Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P11

Martin Heidegger-Thông diễn học P11

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:12


đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger
- 11 -

Khi cho rằng vòng tròn thông-diễn-luận khởi đi từ tiền-am hiểu/lĩnh hội qua diễn giải để đi tới sự am hiểu/nhận thức hoàn thiện hơn, Heidegger ngay từ những tác phẩm thời trẻ như quyển Phänomenologisch Interpretationen zu Aristoteles/GA 61 và sau đó lập lại trong SuZ/GA 2 đã nhấn mạnh đến yêu cầu trong sáng của am hiểu/nhận thức vì khi cho rằng tiền-am hiểu của Hiện thể khi diễn giải bản thân vốn có khuynh hướng phóng chiếu từ một hoàn cảnh diễn giải riêng biệt nên người ta rất dễ hiểu nhầm rằng sự am hiểu như vậy có tính cách chủ quan, thiên lệch, ngộ nhận. Thật ra không phải vậy vì khi cho rằng am hiểu là một cách thế hiện sinh của Hiện thể, một diện mạo của sự quan tâm/ưu tư về chính hữu của Hiện thể cho nên Hiện thể phải tự soi sáng, và chính diễn giải giúp đạt tới mục tiêu soi sáng , phơi mở những gì nằm ẩn kín trong tiền-am hiểu này. Phơi mở, soi chiếu chính là bước kế tiếp của am hiểu ban đầu để mở rộng và hoàn thiện những tầm nhìn diễn giải phơi bày. Tính chất tự-thích đáng (self-appropriation) này của am hiểu/lĩnh hội giúp am hiểu tự nhận thức về chính sự am hiểu đó: “Trong diễn giải, am hiểu/lĩnh hội không phải trở thành một cái gì khác. Am hiểu/lĩnh hội trở thành chính nó.” (GA 2:148). Chúng ta thấy rõ Heidegger đã đi đến quan niệm về sự cần thiết của sự  trong sáng trong nhận thức này qua giải cấu tư tưởng của Aristotle hậu duệ của Socrates tác giả của câu nói giải minh triết lý “Hãy tự hiểu biết bản thân”. Chính vì am hiểu/lĩnh hội/nhận thức rất có thể là chủ quan, ngộ nhận cho nên nhân thức cần được làm cho “thích đáng, củng cố, và có cơ sở chắc chắn” (Prolegomena zur Geschichte des Zeitbegriffs/GA 20:358). Nói cho gọn, bất kỳ một diễn giải đúng nào cũng phải đặt cơ sở  trên sự tự ý thức về chính cái tiền-cấu trúc của sự hiểu biết của mình.  Đây đúng là lời cảnh báo quan trọng hàng đầu cho việc phê bình văn chương.  Cảnh báo trường hợp người ta hiểu nhầm quan niệm của Heidegger khi cho rằng diễn giải văn bản chỉ là việc người diễn giải theo sự hiểu biết sẵn có của mình (tiền-am hiểu) bất chấp văn bản trước mặt. Không thiếu trường hợp có những “nhà” phê bình, tuy không hẳn bất chấp văn bản trước mặt, nhưng lại gắn bó với quan niệm, sự am hiểu về văn chương của mình đã có, nên đã đọc văn bản qua cặp kiếng chủ quan của mình. Như vậy hóa ra sự diễn giải trở thành một cuộc độc thoại, kẻ diễn giải độc thoại với sự hiểu biết của chính mình. Để tránh rơi vào lỗi lầm này, cần theo sự chỉ dẫn tổng quát của Heidegger: người diễn giải/phê bình cần phải xem xét lại hoàn cảnh thông diễn, sự am hiểu của mình để có thể lắng nghe “tiếng nói của kẻ khác” trong văn bản.  Chỉ khi làm được như vậy mới tránh khỏi đưa vào phê bình những thiên kiến không được soi sáng của bản thân, để những thiên kiến này  lấn át, chế ngự tiếng nói của văn bản, không thực sự là thao tác phê bình nghiêm chỉnh, triệt để và có ý nghĩa. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là nhà phê bình, diễn giải loại bỏ hẳn được tiền-quan niệm nhưng là đặt cơ sở có tính cách phản tư của cái tiền-cấu thức của mình để cuối cùng tạo được cuộc đối thoại thực sự giữa hai vị thế, nghĩa là giữa vấn đề đem ra thảo luận và tư tưởng không quen thuộc đối với mình của tha nhân. Nếu diễn giải, phê bình không tập thành diễn tiến đặt cơ sở này thì sự hiểu biết của kẻ diễn giải, phê bình rất dễ rơi vào tình trạng bị làm chệch hướng do những “thị hiếu và những quan niệm dung tục” sai khiến (SUZ/GA 2:153). Đòi hỏi loại bỏ hoàn toàn tiền quan niệm là việc bất khả, vấn đề là càng ý thức được rõ ràng những tiền quan niệm càng nhiều càng tốt, rồi sau đó mới đi vào cuộc đối thoại, đi vào diễn giải, phê bình  (Cf: Anmerkungen zu Karl Jaspers’ Psychologie der Weltanschungen, Wegmarken GA 19:9, Bản dịch Anh ngữ của John van Buren in trong Pathmarks.) Vì quan niệm thông-diễn-học là diễn giải kiện tính của Hiện thể nhắm tới việc soi sang chính hữu của Hiện thể (chính hữu) nên thông-diễn-luận triết học của Heidegger nêu nhiệm vụ kêu gọi Hiện thể trở lại con đường mình tự phơi mở để hướng tới sự trong sáng, loại trừ  tự-vong thân. Tự-vong thân vì không phê phán thiên kiến bản thân, phê phán ý thức hệ áp đặt chính vì Hiện thể bị “ném vào” tình cảnh , hiện sinh-trong-thế-giới, không ý thức triệt để và có thái độ phê phán những lý giải về Hiện thể bản thân có sẵn, mà chỉ biết chấp nhận để dễ dàng trút bỏ công việc diễn giải phê phán  bằng giải-cấu-trúc theo nghĩa tháo gỡ khai giải truyền thống. Đó cũng chính là từ chối tự do thể hiện những khả tính của Hiện thể. Để hoàn thành công việc này Hiện thể cần thiết lập cho mình những chỉ dẫn chính thức (formal indications), trong đó việc tự-thích-đáng/ứng (self-appropriation) là quan trọng nhất. Tự-thích-đáng/ứng ở đây có nghĩa khi đứng trước những khẳng quyết triết lý hay văn chương ta phải hiểu những khẳng quyết này qua kinh nghiệm bản thân một cách cụ thể chứ không chỉ trên lý thuyết theo hoàn cảnh cá nhân của mình và chịu trách nhiệm về sự tư-thích-ứng/đáng.  Những chỉ dấu này chỉ nên coi là những đường lối khả hữu của nhân thức/am hiểu và quan niệm về chính cấu thức của Hiện thể: đó là những chỉ dẫn thông diễn (hermeneutic indications). Vì thông diễn (hermeneuein) hướng tới khai minh, mỗi Hiện thể phải tự mình dấn thân vào diễn trình nhận thức bằng những chỉ dẫn thông diễn để đạt tới những khái niệm-thông diễn (hermeneutic concepts) là những bày tỏ/biểu lộ không những chỉ có khả năng phản ánh một hành vi trung tính, một sự kiện-đã-có-sẵn (present-at-hand fact), ta chỉ có thể tiếp cận được những khái niện này qua việc diễn giải liên tục. Từ đấy suy ra một mệnh đề/câu nói/phán đoán chỉ có tính cách thông-diễn-luận khi nó thúc đẩy người diễn giải có hành động tự-phản tư và tự-ứng dụng. Thế nên, đứng trước những khái niệm phổ quát ta phải xuyên thủng chúng để tìm đến những kinh nghiệm nguyên khởi ẩn lấp đằng sau những khái niệm phổ quát này.
   Thông-diễn-luận của Heidegger là một nỗ lực nối kết với hiện-tượng-luận và hữu-thể-luận hiện sinh đặt nền tảng trên kiện tính và sử tính của am hiểu/nhận thức, triệt hủy/vượt bỏ nhị nguyên chủ thể-khách thể (subject-object), chủ thuyết duy-tâm-lý (psychologism) và duy-sử (historicism)  là những khuynh hướng triết học thời thượng cuối thế kỷ 19 ở Âu-châu. Để vượt bỏ nhị nguyên chủ thể-khách thể trong tư tưởng triết học truyền thống, qua mô tả hiện tượng luận tiền-cấu-trúc của am hiểu/nhận thức Heidegger chỉ ra tính chất tiền-cấu-trúc này không phải là một tính chất của ý thức đối nghịch với thế giới thực tại đã có trước, nhưng tiền-cấu-trúc này có cơ sở là hiện-hữu-trong-thế giới bao gồm hiện diện cả của chủ thể lẫn khách thể. Do đó Heidegger cho am hiểu/nhận thức và diễn giải có một vị trí quan trọng trước khi có nhị nguyên chủ thễ-khách thể. Hiện thể hiện-hữu-trong-thế-giới (in-der-Welt-sein) phơi mở hữu của Hiện-thể, không phải Hiện thể tìm đến Hữu mà Hữu hiện diện trong phơi mở đến với Hiện-thể trong thế giới. Vì quan niệm “Welt/thế giới” của Heidegger rất quan trọng trong thông-diễn-luận, nhất là thông diễn luận thi ca nên chúng ta cần hiểu ít ra một cách khái quát quan niệm này trong tư tưởng Heidegger. Heidegger đã trình bày khái niệm thế giới trong giảng khóa Die Grundprobleme der Phänomenologie/Những Vấn Đề Căn Cốt của Hiện-tượng-luận GA 24 và nhất là trong Sein und Zeit/Hữu và Thời  GA 2 và sau đó trong bài luận văn Vom Wesen des Grundes/Yếu tính của Nền, in trong tập Wegmarken GA 19.  Phê phán lần lượt quan niệm về thế giới hiểu như κόσμος/cosmos  của  những triết gia tiền-Socrates, nghĩa này cũng tìm thấy trong Kinh Tân Ước nhưng được hiểu theo chiều hướng tôn giáo, vạch rõ lằn ranh giữa  con người và thượng đế, qua tới Augustine và Aquinas hiểu thế giới là mundus là toàn thể hữu được Thượng đế sáng tạo (ens creatum), và cuối cùng là quan niệm của Baumgarten, Leibniz và nhất là của Kant.  Trong quyển Phê Phán Lý Tính Thuần Túy  Kant đã chỉ rõ thế giới đã được hiểu như cosmos trong vũ-trụ-luận thuần lý cho nên có tính chất qui vùng (regional), nghĩa là đã giới hạn thế giới; kế đến thế giới hiểu như mundus trong khoa nhân học thực tiễn tuy đã giải phóng con người khỏi tôn giáo, cho con người đóng vai trò tích cực trong đời sống nhưng thế giới vẫn còn bị đặt giới hạn. Những quan niệm vế thế giới trước Kant được Heidegger gọi là những quan niệm tiền triết học.  Heidegger nhìn nhận công lao của Kant trong quyển Phê Phán Lý Tính Thuần Túy  đã tìm kiếm nền tảng cho khoa siêu hình học nhưng phê phán hữu thể luận siêu nghiệm của Kant cản trở việc nhìn nhận thế giới như một hiện tượng cho nên một quan niện về thế giới thực sự triết lý phải khởi đi từ  hiện tượng luận hiện sinh, xuất phát từ in-der-Welt-sein để nói lên ý nghĩa thế giới hoạt năng nối kết con người với hữu và mối liên hệ này có trước nhị phân chủ thể-khách thể: hiện-hữu-trong-thế-giới là cấu trúc nền tảng tương quan những vật thể hiểu trong cái toàn thể hết thảy với con người sao cho con người luôn luôn thấy chính mình nằm trong hiện hữu hiểu như một toàn thể. Trong Grundprobleme der Phänomenologie GA 24:165 Heidegger định nghĩa thế giới như: “cái đã hiện hữu tiên khởi chưa được vén lên/phơi mở và từ đấy chúng ta quay trở  lại những hữu (beings) chúng ta phải có quan hệ và chúng ta sở trú (dwell) với những hữu này.” Quan niệm về thế giới như vậy cho nên Heidegger tìm đến thi ca vì theo Heidegger thơ “không là gì khác hơn là sự hiện ra cơ bản trong chữ, cái trở-thành-không-bị-phủ-lấp của hiện sinh như hữu-trong-thế-giới.” Có thể tạm tóm tắt suy tưởng của Heidegger về thế giới diễn tiến qua những giai đoạn suy tưởng (thinking) như sau: trong Sein und Zeit và những tác phẩm cùng giai đoạn này thế giới được hiểu như toàn thể ý nghĩa và sự can dự/dính dấp tạo nên hiện-hữu-trong-thế-giới; trong Holzwege GA 5/bài Bàn về Nguồn gốc Tác phẩm Nghệ thuật (1935-36) thế giới được gắn liền với trái đất và trái đất có quyền uy và sức mạnh con người cần trải nghiệm, tác phẩm nghệ thuật có vai trò tham dự và đóng góp vào việc thể hiện mối quan hệ có tính lịch sử giữa thế giới và trái đất, trong mối quan hệ này con người trụ/sở cứ, được che chở và được phơi lộ; trong những giảng khoa khoảng giữa những năm 30s, nhất là những bài viết về Hölderlin và  các triết gia cổ Hy lạp Heidegger đi dần tới quan niệm con người hiện hữu trong ba chiều kích: trong thế giới, trên mặt đất, và phía dưới/trên đầu là/ những thiên đường/ khoảng trời xanh bất tận; trong những tác phẩm sau “khúc quanh” Heidegger qui kết tất cả những chiều kích trên về mối quan hệ mặt đối mặt, mở và khép, giữa đất và trời, tử và bất tử : đó là một quan hệ bốn nếp gấp (das Gaviert).
   Nhưng trong quan hệ giữa con người và thế giới đó ngôn ngữ đóng vai trò gì?

Đào Trung Đạo

(còn tiếp)



Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved