. Tuy nhiên, cái tất nhiên đóng vai trò chi phối đối với sự vận động, phát triển của sự vật, cái ngẫu nhiên làm cho sự vật phát triển nhanh hơn hoặc chậm lại. Ví dụ, đất đai, thời tiết không quyết định đến việc hạt ngô nảy mầm lên cây ngô, nhưng đất đai, thời tiết lại có tác động làm cho hạt ngô nhanh hay chậm nảy mầm thành cây ngô.

b. Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại trong sự thống nhất hữu cơ với nhau, không có tất nhiên cũng như ngẫu nhiên thuần tuý tách rời nhau

Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại trong sự thống nhất hữu cơ với nhau. Sự thống nhất này thể hiện ở chỗ: cái tất nhiên bao giờ cũng vạch đường đi cho mình xuyên qua vô số cái ngẫu nhiên. Nói cách khác, cái tất nhiên bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên. Cái ngẫu nhiên lại là hình thức biểu hiện của tất nhiên, bổ sung cho cái tất nhiên. Bất cứ cái ngẫu nhiên nào cũng thể hiện phần nào đó của cái tất nhiên. Không có tất nhiên thuần tuý tách rời cái ngẫu nhiên, cũng như không có cái ngẫu nhiên thuần tuý tách rời cái tất nhiên. Ví dụ, sự xuất hiện vĩ nhân trong lịch sử là tất nhiên do nhu cầu của lịch sử. Nhưng ai là nhân vật vĩ nhân ấy lại là ngẫu nhiên vì không do yêu cầu lịch sử quy định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác để đưa một nhân vật lên đứng đầu phong trào. Nếu chúng ta gạt bỏ nhân vật này thì nhất định sẽ phải có người khác thay thế.

c. Tất nhiên và ngẫu nhiên trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hoá cho nhau

Tất nhiên và ngẫu nhiên trong quá trình vận động của sự vật và trong những điều kiện xác định có thể chuyển hoá cho nhau. Cái này, trong mối quan hệ này được coi là tất nhiên thì trong mối quan hệ khác rất có thể được coi là ngẫu nhiên. Ví dụ, trao đổi hàng hoá là tất nhiên trong nền kinh tế hàng hoá, nhưng lại là ngẫu nhiên trong xã hội nguyên thuỷ - khi sản xuất hàng hoá chưa phát triển.

Vì vậy, ranh giới giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên cũng chỉ là tương đối. Thông qua mối liên hệ này nó là cái tất nhiên, nhưng thông qua mối liên hệ khác nó là cái ngẫu nhiên và ngược lại. Ví dụ, một máy vô tuyến sử dụng lâu ngày, mãi “tất nhiên” sẽ hỏng, nhưng hỏng vào khi nào, vào giờ nào lại là “ngẫu nhiên”.

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

Cái tất nhiên luôn thể hiện sự tồn tại của mình thông qua cái ngẫu nhiên. Do vậy, muốn nhận thức cái tất nhiên phải bắt đầu từ cái ngẫu nhiên, thông qua cái ngẫu nhiên.

Trong hoạt động thực tiễn cần dựa vào cái tất nhiên, không nên dựa vào cái ngẫu nhiên. Bởi lẽ, cái ngẫu nhiên là cái không gắn với bản chất của sự vật, còn cái tất nhiên gắn với bản chất của sự vật.

Tất nhiên và ngẫu nhiên có thể chuyển hoá cho nhau trong những điều kiện thích hợp nhất định. Do đó, trong hoạt động thực tiễn, cần tạo ra những điều kiện thích hợp để ngăn cản hoặc thúc đẩy sự chuyển hoá đó theo hướng có lợi cho con người. Ví dụ, dựa trên cơ sở quan hệ tất nhiên và ngẫu nhiên này con người có thể uốn cây cảnh theo con vật mình ưa thích, bác sỹ có thể kẹp răng cho trẻ em để răng đều, đẹp, v.v.

V. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC

1. Khái niệm nội dung và hình thức

Nội dung là phạm trù triết học chỉ tổng hợp tất cả các mặt, các yếu tố, các quá trình tạo nên sự vật.

Hình thức là phạm trù triết học chỉ phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liện hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật. Ví dụ, chữ “ANH” có nội dung là các chữ cái “A; N; H”, còn hình thức là các chữ cái phải xếp theo thứ tự ANH; giữa 3 chữ cái này có mối liên hệ tương đối bền vững, nếu ta đảo phương thức sắp xếp thì sẽ không còn là chữ “ANH” nữa mà thành chữ khác (Ví dụ, thành chữ NHA hoặc HNA).

2. Mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức

a. Giữa nội dung và hình thức có sự thống nhất hữu cơ với nhau

Không có hình thức nào không chứa nội dung, cũng như không có nội dung nào lại không tồn tại trong một hình thức nhất định. Nội dung nào sẽ có hình thức tương ứng vậy.

Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức còn thể hiện ở chỗ, các yếu tố tạo thành sự vật vừa góp phần tạo nên nội dung vừa tham gia tạo nên hình thức. Vì vậy, nội dung, hình thức không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong ví dụ chữ ANH ở trên, thì ba yếu tố (ba chữ cái) A,N,H vừa tham gia làm nên nội dung, vừa tham gia cấu thành hình thức. Do vậy, nội dung và hình thức của chữ ANH là thống nhất với nhau.

b. Nội dung giữ vai trò quyết định hình thức trong quá trình vận động, phát triển của sự vật

Trong quan hệ thống nhất giữa nội dung và hình thức thì nội dung quyết định hình thức. Nội dung biến đổi nhanh, hình thức thường biến đổi chậm hơn nội dung. Do vậy, hình thức khi ấy sẽ trở nên lạc hậu so với nội dung và kìm hãm nội dung phát triển. Hình thức sẽ phải thay đổi cho phù hợp với nội dung.

Khi nội dung thay đổi thì sớm hay muộn hình thức cũng thay đổi theo. Ví dụ, lực lượng sản xuất là nội dung còn quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của lực lượng sản xuất. Do vậy, khi lực lượng sản xuất thay đổi thì sớm hay muộn quan hệ sản xuất phải thay đổi theo cho phù hợp với lực lượng sản xuất.

c. Nội dung và hình thức có tính độc lập tương đối với nhau, mặc dù bị quy định bởi nội dung, nhưng hình thức có tính độc lập tương đối so với nội dung nên có thể tác động trở lại nội dung. Điều này thể hiện ở chỗ:

Một nội dung có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, cùng là quá trình giáo dục đào tạo (gồm đội ngũ giáo viên, người học, cơ sở trường lớp, v.v) nhưng có thể thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau (đó là cách thức tổ chức phân công việc dạy và học, sử dụng giảng đường, v.v khác nhau). Cùng một hình thức có thể thể hiện những nội dung khác nhau. Ví dụ, cùng một hình thức giảng dạy như nhau nhưng được thực hiện trong những điều kiện, môi trường, khu vực khác nhau và với những kết quả khác nhau.

Hình thức cũng có tác động đối với nội dung, nhất là khi hình thức mới ra đời, theo hướng hoặc là tạo điều kiện, hoặc kìm hãm nội dung phát triển. Nếu hình thức phù hợp với nội dung sẽ thúc đẩy nội dung phát triển. Ngược lại, nếu hình thức không phù hợp với nội dung sẽ kìm hãm nội dung phát triển. Ví dụ, nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Ngược lại, nếu quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất sẽ kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển.

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

Vì nội dung và hình thức về cơ bản luôn thống nhất với nhau. Vì vậy, trong hoạt động nhận thức và thực tiễn cần chống khuynh hướng tách rời nội dung khỏi hình thức cũng như tách hình thức khỏi nội dung.

Phải biết sử dụng sáng tạo nhiều hình thức khác nhau trong hoạt động thực tiễn. Bởi lẽ, cùng một nội dung có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau; đồng thời, phải chống chủ nghĩa hình thức.

Vì nội dung quyết định hình thức, nhưng hình thức có ảnh hưởng quan trọng tới nội dung. Do vậy, nhận thức sự vật phải bắt đầu từ nội dung nhưng không coi nhẹ hình thức. Phải thường xuyên đối chiếu xem xét xem giữa nội dung và hình thức có phù hợp với nhau không để chủ động thay đổi hình thức cho phù hợp.

Khi hình thức đã lạc hậu thì nhất thiết phải đổi mới cho phù hợp với nội dung mới, tránh bảo thủ.

VI. BẢN CHẤT VÀ HIỆN TƯỢNG

1. Khái niệm bản chất và hiện tượng

Bản chất là phạm trù triết học chỉ tổng hợp tất cả các mặt, các mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó. Ví dụ, trong xã hội có giai cấp bản chất của nhà nước là công cụ chuyên chính của giai cấp thống trị về kinh tế trong xã hội. Bản chất này được thể hiện ra dưới nhiều hình thức cụ thể khác nhau phụ thuộc vào tương quan giai cấp trong xã hội.

Bản chất gắn bó với cái chung nhưng không phải cái chung nào cũng là bản chất. Chỉ những cái chung nào quy định sự vận động, phát triển cảu sự vật mới là cái chung bản chất. Bản chất và quy luật là những phạm trù cùng bậc, tuy nhiên bản chất rộng hơn, phong phú hơn quy luật.

Hiện tượng là phạm trù triết học chỉ cái là biểu hiện ra bên ngoài của bản chất. Ví dụ, hiện tượng thể hiện bản chất của nhà nước (là công cụ chuyên chính của giai cấp thống trị về kinh tế trong xã hội) như là: đàn áp sự phản kháng của các giai cấp đối địch; lôi kéo các giai cấp khác về phía mình, v.v.

2. Quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng

a. Bản chất và hiện tượng thống nhất trong sự vật. Điều này thể hiện:

Bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự thể hiện của bản chất nhất định. Bản chất nào thì sẽ thể hiện ra qua hiện tượng ấy.

Không có bản chất thuần tuý tách rời hiện tượng, không thể hiện ra qua hiện tượng và ngược lại, không có hiện tượng nào mà lại không thể hiện bản chất nhất định.

Bản chất khác nhau sẽ bộc lộ ra qua các hiện tượng khác nhau.

b. Thống nhất giữa bản chất và hiện tượng là thống nhất bao gồm mâu thuẫn. Điều này thể hiện ở chỗ:

Bản chất sâu sắc hơn hiện tượng còn hiện tượng phong phú hơn bản chất. Ví dụ, bệnh cúm được thể hiện qua nhiều hiện tượng: ho; sổ mũi, nhiệt độ tăng, v.v. Hiện tượng biểu hiện bản chất dưới dạng cải biến chứ không còn nguyên dạng bản chất nữa. Ví dụ, bản chất ăn bám của nhà nước bóc lột không đơn thuần thể hiện ở chính sách thuế khoá hay bộ máy quan liêu, v.v nữa, mà có thể thể hiện ở việc từ chối đầu tư cho vấn đề môi trường; chạy đua vũ trang, v.v. Bản chất tương đối ổn định, lâu biến đổi còn hiện tượng biến đổi nhanh hơn bản chất. Bản chất ẩn dấu bên trong, hiện tượng bộc lộ ra bên ngoài. Bản chất không được bộc lộ hoàn toàn ở một hiện tượng mà ở nhiều hiện tượng khác nhau.

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

Bản chất là cái ẩn dấu bên trong hiện tượng. Do vậy, nhận thức sự vật phải đi sâu tìm bản chất, không dừng ở hiện tượng. Phải đi từ bản chất cấp 1 đến bản chất sâu hơn, v.v.

Bản chất không tồn tại thuần tuý ngoài hiện tượng. Do đó, tìm bản chất phải thông qua nghiên cứu hiện tượng. Trong hoạt động thực tiễn phải dựa vào bản chất để định hướng hoạt động, không nên dựa vào hiện tượng.

Muốn cải tạo sự vật phải thay đổi bản chất của nó chứ không nên thay đổi hiện tượng. Thay đổi được bản chất thì hiện tượng sẽ thay đổi theo. Đây là quá trình phức tạp không được chủ quan, nóng vội.

VII. KHẢ NĂNG VÀ HIỆN THỰC

1. Khái niệm khả năng và hiện thực

Hiện thực là phạm trù triết học chỉ mọi cái đang tồn tại thực sự trong tự nhiên, xã hội, tư duy.

Khả năng là phạm trù triết học chỉ những xu hướng, những cái đang còn là mầm mống, tồn tại hiện thực trong sự vật, mà trong sự vận động của chúng sẽ xuất hiện khi có điều kiện tương ứng. Ví dụ, cây ngô đã mọc lên từ hạt ngô là hiện thực. Hạt ngô chứa khả năng nảy mầm thành cây ngô, khi có điều kiện phù hợp về nhiệt độ, độ ẩm, v.v thì cây ngô sẽ mọc lên. Có khả năng tất nhiên, ví dụ, gieo hạt ngô xuống đất khi có điều kiện phù hợp mọc lên cây ngô là khả năng tất nhiên (do nguyên nhân bên trong hạt ngô quy định). Trong khả năng tất nhiên lại có khả năng gần, khả năng xa. Khả năng gần là khả năng có gần đủ những điều kiện để trở thành hiện thực. Ví dụ, hàng năm nước ta đều đạt tăng trưởng GDP khá trên 7%/năm. Theo đà này, khả năng nước ta thoát khỏi nước kém phát triển (đạt 1000USD/người/năm) là không xa. Khả năng xa là khả năng mà điều kiện để trở thành hiện thực còn chưa đủ. Ví dụ, khả năng chúng ta hoàn thành sự nghiệp xây dựng củ nghĩa cộng sản là còn xa. Nếu hạt ngô gieo xuống do khô hạn, nóng, v.v mà không nảy mầm được gọi là khả năng ngẫu nhiên (do những nguyên nhân bên ngoài hạt ngô quy định).

2. Mối quan hệ biện chứng giữa khả năng và hiện thực

a. Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau, thường xuyên chuyển hoá lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật.

Điều này nói lên rằng, trong cùng một điều kiện, mỗi sự vật có thể có một số khả năng khác nhau (phụ thuộc vào điều kiện cụ thể). Quá trình vận động, phát triển của sự vật ở một lát cắt nhất định chính là quá trình khả năng trở thành hiện thực. Khi hiện thực mới xuất hiện thì trong nó lại xuất hiện những khả năng mới. Những khả năng mới này, trong những điều kiện cụ thể thích hợp lại trở thành những hiện thực mới. Cứ như vậy, sự vật vận động phát triển vô cùng tận và khả năng, hiện thực luôn chuyển hoá cho nhau. Ví dụ, khi chúng ta thi đỗ đại học và theo học một trường đại học nào đó thì chúng ta có khả năng trở thành kỹ sư, cử nhân. Nếu khả năng trở thành kỹ sư, cử nhân trở thành hiện thực thì sẽ xuất hiện khả năng có việc làm tốt. Nếu khả năng có việc làm tốt được thực hiện thì sẽ làm nảy sinh khả năng có thu nhập cao, v.v.

Trong tự nhiên, khả năng trở thành hiện thực diễn ra một cách tự phát, nghĩa là không cần sự tác động của con người. Trong xã hội, bên cạnh các điều kiện khách quan, muốn khả năng trở thành hiện thực phải thông qua hoạt động thực tiễn có ý thức của con người. Trong ví dụ ở trên, để khả năng trở thành kỹ sư, cử nhân trở thành hiện thực thì chúng ta phải chăm chỉ học tập, nghiên cứu khoa học, v.v.

b. Ngoài những khả năng vốn có, trong những điều kiện mới thì sự vật sẽ xuất hiện thêm những khả năng mới, đồng thời bản thân mỗi khả năng cũng thay đổi theo sự thay đổi của điều kiện. Ví dụ, khi chúng ta ra nhập Tổ chức thương mại thế giới thì khả năng tụt hậu của nước ta so với trước cũng thay đổi. Nếu chúng ta không tích cực vươn lên về mọi mặt thì khả năng tụt hậu còn nhiều hơn trước khi chúng ta ra nhập tổ chức này.

c. Để khả năng trở thành hiện thực thường cần không chỉ một điều kiện mà là một tập hợp nhiều điều kiện. Ví dụ, để hạt ngô nảy mầm cần điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ, áp xuất, v.v.

3. Một số kết luận về mặt phương pháp luận

Khả năng là khả năng của sự vật, do đó tìm khả năng của sự vật phải tìm ở chính sự vật, không tìm khả năng của sự vật ở ngoài nó.

Trong hoạt động thực tiễn, chúng ta cần dựa vào hiện thực không nên dựa vào khả năng, tất nhiên phải tính tới khả năng. Bởi lẽ, hiện thực là cái đã tồn tại, đã hiện diện, nó mới quy định sự vận động, phát triển của sự vật.

Sự vật trong cùng một thời điểm có nhiều khả năng vì vậy, trong hoạt động thực tiễn cần tính đến mọi khả năng có thể xảy ra để có phương án giải quyết phù hợp, chủ động.

Để thực hiện khả năng phải tạo cho nó các điều kiện cần và đủ. Do đó, trong hoạt động thực tiễn cần chủ động tạo ra những điều kiện cần và đủ để thúc đẩy khả năng trở thành hiện thực.

Khả năng và hiện thực có thể chuyển hoá cho nhau trong quá trình vận động của sự vật. Vì vậy, cần chủ động thúc đẩy cho những khả năng tốt nảy sinh, hạn chế những khả năng không tốt đối với con người.

TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

Đây là chương dài và rất quan trọng, anh/chị cần ghi nhớ:

1. Quan điểm triết học Mác-Lênin về phạm trù triết học, so sánh với phạm trù của các khoa học chuyên ngành.

2. Nắm được quan điểm triết học Mác-Lênin về 6 cặp phạm trù (định nghĩa từng cặp một, quan hệ biện chứng giữa chúng và ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ việc nghiên cứu các cặp phạm trù này).

3. Khi học mỗi cặp phạm trù nên lấy những ví dụ trong sách và suy nghĩ thêm, so sánh với định nghĩa để hiểu đúng từng phạm trù. Làm được như vậy, anh/chị sẽ thấy hứng thú khi tìm hiểu các cặp phạm trù này. Cố gắng hiểu từng phạm trù theo nghĩa triết học, không hiểu theo ngôn ngữ đời thường.

Chúc anh/chị thành công!

CÂU HỎI SUY LUẬN

Câu hỏi 1: Ta nhìn thấy chớp rồi mới nghe thấy sấm. Vậy chớp có phải là nguyên nhân của sấm không? Tại sao?

Gợi ý: Không phải, thứ nhất, không phải mọi cái nối tiếp nhau về thời gian đều nằm trong mối liên hệ nhân quả, phải xem chúng có quan hệ sản sinh không; thứ hai, dựa vào vận tốc của ánh sáng và sự tác động giữa hai đám mây trái dấu nhau để lý giải. Ánh sáng vận động với tốc độ 333.000km/s, nên mắt con người thường nhìn được, còn sấm bị sức cản của không khí, gió và tốc độ chỉ có 340m/s nên không phải khi nào con người cũng nghe được. Chính sự tác động giữa hai đám mây tích điện trái dấu là nguyên hân gây lên sấm và chớp.

Câu hỏi 2: Tại sao ngày và đêm không phải là nguyên nhân của nhau?

Gợi ý: Xem lại nguyên nhân là gì, kết quả là gì, tính phức tạp của quan hệ nhân quả. Nguyên nhân của ngày và đêm là do sự quay của trái đất xung quanh trục của nó và quanh mặt trời. Do vậy khi bán cầu này là ngày thì bán cầu ngược lại sẽ là đêm vì chính trái đất che mất ánh sáng mặt trời.

Câu hỏi 3: Hãy lập luận, chứng minh rằng, hiện thực và vật chất có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau?

Gợi ý: Hiện thực là phạm trù triết học chỉ mọi cái hiện đang tồn tại thực sự trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Trong khi đó vật chất là phạm trù chỉ toàn bộ thực tại khách quan tồn tại độc lập với ý thức con người. Như vậy vật chất và hiện thực có quan hệ với nhau, nhưng không đồng nhất. Hiện thực rộng hơn vật chất. Hiện thực bao gồm cả vật chất lẫn những yếu tố tinh thần. Do vậy, không được đồng nhất vật chất với hiện thực.

Câu hỏi 4: Hãy phân tích quan hệ giữa khả năng và ngẫu nhiên?

Gợi ý: khả năng là cái hiện có trong xu hướng, khi có điều kiện sẽ xuất hiện. Ngẫu nhiên là cái có thể xảy ra cũng có thể không xảy ra. Hai cái này có điểm chung ở chỗ: đều là cái có trong xu hướng. Cả hai muốn xảy ra còn phải có những điều kiện phù hợp. Để khả năng trở thành hiện thực phải có nhiều điều kiện. Ngẫu nhiên là do những mối liên hệ bên ngoài sự vật quy định. Do vậy, nó có thể xảy ra cũng có thể không xảy ra; có thể xảy ra như thế này, cũng có thể xảy ra như thế khác.

Câu hỏi 5: Có phải chỉ có tất nhiên mới có quy luật còn cái ngẫu nhiên không có quy luật?

Gợi ý: Không phải vậy, theo triết học duy vật biện chứng, cả cái tất nhiên, cả cái ngẫu nhiên đều có quy luật. Có điều, quy luật của cái tất nhiên khác quy luật của cái ngẫu nhiên. Cái tất nhiên tuân theo quy luật động lực, nghĩa là quy luật mà trong đó mối quan hệ qua lại giữa nguyên nhân và kết quả là mối quan hệ đơn trị, tức là chỉ có một kết quả xác định. Cái ngẫu nhiên tuân theo quy luật thống kê, là quy luật mà mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả trong nó là mối quan hệ đa trị (một nguyên nhân có thể có kết quả như thế này, có thể có kết quả như thế khác).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved