Xuân Tâm ca ngợi Xuân Diệu
Trên Tràng An số 405, 21-5-1939, 406, 24-5-1939, Xuân Tâm phê bình thơ thơ của Xuân Diệu với lời lẽ rất to tát và coi " Thơ thơ " là " một quyển sách để đầu giường " của ông :
" Như tôi đã nói, nghệ thuật của Xuân Diệu rất lão luyện bên nhà thi sĩ có tài tâm hồn muôn điệu, lại có nhà thợ thơ tinh xảo, có kinh nghiệm nhiều và nhất là rất tận tuỵ với nghề mình.
" Tuy lối thơ lục bát của Xuân Diệu không được mềm dẽo và du dương như của Thế Lữ, nhưng trái lại lối thơ hoàn toàn mới với những câu tám chữ và vần liên tiếp, hay lối thơ gồm có từng đoạn bốn câu hoặc tứ tuyệt, hoặc thơ mới với vần song hành, lại rất xuất sắc.
" Đọc những bài Cảm xúc, Vì sao, Trăng, Huyền Diệu, Yêu xa cách, Phải nói, Đây mùa thu tới, Hẹn hò, Vô biên, Tương tư, Chiều, Với bàn tay ấy, và gần hết những bài khác, người ta thấy lời thơ chảy song suốt từ đầu đến cuối, không bỡ ngỡ không khó đọc, mà rất dễ dãi. Lắm đoạn vụt lên rất tự nhiên rất nhẹ nhàng, khiến ta thấy nó từ đáy hồn vụt ra như những tia sáng.
" Những đoạn ấy nhiều lắm, không thể không chép ra đây được, các bạn đọc qua cũng thấy, không phải tìm kiếm.
" Mà những đoạn thơ rất tự nhiên ấy có phải Xuân Diệu phun ngay ra như thế đâu. Chính thi sĩ đã trao dồi rất công phu, sửa đi sửa lại từng câu hay từng chữ nhỏ. Chính những bài thơ đã đăng ở báo Ngày Nay hay Tinh Hoa rồi, mà nay in trên sách lại khác đủ tỏ rằng Xuân Diệu là một người thợ thơ cần mẫn, biết thận trọng nghệ thuật, và khi nào cũng cố gắng đạt được mục đích là sự hoàn mỹ.
" Ví dụ trong bài " Cảm xúc ", câu thứ sáu bây giờ :
Đây là bình Thu Hợp trí muôn hương
" Khi trước :
Đây là bình Thu Nhận trí muôn hương
" Chữ thu nhận chỉ có một nghĩa là thu vào mà thôi nên kém chữ thu hợp, có nghĩa thu vào mà còn chung đục còn trộn lẫn với nhau nữa.
" Trong bài " Đây mùa thu tới ", câu thứ 4, khi trước :
Với áo Chùng Thâm Mặt Dám Vàng ;
Bây giờ :
Với áo Mơ Phai Dệt Lá Vàng,
" Mùa thu mà có mặt thì cũng hơi kỳ thật. Chứ áo của mùa thu dệt bằng lá vàng thì hợp lý và hay hơn nhiều.
Cũng trong bài ấy, câu thứ 13 khi trước :
Én bỏ từng không, Oanh bay đi.
Bây giờ :
Mây vẫn từng không, Chim bay đi.
" Mùa thu là mùa của chim én ở xa về bay lượn ở đồng nội mà lại bảo nó bỏ từng không thì sai quá. Huống gì mấy chữ " mây vẫn từng không " đã đúng mà còn may mắn hơn nữa.
" Không cần phải đưa ra nhiều, ba cái ví dụ trên đây chứng thật một cách rộng rãi rằng Xuân Diệu trau dồi nghệ thuật rất công phu.
" Bên nhà thi sĩ đặc sắc, bên nhà thợ thơ có lương tâm ấy, lại thấy có đèo thêm một nhà họa sĩ. Xuân Diệu đã thấy " màu hoa mới thắm như kêu " (Nụ cười xuân), đã thấy " sắc đỏ của màu xanh "(Đây mùa thu tới). Phải có con mắt của họa sĩ mới thấy được những tế nhị của màu sắc như vậy.
" Với những câu :
Lũ mây già, nghìn vạn khối lâm ly,
Đứng giữ lưới bủa vây trời nhỏ hẹp,
Vài chiếc quạ, Mình Thân cong Mỏ Thép,
Quạ vừa kêu, đến tự xứ đêm nào,
Những cây bàng là những bộ xuơng cao,
Nét ngớ ngẩn đã rèn bằng Sắt Cũ.
Tét cắn lá - lá nằm trên Đất Ủ,
Màu Lặng Yên không còn mộng xa ba ;
Đất Đen kêu như sắt dưới chân giầy
Tiếng rắn rỏi có pha màu Mực Đậm.
(Sắt)
Xuân Diệu đã vẽ ra một cảnh màu đông nếu tôi không lầm, với những mùa chết, hay nói cho đúng hơn là màu đất và mùa tét. Những chữ " sắt cũ ", " tét cắn lá ", " màu lặng yên ", " Tiếng rắn rỏi pha màu mực đậm " làm ta thấy thật màu đỏ nâu vàng úa của bàng, da bàng về mùa đông là mùa thay lá, và nhận thấy tác giả đã biết hoà hợp tiếng màu để làm nên một cảm giác nặng nề mệt nhọc phảng phất trong bài thơ từ đầu đến cuối.
" Nhà họa sĩ đã vẽ ra bằng thơ những bông hoa xinh đẹp, đầy vẻ sống, linh hoạt một cách khác thường trong bài " Lạc quan ", và hiến cho ta bức tranh tuyệt mỹ có cả tình cảm :
Một tối bầu trời dăm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống, cỏ trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu một toi đầy.
Những lời huyền bí tảo lên trăng
Những ý bao la đủ xuống trần,
Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
(Với bàn tay ấy)
" Đó là chưa nói đến mánh khóe nhà nghề mà nhà thơ đã dùng để tả những ý tưởng của mình. Với hai câu :
...Và làm sai tơ nhịp trăng Đang,
Dịu Dàng Đàn những ánh tơ xanh.
(Trăng)
" thi sĩ đã được một điệu đàn bằng thơ.
" Với câu :
Những luồng Run Rẩy Rung Rinh lá.
(Đây mùa thu tới)
Xuân Diệu đã tả nổi cho ta nghe những lá run rẩy thật, nhờ ở cách sắp khôn khéo và tìm tòi bốn chữ đi với nhau.
" Về cách dứt mạch câu (césure) Xuân Diệu cũng tỏ ra mình nhanh nhẹn lắm. Khi đọc mấy câu :
Thong thả chiều vàng thong thả lại...
Rồi đi... Đêm xám tới dần dần...
Cứ thế mà bay cho đến hết
Những ngày, những tháng, những mùa xuân.
(Giờ tàn)
" ta tưởng như nghe cả chiều lại, đêm đi và ngày tháng bay thật, nhất là câu cuối cùng, nhờ căÙt làm ba mạch nên đọc lên một âm điệu đưa đẩy rất đầy đủ.
" Còn những hình ảnh (images) mới mẻ may mắn, mà tôi đã nói rồi, và nhất là những chữ dùng rất ngộ nghĩnh, rất táo bạo mà không bao giờ đến lỗ mãng, như Huy Thông, thì Xuân Diệu giầu lắm. Bất cứ bài nào cũng có, và chính đó là những chấm đặc sắc nhất của thơ thi sĩ. Thành thử khi ta đọc đi đọc lại càng thấy thấm thía thâm thuý mà không bao giờ chán.
" Sau hết tôi mách các bạn một cái đặc điểm mà chỉ có một mình Xuân Diệu có, lối thơ ngây thơ và dễ yêu : Các bạn hãy nghe :
Ờ nhỉ ; sao hoa lại phải rơi ?
Mất...
Thực là dị quá - Mà tôi nữa :
Sao nhỉ làm chi chuyện lại phai ?
- Nếu không biết những câu thơ ấy của Xuân Diệu, người ta hẳn phải cho là những lời ngây thơ của một thiếu nữ nào mới biết yêu và chưa hiểu đời với những thống khổ là gì.
- Cùng một loại thơ ngây ngô ấy, bài " Đơn sơ " hẳn là một tác phẩm bất hủ. Nó cám dỗ hồn ta với những chữ thông thường, rất tự nhiên, và nhất là với vẻ " có duyên " của nó.
" Một thi sĩ giầu tình yêu, hiểu thấu đáo âm nhạc, giầu tình cảm, giầu sức tưởng tượng, và có một nghệ thuật tinh vi như Xuân Diệu, hẳn là một thi sĩ hoàn toàn nhất mà ta có đến bây giờ.
" Và quyển Thơ Thơtác phẩm hoàn toàn như tác giả của nó là một quyển sách để đầu giường (livre de chevet) mà chẳng bao lâu sẽ trở nên một người bạn thân ái của chúng ta.
" Phải chăng tôi đã xem Thơ Thơvới một tâm hồn " rất bạn " của thi sĩ Xuân Diệu ? (Xuân Tâm, Tràng An, 21-5-1939, số 405).
Trên Tràng An số 494 (15-3-1940) H.X.T. khen nữ thi sĩ Thu Hồng, tác giả Sóng Thơ :
" Tôi xin thú thật rằng đối với những tập thơ mới xuất bản của nhiều thi sĩ thanh niên ta ngày nay, ngoài một vài người tôi đã quen làm bạn, như ông Thế Lữ, ông Lưu Trọng Lư, ông Xuân Diệu, ông Huy Thông, ông Thái Can, ông Huy Cận v....tôi thấy tôi lo sợ mỗi khi tôi cầm một tập thơ mà xem. Lo sợ mà lại thấy lạnh lùng nữa. Không phải là tôi thờ ơ với thi ca mới cũng không phải là tôi yên trí rằng nhiều thi sĩ thanh niên ngày nay không có biệt tài trong sự làm thơ.
" Có lẽ vì tôi dành để quá nhiều thì giờ để xem các thi ca xưa. Có lẽ là vì tôi thấy thi ca trong văn chương chúng ta hiện đương trải qua một thời kỳ phân vân, về đường thể cách cũng như về đường lý tưởng, làm cho độc giả chẳng biết lấy đâu mà căn cứ để suy nghĩ, để so sánh, chẳng biết lấy thái độ nào mà thấu hiểu và cảm động theo cái thâm tứ của mỗi thi sĩ trong mỗi bài thơ.
" Đối với quyển Sóng Thơmới ra đời, trước hết tôi cũng lạnh lùng như vậy. Tôi cầm tập thơ nhỏ xinh kia, lật những trang giấy nhanh chóng, rồi tự nói : Lại một tập thơ mới. Lại thi sĩ nữa ra đời. Mà là một nữ thi sĩ, ở Đế Đô, một nguời trong Hoàng phái...Rồi tôi xem qua cũng nhanh chóng như thế thấy câu hay, câu không hay ; nhưng không để ý lắm. Chẳng khác lúc đi qua một vườn hoa của người xa lạ nhìn vào để ngắm cảnh rồi thản nhiên trong giây lát đã bước qua vườn hoa ấy, và đôi mắt đã đưa nhìn khúc đường xa lạ khác.
" Vậy là tôi đã xa lìa tập Sóng Thơ, như tôi đã xa lìa nhiều tập thơ mới khác. Có lẽ tôi không nghĩ đến nữa, nếu một sự tình cờ không xui giục tôi quay lại vườn hoa cũ, quay lại với Sóng Thơ của nữ thi sĩ Thu Hồng.
" Một buổi hội họp tại nhà một ông bạn, tôi đã được gặp nữ thi sĩ Thu Hồng, một thiếu nữ trẻ tuổi, và nói chuyện rất tự nhiên và vui vẻ. Lẽ tự nhiên là nói chuyện " thơ ". Rồi trong câu chuyện, nữ sĩ Thu Hồng đọc cho chúng tôi nghe một đoạn của một bài thơ nàng mới làm và chưa in trong tập Sóng Thơ mới ra đời.
...Vì hiểu lầm nên mới mong đừng nên hiểu ;
Mong chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chờ len vào sớm quá tội em mà,
Em nghe như thời ấy vẫn còn xa.
Em chầm chậm để mong còn xa mãi,
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
Hoa nồng hương, mà trái có khi chua...
" Đoạn thơ được nghe đó, cùng nhiều câu thơ khác, của nữ sĩ Thu Hồng đọc ra hôm ấy, tôi thấy có ý vị, và có một sự giản dị hoà với một âm điệu dịu dàng. Vì cái cảm tưởng hôm ấy nên tôi mới đọc lại tập Sóng Thơ, bà Đạm Phương nữ sĩ có viết một câu phê bình rất ngắn, nhưng rất đúng : Ngòi bút của Thu Hồng tuy chưa sành nghề cho lắm, nhưng có vẻ tự nhiên tao nhã. Tôi xin thêm rằng : có vẻ giản dị và êm đềm tỏ ra một tâm hồn giầu cảm tình, hay thổn thức với cảnh đẹp của tạo hoá, yêu văn chương, không hề oán hận, không hề than van. Vì vậy thơ cô không phải là tiếng kêu gào của những tấm lòng bị đau thương, không phải lời oán trách của những người ê chề, chán nản. Chỉ như là những làn " sóng " dịp dàng uốn mình dưới một ngọn gió nồm thanh thanh mà mát mẻ ; chỉ như những tiếng động rì rào trong lá.
Gió qua, lá động rì rào,
Khuya trăng chi chít muôn sao dệt trời.
" Không phải là cô không có lúc lo sợ hay buồn bã. Nhưng sự lo sợ hay buồn bã của cô không bao giờ khốc liệt, có rồi rào cũng vẫn êm đềm mà thôi.
Buồn ngày xưa em buồn thêm một chút...
Hoặc là :
Vì đâu thoi thóp với canh tàn ?
Rời rạc kia mây cũng muốn tan !
Tan tác lòng em bao mộng đẹp,
Cái tình vô hạn, khéo đa mang !
" Sự tan tác không phải tấm lòng của cô ; chỉ là bao mộng đẹp mà thôi. Khối tình cô khéo đa mang, chỉ là " Cái tình vô hạn ", một mối tình mênh mông bát ngát, nó không chung đúc vào một người, một vật nào, có thể làm đau đớn gắt gao được.
Vì vậy cho nên một tấm yêu,
Lui không nẻo bước, tới cam liều
Khi yêu nào nghĩ xa xôi nữa,
Mà khổ tình thêm cũng rất nhiều !
" Đối với ái tình, xem bốn câu thơ nầy, chúng ta thấy nữ sĩ Thu Hồng, vẫn dùng lời êm dịu mà phân giải, mà nghị luận. Chúng ta có thể nói rằng " thi cảm " của cô không phải là của người mê say ; nó còn ở trong vòng khuôn của lý trí nhiều hơn của tình cảm.
" Sự giản dị, một sự giản dị mà chúng ta có thể gọi là tầm thường, cái " nên thơ " trong mỗi ý nghĩ hằng ngày trong mỗi câu nói đầu lưỡi, trong mỗi cử chỉ xung quanh ta, trong mỗi tư tưởng thông thường, ấy là chốn nữ sĩ Thu Hồng đã khéo đi lượm những vần thơ, đi hái cho ta những cành hoa thơm đẹp.
" Đó là các đặc điểm, tôi sơ lược theo ý kiến riêng của tôi viết ra sau khi đọc xong tập Sóng Thơ của nữ sĩ Tôn nữ Thu Hồng. Tập thơ in đẹp, có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa sĩ Mộng Hoa.
" Chúng tôi xin giới thiệu quyển Sóng Thơ với độc giả (H.X.T., Tràng An, 15-3-1940, số 494).
Trên mặt báo Ngày Nay, từ năm 1938 trở đi, Xuân Diệu và Thế Lữ phê bình thơ rất nhiều. Cũng như báo Tràng An, báo Ngày Nay hình như cũng đã xoá bỏ chữ cũ mới trong khi nói đến thơ. Đặc biệt là Thế Lữ trong mục " Tin Thơ " đã chỉ phê bình thơ như là thơ, bởi vậy, rất nhiều bài thơ cũ được ca ngợi và bài thơ mới bị công kích, cũng như vô vàn bài thơ mới được khen lao và bài thơ cũ bị chê bai.
Cuộc tranh luận thơ mới thơ cũ như vậy là đã đi hẳn vào lịch sử. Qua cuộc tranh luận kéo dài có hằng mười năm, chẳng những làng thơ mới hăng say thảo luận mà ngay đến làng thơ cũ cũng bỏ cái thói quen dè dặt, thẳng thắn bày tỏ và bênh vực lập trường. Chẳng những thi ca mà cả nền văn học Việt Nam, nhờ vậy, đã tiến rất mạnh mẽ.