Home » » "KHAI DÂN TRÍ" PHẢI ĐI LIỀN VỚI "CHẤN DÂN KHÍ"

"KHAI DÂN TRÍ" PHẢI ĐI LIỀN VỚI "CHẤN DÂN KHÍ"

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012 | 06:14



"KHAI DÂN TRÍ" PHẢI ĐI LIỀN VỚI "CHẤN DÂN KHÍ"



Toàn văn bản trả lời của TS. Bùi Văn Nam Sơn với Cát Khuê (báo Tuổi Trẻ)






TT: Theo ông, hiện trạng truyền thông nước ta đang nhiễu loạn với các thông tin lá cải tràn ngập, soi mói đời tư, gián tiếp và trực tiếp xúc phạm đến con người đã là đáng báo động chưa, tại sao?



BVNS: Theo dõi báo chí, nhất là loạt chuyên đề “Truyền thông: những chuyện không tử tế” trên báo Tuổi Trẻ, tôi thấy hiện tượng trên không còn ở mức đáng báo động nữa mà đã thực sự trở thành một thảm họa. Nó phá hoại xã hội, nhiễm độc văn hóa, đe dọa những thành tựu vốn ít ỏi của giáo dục. Tuy nhiên, phản hồi sôi nổi của bạn đọc hoan ngênh loạt bài kịp thời trên đây và đồng thanh chia sẻ sự bất bình, phẫn nộ cho thấy sức đề kháng của xã hội và dư luận còn rất mạnh. Thế nhưng, tại sao hiện tượng ấy vẫn chưa thấy thuyên giảm, trái lại, vẫn lấn tới và còn tỏ ra thách thức dư luận? Tôi nghĩ cần phải thẳng thắn nhìn rõ thực trạng và nguyên nhân. Trong hệ thống truyền thông chính thức, phần lớn những bài chính luận thường xơ cứng, ít sức thuyết phục. Nhiều vấn đề nóng bỏng của thời cuộc và thiết thân với đời sống nhân dân bị tránh né, mờ nhạt. Lối thoát đương nhiên là những câu chuyện tưởng là vô thưởng, vô phạt, rồi ngày càng được dung dưỡng, trở nên nhảm nhí và nguy hại như một bệnh dịch. Vì thế, nếu không thay đổi đường lối và cung cách truyền thông, và nhất là nếu không nhận rõ và khắc phục sự mù quáng của một lối sống và làm ăn kinh tế theo kiểu chủ nghĩa tư bản hoang dại thì khó mà đẩy lùi tình trạng đồi bại này được.



TT: Dưới góc nhìn triết học, ông nhận định ta sao về tâm lý của độc giả Việt nam hiện tại, phải chăng do có cầu thì có cung hay ngược lại?



BVNS: Ta đều biết rằng cuộc cách mạng trong công nghệ truyền thông kéo theo sự biến đổi sâu sắc trong cấu trúc của công luận, trong cách xử lý và tiếp thu thông tin. Nó là thành quả tất yếu của những xã hội tiên tiến đã trải qua nhiều chặng đường phát triển và trưởng thành. Tính đa dạng, đa thanh, đa tầng làm phong phú cuộc sống và nâng cao sự tự do nội tâm hơn là chỉ có tác động gây phân hóa, tan rã. Cuộc cách mạng ấy phá vỡ nhiều rào cản, nhiều sự đối lập (chẳng hạn, giữa cái thanh và cái tục, giữa cái cao và cái thấp, cái nghiêm trang và cái đời thường…), nhưng là để tăng cường tinh thần dân chủ, bình đẳng, sự đồng cảm và lòng nhân đạo. Nếu tiếp thu thành tựu ấy một cách sống sít, ắt sẽ lãnh hậu quả trái ngược.

“Khai dân trí” phải đi liền với “chấn dân khí”, thiết tưởng đó là nhận định rất sáng suốt của nhà khai minh vĩ đại Phan Châu Trinh. Truyền thông hiện nay đang làm bại hoại dân khí, trong khi tưởng nhầm rằng đang “khai dân trí” bằng những tin… “lộ hàng” và loạn luân!



TT: Có thể viện dẫn luật pháp hay lương tâm trong việc nỗ lực làm lành mạnh hóa môi trường truyền thông ở nước ta hiện tại không, thưa ông? Cách tốt nhất là gì?



BVNS: Tôi ngạc nhiên tại sao người ta không chịu dùng đến hai công cụ ấy! Luật pháp dường như không thiếu, còn lương tâm chức nghiệp của nghề làm báo thì cũng đã được điển chế hóa từ lâu trên thế giới qua những Bộ quy tắc như của IFJ (Liên đoàn quốc tế các nhà báo, đại diện hơn 450.000 nhà báo của hơn 100 quốc gia, được thông qua năm 1954 và bổ sung năm 1986), của SPJ (Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp, thông qua năm 1996, và đã được báo Tuổi Trẻ trích giới thiệu) cùng với nhiều Bộ quy tắc của nhiều quốc gia tiên tiến khác, có thể dễ dàng tham khảo trên mạng Internet. Vào cuối thập niên 1960 ở miền Nam, trước nguy cơ băng hoại xã hội và văn hóa, nhiều nhân sỹ, trí thức, nhà báo đã thành lập Mặt trận bảo vệ văn hóa dân tộc. Nhà phê bình văn hóa Lữ Phương đã dùng một từ đích đáng để vạch mặt chỉ tên tệ nạn lúc bấy giờ: “nền văn nghệ đĩ bợm”!



Dùng chữ gì cho tình trạng hiện nay của chúng ta thì tôi chưa nghĩ ra (có thể khó mà hay hơn!), nhưng cách thức thì vẫn còn giá trị: không thể không vận động dư luận để đấu tranh quyết liệt. Trước nguy cơ bị xâm phạm chủ quyển và toàn vẹn lãnh thổ, trước cuộc sống còn đầy cơ cực của đồng bào, những bản tin quảng bá lối sống đĩ bợm, xa hoa, những thước phim rẫy đầy những hình ảnh tội ác, cường bạo, thậm chí phản quốc... không còn là những “sai sót” chỉ đáng “rút kinh nghiệm” nữa!



Nguồn: Bài viết do tác tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved