Home » » Sức mạnh của tưởng tượng thi ca

Sức mạnh của tưởng tượng thi ca

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012 | 22:31


Sức mạnh của tưởng tượng thi ca. Những khởi nguyên của thi pháp

 | Filed under 2. Lý thuyết phê bình
Wilhelm Dilthey
Lời giới thiệu: W. Dilthey và trường phái lịch sử – tinh thần
Wilhelm Dilthey (1833-1911) là người sáng lập ra trường phái lịch sử tinh thần, hay triết học văn hoá, trong nghiên cứu văn học. Những quan tâm lý thuyết văn học của Dilthey xuất phát từ vị trí độc đáo của nhà tư tưởng trong ông. Và, dĩ nhiên, điều mới mẻ này, cũng như La Mã, không phải được xây dựng xong trong một ngày. Dilthey chia tay với thế giới truyền thống của các trừu tượng triết học, sau khi đã coi lý trí thuần túy của chủ thể siêu việt và chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức là những ảo ảnh thiếu sinh khí của đầu óc siêu hình. Đồng thời, sự say mê những thành tựu khoa học thế kỷ 19 và các hệ thống của Comte và Spencer cũng không làm cho Dilthey trở thành nhà thực chứng luận. Bởi, ông cho rằng, khoa học mặc dù nâng cao đáng kể sự sinh tồn của con người, nhưng sự mô tả thuần túy các sự kiện của thực chứng luận sẽ phá vỡ giá trị của nhận thức và đánh tráo sự thống nhất hữu cơ của đời sống tinh thần bằng sự máy móc hóa. Khôi phục lại giá trị đời sống, theo Dilthey, cho phép việc nghiên cứu lịch sử con người khai triển theo biên niên sử của những tập đại thành của nó. Bằng cách đó, ông đòi hỏi nhiều tri thức nhân văn hơn các nhà thực chứng luận, những người thường thay thế lịch sử hiện thực của nhân loại bằng các sơ đồ tiến bộ toàn cầu. Tuy nhiên, theo tư tưởng Dilthey, sự chìm sâu vào lịch sử của đời sống tinh thần phải cầu viện đến sự hồi quy của con người về với chính bản thân mình.
Dilthey coi việc hiểu con người, như một kẻ sáng tạo và như một vật sáng tạo của lịch sử, là cống hiến của “trường phái lịch sử” của Herder. Thứ chủ nghĩa lịch sử mang lại ý nghĩa cao cả cho tồn tại người, theo Dilthey, chỉ có ở Hegel trẻ, còn ở Hegel muộn thì chỉ có lý thuyết toàn-logic. Hegel già đã buộc cuộc sống lệ thuộc vào các cơ cấu tư tưởng trừu tượng. Dilthey được coi là người theo chủ nghĩa Kant mới, nhưng ông thay thế sự phân tích tiên nghiệm của Kant bằng sự “phê phán lý trí lịch sử”, nơi “kinh nghiệm” bên trong của đời sống người được coi là hiện thực khởi nguyên.
Trong Nhập môn khoa học về tinh thần Dilthey xây dựng một phương pháp nghiên cứu tự nhiên và xã hội có tính đến cả nhân tố tự do của ý chí sáng tạo và bởi vậy không phải là sự chuyển dịch đơn giản các thủ pháp nhận thức tự nhiên sang lĩnh vực xã hội nhân văn, mà với sự nghiêm khắc của mình không nhân nhượng với các khoa học tự nhiên. “Phương pháp nghiêm khắc” của các khoa học về tình thần của Dilthey – chú giải học với công cụ chủ yếu – “sự thấu hiểu”, tức biết nhìn thấy đằng sau sự kiện là sự chuyển động kiếm tìm tinh thần con người. Thâm nhập vào “cảm nghiệm” của con người lịch sử cho phép hiểu được “cảm nghiệm” tương tự của nhà nghiên cứu. Cơ sở của lịch sử nhân loại ẩn chứa bí mật sáng tạo, và việc khai mở nó chỉ thực hiện được ở nơi khởi nguyên của nó; bản chất sáng tạo trong khoa học tiến hành đối thoại với bản chất sáng tạo trong con người và lịch sử người.
Đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa lịch sử của Dilthey bị gọi là chủ nghĩa tương đối hoài nghi (Husserl), sự vô nguyên tắc phản triết học (Rikkert), sự phá vỡ tư tưởng triết học và từ đó chỉ còn là sử chí triết học và tâm lý học (Windelband). Tuy nhiên, Husserl về sau đã thừa nhận rằng bấy giờ ông đọc Dilthey không chăm chú lắm nên đã không hiểu rằng tác phẩm của Dilthey “không hề cũ”, ngược lại còn “chứa đựng một tiên kiến thiên tài và là bậc thang đầu tiên dẫn đến hiện tượng học”. Quả thực, cuốn Lược quy hiện tượng học của Husserl rất gần với nguyên tắc Dilthey thâu tóm các hiện tượng vào khởi nguyên tinh thần. Vào những năm 60 thế kỷ 20, phương Tây bắt đầu nghiên cứu rộng rãi các tác phẩm của Dilthey, khái niệm “sự thấu hiểu” của ông hóa ra là hạt nhân của các khuynh hướng tư tưởng minh giải học (tức chú giải học hiện đại) và mỹ học tiếp nhận.
Để không bị mất hút trong biển sự kiện lịch sử, Dilthey chọn lấy những công trình sáng tạo giàu chất sống. Trước hết là tác phẩm của các nhà thơ, những “cơ quan của sự thấu hiểu đời sống”. Vì thế Dilthey chú ý đến sáng tạo nghệ thuật trong các công trình: Về khả năng tưởng tượng của các nhà thơ (1877), Sức mạnh của sự tưởng tượng thơ ca và sự điên rồ(1886), Sức mạnh của sự tưởng tượng thơ ca, Khởi nguyên của thi pháp học, Cảm xúc và thơ ca (1906), các nghiên cứu về Novalis (1865), Lessing (1867), Schleiermacher (1870), Dickens (1877)…
Học thuyết của Dilthey là một trong những nguồn gốc lý thuyết của phương pháp ấn tượng trong phê bình văn học. Nhà nghiên cứu thâm nhập tác phẩm bằng con đường thấu hiểu. Tức người giải thích phải phục hồi lại được trạng thái tâm lý của tác giả văn bản và sống với nó. Cơ sở để thấu hiểu chính là tinh thần thời đại, hồn thời đại. Trong cái tiểu khí hậu này, tâm hồn mỗi tác giả đều có sự tương đồng, nên nhà phê bình có thể “lấy hồn ta để hiểu hồn người” (Hoài Thanh). Ở Việt Nam, tuy trường phái lịch sử – tinh thần trước đây chưa được biết đến, nhưng tư tưởng của nó thông qua phê bình ấn tượng ít nhiều đã đến với người đọc của đất nước này.
Đỗ Lai Thúy
*
Thi pháp học do Aristote lập ra tồn tại trong suốt các thế kỷ của đời sống ý thức của nghệ thuật thơ ca và trở thành công cụ cho các nhà thơ trong sáng tạo của họ và là thước đo nghiệt ngã của các nhà phê bình cho đến nửa sau của thế kỷ 18, thời của Boileau, Lessing. Tác phẩm này cũng còn là sách giáo khoa có hiệu quả nhất của ngữ văn học trong việc diễn giải, phê bình và đánh giá thơ ca Hy Lạp. Cùng với ngữ pháp học, tu từ học và lô gích học, thi pháp học là một bộ phận tạo nên học vấn cao cấp. Sau công trình này của Aristote, một mỹ học mới được sinh ra bởi tinh thần Đức trong cái kỷ nguyên thơ ca Đức vĩ đại đã chỉ đạo sáng tác của Goethe, Schiller, làm sâu sắc thêm khả năng hiểu biết của Humboldt, Schlegel và làm nền tảng cho suy luận phê phán của họ. Dưới ánh sáng của hai ngọn nến Goethe và Schiller này, mỹ học Đức đã thống trị toàn bộ nền thơ ca Đức với sự hỗ trợ của những người phục vụ cho nghệ thuật của cái đẹp đã bị nó chinh phục là Humboldt, Schlegel, Schelling và cuối cùng là Hegel. Nó chỉ đạo lại ngành ngữ văn học. Nó cũng làm phong phú thêm sự đánh giá phê bình trước hết dựa vào tiêu chuẩn của lý trí và các quy định ngữ pháp, niêm luật học và kỹ thuật tu từ và dần dà thay thế nó bằng phê bình mỹ học xuất phát từ sự phân tích hình thức.
Tại Pháp và Anh, mỹ học Đức cũng đã đẩy nhanh sự sụp đổ của các hình thức cũ và ảnh hưởng đến những sáng tạo đầu tiên của một thời đại thơ ca mới còn chưa đủ tự tin.
Ngày nay, không gian văn học ở tất cả các nước đang ngự trị sự hỗn độn, bởi thi pháp học mà Aristote lập ra đã chết. Những hình thức và quy định của nó đứng trước các tác phẩm tuyệt vời của Sterne, Rousseau trở thành những cái bóng mờ nhạt của một cái gì đó không có trong thực tế, trở thành những công thức khuôn sáo được sao lại từ các mô hình nghệ thuật cổ. Và bây giờ, mỹ học Đức, đến lượt mình, lại rơi vào tình trạng mà thi pháp học Aristote đã trải qua. Tuy nhiên, mỹ học Đức vẫn còn thoi thóp ở đâu đó tại một số khoa của trường đại học, nhưng trong ý thức của các nghệ sĩ, các nhà phê bình đầu đàn mà chỉ ở nơi đó nó mới có thể sống được thì nó đã không còn chỗ nữa. Một khi ở nghệ thuật tạo hình Pháp, David mất đi ý nghĩa của mình còn Pelaros và Gale bước lên hàng đầu, một khi ở nghệ thuật tạo hình Đức, các bức tranh của Kornelius lùi vào bóng tối của bảo tàng nhường chỗ cho những con người hiện thực, thì cũng là lúc bộ luật về cái đẹp lý tưởng của bộ môn nghệ thuật này, do Goethe và những người thuộc trường phái Weimar tạo ra, trở nên mất giá trị. Sau Cách mạng Tư sản Pháp, con mắt của nhà thơ và công chúng hướng nhiều hơn đến một thực tế tưởng như khó mà có thật của London, Paris, nơi đang tràn đầy hơi thở của một loại thơ ca mới. Khi ở đó Dickens và Balzac bắt đầu sáng tạo các sử thi của cuộc sống thì cũng là lúc cáo chung của các nguyên tắc thi ca đã được bàn luận một lúc nào đó bởi Schiller, Goethe, Humboldt trong trường phái thơ điền viên Weimar. Chúng ta bị bao bọc ngày càng chặt bởi vô vàn các hình thức nghệ thuật của các dân tộc, các thời đại hết sức khác nhau. Chúng đồng thời cũng đang gây ra sự tan vỡ của mọi ranh giới giữa các thể loại thơ ca và mọi khuôn mẫu. Đặc biệt là Đông Âu đang nhấn chìm chúng ta trong dòng chảy thơ ca, âm nhạc, hội họa tự phát, vô hình thức. Tuy trong đó còn có nhiều tính man rợ, song nhiều hơn vẫn là cái nghị lực không vơi cạn của các dân tộc trẻ, mà những cố gắng tinh thần của họ được thể hiện trong những tiểu thuyết và những bức tranh hoành tráng. Giữa mớ hỗn độn này, người nghệ sĩ bị tước mất các quy tắc, còn ở nhà phê bình thì thước đo duy nhất còn lại là trực giác. Công chúng tự ngự trị. Những đám đông quần chúng chen chúc trong các phòng trưng bày thênh thang, các rạp hát to nhỏ, trong các thư viện đang tạo dựng và hạ bệ nhanh chóng danh tiếng của người nghệ sĩ. Một sự hỗn mang như vậy của các thị hiếu là nhân danh thời đại, khi mà cách tiếp nhận thực tế theo lối mới phá vỡ các hình thức và quy định hiện tồn, tạo một nền móng cho sự xuất hiện của những hình thức nghệ thuật mới. Nhưng không thể để cho sự hỗn độn này cắm rễ sâu; và một trong những nhiệm vụ sống còn của triết học, lịch sử nghệ thuật và văn học là phải khôi phục mối tương quan lành mạnh giữa tư tưởng thẩm mỹ và nghệ thuật.
Nhiệm vụ của thi pháp học mới xuất phát từ mới quan hệ sinh động của nó với thực tiễn nghệ thuật có thể được biểu hiện qua những câu hỏi hướng vào nó: liệu nó có thể tìm ra những quy luật chung có ý nghĩa trở thành những quy định sáng tạo hay là các tiêu chuẩn phê bình hay không? Thi pháp của một thời đại hay một dân tộc có liên quan gì đến các quy định chung này? Cần phải giải quyết như thế nào vấn đề tách biệt những giá trị chung đang đeo đuổi mọi khoa học về tinh thần khỏi kinh nghiệm của suy tư nội tâm luôn hạn chế trong cái cá nhân, không xác định và đa nghĩa, đồng thời cũng không biểu lộ ra được hết. Nhiệm vụ trước đây của thi pháp học lại một lần nữa đặt ra trước chúng ta, và hiện tại còn chưa rõ là có giải quyết được không nếu chỉ dựa vào các phương tiện phụ trợ mà chúng ta có được nhờ việc mở rộng chân trời khoa học. Những nhận thức kinh nghiệm chủ nghĩa và công cụ phương pháp luận của khoa học hiện đại dù sao và chắc chắn vẫn cho phép vượt lên các nguyên tắc thẩm mỹ riêng rẽ mà vẫn thuộc khoa học thẩm mỹ chung.
Và ở một phương diện khác, thi pháp học đã trở thành một nhu cầu của hiện tại. Một khối lượng khổng lồ các tác phẩm thơ ca của tất cả các dân tộc cần phải được sắp xếp, đánh giá nhằm mục đích đem lại khoái cảm sống và phải được sử dụng để nghiên cứu con người và lịch sử người. Nhiệm vụ này chỉ giải quyết được nếu cùng với lịch sử văn học nghệ thuật bước lên diễn đàn một khoa học chung về các cơ sở và quy luật cấu trúc thơ ca. Cả hai khoa học này có cùng một chất liệu và không có một sai lệch phương pháp luận nào mang lại tác hại hơn là việc từ bỏ bao quát một cách rộng rãi các sự thực lịch sử, trong đó có cả các yếu tố tiểu sử, khi xây dựng một khoa học chung về bản chất người và công việc sáng tạo mà chúng ta chỉ nghiên cứu được trên cái nền xã hội người. Ở đây vẫn là mối tương quan giữa một khoa học tổng hợp và việc phân tích các hiện tượng lịch sử giữa tất cả những biểu hiện quan trọng khác của đời sống xã hội. Điểm xuất phát của một lý thuyết như vậy phải là sự phân tích khả năng sáng tạo quy định nhà thơ. Trí tưởng tượng của nhà thơ trong mối quan hệ với thế giới kinh nghiệm là điểm xuất phát cần thiết đối với bất kỳ một luận thuyết nào thực sự mong muốn giải thích được thế giới thơ ca đầy màu sắc trong trình tự biểu hiện của nó. Thi pháp học hiểu theo nghĩa này là phương pháp tiếp cận thực sự đến lịch sử văn học nghệ thuật, như là một phương pháp luận của khoa học về tinh thần, chính là đường vào lịch sử của các vận động tinh thần. Nghệ sĩ và công chúng đang cần có một tiêu chuẩn chắc chắn nhất để phân định giá trị các tác phẩm thơ. Chúng ta đã bước vào thời đại duy sử. Toàn bộ quá khứ lịch sử đang quây chúng ta lại trong lĩnh vực thơ ca. Nhà thơ cần xác định vị trí của mình trong lịch sử và chỉ có thi pháp học với thế giới quan lịch sử mới có thể đưa lại cứu cánh cho nhà thơ. Ngôn ngữ học, bộ môn đầu tiên xem xét sự tương tác giữa các tác phẩm thơ ca của một dân tộc trong mối liên hệ với đời sống tinh thần của dân tộc ấy, cũng không tách khỏi kỹ thuật thơ ca mang tính lịch sử cụ thể, còn vấn đề quan hệ của cuộc sống tinh thần dân tộc với các quy luật thơ ca chung chắc chắn sẽ đưa nhà ngôn ngữ học đến với các cơ sở ban đầu của thi pháp học.
Như vậy, chúng ta đã đi tới vấn đề căn bản nhất và chỉ trong phương diện lịch sử của nó. Liệu chúng ta có đủ sức hiểu được bằng cách nào đó những quy luật được cắm rễ sâu trong bản chất người, và chính vì vậy đang tác động ở khắp nơi, làm nảy sinh ra các kiểu thơ ca khác nhau và thay đổi từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác. Ở đây, chúng ta động chạm đến thực chất của một khoa học về tinh thần: tính lịch sử của cuộc sống tinh thần được biểu hiện trong các hệ thống cụ thể của nền văn hóa do nhân loại tạo ra. Tính đồng nhất bản thể người của chúng ta thể hiện qua những văn hóa tương đồng gắn liền với tính bất biến, tính lịch sử của nó như thế nào?
Có thể, trên bình diện nghiên cứu yếu tố căn cốt này của các khoa học về tinh thần, về tính lịch sử của bản chất tự do của con người, thi pháp học đã có trước một ưu thế lớn so với các lý luận về tôn giáo và đạo đức. Không ở một lĩnh vực nào, phải chăng là trừ triết học, các kết quả của quá trình sáng tạo được lưu giữ đầy đủ như vậy. Trình tự của chúng được mở ra trước ta trong văn học, nghệ thuật. Những động lực của nó hình như vẫn đang còn giữ được nhịp đập sống động chung. Hơn nữa, các quá trình thơ ca vẫn còn đang khai triển ngày nay cũng giống như ở bất kỳ một kỷ nguyên nào trước kia. Nhà thơ sống ngay trước mắt ta và chúng ta được chứng kiến sáng tạo của anh ta. Tóm lại, sáng tạo hình tượng thơ ca, cấu trúc tâm lý của nó có thể dễ dàng nghiên cứu được. Hy vọng rằng thi pháp học sẽ cho phép soi sáng các quá trình tâm lý trong lịch sử với một sự chính xác đặc biệt. Trên cơ sở lịch sử văn học, việc tìm hiểu lịch sử mang tính triết học của chúng ta được phát triển. Có thể, thi pháp học cũng sẽ có ý nghĩa lớn như thế đối với việc nghiên cứu các biểu hiện lịch sử của cuộc sống.
Ngày nay, thi pháp học không đi quá sự nhận thức các mối quan hệ qua lại có tính nhân quả kinh nghiệm chủ nghĩa, và việc đầu tiên là nó cố gắng học ở các bộ môn gần gũi với nó những gì liên quan đến phương pháp và các phương tiện phụ trợ.
Môn gần gũi nhất với thi pháp học là tu từ học đáng tiếc vẫn ở trong tình trạng đã đạt được từ thời cổ đại. Tu từ học đến nay vẫn là học thuyết đơn giản về các hình thức và các thủ pháp kỹ thuật. Thậm chí nó cũng chẳng dấn thêm một bước để tiếp cận đến nhận thức các mối liên hệ nhân quả. Nhưng dù sao thì cách hiểu cổ lỗ, hạn hẹp của nó cũng như trong nghĩa rộng của lý thuyết nhằm mục đích chứng minh và thuyết phục, tu từ học vẫn có lợi cho ngữ văn học và thực tiễn cuộc sống. Thực ra, ngoài ngữ pháp học và âm luật học thì các phương tiện mà một nhà ngữ văn học có tư duy lô gích và cảm xúc thẩm mỹ tinh tế có thể huy động được hầu như đã được tận dụng hết. Và cũng vậy, chỉ bằng phương pháp so sánh và giải thích tâm lý mới có thể xác định được trong phạm vi nào và trong mối tương quan nào các yếu tố phong cách có thể biến hóa ở một tác giả. Và như thế đã có thể xuất hiện cơ sở hệ thống để nghiên cứu các vấn đề nhất định của nền phê bình báo chí cũng như bác học. Gần gũi về loại hình với thi pháp học là từ chương học. Song cũng như thi pháp học, sau khi nó được F. Schleiermacher nâng lên tầm của sự chiêm quan hình thức thẩm mỹ cho tới lúc này nó cũng chẳng nhích lên được chút nào.
Ngữ pháp học và âm vận học là cơ sở của thi pháp học và trở thành các hình mẫu cho thi pháp học trong việc xác lập phương pháp so sánh mà nó có thể, trước hết vạch ra cho các mối phụ thuộc nhân quả riêng rẽ một hình tượng, còn sau đó tiếp cận dần dần đến sự nhận thức tổng quát các mối liên hệ.
Tuy nhiên, không nên bỏ qua sự khác biệt không thể tránh khỏi hiện nay giữa các phương pháp ngữ pháp học và các phương pháp thi pháp học. Nhà ngữ pháp học nghiên cứu những thay đổi hết sức sơ đẳng trong khuôn khổ của ngữ âm học và anh ta có khả năng đưa ra một loạt những thay đổi ở các ngôn ngữ khác nhau và so sánh hàng loạt những thay đổi như vậy. Anh ta có thể dựa vào sự giống nhau về gia hệ giữa các ngôn ngữ. Anh ta có thể vạch ra những tiền đề sinh lý học của sự đồng nhất của các thay đổi âm vị học sơ đẳng này. Thi pháp học không thể sử dụng bất kỳ sự phân chia gia hệ nào của các trường phái thơ ca. Nó cũng không thể biến một kiểu thơ ca hay một motive thơ ca nào đó vào thành những quy tắc chặt chẽ. Sinh lý học của quá trình sáng tạo thơ ca không đạt được việc sử dụng như vậy cho việc giải thích sơ đẳng thi pháp, cũng như trong ngữ âm học, sinh lý học của tiếng nói không được sử dụng.
Tất nhiên, trò chơi ngữ âm, ngữ điệu, tiết tấu thấm nhuần toàn bộ thơ cho đến thơ văn xuôi, nhưng phương diện này của thơ ca ít có lợi hơn cho việc giải thích các cơ sở của thi pháp học so với việc sử dụng ngữ âm học để giải thích các cơ sở của ngữ pháp. Những cố gắng vạch ra các dấu hiệu sinh lý học kèm theo các quá trình sáng tạo thơ ca chẳng hạn như các học thuyết về ảo giác mà người Pháp đã sử dụng hiện chưa cho thấy kết quả. Tóm lại, trong thi pháp học chưa chắc chúng ta đạt được những kết quả khả quan như trong ngữ pháp học nếu trong thi pháp học chúng ta chỉ dừng lại ở sự quan sát mang tính kinh nghiệm bề ngoài, ở sự soi sáng có tính qua lại các bình diện song song của các mối liên hệ nhân quả, ở việc khái quát hóa bằng phương pháp so sánh và ở lập luận sinh lý học. Đương nhiên, chúng ta phải hướng đến sử dụng tối đa những phương tiện phụ trợ như vậy. Nhưng, những nguyên nhân dưới đây buộc chúng ta phải vượt ra ngoài các ranh giới của các thủ pháp của ngôn ngữ học:
Nhà ngữ pháp học coi ngôn ngữ như một hệ thống có sẵn mà trong đó những thay đổi diễn ra chậm chạp đến mức khó mà chỉ ra được chúng bằng phương pháp quan sát trực tiếp. Trong quá trình sáng tạo ngôn ngữ có tác động của những động lực sáng tạo được thấy cả trong cuộc sống tinh thần nói chung, song sự hiện hữu của chúng trong những từ được nói ra không thể cảm nhận trực tiếp. Nó thấy được nhờ các suy lý. Ở đây chúng ta có quyền nói về sự tương đồng giữa phương pháp ngôn ngữ học và phương pháp khoa học tự nhiên. Mặt khác, quá trình xuất hiện sinh động của thơ ca từ giai đoạn manh nha cho tới khi trở thành một hình tượng trọn vẹn có thể thấy qua ví dụ về một nhà thơ đương thời nào đó. Và mỗi một người có khả năng cảm thụ thơ ca đều có thể cảm nhận thấy điều gì đó tương tự như vậy. Thêm vào đấy là sự thừa nhận của chính các nhà thơ về quá trình sáng tạo được hình thành trong bản thân họ, những tượng đài văn học cho phép chúng ta dựng lại một lịch sử sinh động mà trong tiến trình đó những tác phẩm thơ ca xuất sắc được sinh ra. Hơn nữa, con đẻ của quá trình sáng tạo thơ ca vẫn được giữ lại trong cái biển văn học khổng lồ và ngang hàng với các tác phẩm văn xuôi, chúng có những nét đặc trưng khiến có thể nghiên cứu được những mối quan hệ nhân quả đa dạng của chúng. Trong các tác phẩm thơ ca dường như thấy rõ được nhịp thở của sức mạnh sáng tạo ra chúng. Diện mạo của chúng là cánh cửa rộng mở cho việc tìm hiểu những quy luật sáng tạo ra chúng. Chừng nào chúng ta có thể quan sát trực tiếp sáng tạo thơ ca cùng với việc cảm thụ thẩm mỹ cùng với nó đồng thời lại có các bằng chứng về những quá trình này, chừng nào sự cảm thụ thẩm mỹ đạt tới bằng cách này được ứng dụng vào lịch sử bên ngoài của việc sáng tạo các tác phẩm thơ ca, và cuối cùng chừng nào diện mạo đã được đẽo gọt xong có thể phân tích được và làm phong phú, củng cố thêm sự am hiểu của chúng ta về nguồn gốc của nó, thì chừng đó một viễn cảnh khá sáng sủa trong lĩnh vực này được mở ra trước chúng ta. Ở đây có thể đạt được sự giải thích mang tính nhân quả các hiện tượng dựa trên các quá trình sáng tạo thơ ca. Rõ ràng ở đây thi pháp học có mọi tiền đề cần thiết để đi đến việc giải thích một chỉnh thể tinh thần – lịch sử nhất định.
Việc thu thập và chỉnh lý bằng các phương pháp phân tích văn học hay phương pháp tiểu sử những đặc điểm vốn có ở tất cả các nhà thơ là nhiệm vụ đầu tiên và đơn giản nhất. Chúng thể hiện ra trên nền của cái vốn cố hữu cho các nhà thơ ở mức ngang bằng với các nhà triết học, bác học hay các chính khách. Nói về điều này là thừa, nếu như các khuynh hướng cổ điển và lãng mạn không nhắm mắt trước sự phụ thuộc này của các nhà thơ vào thế giới thực tại và đã không đưa họ lên những đám mây của các mẫu lý tưởng hay đến các miếng đất của các ảo tưởng về cuộc sống.
Đối tượng của thơ theo Aristote là những công việc của con người. Dù công thức này quá hạn hẹp, nhưng chúng ta vẫn có quyền nói rằng yếu tố cuộc sống tâm hồn hay tổ hợp của các yếu tố như vậy có thể trở thành bộ phận cấu thành của thơ ca chỉ ở mức độ tương quan với xúc động và việc tái tạo xúc động đó. Lớp đệm lót của bất kỳ một thứ thơ ca chân chính nào là xúc động, các kinh nghiệm sống động, các diễn biến của tâm hồn đều gắn liền với kinh nghiệm này. Mọi hình tượng của thế giới bên ngoài được gắn kết bằng một mối liên hệ như vậy đều có thể trở thành chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật. Hoạt động bất kỳ nào của lý trí làm phong phú, hoàn chỉnh kinh nghiệm của chúng ta và qua đó có ích hơn cho chúng ta đều phục vụ cho sáng tạo của nhà thơ. Lĩnh vực này của kinh nghiệm – môi trường hoạt động của nhà thơ – không khác với lĩnh vực vốn là đất sống của các nhà triết học hay chính trị gia. Nếu từ các thực tiễn văn học chúng ta muốn rút ra câu trả lời cho câu hỏi sáng tạo thơ ca được sinh ra từ mảnh đất mẹ này như thế nào, thì trước hết cần phải xác định xem công việc đặc thù, hay như vẫn nói, chức năng của nhà thơ là ở chỗ nào, sau đó chúng ta mới có thể quan sát và mô tả những dấu hiệu riêng rẽ của một số quá trình của công việc sáng tạo thơ ca.
Thực chất và chức năng của nghệ thuật không nên đưa ra từ cách hiểu cao hơn cách hiểu ngày nay của chúng ta về lý tưởng như là mỹ học lý tưởng đã làm. Đa số các lý thuyết về thế giới tinh thần được đề ra trong kỷ nguyên của triết học tư biện Đức đều có thiết sót như nhau. Những gì được hình thành trong những điều kiện đặc biệt thuận lợi không nên coi là nguyên nhân sinh động của toàn bộ chuỗi các hiện tượng trong đó cuộc sống nghệ thuật được triển khai. Nghệ thuật có ở khắp mọi nơi; dù đó là các âm thanh hay là một vật liệu mang tính vật chất hơn thì vẫn là một cái gì đó không phục vụ trực tiếp cho nhận thức thực tại và không đòi hỏi phải được thực hiện vào cuộc sống, nhưng tự bản thân nó đáp ứng được hứng thú của người quan sát. Từ các tấm da hươu hay cá voi mà người Eskimô dùng làm bao súng, từ những chiếc mặt nạ của những người châu Phi hay các sáng tạo của Goethe, Raphael đều là cả một không gian của sự sáng tạo muôn hình muôn vẻ đang được hoàn thiện dần. Nét chung của nó là chính bản thân quá trình tái tạo như nó có và việc chiêm nghiệm những kết quả của nó đưa lại khoái cảm trực tiếp. Đặc điểm này khả năng đem lại niềm vui cho các khán giả hay thính giả đều có thể thấy ở bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào. Nhưng cũng nên biết kiềm chế ý muốn cho rằng trong cái đặc điểm đơn này là tất cả thực chất của nghệ thuật. Đây là mối nguy hiểm mà Aristote cũng không tránh khỏi. Cũng phải kiềm chế ý muốn liệt kê ngay lập tức ở đây tất cả những gì làm cho nghệ thuật phong phú hơn.
Nhà thơ thể hiện các hình tượng của mình trong các tập hợp từ. Có thể nghĩ rằng cùng thời gian thực chất của phương tiện biểu đạt này là ngôn ngữ đã thúc đẩy việc chuyển các đối tượng mô tả cho các loại hình nghệ thuật vốn dễ dàng tái tạo chúng hơn là ngôn ngữ. Còn dành lại cho ngôn ngữ là những đối tượng phù hợp hơn với nó là tiếng nói. Nếu thế thì có thể tuyên bố rằng việc mô tả trực tiếp thiên nhiên hay các cơ thể lý tưởng không phải là công việc của thơ ca vì không có đủ các phương tiện để làm việc đó, trong khi ở bức tranh hay pho tượng những hình tượng nhìn được sờ nắm được này có khả năng làm rung động tâm hồn hay làm “thích mắt” hơn. Đương nhiên sự cạnh tranh giữa các nghệ thuật khác nhau thúc đẩy một sự phân chia như vậy. Nhưng cái tách biệt thơ ca khỏi các loại hình nghệ thuật khác và xác định chức năng đặc biệt của nó trong lòng một xã hội không phải là phương tiện ngôn từ, mà là một nội dung nào đó, tạo nên hạt nhân của nó.
Phương pháp so sánh, như vẫn nói, có thể đưa ra những tế bào, những hình thức sống đầu tiên và đơn giản nhất của thơ ca. Hãy tạm để vấn đề này sang một bên. Ở đây tôi chỉ cố gắng xác định cái nội dung căn bản, cái hạt nhân của thơ ca có ở mọi hình thức của nó bắt đầu từ những hình thức đơn giản nhất. Sáng tạo của nhà thơ ở mọi nơi, mọi lúc được đặt cơ sở trên năng lượng của cảm xúc. Cơ cấu tâm hồn của nó vốn rất nhạy bén đáp lại tiếng nói của cuộc sống. Tâm hồn của chúng ta luôn luôn khao khát một sự trọn vẹn và khoảng không thoáng đãng cho tâm hồn của mình thông qua sự khuếch đại cái tôi thầm kín. Tình cảm sống muốn được rót thành âm thanh, ngôn từ, hình tượng. Sự chiêm vọng chỉ thỏa mãn được chúng ta hoàn toàn khi nó tràn đầy mọi nội dung cuộc sống như vậy. Sự đan quyện này, cuộc sống nguyên thủy hoàn chỉnh, trọn vẹn của chúng ta, cái nhìn tràn đầy tình cảm, sự tỏa sáng của cảm xúc trở thành những hình tượng lấp lánh – đó là đặc trưng nội dung căn bản của bất kỳ thứ thơ ca nào. Một cảm xúc như vậy hoàn toàn trở thành sở hữu của chúng ta chỉ khi nó có mối quan hệ nội tại với các cảm xúc khác và qua đó mà có được ý nghĩa, không khi nào nên đơn giản hóa nó, quy về tư tưởng hay ý tưởng. Nhưng bằng con đường suy nghiệm, khái quát hóa, xác lập các mối liên hệ đặt nó vào cái nền tổng thể của tồn tại người và bằng cách đó hiểu được bản chất của nó, tức là ý nghĩa của nó. Từ cảm xúc theo như cách hiểu trên xuất hiện toàn bộ thơ ca. Cảm xúc bao gồm các yếu tố, các hình thức kết hợp của chúng. Mọi quan sát cuộc sống của nhà thơ đều được điều khiển bởi một tâm trạng sinh động làm phong phú và định hình sự quan sát này. Nhà thơ tồn tại và hưởng thụ thú vui tồn tại nhờ sức mạnh tình cảm của mình, nhờ các dao động mạnh mẽ của niềm vui cũng như nỗi khổ, sự rõ ràng và thuần khiết trong việc cảm nhận tình huống, hình tượng của sự tồn tại. Chức năng của thơ ca là ở chỗ nó thức tỉnh, nhân lên trong ta cái sức sống này. Thơ ca luôn luôn sưởi ấm ta bằng cái năng lượng này của tình yêu cuộc sống trong những phút giây kỳ diệu, cho ta đến gần với cái nhìn thấu suốt, cho phép ta hưởng niềm vui sống. Trong tồn tại đời thường, chúng ta luôn vội vã chuyển từ ước muốn sang hưởng thụ, và hạnh phúc trọn vẹn đến với ta cũng hiếm hoi như các ngày lễ hội. Nhưng nhà thơ xuất hiện mang lại cho ta một sức mạnh tươi mát và thỏa mãn chúng ta bằng những hình tượng mà không vương nét bi lụy; nó dạy chúng ta cảm nhận, tận hưởng một thế giới toàn vẹn trong toàn bộ sự lành mạnh, đầy sinh lực của con người.
1887
Đỗ Lai Thúy dịch từ bản tiếng Nga
NguồnSự đỏng đảnh của phương pháp. Nxb. Văn hóa Thông tin, Tạp chí Văn hóa – nghệ thuật, 2004. 
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved