HIỆN SINH LÀ MỘT CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN
JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)
Chúng ta cần xét lại câu hỏi hoàn toàn trên bình diện triết học: “Chủ nghĩa Hiện sinh là gì ?”
Phần lớn những ai dùng từ này ắt sẽ rất bối rối khi biện minh cho nó, vì ngày nay nó đã trở thành một thứ thời thượng, nên người ta sẵn sàng tuyên bố rằng anh nhạc sĩ này hay anh họa sĩ nọ là một “nhà hiện sinh”. Một anh chuyên viết tin vặt cho tờ Clartés ký thêm chữ “Nhà hiện sinh” ; và thực ra, từ này ngày nay đã được dùng quá rộng rãi đến nỗi nó không còn biểu đạt được điều gì nữa cả. Có vẻ như vì thiếu một học thuyết tiền phong [avant-garde] tương tự như thuyết Siêu thực [surréalisme], nên những người thích gây điều ong tiếng ve [scandale], hay thích gây phong trào, đều hướng tới triết học hiện sinh, hơn nữa, một triết học chẳng mang lại cho họ điều gì trong lĩnh vực này,
Thực ra, nó [chủ nghĩa Hiện sinh] chính là học thuyết ít tai tiếng nhất, chân chất nhất và chỉ dành riêng cho các nhà chuyên môn và các nhà triết học mà thôi. Tuy vậy, nó có thể được định nghĩa dễ dàng. Điều rắc rối là có hai loại các nhà hiện sinh : loại thứ nhất là các nhà hiện sinh Kitô giáo, và tôi liệt Jaspers[1] và GabrielMarcel[2] (cả hai đều tự nhận là người Công giáo) vào trong số đó ; loại thứ hai là các nhà hiện sinh vô thần, cần phải liệt Heidegger[3] và các nhà hiện sinh Pháp khác và chính tôi vào số này. Điểm chung giữa họ chỉ là ở chỗ họ cho rằng hiện hữu đi trước trước bản chất, hay nói cách khác, họ xuất phát từ tính chủ thể [subjectivité].
Cần phải hiểu điều đó như thế nào mới đúng ? Khi ta xét một vật phẩm, chẳng hạn như một cuốn sách hay một con dao rọc giấy, vật này được người thợ chế tạo theo gợi hứng của một khái niệm nào đó, và nó được quy chiếu đến khái niệm “dao rọc giấy”, và cũng được quy chiếu như vậy đến một kỹ thuật sản xuất có sẵn, vốn là bộ phận của khái niệm và thực chất là một công thức chế tạo. Như vậy, dao rọc giấy vừa là một vật được sản xuất theo một phương cách nào đó vừa có một công dụng xác định, và không ai có thể cho rằng một người nào đó làm ra một con dao mà lại không biết con dao ấy dùng làm việc gì. Vì thế, chúng tôi sẽ nói rằng với con dao thì bản chất – tức là toàn bộ các công thức chế tạo và các thuộc tính cho phép làm ra nó và định nghĩa nó – có trước sự hiện hữu ; và như vậy, trước mặt tôi, sự hiện diện của một con dao nào đó hay một cuốn sách nào đó là được quy định. Vậy là chúng ta có một viễn quan kỹ thuật [vision technique] về thế giới, và trong viễn quan này ta có thể nói : “sự sản xuất đi trước sự hiện hữu”.
Khi chúng ta quan niệm Thượng đế là một đấng sáng tạo, thì trong một thời gian dài, vị Thượng đế này được đánh đồng với một người thợ siêu phàm ; và dù học thuyết mà chúng ta đang xét có là gì đi nữa, ngay cả một học thuyết như học thuyết của Descartes hay học thuyết của Leibniz [4], chúng ta luôn thừa nhận rằng ý chí (volonté) ít nhiều theo sau giác tính (entendement), hay ít ra là đi cùng với giác tính, và Thượng đế, khi sáng tạo ngài biết rõ những gì ngài đang sáng tạo. Như vậy, khái niệm « con người », trong tinh thần của Thượng đế, là có thể so sánh với khái niệm « dao rọc giấy » trong tinh thần của nhà công nghiệp ; và Thượng đế tạo ra con người dựa theo những kỹ thuật và một khái niệm hoàn toàn giống như người thợ chế tạo một con dao rọc giấy dựa theo một định nghĩa và một kỹ thuật. Như vậy, mỗi một cá nhân con người là sự hiện thực hóa của một khái niệm nào đó tồn tại trong giác tính thánh thần.
Vào thế kỷ XVIII, nơi chủ nghĩa vô thần (athéisme) của các triết gia, ý niệm Thượng đế bị gạt bỏ, nhưng không vì thế mà người ta gạt bỏ tư tưởng cho rằng bản chất có trước sự hiện hữu. Ý niệm này, đâu đâu chúng ta cũng gặp lại nó một ít : ở Diderot [5], ở Voltaire [6], và cả ở Kant [7]. Con người là kẻ sở hữu một bản tính người (nature humaine). Bản tính người này, một khái niệm về con người, được tìm thấy ở tất cả mọi con người. Điều này có nghĩa là mỗi một con người là một hình mẫu đặc thù của một khái niệm phổ quát : « con người » ; ở Kant, ông rút từ tính phổ quát ấy ra rằng vượn người, người nguyên thủy, cũng như người thị dân đều được gộp vào cùng một khái niệm và có cùng những tính chất căn bản. Như vậy, lại một lần nữa, bản chất của con người có trước sự hiện hữu có tính lịch sử ấy mà chúng ta sẽ gặp lại trong tự nhiên.
Thuyết Hiện sinh vô thần, mà tôi đại diện, có tính nhất quán hơn. Nó tuyên bố rằng nếu Thượng đế không hiện hữu, thì ít ra có một tồn tại (un être) trong đó sự hiện hữu đi trước bản chất, một tồn tại hiện hữu trước khi có thể được định nghĩa bằng một khái niệm bất kỳ nào, và tuyên bố rằng tồn tại ấy chính là « con người », hay nói như Heidegger là « thực tại-người » (réalité-humaine). Ở đây, « sự hiện hữu đi trước bản chất » có nghĩa là gì ? Câu này có nghĩa là trước tiên con người phải hiện hữu, gặp gỡ, xuất hiện trong thế giới đã, rồi sau đó mới được định nghĩa. Con người, theo quan niệm của người hiện sinh, nếu không thể định nghĩa được, chính là vì trước hết nó là hư vô. Nó chỉ tồn tại sau đó, và sẽ tồn tại như những gì nó sẽ được tạo ra. Như vậy, không có bản tính người, vì không có Thượng đế để nghĩ ra cái bản tính ấy. Con người không chỉ tồn tại như nó được quan niệm, mà còn tồn tại như nó muốn tỏ ra.
Con người không là gì khác ngoài những gì mà nó tự tạo ra. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết Hiện sinh. Đó cũng là điều mà người ta gọi là tính chủ thể, và người ta vin vào danh từ ấy để trách cứ chúng tôi. Nhưng qua đó chúng tôi muốn nói gì nếu không phải là việc con người có một phẩm giá cao hơn hòn đá hay cái bàn ? Vì chúng tôi muốn nói rằng trước tiên con người phải hiện hữu, tức là nói rằng trước tiên con người phải là kẻ tự ném mình vào một tương lai, và phải là kẻ ý thức về việc tự dự phóng vào tương lai. Con người trước hết là một dự phóng đang được sống về mặt chủ thể, thay vì là một thứ rêu, là một thứ nấm mốc hay một búp súp-lơ ; không có gì hiện hữu một cách có sẵn cho sự dự phóng ấy, không có gì tồn tại nơi thiên đường khả niệm (ciel inteligible), và con người trước hết sẽ là những gì mà nó dự định tồn tại. Không phải những gì nó muốn tồn tại. Vì thông thường chúng ta hiểu « muốn » là một quyết định có ý thức, và đối với phần đông trong số chúng ta, quyết định ấy là đi sau những gì mà con người đã tự làm nên chính mình. Tôi có thể muốn gia nhập một đảng phái, viết một cuốn sách, lập gia đình, tất cả những điều đó chỉ là sự biểu hiện của một sự lựa chọn nguyên thủy hơn, tự khởi hơn những gì mà người ta gọi là ý chí. Nhưng nếu đúng là sự hiện hữu đi trước bản chất, thì con người chịu trách nhiệm về những gì nó đang tồn tại. Như vậy, bước đi đầu tiên của thuyết Hiện sinh là đặt mọi người vào việc chiếm lĩnh những gì mình đang tồn tại, và đặt lên con người toàn bộ trách nhiệm về sự hiện hữu của mình. Và khi chúng tôi nói rằng con người chịu trách nhiệm về chính mình, thì chúng tôi không muốn nói rằng con người chịu trách nhiệm về cái cá nhân chật hẹp của mình, mà muốn nói rằng con người chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người.
Từ “thuyết chủ thể” (subjectivisme) có hai nghĩa: thứ nhất, nó muốn nói đến sự lựa chọn của bản thân chủ thể cá nhân; thứ hai, nó muốn nói đến tính bất khả của con người về việc vượt qua tính chủ thể người. Chính nghĩa thứ hai là nghĩa sâu xa của thuyết Hiện sinh. Khi chúng tôi nói rằng con người tự chọn lựa, thì chúng tôi hiểu rằng mỗi một người trong số chúng ta tự lựa chọn, nhưng qua đó, chúng tôi cũng muốn nói rằng trong khi tự lựa chọn ta lựa chọn tất cả mọi người. Thực vậy, không một hành vi nào trong các hành vi chúng ta khi sáng tạo nên con người mà chúng ta muốn tồn tại mà lại không đồng thời tạo ra một hình ảnh về con người như chúng ta cho là nó phải tồn tại. Lựa chọn tồn tại này hay tồn tại khác chính là khẳng định cùng một lúc giá trị của những gì mà chúng ta lựa chọn, vì chúng ta không thể nào chọn cái xấu hơn (le mal) ; những gì mà chúng ta lựa chọn, đó luôn là cái tốt hơn (le bien), và không có cái gì có thể là tốt (bon) đối với chúng ta mà không là tốt đối với mọi người.
Hơn nữa, nếu sự hiện hữu đi trước bản chất và nếu chúng ta muốn hiện hữu cùng một lúc với việc chúng ta nhào nặn nên hình ảnh của mình, thì hình ảnh ấy có giá trị đối với tất cả mọi người và đối với toàn bộ thời đại của chúng ta. Như vậy, trách nhiệm của chúng ta lớn lao hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể nghĩ đến, vì nó liên quan đến toàn thể nhân loại. Nếu tôi là người công nhân, và nếu tôi quyết định gia nhập một nghiệp đoàn Kitô giáo chứ không phải là người cộng sản, nếu qua sự gia nhập này, tôi muốn chỉ ra rằng thực chất sự cam chịu là giải pháp phù hợp với con người, và vương quốc của con người không phải ở trên mặt đất, thì tôi không chỉ vận vào trường hợp của mình : tôi muốn được cam chịu cho mọi người, do đó bước đi của tôi đã dấn mình vào toàn thể nhân loại. Và nếu, xét một cách cá nhân hơn, tôi muốn lập gia đình, có con cái, thậm chí nếu cuộc hôn nhân ấy chỉ tùy thuộc vào hoàn cảnh của tôi, hay vào đam mê của tôi, hay vào sự ham muốn của tôi, qua đó tôi không chỉ cam kết với chính mình mà còn cam kết với toàn thể nhân loại đang trên con đường của chế độ một vợ một chồng. Như vậy, tôi chịu trách nhiệm với chính mình và với mọi người, và tôi đã sáng tạo ra một hình ảnh nào đó về con người mà tôi đã lựa chọn ; khi chọn lấy chính tôi, tôi chọn loài người.
Điều này cho phép chúng ta hiểu những gì mà các từ che đậy hơi chút khoa trương như : sự lo âu (angoisse), tình trạng bị bỏ rơi (délaissement), sự tuyệt vọng (désespoir). Rồi các bạn sẽ thấy, chúng cực kỳ giản dị.
Trước hết, ta hiểu thế nào về sự lo âu ? Người hiện sinh sẵn sàng tuyên bố rằng con người là sự lo âu. Điều này có nghĩa như sau : con người dấn mình vào và nhận ra rằng nó không chỉ là kẻ mà nó đã chọn để tồn tại, mà đồng thời nó còn là một kẻ lập luật đang lựa chọn cho toàn thể nhân loại, nó không thể thoát khỏi cái cảm thức về trách nhiệm toàn diện và sâu xa của mình. Hẳn là có nhiều người không tỏ ra lo âu nhưng chúng tôi khẳng định là họ che đậy sự lo âu của họ, họ trốn tránh nó. Chắc chắn nhiều người tin rằng trong lúc hành động chỉ có họ mới dấn thân thôi, và một khi ta nói với họ rằng: “Nhưng nếu mọi người cũng làm như vậy thì sao ? ». Họ nhún vai đáp: “Chẳng ai làm thế đâu ». Nhưng thực ra, ta phải luôn tự hỏi : « Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều làm như vậy ? » Và ta chỉ có thể thoát khỏi cái ý nghĩ không yên ấy bằng một thứ ngụy tín(mauvaise foi). Người nói dối rồi tự lấp liếm, bằng cách nói rằng : « chẳng ai làm thế đâu », là một người đang cắn rứt lương tâm mình, vì hành vi nói dối bao hàm một giá trị phổ biến được gán cho lời nói dối. Ngay khi giá trị ấy bị che giấu thì sự lo âu xuất hiện. Đây là sự lo âu mà Kierkegaard gọi là « nỗi lo âu của Abraham ». Chắc hẳn các bạn đều biết câu chuyện này. Một thiên sứ đã lệnh truyền cho Abraham phải hy sinh đứa con trai của ông : mọi sự sẽ tốt đẹp nếu đó đích thực là thiên sứ, người đã đến và nói : « Ngươi là Abraham, ngươi sẽ hy sinh đứa con trai của ngươi ». Nhưng bất cứ ai [trong trường hợp ấy] cũng có thể tự hỏi trước hết : « Đó có thật là vị thiên sứ không ? », và tiếp theo : « Tôi có thậf là Abraham không ? », « Ai sẽ chứng thực cho tôi điều này ? ». […]. Không có gì cho thấy tôi là Abraham, và tuy vậy tôi luôn buộc phải thực hiện những hành vi gương mẫu.
Đối với mọi người, mọi sự diễn ra như thể toàn thể nhân loại đang hướng mắt vào những gì mình đang làm và đang noi theo những gì mình đang làm. Và mỗi người sẽ phải tự nhủ rằng « Tôi có thực là người có quyền hành động đến nỗi nhân loại phải noi theo những hành vi của tôi không ? Và nếu người nào không tự nhủ điều này thì đó là anh ta đang che giấu sự lo âu.
Và khi nói về « tình trạng bị bỏ rơi », thì chúng tôi chỉ muốn nói rằng Thượng đế không hiện hữu, và điều cần thiết là từ đó ta phải rút ra cho hết những hệ quả. […] Người hiện sinh nghĩ rằng điều rất khó xử là Thượng đế không hiện hữu, vì mọi khả năng tìm thấy các giá trị trong thiên đường khả niệm sẽ mất đi cùng với Ngài ; không còn có bất cứ cái thiện tiên nghiệm nào nơi thiên đường ấy nữa, vì không có ý thức vô hạn và hoàn hảo nào để suy tưởng về nó ; không ở đâu nó được viết rằng : « cái thiện đang hiện hữu », « cần phải trung thực », « không được nói dối », vì rõ ràng chúng ta đang tồn tại trên một bình diện chỉ có những con người mà thôi. Dostoïevski [8] nói : « Nếu Thượng đế không hiện hữu, mọi sự đều được phép. » Đấy chính là điểm xuất phát của thuyết Hiện sinh. Thực vậy, mọi sự đều được phép nếu Thượng đế không hiện hữu, và do đó, con người bị bỏ rơi, vì con người không tìm thấy ở trong nó cũng như ở ngoài nó một khả năng nào để bám lấy. Trước hết, con người không tìm thấy sự bào chữa nào.
Nếu quả thật là sự hiện hữu đi trước bản chất, thì ta sẽ không bao giờ có thể giải thích bằng cách quy chiếu đến một bản tính người bị đông cứng đã cho nào ; nói cách khác, không có thuyết tất định, con người là tự do, con người được tự do. Mặt khác, nếu Thượng đế không hiện hữu, chúng ta sẽ không tìm thấy trước mặt mình những giá trị và những mệnh lệnh khiến cho hành vi của chúng ta được chính đáng. Như vậy, phía sau chúng ta cũng như phía trước chúng ta, trong miền ánh sáng của các giá trị, chúng ta không có những biện minh hay những bào chữa. Chúng ta chỉ một mình, không có sự bào chữa. Đó là những gì tôi thể hiện bằng cách nói rằng con người bị kết án phải tự do. « Bị kết án », bởi vì con người không tự tạo nên chính mình, nhưng mặt khác, « phải tự do » bởi vì một khi bị quăng ném vào thế giới, con người chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình đã làm. Người hiện sinh không tin vào sức mạnh của đam mê, và không bao giờ nghĩ rằng một đam mê mãnh liệt là một dòng thác cuộn phá dẫn con người đến những hành vi nào đó như một tiền định, và do đó là một sự bào chữa [cho những hành vi của mình]. Người hiện sinh cho rằng con người chịu trách nhiệm về sự đam mê của mình.