Home » » AL-GHAZĀLĪ xúc cảm thần bí

AL-GHAZĀLĪ xúc cảm thần bí

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012 | 02:24


AL-GHAZĀLĪ,
từ nhà triết học đến xúc cảm thần bí

Bài này là bài phát biểu (được rút ngắn đôi chút) của Tổng Giám đốc Unesco tại cuộc hội thảo về al-Ghazālī tổ chức ngày 9-12-1985 tại trụ sở Unesco ở Paris.


    Tất cả cuộc đời của al-Ghazālī dường như bị chi phối bởi ý chí quyết trả lại cho đức tin của người Hồi giáo tính thuần khiết và sức mạnh nguyên thủy của đạo ấy. Và ông cố gắng làm việc này: ông lần lượt đối phó với mọi sự thách thức mà Hồi giáo hồi đó phải đương đầu: ông lấy từ ngay những thách thức do sức mạnh cần thiết cho một sự nghiệp lớn lao mà về sau ông gọi là “Công cuộc phục hưng các khoa học tôn giáo”.

    Để làm việc này, ông biết khai thác một cách tuyệt diệu tất cả những nguồn tri thức đã tích lũy được trong thời đại ông. Ông bắt đầu bằng việc triệt để nghiên cứu trong mười năm tất cả những truyền thống tri thức đã được xác lập trong thời kỳ trước. Ông đã phân tích và phê phán chúng một cách có hệ thống, nhưng đồng thời vẫn thừa nhận mỗi truyền thống có phần khôn ngoan và giá trị nhất định.

    Quá trình phát triển tư duy của ông dường như đưa ông tới thời điểm chủ yếu của đời ông: khi đã đạt tới đỉnh cao tri thức đương thời, ông bắt đầu suy nghĩ về khả năng tới được lĩnh vực vượt ra ngoài tri thức lý tính, để có thể theo con đường hội cảm thần bí (Sufi) đạt tới trạng thái sẵn sàng giác ngộ chân lý thần minh tối cao.

    Ông tự cảm thấy mình được trao một sứ mạng cuối cùng trong đời: đem lại cho người đương thời ánh sáng mà từ bao lâu nay ông đã dày công vất vả tìm kiếm và cuối cùng đã được ban cho một cách đầy đủ. Theo ông quan niệm, cảm xúc thần bí đem lại một ý nghĩa bao quát cho những trực giác chính xác nhất nằm trong những truyền thống tư tưởng của thời đại ông; đồng thời cảm xúc đó làm cho người ta có thể vượt ra khỏi những bế tắc của mỗi truyền thống.

    Ở phương Tây, ảnh hưởng của ông trước kia và hiện nay vẫn còn rất lớn, mặc dầu tác động thật sự của quá trình tư duy của ông phải mất một thời gian dài mới được người ta nhận thức đầy đủ. Là một trong những tác giả Arập đầu tiên được dịch ra tiếng La-tinh ở châu Âu thời Trung cổ, ông được biết đến lần đầu tiên qua cuốn sách Maqāsid al-falāsifa (Những ý đồ của các nhà triết học). Khái luận này đã được dịch ở Tôlêđô vào nửa cuối thế kỷ 12.

    Tập thuyết trình về Luân lý học, Siêu hình học và Vật lý học của Aristote do al-Ghazālī soạn thảo theo một bản tóm tắt bộ Đại bách khoa toàn thư của Ibn Sīna, được phổ biến rộng rãi ở châu Âu trong thế kỷ 13. Trái lại, phần ông biện bác, trong tác phẩm siêu việt Tahāfut al-falāsifa (có người dịch là “Tiêu diệt”, có người lại dịch là “Sự không nhất quán” của các nhà triết học), thì mãi rất lâu về sau mới được người ta biết đến, mà cũng chỉ được biết đến dưới một hình thức gián tiếp thông qua sự phê bình của Ibn Rushd trong cuốn Tahāfut al-tahāfut (dịch ở thời Trung cổ với nhan đề Destructio Destructionis).

    Đến nửa cuối thế kỷ 13, một nhà truyền giáo người Catalan là Ramon Marti chuyên nghiên cứu các tiếng phương Đông, đọc được nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Arập của al-Ghazālī, có trích dẫn đặc biệt các cuốnTahāfut và Munqidhmin al-dalāl (Giải thoát khỏi sai lầm) – trong đó tư tưởng của tác giả mãi đến lúc ấy mới được phản ánh một cách trung thực. Nhưng các tác phẩm của Ramon Marti hình như trước hết nhằm để cho các đồng nghiệp sử dụng.

    Năm 1328, Robert d’Anjou, vua thành Naples, yêu cầu một nhà bác học ở Arles là Carlo Calonymos, dịch cuốn Tahāfut al-falāsifa trong đó Ibn Rushd trình bày lại một cách khách quan những tư tưởng cốt yếu của al-Ghazālī rồi sau đó phê phán chúng. Nhưng trên thực tế, bản dịch của Calonymos trong một thời gian dài gần như không được ai biết đến. Phải đợi đến mãi cuối thế kỷ 15 và đến thời kỳ Phục hưng, một bản dịch mới tác phẩm của Ibn Rushd mới được đem in và phổ biến rộng rãi ở Italia. Và đến lúc đó, al-Ghazālī, với tất cả tầm vóc tư tưởng của mình, mới được biết đến ở châu Âu.

    Ngày nay nói chung ta có thể rút ra được những bài học gì từ tư tưởng của al-Ghazālī, cả ở ngoài thế giới Hồi giáo? Trước hết, có thể coi al-Ghazālī là một nhân chứng đặc biệt của một thời kỳ mà đặc trưng là một tình hình tư tưởng hết sức xáo động và rất nhiều câu hỏi được đặt ra về những mục đích tối cao của những hiện thực xã hội.

    Chắc hẳn chính là ở chỗ đó mà quá trình tư duy của al-Ghazālī, người đã có một vai trò quan trọng biết bao trong sự phát triển tư tưởng ở phương Tây, ngày nay vẫn còn có thể là một nguồn gợi cảm.

    Đứng trước những thách thức của một sự phát triển tri thức khoa học và kỹ thuật chưa từng thấy, trước những hậu quả của sự phát triển này về mặt tâm lý và xã hội đối với đức tin, al-Ghazālī đã phản ứng lại bằng một quá trình tư duy với một sự chặt chẽ vô song. Được những tri thức tiên tiến nhất trong thời đại mình soi sáng, ông đã đi theo con đường của tinh thần sáng ngời và của một sự canh tân trí tuệ đem lại cho nền văn hóa những sự kích thích sáng tạo nhất.


Nguồn: Thông tin Unesco, chuyên đề “Hình ảnh và trí tưởng tượng”, tháng 11 năm 1986, trang 4-5. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved