Home » » Sự thật về thánh vật sông tô lịch

Sự thật về thánh vật sông tô lịch

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012 | 03:07


Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền, người bạn gần gũi của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, khẳng định giáo sư chết vì ung thư thực quản. Theo ông Biền, là nhà khảo cổ học, nếu chỉ dính vào đồ vật cổ mà bị "Thánh vật" thì giáo sư Vượng phải chết từ rất lâu.

- Dưới góc độ văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng sông Tô Lịch?
- Tôi là người nghiên cứu về văn hóa truyền thống, trong đó chú ý rất nhiều về văn hóa tâm linh. Hiện tượng sông Tô Lịch hội tụ rất nhiều sự kiện không may vào một chỗ khiến người ta nghi ngờ, nhiều khi là không hay. Hiện nay người dân đang gặp nhiều mắc mớ giữa cuộc sống đời thường và cuộc sống tâm linh. Đưa những sự kiện chưa có cơ sở rõ rệt hay nhận thức đúng đắn thì hoàn toàn không tốt. Điều thứ hai là đưa ra ào ạt những sự kiện như thế khiến người ta ngờ vực động cơ của người viết.
Anh Cường nói rằng thi công công trình ở sông Tô Lịch khiến anh em gặp tai họa thì tôi không tin. Không có thần linh nào, ma quỷ nào ác độc như vậy. Nếu có thì phải ác độc với chính người đào, chứ không phải những người vô tội, chẳng dính dáng gì đến công trình này. Vậy thì có thể tạm coi như đây là sự ngẫu nhiên, nhưng đưa ra một hiện tượng này để gắn kết với hiện tượng khác có khi đó là một hình thức biện minh cho sai trái, tiêu cực.
Mặt khác, khúc sông ấy là nơi hội tụ, nhiều thứ trong đó có cả đồ thờ cúng từ nhiều nơi dồn về. Nơi đó thường chứa nhiều khí độc. Ngay như cái giếng lâu không dùng đến, người xuống vẫn chết vì khí mêtan. Nhiều người không biết, cứ đồn thổi rằng chết dưới giếng do ma làm, do người từ bên kia thế giới quật đổ.
- Theo lời của anh Cường, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã chết sau khi cầm những cổ vật được lấy từ sông Tô Lịch, hòa thượng Thích Viên Thành chết sau khi đến lập đàn tế lễ. Ông có thể nói gì về chi tiết này?
Cô Nguyễn Thị Bảy, vợ GS Trần Quốc Vượng kể lại, hôm đó là vào ngày lễ ông Công, ông Táo Tết Ất Dậu, giáo sư không ăn uống nuốt rất khó khăn. Sau một cuộc hành trình đằng đẵng qua nhiều bệnh viện, kết quả xác định căn bệnh ung thư di truyền quái ác đã làm choáng váng cả gia đình. Hai người con gái của giáo sư Vượng với vợ đầu đều phải sống chung với căn bệnh này.
Cô Bảy xác định, bệnh ung thư xuất hiện vào khoảng cuối tháng 2/2005. Đến tháng 4 thì giáo sư đã không thể ăn uống được nữa mà phải đặt ống thực quản. Cuối tháng 6, giáo sư nhập viện. Lần nhập viện này chỉ kéo dài 1 tháng 19 ngày thì giáo sư mất. GS Vượng không hề mất ngột mà qua đời sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, có tính chất di truyền.
(Theo Gia đình Xã hội)
- Tôi không rõ về ông Thích Viên Thành, còn riêng Trần Quốc Vượng với tôi coi như anh em. Chúng tôi rất thân nhau đến nỗi nhiều người nghĩ tôi là em ông Vượng. Ông Vượng ủ bệnh ung thư từ lâu. Một lần, đi công tác với tôi ở Ứng Hòa, Hà Tây, cơ quan bảo tồn di tích mời ông tư vấn về lịch sử, còn tôi tư vấn về văn hóa. Mọi khi ông ấy luôn đi trước tôi, tay cầm lon bia. Nhưng hôm đó ông đi sau tôi, dáng vẻ mệt mỏi. Tôi biết ngay là có chuyện.
Sức khỏe của ông sau đó suy sụp vì nhiều nguyên nhân, như ông không bảo vệ sức khỏe, ăn ít, uống nhiều, hút thuốc lá nhiều. Ông bị ung thư thực quản, phải nằm nhiều tháng trong bệnh viện và điều trị tại nhà. Tôi biết ông ấy chết vì bệnh ung thư, chứ chẳng liên quan gì đến cổ vật.
Ông Vượng là nhà khảo cổ học, nếu chỉ dính vào mấy đồ vật cổ mà chết thì ông chết không biết bao nhiêu lần rồi. Ông Vượng đã đến mồ mả từ thời cổ đại đến bây giờ để xem hiện vật. Thậm chí ông cầm cả đầu lâu, xương của người ta để đo đạc, nghiên cứu. Thái độ, công việc của ông Vượng làm là vì phúc đức. Cho nên nói rằng ông ấy cầm hiện vật như thế mà gây tai họa cho ông là sự phỉ báng cố giáo sư Trần Quốc Vượng.
- Giải thích cho sự không may mắn khi thi công công trình, tác giả bài báo dẫn lời một số nhà nghiên cứu rằng tại vị trí sông Tô Lịch có hiện tượng trấn yểm. Là người nghiên cứu sâu về văn hóa tâm linh, xin ông giải thích rõ thế nào là trấn yểm?
- Tôi đọc nhiều chuyện của Trung Hoa, hiện tượng trấn yểm nhiều khi là dùng chính người sống, đặc biệt là người con gái đồng trinh, chôn sống để linh hồn họ trở nên linh thiêng, nhằm coi sóc, trấn giữ một không gian đất đai, kho tàng, của cải nào đó cho chủ nhân. Nhưng đấy là của người Trung Hoa, đã có sự phân hóa xã hội cao từ trên 2000 năm về trước, từ thời Thương Chu với kinh tế tư nhân phát triển, có thể nảy sinh hiện tượng trấn yểm.
Còn người Việt Nam, kinh tế tư nhân quá chậm phát triển, kinh tế làng xã cho đến tận gần đây vẫn tồn tại. Điều này thể hiện rõ ở nhà thờ họ, hay lăng mộ quận công. Những lăng mộ quận công, người giàu có nhất vùng, hay nhà thờ họ mà chúng tôi biết thì chưa tìm thấy dấu vết nào của sự trấn yểm bởi chính con người.
Vậy thì việc trấn yểm rộng rãi như người ta từng gán ghép cho nó là một dấu hỏi rất lớn, chưa đủ sức để lôi kéo các nhà nghiên cứu vào cuộc. Trấn yểm phải có nguyên tắc của nó, anh lôi các hiện vật lên rồi khiến nhà khoa học không nhìn thấy gì cả, rồi bảo là trấn yểm thì làm sao tin được. Về nguyên tắc, khi động tới thì phải còn nguyên hiện trạng, phải có sự nghiên cứu, đo vẽ, suy ngẫm thật cẩn thận.
- Ở Việt Nam đã bao giờ tìm thấy hiện tượng trấn yểm?
- Hiện nay người ta chưa xác nhận một cách cụ thể mà chỉ nói là có trấn yểm. Nhưng trấn yểm ở đâu, như thế nào thì chưa thấy. Trấn yểm có nhiều mục đích, ngoài việc để trấn giữ bảo vệ, với Cao Biền, người đứng đầu chính quyền đô hộ thời Bắc thuộc, là ngăn cản sự phát triển của thần linh phương Nam.
Nhưng cái đó thuộc về một giai đoạn của lịch sử. Trấn yểm tôi tin là có thật, nhưng có thật thế nào thì sách sử không nói cụ thể, chỉ nói đến một vài hiện tượng mà thôi. Hiện tượng trấn yểm ở sông Tô Lịch cho đến giờ này, phút này chúng tôi chưa có một bằng chứng nào cụ thể. Đó chỉ là sự phỏng đoán của tác giả bài viết.
- Để dập tắt những dư luận đồn thổi, ông nghĩ gì trước ý kiến tổ chức hội thảo khoa học để đi đến kết luận cuối cùng về hiện tượng sông Tô Lịch?
- Hiện tượng này không thể có một câu trả lời dứt khoát, chỉ có thể nói rằng khoa học chưa đạt đến mức độ có thể tiếp cận được với thế giới bên kia, ngoài những người tự nhận rằng có khả năng ngoại cảm. Nếu nói nghiêm chỉnh có hay không một thế giới phản vật chất vẫn là câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học và chưa trả lời được. Nhận thức của người sống đối với thế giới bên kia hoặc kiếp đời đã qua chỉ dựa trên sự nghiệm chứng, những hiện tượng mà thôi. Hay nói đúng ra là người sống thì chưa chết, mà người chết thì chẳng thấy nói gì cả.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho biết, sông Tô Lịch gắn với thành Thăng Long và trước kia là gắn với thành Đại La. Ở đất này Cao Biền (Trung Quốc) đã đóng đô. Khi đã đóng đô, người Trung Hoa phát triển kinh tế tư nhân cao, nên có vị thành Hoàng bảo hộ thành thị. Thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ đã dựng lên thành Đại La, cần có vị thành Hoàng, để bảo vệ. Vị thành Hoàng đó hội tụ vào thần sông Tô Lịch. Cho nên thần sông Tô Lịch là thành Hoàng.
Sau này các đình cũng có thành Hoàng thì chữ thành Hoàng được hiểu là thành Hoàng làng. Thời Lý đã tôn sùng vị thần sông Tô Lịch. Trong sự phát triển của lịch sử, người Việt không xóa bỏ thần sông Tô Lịch, mà rất nhiều nơi đưa vào vị thần Việt Nam đó là thần Linh Lang. Hiện tượng thờ thần Linh Lang rất phát triển dọc sông Tô Lịch, Kim Ngưu, thậm chí cả sông Hồng.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved