Home » » Một ngàn năm văn học Thăng Long-Hà Nội

Một ngàn năm văn học Thăng Long-Hà Nội

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011 | 00:53



Tổng kết Hội thảo "Một ngàn năm văn học Thăng Long-Hà Nội"
07/12/2010 05:07
·                                
·                                
·                                
Không giống với các vùng văn hóa khác, suốt lịch sử phát triển của mình, Thăng Long-Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người con đi xa, cho những người từng một lần ghé qua và không thôi thương nhớ về mảnh đất này. Ngàn năm thương nhớ, hay thương nhớ ngàn năm Thăng Long vì thế cũng thành một chủ đề sáng tác nhiều âm vang, nhiều thành tựu của các thế hệ cầm bút...

Thưa các vị khách quý,
Thưa các nhà khoa học,

          Sau nhiều tháng chuẩn bị, và sau buổi làm việc trong một khoảng thời gian khá khiêm tốn hôm nay, hội thảo “Một ngàn năm văn học Thăng Long-Hà Nội” đang đi vào những giây phút kết thúc.

Cho đến sau thời hạn chót nhận bài, thậm chí ngay cả đêm trước của cuộc Hội thảo này, hộp thư của Ban tổ chức đã nhận được trên 30 bài viết gửi tới, đóng góp cho việc tìm hiểu ‘văn học Thăng Long-Hà Nội’ qua chiều dài 1000 năm; trong đó 29 bài viết đã được đưa vào Danh sách tham luận chính thức của hội thảo. Từ các trung tâm nghiên cứu và đào tạo của cả nước (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Phú Yên, Bình Định...), các nhà khoa học đã mang đến Hội thảo những tìm tòi phong phú và kiến giải riêng về các góc cạnh nổi bật, những thời khắc quan trọng, những hiện tượng không thể bỏ qua của một thiên niên kỷ văn học Thăng Long-Hà Nội.

Về góc độ văn học sử, hội thảo không có những tham luận và trao đổi tại chỗ về việc phân đoạn hay tìm hiểu từng giai đoạn của lịch sử văn học Thăng Long-Hà Nội. Hầu hết bài viết thiên về những nghiên cứu cụ thể, tập trung vào một số vấn đề của các phiến đoạn văn học, như: sự hội tụ tinh hoa thời Lý Trần qua nhân vật Nguyễn Trãi (PGS. Nguyễn Công Lý), hoặc màu sắc kỳ ảo của văn học thời Lý (PGS. Vũ Thanh), hay hiện tượng văn phái Ngô gia hiện diện từ nửa sau thế kỷ 18 đến nửa sau 19 (PGS. Trần Thị Băng Thanh), và đội ngũ người cầm bút thời hiện đại thu nhỏ ở những người gốc gác Nghệ Tĩnh (GS. Phong Lê).
Bên cạnh đó hội thảo cũng nhận được những nghiên cứu về một số tác giả tiêu biểu (Vạn Hạnh Thiền sư, Đoàn Thị Điểm, Dương Bá Trạc, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Đình Hưng, Đặng Nhật Minh...), hoặc về tác phẩm có ý nghĩa dấu mốc (Thiên đô chiếu, Hoàng Lê nhất thống chí...).

Không giống với các vùng văn hóa khác, suốt lịch sử phát triển của mình, Thăng Long-Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người con đi xa, cho những người từng một lần ghé qua và không thôi thương nhớ về mảnh đất này. Ngàn năm thương nhớ, hay thương nhớ ngàn năm Thăng Long vì thế cũng thành một chủ đề sáng tác nhiều âm vang, nhiều thành tựu của các thế hệ cầm bút. Tại cuộc Hội thảo này, không rõ vô tình hay hữu ý, cụm bài nghiên cứu các tác phẩm/tác giả viết về chủ đề này gần như chủ yếu là sự góp mặt của các nhà nghiên cứu phương xa (PGS. Đoàn Lê Giang và ThS. Phan Mạnh Hùng - ĐHKHXH &NV, Tp. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thị Thu Trang - ĐH Phú Yên). Sự cộng hưởng, đồng cảm giữa xúc cảm sáng tạo và tìm tòi của nhà văn-nhà nghiên cứu, dù cách xa về thời gian, đã đem lại nhiều cái nhìn, phát hiện khoa học mới mẻ[1].

Nhìn Thăng Long Hà Nội từ các góc độ cận văn học là cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm, hay liên văn học văn hóa (ThS. Nguyễn Thanh Tùng, TS. Nguyễn Đức Mậu, ThS Lê Thị Dương)… đã mở rộng kiến văn của chúng ta về không gian và sắc màu văn học Thăng Long-Hà Nội.
Xuất phát từ thực tế, văn học Thăng Long-Hà Nội là sự kết tinh, xen hòa của các giá trị tinh thần, văn hóa nghệ thuật của các vùng miền trong cả nước, của văn học dân gian và văn học bác học, của văn học và tính ngưỡng, của huyền sử và sự thật…, nhiều tham luận chú ý lý giải quá trình thẩm thấu, chắt lọc và ngưng kết này, như các tiểu luận của PGs. Trần Nho Thìn, ThS. Nguyễn Thị Thanh Lưu, Ncs Nguyễn Huy Bỉnh…

Một điểm đặc biệt đáng chú ý trong các tham luận gửi về một Hội thảo tưởng như chỉ tập trung vào vấn đề nội dung là sự đa dạng về phương pháp tiếp cận. Bên cạnh những phương thức quen thuộc, nhiều nghiên cứu đã trở thành những thử nghiệm mới về cách thức khám phá tác giả tác phẩm văn chương. Như thử nghiệm nghiên cứu liên ngành (văn học-điện ảnh) ở thao tác chuyển thể của đạo diễn Đăng Nhật Minh, thử nghiệm phương pháp đọc sâu văn bản của trường phái nghiên cứu phương Tây vào tác phẩm văn học Á Đông thời kỳ đầu Thiên đô chiếu… Ban tổ chức coi đây là một hiện tượng đáng khích lệ, nhất là khi những người mạnh dạn đi bước thăm dò này chủ yếu xuất lộ từ các nhà nghiên cứu trẻ nhiều khát vọng.

Tuy nhiên, có một hiện tượng khiến chúng ta không khỏi băn khoăn: Nội dung các tham luận của Hội thảo và những trao đổi trực tiếp vừa mới đây về căn bản đều tập trung vào những di sản quá khứ xa. Đã đành những chiều sâu lịch sử, văn hóa dường như luôn có sức mời gọi hấp dẫn hơn, và có thể có độ an toàn hơn các hiện tượng đương đại. Song, tiếng nói khiêm tốn, cả về lượng và chất, của mảng nghiên cứu về văn học thời hiện đại/đương đại tại Hội thảo này có lẽ cũng cần được các nhà nghiên cứu, trước hết là trong Viện Văn học, suy ngẫm thêm. 

Bên cạnh đó, như chúng ta đều biết, việc chuẩn bị cho Hội thảo này được tiến hành đồng thời với các hoạt động lớn của cả nước và của riêng Hà Nội hướng tới Đại lễ một ngàn năm. Không khí hào hứng chung thực sự có nhiều tác động khích lệ, song cũng chính bởi diễn ra cùng một thời điểm với quá nhiều hoạt động văn hóa theo cùng một tiêu đích như thế mà Hội thảo cũng phải chịu nhiều bất lợi. Không ít thời gian và tâm sức của hầu hết các nhà nghiên cứu đã bị chia sẻ cho vô số đề tài, dự án nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cùng lúc được triển khai thực hiện trong cả nước cũng như tại Hà Nội. Đấy là lý do đáng kể khiến cho khá nhiều dự định viết bài đã bị lỡ dở, hoặc chưa có được chiều sâu cần có, và khiến cho những mong đợi, những đơn đặt hàng ban đầu của Ban Tổ chức Hội thảo không thành hiện thực hoàn toàn. 

Điều nữa, có thể thấy, những câu hỏi, như: có hay không một vùng văn học Thăng Long-Hà Nội, khi mà địa hạt này do vị thế hết sức đặc biệt của nó luôn là một thực thể linh động và không phong bế, nhất là khi lịch sử càng tiến dần thời hiện đại? Cái gì đã tạo nên sự phát triển liên tục, tính chi phối, diện mạo đa sắc, độ đằm sâu, cũng như thành tựu đỉnh cao của văn học Thăng Long-Hà Nội ngay cả khi nó không đóng vai trò trung tâm chính trị của quốc gia, như hơn một thế kỷ dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) ? Và cách giới nghiên cứu Việt Nam quan tâm đến vùng văn học Thăng Long-Hà Nội liệu có tìm được sự đồng vọng từ các đồng nghiệp chúng ta ở Trung Hoa, Nhật Bản, thậm chí Anh Pháp, với đối tượng văn học vùng Bắc Kinh, Tokyo, London hay Paris trong dòng lịch sử riêng của mỗi quốc gia đó? , v.v.... – những câu hỏi đó, cũng như một số vấn đề khác mà báo cáo Đề dẫn của PGS Phan Trọng Thưởng – Viện trưởng Viện Văn học - nhắc đến… đã không được đặt ra ở bàn nghị sự lần này.

Vì tất cả những lý do và thực tế đó, chúng tôi coi Hội thảo lần này là một hoạt động mang tính mắt xích - có kế thừa, và sẽ còn cần được tiếp tục - để diện mạo và đường nét của một vùng văn học đặc biệt nhất trong toàn cảnh văn chương dân tộc được hiển lộ thêm. Vả chăng, 10 thế kỷ hình thành và phát triển là một khoảng thời gian quá dài cho một cuộc bàn luận, dù chỉ là ở những lát cát nhỏ, những nét điểm xuyết... của một lịch sử và đời sống văn học vốn luôn đa chiều và tinh tế.

Đồng thời, từ một cách nhìn khác, những câu hỏi đã có lời giải, bên cạnh những dấu hỏi vẫn tồn tại như một thách đố cũng có thể coi là một kết quả khác nữa của Hội thảo. Bởi khả năng nhìn nhận, phát hiện, khơi gợi các vấn đề cũng là một dấu hiện quan trọng của tri giác khoa học. Vì thế, Ban tổ chức chúng tôi tin rằng, dù thành tựu kiếm tìm còn khiêm tốn, Hội thảo của chúng ta hôm nay thực sự đã góp một tiếng nói có ý nghĩa vào một sự kiện mang tính lịch sử, một sinh hoạt mang tính xã hội cao của Hà Nội và cả nước. 

           Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn nhà khoa học trong cả nước đã quan tâm đến cuộc hội thảo thông qua việc góp bài, đến dự, trình bày tham luận và trao đổi ý kiến tại diễn đàn này. Xin các quý vị thứ lỗi cho chúng tôi về những thiếu sót và sơ suất không tránh khỏi trong thời gian tiếp đón và tổ chức Hội thảo. Chúng tôi mong muốn được gặp lại quý vị trong những sinh hoạt học thuật sắp tới và thường kỳ khác, mong muốn thiết lập những hợp tác nghiên cứu liên ngành chặt chẽ và rộng mở hơn nữa giữa nghiên cứu văn học và các chuyên ngành liên quan. Xin kính chúc các quý vị và các nhà khoa học sức khỏe và nhiều thành công trong công việc.

            Cuối cùng, thay mặt ban tổ chức xin tuyên bố kết thúc chương trình Hội thảo tại đây.


Trần Hải Yến




[1]  và cả những gợi ý mang tính cảnh báo về cái nhìn thoảng hoặc còn phiến diện của nghiên cứu do chưa tiếp cận đầy đủ các nguồn tư liệu.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved