Home » » Thánh vật sông tô lịch đâu là sự thật

Thánh vật sông tô lịch đâu là sự thật

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012 | 03:12



Thánh vật ở sông Tô Lịch: Đâu là sự thực? (kỳ tiếp)
 
>>> kỳ trước

* GS Trần Lâm Biền: 
Không hề tìm thấy hiện tượng trấn yểm nào trong lịch sử
Trước những thông tin, tình tiết được báo Bảo vệ Pháp luật Cuối tuần đề cập  trong loạt bài "Thánh vật ở sông Tô Lịch" khiến cho nhiều người bán tín, bán nghi, chúng tôi đã tìm đến GS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống - để mong có được lời giải thích thỏa đáng. Ông nói:
Nhận thức chung trên thế giới, trong đó có Việt Nam về thế giới bên kia chủ yếu dựa trên nghiệm chứng, “bất khả tư nghị” (không thể luận bàn được). Vì thế, người xưa không luận bàn về vấn đề này.
Bởi vậy, mọi lý luận về nó cho đến nay thường dựa vào ý chủ quan của cá nhân.
Đương nhiên, chúng ta vẫn tôn trọng những ý kiến nghiên cứu của những người quan tâm tới vấn đề với phương diện hay góc độ “giả thiết để làm việc”.
Vậy cái gọi là Thánh vật ở sông Tô Lịch có phải là một ngoại lệ, thưa ông?
Từ sự nhìn nhận bằng quan điểm đó chúng ta quan tâm tới hiện tượng như báo Bảo vệ pháp luật Cuối tuần đã đề cập trong thời gian gần đây thông qua những câu chuyện, những ý kiến được coi là của người trong cuộc, “ngoại cảm” cũng chỉ dừng lại ở mức độ là hiện tượng thôi.
Trong tất cả những hiện tượng đó hầu như đều chưa được kiểm nghiệm bởi những tổ chức chuyên môn và có trách nhiệm nên việc sớm “công bố” những tình tiết huyền bí đó nhiều khi mang tính mê hoặc xã hội và chứa đựng yếu tố tiêu cực cao hơn là bản chất khoa học của vấn đề. Nó không có một ngoại lệ nào cả.
Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng ở sông Tô Lịch?
Chúng ta cũng đã từng thấy có hiện tượng nhiều người xuống giếng đã bị chết. Nhưng, để lý giải được cái chết đó và tránh được những đồn thổi thiếu căn cứ thì các nhà khoa học tự nhiên đã vào cuộc đồng thời có sự giải thích rõ ràng.
Vậy, vấn đề hay còn gọi là hiện tượng ở sông Tô Lịch mà gần đây báo chí giật tít là Thánh vật ở sông Tô Lịch khi chưa có đầy đủ các cơ quan chức năng tham gia nghiên cứu, lý giải bằng cơ sở khoa học thì sự tuyên truyền một chiều như vừa qua cần phải được xem xét ý đồ đằng sau của người viết.
Một điểm cụ thể là, việc cố GS Trần Quốc Vượng bị ung thư thực quản phải nằm viện trong nhiều tháng, được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi bị đồng nhất với hiện tượng “ma ám” do cầm một số hiện vật là điều không thể chấp nhận được.
Mặt khác, những rủi ro của xã hội cũng không nên vận vào với việc thần linh ở sông Tô Lịch. Sự “liên kết này” có thể đã làm méo mó nhận thức của một bộ phận quần chúng đối với những tiêu cực nảy sinh trong cơ chế thị trường hiện nay.
Đồng thời sự gán ghép ấy vô hình trung khiến cho không ít người nghi ngờ thế lực của thế giới bên kia, kèm theo nghi ngờ lời dạy của tổ tiên. Vì người xưa (theo bia chùa Bối Khê, thế kỷ 15- Thanh Oai, Hà Tây) đã từng chỉ ra rằng, anh tú của đất trời là sông núi, anh tú của sông núi thần linh.
Thần linh là vẻ đẹp thánh thiện, đem mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi đến với thế gian. Vậy, những thông tin như báo Bảo vệ Pháp luật Cuối tuần đã đăng phần nào đi ngược lại nhận thức bản sắc văn hóa của dân tộc.
GS Trần Lâm Biền
Với tư cách là nhà nghiên cứu lâu năm về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, ông có cho rằng trong lịch sử có hiện tượng trấn yểm không?
Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam rất khó tìm thấy sự tai ác trong việc dùng người để yểm của thời quá khứ.
Và hiện tượng này hầu như không gặp, trong bất kể di tích kiến trúc, nghệ thuật lẫn di tích khảo cổ học, đồng thời cũng không tìm thấy ở một số nghĩa trang cổ.
Người ta chỉ thấy được hiện tượng tại nghĩa trang của người Mường cổ ở Đống Thếch (Hòa Bình) với trung tâm là một mộ lớn có kết cấu hầm, buồng. Xung quanh đó là mộ cắm đá của người khác.
Đã có nhiều ý kiến về hệ thống mộ này nhưng không hề thấy có hiện tượng trấn yểm hay yểm bùa. Vậy thì, nếu ở khúc sông Tô Lịch đó có cái gọi là trấn yểm, yểm bùa thì các nhà nghiên cứu phải giải thích bằng được, rằng hiện tượng yểm bùa này để làm gì, bắt nguồn từ đâu?
Cũng đã nghe một số ý kiến rằng người xưa, thời Bắc thuộc có trấn yểm, yểm bùa nhưng khi hỏi bằng chứng hiện vật thì ai nấy cũng đành chịu. Do vậy, để trả lời có hay không thì phải có sự nghiên cứu đa ngành, liên ngành thì mới mong có được những nhận định mang tính khoa học.
Nghe nói ở sông Tô Lịch có vị thần cai quản?
Mỗi một con sông đều có một vị thần, cụ thể ở sông Tô Lịch có ông Tô Lịch. Ngày xưa, xung quanh sông Tô Lịch có nhiều đền, đình thờ ông Tô Lịch (thời Bắc thuộc) làm Thành hoàng làng.
Khi nhà Lý với sự phát triển của mình bằng kinh tế nông nghiệp thì người ta lại nhập thần Linh Lang vào con sông này. Vì thế, hiện nay nhiều đền thờ dọc sông Tô Lịch có thờ thần Linh Lang để phù trợ cho người dân có mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, yên bình.
Đứng ở góc độ người dân bình thường, ông có khoảng bao nhiêu phần trăm tin vào chuyện “thánh vật”?
Tôi thật sự không tin mặc dù là người nghiên cứu sâu về tín ngưỡng, tôn giáo. Sở dĩ nói như vậy là bởi ẩn nấp ở đằng sau cách viết của tác giả là hình thức mê tín dị đoan. Nó đánh đúng vào nhu cầu sẵn có của một bộ phận quần chúng.
Xin cám ơn ông!
* PGS.TS Đỗ Văn Ninh (Viện Sử học): Những chuyện ông Cường kể là bịa đến 90%
Tôi rất lấy làm lạ là ai đó đã “phát động” nên chuyện này. Tôi tưởng rằng mọi chuyện hồi đó đã dừng lại từ lâu, và người ta đã xây dựng kè sạch đẹp cho người dân đi dạo, nào ngờ lại “thành chuyện” như hôm nay.
Ngay từ ngày đó, tôi đã nói rằng tôi không tin có trấn yểm. Vì việc trấn yểm đã lụi tắt từ trước CN rồi. Trong sử sách từ Lý - Trần và mãi sau này có thấy ai viết về trấn yểm.
Thời xưa người ta chỉ trấn yểm ma tà bằng những loài động vật như rắn, ngựa, bò, trâu… chứ có trấn yểm bằng người đâu. Ông Nguyễn Hùng Cường nói có thấy hình bát giác. Theo tôi hiểu là ông ta định nói tới trận đồ bát quái tại khúc sông này.
Nhưng xin thưa, ngày đó, tôi đếm thì chưa đến 8 cột gỗ do máy xúc lấy lên từ sông (tôi nghi ngờ là mấy cột gỗ này được đóng xuống để kè sông). Cột gỗ dài nhất cũng chỉ vài mét.
Hơn nữa, hôm đó các nhà khảo cổ có ai dám lội xuống sông Tô Lịch đen ngầu để kiểm tra xem có phải là bát quái không.
Chỗ khác, ông Cường lại nói là phát hiện được 8 bộ di cốt người. Khi chúng tôi đến đã đem đi chôn rồi. Vậy thì dựa vào đâu để ông Cường xác định là 8 bộ di cốt.
Ngành khảo cổ chúng tôi muốn nhận định đấy đúng là một bộ di cốt người, nam hay nữ thì còn phải nghiên cứu chán, các nhà nhân chủng học phải đối chiếu, so sánh nghiên cứu mới đưa ra được kết luận. Còn nữa, dựa vào đâu để xác định niên đại là sáu, bảy trăm năm.
Xác định niên đại đâu phải dễ, dựa vào hiện vật chỉ là một phần còn phải kiểm tra đủ thứ nữa mới có kết quả chứ. Cho nên nói vậy là thiếu căn cứ.
Còn nhớ ngày đó, tôi và TS Vũ Quốc Hiền đi khảo sát một vài điểm xung quanh, khi phát hiện ra chỗ này thì tôi cùng TS Hiền đi khảo sát một vài điểm gần đó và đã phát hiện một ngôi mộ.
Không phải là nhận định nữa, cách đây vài chục năm, bờ bên này của sông Tô Lịch rộng lắm, cây cối xum xuê nên người ta thường tổ chức chôn cất người thân sau khi mất.
Sau này có kế hoạch mở rộng nên nhiều ngôi mộ phải bốc đi nơi khác. Từ thực tế đó cộng với lịch sử ghi nhận sự đổi dòng của dòng sông Tô và khi mùa lũ về nên rất có nhiều khả năng là không ít ngôi mộ ở trên bờ bị sạt lở xuống sông.
Cũng vì thế, những di cốt người phát hiện ở chỗ đấy là do sạt lở ở trên bờ mà thôi. Nói tóm lại, những chuyện anh Cường kể là bịa đến 90%.
* GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam): Nói đến vấn đề tâm linh phải khách quan
Chuyện tâm linh hay một niềm tin đặc biệt nào đó nó luôn biến đổi và ngày càng phức tạp. Nhưng dù gì đi chăng nữa thì chúng ta cũng phải nên tôn trọng nó.
Tôi đồng tình với quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng trong đời sống tâm linh có những mặt tích cực của nó để góp phần cho xã hội ngày càng tốt hơn.
Thế giới tâm linh từ Á sang Âu đang trở thành vấn đề của nhân loại, có liên quan mật thiết, gần gũi với đời sống tôn giáo. Trong cái thế giới ấy, có những điều có thể thấy ngay, nhận thức ngay được nhưng cũng có những điều cần phải tiếp tục nghiên cứu.
Tôi lấy thí dụ, người ta bảo có hồn, nhưng người khác lại bảo không có. Cho nên nghiên cứu về đời sống tâm linh thực sự rất khó. Vì vậy, cũng phải ghi nhận những tình tiết đó để xem xét, nghiên cứu, nhất là ở khúc sông Tô Lịch đó có liên quan đến không gian, văn hóa lịch sử Hoàng thành Thăng Long.
Hiện nay đời sống tâm linh phong phú đang quay trở lại. Một số cũng tin vào điều đó nhưng cũng có không ít người không tin. Vấn đề nằm ở chỗ phải tiếp tục nghiên cứu.
Nhưng trong khi giới khoa học chưa thể khẳng định, kết luận chuyện đó là A hay là B thì không nên phản ánh như thế. Bản thân tâm linh là cái hộp đen mà người ta đang nghiên cứu.
Anh phản ánh, tuyên truyền điều gì liên quan đến tâm linh thì phải hết sức khách quan và cần tôn trọng nó. Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm cá nhân chứ không thể đưa ra kết luận để mà dấy lên điều gì đó. Như thế là không được.
Trong đời sống tâm linh có mối quan hệ với môi trường xã hội dân sự. Khi những thông tin về tâm linh chưa được nghiên cứu, kiểm chứng mà vội tuyên truyền thì ngay lập tức ảnh hưởng đến môi trường xã hội.
Tôi lấy ví dụ, bây giờ giả sử UBND thành phố cho nạo vét lòng sông để tăng lưu lượng dòng chảy, làm cho nước sạch hơn thì cũng sẽ bị thánh vật và không làm nữa hay sao? Và khi thông tin chưa được kiểm chứng mà bị lan truyền rộng thì trở thành thứ siêu hình.
Cuộc sống là một dòng chảy liên tục trong đó có cả xã hội dân sự và đời sống tâm linh. Nhưng trong cuộc sống đó không thể đề cao yếu tố nào hơn yếu tố nào mà cần phải có sự hài hòa.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved