Home » » Cha tôi Phan Khôi

Cha tôi Phan Khôi

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012 | 08:15


Năm 2001, sau hai năm hoàn thành bản thảo, tập hồi ký Nhớ cha tôi, Phan Khôi(Nxb. Đà Nẵng) của Phan Thị Mỹ Khanh (sinh năm 1927) được công bố rộng rãi. Cuốn sách thể hiện những hồi ức xúc động, trung thực của tác giả về gia cảnh, những chặng đường đời quanh co, cuộc sống đời thường gần gũi, hoạt động viết văn, viết báo phong phú… của bậc sinh thành, đồng thời cũng phác họa được đôi nét nổi bật về đời sống tư tưởng của một thế hệ trí thức dấn thân, và về một thời đại nhiều biến chuyển mà họ đã can dự. Sau 2 năm, Phan Thị Mỹ Khanh tiếp tục cho in hồi ký Nhớ lại một quãng đời (Nxb. Đà Nẵng) bộc lộ những trải nghiệm cá nhân, giải tỏa những ký ức dồn nén, thêm một lần nữa cung cấp cho độc giả những tư liệu quý. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều độc giả vẫn còn ít được biết đến một bài viết quan trọng cũng của Phan Thị Mỹ Khanh công bố ngay sau một năm ngày học giả Phan Khôi mất (1959) và giữa lúc đất nước đang bị chia cắt làm hai miền. Được sự đồng ý của bà Phan Thị Mỹ Khanh, chúng tôi trân trọng gửi tới độc giả bài “Cha tôi: Ông Phan Khôi” như là một trong “chứng từ gốc” về con người đời thường, con người tư tưởng… của Phan Khôi – nhìn từ một khoảng cách gần. Bài báo đã được đăng trên tạp chí Phổ Thông số 29 ra ngày 1.3.1960 và số 30 ra ngày15.3.1960, với lời dẫn của nhà thơ, chủ bút Nguyễn Vỹ.
Mai Vũ sưu tầm và giới thiệu
Bà PHAN THỊ MỸ KHANH là con gái của ông Phan Khôi, hồi thiếu thời được ông cưng nhất. Hiện nay bà sống nơi đồng áng, ở thôn Kỳ Lý, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong bài ký ức sau đây, bà PHAN THỊ MỸ KHANH ghi chép lại cả một thời dĩ vãng mà bà được sống bên cạnh ông Thân sinh, trong đó bà nhận xét rất vô tư và đầy đủ về tính tình và nhân cách của nhà văn Nho ấy.Chúng tôi xin thành thật cảm ơn bà PHAN THỊ MỸ KHANH đã gửi tài liệu rất có giá trị này cho tạp chí PHỔ THÔNG.
N.V
Tôi chỉ sống gần Thầy tôi (chúng tôi quen gọi cha bằng thầy) trong quãng thời gian mười một năm thôi, nhưng trong trí tôi giờ đây còn ghi không biết bao nhiêu kỷ niệm, là hình ảnh của người yêu kính đã lặng ngủ bên bờ kia vĩ tuyến.
Tôi bắt đầu biết thầy tôi từ năm tôi đúng sáu tuổi. Không phải là từ năm sinh tôi ra đến năm ấy, Thầy tôi không bao giờ về nhà đâu, nhưng vì tôi còn bé quá mà mỗi năm Thầy tôi chỉ về ít hôm trong dịp Tết Nguyên đán rồi lại ra đi. Trí óc non nớt của tôi lúc bấy giờ không đủ nhớ một cách vội vàng dù chỉ là hình ảnh một người cha. Vì thế, năm tôi đúng sáu tuổi, tôi mới bắt đầu sống chung với người đã có công như núi Thái Sơn sinh ra tôi, và cũng bắt đầu từ đấy, tôi biết thế nào là tình cha con, dù cái biết ấy chỉ trong phạm vi một đứa trẻ.
Năm ấy là năm 1933, Thầy tôi đương làm cho tờ Phụ nữ Tân văn ở Sài Gòn với ông bà Nguyễn Đức Nhuận. Tôi không biết rõ về công việc của Thầy tôi lúc ấy trong tòa soạn là gì nữa, trợ bút hay chủ bút tôi cũng chẳng biết phân biệt, nên chỉ dùng một động từ rất mơ hồ là “làm báo”. Thể theo lời một bức thư Thầy tôi gởi về nhà, tháng sáu năm ấy ông nội tôi cho phép Mẹ tôi đem các con vào Sài Gòn “du lịch” một chuyến. Hồi ấy, chúng tôi cả thảy là bảy anh chị em nhưng chỉ đi theo Mẹ tôi có năm, còn ở lại hai.  Trong số năm người con được đi theo chuyến ấy, có tôi. Đến đây tôi phải nói thêm rằng trong các con, cả trai lẫn gái, hình như bao giờ thầy tôi cũng thương yêu tôi nhất. Điều ấy về sau này khi lớn lên tôi mới nhận thấy nhưng không hiểu rõ duyên cớ cho lắm. Tôi không phải là bé út, vì sau tôi, còn hai đứa em nữa. Về học hành và hạnh kiểm, tôi cũng chẳng có gì là vượt mức các anh chị em tôi. Nhưng cái điều mà người nhà quê hay nói, có lẽ đúng là tôi “ hạp nhãn” với Thầy tôi.
Chúng tôi ở Sài Gòn chơi được vài mươi ngày thì phải lo thu xếp trở về QuảngNam, vì ở nhà con có ông tôi già yếu không ai săn sóc. Trong khoảng thời gian ngắn ở Sài Gòn, Thầy tôi đã đưa chúng tôi đi xem các nơi thắng cảnh của “Hòn ngọc Viễn đông” thời bấy giờ mà nay tôi còn nhớ mãi là Vườn Bách thú và hãng Charner. Lại còn đi ăn chả cá, đi Hóc môn thăm vị lương y Nguyễn An Cư nữa.
Mạ tôi trở về Quảng với ba con, còn hai được ở lại với Thầy tôi: tôi và một người chị, lúc bấy giờ mới mười một tuổi. Tôi còn quên kể ở đoạn trên là trong chuyến đi ấy, Mạ tôi dẫn vào cho Thầy tôi một người đàn bà với địa vị là nâng khăn sửa tráp cho Thầy tôi những khi người sống một mình nơi đất khách. Sau nầy, theo tôi biết đó là do lời yêu cầu của Thầy tôi. Thế là hai chị em tôi ở lại Sài Gòn với bà “dì Sáu” mới lạ ấy. Nhưng rồi một tháng sau, dì cũng cuốn gói về Quảng vì dì đã không vừa ý Thầy tôi từ dung nhan cho đến lối cư xử. Nghe đâu dì ấy về có tìm đến Mạ tôi khóc lóc, trình bày sự lạnh nhạt của Thầy tôi và xin rút lui về xứ.
Thế là chỉ còn tôi và chị N. Chị tuy còn bé thế mà đã tỏ ra đảm đang như người lớn. Hồi ấy ba cha con ở một căn nhà kế chợ Tân Định. Nhà ở lùi vào trong, đi qua phố phải qua một cái cổng dài. Chị N, mỗi bữa đi chợ rồi về nhà tự nấu nướng lấy, thế mà cơm hôm nào cũng được Thầy tôi khen ngon. Ngày hai buổi, Thầy tôi đến tòa Báo, chị em tôi ở nhà quấn quýt lấy nhau. Chỉ đêm đêm, khi Thầy tôi ngồi bên cạnh bàn đèn, chị tôi thích cánh tôi, hối tôi, tôi mới rón rén đến bên, vòng tay rụt rè thưa: “Thưa thầy cho con và chị N ra phố chơi một chút”. Lần nào Thầy tôi cũng ừ một tiếng to. Cái tiếng ừ ấy, đến bây giờ tôi vẫn còn nghe rõ bên tai, lúc nào cũng đi theo một cử động riêng biệt của Thầy tôi, hoặc đang nằm lấy hai tay vòng dưới gối cất mạnh người ngồi dậy, hoặc với tay lấy bát nước chè uống vài hớp. Thế là chúng tôi đi chơi. Nói là đi chơi phố cho oai, chứ thật ra chỉ luẩn quẩn cách nhà vài chục bước rồi lại vào vì chúng tôi bấy giờ ngớ nghếch, nhà quê chúa. Có một đêm, nghe hàng phố bảo đêm Noel, chúng tôi theo họ đi quá xa một chút. Đến trước một nhà thờ, tôi cũng không biết là nhà thờ nào, chúng tôi mãi say mê nhìn muôn ánh đèn rực rỡ hình như gẳn cả xung quanh ngôi nhà ấy, từ dưới đất lên nóc, nên quên cả về. Lúc đã về đến trước cửa, chúng tôi rụt rè mãi, vì Thầy tôi tuy thương con nhưng nghiêm khắc lắm. May sao, Thầy tôi chỉ hỏi: “ Tại sao hai con đi lâu hơn mọi hôm?”.Tôi có lý do, trả lời ngay: “ Dạ, bữa ni Noel”. Thầy tôi “à” một tiếng. Rồi thôi. Tính Thầy tôi vẫn ít nói chuyện thân mật với con, do đó lúc nào chúng tôi cũng hình như sợ hãi khi phải tiếp xúc với người. Giọng nói của Thầy tôi lúc nào cũng to, sang sảng và oai nghiêm. Tôi ít thấy ở môi người thốt ra một câu bông đùa, dù là với con nhỏ. Thầy tôi thẳng thắn, thường la rầy bất cứ một ai không vừa ý người, chẳng nể nang, vị tình vị nghĩa ai cả. Cái tính ấy, chính chúng tôi làm con, gặp sự bộc lộ nhiều hơn cả và khi chung sống với Thầy tôi, chúng tôi có cảm tưởng mình đương bị đày ải trong một nơi khắc khổ lắm. Nhưng đó là ý nghĩ thời thơ ấu. Sau nầy, riêng tôi, tôi rất cảm phục Thầy tôi. Mà than ôi, khi hồn non này biết suy xét điều hay lẽ phải thì đã không được cùng người gần gũi, và nay người đã an giấc ngàn thu, tôi còn bao giờ được thấy sự khắc khổ ấy để mà cảm phục nữa!
Ngược lại, cũng có lúc Thầy tôi dịu dàng. Một hôm tôi được người cho phép cùng đến tòa soạn chơi. Thầy tôi làm việc phòng trên gác nên tôi cũng theo lên. Bàn Thầy tôi ngồi giữa, chung quanh có kê hai dãy bàn giấy.
Thình lình, tôi ngồi giữa sàn gác mà đi tiểu tự nhiên như ở dưới đất. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hồi đó tôi không biết mắc cỡ và còn dại hơn trẻ con bây giờ nhiều. Tôi dại vì tôi không biết hỏi người lớn dẫn đi, vì lần đầu tiên lên trên lầu một tòa Báo, tôi cứ luýnh quýnh tìm không ra nẻo xuống để đi tiểu tiện. Bà chủ nhiệm nhìn tôi mà cười xòa. Thầy tôi cũng cười mà bảo tôi : “ Chà, con làm ướt nhà bà rồi!”. Thế rồi thôi.  Về nhà, tôi cũng không hề bị la mắng gì nữa. Có lẽ vì tại tôi bé quá cũng nên.
Tết năm ấy, Thầy tôi đem chúng tôi về Quảng.
Tháng mười một năm sau, tức là năm 1934, cô tôi đưa tôi ra Hà Nội vì bấy giờ Thầy tôi viết cho tờ Phụ Nữ Thời Đàm . Thế là lần này, tôi lại được hưởng “đặc ân”  sống với Thầy tôi tại Hà thành hoa lệ. Khi mới ra, Thầy tôi còn ở chung một nhà với cô tôi, là bà Lê Dư (mẹ vợ Vũ Ngọc Phan), nhưng sau lại thuê riêng một ngôi nhà bên cạnh, cũng ở phố Hàng Bông vì có thêm anh cả tôi ở học, và một người Quảng nấu ăn cho ba cha con. Ăn Tết tại Hà Nội xong, tôi được đi học vỡ lòng tại trường tư thục Hoài Đức. Tôi đi học như thế, lấy làm vui, vì ở nhà không có bạn, Thầy tôi thì nghiêm nghị, anh cả tôi thì trầm tĩnh, ít nói. Cả ngày, nếu tôi không sang chơi với con cô tôi thì lại lủi thủi với chú Ba, người Quảng làm bếp nấu ăn cho Thầy tôi. Thanh niên cũng ít người có tính tình như anh cả tôi. Anh ít nói, ít cười đến nỗi Thầy tôi cũng phải kêu. Nhìn anh, lắm khi cũng khó biết anh đương vui hay buồn, nhưng thực ra, anh tôi hiền lắm. Chúng tôi, đứa nào cũng mến anh vì không khi nào anh la rầy đánh mắng em. Nhưng giữa cha con có không khí lạnh lùng, một phần cũng vì tính tình của anh. Một hôm, ăn cơm xong Thầy tôi bảo :
-“ Con sao lạ quá, nó đối với mình như người dưng. Hễ mình thấy nó ăn không được cơm thì hỏi han săn sóc nó, còn nó thấy mình thế nào cũng mặc kệ. Thế mà anh cũng chẳng nói chẳng rằng, thật đúng với cái danh hiệu “Phật” mà chúng tôi đã tặng cho anh vậy.
Trước khi tôi ra Hà Nội, Thầy tôi có kết duyên với một cô ả đào xóm Khâm Thiên, sau nầy thành vợ lẽ của Thầy tôi thật sự cho đến bây giờ. Thỉnh thoảng, vào buổi chiều, người thường cùng tôi đi xe tay xuống Khâm Thiên nói chuyện, nghe đàn hát rồi về. Cuộc tình duyên ấy cứ như thế kéo dài mãi cho đến năm 1935, Thầy tôi mới đưa dì ấy ra mắt Mạ tôi và gia đình.
Tôi đương ở Hà Nội, thì vào khoảng tháng 4 năm 1934, có giây thép ở nhà quê báo tin ông nội tôi đau nặng. Thế là Thầy tôi thu xếp về Quảng, đồng thời cũng thôi giúp cho tờ P.N.T.Đ[1]. Thầy tôi về nhà được mươi hôm, ông tôi vì mắc bệnh ung thư khó chữa, từ trần vào ngày 12- 4 -1934.
Năm 1934, Thầy tôi viết cho tờ Tràng An tại Huế. Lần này, tôi cũng có được ở với Thầy tôi, song chỉ tronng thời gian non hai tháng , vì tôi đương học lớp tư tại quê nhà, dịp tôi ra Huế là dịp nghỉ hè. Nhà ở phố Gia- Hội, thuê của vợ chồng ông chủ cũng tên Hội. Nhà ngăn làm hai: bên kia vợ chồng ông Hội và mấy ông công chức còn trẻ tuổi; bên nầy, Thầy tôi, dì tôi và tôi. Một hôm, Thầy tôi vắng nhà, bà Hội sang rủ tôi đi chơi về một miền quê hình như là An  Cựu thì phải. Tôi thích quá, nói với dì tôi rồi ra đi lòng hân hoan vì được dạo chơi đây đó. Nhưng chiều đến, về nhà là cả một sự sợ hãi. Thầy tôi gọi lên bên cạnh bàn đèn, bắt quỳ vì tội đi chơi lung lạc, không xin phép. Tôi ứa nước mắt mà không dám khóc, vừa quỳ vừa cúi đầu, không hề ngước mặt lên nhìn trộm Thầy tôi. Một chốc, có tiếng Thầy tôi nói như truyền lệnh : “Thôi, Thầy tha cho đó!”. Tôi đứng dậy, rón rén lủi xuống bếp.
Năm 1936, Thầy tôi sáng lập tờ Sông Hương. Tôi vì đương bận theo học trường quê nhà thành ra chưa có dịp trở lại Huế mà Sông Hương đã chết. Thầy tôi lại thu xếp về quê, tạm lánh cuộc đời bôn tẩu với nợ văn chương, sống như một kẻ ẩn sĩ. Nhưng rồi cái chân hay đi không dừng một chỗ được, khi nó còn muốn đi nữa. Thầy tôi lại là giáo sư Việt Văn cho trường Chấn-Thanh Sài Gòn, cho đến năm 1941, khi rục rịch phong trào Nhật, người mới lại về quê nhà. Lần này bà dì người Bắc của tôi sinh được em trai đầu lòng của dì mà là con thứ chín của Thầy tôi.
Từ đây, Thầy tôi bắt đầu sống gần gũi chúng tôi hơn cả. Tôi có dịp tiếp xúc người, hiểu người nhiều hơn  để ngày nay có thể ngồi viết nên trang ký ức nầy. Chao ôi! Tôi muốn kêu to lên rằng : “Thầy ơi, con muốn sống trở lại thời xưa cũ”.
Năm 1942, sau khi học xong lớp đệ nhị ban Trung học,  tôi từ giã ghế nhà trường vì nền kinh tế gia đình không vững nữa. Tôi tuy còn luyến tiếc sự học song bản tính rụt rè, lại từ lâu uốn nắn trong khuôn khổ giáo dục nghiêm khắc của Thầy tôi, nên không dám tỏ bày ý kiến của mình, chỉ biết cúi đầu vâng dạ xuôi mà thôi.
Một hôm, Thầy tôi bảo chúng tôi – tôi và một đứa em gái vừa đỗ Tiểu học – phải học một ít Hán văn nữa. Thầy tôi nói: “- Nhà ta vốn thanh bạch, Thầy chẳng có gì để lại làm vốn cho các con sau nầy, chỉ muốn đem một ít chữ nghĩa dạy các con thôi, vì chữ nghĩa sẽ giúp các con nhiều về sau, nhất là chữ Hán”. Em tôi nghĩ gì, tôi không biết, chứ riêng tôi,  tôi cho đó là một dịp may hiếm có lắm và là một điều thích thú nhất vì chí ham học sẵn có của tôi. Hồi ấy tuy đã mười sáu tuổi, cái tuổi cập kê, đáng lý ra tôi phải học ăn học nói, học gói học mở, theo nề nếp con gái nhà nho giáo để rồi về làm dâu thiên hạ, trái lại tôi rất chểnh mảng vấn đề trên, mà chỉ thích xem sách, báo, tiểu thuyết. Cả truyện kiếm hiệp tôi cũng chẳng từ. Tôi ham mê nhiều khi quên cả công việc trong bếp, quên cả ăn nữa, Thầy tôi chẳng hề mắng tôi điều ấy. Duy có Mạ tôi và các chị thỉnh thoảng cũng “chỉnh” tôi vì cái lý do rất dễ hiểu là do tôi hư hỏng, sau này về nhà người ta làm dâu thì rầy rà lắm.
Vì vậy, “ được lời như cởi tấm lòng”, tôi hăng hái cứ đêm đêm (Thầy tôi chỉ dạy ban đêm, ban ngày thì giờ chúng tôi bận dệt vải) ngồi một bên bộ ván, cạnh khay đèn thuốc phiện, nghe Thầy tôi giảng giải. Phương pháp dạy của Thầy tôi rất giản dị: người viết bằng ngòi bút sắt vào những trang vở giấy Tây một bài học, rồi bắt chúng tôi đọc theo và sau cùng người cắt nghĩa từ chữ rồi từ câu.
Trong khi dạy chúng tôi người chỉ dùng cái miệng còn hay tay chỉ để dùng vào cái việc cần thiết của người: lúc thì đưa mũi tiêm lên ngọn đèn, lúc thì lăn lăn nó nhanh thoăn thoắt trên cái mặt tẩu. Nhưng lúc người quay cái đầu dọc tẩu vào miệng và cai tiêng ro ro trầm buồn đang kéo dài, là tiếng nói người hoàn toàn im hẳn. Chúng tôi cũng lặng im, đợi cái phút mà từ hai lỗ mũi người bay ra hai làn khói xanh quyện vào nhau rồi tan mác trên không, người bắt đầu giảng tiếp. Các cử động của người vẫn được tôi say mê nhìn như thế trong hàng giờ đã từ lâu lắm, nên mãi đến ngày nay có gần hai mươi năm qua, tôi vẫn hình dung được.
Đầu tiên, Thầy tôi dạy bộ “Tân quốc văn” của Tàu, rồi Tam tự Kinh, Châu Bá Lư trị gia cách ngôn, các bài thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị… tôi thích nhất là khi giảng nghĩa, rồi Thầy tôi bắt đầu ngâm lại toàn bài những bài thơ hay ho ấy. Không hiểu sao, tôi mê những câu :
Thục giang thủy bích Thục sơn thanh,
Thánh chúa triêu triêu mộ mộ tình;
Và  :
Oan ương ngõa lãnh sương hoa trọng
Phỉ thúy khâm hàn thùy giữ cọng
(trong bài Trường hận ca)
tả nỗi tâm sự của Đường Minh Hoàng nhớ nàng Dương Quý Phi.
Thấy chúng tôi chăm và chóng kết quả, Thầy tôi rất bằng lòng. Nhưng tiếc thay ước vọng của con người và chí nguyện của tôi nửa chừng đành bỏ dở vì lúc sau nầy người cai thuốc phiện và bị đau ốm luôn trong mấy tháng trời, không còn đủ sức dậy nữa. Rồi hai năm qua, vâng lời Thầy tôi, tôi xuất giá. Thế là hết. Hồi tưởng lại việc ngày xưa, tôi thấy tôi đã yếu ớt và dại dột vô cùng. Tại sao với một người cha chú trọng đến tương lai con cái như Thầy tôi – chúng tôi nghĩ thế – đã khiến chúng tôi nên rụt rè, sợ hãi khi phải trình bày một điều gì khác ý kiến người.
Trong những ngày lui về ở quê nhà, cuộc đời của Thầy tôi phẳng lặng như giòng sông nhỏ, trầm buồn như tiếng ro ro khi người kéo một hơi thuốc phiên. Nếu lâu lâu không xảy ra những vụ ghen tuông nho nhỏ giữa Mạ và dì tôi, thì quả là Thầy tôi chẳng bận tâm đến việc vợ con chút nào. Sáng ra, Thầy tôi dậy muộn, ít khi dùng điểm tâm. Rồi người nằm bên bàn đèn, làm bạn với nàng Tiên mãi cho đến bữa cơm trưa. Buổi chiều, người nằm xem sách – bao giờ cũng nằm mà xem – những quyển sách chữ nho chữ nhỏ li ti dầy khít hàng. Gần tối, mỏi mắt, người đi dạo ra vườn săn sóc vài cây mới trồng hay một chậu hoa vừa ra nụ. Thầy tôi không sành chơi hoa trồng kiểng nhưng cũng thích tìm một vài giống hoa lạ. Năm ở Huế về, Thầy tôi đem về hoa quỳnh và hoa phong lan. Cây quỳnh trồng bằng một cái lá và hoa thì lại nứt ở chỗ nách lá, khởi đầu bằng một cái cuộn thòng xuống rồi lớn dần cho đến lúc nở. Hoa nở về đêm màu trắng nuột, mùi hương tỏa ra ngây ngất nhưng chỉ trong một giờ là tàn. Người phong lưu thường đặt dạ tiệc để mời khách xem quỳnh nở. Hoa phong lan không trồng dưới đất, hình nó gồm một mớ giây, rễ, lá cuộn tròn và treo lên cao (giàn thiên lý, giàn hoa trước cửa,v.v …). Hoa phong lan trắng, nhỏ và thơm nhẹ nhàng.
Ban đêm, Thầy tôi thức khuya lắm, có khi đến ba, bốn giờ sáng. Bên ngọn đèn hút nhỏ bé, lù mù, Thầy tôi chăm chú xem sách không biết mệt. Thầy tôi thức khuya, đến nỗi thời thơ ấu tôi có cái tư tưởng ỷ lại nầy: Thầy tôi mà ở nhà là không bao giờ có kẻ trộm vào được, ngủ cứ tự do bỏ ngỏ các cửa. Mà dù cả nhà còn thức, bao giờ Thầy tôi cũng chỉ có một mình, nếu thêm một đứa con đứng hay ngồi tiếp chuyện, bao giờ cũng chỉ là tôi. Vì hình như đối với các anh chị lớn hơn tôi, sự lạnh lùng cách biệt giữa cha con đã thành thói quen từ lâu. Tôi thấy sự đó ít xảy ra trong các gia đình khác. Thầy tôi từ lâu nhận biết và tỏ rõ nỗi bực mình nhưng tình trạng không bao giờ thay đổi. Có nhiều đêm mẹ con quây quần vui vẻ ở nhà ngang, trong khi Thầy tôi một mình bạn với khay đèn chơi vơi giữa ngôi nhà rộng lớn và vắng lặng. Mạ chúng tôi vốn hiền từ, dễ dãi và khoan hồng nên bao giờ câu chuyện của chúng tôi cũng được tự do mà nở như bắp rang, chuyện tào lao gồm đủ loại, nói tóm lại chuyện của tuổi trẻ ! (cố nhiên là không mất giáo dục). Đến một đoạn thích thú, chúng tôi lại phá nên cười. Tiếng cười vang lọt vào tai Thầy tôi. Người cất tiếng: “ Tám ơi, chuyện chi mà cười dữ rứa, nên nói lại cho Thầy nghe thử coi!”. Mặc dầu người cố lấy giọng dịu dàng, mọi tiếng cười im bặt. Khó quá, biết làm sao, chuyện bâng quơ của ba đứa trẻ ranh mà kể lại cho người nghe sao được. Chị tôi đẩy tôi đi: “ Mau lên, lên thưa lại với Thầy. Không thì bị la cả bọn chừ!”. Bao giờ cũng đẩy tôi, vì con Tám, em tôi nó chưa biết trả lời; mấy chị tôi bao giờ cũng cứ chuồn với đẩy là giỏi. Chị Tư tôi hay dỗ tôi: “ Thầy không la em đâu”. Giá hồi đó tôi đủ lý luận thì tôi đã chất vấn các chị tôi về khoản đó rồi. Tôi bèn rón rén bước lên, sửa cái bộ mặt tỉnh táo mà hỏi lại : “Dạ, Thầy kêu con ?”. Người lặp lại câu hỏi khi nãy. Tôi vội vàng thưa : “ Dạ, có chi đâu mà vui”. Tức thì người nổi trận lôi đình, đập tay lên ván : “Không có sao được! Thiệt tao tứcc quá, mới nghe cười đó mà!”. Rồi người lại hạ giọng xuống, ôn tồn và giọng nhỏ nhẹ hơn: “ Bận sau đừng có rứa nữa nghe con !”. Thế là tôi pahor ngồi luôn bên cạnh Thầy tôi mà bầu bạn cho đến lúc đôi mắt mỏi dần và ngáp dài ngáp vắn…
Lâu lâu lại tái diễn cái tấn tuồng ấy mà lần nào tôi cũng làm kẻ ngoại giao cho mấy chị tôi.
Thầy tôi không có óc mê tín dị đoan mà trái lại còn ghét cơ ghét cực khoa nầy. Có lần Mạ tôi tin một ông thầy du phương cho dân mấy lá bùa hộ mệnh, cầu tài gì trong nhà không biết. Thầy tôi về thấy, bắt gở hết quăng đi. Một ông sui gia với Thầy tôi cũng thạo về khoa nầy. Thầy tôi thường nói: “ Ổng giỏi ếm trừ, sao không làm cho nhà ổng giàu đi?”.
Phần đông người làng đều “ chịu” cho tính khó chịu của Thầy tôi. Bởi thế rất ít khách đến chơi, chỉ thỉnh thoảng gặp kỳ tế lễ đôi ông đến bàn việc làng xã, họ đương. Các ông đén gặp Thầy tôi là…một sự cực chẳng đã, Thầy tôi tính nói thẳng, mà các ông phần nhiều thuộc về phái xôi thịt, đình đám phức tạp lắm.
Năm tôi mới độ lên mười, ông Thượng Trác (ông Nguyễn Bá Trạc) có vào chơi với Thầy tôi tại Bảo An vài lần. Lần nào ông cũng ở nói chuyện một ngày một đêm rồi mới về. Tôi còn bé, không hiểu hai ông thế nào, có tương đắc với nhau không, chỉ thấy câu chuyện ôn tồn, hòa thuận, không cãi lý và giận giữ. Nhưng khi khách về rồi, Thầy tôi chép miệng, nói một mình : – “Chán quá cho cái ông Trác, nói toàn chuyện quan trường!”. Thế là tôi mang máng hiểu rằng ông Trác không phải là bạn tâm giao của Thầy tôi vậy.
Trong làng có ông Tú, người cùng họ, gọi Thầy tôi bằng anh, thỉnh thoảng có việc cần cũng đến nhà tôi. Cái ông kể cũng gàn. Không bao giờ ông chịu ngồi mà nói chuyện, chỉ vòng tay đứng suốt câu chuyện rồi về. Có lần Thầy tôi phải đập mạnh tay trên ván, hét: “Mời chú ngồi! Tôi mời chú ngồi!”. Mà, lạ thay ông tú vẫn giữ mãi lập trường của ông. Kể ra, số người không vừa ý Thầy tôi cũng nhiều, không vì điểm này cũng vì điểm nọ. Nhưng cái điểm mà Thầy tôi hay “chỉnh” nhất là văn phạm trong câu nói. Người nhà quê miền Trung hay dùng tiếng “ổng”, “bả” để chỉ cha mẹ lúc vắng mặt. Và khi hỏi họ một việc gì mà họ không rõ, họ đáp cụt ngủn: “ Biết chi!”. Thầy tôi luôn luôn dạy con cháu trong nhà tránh những tiếng noi vô lễ ấy và nếu nghe ai nói, cũng mạnh dạn sửa chữa họ.
Tôi chỉ thấy có một người vừa ý Thầy tôi là chú H.P. Thường đến nhà học thêm chữ Nho vói Thầy tôi mỗi buổi chiều, trong khoảng năm tôi mười sáu tuổi. Chú người ở Xuân  Đài, cháu cụ cố Hoàng Diệu và có họ ngoại với Thầy tôi[2]. Tôi vẫn nghe Thầy tôi khen về chú là thanh niên đứng đắn, thông minh và có chí.
Thầy tôi ít khi xem tiểu thuyết, truyện ngắn, của các nhà văn phái mới. Nhưng có một đêm, Thầy tôi bảo tôi ngồi bên bàn đèn mà đọc quyển Ngậm ngải tìm trầm của Thanh Tịnh. Đó là một tập sách gồm nhiều truyện ngắn. Sau khi tôi đọc hết truyện đầu, Thầy tôi bảo đọc tiếp chuyện thứ hai và cứ như thế cho đến khi xong toàn tập.Thầy tôi khen tác giả viết hay và hỏi tôi : “ Con có biết hay chỗ nào không?”. Tôi nhớ bấy giờ tôi đương học lớp nhì, tuy đã bắt đầy yêu văn nhưng trình có bao nhiêu mà biết trả lời, đành thỏ thẻ thưa: “Dạ không”. Thầy tôi nói: “ Truyện không làm người đọc chán, xem truyện nầy rồi muốn xem truyện khác, thế là hay!”.
Tôi về nhà chồng được ít lâu thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật rồi tiếp đễn Việt Minh cướp chính quyền. Sau cuộc đảo chính 3- 1945, dì tôi sinh một bé trai em út nữa. Thầy tôi đặt tên thằng Lang Sa, kỷ niệm cái ngày Tây về xứ, sau 80 năm đô hộ dân tộc Việt.
Đối với chính quyền lâm thời của V.M bấy giờ, Thầy tôi lắm lúc bất bình. Thái độ bất bình ấy, khi thì biểu lộ bằng vài cái xì, xà, lẩm bẩm một mình của Thầy tôi, khi thì nổ bùng giữa đám đông quần chúng như nói chuyện về Hiệp định sơ bộ tại Vĩnh Điện. Kết quả cuộc nó chuyện nầy, Thầy tôi sinh lãng trí nói lảm nhảm luôn trong cả tuần, uống thuốc mới bớt.
Thế rồi, thình lình chúng tôi lại thấy Thầy tôi xách va lai lên đường, từ giã vợ con nói là đi Hà Nội viết báo. Trong Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, tôi thấy tiểu sử Thầy tôi có nói chuyến đi nầy do ông Hồ Chí Minh triệu tập. Dạo ấy vào khoảng tháng 4 năm 1946. Tôi có ngờ đâu lần ra đi của Thầy tôi năm ấy đối với tôi là lần vĩnh biệt!
*
Đêm nay, một đên đầu xuân năm Canh  Tý tôi chong đèn ngồi viết mấy trang ký ức bên cạnh mấy đứa cháu bé đang say ngủ, lòng bâng khuâng nhớ lại những đêm xuân quãng 20 năm về trước. Và giờ đây nơi chín suối đất Bắc Thầy tôi có biết cho đứa con ở miền Trung nầy đương thành kinh tưởng nhớ đến người cha  đã an giấc chốn tha hương?. Chính ở Thầy tôi, tôi chịu ảnh hưởng sâu xa nhất về nền luân lý gia đình để có thể ngày nay tự hào rằng  không đến nỗi thua em kém chị về các bổn phận làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Có vậy, ở bên kia thế giới, người mới hài lòng vì đã không uổng công đem mấy lời vàng ngọc mà giảng dạy chúng tôi thời thơ ấu.
( Viết ở Kỳ Lý, một đêm xuân Canh  Tý).
Phan Thị Mỹ Khanh
[1] Phụ nữ thời đàm (M.V)
[2] Bà Hoàng Thị Lệ, mẹ nhà văn Phan Khôi là con gái tổng đốc Hoàng Diệu (M.V)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved