Pháp nhiên thượng nhân vãng sanh
TVĐĐ - 04/15/2010
Đệ tử Tín Không thưa với ngài: “Từ xưa đến nay, các vị cổ đức khi qua đời đều có di tích. Nay thầy sắp mất mà chưa có một tinh xá nào, vậy khi thầy nhập diệt lấy chỗ nào làm di tích?” Ngài đáp: “Nếu lấy một bảo tháp làm di tích thì di pháp chẳng phổ biến! Vì sao? Hoằng hóa Niệm Phật là khuyến hóa một đời của lão già ngu muội nầy. Sau khi thầy vãng sanh chớ nên tạo tháp miếu. Bất luận là sang hèn, đạo tục, hễ nơi nào có Niệm Phật thì chỗ đó là di tích của thầy!Khai-thị của Pháp-Nhiên Thượng-Nhân cho đệ-tử lúc lâm chung: Thầy mấy chục năm nay, công phu Niệm-Phật tích-lũy, được bái-kiến Cực-Lạc Trang-Nghiêm và Chân-thân của Phật, Bồ-tát là chuyện bình-thường. Nhưng nhiều năm giữ kín mà không nói ra, nay đã đến lúc tối-hậu nên bày tỏ đôi chút. Thầy nếu đoan-tọa (ngồi kiết-già) mà vãng-sinh, người đời hẳn-nhiên bắt chước. Mà cái thân người bệnh, cử động khó khăn, e rằng họ sẽ mất chánh-niệm. Vì vậy nay Thầy nằm thẳng mà ra đi. Bổn-Sư Thích-Tôn đã thị-hiện đầu Bắc, diện Tây (nằm nghiêng bên phải, đầu hướng Bắc, mặt hướng Tây) mà viên-tịch, đó cũng là vì chúng-sinh vậy. Thầy làm sao hơn Đức Thích-Tôn được! TỐI HẬU DI HUẤN (NHẤT CHI MAI KHỞI THỈNH VĂN) (ICHIMAI KISHÒMON) Chẳng phải là Niệm Phật theo lối quán niệm mà các bậc trí giả Trung Hoa, Nhật Bản thường nói đến. Cũng chẳng phải là Niệm Phật theo lối phải thâm nhập kinh tạng để thấu hiểu thâm nghĩa của Niệm Phật. Chỉ nghĩ rằng: “Để vãng sanh Cực Lạc, thì xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật là quyết định vãng sanh không nghi ngờ” mà xưng niệm, ngoài ra không có thâm áo gì khác. Bởi vì điều gọi là Tam Tâm, Tứ Tu đều đã quyết định bao hàm trong tưởng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật, quyết định vãng sanh”. Ngoài đó ra, nếu còn có gì thâm áo khác là ở ngoài lòng từ mẫn của hai Đấng Từ Tôn, lọt khỏi Bổn Nguyện. Người muốn tin Niệm Phật thì dù cho có thể học hết giáo pháp một đời của Đức Thích Ca, cũng thành ra kẻ một chữ chẳng biết, ngu độn như hạng vô trí. Chớ hiện ra vẻ trí giả, hãy một mực Niệm Phật Tôi in vào đây cả hai bàn tay của tôi để xác nhận di huấn nầy. Tín tâm và tu hành của người tu Tịnh Độ đã được giải bày đầy đủ nơi đây. Đối với tôi, không còn gì để nói nữa. Tôi đã viết hết những điều cốt tủy ở đây để ngăn ngừa những dị kiến sau khi tôi ra đi. Ngày 23 tháng giêng năm thứ hai đời Kiến Lịch
Nguyên Không
TIỂU SỬ PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN Pháp-Nhiên Thượng-Nhân là Khai-Tổ của Tông Tịnh-Độ Nhật-Bản. Ngài sinh năm 1133. Thân-phụ của ngài là một vị quan thời đó. Do đã quá tứ-tuần mà vẫn chưa có con nối dõi, nên cha mẹ ngài đã trai-giới thanh-tịnh rồi vào chùa tụng kinh 7 ngày đêm để xin Phật gia-hộ. Đến đêm thứ bảy, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, mẹ ngài thấy một lão tăng đưa cho bà một con dao dùng để cạo đầu người xuất-gia, bảo bà nuốt. Sau đó bà hoài thai. Cha ngài đã đoán rằng sẽ sinh con trai và sau này xuất-gia làm một Đại-sư lỗi-lạc. Từ khi mang thai ngài, thân tâm của mẹ ngài trở nên an-lạc lạ thường, bà phát tâm ăn chay trường và thâm tín Tam-Bảo. Khi đản-sinh ngài, có hai luồng hào quang ở trên không chiếu xuống, tiếng chuông lảnh-lót. Đầu ngài vuông-vắn có góc, mắt hai tròng, tướng-mạo phi-phàm. Năm ngài lên chín, phụ-thân ngài bị địch quân sát hại. Trước khi qua đời, kêu ngài đến và dạy rằng: "Nầy con! Đây là túc-nghiệp của cha, tuyệt đối không nên ôm hận báo-thù. Hãy nhớ rằng oán không thể diệt oán! Nếu mang cái tâm báo-thù thì đời đời kiếp kiếp sẽ giết hại lẫn nhau không bao giờ dứt. Mình biết đau thì người khác cũng biết đau. Ta tiếc mạng sống thì kẻ khác cũng biết tiếc mạng sống. Con sau này thành nhân, hãy cầu vãng-sinh Cực-Lạc, lợi-lạc bình-đẳng cho người và mình!". Dặn dò xong xuôi, cha ngài lớn tiếng Niệm-Phật mà an ổn qua đời. Năm 14 tuổi, tuân theo di-ngôn của thân-phụ, ngài xuất-gia với Pháp-sư Giác-Quán ở chùa Bồ-Đề tại quê nhà. Ngài huệ-giải mẫn-tiệp, nhất văn thiên ngộ. Pháp sư Giác-Quán thấy ngài khí-lượng bất phàm, không nỡ để ngài bị mai một, nên đưa ngài lên Tỷ-Duệ Sơn -- một tự-viện nổi tiếng ở kinh-đô -- để tham học với Pháp-sư Nguyên-Quang. Đến ở Tỷ-Duệ Sơn không bao lâu thì Pháp-sư Nguyên-Quang bảo rằng: "Đây là tuấn-mã. Không thể để uổng phí ở đây!", rồi đưa ngài đến A-xà-lê Hoàng-Viên, một bậc Tông-sư của Tông Thiên-Thai thời đó. Vừa thấy ngài, Tổ Hoàng-Viên đã nói rằng: "Hồi hôm ta nằm mộng, thấy một vầng trăng tròn chiếu vào chùa. Phải chăng đây là điềm lành báo trước!", rồi thu nhận ngài làm đệ-tử, bấy giờ ngài mới 15 tuổi. Chưa đầy 3 năm sau, ngài đã thấu-triệt tất cả những áo-diệu của Giáo-Pháp Thiên-Thai. Tổ Hoàng-Viên đã có ý trao truyền tổ-vị cho ngài. Nhưng ngài không muốn bị ràng buộc bởi danh-lợi nên quyết tâm ra đi. Năm 18 tuổi, ngài ẩn-tu ở núi Hắc-Cốc, tham học với Hòa-thượng Duệ-Không, một bậc Tông-tượng của Mật-Tông thời bấy giờ. Thấy ngài khí-độ phi-phàm, dù rằng tuổi còn nhỏ mà không cần phải sách-lệ, nên đặt pháp-hiệu cho ngài là Pháp-Nhiên (có nghĩa là ‘Pháp vốn như vậy’), và pháp-danh là Nguyên-Không (lấy chữ ‘Nguyên’ của Đại-sư Nguyên-Quang và chữ ‘Không’ của Đại-sư Duệ-Không). Tại đây, ngài được truyền-thụ Viên-Thừa Đại-Giới và Du-Già Bí-Pháp. Không những thông-tuệ, ngài còn rất hiếu học. Tất cả Kinh, Luật, Luận đều được ngài duyệt đọc cẩn thận. Ngài còn nghiên-cứu tường-tận về mọi tông-phái. Không những thế, ngài lại đọc khắp bách gia của cả Trung-Hoa lẫn Nhật-Bản. Ngài từng nói rằng: "Bất cứ kinh-điển hay sách vở gì, hễ tôi đọc qua vài lần là tự-nhiên thấu-triệt, không cần phải suy-nghĩ". Bởi thế, ngài tinh-thông mọi Tông-phái mà không cần phải học với ai cả. Ngài duyệt đọc Đại-Tạng cả thảy 5 lần và được đương-thời tôn-xưng là Trí-Huệ Đệ-Nhất. Về phương-diện tu-hành, ngài cũng có rất nhiều chứng-nghiệm. Có lần ngài nhập thất 21 ngày tu Pháp-Hoa Tam-Muội, cảm Đức Phổ-Hiền cỡi voi trắng đến chứng minh, Sơn-Vương Thần-Tướng hiện hình thủ-hộ. Khi ngài duyệt đọc Kinh Hoa-Nghiêm, có con rắn nhỏ màu xanh nằm khoanh trên bàn. Thị giả Tín-Không thấy vậy rất sợ-hãi, dùng cây đem rắn ra ngoài. Khi trở vào, lại thấy nằm nguyên ở chỗ cũ. Đêm đó Tín-Không nằm mộng thấy một con rồng lớn đến bảo rằng: "Tôi là Long-Thần thủ-hộ Kinh Hoa-Nghiêm, xin đừng sợ-hãi.". Mỗi lần ngài nhập-thất tu Chân-Ngôn Mật-Quán là cảm-ứng các điềm lành như liên-hoa, bảo-châu, yết-ma...v.v hiện ra. Rất nhiều lần ngài đọc kinh ban đêm mà không cần đốt đèn. Ánh sáng phát ra từ trán của ngài hoặc từ trong thất. Những điều lạ thường như trên, kể ra không xiết. Nhưng dù vậy, ngài vẫn còn băn-khoăn chưa thật sự an tâm. Trong cả Đại-Tạng-Kinh, ngài hâm mộ nhất là Bộ ‘Quán-Kinh-Sớ’ của Tổ Thiện-Đạo. Ngài đọc đi đọc lại nhiều lần và bỗng-nhiên ngộ được ý-chỉ DI-ĐÀ SIÊU-THẾ NGUYỆN. Ngài vô cùng hoan-hỷ, chẳng khác gì trong đêm tối mà gặp được minh đăng. Ngài lập-tức xả bỏ tất cả những pháp-môn đã và đang tu, rồi nhập-thất chuyên tu Tịnh-Độ, Niệm-Phật Vãng-Sinh. Trong thời gian ẩn-tu Niệm-Phật, có đêm ngài nằm mộng thấy Đại-sư Thiện-Đạo đến bảo với ngài rằng: "Tôi là Sư Thiện-Đạo đời Đường. Ông có thể hoằng-dương Chuyên-Tu Niệm-Phật, nên tôi đến để chứng-minh. Từ nay ông có thể hoằng-pháp thịnh-hóa khắp cả bốn phương." Năm 43 tuổi, ngài rời Hắc-Cốc đến trụ-tích ở Đông-Cát-Thủy và khai sáng Tông Tịnh-Độ. Trước đó, tuy có không ít người Niệm-Phật nhưng không có Tông Tịnh-Độ riêng biệt. Từ đây, Tông Tịnh-Độ xuất hiện và liên-tục truyền-thừa cho đến thời hiện-đại ở Nhật-Bản. Đây là một điểm đặc-sắc cần lưu-ý, vì ở Trung-Hoa không hề có Tông Tịnh-Độ, và dĩ-nhiên không có sự kế-thừa. Các Đại-sư hoằng-dương Tịnh-Độ ở Trung Hoa có tính cách tự phát và chỉ ở trong đời của các ngài mà thôi. Từ khi ngài khai-xướng Tông Tịnh-Độ, những cảm-ứng linh-dị cũng nhiều không kể xiết. Xin kể đôi điều để tăng lòng kính-tín. Đương thời tể-tướng Đằng-Nguyên Kiêm-Thực rất ngưỡng-mộ Thượng-Nhân. Có lần thỉnh Ngài vào điện Nguyệt-Luân để tham vấn về Tịnh-Tông yếu-nghĩa. Giảng xong ngài từ biệt ra về, khi đi đến cây cầu ở trước điện, tể-tướng quỳ lạy dưới đất không cầm được nước mắt, giây lâu mới quay lại hỏi các người tùy-tùng: "Vừa rồi các ngươi có thấy Thượng-Nhân trên đầu có hào-quang, dưới chân có hoa sen đỡ rời khỏi mặt đất, hình dáng giống như Đức Đại-Thế-Chí hay không?". Có người thấy, có người không. Từ đó cầu nầy được đặt tên là cầu Viên-Quang. Có lần cử hành Niệm-Phật Thất 21 ngày ở chùa Linh-Sơn. Vào nửa đêm ngày thứ 5, có vài người thấy Đức Đại-Thế-Chí cùng với đại-chúng kinh-hành Niệm-Phật nên vội đảnh lễ. Giây lát ngước lên thì hình Đức Đại-Thế-Chí biến thành hình Thượng-Nhân. Do đó mới biết rằng ngài là hóa-thân của Đức-Đại-Thế-Chí. Từ khi Thượng-Nhân sáng-lập Tông Tịnh-Độ thì cơ hóa-độ thịnh-hành vô cùng. Từ vua chúa, công-khanh cho đến hạng dân-giả đều qui-ngưỡng ngài. Và hẳn nhiên cũng không thiếu kẻ ganh-ghét ngài. Do lỗi lầm của đệ-tử, ngài bị vu-cáo và phải bị đi đày một thời-gian ngắn. Nhưng ngài vẫn an-nhiên dạy đạo cho bất cứ ai đến tham vấn mà không hề phân biệt. Cũng nhờ lần đi đày nầy mà nhiều người có dịp gặp ngài và được vãng-sanh. Ngài vãng-sanh vào lúc giữa trưa ngày 25 tháng 2 năm 80 tuổi (1212). Trước đó vài ngày, ngài nói với các đệ-tử: "Tiền thân của thầy là một vị tăng ở bên Thiên-Trúc (Ấn-Độ cổ thời), thường tu hạnh đầu-đà. Nay đến chốn này học Thiên-Thai Tông, sau rốt mở Tịnh-Độ Tông, hoằng-dương Niệm-Phật.". Đệ-tử Thế-Quán hỏi: Thưa thầy! Là vị nào? Ngài đáp: Là ông Xá-Lợi-Phất. Lại có đệ-tử khác hỏi: Thầy nay có vãng-sinh về Thế-giới Cực-Lạc không? Ngài đáp: Thầy vốn là người của Cực-Lạc thì dĩ-nhiên trở về Cực-Lạc. Các đệ-tử thiết-trí tượng Đức Phật A-Di-Đà và xin ngài chiêm-ngưỡng. Ngài lấy tay chỉ lên không mà nói rằng: "Phật hiện Chân-thân kìa, các con có thấy không? Thầy mười mấy năm nay thường thấy Chân-thân của Phật, Bồ-tát và Cực-Lạc Trang-Nghiêm, nhưng tuyệt-đối không nói với ai. Nay sắp lâm-chung, nên không ngại gì mà không nói cho các con biết." Ngày 22 các đệ-tử đều đi nghỉ hết, chỉ còn một mình Thế-Quán hầu ngài. Có một người đàn-bà đi xe đến và xin được gặp riêng Thượng-Nhân. Hai người đàm-đạo rất lâu. Khi bà ra về, Thế-Quán rất lấy làm lạ nên mới đi theo sau nhưng chẳng bao xa thì bà đột-nhiên biến mất. Thế-Quán vào hỏi Thượng-Nhân. Ngài đáp: "Bà đó là phu-nhân Vi-Đề-Hy!". Từ ngày 23 cho đến ngày 25, ngài lớn tiếng Niệm-Phật cùng với đại-chúng để kết duyên lần cuối. Đến giữa trưa ngày 25, ngài đắp y tăng-già-lê, đầu Bắc diện Tây (nằm nghiêng bên phải, mặt quay về phía Tây) tụng bài kệ: ‘Quang-minh biến-chiếu, Thập-phương thế-giới, Niệm-Phật chúng-sanh, Nhiếp-thủ bất-xả’ (Ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới. Thu nhiếp chẳng rời chúng sanh Niệm-Phật) (Kinh Quán Vô Lượng Thọ) rồi an-nhiên thị-tịch, thế-thọ 80, tăng-lạp 66. Trước khi ngài vãng sinh 5 ngày (ngày 20) mây ngũ sắc giống như tranh Phật che phủ chùa, khiến cho tất-cả đại-chúng được thấy đều rơi lệ. Các đệ-tử nói rằng: "Đã có mây lành hiện ra thì Thầy sắp vãng-sinh rồi!". Ngài bảo: "Lành thay! Những người được thấy nghe hẳn sẽ tăng-trưởng tín-tâm!". Sau khi ngài vãng-sinh 16 năm, các đệ-tử mở kháp đá đựng di-thể của ngài thì toàn thân vẫn như cũ, dung mạo từ-hòa. Đệ-tử tăng tục hơn 1000 người hộ-tống di-hài ngài về Tây-Giao làm lễ trà-tỳ. Trong khi làm lễ, mây lành hiện ra, hương thơm phảng-phất trên các cây tùng nên từ đó nơi nầy có tên là ‘Tử-Vân Tùng’, hiện nay là chùa Quang-Minh. Tác-phẩm quan-trọng nhất của ngài là TUYỂN-TRẠCH BỔN-NGUYỆN NIỆM PHẬT TẬP đang được chuyển dịch sang Việt-Ngữ .
Trích trong "Niệm Phật Tông Yếu"
|