Home » » Martin Heidegger-Thông diễn học P10

Martin Heidegger-Thông diễn học P10

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011 | 01:11



đào trung đạo

Thông Din Lun
của

Martin Heidegger


     
Vòng tròn thông diễn theo Heidegger là một lộ trình tự bản chất không có kết thúc, là một vòng tròn có bề ngoài có vẻ như một vòng luẩn quẩn, nhưng vấn đề không phải là tìm cách tránh sự luẩn quẩn “không phải là tìm cách thóat ra khỏi vòng nhưng là đi vào đúng đường” SuZ/GA 2, trang 153, bản dịch của Marquarrie & Robinson trang 194). Vì công việc thông diễn bắt đầu từ am hiểu rồi được tiếp nối bằng diễn giải để rút ra sự hiểu biết (am hiểu ở cấp độ cuối cùng, và diễn giải đặt nền tảng trên am hiểu, nhưng trong am hiểu đã ngầm chứa “ý nghĩa”  cho nên ý nghĩa là yếu tố kết nối, khớp (Gegliederte) am hiểu với diễn giải. Khi sự hiểu biết có được do rút ra từ diễn giải dĩ nhiên nó cũng có một ý nghĩa. Nhưng theo Heidegger ý nghĩa này “không thể được định nghĩa như như một thứ xảy ra ‘trong’ phán đoán cùng lúc với hành vi phán đoán.”(GA 2,154). Vì am hiểu là một cách thế hiện hữu của Hiện thể nhưng cách thế này lại là hiểu “ngầm”, không cần (nên không được) minh bạch hóa mà được “hiểu như” (as). Yếu tố “như” này là cốt lõi của việc chúng ta hiểu biết mọi sự vật trong thế giới sống. Nhưng về mặt luận lý, khi ta khẳng quyết một điều gì, sự khẳng quyết này lại phát sinh từ, tùy thuộc vào sự diễn giải kiểu “như là”. Để giải thích sự “hiểu ngầm” tính chất “không được làm rõ/bạch hóa” này Heidegger bằng cách dựa trên sự phân biệt hai hình thức của “như”: như-đề quyết (apophantical/propositional as) và như-thông diễn (hermeneutical as). Một phán đoán, đề/khẳng quyết được phát biểu thật ra bắt nguồn từ “như” thông diễn vốn vẫn thao tác trong việc hiện hữu của Hiện thể trong thế giới. (Cf: GA 2,§33, Logik: Die Frage nach der Wahrheit GA 21, §12). Lấy một thí dụ cho dễ hiểu: khi ta đi qua một cái cửa để vào một căn phòng, chúng ta đã ngầm hiểu cái cửa “để làm gì” rồi, chúng ta hiểu cái cửa “như” một phương tiện để vào ra mà chẳng phí hơi phí lời nói ra điều này. Cấu trúc-như (as-structure) này không cần được cho một thuộc tính nên không phụ thuộc vào việc cho thuộc tính (predication). Phân tích này có tầm quan trong ra sao trong thông-diễn-luận? Như trên đã nói, cấu trúc-tiền (fore-structure) của am hiểu được Heidegger diễn giải là mức độ tiền-thuộc tính của hiện sinh. Tương hợp  với cấu trúc này là cấu trúc như-thông diễn. Khi thông diễn một văn bản, nếu áp dung quan niệm này của Heidegger, ta có thể  đào/vươn tới cái tiền am hiểu hay cái nằm đằng sau những gì được nói ra viết ra, nghĩa là đụng tới được cái hồn, cái thần trí của chữ. Điều quan trọng hơn nữa là Heidegger muốn chứng minh am hiểu thông diễn vốn đã nằm xâu trong Quan tâm/Ưu tư (Sorge). Thế nên sự quan tâm/ưu tư về văn chương, theo chúng tôi là cốt tủy của thông diễn, phê bình văn chương.

   Thông-diễn-luận của Heidegger nhằm vươn tới và nắm bắt những cái tiền (tiền-sở-hữu /Vorhabe/, tiền-thị/Vorsicht/, và tiền-niệm/Vorgriff), toàn thể những giả định (Voraussetzungen) đó cũng chính là những tố hợp tạo nên hoàn cảnh thông diễn,  không là gì khác hơn chính là nơi chốn hay điểm khởi hành rõ rệt của việc hỏi (Fragen) của câu hỏi về Hữu. Đó là cách giải thích thông-diễn-học triết lý nhằm xây dựng hữu thể học nền tảng của Heidegger. Nếu ta chuyển những lý giải này sang phạm vi văn chương, đặt cơ sở cho một thông diễn luận văn chương, ta thấy hoàn cảnh thông diễn cũng bao gồm những giả định tương tự, vì một trong những cách thế hiện hữu của Hiện thể là Ngôn từ và Ngôn từ cũng là hữu của Hiện thể cho nên khởi điểm của thông-diễn-luận văn chương là từ hoàn cảnh thông diễn  tìm cách tiếp cận và soi sáng những cái nằm đằng sau những  phát biểu, lời nhận định chính là cái thần trí và linh hồn được bày tỏ trong chữ. Quan niệm thông diễn luận này đặc biệt quan trọng khi ta phê bình văn chương, nhất là thơ.

   Toàn bộ quan niệm của Heidegger về nhận thức và diễn giải thông-diễn-luận đều xoay quanh khái niệm Sorge/Quan tâm/Ưu tư, trên hết là hiện thể sống trong thế giới quan tâm/ưu tư về Hữu. Nhận thức thông diễn, sự hiểu biết qua thông diễn luận vốn nằm sẵn, gắn cứng trong cấu trúc-quan tâm/ưu tư của Hiện thể. Thế nhưng mối quan tâm quan trọng nhất của Hiện thể là khám phá Hữu, hiểu thấu những khả thể của mình khi hiện hữu trong thế giới. Theo nghĩa này, một nhà phê bình văn chương, trên nền tảng thông-diễn-luận, trước hết phải minh thị mối quan tâm của mình tới văn chương, qua mối quan tâm này khi phê bình tác phẩm văn chương đã phải có sẵn, nhìn thấy trước, quan niệm được trước văn chương là gì, từ đấy khám phá nắm bắt cái thần trí và linh hồn của chữ nghĩa. Cái tiền-am hiểu, tiền-quan niệm về văn chương này không phải là một cái gì cố định, không thể thay đổi. Ngược lại, chính vì làm công việc phê bình, nhà phê bình nhận ra được những quan niệm khác, những khả hữu khác của văn chương nên có cơ hội mở rông tầm nhìn, kiến thức, làm giàu thêm sự hiểu biết về văn chương của mình. Làm được theo đúng nghĩa như vậy tức là nhà phê bình đồng thời cũng tìm đến được những khả tính của văn chương (Hữu của Hiện thể văn chương=tác phẩm) và những khả tính của Hữu-phê-bình-gia (Hữu của Hiện thể=nhà phê bình). Dĩ nhiên nhà phê bình chỉ hoàn thành được nhiệm vụ này nếu như nhà văn, kẻ hoàn thành tác phẩm, cũng có cùng một nhận thức và nỗ lực. Đó là qua chữ nghĩa phát biểu được cái thần thái, linh hồn của Hiện thể-Nhà văn để hướng tới Hữu-Nhà văn, thử nghiệm những khả tính của Hữu-Văn chương để phơi mở Hữu nói chung. Đây là mối liên hệ hai chiều đi lại trong vòng tròn thông diễn. Có lẽ chỉ có một khác biệt duy nhất giữa người sáng tác và nhà phê bình là ở chỗ, trong việc  thực hiện một trong những khả tính của văn chương theo quan niệm của riêng mình bằng tác phẩm, tuy cũng đã trải qua thao tác thông diễn trong lộ trình bất tận của vòng tròn thông diễn luận khi thai nghén và thực hiện tác phẩm, nhà văn không làm công việc khái quát trừu tượng việc chỉ ra Hữu của Hiện thể-Văn chương của tác phẩm và của bản thân, để nhiệm vụ này cho nhà phê bình. Mối quan hệ lý tưởng này xem ra chỉ thấy ở những tác giả, tác phẩm văn chương đụng tới được vấn đề khả hữu của văn chương cũng như khả hữu của nhà văn. Tất nhiên tất cả những tác phẩm văn chương cũng như những tác giả ở lại được với văn chương vì đã, qua tác phẩm, thể hiện được một hình thái văn chương khả hữu và một diện mạo tác giả khả hữu. Chỉ khi nào tiến hành được điều này một tác phẩm mới là một tác phẩm văn chương và một người viết mới là một nhà văn/thơ đúng nghĩa. Cho nên tất cả các tác phẩm và tác giả văn chương ở lại được với Văn chương đều là những thử nghiệm nhằm thực hiện một cái Bất Khả là chính Văn chương, chỉ ra Hữu-Văn chương ẩn hiện trong những khả thể, và những khả thể này muôn đời bị Cái chết như một thảm họa đe dọa tiêu hủy. Ở tận cùng của vấn đề, tác giả bằng tác phẩm dự vào trận đồ bạo động của chữ, chụp bắt Hữu và xua đuổi, trốn chạy, vượt qua cái Chết (một hành động bất khả). Viết phê bình văn chương tức là chỉ ra những phát biểu, những phán đoán về sự khả hữu của văn chương qua việc thông diễn (am hiểu và diễn giải) một tác phẩm văn chương của một tác giả đồng thời qui chiếu về Chân trời Khả hữu Văn chương.

Đào Trung Đạo

 (còn tiếp)



Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved