Lý luận - Phê bình văn học thế giới thế kỉ XX
Nhóm tác giả: GS. TS Lộc Phương Thủy (Biên soạn và dịch thuật)
Nơi xuất bản: Đà Nẵng, Việt Nam,
Nhà xuất bản: Giáo dục
Nơi phát hành: Việt Nam
Lần xuất bản: 1
Ngày xuất bản: 12/2007
ISBN: 8V715N7- NĐN
Kích thước: 16 X 24 cm, 1555 tra
Nơi xuất bản: Đà Nẵng, Việt Nam,
Nhà xuất bản: Giáo dục
Nơi phát hành: Việt Nam
Lần xuất bản: 1
Ngày xuất bản: 12/2007
ISBN: 8V715N7- NĐN
Kích thước: 16 X 24 cm, 1555 tra
Thế kỷ XX là thế kỷ của các phát minh lớn trong khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội, thế kỷ của tốc độ, của các cuộc tìm tòi đổi mới, các cuộc chinh phục những đỉnh cao, những tầm xa mới.
Điều đó cũng được thể hiện trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, lý luận-phê bình văn học nói riêng. Một trăm năm đã qua đi, bức tranh toàn cảnh của lý luận-phê bình văn học thế giới thật vô cùng đa dạng, đồng thời cũng rất phức tạp. Thật vô cùng khó khăn để có thể phác hoạ một cách đầy đủ thực tế phong phú và đầy sinh động ấy. Thế nhưng, một khi chúng ta đang ở những năm đầu của thế kỷ mới, thế kỷ XXI, cùng với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, nhu cầu "biết người, biết ta" ngày càng lớn. Để có thể "hoà nhập", "giao lưu", "đối thoại" và nhất là để xây dựng một bản sắc Việt Nam, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhiều hiểu biết mới, nhiều tri thức mới với một bản lĩnh thật vững vàng. Chúng ta cần tham khảo rất nhiều, phải tìm đến những "đôi vai khổng lồ", không những từ trong truyền thống dân tộc, mà còn từ những thành tựu của nước ngoài. Thực sự tâm huyết với sự nghiệp Đổi mới của đất nước, thực sự cầu thị, chúng ta chắc chắn sẽ học được nhiều điều bổ ích, tránh được những đường vòng không cần thiết, rút kinh nghiệm cho mình từ những đột phá sáng tạo, những thành công và cả những thất bại của người khác.
Trên thực tế, lý luận văn học nước ngoài đã hiện diện trong đời sống văn học Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX. Trong suốt cả trăm năm qua, nhiều ngòi bút tâm huyết, nhiều công trình công phu đã giới thiệu cho độc giả Việt Nam một số học thuyết nổi tiếng thế giới, những trường phái, trào lưu, các quan niệm học thuật khác nhau ở nước ngoài. Nhưng những gì đã làm được vẫn chưa đáp ứng được cơn khát tri thức của một giai đoạn muốn đổi thay, phát triển và dựng xây những cái mới. Khối lượng công việc còn cần phải làm trước mắt thật đồ sộ, đòi hỏi sự góp tay chung sức của rất nhiều cá nhân, nhiều nhóm người, nhiều tập thể các nhà nghiên cứu và dịch thuật khác nhau.
Lý luận-phê bình văn học thế giới thế kỷ XX là một công trình có tính tổng hợp giữa việc nghiên cứu, giới thiệu và dịch thuật của tập thể các cán bộ nghiên cứu của Phòng Văn học nước ngoài thuộc Viện Văn học cùng với sự cộng tác của một số nhà nghiên cứu và dịch giả trong và ngoài Viện Văn học. Trong phạm vi của một cuốn sách, như một lẽ đương nhiên, chúng tôi không thể bao quát được cả bức tranh tổng thể với nhiều biến động và luôn thay đổi, luôn vận động của phê bình - lý luận văn học nước ngoài trong suốt một thế kỷ. Việc chọn những xu hướng phê bình nào, "chủ nghĩa" nào để giới thiệu trong biển tri thức mênh mang của nhân loại trong thế kỷ XX, đối với chúng tôi, thực sự là một thử thách rất lớn, một sự lựa chọn khó khăn.
Trong bộ sách này, chúng tôi tham khảo kết quả nghiên cứu của những người đi trước, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài để chọn giới thiệu một số thành tựu, một số hướng tiếp cận tiêu biểu như: Chủ nghĩa hình thức Nga, Phê bình mác xít, Phê bình Mới, Chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, Chủ nghĩa hậu cấu trúc, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Phê bình phân tâm học, Phê bình Hiện tượng luận. Trong một số trường hợp, chúng tôi chủ trương ghép vài xu hướng có cùng nguồn gốc cơ sở lí luận vào một nhóm để khi có điều kiện, chúng ta có thể nghiên cứu tách riêng từng xu hướng một. Ví dụ, Phê bình Hiện tượng luận, về thực chất bao gồm nhiều khuynh hướng khác nhau. Cùng chịu tác động từ Hiện tượng luận của E.Husserl và M.Heidegger trong lí luận phê bình văn học, nhưng trong thực tế, các học giả trong nhóm này đã mỗi người tạo nên một vị trí riêng nổi bật và góp phần xuất sắc vào lí luận thế giới: R.Ingarden với Phê bình Hiện tượng học, H.G.Gadamer và P.Ricoeur với Tường giải học, R.Jauss với Lí thuyết tiếp nhận, J.P.Sartre với Phê bình hiện sinh, J.-P.Richard vừa là người của Trường phái Genève thuộc phê bình Hiện tượng luận, vừa có thể được nghiên cứu ở xu hướng Phê bình chủ đề, Phê bình tưởng tượng... Việc giới thiệu ghép như vậy có mục đích vừa đảm bảo tính hệ thống trong một công trình lớn, vừa tránh sự rườm rà, làm rối trí độc giả với quá nhiều cách tiếp cận.
Chúng tôi cho rằng, việc "sắp xếp", "phân loại" các xu hướng tiếp cận, ai ở "khung" nào chỉ mang tính tương đối.Nhà lý luận người Áo E.Fischer trong một bài viết về Kafka đã từng phát biểu : « Tôi không thích việc chúng ta buộc các nhà văn lớn phải chui vào các đề mục ». Đúng là như vậy nên thật khó khăn để có thể sắp xếp các nhà văn, cũng như các nhà lý luận lớn vào một khuôn khổ chung nào đấy, vì thực sự họ cần đến những không gian riêng, « chỗ » riêng của mình. Chẳng hạn, với những học giả kiệt xuất, những nhà phê bình lỗi lạc của thế kỉ XX, như M.Bakhtin, R.Barthes v.v…rất cần đến những công trình độc lập, giới thiệu một cách toàn diện và sâu sắc sự nghiệp phong phú đa dạng của họ. Đó là công việc tiếp tục của các nhà nghiên cứu trong thời gian tới.Trong thực tế, nhiều khi chỉ vì để cho tiện theo dõi, người nghiên cứu vẫn cứ phải tiến hành công việc sắp xếp bất đắc dĩ đó.
Hướng tới tất cả những ai yêu mến và quan tâm đến lý luận-phê bình văn học: các nhà nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành văn học, các nhà văn nhà thơ, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên văn khoa của các trường Đại học và Cao đẳng…những người tham gia cuốn sách này hy vọng có thể đóng góp một chút công sức vào sự nghiệp chung đang cần đến nhiều tấm lòng, trí tuệ và công sức. Dù đã có nhiều cố gắng, chúng tôi nghĩ rằng không thể tránh khỏi khiếm khuyết. Chúng tôi hy vọng nhận được những lời góp ý chân tình của đồng nghiệp và bạn đọc.
Nhân dịp cuốn sách được xuất bản, chúng tôi xin chân thành cảm ơn PGS-TS Phan Trọng Thưởng, Viện trưởng và PGS-TS Trương Đăng Dung, Phó Viện trưởng Viện văn học đã trực tiếp giúp đỡ và tích cực ủng hộ chúng tôi trong quá trình thực hiện công trình.Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Giáo dục Đà Nẵng đã nhiệt tình tạo điều kiện thuận lợi để công trình được ra mắt bạn đọc.
Hà Nội, ngày 26-7-2007
Chủ biên
GS.TS. Lộc Phương Thuỷ