Home » » Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX: Một thời sôi động

Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX: Một thời sôi động

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012 | 06:16

Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX: Một thời sôi động
Những năm đầu thế kỷ XX, các cuộc tranh luận văn nghệ luôn thu hút đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu. Họ bàn về Quốc học, về Truyện Kiều, về thơ mới, thơ cũ… Tuy các học giả luôn ở hai chiến tuyến đối lập nhau nhưng họ vẫn bình tĩnh nghe nhau, đọc nhau, hiểu động cơ và thâm ý của nhau.

Qua các cuộc tranh luận, ở các học giả, nhà văn có nhận thức khác nhau, quan điểm không giống nhau, nhưng ai ai cũng có tầm nhìn văn hoá rộng, đặc biệt là truyền thống văn hoá dân tộc, lòng tự hào dân tộc, tri thức văn hoá nước ngoài.6 cuộc tranh luận đã một thời nổi tiếng trên văn đàn đầu thế kỷ XX (tranh luận về Quốc học, về truyện Kiều, về duy tâm và duy vật, về thơ mới, thơ cũ, về nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh, về dâm hay không dâm trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng) đã được PGS Nguyễn Ngọc Thiện và Thạc sĩ Cao Kim Lân sưu tầm, biên soạn và tập hợp lại trong công trình: Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, 2 tập, do NXB Lao động ấn hành năm 2001. Đây là công trình đầy ắp tư liệu được tuyển từ nhiều nguồn báo, tạp chí, tiểu luận của một số học giả…đã được xuất bản vào những năm 20 đến 40.
Tuy mới là bước đầu nhưng các tác giả đã có những đánh giá các hiện tượng văn hoá, các nhân vật văn hoá có quan hệ đến cuộc tranh luận một cách khoa học, cởi mở, có tính đến quan điểm lịch sử cụ thể, bởi đó là cơ sở của ý kiến đánh giá. Không thể đánh giá một cách khách quan, có sức thuyết phục những đóng góp của trào lưu Thơ Mới, những ý kiến khả quan về quốc ngữ, về văn chương quốc ngữ... nếu người soạn không nhớ tới lời dặn của Lênin: "Khi xét công lao lịch sử, người ta không căn cứ vào chỗ các nhà hoạt động lịch sử đã không cống hiến được gì so với nhu cầu của thời đại chúng ta, mà căn cứ vào chỗ, các nhà hoạt động lịch sử đã cống hiến được gì so với các bậc tiền bối của họ". Luận điểm này giúp chúng ta có sự đánh giá công bằng đối với những nhà văn hoá có thế giới quan phức tạp, trong một bối cảnh lịch sử đầy biến động.
Cấu trúc của công trình gồm: lời giới thiệu và nội dung 6 cuộc tranh luận. Nội dung của mỗi cuộc tranh luận chiếm khoảng trên dưới 300 trang, gồm các tiểu mục: tiểu dẫn, thư mục về các bài tham gia tranh luận, văn tuyền tranh luận, thư mục nghiên cứu.
Công trình tranh luận văn nghệ nửa đầu thế kỷ XX có giá trị lý luận bởi người viết đã nhìn hiện tượng văn chương, tác giả văn học, các khuynh hướng nghệ thuật trên cơ sở triết mỹ Mácxít, từ góc nhìn văn hoá cởi mở: văn hoá không đồng nhất với hệ tư tưởng, thậm chí rộng hơn ý thức hệ. Phương pháp tiếp cận của công trình là lấy ý thức dân tộc làm quan điểm chỉ đạo.
Chúng ta biết rằng, ý thức dân tộc, chủ nghĩa dân tộc là nội dung hàm chứa nhiều giá trị, là phương lược lớn để hoạt động cách mạng, chiêu tập hiền tài, là hạt nhân của chính sách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của Lý luận phê bình văn nghệ đầu thế kỷ XX. Tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc có thể coi là điểm quy tâm của nhiều yếu tố tích cực của các tác giả, các khuynh hướng, dù đó là tri thức hay phương pháp, luận điểm hay văn phong.
Không thể đánh giá công bằng những đóng góp của Vũ Ngọc Phan Nhà văn hiện đại, của Hoài Thanh với Thi Nhân Việt Nam, những phương pháp nghiên cứu của Dương Quảng Hàm, Phan Khôi v.v… nếu như công trình chỉ dừng lại quy chiếu bằng những tiêu chí của Mỹ học cách mạng.
Lời của Thiếu Sơn được công trình nhắc lại: “Dẫu nhận là nước ta có quốc học hay không có quốc học, thì những nhà đã dự vào cuộc tranh luận đó cũng đều đã vì quốc học mà phát ngôn, có quan tâm với sự tiến hoá của quốc gia, xã hội vậy”. Đối với Phạm Quỳnh, Phan Khôi và một số vị khác là những học giả có thể giới quan phức tạp, các tác giả cũng có những đánh giá thoả đang, vận dụng khéo léo”kinh nghiệm phủ định” của Lênin khi nói đến mặt hạn chế của nhà văn hoá, tức là phê phán không phải là mục đích, mà là phương tiện để đạt tới mục đích khác cao hơn… (tập I, trang 7).
Cuộc tranh luận duy tâm hay duy vật không chỉ dừng lại ở khái niệm, ở nhận thức, mà là ở cuộc tranh luận tư tưởng, triết học, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đặt nền tảng quan điểm triết học Mác xít trong quá trình đấu tranh tư tưởng – văn hoá hàng chục năm về sau do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Nhà lý luận Mácxít trẻ tuổi Hải Triều đã giương cao ngọn cờ đầu và giành thắng lợi vang dội ngay từ hiệp đầu. Những quan điểm duy tâm, mơ hồ bị đẩy lùi, mở đường cho những tư tưởng tiến bộ, kiên định trong nhiều tầng lớp xã hội, nhất là trong tri thức, giúp họ tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ những năm 40 trở đi, sau khi các cuộc tranh luận lắng dịu, một số nhà nghiên cứu đã kịp thời tiếp tục làm sáng tỏ con đường đi lên của văn học Việt Nam, bàn bạc thêm những vấn đề có liên quan đến quốc học, quốc văn đã được nêu ra trong các cuộc tranh luận.--PageBreak--
Năm 1941, Vũ Ngọc Phan đã viết tiểu luận sơ kết cuộc tranh luận giữa Lê Dư, Phan Khôi và Nguyễn Trọng Thuật về quốc học vốn tranh cãi kéo dài từ năm 1924 cho đến năm 1939. Ông đã tìm ra một điểm chung thống nhất của họ là tầm quan trọng và vai trò nền tảng của quốc học ở mỗi quốc gia, những tố chất dân tộc độc đáo và tiến độ phát triển của nền quốc học nước ta.
Hoài Thanh (cùng với Hoài Chân) viết Thi nhân Việt Nam (1932-1941) mà đối tượng khảo sát, bình giải là 169 bài thơ của khoảng 46 nhà thơ. Đến với thơ mới Hoài Thanh bắt đầu từ sự đam mê cá nhân ngay từ những vần thơ mới đầu tiên. Ông thừa nhận: “Thơ mới hầu như là cái duy nhất của tôi thời bấy giờ” (Tuyển tập Hoài Thanh tập I, trang 303). Nhưng khách quan mà nói thì “ thơ mới” thay “thơ cũ” bởi nó đáp ứng được nhu cầu của thời đại, của công chúng thành thị, nó biết phá khỏi mọi quy tắc cứng nhắc, mọi quy luật chặt chẽ, để trở thành một thể thơ tự do, diễn đạt một cách phong phú, tinh tế mọi cung bậc của tình cảm, những suy nghĩ mới của con người. Thi nhân Việt Nam vì vậy là cuốn sách có giá trị về cả mặt thực tiễn sáng tác sôi động, lẫn lý luận có sức thuyết phục, là bản tổng kết súc tích về cuộc tranh luận thơ cũ – thơ mới kéo dài khoảng 10 năm.
Sau đó vài ba năm, Đề cương văn hoá Việt Nam (1943) của Đảng ra đời, đánh dấu sự trưởng thành của lý luận văn nghệ Mácxít. Để đề cương đi vào thực tiễn xã hội, các nhà văn tiến bộ trong nhóm văn hoá cứu quốc như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Trần Mai Ninh, Như Phong… đã có nhiều hoạt động sôi nổi nhằm phê phán khuynh hướng phục cổ, nô dịch, chạy theo kỹ xảo hình thức, xa rời thực tiễn đời sống, xuyên tác lịch sử dân tộc, thoá mạ những giá trị truyền thống, tuyên truyền và thẩm định những quan điểm lý luận Mácxít, bảo vệ bản sắc dân tộc, hướng văn hoá - văn nghệ phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong bối cảnh lịch sử đó, nhà văn Đặng Thai Mai xuấthiện là một hiện tượng văn hoá đặc sắc. Với tri thức uyên bác, với lập trường Mácxít kiên định, được thể hiện bằng phong cách uyển chuyển, ông đã viết văn học khái luận (đăng trên tạp chí văn mới) để tiếp tục khẳng định quan điểm văn nghệ gắn bó với đời sống, với quyền lợi của nhân dân lao động, hướng công chúng vươn tới những lý tưởng cao đẹp Chân – Thiện – Mỹ của con người.
Đôi điều bất cập
Công trình Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX có một số điểm bất cập. Cuộc tranh luận dâm hay không dâm trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cả về quy mô, thời gian, tác động xã hội… không lớn, không dài bằng 5 cuộc tranh luận trước, vì vậy không nêu nên thành một chủ điểm học thuật lớn. Đây chỉ là một biện pháp miêu tả của nhà văn, không thành một hiện tượng văn hoá, nó không có cơ sở triết học nào để ràng buộc, nó cũng không phải là một hằng số trong lối sống như thần tượng và mốt chẳng hạn.
Chính tác giả công trình cũng thừa nhận: “Cuộc tranh luận kéo dài từ năm 1936 đến năm 1939 không có quy mô rầm rộ và cũng “không thu hút nhiều cây bút đương thời” nếu so với những cuộc tranh luận cũng diễn ra vào thời gian này. Còn “vấn đề tình dục” trong văn học, đứng từ hôm nay nhìn lại ta có thể nhận ra một vài điểm “chông chênh” trong lập luận của Vũ Trọng Phụng (Tập 2, tr1096; 1097).
Hầu hết các cuộc tranh luận văn nghệ đầu thế kỷ XX đều xảy ra trên địa bàn miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội nghìn năm văn vật. Nhưng ảnh hưởng của chúng thì lại không ở địa bàn Hà Thành. Những diễn tiến phong trào học thuật, nghiên cứu, phê bình báo chí ở Huế và ở các đô thị miền Nam cũng đã diễn ra không kém phần sôi động. Hoạt động học thuật, diễn thuyết của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp ở Huế và Sài Gòn; tờ Lục tính tân văn được nhiều học giả, nhà văn cộng tác như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc; Trương Vĩnh Ký là chủ bút của tờ Gia Định báo được viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên; Những bài thơ phê phán Tôn Thọ Tường… là những ví dụ. Công trình cần có một chương nói rõ các cuộc tranh luận và sự thắng lợi của văn chương tiến bộ, báo chí cách mạng ở miền Nam.
Mặc dù còn một vài hạn chế, công trình: Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX vẫn xứng đáng là bộ sách tư liệu quý giá, đáng tin cậy của giới văn hoá học, ngữ văn học và bạn đọc cả nước
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved