Home » » Mỹ thuật và chính trị ở Việt Nam hiện nay

Mỹ thuật và chính trị ở Việt Nam hiện nay

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012 | 16:17


Hoàng Hưng



Đây là bài cuối cùng trong cuốn sách “Viềt về Mỹ thuật” – cuốn thứ 7 trong bộ HHEBOOKS mà tác giả trân trọng tặng bạn bè gần xa nhân dịp tác giả trỏn 70 “xuân” (xin bấm vào đường dẫn cuối bài để mở sách ra).Cuốn sách tập họp một số bài viết qua hơn 20 năm theo dõi, học hỏi, giao lưu và viết về Mỹ thuật cho báo Lao Động – tờ báo được coi là đi đầu trong việc quảng bá nền Mỹ thuật đương đại VN sau “Đổi mới”.

Nhớ hồi đầu thập kỷ 1990, lúc mỹ thuật VN chuyển mình sang thời kỳ mới, thoát khỏi cả truyền thống “thuộc địa” lẫn “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, họa sĩ kiêm nhà phê bình mỹ thuật có ảnh hưởng lớn với thế hệ mới, Nguyễn Quân, đã nhận xét: “Mỹ thuật VN không có thói quen dấn thân”. “Chim hoa cá gái” cũng là cụm từ hài hước do anh chế để nói về cảm hứng chủ đạo của mỹ thuật nước nhà. Trong lúc đó, mỹ thuật Trung Quốc đã qua một thời sôi động “những bức tranh có sẹo”, “nghệ thuật của những ngưởi bị tổn thương”, hay phong trào “Mao pop”… với ý thức phản ứng chính trị công khai của các tác giả. Cũng trong lúc ấy, văn học VN đã có một thời rộ lên những tiếng nói “đổi mới” có nội dung chính trị xã hội thật sự (rồi bị chặn lại).
Tại sao MT VN “sau đổi mới” vẫn cứ giãy nảy “Em không nói chuyện chính trị đâu nhé!”. Đã đành sự sợ hãi mà nhà cầm quyền đã gieo trồng cực kỳ hiệu quả kể từ vụ Nhân Văn-Giai Phẩm trên cả cánh đồng tinh thần của dân tộc, đối với riêng MT, còn thêm một yếu tố: Ngay từ khi ra đời, MT hiện đại VN, đứa con tinh thần của Trường Cao đẳng MT Đông Dương, đã mang đậm tính “salon”, đối tượng của nó là tầng lớp trưởng giả đô thị, cứu cánh của nó là “cái đẹp” nghệ thuật vị nghệ thuật. Sau khi thoát khỏi vòng kim cô “hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong đó “phục vụ chình trị” (một cách thô thiển, lấy “tuyên truyền” là mục đích) là nội dung chủ đạo, MT như hả hê quay lại đúng như nó từng là trước cách mạng. Vả lại, còn có thể làm gì hơn với những bức tranh chỉ có thể sử dụng trên tường phòng khách hay phòng ngủ các nhà giàu?
Sang đầu thế kỷ mới, tình hình rõ ràng là khác, khi xu hướng mỹ thuật khái niệm, mỹ thuật ngòai giá vẽ, tiến tới mỹ thuật công cộng (public art), cụ thể qua các thể loại sắp đặt, trình diễn, video… với một thế hệ tác giả trẻ có tư duy mở rộng, tiếp nhận ngày càng sâu rộng những giá trị phổ quát Tự do, Nhân quyền, Dân chủ. Ta bắt đầu nghe được những tiếng nói chính trị xã hội cất lên trong Mỹ thuật.
Tất nhiên, với sự kiểm duyệt “toàn diện, triệt để” của “các cơ quan chức năng”, những tiếng nói này còn khá hiếm, và nhiều khi chưa kịp ra khỏi họng thì đã bị chẹn.
Phải nói tinh thần cảnh giác của các nhân viên có trách nhiệm giữ gìn an ninh văn hóa không chê vào đâu được. Thoáng thấy cái gì khác thường hay khó hiểu là họ rat ay liền. Một chuyện vui: Trong ngày duyệt tác phẩm của Festival Huế 2004, có một cô họa sĩ “trình diễn” màn “kịch câm” sau: Cô mặc áo dài, trên áo kẹp vô số cây kẹp quần áo, ngồi im như phỗng giữa một cái mùng làm bằng dây thừng nhuộm đỏ. Hội đồng duyệt do một ông Phó Thủ tướng đích thân cầm đầu, đi theo là bộ sậu ban bệ. Đến chỗ “tác phẩm” của cô, một vị trong đoàn chất vấn, giọng bực bội: “Cô muốn nói gì? Có phải muốn nói nghệ sĩ bị kìm kẹp, không có tự do?” May mà, có lẽ thấy cô có vẻ hiền lành ngây thơ, ông Phó TT gạt đi: “Thôi đừng suy diễn, làm khó cô bé.” Và ông quay sang cô, giọng thân mật: “Bác cũng có đứa cháu gái học mỹ thuật, nó cũng có nhiều ý tưởng lạ lắm!”, rồi dẫn đoàn đi sang “tác phẩm” khác. Thế là cô thoát!
Nhưng đó là một may mắn hiếm hoi. Còn phần lớn câu chuyện sẽ diễn ra như với cái “Bỉm” của họa sĩ Trương Tân trong cuộc triển lãm mang tên “Come-in” do Viện Goethe Hà Nội và Viện Văn hoá Ðức (IFA) tổ chức tại trường Ðại học Mỹ thuật Hà Nội tháng 1.2007.
Hãy để họa sĩ Minh Thành thuật lại:
“Còn Trương Tân thì với tài nghệ may vá, anh làm một bức điêu khắc bằng vải. Ðó là một chiếc Bỉm thay cho tã lót trước kia của các em bé nhưng được phóng với tỷ lệ 1:10 nghĩa là gấp 10 lần kích thước thật. Khi lại gần thì thấy phía trong của chiếc Bỉm được lát bằng một lớp túi áo ngực (138 cái) ngay ngắn và đều đặn. Những túi áo ngực này có kích thước và hình dáng chính xác như thật, được may bằng vải màu vàng nhạt na ná như màu đồng phục của cảnh sát giao thông Việt Nam hiện nay. Nhìn cái túi áo ngực là nhớ ngay ra hình ảnh cái áo mà người ta quen gọi ngày trước là áo đại cán. Khi tôi đến xưởng, nơi anh làm việc, anh cho tôi xem cái áo công an cũ mà anh đã mua ở đường Lê Duẩn, cạnh ga Hàng Cỏ. Những cái túi áo này chính là thủ phạm gây nên việc công an đến và không cho trưng bày, cho dù đã xin được giấy phép từ Vụ Mỹ thuật. Nghe đồn rằng, công an nói đó là hình ảnh túi áo của tấm áo mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa từng mặc. Thì đây tôi cũng chỉ nói lại theo dạng tin đồn, chứ không biết có thực thế hay không và chúng ta cũng chỉ hiểu nó ở dạng tin đồn. Nhưng những túi áo ngực mà Trương Tân dùng làm lớp đệm phía trong của chiếc Bỉm phóng đại này, với riêng tôi thì đúng là giống hệt như ở cái áo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong nhiều bức ảnh.” (Talawas.org) 

Trương Tân và “Bỉm”
Có chuyện này liên quan chắc ít người biết. Chính cái việc CA bắt gỡ bỏ cái “Bỉm” này đã khởi đầu sáng kiến viết kiến nghị, thư ngỏ online ở Việt Nam.
Sự việc trên gây ra sự phẫn nộ của một số họa sĩ và trí thức yêu nghệ thuật ở Hà Nội, trong đó có ngưởi viết bài này. Do các anh Dương Tường, Phạm Toàn khởi xướng, chúng tôi gồm khoảng mười người (số trẻ là nhiều) đã thảo ra và ký một thư ngỏ gửi các cơ quan trách nhiệm phản đối vụ việc và nhân đó đòi họ có thái độ đối xử văn minh và đúng pháp luật với các phẩm văn học nghệ thuật. Tiếc rằng bức thư đã không được gửi đi, do ông Viện trưởng Viện Goethe tha thiết xin “hạ tông” vì ngại ảnh hưởng đến công việc sau này của Viện! (Tuy nhiên, đó đã là cuộc “thử” cần thiết dẫn đến thành công ngoạn mục của Kiến nghị về việc thu hồi tập Thơ Trần Dần sau đó đúng 1 năm).
Đến Festival MT trẻ (2007) ở Hà Nội thì cuộc đương đầu họa sĩ – người kiểm duyệt thành ra công khai, gay gắt, và dẫn tới sự thỏa hiệp. Có hai tác phẩm bị Hội đồng duyệt bỏ: “Ngoài kia là ánh mặt trời” (installation của Lê Huy Cửu) dựng bốn bức tường (giả) có khoá xích (thật), bên trong là những đám người bằng đất nung nằm ngả ngốn quanh một cây đèn dầu cỡ lớn, hoặc đứng xếp hàng trước những tấm cửa khoá. “Sống chật” của Phạm Ngọc Viễn Thành là một performance trong một installation: Một buồng kính nhỏ hẹp chỉ đặt vừa cái bồn cầu, bên trên bồn cầu là chậu cây, phía trên đầu là lồng chim có con chim thật. Tác giả trình diễn trong đó: ăn bánh mì, đọc báo, vẽ… Hội đồng duyệt cho để phần installation nhưng không cho performance. Riêng tác phẩm “Cột chiến thắng” của Đinh Gia Lê thì bản chữ bên dưới: "Vô cùng thương tiếc" bị kiểm duyệt bỏ.
Cái mới trong dịp này là tiếng nói phản ứng chính thức từ những “quan chức” trong Hội nghề nghiệp, như Đào Minh Tri : "Làm sao để mỹ thuật phát triển được, nghệ sĩ thoải mái… Con đường tất yếu là phải có luật chung, thể chế hóa, để nghệ sĩ hiểu và tự chịu trách nhiệm, mới tránh được tình trạng duỵệt theo cảm giác cá nhân, pa-đờ-suy (tiếng lóng: suy diễn, chụp mũ)". (Sau Festival này, Đào Minh Tri, người tổ chức chính đã bị tai biến não, di chứng cho đến bây giờ!)
Cột chiến thắng” (Đinh Gia Lê)

Ngoài kia là ánh mặt trời” (Lê Huy Cửu)

Tuy nhiên, đâu đó cũng có những tác phẩm lọt qua lưới kiểm duyệt nhờ tính biểu tượng khái quát chứ không quá cụ thể của nó, nhất là khi tác giả có bản lĩnh, biết “to mồm” cãi khi cần thiết.
Lê Quảng Hà là một họa sĩ như thế. Tác phẩm hội họa hay sắp đặt của anh bao giờ cũng mạnh mẽ, khiêu khích, kết hợp được sức ám ảnh của chủ nghĩa xuất biểu (expressionism) với cú đấm thẳng của pop art. Anh thường gặp khó là chuyện dễ hiểu, như trường hợp một triển lãm năm 2001 của anh “suýt” bị huýt còi, cuối cùng anh phải chịu bỏ một số tác phẩm mà theo lời giải thích mơ hồ mang “tính xã giao của những người làm công tác bảo vệ văn hoá rằng: "Nói thật, tôi cũng không hiểu lắm về nghệ thuật nhưng mà có vấn đề..." (LQH trả lời báo Tiền Phong). Nhưng cứ như hai tác phẩm “Nhà tù” và “Người phát ngôn” dưới đây thì thông điệp chính trị không đến nỗi khó hiểu của tác giả đã đến được với công chúng:

Trần Lương trình diễn “đánh răng” trước Thiên An Môn

Trong thế hệ trẻ hơn, cũng có những người biết tận dụng “biều tượng” để gửi gắm những thông điệp không dễ chịu chút nào. Như màn trình diễn “Những con lợn vui vẻ” của Phạm Huy Thông trong cuộc thi nghệ thuật trình diễn 2008 tại Hà Nội. Ta hãy hình dung màn diễn qua lời thuật của Như Huy:
Được khiêng bởi hai bạn diễn, Phạm Huy Thông, trong một chiếc rọ thường dùng để nhốt lợn được bọc kín mít bằng các tờ báo. Âm thanh thu từ một lò mổ được phát ra ầm ĩ, tiếng lợn kêu thét vì bị chọc tiết kéo dài suốt màn trình diễn, xen lẫn là tiếng các đồ tể trao đổi với nhau. Từ trong rọ lợn, nghệ sĩ tìm cách thoát ra, dùng đôi tay thò ra ngoài, xé báo, bẻ nan. Quá trình này diễn ra khoảng 5 phút. Ngay sau đó, hai bạn diễn, với trang phục tương tự như Huy Thông, lao tới và lật rọ xuống. Thế rồi cả hai tìm cách đạp và đánh thật mạnh vào rọ, nơi lúc này Huy Thông đã bắt đầu bò ra được một chút. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, nghệ sĩ cũng chui ra được khỏi rọ (lưu ý là tiến trình này diễn ra trong những tiếng kêu thét liên tục và chói tai của những con heo bị chọc tiết trong lò mổ). Ngay khi nghệ sĩ ra khỏi rọ, cả hai bạn diễn đồng thời rút còi trong miệng ra thổi thật lực. Màn trình diễn kết thúc trong một hỗn độn cực điểm của các âm thanh váng óc của tiếng heo kêu, tiếng còi rít.” (talawas.org) 
Một số tác giả không trực tiếp biểu lộ thái độ về các vấn đề chính trị, nhưng đặt ra những vấn đề xã hội hiện thời, thì đó cũng là thể hiện thái độ chính trị ở góc độ góc nhìn công dân.
Có khi với một thái độ phê phán, châm biếm rõ rệt, như Dự án “Trang hoàng cho cây xà cừ đường Láng” của Trần Hậu Yên Thế (2008). Đường Láng ở Hà Nội nổi tiếng với hàng cây xà cừ cổ thụ, nhưng nổi tiếng hơn nhiều do hệ thống liên hợp quán nhậu, karaoke, massage, nhà nghỉ… mà ai cũng biết bên trong ẩn chứa cái gì. Tác giả đã tổng phê, châm tình trạng xã hội này qua những ý tưởng độc đáo đa phương tiện:
“Chiến” là một phần của dự án: Nghệ sĩ trong trang phục một nam thanh niên đội mũ cối mặc áo phông đi đến tất cả các nhà nghỉ dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Vào tới nhà nghỉ nào, người thanh niên này cũng hỏi một câu: “Ở đây chiến có an toàn không?” Sau khi nhận được những câu trả lời, anh ta xin nhân viên lễ tân tấm danh thiếp nhà nghỉ. Trong triển lãm sẽ trưng bày các tờ danh thiếp - mặt sau ghi những lời đáp của nhân viên lễ tân.

Cũng có khi tác giả không tỏ rõ thái độ, mà chỉ gợi ý khơi mở những cảm nghĩ đa chiều về một vấn đề, một sự kiện. Như trong tác phẩm “Quá khứ di dời” (The Past Moved) của Bùi Công Khánh.
Cảm hứng từ cảnh lưu luyến của người dân với nơi ở cũ là một khu ổ chuột ở Quận 4 TPHCM bị giải toả để xây cao ốc, anh vẽ lại cảnh khu nhà rồi sắp đặt trong studio như một cái phông ở tiệm chụp hình. Anh mời những người dân từng sống ở đây đến đứng trước cái phông ấy và chụp hình họ: một bà chủ quán ăn bình dân, một anh xe ôm… Tiếp đó anh lại mời những người bạn sống ở nơi khác đến: một doanh nhân, một trí thức trẻ… Kết quả thật thú vị: sự khác biệt rất lớn giũa hai nhóm người. Nhóm thứ nhất hoàn toàn tự nhiên, thoải mái vì cảm thấy mình “thuộc về” đúng cảnh này. Nhóm thứ hai không giấu nổi sự ngỡ ngàng, và phải cố gắng “lấy dáng” để chụp hình trước cái khung cảnh “không thuộc “ về mình.
Thông điệp của Bùi Công Khánh không dễ nắm bắt, càng không dễ suy diễn. Nhưng nó gợi suy tư về những những mặt mâu thuẫn trong cuộc sống, về lịch sử một vùng đất, về sự mất mát của quá trình đô thị hóa…

Bùi Công Khánh trước phông cảnh khu ổ chuột


Một tác phẩm gợi nhiều cảm nghĩ thời sự của Trần Trọng Vũ

Cách phát biểu về xã hội chính trị ở những tác phẩm kiểu này dường như là một lựa chọn “dấn thân vừa phải” của không ít họa sĩ VN bây giờ. Không còn né tránh, sợ sệt, tự kiểm duyệt nhiều khi vô lý, “thần hồn nát thần tính”, nhưng cũng tránh xa việc thách thức trực tiếp, gây scandal…
Với nhiều hạn chế thấy rõ, có thể ghi nhận Mỹ thuật VN đã “bước qua lời nguyền” lấy “chim hoa cá gái” làm chủ đạo để vượt lên thân phận salon, dần dần xứng đáng là nghệ thuật của con người Tự Do, có trách nhiệm với đời sống cộng đồng.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved