Home » » Di tích ở sông Tô Lịch có thể là cửa Tây La Thành

Di tích ở sông Tô Lịch có thể là cửa Tây La Thành

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012 | 03:08


Di tích ở sông Tô Lịch có thể là cửa Tây La Thành
Các đồ gốm thời Trần - Lê.
Sau phát hiện hồi tháng 9/2001 về 8 bộ hài cốt và nhiều di vật khác tại khúc sông Tô Lịch, nơi đội 12 Công ty xây dựng VIC đang thi công, các nhà khảo cổ nhận định rằng, vị trí đào được có thể là cửa phía Tây của La Thành (thành Đại La). Nếu đúng, thì đây là một di tích rất quý, cần được giữ gìn, tôn tạo.
Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết, theo kinh nghiệm của ông, vị trí này nằm trong phạm vi cửa Tây La Thành, được xây dựng từ trước đời Lý - Trần - Lê (thế kỷ 9-14). Điều đó còn được khẳng định dựa trên hai bằng chứng sau: 1- vị trí nơi đây thuộc thôn Đoài Môn (Cửa Tây); 2 - hiện trường di tích chồng chất rất nhiều gạch cổ, đặc biệt là gạch vồ thời Lê. Như vậy, có thể thấy đây chính là chiếc Ủng Môn duy nhất còn sót lại của toàn bộ Đại La Thành.
Mặt khác, cũng theo giáo sư Vượng, trước đây, thường thì ở cổng Hoàng thành, ngoài lính canh, còn có thần trấn giữ 4 cửa và có yểm bùa, làm lễ hiến sinh người và các động vật khác như trâu, bò, lợn, chó mèo… Như vậy, các di vật được phát hiện trên sông Tô Lịch như bát đĩa, gốm sứ cổ, tiền đồng, xương răng động vật, di cốt người… có thể là một bằng chứng nữa chứng tỏ đây là cổng Tây La Thành.
PGS-TS Đỗ Văn Ninh (Viện Sử học) thì cho biết thêm, những phát hiện ở đoạn sông Tô Lịch gần cửa Đoài là do máy xúc lên chứ không phải bóc lớp di vật theo phương pháp khai quật khảo cổ học, nên không thể xác định được niên đại. Ngoài ra, ở mỗi cửa thành, người xưa thường hay trấn yểm bằng một ngôi mộ động vật, nhưng không có ngôi mộ nào trấn yểm bằng người. Vậy mà di tích này lại có lẫn xương người, do đó chắc không thể là mộ trấn yểm ma quỷ. Người dân xã Đoài Môn cũ (đã di chuyển đi nơi khác) ngày nay vẫn về khu vực này để di chuyển mồ mả. Như vậy, rất có khả năng đây là xương cốt của ngôi mộ vô thừa nhận nào đó lở xuống sông Tô Lịch.
Về hiện tượng thân nhân của các công nhân ở đội 12 gặp nhiều chuyện bất hạnh liên tiếp trong thời gian qua, khiến cả đội hoang mang, Tiến sĩ Ninh nhận định: “Là người làm khảo cổ, đã từng tham gia đào hàng trăm ngôi mộ các loại, các thời, nhưng tôi và đồng nghiệp chưa ai bị ốm đau vì lý do khai quật mộ táng cả. Cho nên những trường hợp ốm đau, kể cả bị chết của công nhân và người nhà của họ ở công trường này, không nên tìm nguyên nhân ở những hài cốt tìm thấy dưới sông Tô Lịch”. Về vấn đề này, quan điểm của Giáo sư Vượng là nên có những tìm hiểu, suy nghĩ thêm và đưa ra lời giải thích hợp lý.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các công nhân xây dựng, cho đến nay, họ vẫn không nhận được một sự hồi âm hay quan tâm nào từ phía các cơ quan chuyên môn, chính quyền thành phố. Vì thế, theo kiến nghị của đội thi công 12, chính quyền và các cơ quan chuyên môn nên tổ chức một cuộc khai quật mở rộng, đánh giá khoa học và cụ thể về di chỉ này. Giáo sư Nguyễn Quốc Vượng còn đề nghị tiến hành khai quật cả ở khu vực 42 Trần Phú và trong Hoàng thành (ngay sát Trường Lang phía Tây của Hoàng Thành và thành Hà Nội cũ), là những nơi cũng tìm thấy các di vật tương tự.
(Theo Văn Hóa, Tiền Phong)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved