Home » » MỸ HỌC ĐẠI CƯƠNG ( P3 )

MỸ HỌC ĐẠI CƯƠNG ( P3 )

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011 | 23:41

3.3.6 -  Về nghệ thuật bi kịch hiện đại
                  Bi kịch xã hội tư bản, xét về tổng thể, có thể nói là những bi kịch dựa trên triết lí ngậm ngùi. Bi kịch hiện đại phương Tây thì dựa trên triết lí bi đát.
            Triết lí bi đát của nghệ thuật phương Tây hiện đại dựa trên quan niệm về sự thỏa hiệp đau thương không tránh khỏi của con người với thực tại nghiệt ngã và bạo tàn. Chính điều này không cho phép nghệ thuật của nó tồn tại nhân vật anh hùng. Vì thế, nghệ thuật ấy chỉ có thể dựng lên những con người bị tha hóa một cách tồi tệ. Có thể rút ra mấy kiểu nhân vật tha hóa của bi kịch hiện đại:
    Bi kịch con người vỡ mộng
            Họ là những người lúc đầu có chút ít lí tưởng sống, muốn xông pha với đời, nhưng rồi dần dần họ mất hết niềm tin và bị vùi dập bởi cái lí tưởng cá nhân mỏng manh kia không chống chọi nổi hoàn cảnh khốc liệt. Cái mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội là không giải quyết nổi.
     Bi kịch con người nhỏ bé
           Đó là bi kịch thê thảm, chua chát. Trong bi kịch này, con người sống giữa tha nhân nhưng anh ta tìm đâu ra một tấm lòng ưu ái ? Gregor Samxa trong tiểu thuyết Biến dạng của nhà văn F.Kapka là một con người như thế. Anh ta muốn trọn đời khiêm tốn làm một nhân viên chào hàng của một hãng buôn lớn. Nhưng rồi bỗng đâu tai họa giáng xuống. Một buổi sáng trở dậy anh ta biến thành con sâu. Ngày trước anh ta còn là thân nhân vì kiếm được tiền nuôi cha mẹ em gái. Ngày hôm sau, anh ta thành “của nợ”, vì làm cho gia đình khổ lây. Anh ta chết, chỉ cần một nhát chổi hất anh ta vào thùng rác và cả gia đình cho là đã “thoát nợ”. Anh chàng Giôzép K. cũng vậy, trong tiểu thuyết  Vụ án, nhà văn Kapka cũng chẳng cần giải thích vì sao anh ta bị kết tội, bởi “ trên đầu mỗi người đều đã treo lơ lửng một cái án”. Khi Giôzep K. bị hai tên đao phủ chìa dao loang loáng trên đầu anh, lúc chúng nhường nhau “cái thú được chém đầu người”, anh ta cũng chẳng chống lại, mà chỉ nghĩ: “chúng giết mình như giết một con chó”.
Tiếp thu ý kiến của Tsecnyxepxki, chúng ta cũng cho rằng, sống là đấu tranh nhưng không phải cuộc đấu tranh nào cũng là bi kịch. “Ta hãy cho rằng cuộc đấu tranh lúc nào cũng là cần thiết, nhưng không phải cuộc đấu tranh nào cũng là bất hạnh cả. Và một cuộc đấu tranh may mắn, dù cho có gian khổ thế nào đi nữa, cũng không phải là bi kịch mà chỉ có kịch tính”.  (Tsecnưxepxki. Quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật đối với hiện thực. Nxb VH-NT.M.1962.tr.53)
            Trong lịch sử cũng vậy, người ta ít gặp những vĩ nhân có số phận bi kịch hơn là những vĩ nhân mà cuộc đời có nhiều kịch tính.
            Cũng từ mạch chung đó, Mác và Ăng ghen cho rằng: “mâu thuẫn là động lực của mọi sự phát triển. Và cách mạng là mâu thuẫn giai cấp đã đạt tới đỉnh điểm của nó” . Do đấy, lúc này bi kịch cũng xuất hiện mạnh mẽ nhất. Từ đó, hai ông nâng thể tài bi kịch cách mạng làm trung tâm cho toàn bộ cách đặt vấn đề của mình.
Nghệ thuật bi kịch trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa
Bi kịch hiện đại của nền văn học cách mạng dựa trên một cơ sở hoàn toàn mới, đó là  bi kịch lạc quan. 
Bi kịch hiện thực xã hội chủ nghĩa có mấy tính chất sau:
                 a) Mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh
            Hoàn cảnh trong bi kịch cách mạng không thể là hoàn cảnh hẹp, mà là hoàn cảnh rộng (toàn cảnh), người anh hùng trong bi kịch không chiến đấu “đơn thương, độc mã”, mà chiến đấu trên bối cảnh chung của nhân dân cách mạng với một kẻ địch cũng không phải là kẻ tầm thường.
                 b) Tính trọng đại bên trong của nhân vật bi kịch (tính lí tưởng)
            Chiến đấu cho một mục đích cao cả, vì lợi ích chung, nên nhân vật bi kịch phải là người có bản lĩnh, loại người có tính cách mạnh  mẽ say sưa.
                 c) Ý thức đón nhận sự hy sinh
            Bản thân nhân vật phải ý thức sâu sắc về tính cách bi kịch của mình. Nghĩa là, họ phải tự nhận thức về tình trạng không dễ dàng của hoàn cảnh, thậm chí phải biết đón nhận cái chết một cách tự nguyện. Họ biết đánh giá lý tưởng sống cao hơn sự sống cá nhân.
                 d) Tính lạc quan và đầy thi hứng của hành động bi kịch
            Trong cuộc đấu tranh một mất một còn ấy, nhân vật bi kịch phải huy động mọi sức lực và trí tuệ của mình vào cuộc đọ sức. Do đó, nó làm bật ra ý thức tự hào về sức mạnh, nghị lực và niềm tin vào con người. Như vậy, tuy đầy rẫy gian nan và nguy hiểm nhưng cuộc chiến đấu ấy cũng rất hấp dẫn và gợi cảm. Chính vì thế, nhà dân chủ cách mạng Nga Ghersen đã cho rằng, những nhân vật bi kịch này phải là những con người “ có một mức độ phát triển nhất định về chất người, phải được xoa mình bằng một chất dầu thánh mới dám chịu đựng những đau khổ như vậy” (Ghersen .Toàn tập).
            Nhìn chung, bi kịch là một trong những đỉnh cao của sáng tạo thi ca, nó là một loại hình nghệ thuật đậm chất triết luận, nó phản ánh sâu sắc các vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Vẻ đẹp trong bi kịch là vẻ đẹp của những tư tưởng nhân văn mà con người đã rút ra từ kinh nghiệm cay đắng của cuộc sống. Ở bi kịch, tất cả những cái gì nhất thời, mong manh, vun vặt đều bị gạt bỏ, chỉ còn đọng lại những khát vọng mãnh liệt nhất, chân thực nhất nhưng cũng trí tuệ nhất.
Trong bi kịch, cái Chân, cái Thiện hòa hợp kì diệu với cái Đẹp và cái Trác tuyệt. Niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và thất vọng, sung sướng và đau khổ, thành công và thất bại cứ vận chặt lấy nhau, tương phản nhau, đối lập nhau, nhưng lại thống nhất một nhiệm vụ: khẳng định sức sống mãnh liệt và bất tử của con người, khẳng định tất yếu của tiến bộ xã hội dù phải trải qua rất nhiều thử thách.
k


BÀI 4                     Cái trác tuyệt
(卓绝 zhuō juè,  the sublime)
   Trong cuộc sống, đôi khi ta cảm xúcmạnh mẽ mà thốt lên với những lời như “ôi thật tuyệt !” ,“tuyệt vời ! tuyệt hảo !  kì diệu, diệu kì, tuyệt diệu, anh hùng, vĩ đại, cao cả, cao thượng, kiệt tác, thiên tài, siêu nhân, như thần như thánh,. hoặc “hay quá trời ! ” , hùng vĩ quá ! lộng lẫy huy hoàng … Những thứ ấy không có nhiều trong thế giới này từ ngày xưa và bây giờ. Những lời ấy người ta thốt ra khi cảm xúc mạnh mẽ, sử dụng tuỳ hỉ. Chẳng hạn, một cái áo sơ mi đẹp hợp ý thì kêu lên “tuyệt vời”, và khi xem bộ phim “Titanic” cũng xuýt xoa “mối tình thật là tuyệt vời ! Họ thật xứng với nhau, cao cả ngang nhau”. Cái áo sơmi ngang giá trị với bộ phim nhiều triệu đô với công sức sáng tạo của cả nghìn người ư ? Thế thì mọi giá trị thẫm mĩ lẫn lộn cả rồi !
   Mĩ học phải nghiên cứu để phân biệt các giá trị ấy một cách rõ ràng mang tính khách quan
        Trước hết đặt một cái tên chung (khái niệm) cho tất cả những hiện tượng kể trên là: cái trác tuyệt (hoặc trác việt).
4.1    Phân loại các trác tuyệt
Mĩ học đúc kết ra 4  dạng trác tuyệt cơ bản và tạm đặt cho 4 cái tên :
  • Cái trác tuyệt huy hoàng
  • Cái trác tuyệt rợn ngợp
  • Cái trác tuyệt thán phục
  • Cái trác tuyệt thanh cao
Cái trác tuyệt huy hoàng
Loại này có khối lượng lớn, qui mô lớn đập mạnh vào cảm xúc của con người, tồn tại  ở cả tự nhiên, xã hội và nghệ thuật.  Môt số ví dụ sau:
¨      Toàn cảnh buổi bình minh của một ngày  đẹp trời đối diện với một mình ta , trọn vẹn – đó là một cảnh tượng huy hoàng hiếm thấy khiến ta cảm thấy khoan khoái cao độ, vui mừng tràn ngập.
¨       Một buổi hòa nhạc lớn hàng nghìn diễn viên với bài đồng ca hùng tráng.
¨      Bản giao hưởng số 5 của Beethoven với những giai điệu huy hoàng tràn đầy niềm tin tất thắng vào sức mạnh con người.
¨      Trận đánh “Điện biên phủ trên không” bắn rơi cả trăm máy bay B.52 của đế quốc Mĩ đang dội bom điên cuồng xuống thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.
¨      Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 do Hồ Chủ tịch viết và đọc
¨      Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975.
¨      Những câu nói nổi tiếng của một số vĩ nhân, lãnh tụ, nhà văn hóa lớn trên thế giới. . . .
Cái trác tuyệt rợn ngợp
  • Cảnh biển động dữ dội, bão táp cuốn trôi tất cả, sấm chớp đầy trời
  • Núi lửa đang phun cuồn cuộn
  • Đứng nhìn cảnh rừng già mênh mông, trầm lặng, không bóng người, thiếu những cái quen thuộc, chỉ có tiếng gió rừng xào xạc.
  • Nghĩ đến một thời gian kéo dài thuộc về tương lai vô định, vô vọng, ta cảm thấy rợn ngợp, . . .
Đó là những thứ làm cho ta cảm thấy bị ức chế, dồn nén rồi dâng trào xúc cảm mãnh liệt. Nói cách khác: ban đầu ta hơi sợ hãi, nhưng kích thích ý chí chinh phúc nó … Khi trải qua rồi thì ta  đã trưởng thành và có thể tự hào. Chúng là những thứ thử thách con người, mời gọi chinh phục. Đó là những bước tiến lớn trong lịch sử và trong mỗi đời người.
 Cái trác tuyệt thán phục
¨      Hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi gầy gò, quần áo trắng bình tĩnh hiên ngang trên pháp trường khiến bao người Việt Nam cảm động, thán phục và tự hào, khiến hàng triệu thanh niên noi theo anh.
¨      Những bài thơ ca ngợi Bác Hồ của nhà thơ Tố Hữu
¨      Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần  Giuộc của nhà thơ  Đồ Chiểu
¨      Tình bạn vĩ đại và cảm động của Marx và Engels
¨      Kim Tự Tháp và bức tượng con Sphins ở Ai cập
¨      Vạn lý trường thành, Những con đê sông Hồng , khu chùa tháp Ăng kor . .
 Cái trác tuyệt thanh cao
¨      Ngôi nhà sàn của Bác Hồ bên hồ nước lặng lẽ
¨      Cảnh ngôi chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) đơn sơ cũ kĩ ở Hà Nội
¨      Mối tình của Mác và Gienny
¨      Nghĩ về một thời gian rất dài đã thuộc về quá khứ của một đời người, một dân tộc
¨      Truyện Kiều của Nguyễn Du
¨      . . .
Những cái trác tuyệt thanh cao có vẻ bề ngoài giản dị, gần gũi, nghĩa là không “đập” mạnh vào cảm giác của ta. nhưng hàm chứa những vẻ đẹp tiềm tàng, tinh khiết  tưởng như vô hạn khiến cho ta khâm phục, rồi  ta suy nghĩ  miên man  thấy nó gần gũi thân thương. Và ta rất muốn đạt được như thế hoặc sống như thế.
4.2   Tình cảm thẩm mĩ của cái trác tuyệt
      Các phạm trù mĩ học là thể thống nhất và phân lập ở hai cực: một, nó có tính chất  bản thể ( tự nó ); mặt khác, nó mang tính chất giá trị học định vị (nghĩa là giá trị của nó tuỳ theo cách đánh giá của con người).
        ĐỊNH NGHĨA: Cái trác tuyệt một mặt phản ánh bản thân tính chất đồ sộ, to lớn, hùng vĩ, vũ bão, mạnh mẽ hay là thanh cao, tiềm tàng, sâu lắng, vô cùng trong sáng, vô cùng thanh khiết  của các sự vật khách quan, mặt khác nó phản ánh xu hướng con người luôn luôn có khát vọng vươn tới cái vĩ đại .
Nếu cái đẹp thúc đẩy con người vươn đến cái hoàn thiện hoàn mỹ thì cái trác tuyệt phản ánh một phẩm chất rất quan trọng là:  con người muốn hùng vĩ hóa bản thân một cách bất tận để đáp ứng những nhiệm vụ to lớn và bất tận của cuộc đời đang đặt ra trước loài người.
      Con người thường có xu hướng không ngừng nâng cao năng lực và tâm hồn mình hướng đến cái vĩ đại đã yêu cầu mĩ học phải đề cập đến cái trác tuyệt.
      Như vậy, hai tiêu chí đầu tiên để xây dựng tình cảm thẩm mĩ  của cái trác tuyệt là:
       Bản thân các sự vật khách quan còn tiềm tàng biết bao năng lực to lớn mà con người chưa thể một lúc đã phát hiện hết.
 Mặt khác ngay trong bản thân con người cũng còn chứa biết bao nhiêu khả nănghùng mạnh chưa thể một lúc sử dụng hết, phát huy hết.
 Khi nói về mối quan hệ giữa hai năng lực tiềm tàng này, ngay từ thời cổ Hy Lạp, tác phẩm mĩ học Bàn về cái trác tuyệt (tác phẩm vô danh, nhưng vẫn được gán một cách ước lệ cho  nhà từ chương học Leghinnusơ), đã nhấn mạnh: “Trong tính bẩm sinh của nó, về bản chất, tâm hồn con người có thể đồng vọng với cái trác tuyệt”. Nhưng đó không phải là tiếng đồng vọng thông thường, mà là “ tiếng đồng vọng về cái vĩ đại của tâm hồn” (Đỗ Văn Khang, Lịch sử mỹ học, NXB Hà Nội, 1983).
Để phân biệt tình cảm của cái đẹp và tình cảm của cái trác tuyệt, chúng ta cần chú ý, khi cảm thụ cái đẹp, người bình thường cũng có thể bị cái đẹp quyến rũ. Nhưng khi cảm thụ cái trác tuyệt, không phải bất cứ ai cũng nẩy sinh tâm hồn trác tuyệt. Muốn có tình cảm về cái trác tuyệt, tư tưởng và cảm hứng của con người không thể thấp kém. Những người suốt đời mắt nhìn xuống đất, trong đầu đầy những ý nghĩ thông tục sẽ không thể “đồng vọng với cái vĩ đại”. Chỉ những ai có lí tưởng sống với nội dung lành mạnh, có khát vọng vươn lên cái cao đẹp thì mới có năng lực cảm nhận “tiếng đồng vọng về cái vĩ đại của tâm hồn”.
      Tình cảm về cái trác tuyệt có cường độ mạnh với nhiệt tình hăng say đầy khát vọng hướng về sự hùng vĩ. Tình cảm trác tuyệt chứa đựng một giá trị tổng hợp – đó là thành quả cao của mối quan hệ Chân – Thiện – Mỹ- chính là chất lý tưởng đã được xoa mình bằng một “chất dầu thánh” làm cho con người ngây ngất.
       Lưu ý: khi cảm thụ cái trác tuyệt ”rợn ngợp”, con người cảm thấy khó chịu, bó buộc, đè nén. Nhưng điều thú vị là ở chỗ, con người sau khi trải qua những giây phút khó chịu cảm thấy bất lực, nhỏ bé trước những hiện tượng đồ sộ, dữ dội ngoài tự nhiên thì khi đã định thần lại, người có bản lĩnh sẽ cảm thấy dâng trào một niềm kiêu hãnh, rằng bão tố, sấm chớp, cảnh hoang vu, núi cao rừng thẳm, tuyết dày có gì đâu mà đáng sợ ! Con người sẽ nhìn thẳng vào nó, và một ngày kia sẽ tìm cách chinh phục nó. Chẳng hạn, đứng trước cảnh núi lửa đang phun nham thạch nóng bỏng, trong một giây phút choáng ngợp  ta thấy sức mạnh dữ dội kinh người của từng đụn khói tỏa ngút trời cao. Khi trấn tĩnh, trong ta dâng trào niềm cảm khoái vô tận, rằng sức mạnh của núi lửa cũng không phải là sức mạnh phá hoại. . .
      Tuy nhiên, khi cảm thụ cái trác tuyệt rợn ngợp, người cảm thụ phải ở trong trạng thái gián tiếp. Một người đang rong thuyền trên biển mà gặp sóng thần, anh ta chỉ có cách là tìm cách chạy thoát thân. Nhưng người đứng trên bờ mà cảm thấy con thuyền nhỏ bé kia đang thoát dần ra khỏi sóng thần thì anh ta sẽ có cảm xúc về cái trác tuyệt cuả biển cả và cái thông minh dũng cảm của người đi biển. Khi người đi biển trở về đúng căn nhà của người ngắm biển, cả hai cùng chia nhau cốc trà nóng và cùng ngắm lại biển cả thì họ sẽ lại có tình cảm về cái trác tuyệt chẳng khác gì nhau. Thậm chí, họ khâm phục chính sức mạnh và tài trí của bản thân mình một cách sâu sắc và ấn tượng hơn.
      Khi cảm thụ cái đẹp, con người đã nắm được nó hoặc đã hiểu được nó. Ngược lại, khi cảm thụ cái trác tuyệt, cảm xúc  lại phải chạy qua một  đường kênh phức tạp. Mặc dù  ta chưa khám phá hết được, hoặc chưa hoàn toàn nắm được đối tượng để cảm thụ cái trác tuyệt nhưng con người vẫn có khát vọng cháy bỏng muốn chiếm lĩnh nó. Nhiệm vụ cơ bản của cái trác tuyệt là  hỗ trợ con người thêm sức mạnh, tăng uy lực và khát vọng chiếm lĩnh bằng cách phát triển vô tận “tiếng đồng vọng vĩ đại của tâm hồn”.
4.3  Cái trác tuyệt trong nghệ thuật
         Trước hết chúng  ta hãy xem vị trí của cái trác tuyệt trong các loại hình và loại thể của nghệ thuật.
         Theo phân loại của Hegel, các loại hình và loại thể nghệ thuật sau đây có khả năng miêu tả cái trác tuyệt:
       Loại hình nghệ thuật có: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, vũ đạo và văn học.
       Thể loại văn học: sử thi, kịch (chính kịch và bi kịch) và trữ tình.
        Trong số đó, sử thi (cũng gọi là anh hùng ca) là thể loại chủ yếu miêu tả tốt nhất cái trác tuyệt, giống như bi kịch là thể loại nghệ thuật của cái bi, còn hài kịch là thể loại nghệ thuật của cái hài.
        Vai trò của anh hùng ca ở các thời đại khác nhau thì khác nhau, nhưng cùng qui luật là: “ mỗi thời đaị đều cần có những con người vĩ đại của nó, và nếu không có những con người như vậy, thì thời đại sẽ sáng tạo ra những con người như thế ”.
 Vai trò mĩ học của cái trác tuyệt trong nghệ thuật đã không bó hẹp trong những lời  tụng ca về những anh hùng đã có, mà còn có nhiệm vụ rất trọng đại là sáng tạo ra những anh hùng cho lịch sử. Nghệ thuật có thể và cần đi trước thanh gươm và khẩu súng.
 Nghệ thuật Phục Hưng đã góp phần sáng tạo ra những anh hùng tư sản. Mác đã nói rất rõ về điều này: “Những bài ca về người anh hùng tư sản chính là phương tiện quan trọng giúp con người tư sản thay Chúa làm chủ linh hồn và thay vua làm chủ xã hội”. Xã hội tư sản tuy “ít tính chất anh hùng nhất” nhưng khi ra đời nó vẫn cần đến những người anh dũng hi sinh: “Trước lưỡi rìu của tên đao phủ phong kiến mà có người vẫn đòi đánh đổ đức vua, trước giàn thiêu của tôn giáo vẫn phủ định đức Chúa, đó cũng là anh hùng”. (Mác, Ăng ghen, Lênin, Stalin, Bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, NXB SỰ THẬT, Hà Nội. Tr.13.97 )
        Nếu trong thời đại suy tàn của các triều đại phong kiến, “tuấn kiệt như sao buổi sớm, anh hùng như lá mùa thu” (Nguyễn Trãi – Bài cáo bình Ngô ) và trong xã hội tư sản hầu như có ít tính chất anh hùng nhất  thì cách mạng vô sản là thời đại nở rộ những anh hùng :” trên vết máu của các vị anh hùng đã hi sinh vẻ vang trong chiến đấu, hàng nghìn hàng vạn chiến sĩ mới đã đứng dậy cũng gan dạ như thế, để đảm bảo thắng lợi bằng chủ nghiã anh hùng quần chúng” (Mác, Ănggen… – sách đã dẫn. Tr.13.97). Trên nền hiện thực vĩ đại đó, đã nở rộ một nghệ thuật anh hùng lấy cái trác tuyệt làm phương tiện “hùng vĩ hóa” sức mạnh con người. Khởi đầu của công trình đó phải kể đến Trái tim Đan kô, Bài ca chim ưng , Bài ca chim báo bão và tiêủ thuyết Người mẹ của Maxim Gorki.
                  Nghệ thuật cách mạng Việt Nam suốt nửa thế kỉ qua đã vận dụng sáng tạo cái trác tuyệt, tạo nên một nền nghệ thuật anh hùng sáng chói. “Với những thành tựu đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc ngày nay” (Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đai hội 4. Tạp chí Học tập , số 12.1976. tr.84).
                  Nghệ thuật cách mạng đã góp phần quan trọng khơi gợi tầm vóc vĩ đại ở mỗi một con người Việt Nam, nó đã mách bảo chúng ta:
                               Chỉ vì ta quỳ gối,
                               Nên ta cảm thấy các vĩ nhân là to lớn.         
                               Hãy đứng lên đi
                               Ta sẽ hóa anh hùng      
                  Việc vận dụng cái trác tuyệt trong nghệ thuật hiện đại ở nước ta đã làm biến đổi diện mạo của nền văn nghệ nước nhà và ảnh hưởng to lớn đến phương pháp và phong cách của đội ngũ văn nghệ sĩ. Nền nghệ thuật công khai thời Pháp thuộc đầy rẫy những hình ảnh thất vọng của các “chàng“ và “nàng”, đầy rẫy những “con người nhỏ bé” bị vùi dập và bị tha hóa thì nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã hướng con người tới cái vĩ đại trong sự nghiệp cứu nước, cứu nhà, khiến cho văn nghệ Việt Nam hiện đại vận động mạnh trên con đường sử thi hóa. Từ đó tạo nên một nghệ thuật có đặc điểm: nghệ sĩ bắt gặp trong mình một “nhà sử thi”, trở thành người viết biên niên sống của lịch sử. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực thơ ca, khoảng hai mươi năm chống Mĩ, văn nghệ Việt Nam đã gặt hái bội thu một mùa thơ ca có tính sử thi hoành tráng có thể thâu tóm cả một thời kì lịch sử vĩ đại của dân tộc.
                  Cũng do sử dụng rộng rãi cái trác tuyệt trong nghệ thuật, một loại phong cách độc đáo và mới mẻ ra đời: phong cách trữ tình trong dòng sử thi lớn của nhân dân cách mạng. Phong cách này đã thành tựu trong các tập thơ như: Việt Bắc, Ra trận, vv.. của nhà thơ Tố Hữu – ngọn cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam.
                  Tuy nhiên chúng ta cần nhớ rằng: nghệ thuật tối kị sự giản đơn, máy móc. Ngoài thể loại sử thi anh hùng, nghệ sĩ còn tìm cách đan kết một cách tài tình giữa cái trác tuyệt với cái đẹp, cái bi và có khi cả với cái hài nữa. Chỉ có kiến trúc là không phù hợp với cái hài kịch, còn điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ ca, đặc biệt sân khấu và điện ảnh lại rất cần sự pha trộn hợp lí các hình thái thẩm mĩ, trong đó có cái trác tuyệt, để làm cho sự phản ánh của nghệ thuật trở nên đa dạng y như sự đa dạng của cuộc sống.
                  Điều cần chú ý là: cái trác tuyệt là một phạm trù thẩm mỹ mang tính lí tưởng. Nó thường nhân danh lí tưởng để thể hiện những vấn đề nhân sinh, thế đạo. Thông qua cách tạo hình bằng một bảng màu trong sáng, nghệ thuật vận dụng cái trác tuyệt để dệt nên chất hùng vĩ của tâm hồn, của những chiến công rạng rỡ với tầm vóc lớn , tạo nên nhân vật mang chất lí tưởng thời đại. Nhờ đó hình tượng nghệ thuật ánh lên như một thực thể đầy sức cuốn hút.
         Bi kịch cũng là một thể loại nghệ thuật rất gần với chất lí tưởng. Do đó, khi xây dựng những tác phẩm thuộc loại này, nghệ sĩ cũng thường pha trộn chất hùng tráng với chất bi thương để tạo nên những khúc ca bi tráng. Như Aristote đã nói, chỉ cái chết có ý nghĩa rộng lớn đối với xã hội mới làm cho người đời luyến tiếc, xót thương như luyến tiếc một ráng chiều còn đẹp mà sớm bị mây mù che khuất. Do đó, chất đồng cảm trong bi kịch phải khởi đầu từ những ánh hồi quang có “tiếng đồng vọng vĩ đại của tâm hồn” .
Cái trác tuyệt trong nghệ thuật uyển chuyển đến mức bên cạnh vẻ đẹp anh hùng của nhân vật, đôi khi nghệ sĩ còn tìm cách đưa thêm vào đó đôi nét “yếu đuối mà ta quen thuộc” để làm cho nhân vật của mình nổi bật  chất người chân chính, cao đẹp mà vẫn thật gần gũi chẳng hề gượng gạo, xa lạ với cuộc đời thực.
      Khi biểu hiện cái trác tuyệt trong nghệ thuật, nghệ sĩ còn lồng khéo chất hài hước để làm cho nhân vật anh hùng của mình bớt bị “lên gân”, để nụ cười hiền hòa ấm áp xua tan cái cứng đờ, nghiêm nghị. Mọi người đều biết câu chuyện Trapaev  người anh hùng nội chiến cuả Liên Xô. Vốn xuất thân từ nông dân, tràn đầy lòng căm ghét đối với bọn Bạch vệ, Trapaev không thiếu nhiệt tình cách mạng, nhưng kiến thức không nhiều lắm. Một lần có bác nông dân hỏi “Đồng chí ủng hộ Bolsevich hay ủng hộ đảng cộng sản?”. Trapaev nhanh trí trả lời “Tôi ủng hộ quốc tế”. Phuôcmanop – chính ủy của Trapaev (sau này trở thành nhà văn) có mặt lúc đó, hỏi đùa thêm: “Đồng chí ủng hộ quốc tế nào, Đệ tam hay Đệ nhị ?”. Trapaev bối rối nhưng đâu có chịu, bèn tìm cách hỏi lại: Lê nin ở quốc tế nào?  Furmanov nói: “Đệ tam”. Trapaev nói: “Thế thì tôi cũng ở Đệ tam”…
 (Hai anh em Vaxiliev,Trapaev NXB Văn học).
      Ở một đoạn khác trong tác phẩm văn học đó, một đêm Trapaev và người cận vệ Belaia chuyện trò thân mật. Bỗng nhiên Belaia hỏi:
  -Đồng chí Vaxili Ivananki, đồng chí có thể chỉ huy một quân đoàn không ?
 - Được.
 Belaia sung sướng hỏi tiếp:
 - Chỉ huy một mặt trận ?
 - Được, Belaia ạ . Có thể làm được.
Belaia mở to mắt:
-Lực lượng vũ trang toàn quốc ?
Trapaev ngừng giây lát:
- Chỉ cần học thêm chút nữa, thì cũng có thể chỉ huy được.
Belaia phục lắm, hỏi tiếp:
- Vaxili Ivananki, đồng chí có thể chỉ huy quân đội toàn thế giới chứ?
Trapaev trầm ngâm, nghiêm chỉnh trả lời:
- Không … không được đâu … tôi không biết… ngoại ngữ.
      Như vậy, khi nghệ sĩ biết đem cái hài kịch điểm xuyết vào cái trác tuyệt một cách đúng chỗ, cái hài kịch kéo người đọc gần lại với vĩ nhân, xóa đi sự ngăn cách giữa họ với nhau, làm tăng thêm nhiệt tình say đắm của người đọc, kích động được khát vọng quần chúng cách mạng vươn lên ngang tầm vĩ nhân của mình.
      Có một vấn đề cần đặt ra: Trong nghệ thuật, cái trác tuyệt có thể dùng để biểu hiện vẻ đẹp của những người bình thường không ? Thúy Kiều của Nguyễn Du đã có một vẻ đẹp trác tuyệt ấy. Vẻ đẹp trác tuyệt của con người đành rằng không hoàn toàn chỉ ở chỗ “một hai nghiêng nước, nghiêng thành / Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” nhưng nó không thể không liên quan với một tình người vô cùng cao quý ở trong tâm hồn nàng, nhất là khi số phận đời nàng bị đem ra thử thách. Trước cơn gia biến, Kiều phải lựa chọn. Éo le thay sự lựa chọn của Kiều không phải là sự lựa chọn thông thường, mà một bên là “tình sâu mong trả nghĩa dày” mối tình đầu thiêng liêng cùng  Kim Trọng  và một  bên  là “đức cù lao”, “công cha như  núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Nhưng Kiều khác với mọi cô gái khác, nàng dám quyết định và quyết định đúng, dám ghé đôi vai mảnh mai của mình gánh cả “nỗi oan dậy đất, oán ngờ lòa mây” của gia đình. Vì thế, qua Truyện Kiều, ta như thấy nếp nhăn từng hằn sâu trên vầng trán ưu tư của nhân loại trải qua bao thế kỉ đăm chiêu trước ngọn đèn dầu bao lần vơi cạn khắc khoải, chua chát trước nỗi đau triền miên của con người bỗng thoáng lên một niềm tin yêu Hành động cao đẹp của Kiều tuy chỉ là sự quên mình của một cô gái dám bán mình chuộc cha, nhưng cũng đủ để cho bao thế hệ “lệ chảy quanh thân Kiều”, để người đời phải trầm ngâm suy nghĩ, vấn vương hi vọng. Và cũng ở đây, thiên tài của Nguyễn Du không phải đợi đến ba trăm năm sau mới có một hậu thế như nhà thơ mong ước “Ba trăm năm nữa ta đâu biết. Thiên hạ ai người khócTố Như” (Độc Tiểu Thanh kí). Thơ là điệu tâm hồn thì thi hào Nguyễn Du đã có “một tâm hồn đồng điệu” đời sau ấy là Tố Hữu  đã nói hộ chúng ta:
                  “Mai sau, dù có bao giờ/ Câu thơ thuở trước đâu ngờ hôm nay”.
      Khi biểu hiện cái trác tuyệt trong nghệ thuật, nghệ sĩ phải có lòng tin cháy bỏng vào con người. Khi thể hiện “tiếng đồng vọng vĩ đại của tâm hồn”, nghệ sĩ cũng phải nâng tâm hồn mình lên ngang tầm vĩ đại đó. Nếu không, dù miêu tả cái trác tuyệt,  tác phẩm  sẽ sẽ chỉ đạt mức độ “thuật lại” mà không được coi là tác phẩm trác tuyệt.
Bài tập
Tìm hiểu nội dung  cái trác tuyệt trong các tác phẩm sau (chỉ ra vài nét chính)
                        + Truyện ngắn “Trái tim Đan cô” (M. Gorki)
                        + Bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngàn mắt ngàn tay
                        + Hình tượng Hồ Chí Minh trong “Nhật kí trong tù”
                        + Hình ảnh nhân dân trong tập thơ “Việt Bắc” (Tố Hữu) .
                        + Bài cáo Bình Ngô (Nguyễn Trãi)
                        + Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)


BÀI 5           CÁI HÀI KỊCH
                戏 剧,戏 剧  xì  jù ,  The comedy
    5.1  Khái  niệm
Các qui luật của đời sống thẩm mỹ rất phong phú, hình thức biểu hiện của nó lại rất đa dạng, nhưng những diễn biến phức hợp của đời sống thẩm mỹ vẫn có thể qui về bản chất của con người.
      Trong cuộc đời, con người thường có những cặp thái độ chính:
        – Hai thái độ chính trị cơ bản: Đồng tình hoặc phản đối.
        – Hai thái độ triết học chủ yếu: Khẳng định hay phủ định.
        – Hai mặt tâm lý quan trọng: Yêu và ghét.
        – Hai tình cảm thẩm mỹ tương phản là: Ngợi ca hoặc giễu cợt.
 Sự giễu cợt là một mặt quan trọng để biểu hiện thái độ sống của con người và định giá nhân cách của con người. Chẳng thế đã truyền tụng câu ngạn ngữ: “Anh hãy chỉ cho tôi biết anh cười ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào”.
Điểm tựa của đời sống thẩm mỹ là cái đẹp. Con người dựa vào tiêu chuẩn của cái đẹp để định giá tất cả các biểu hiện phức tạp đan chéo nhau trong đời sống hàng ngày. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng  thẳng băng như một đại lộ giữa đô thành ngập tràn ánh điện.
Nhân loại sáng tạo ra một nền văn minh nhưng đồng thời hơn hai ngàn năm nay đã mắc  lỗi lầm lớn nhất  là đẻ ra cảnh người bóc lột người. Đã có một thời gian dài trong lịch sử, người với người không phải là bạn,  “người với người là chó sói” (Diderot).
Xuất phát từ  thực tiễn ấy, con người phải tìm cách khắc phục những lỗi lầm của mình. Cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa nhân đạo mới cũng là nhiệm vụ của hài kịch nhằm tống tiễn cái cũ và đón chào cái mới một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Từ nhiệm vụ cao cả này, cần phân biệt  cái cười sinh học và cái cười thẩm mỹ. Cái cười thẩm mỹ có liên quan đến cái cười sinh học. Cái cười sinh học chỉ là một phản ứng tức thời của sinh lí khi con người bắt gặp sự tác động nào đó trên lĩnh vực nào đó của cảm giác. Cái cười sinh học mang tính tự phát và ngẫu nhiên. Trong khi đó cái cười thẩm mỹ có ý nghĩa tinh thần sâu sắc hơn nhiều. Phân biệt vấn đề này, Gogol nhà văn lớn của nước Nga đã viết: “hài kịch có nhiệm vụ sửa sai cho những lỗi lầm của con người”. Cùng chung mục đích sửa sai, về mặt thẩm mỹ, người ta thông qua bi kịch để lấy nước mắt mà răn đời và dùng hài kịch để lấy tiếng cười mà uốn nắn lẽ sống.
Tiếng cười hài kịch có ý nghĩa sâu sắc hơn người ta tưởng. Cũng không phải là tiếng cười tiêu khiển, nhàn tản, mua vui của một hạng người nào đó. Đấy là tiếng cười vỗ cánh bay, hoàn toàn xuất phát từ bản chất trong sáng của con người. Vỗ cánh bay vì nó là ngọn nguồn phong phú của tiếng cười, vì tiếng cười này đi sâu vào đối tuợng, buộc những gì lẽ ra chỉ lướt nhanh phải hiện lên một cách rõ rệt, và nếu không có sức mạnh thâm nhập của nó thì những mặt tầm thường và trống rỗng của cuộc sống sẽ không làm con người khiếp sợ đến thế.
Như vậy, tiếng cười thẩm mỹ là tiếng cười nhằm phát hiện bản chất của đối tượng để tìm cách uốn nắn, sửa chữa hoặc xóa bỏ đối tượng đó. Cái cười thẩm mỹ gợi cho con người thắng lợi về mặt tinh thần trước những gì mất hài hòa, lạc hậu, mất ý nghĩa lịch sử, phi nhân văn đáng loại trừ ra khỏi cuộc sống.
      Maiakovki đã viết:
 Bạn ơi
Qua tiếng cười
bạn hãy học tập và nhìn tận đáy sâu
lòng căm thù
kẻ địch
Balzac, nhà văn lớn nước Pháp cũng nhấn mạnh “Cười là tinh thần của lòng căm thù”.
Như vậy, ta không thể cười cái ta không ghét. Do đó, nhiệm vụ của hài kịch là đi sâu, thâm nhập vào những mặt trái cuộc sống, phát hiện những gì còn mập mờ “đánh lận con đen” để phanh phui nó ra. Hài kịch là một vũ khí sắc bén và rất lợi hại để tống tiễn vào quá khứ tất cả những gì giả dối, những gì đã lỗi thời có hại vào quá khứ hay xuống mộ địa.
Nhưng điều đáng chú ý là, trong khi tống tiễn cái xấu vào quá khứ, đưa ma cái quay quắt, lộn sòng vào mộ địa, khắc phục những trở ngại trên con đường đi tới của mình, con người sáng tạo hài kịch còn vì một ý nghĩa cao hơn là khẳng định lại cái đẹp, vun đắp cho cái mới, cái tiến bộ đâm chồi nẩy lộc.
Trước hết phải thừa nhận rằng cơ sở của hài kịch là cái xấu đang tồn tại trong thực tế. Cái xấu (theo nghĩa rộng của từ này) là nguồn gốc của hài kịch.        
Nhưng đối tượng của hài kịch lại không phải là toàn bộ cái xấu. Cái xấu nếu biểu hiện ra như cái “toàn bộ xấu” thì chỉ làm ta kinh tởm, do đó nó lọt ra ngoài phạm vi của hài kịch. Như  vậy, chỉ có một bộ phận ranh mãnh nhất của cái xấu đã không đành phận xấu, lại còn tìm cách lọt vào vương quốc của cái đẹp, thậm chí lọt vào rồi, nó còn hoành hành ngang  ngửa, bắt cả cái đẹp và mọi người phải công nhận và sùng bái nó. Khi cái đẹp tỉnh táo sáng suốt, đủ sức rọi ánh sáng chân lý vạch trần chân tướng gỉa mạo của cái xấu, khi đó nhân loại được một trận cười thỏa thê.
Ở đây có thể dẫn ra câu truyện cười nổi tiếng của thế giới, chuyện “Ông vua trần trụi” của nhà văn Đan Mạch Andersen để làm sáng tỏ ý trên: Có một ông vua rỗng tuếch và một lũ quần thần xiểm nịnh cũng rỗng tuếch, ngược lại luôn tự cho mình là những kẻ thông thái. Cuộc sống xa hoa và vô nghĩa của họ bị hai kẻ lừa đảo chú ý. Những tên ma mãnh này tung tin chúng có thể dệt những áo gấm cực kì mỹ lệ mà “phàm dân” không ai có thể nhin thấy. Tin ấy lọt đến tai “bệ rồng” và tên quan tin cẩn nhất được nhà vua phái đến để hỏi mua chiếc áo. Áo long bào đã được dệt bằng những “sợi không khí” trên một khung cửi cũng bằng không khí nốt. Từ vua đến quan, tên nào cũng sợ mình có đôi mắt và đôi tay phàm dân, nên mặc dù không nhìn thấy gì, chẳng sờ thấy gì, quan vẫn đem “áo“ về cho vua và vua vẫn mặc để diễu hành. Đến khi nhà vua trút mảnh vải cuối cùng để mặc “áo long bào không khí” đi giữa đám rước trước vạn mắt thiên hạ, thì bọn trẻ là người hồn nhiên nhất, chúng hét tướng lên “Nhà vua không mặc quần”, lúc đó vua cũng vừa chợt tỉnh và nhìn xuống thân thể mình thì đã quá muộn. Lần ấy thiên hạ được một trận cười thỏa mãn.
Từ đó, ta có một định nghĩa:
Cái hài là một bộ phận của cái xấu nhưng lại không đành phận xấu, cái bộ phận xấu này lại núp dưới bóng cái đẹp, và cái đẹp ở đây lại chính là nguồn sáng cực mạnh để phơi bày cái bộ phận xấu ấy ra và đuổi cổ nó ra khỏi vương quốc mình, để mọi người phân biệt đen trắng rõ ràng.
Chính vì vậy, khi cái đẹp bị cái xấu lấn át và vùi dập thì xuất hiện cái bi kịch. Khi cái đẹp đủ sức thắng cái xấu, lúc đó mới xuất hiện cái hài. Tsecnyxepxki nói “khi chế giễu cái xấu, chúng ta trở nên cao hơn nó”.
Vì bản thân nó chứa đựng tính kịch, nên khi xác định bản chất của cái hài, chúng ta cần chú ý tới thời điểm tạo nên tình huống bộc lộ bản chất của nó. Trong thời điểm khi mối liên hệ giả tao giữa cái bộ phận xấu không đành phận xấu đã tìm cách núp bóng cái đẹp, và mối liên hệ giả tạo dó bị đột ngột lột trần, đây là thời điểm đáng chú ý nhất cho sự khai thác cái hài kịch về phương diện mỹ học và cũng là kinh nghiệm sáng tác hài kịch.
Sở dĩ mỹ học chú ý đến cái hài vì trong cuộc sống thiếu gì hiện tượng trống rỗng, vô nghĩa
ở bên trong lại được che đậy bằng một vẻ huênh hoang bên ngoài và tự cho rằng nó còn
có một nội dung, một ý nghĩa thực sự và có quyền tồn tại bất chấp qui luật.
5.2  Ý nghĩa của hài kịch
Bielinxki rất đúng khi cho rằng: “Hài kịch là hoa của văn minh, là quả của dư luận xã hội phát triển”. Xem thế, một xã hội còn trong trạng thái quá sơ khai, các mâu thuẫn xã hội chưa phát triển đầy đủ có thể có cái cười thông thường chứ chưa thể có nhận thức hài kịch với ý nghĩa mỹ học hoàn chỉnh của nó. Vấn đề là cái hài kịch có liên quan đến trình độ lí tưởng xã hội.
Như ta đã biết, lí tưởng xã hội là tiêu chuẩn vô cùng sinh động để ta quan sát, đánh giá đúng bản chất những giá trị thẩm mỹ của sự vật. Lý tưởng xã hội gắn với mục đích xã hội, gắn với sự tiến bộ xã hội theo tiêu chuẩn cái đẹp, cái hoàn mĩ, hoàn thiện. Tất cả những gì cản trở sự tiến bộ ấy đều trái với lí tưởng. Như vậy, muốn thực hiện lí tưởng, con người cần phải biết phát hiện các mâu thuẫn, các xung đột để dọn đường cho xã hội phát triển.
Như vậy, cái hài kịch có một chỗ đứng rất quan trọng trong xã hội, bởi vì nó có khả năng thông qua tiếng cười để phê phán thói hư tật xấu, để vạch trần những mâu thuẫn và xung đột đang còn giấu mặt, đưa ra trước dư luận xã hội để con người kịp thời xử trí. Hài kịch là một hình thái phê phán đặc biệt có cảm xúc để dọn đường cho lí tưởng phát triển, do đó nó có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của lịch sử.
Mũi nhọn của hài kịch chĩa thẳng vào kẻ thù của lịch sử. Nhưng không phải bất cứ  hình thái nào cũng là hình thái lịch sử của hài kịch. Chỉ khi “ lịch sử hành động triệt để và khi nó muốn đưa một hình thái già cỗi của cuộc sống xuống huyệt thì nó phải trải qua nhiều giai đoạn . Giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử toàn thế giới là tấn hài kịch của nó”. (Karl Marx )
Cái cách đưa một hình thái già cỗi của lịch sử đến hài kịch cũng tỏ ra độc đáo. Mác nói: Đó là cái cách “để cho nhân loại từ bỏ quá khứ của mình một cách vui vẻ”. Cái cười ở đây có ý nghĩa là sự giải tỏa, là sự dọn đường cho lịch sử, nó là hình thái nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà không mang tính giai cấp quyết liệt không khoan nhượng.
Hài kịch không chỉ có tác dụng chống cái ác mà còn có nhiệm vụ chỉ ra thói ươn hèn của con người. Con người có một sức mạnh to lớn không gì đo nổi, nhưng mỗi người lại có “cái gót chân Asin”, nghĩa là một điểm yếu dẫn tới chỗ chết người. Hài kịch ở đây có nhiệm vụ tiếp sức cho con người, chuẩn bị cho sự thắng lợi toàn diện của con người trước những cản trở của hoàn cảnh.
Thói ươn hèn cá nhân nhiều khi trở thành thói ươn hèn lịch sử. Trên thế giới những thập kỉ vừa qua không thiếu bài học xương máu xảy ra bắt đầu từ thói ươn hèn cá nhân. “Chiến dịch xoong nồi” của các bà nội trợ ở Chilet không thể vô can với hành động của tên độc tài Pinoche cướp quyền và giết tổng thống, dìm nhân dân vào biển máu.
Như vậy trong hài kịch, ta phải chú ý đến phương diện lịch sử và giai cấp của đối tượng, phải vạch trần nó ra ánh sáng để con người cảnh giác. Vì thế, về phương diện lịch sử, đối tượng của hài kịch phải nằm trong cả ba bình diện sau:
      -Về chính trị: Nó là cái mất ý nghĩa, cái lỗi thời, cái lạc hậu, cái phản động.
      – Về mặt triết học: Nó là mặt trái, là cái phủ định.
      -Về mỹ học: Nó đối lập với cái đẹp, cái trác tuyệt, bản chất của nó là cái xấu được ngụy trang một cách khéo léo.
Như vậy, muốn phát hiện được các hiện tượng lịch sử mang tính hài kịch thì phải dựa vào thuyết xung đột. Các nhà mỹ học trước đây đã có nhiều công lao tìm kiếm vấn đề này:
      -Aristote thời cổ đại Hy Lạp cho rằng hài kịch nằm trong mâu thuẫn giữa cái xấu và cái đẹp.
      -I.Kant cuối thế kỉ 18 tìm thấy cái hài kịch nằm ở mâu thuẫn giữa cái nhỏ nhen và cái cao thượng.
      -P.Hegel cho rằng cái hài kịch nằm trong mâu thuẫn giữa hình tượng và ý niệm.
      -Lupxơ nhận thấy mâu thuẫn giữa cái trọng đại và cái vô nghĩa – cơ sở của cái hài kịch.
      -Florente phát hiện hài kịch nằm ở giữa đối cực của cái có giá trị và cái huênh hoang tự cho là có giá trị.
      -Acto và Suyto : cái hài kịch nằm ở mâu thuẫn giữa tất yếu và tự do.
      -Scopenhao : cái hài kịch nằm trong mâu thuẫn giữa cái hợp lí và cái vô lí.
      -H.Becson :  cái hài kịch chất chứa trong mâu thuẫn giữa cái sinh động và cái máy móc v.v..
Như thế, phát hiện quan trọng của các nhà mỹ học trước Mác là: cái hài kịch chứa đựng ở các mặt đối lập của các hiện tượng xã hội, nó có tính chất khách quan. Song mặt chủ quan của con người ở đây có vai trò rất to lớn. Bởi vì, vấn đề là ở chỗ con người phải biết cách phát hiện ra mặt đối lập của hiện tượng. Hơn nữa, ngay cả cái lỗi thời, cái cũ không phải bao giờ cũng mang tính hài kịch trong tấ cả các dạng biểu hiện của nó. Nó có thể là khủng khiếp gớm guốc, chán ngán, thậm chí đáng sợ nữa. Mặc dầu vậy bản chất xấu xa của nó vẫn là chất liệu tốt cho một nội dung đáng châm biếm. Vấn đề là cách sử dụng chất liệu này và tài năng đưa nó vào phạm vi của cái hài kịch.
Cần lưu ý thêm rằng, ngoài thuyết xung đột, phạm vi của cái hài kịch còn được mở rộng hơn nhiều. Chỉ bó hẹp trong phạm vi của thuyết xung đột sẽ không nắm hết bản chất của cái hài kịch. Bởi vì, trong cuộc sống, cái hài kịch còn nằm ở cả trong cái mới, cái tiến bộ và đang lên. Đó là trường hợp khi cái mới mang theo trong mình những tì vết; nghĩa là khi nảy sinh, nó có dấu hiệu không đầy đủ, thiếu hợp lí, cần uốn nắn kịp thời cho nó tốt hơn.
Vì thế, cái mới cũng có thể gây cười ngay trong sự phát triển nội tại của nó, trong lúc nó đang trưởng thành, kinh qua giai đoạn thấp để đến giai đoạn cao mà nó cứ tưởng nó đã đầy đủ. Ở đây, cái hài kịch có tác dụng chỉ ra những thiếu sót của cái mới, chỉ ra những tì vết ở bên trong cơ thểû lành mạnh của nó để buộc nó phải hoàn thiện hơn, do đó đẹp hơn.
Trường hợp này, người ta phân biệt hài kịch đả kích cái xấu, cái ác khác với hài kịch thông thường để uốn nắn những lệch lạc trong nội bộ nhân dân. Bởi vì trong con người cũng có những khát vọng vô tận chính đáng lại không tính đến khả năng thực tế có giới hạn của bản thân nên cũng có thể tạo ra một độ vênh đáng buồn cười.
Ngoài nhiệm vụ đánh địch, uốn nắn sửa chữa những khuyết tật của người đời, hài kịch còn có nhiệm vụ góp phần mài sắc cảm thụ tinh tế cho con nguời. Trường hợp này, tiếng cười có tính chất nhẹ nhàng lành mạnh, thậm chí mang nét bông đùa, nhưng vẫn ẩn sâu một ý định kín đáo qua việc góp phần miêu tả thế giới tươi vui của con người: Cái thế giới tốt về bản chất, nhưng có chút gì đó không đúng chỗ, hơi khác thường, hoặc có phần hơi kì lạ về tính cách mà trong cuộc sống xô bồ hàng ngày không dễ nhận ra, nhưng lại không thể bỏ qua. Cái thế giới của sự hiểu lầm, có điểm xuyết những nét không tinh anh, thậm chí hơi khờ khạo, bỗng sinh động hẳn lên, hoàn chỉnh thêm lên bởi sự bỗng nhiên nhận ra nó với tiếng cười vui vẻ. Tất cả các hiện tượng này phải được phát hiện không phải qua xung đột, mâu thuẫn, mà do nhiệm vụ làm sắc thêm, nhạy bén thêm cảm thụ tinh tế của con người.
5.3   Tính dân tộc của hài kịch
Phải thừa nhận các hiện tượng thẩm mỹ là các hiện tượng có tính phổ biến. Nhiều nhà lí luận gọi đó là tính toàn nhân loại. Cùng là con người và cùng phát triển theo những qui luật cơ bản của của xã hội loài người, các dân tộc đi đến hình thành một số quan niệm chung về bản chất của các hiện tượng hài kịch: Họ cùng chế giễu thói hà tiện , sụ ngu ngốc, sự tráo trở, tính tham lam, hành động độc ác v.v..
Nhưng mặt khác lại cần chú ý đến tính đặc thù của cách cảm nhận, sự thể hiện, lối sử dụng các phương tiện hài kịch là rất đa dạng, khác nhau ở mỗi dân tộc.
Do sự cố kết ngàn đời về lãnh thổ, về đời sống kinh tế – xã hội, về cách ứng xử, mỗi dân tộc có một hình thái tâm lí khác nhau; do đó tạo ra cách cảm xúc hài hước cũng khác nhau.
Cảm xúc hài kịch của người Pháp rất khác lối cảm xúc hài kịch của người Nga. Lối cảm xúc của người Tây Ban Nha không giống lối cảm xúc hài kịch của người Anh (lạnh lùng -  phớt Ăng lê ) v.v..
Nếu cảm xúc hài kịch của người Pháp rất ý vị tinh tế, nhưng cũng đầy tinh thần phân tích, mang tính duy lí tới mức tối đa, coi bản chất hư hỏng con người như một thuộc tính cố hữu, tự nhiên, thì sức mạnh cảm xúc hài kịch của người Nga lại chất chứa nhiều ẩn ý kín đáo, biết kết hợp khéo léo giữa lối trào lộng thông minh với nhiệt hứng tình cảm. Họ căm ghét thói xấu, nhưng vẫn chứa đựng sự đồng cảm với cảnh ngộ của con người. Cũng ở đây, nếu người Pháp coi sự hư hỏng của con người như một thuộc tính cố hữu, tự nhiên  thì ở người Nga, sự sa đọa bản chất của những con người ấy lại chỉ được quan niệm như một sản phảm của hoàn cảnh xấu.
Có thể dẫn ra đôi nhận xét của Gorki về Sekhop để làm rõ ý này. Gorki viết: Sekhop “căm ghét tất cả những cái gì dung tục, bẩn thỉu, anh miêu tả những cái dơ dáng của cuộc đời bằng thứ ngôn ngữ cao quí của nhà thơ, với nụ cười tế nhị của một nhà trào phúng, và phía sau cái vẻ bề ngoài đẹp đẽ của các truyện ngắn của anh, khó thấy rõ cái nghĩa bên trong đầy ý trách móc đắng cay của nó… Và trong mỗi thiên truyện ngắn trào phúng của Anton Pavlovich, tôi đều nghe thấy tiếng thở dài khẽ mà sâu của một trái tim trong sạch có tình người chân chính” .(Gorki. Bàn về văn học ).
Nếu lối cảm xúc hài kịch của người Tây Ban Nha rất phong phú về sự tưởng tượng phóng túng qua những hình thức sử dụng các đối chọi bất ngờ chứa nhiều dụng ý như các cảnh huống trong tác phẩm Don Quijote của nhà văn Cervantes, hoặc các họa phẩm vẽ các hình tượng quái dị mang tính châm biếm cao của danh họa Goya; thì Bernard Shaw của nước Anh lại nổi bật lên một sự hóm hỉnh, thông minh tài tử nhưng rất nghiêm ngặt. Để làm rõ điều đó, cần dẫn ra đây một cách trào lộng của nhà hài kịch lớn của nước Anh (Một lần, tại một bữa tiệc chiêu đãi người nước ngoài, một giáo chủ có thân hình phì nộn thấy nhà văn Bernard Shaw nổi tiếng mà lại có thân hình quá gầy còm, hắn bèn buông lời châm chọc: “Trông thân hình ngài, những người nước ngoài có thể tưởng là nước Anh đói khát khổ sở lắm !”. Nhà văn lạnh lùng đáp: “Trông thân hình ngài, người ta sẽ hiểu ngay lí do sự gầy yếu của người dân nước Anh ”) .
Tính dân tộc của hài kịch còn thể hiện ở : ngôn ngữ, chơi chữ, nói lái, . .. Thơ của nữ sĩ  Hồ Xuân Hương có nhiều tính hài hước vận dụng những đặc điểm của tiếng Việt, tạo  ra những nụ cười thú vị, hóm hỉnh, đầy sức sống, sâu sắc, đôi khi pha chút bi kịch hàm chứa bên trong.
Loại bỏ những thứ hài kịch “rẻ tiền” và những chuyện tiếu lâm thô tục thiếu thẩm mĩ, những hài kịch chân chính mang tinh thần nhân văn và thẩm mĩ góp phần dân chủ hóa xã hội, làm trong sạch cộng đồng dân tộc.
5.4  Cái hài trong nghệ thuật
            Nghệ thuật  hài kịch có nhiệm vụ miêu tả số phận của cái hài, qua đó tạo ra tiếng cười thẩm mĩ cho khán giả.
            Nghệ thuật  hài kịch cần phải phát hiện mặt trái / mặt sau của đối tượng, đặc biệt là mặt nghịch chiều lịch sử.
            Tiếng cười thẩm mĩ có đặc điểm sau:
           + Tính lịch sử : Hài kịch luôn luôn bám sát những vấn đề thời sự, góp phần vạch mặt kẻ thù dân tộc và những vấn đề cần phê phán kịp thời. Do vậy, tiếng cười của Aristophan thời Hilạp cổ đại, của Molier thế kỉ 17, của Hồ Xuân Hương thế kỉ 18, Nguyễn Khuyến cuối 19, Tú Xương đầu 20 …hôm nay khó mà vang lên một cách hồn nhiên. Tuy nhiên điều đó chỉ là tương đối, lịch sử đôi khi gặp lại những hiện tượng “quen cũ “như chuyện ghen tuông, chuyện “Trưởng giả học làm sang” thì tiếng cười  Molier, Hồ Xuân Hương lại vang lên.
+ Nhân vật trung tâm của hài kịch là nhân vật phản diện.
Hài kịch có thể tạm chia ra ba loại:
 Hài kịch đả kích, chọn đối tượng là kẻ thù của dân tộc, thời đại, lịch sử và là kẻ thù chung của con người bằng  tiếng cười cay độc nhất.
            Hài kịch châm biếm chọn đối tượng là những cái cũ, lạc hậu, lỗi thời nhằm tạo tiếng cười chỉ trích, phê phán, có thể gay gắt để giúp đối tượng sửa chữa, giúp cho nó lành mạnh hơn.
            Kịch khôi hài, còn gọi kịch bông đùa, tạo tiếng cười phê phán nhẹ nhàng thông cảm với đối tượng.(phần lớn tiết mục của Chương trình  Gặp Nhau Cuối Tuần trên đài VTV3 là một kiểu hài kịch nhẹ nhàng mà có hiệu quả cao).
            Thực ra hài kịch đa dạng hơn như thế  nữa.
            Ngày nay còn có loại hài kịch rất nhẹ nhàng hay gọi là thư giãn mà các nhà lí luận chưa kịp đúc kết lí thuyết. Đó là những phóng sự hình ảnh ngộ nghĩnh, hồn nhiên của con người, con vật. Chẳng hạn phóng sự “những kiểu nằm ngủ của thiên hạ”
(VTV3 – Gặp nhau cuối tuần, Gala cười) các phóng sự  “những con chó bắt chước người, chó mèo đùa giỡn với người, chó mèo khôn ngoan lạ lùng .v .v . ” (mục Giải Trí Nước Ngoài hoặc mục Thế giới nghiêng, Thế Giới đó đây trên các đài truyền hình ) .  Những màn kịch ấy tạo sự vui vẻ, thư giãn, gây đôi chút ngạc nhiên thú vị, chứ không có gì đáng phê phán ở đó.  Đấy vẫn là hài kịch tuy không thích hợp với lí thuyết chính thống.
            Cần lưu ý tránh những tiết mục hài kịch quá lố, “rẻ tiền“ mua vui bằng cách giễu cợt những khiếm khuyết tự nhiên của con người như: đưa ra các nhân vật khoèo chân  tay, nói cà lăm (nói lắp), quá mập hoặc gày ốm… hoặc lạm dụng cái tục tĩu trong ngôn ngữ, ăn mặc dị dạng để gây cười  trên sân khấu.
            Hài kịch – nói chung là một nghệ thuật  nghiêm túc, góp phần quan trọng giúp đỡ con người nhận thức tình trạng lỗi thời và khuyết điểm của mình. Nghệ thuật  hài kịch thức tỉnh cả nỗi hổ thẹn và lòng dũng cảm trong con người. Nó giúp con người trở nên cao quí, mạnh mẽ và cuộc sống tràn đầy tinh thần lạc quan, hào hứng hướng về cái đẹp.
²
Phần thực hành
Sinh viên làm các bài tập ở cuối sách này .
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved