Tôn giáo là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần và an ninh chính trị của bất kỳ quốc gia nào mà nó hiện hữu. Vì vậy, nghiên cứu tôn giáo và xem nó như đối tượng của khoa học và những suy tư triết học, nghiên cứu kinh nghiệm giải quyết của các quốc gia (đặc biệt những nước có nhiều nét tương đồng về văn hoá - chính trị và có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cách mạng Việt Nam) luôn là một vấn đề cấp thiết và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc.
Từ những lý do đó, GS,TS. Đỗ Quang Hưng – một chuyên gia trong lĩnh vực tôn giáo đã ra mắt bạn đọc cuốn sách Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam - lý luận và thực tiễn. Mong muốn của tác giả là trình bày quá trình tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, trên cơ sở đó, cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần hoàn thiện chính sách tôn giáo hiện nay.
Cuốn sách dày 562 trang, với 539 trang nội dung gồm 4 phần, 15 chương mục. Phần 1, tác giả trình bày kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Pháp trong cách giải quyết vấn đề tôn giáo mà theo tác giả, trong lịch sử nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo không thể tách rời thực tiễn của ba nước này, nếu không muốn nói thái độ đối với tôn giáo của Đảng Cộng sản ở ba nước trên ảnh hưởng rất lớn đến Đảng ta.
Phần 2, tác giả trình bày ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với nhận thức lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh trong vấn đề này.
Hai phần sau cùng, tác giả trình bày quá trình phát sinh và phát triển tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, cùng với đó là quá trình xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách tôn giáo qua các giai đoạn lịch sử, chủ yếu từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.
Cuốn sách Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam - lý luận và thực tiễn, nhìn tổng thể, kết cấu theo một lôgíc chặt chẽ. Trước hết, tác giả hệ thống hoá lại những quan điểm về tôn giáo của các nước, như Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Pháp để từ đó cho thấy ảnh hưởng của nó trong nhận thức và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo dòng lịch sử, tác giả đi từ phân tích những nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, Trần Đình Long, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị… và qua đó, cho thấy quá trình hình thành, phát triển hệ thống quan điểm của Đảng và có sự so sánh giữa các giai đoạn, các thời kỳ khác nhau về vấn đề này.
Một vấn đề khác, theo chúng tôi, làm cho giá trị của cuốn sách được nhân lên, là bạn đọc có thể tìm thấy ở đó nguồn tư liệu mới, quý hiếm chưa từng được công bố. Tác giả đã tiếp cận đến nguồn tư liệu gốc, tư liệu lưu trữ của Đảng và Nhà nước, của các cơ quan ban ngành về tôn giáo với nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chưa từng công bố và chưa mấy ai biết tới, rất có ý nghĩa đối với các học giả và những ai quan tâm nghiên cứu vấn đề này.
Tác giả khiêm tốn cho rằng, vì là một đề tài mới và khó, khả năng của người viết có hạn nên chỉ coi cuốn sách là kết quả khởi đầu của sự khai phá lĩnh vực nghiên cứu lịch sử công tác lý luận của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo. Song, theo chúng tôi, cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc tổng kết quá trình lịch sử tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, mà trong sự khái quát hoá đó, tác giả đã gửi gắm những suy tư của mình đối với một vấn đề luôn có độ nhạy cảm chính trị đặc biệt, góp những luận cứ khoa học để xây dựng một chính sách tôn giáo ngày càng hoàn thiện hơn ở Việt Nam hiện nay..
TS.ĐỖ LAN HIỀN (Viện Triết học)