ĐẠO KHỔNG CÓ PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO ?
PETER BERGER
Tờ New York Times ngày 5 tháng Hai 2012 có một bài viết về viện Khổng học tại Hàn Quốc. Nó là một trong số 150 học viện (seawon) tương tự trong nước. Chương trình chủ yếu của chúng bao gồm những buổi tu học, đặc biệt dành cho học sinh. Chương trình này, rõ ràng là rất gắt gao, nhằm để giáo dục phép ứng xử và nghi thức đạo đức (cả hai đều liên quan mật thiết đến tư tưởng Khổng giáo). Park Seok-hong, người đứng đầu học viện vốn được thành lập từ năm 1543, giải thích vai trò căn bản của những chương trình này: “Chúng tôi có thể đã phát triển kinh tế, nhưng đạo đức của chúng tôi đang đứng trước ngưỡng sụp đổ.”
Đây không phải là một phiền muộn mới. Nó đang tái diễn trên nhiều nước kể cả các nước phương Tây, ở bất cứ những nơi nào mà công cuộc hiện đại hoá dẫn đến việc kinh tế phát triển, nhưng đồng thời làm suy yếu những khuôn mẫu truyền thống về tín ngưỡng và giá trị. Việc nương tựa vào Khổng giáo cũng không phải là điều mới mẻ. Chính phủ Singapore đã lo lắng từ lâu rằng thành công kỳ diệu về kinh tế của quốc gia nhỏ bé này đã tạo ra một lỗ trống đạo đức. Để đối phó với vấn đề này, có lúc chính phủ đã phát động một chương trình giáo dục đạo đức tại trường học, dựa trên những giáo điều từ những tôn giáo lớn lâu đời trong cả nước - Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Thiên Chúa giáo - thêm cả Khổng giáo vào hỗn hợp đa tín ngưỡng này, với giả định rằng nó sẽ hấp dẫn thành phần gốc Hoa đang chiếm đa số trong nước. Điều này đã là một sai lầm: Phụ huynh có quyền tự do lựa chọn chương trình học dành cho con em mình và đa số phụ huynh người Hoa đã chọn Thiên Chúa giáo. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc, Khổng giáo đã bị đả phá tàn nhẫn như là một hình thức mê tín và phản động (như mọi tôn giáo khác). Trong những năm gần đây chính quyền (trên danh nghĩa vẫn là Mác Xít) đã hồi phục lại Khổng Tử như là một vị thầy vĩ đại về phép tắc xã hội. Quê hương ông đã được khuyến dương như là một địa điểm hành hương và du lịch. Và những trung tâm văn hoá Trung Quốc trên khắp thế giới được gọi là Viện Khổng học. Như mọi truyền thống với lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ, Khổng giáo chú trọng những giá trị khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Thật dễ hiểu khi những chính phủ độc tài ưa chuộng những giá trị như tôn trọng nhà nước và trật tự xã hội (tự tiện tảng lờ những giá trị Khổng giáo khác, ví dụ như chính quyền phải thu phục nhân tâm bằng cách xử sự công minh và nhân bản).
Có thể nói chắc chắn rằng Khổng giáo đang mang một ảnh hưởng văn hoá mạnh mẽ trên khắp khu vực Đông Á, cung cấp những giá trị xã hội và chính trị không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Như là một tiêu chuẩn đạo đức xã hội, nó thật sự nhấn mạnh tính kỷ luật và trung thành, khép mình vào trong giai tầng trật tự của xã hội. Dưới những điều kiện hiện đại, đặc biệt là trong giới Hoa kiều, nó hoà quyện vào cái mà Robert Bellah gọi là “Khổng giáo tư sản”, thể hiện đặc tính tương tự như “đạo đức Tin Lành” nổi tiếng. Hệ thống khảo thí khốc liệt của đạo Khổng nhằm đào tạo giới cầm quyền trong xã hội phong kiến Trung Quốc, đã tồn tại để biến thành “địa ngục thi cử” (cụm từ của Nhật), trở thành những đặc điểm trong các trường học trên khắp các quốc gia Đông Á ngày nay. Về đạo đức chính trị, cả hai phía ủng hộ và chống đối đều đúng khi gọi Khổng giáo về cơ bản là một tư tưởng bảo thủ.
Tất cả những giá trị này đều mang tính vô thần (Max Weber gọi chúng là “tính nội tâm”), về nguyên tắc, chúng nằm ngoài lòng tin và thực hành của bất cứ tôn giáo nào. Vì thế đã có quan điểm rằng Khổng giáo chỉ là một tư tưởng thế tục, có thể thậm chí là một nền đạo đức đang bị thế tục hoá. Cũng có quan điểm cho rằng Khổng giáo, bất chấp nội dụng vô cùng thế tục trong giáo huấn của nó, được dựa trên một thế giới quan mang tính rất tôn giáo - đó chính là niềm tin rằng Khổng giáolà một tôn giáo.
Tôi không phải là một học giả về văn hoá và tín ngưỡng Trung Quốc, và vì thế không có khả năng phán xét hai quan điểm trên. Đối với tôi dường như có những lập luận khả dĩ cho cả hai. Nói cho cùng, tôi nghiêng về quan điểm thứ hai, chủ yếu là do ảnh hưởng của Đỗ Duy Minh (thuộc Đại học Harvard và Bắc Kinh), người đóng vai truyền giáo về việc hiểu được Khổng giáo như (ít nhất là có tiềm năng) một tôn giáo toàn cầu cho ngày nay. Tôi cũng hàm ơn những cuộc trao đổi với hai đồng nghiệp tại Đại học Boston là Robert neville và John Berthrong, những người có liên hệ với một nhóm có vẻ bí ẩn có tên “Những người Khổng giáo Boston” (có lẽ hiểu như là những người thừa kế đạo Tin Lành từ Matteo Ricci, một giáo sĩ Thiên Chúa giáo mà 400 năm trước đây khẳng định rằng Khổng giáo có thể hợp nhất với Thiên Chúa giáo).
Khổng giáo là một nền đạo đức thế tục: Những giáo huấn của nó hầu như chỉ đặc biệt chú trọng vào những ứng xử trong thế giới vương quyền: Nhân, Lễ, Hiếu. Đây là những nguyên tắc đạo đức được áp dụng cho cái gọi là “Ngũ Luân” - giữa vua và dân, cha và con, chồng và vợ; anh em; bạn bè. Bốn “luân” đầu đặc biệt mang tính giai tầng; luân lý cuối cùng nhằm vào quan hệ với những người bình đẳng, nhưng với giả định rằng họ bình đẳng về vị trí trong một giai tầng chung. Trong Khổng giáo truyền thống, chúng không phải là những đức tính để mọi người tự có được; chúng phải đạt được qua quá trình giáo dục và tự tu dưỡng (bao gồm âm nhạc và thư pháp). Lý tưởng của nó là một nam nhân Khổng giáo phải xem thường những an nhàn giả tạo của tôn giáo và đối diện với đời vớii một thái độ khắc kỷ. Rất rõ ràng là những đức tính này (bao gồm những hành xử mà chúng cổ vũ như phép ứng xử và lễ nghi) có thể tách rời khỏi bất kỳ những niềm tin tôn giáo nào. Kết luận này có được từ Matteo Ricci (1552-1610), nhà truyền đạo Thiên Chúa giáo dòng Jesuit tại Trung Quốc, ông tin rằng đạo đức Khổng giáo có thể kết hợp với tín ngưỡng Công giáo. Ricci, người thông thạo tiếng Phổ Thông, đã ăn mặc và hành xử như một nam nhân Khổng giáo. Những người dòng Jesuit tiếp tục con đường của ông trong vài thập niên, thậm chí cho ràng việc thờ phượng tổ tiên chỉ là một cách bày tỏ nghĩa “hiếu”, một đức tính thế tục mà người Trung Quốc cải đạo được tự do thực hành. Những giáo phái Dominican và Franciscan cùng đến Trung Quốc, và họ cực lực phản đối dòng Jesuit. Giáo Hoàng ra lệnh cấm dòng Jesuit thực hiện những thực hành quá Hán hoá (chinoiseries - từ do người Pháp sử dụng vài năm sau đó, chế nhạo những bắt chước thời thượng mang tính Trung Quốc). Ta có thể nói rằng Giáo Hoàng đã định nghĩa cụ thể rằng Khổng giáo là một tôn giáo.
Khổng giáo là một tôn giáo: Tôi không cho rằng việc Giáo Hoàng ra lệnh cấm dòng Jesuit là không sai lầm, vì thế thậm chí những người Công giáo bảo thủ cũng có thể xem Khổng giáo là một đạo đức thế tục. Tuy nhiên, có một đức tin trọng tâm và kinh điển trong Khổng giáo khiến tôi cho rằng rõ ràng Khổng giáo là một tôn giáo - đó là Thiên, thường được dịch là thiên đàng. Nó không phải cổ thần giáo, mặc dù nó có liên hệ đến thần linh. Thay vì thế nó là một trật tự thiên thể, siêu nhiên mà từ đó nó vượt qua cả thế giới lý thuyết mà nó nắm giữ và tác động. Vì thế nó đóng một vai trò cần thiết mà theo nghĩa đen là một nền tảng tôn giáo cho mọi đức tính thế tục được truyền bá bởi giáo điều của đạo Khổng. Với tôi dường như tính chất tôn giáo này của Thiên được biểu lộ rõ ràng trong khái niệm của “mệnh trời”: Một vị vua có được “ý trời” này, nền tảng của tính chính danh của mình; nếu ông trị vì đúng theo những luật lệ đạo đức chế tài mối quan hệ của ông và thần dân ca mình. Nếu ông không trị vì theo luật lệ ấy, “mệnh trời” sẽ bị rút đi, sự trị vì của ông sẽ bị mất tính chính danh và thần dân của ông có một lý do chính đáng để bất tuân và lật đổ ông. Tính chất khác biệt của đạo Khổng là kết quả của khái niệm rằng có những luật lệ “kiểm duyệt vương quyền” - những vị quan tại toà án với nhiệm vụ rõ rệt là khiển trách hoàng đế nếu ông đi lệch khỏi những hành xử đạo đức và phép tắc đúng đắn. Tôi cho rằng điều này không xảy ra thường xuyên: Các vị hoàng đế, ở Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi đâu, không dễ dàng để bị khiển trách.
Tuy nhiên điều ta rút ra được từ quan điểm tôn giáo và thế tục của Khổng giáo là đa số người dân Đông Á (với khả năng loại trừ những người thật sự tự tu dưỡng) đã xem Khổng giáo như là một hướng dẫn trong đời sống chính trị và xã hội - và không phải là một trả lời cho những câu hỏi siêu hình mà tôn giáo thường luôn phải đối phó. Khổng giáo, trong xã hội cổ xưa Trung Quốc hay ở những thành phố náo nhiệt của Đông Á hôm nay, thì không ích lợi đối với những khủng hoảng trong đời sống cá nhân. Một số những khủng hoảng này là căn bệnh của đời sống con người, đặc biệt là đối với những ai tin vào Tứ Diệu Đế của Đức Phật - Sinh, lão, bệnh, tử. Trong tất cả các xã hội Đông Á những truyền thống không phải là Khổng giáo đã có mặt và thật sự được tổng hợp để giúp con người trong những khủng hoảng này (cũng như với những vấn nạn trần tục trong cuộc sống thường nhật). Tại những quốc gia trong khu vực có những đền đài và tu sĩ theo tôn giáo dân gian - ở Trung Quốc có đạo Lão, Nhật có Thần Đạo, Hàn Quốc có Shamanism. Nhưng trên cả là Phật giáo với những đức tin và phương pháp thực hành phong phú đa dạng, được thiết lập để đáp ứng những nhu cầu tín ngưỡng cho cả những cá nhân có học và thiếu học. Không phải tình cờ mà các tu sĩ Phật giáo hầu như độc quyền trong việc tiến hành tang lễ: Nếu một người thân vừa qua đời, chắc hẳn bạn cũng muốn nghe kinh Phật hơn là qui tắc Khổng giáo về quan hệ đúng mực giữa quan toà và nguyên đơn.
Ta có thể đồng ý với những ai cho rằng sự thịnh vượng về vật chất không đem lại câu trả lời cho những vấn nạn sâu nặng trong đời người. Cả chủ nghĩa Mác (vốn đã vô cùng lạc hậu trong khu vực) hoặc chủ nghĩa dân tộc (từng được dùng như là một tư tưởng thay thế) có thể thế chỗ cho tôn giáo trong những cơn khủng hoảng như tang chế - ngoại trừ, có lẽ khi đối tượng được than khóc qua đời trên luỹ chướng ngại của cuộc cách mạng hay trên mặt trận. Đạo Khổng mới có cùng một khó khăn mà nó vẫn luôn có. Có những con đường mới hiện nay. Tôn giáo dân gian hiện đang thịnh hành. Đã có những phong trào chấn hưng Phật giáo mạnh mẽ trong hầu hết khu vực. Và có một hiện tượng phi thường đã không được nhắc đến trong bài viết của tờ New York Times: sự bùng nổ phát triển của Thiên Chúa giáo tại Trung Quốc và giới Hoa kiều, và đặc biệt là ở Hàn Quốc.
Liệu Park Seok-hong có đúng trong hi vọng của ông rằng Khổng giáo có thể khoả lấp được khoảng trống đạo đức và tâm linh mà nhiều người cảm nhận tại Hàn Quốc và những nơi khác trên thế giới đương đại? Có thể như thế - trong việc đem đến một thứ đạo đức cao cả đúng đắn (nhưng lại quá thiên về giai tầng) cho đời sống xã hội và chính trị. Nhưng về khía cạnh tâm linh của khoảng trống này thì có lẽ không.
DIÊN VỸ dịch
Nguồn: Bản gốc tiếng Anh http://blogs.the-american-interest.com/berger/2012/02/15/is-confucianism-a-religion/. Bản dịch tiếng Việt của Diên Vỹ đã đăng trên: www.x-cafevn.org