Bút danh Lộc Đình tôi dùng ký dưới một bài văn ngắn từ hồi trẻ…
Lộc là ngõ Phất Lộc, còn Đình là cái đình ấy…
Cái ngõ Phất Lộc đã từng có mặt trong văn Nguyễn Huy Tưởng,
Nguyễn Tuân, Tô Hoài... Cái ngõ Phất Lộc chắc bây giờ chẳng còn mấy dáng dấp của
70 năm trước, khi người kể những hồi ức trên rời quê hương vào Nam lập nghiệp.
Đó là một buổi trưa ngày rằm tháng Chạp năm Giáp Tuất, trời u ám, mưa phùn lất
phất và lòng người đi buồn vô hạn. Điều buồn tiếc hơn nữa là, cho đến lúc nhắm
mắt xuôi tay, nhà văn, nhà văn hóa Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê cũng không có dịp nào
được trở về...
Bây giờ thì ở thành phố Hồ Chí Minh đã có một đường mang tên
Nguyễn Hiến Lê để tưởng lệ những đóng góp của ông với văn hoá dân tộc. Bây giờ
thì sách của đã được tái bản với lượng in hàng vạn bản, xếp đầy các giá ở những
hiệu sách lớn. Nhưng hình như rất nhiều người Hà Nội vẫn còn chưa được biết ông
chính là đứa ở của đất Kẻ Chợ Thăng Long và tên tuổi ông gắn chặt một với cái
ngõ nhỏ thân yêu tự thuở thơ ấu. Ngày 22/12/2004 là kỷ niệm lần thứ 20 ngày mất
nhà văn gốc Hà Nội - Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê. Sinh năm 1912, cùng năm với Hàn
Mạc Tử, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, nhưng hình như định mệnh đã ưu ái với
ông hơn, ông đã được sống và làm việc cách đều đặn, vì chỉ mất vào năm 1984, vì
tuổi già. Song ở một khía cạnh khác, hình như định mệnh lại cũng thách ông, như
một nhà văn đã viết: trong làng văn nước nhà, có lẽ không ai dự bị vào nghề lâu
như anh: trên mười năm trời...". Cả một thời gian rất dài, mặc dù sách ông làm
ra đã ấn hành rất nhiều, tên tuổi ông vẫn không mấy được nhắc đến. Trong cuốn Từ
điển văn học, hai tập, hàng nghìn trang in khổ lớn, xuất bản 1984, không thấy
một dòng nào dành cho ông. Riêng ở Hà Nội, mươi năm trở lại đây, khi hàng loạt
sách của ông được bản, người đọc bình thường mới dần làm quen với tên một nhà
văn, một học giả: Nguyễn Hiến Lê và có lẽ cũ còn rất ít ai biết nhà văn vốn sinh
ra và trưởng thành tài từ Hà Nội.
Một lần, vào năm 1978, một nhà văn trẻ, trong khu tài liệu cho
một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thành Thăng Long, đã vào Sài Gòn, tìm đến tận
nhà thăm ông và xin được ông chỉ giáo. Qua câu chuyện khá dè dặt của một con
người thận trọng, trầm tĩnh, nhà văn trẻ được biết ông đang cố gắng để hoàn
thành một sự nghiệp với khoảng một trăm tên sách với trung bình 800 trang bản
thảo đều đặn mỗi năm, như một người bạn gần gũi, ông đã viết trong một chân dung
văn học, toàn bộ tác phẩm của ông ước đến mấy mươi nghìn trang in. Nào bút ký
văn học. Nào khảo luận. Nào nghiên cứu. Nào dịch thuật... Một sức lao động thật
kinh ngạc và đáng cho bất cứ một ai cũng phải kính trọng, khâm phục.
Và đó là những cuốn sách như thế nào?
Hãy đơn cử mấy cuốn Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, Đại cương
triết học Trung Quốc vừa ra gần đây. Với số lượng in đến mấy nghìn bản, và chắc
chắn không phải là dễ đọc lắm, vậy mà trên những quầy sách lớn Thủ đô, chỉ bày
chưa đầy ba tuần đã không dễ còn tìm mua được. Còn đến lượt cuốn Liệt tử - Dương
tử... “Từ trước tới nay chưa có một học giả nào, cựu học và tân học, mà có công
giới thiệu Cổ học Trung Hoa bằng ông Nguyễn Hiến Lê" - một nhà văn đã nhận xét.
Nhưng ông đâu chỉ am tướng triết học hay riêng triết học phương
Đông. Để có một khái niệm nào đó về nhận thức uyên bác và biên độ sáng tạo của
ông trong nhiều lĩnh vực tưởng chừng khá xa nhau, ta thử lướt qua một vài tên
sách trong danh mục rất dài gắn với tên tuổi, với thành quả lao động của
ông.
Tôi tập viết riêng Việt. Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam.
Hương sắc trong vườn văn. Trên đường thiên lý. Tổ chức công việc theo khoa học.
Đắc nhân tâm, bí quyết để thành công. Xung đột trong đời sống quốc tế. Bảy bước
thành công. Gương kiên nhẫn. Đông Kinh nghĩa thục. Đại cương văn hợc sử Trung
Quốc. Nho giáo: một triết lý chính trị. Đại cương triết học Trung Quốc (viết
chung với Chi). Sử ký Tư Mã Thiên (dịch chung với Giản Chi). Lâm Ngữ Đường: Một
quan niệm sống đẹp. Dịch L.Tônxtôi: Chiến tranh và hoà bình. Dịch bộ lịch sử văn
của Will Durant với các tập quan trọng nhất như: Văn Trung Hoa, Văn minh Ấn Độ,
Văn minh Ả Rập, Bài học lịch sử.
Từ cổ đại đến hiện đại. Từ Tây sang Đông. Từ văn học đến triết
học. Từ ngôn ngữ học đến sử học. Từ nghệ thuật là đến nghệ thuật kinh doanh. Cả
về Đông y, về Tử vi, Dịch lý, về Địa lý phong thuỷ... Tưởng như không một lĩnh
vực nào ông không quan tâm. Ông xứng đáng là một nhà bách khoa uyên bác đáng tin
cậy. Có lẽ, thấm sâu những tư tưởng Lão - Trang, ông đã cố để cho đời đừng biết
đến mình. Ông sống lặng lẽ, làm việc lặng lẽ, cố đem những gì tiến bộ nhất trong
tư tưởng, trong khoa học là mình hiểu biết để giúp đỡ. Và lý tưởng của nhà văn
đơn giản chỉ vậy thôi. Như một người bạn của ông kể lại, cứ xét lối làm việc thì
ông là người mới? Có tổ chức, có phương pháp như một nhà khoa học, nhưng xét về
lối sống, lối cư xử thì ông là một người cổ: thanh bạch, giản dị, chỉ ưa sách và
hoa, ghét sự ồn ào, nhất là ồn ào của danh vọng, tính tình có vẻ hơi nghiêm, đối
với bạn bè thì chân thành nhưng đượm vẻ đạm bạc của nhà nho... Cũng có lẽ, vì
thế, mà cho đến nay, sự nghiệp của ông lớn lao là thế, hữu ích là thế mà hầu như
vẫn nằm trong khuất lấp. Có cả một công trình của nhà nghiên cứu in về ông,
những chân dung do họ, do học trò, đồng nghiệp ông viết lại, trân trọng, kính
phục.
Một lần, ông tâm sự: 'Tất nhiên ai viết thì cũng mong sách bán
được, tôi đã sống chuyên về cây viết thì lại càng không thể bỏ qua phương diện
đó. Nhưng có những cuốn tôi biết rằng bán sẽ rất chạy mà không khi nào tôi viết.
Lại có những cuốn tôi biết chắc rằng không bán được mà tôi vẫn bỏ ra mấy năm để
viết... Điều quan trọng là ta phải thành thực với mình. Và chưa bao giờ tôi viết
một cuốn sách nào mà không thành thực với tôi, mà không thích nó, không tin rằng
nó có ích” Tưởng không có lời nào chính xác hơn về ông.
Từ rất lâu, tên tuổi Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) đã được nhiều
người biết tới như một nhà văn, một học giả, một nhà giáo dục và hoạt động văn
hóa độc lập, với 120 tác phẩm biên soạn và dịch thuật để đời có giá trị, thuộc
đủ mọi lãnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du
ký... Ngoài ra, thế hệ hậu bối còn noi gương được ở ông nhiều thứ: gương tự học,
tinh thần làm việc nghiêm túc, và nhất là nhân cách cao thượng của một người trí
thức chân chính.
Ông Nguyễn Hiến Lê không trực tiếp làm chính trị, nhưng lúc nào
cũng đau đáu lo việc cho đời, bằng cách thế hoạt động của riêng mình. Ông tin ở
các giá trị văn hóa như một yếu tố sức mạnh tinh thần có ý nghĩa quyết định cho
tương lai của dân tộc hơn là những hành động chính trị nhất thời, nên đã tận tụy
làm việc cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, tìm mọi cách lay động trái tim con
người nhằm phổ biến và cổ vũ cho những ý tưởng nhân bản thâu góp từ đông tây kim
cổ mà ông thấu hiểu và đề nghị mọi người chia sẻ như là căn bản của một nền
chính trị bền vững khả dĩ mang lại cuộc sống phát triển trong ổn định và ấm no
hạnh phúc của nhân dân.
Đời sống bản thân ông khiêm tốn, giản dị, làm việc
nhiều hưởng thụ ít, không thích ồn ào, nhưng tư tưởng, tâm hướng và lòng ông thì
thật sâu kín, rộng rãi, nồng nàn, có lẽ vì thế mà viết ra điều gì cũng với lời
văn giản dị, dễ hiểu, trung thực với ý mình. Ông luôn đứng về phía nhân dân lao
động nghèo khổ mà cả một thời thơ ấu hàn vi ông đã từng chia sẻ, nên đã mạnh dạn
phê phán những hành vi sai trái của các nhà đương cuộc mà ông luôn quy trách
nhiệm chính cho những tình trạng suy bại xã hội của mọi thời. Trước sau ông
không xu phụ, thỏa hiệp với giới cầm quyền đương thời để được hưởng những đặc
quyền trong xã hội. Mặc dù vậy, tâm huyết của ông cũng không được đời đáp ứng là
bao, nên không tránh khỏi có những lúc phải ngậm ngùi chua xót cho sự bất lực
của mình trước thời cuộc. Tâm sự của ông có lẽ cũng giống như Tô Thức, một tác
giả Trung Quốc ông yêu thích mà có lần ông đã dẫn chứng mấy câu thơ: Thẹn hoài
cho người nước này, đau xót như có gai đâm trong da thịt, bình sinh đọc năm ngàn
quyển sách, nhưng không có một chữ nào cứu đói cho dân được.
Nhiều người hiểu Nguyễn Hiến Lê hơn qua tập Hồi ký (NXB Văn Học, 1993) và Đời
viết văn của tôi do ông tự viết (NXB Văn Hóa, 1996). Ông cũng tự kể về cuộc đời
và việc làm của mình qua bài trả lời phỏng vấn khá dài của ông Nguyễn Ngu Í đăng
trên tạp chí Bách khoa (1965) trong mục “Sống và viết với...”, rồi in thành sách
(1966), và một bài khác nữa do ông Lê Phương Chi thực hiện (in trong tập Tâm
tình văn nghệ sĩ, NXB Thanh Niên, 2001). Ngoài ra còn có cả một tập tiểu sử
Nguyễn Hiến Lê, cuộc đời và sự nghiệp của Châu Hải Kỳ (NXB Văn Học, 1993) dày
đến trên 300 trang. Để tìm hiểu về ông, tưởng như thế cũng đã tạm đủ. Tuy nhiên
càng về sau, nhất là khi sách Nguyễn Hiến Lê được xuất bản sau thời kỳ chuyển
hình của đất nước (mà người khai phá đầu tiên là ông Ba Kính, giám đốc NXB Long
An trong những năm 90), nhiều người càng biết rõ chân giá trị những tác phẩm của
ông hơn, cũng như chí hướng và lòng tinh thành mà ông đã gởi gắm hết vào, thì có
nhiều tác giả lại viết thêm về ông đứng từ những góc độ nhìn khác nhau.
Theo Văn hiến Việt Nam