Home » » NGHIÊN CỨU TRONG THẾ KỈ XX VỀ LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRUNG QUỐC

NGHIÊN CỨU TRONG THẾ KỈ XX VỀ LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRUNG QUỐC

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012 | 04:19

NGHIÊN CỨU TRONG THẾ KỈ XX
VỀ LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRUNG QUỐC
TRƯƠNG HẢI YẾN
Lịch sử tư tưởng là lịch sử nhận thức của nhân loại, phạm vi nghiên cứu của lịch sử tư tưởng bao gồm: tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị xã hội, tư tưởng lôgic cũng như hoạt động tri nhận và hệ thống quan niệm của tất cả các lĩnh vực tôn giáo, luân lý, khoa học, kinh tế, văn học, sử học. Việc nghiên cứu trong thế kỉ XX về lịch sử tư tưởng Trung Quốc đã trải qua quá trình lịch sử phát triển diễn tiến từ “tiền hiện đại” và “cận khoa học” hướng đến “hiện đại hóa” và “khoa học hóa”. Cũng giống như xã hội Trung Quốc trong thế kỉ XX, việc nghiên cứu ấy không thiếu những gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng đến ngày nay, có thể nói là về căn bản đã xây dựng được mô hình nghiên cứu, hệ thống khoa học, đội ngũ nghiên cứu và công trình kinh điển mà một ngành khoa học hiện đại cần có. Nhìn lại lịch trình phát triển của việc nghiên cứu trong 100 năm qua về lịch sử tư tưởng Trung Quốc là một việc làm rất có ý nghĩa.
1. Mở đường cho nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc: Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của Hồ Thích [1]
Việc sử dụng phương pháp khoa học cận hiện đại để nghiên cứu lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng Trung Quốc được bắt đầu từ cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) 中国哲学史大纲(上) (Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc – tập thượng) của Hồ Thích 胡适do Thương vụ ấn thư quán xuất bản năm 1919. Hồ Thích từng du học ở Mĩ, tiếp thu triết học thực dụng chủ nghĩa của John Dewey, luận án tiến sĩ của ông thực hiện ở Mĩ với đề tài Tiên Tần danh học sử 先秦名学史(Lịch sử danh học Tiên Tần) [2], đây là một công trình liên quan đến lịch sử tư tưởng, chú trọng thảo luận tư tưởng lôgic của Mặc gia và Danh gia Tiên Tần. Cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của ông vốn được mở rộng và bổ sung trên cơ sở luận án Tiên Tần danh học sử thực hiện tại Mĩ và giáo án về lịch sử triết học Trung Quốc mà ông giảng tại Đại học Bắc Kinh.
Thật ra, từ đầu thế kỉ XX, trước khi cuốn sách của Hồ Thích ra đời đã có bộ Trung Quốc triết học sử 中国哲学史(6 quyển) của Tạ Vô Lượng 谢无量, bộ sách này do Trung Hoa thư cục in năm 1916. Nhưng cuốn sách của Hồ Thích có tính cách mạng và đột phá về phương pháp, mở ra con đường mới cho nghiên cứu lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng.
Về ý nghĩa mục đích của việc nghiên cứu lịch sử triết học, trong “Lời mở đầu” của cuốn sách trên, Hồ Thích đã chỉ ra 3 điểm sau: 1). Minh biến 明变[làm rõ sự thay đổi], nhiệm vụ quan trọng nhất của lịch sử triết học là ở chỗ làm cho người học biết được đầu mối cho sự thay đổi tư tưởng xưa nay; 2). Cầu nhân 求因[tìm nguyên nhân], mục đích của lịch sử triết học không chỉ là phải chỉ ra đầu mối cho sự thay đổi tư tưởng triết học, mà còn phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ấy, nhìn chung có 3 nguyên nhân sau: một là tài năng cá nhân không giống nhau, hai là thời thế không giống nhau, ba là tư tưởng học thuật không giống nhau; 3). Bình phán 评判[phê bình], kể cả khi đã biết được nguyên nhân dẫn đến thay đổi của tư tưởng thì trách nhiệm của lịch sử triết học vẫn chưa trọn vẹn, mà người học còn phải biết được giá trị của các học thuyết của mỗi học phái, đó gọi là “bình phán”.
Về đặc sắc và cống hiến của Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng), Thái Nguyên Bồi 蔡元培trong bài Tựa cho sách này đã có những bàn luận xác đáng, ông khái quát những đột phá về phương pháp luận của Hồ Thích trong cuốn sách này thành bốn điểm dưới đây:
Một là phương pháp chứng minh. Chúng ta khi nghiên cứu các nhà triết học, nếu không thể khảo sát sự thật về thời đại sống của họ thì không thể biết nguồn gốc tư tưởng của họ, nếu không thể biện biệt chân ngụy những sách vở họ để lại thì không thể lột tả được học thuyết bản nguyên của họ, nếu không thể biết được phương pháp biện chứng mà họ sử dụng thì không thể phát hiện xem trong lời bàn luận của họ có mâu thuẫn hay không. Những nghiên cứu về ba bộ phận này đã chiếm gần 1/3 dung lượng của cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng), điều đó không chỉ thể hiện sự lao tâm khổ tứ của cá nhân tác giả, mà còn mở ra rất nhiều gợi ý cho các học giả sau này.
Hai là cách thức ngắn gọn. Tư trưởng triết học của dân tộc Trung Quốc đã có ngay từ trước thời Lão tử và Khổng tử, điều này không có gì phải nghi ngờ. Nhưng nếu phải rút ra tư tưởng triết học tinh túy từ những ghi chép nửa thần thoại nửa lịch sử chính trị ấy để biên soạn một cách có hệ thống, thì nhất thiết phải hao tổn rất nhiều thời gian mới có thể thành công. Lịch sử phát triển tư tưởng của các triết gia cổ đại Trung Quốc mà tiên sinh Thích Chi [3] nhận định trong cuốn sách này không phải là lịch sử phát triển tư tưởng triết học của dân tộc Trung Quốc, vậy nên không thể có cách nào tốt hơn việc phân chia thành nhiều dòng phái để trình bày từ Lão tử và Khổng tử trở đi.
Ba là nhãn quan công bằng. Ngày xưa khi phê phán triết học, nếu chẳng phải là tôn Mặc phê Nho, thì sẽ là tôn Nho phê Mặc. Vả lại kể cả khi cùng là Nho gia, thì Tuân tử vẫn phê Mạnh tử, người sùng bái Mạnh tử lại cũng phê Tuân tử. Nho giả đời Hán đời Tống sùng bái Khổng tử, bài xích chư tử; người thời cận đại mang nỗi bất bình thay cho chư tử nên lại có ý cười nhạo Khổng tử. Đó đều chỉ là tức giận mà thôi! Cuốn sách này của tiên sinh Thích Chi khi trình bày về chư tử sau thời Lão tử thì ai cũng có sở trường, ai cũng có sở đoản, đều trả lại bản lai diện mục cho họ, thế là hết sức công bằng.
Bốn là nghiên cứu có hệ thống. Cổ nhân khi nghiên cứu đều dùng phép đồng cấp, cuốn sách của tiên sinh Thích Chi không chỉ Khổng Mặc hai nhà có chỗ kế tục khả khảo, mà còn thường xuyên chỉ ra dấu tích của sự thay đổi. Nếu từ Lão tử tới Hàn Phi, cổ nhân thường chia thành Đạo gia và Nho – Mặc – Danh – Pháp chư gia; nay ông đổi thành đối chiếu thời đại, so sánh quan niệm, đều có lớp lang diễn biến tầng bậc có thể thấy rõ. Đây là điều chưa thấy được ở cổ nhân [4].
Trên đây đã kể ra cái gọi là minh biến, cầu nhân, bình phán của bản thân Hồ Thích, và những điều “phương pháp chứng minh”, “nhãn quan công bằng”, “nghiên cứu có hệ thống” mà Thái Nguyên Bồi đã nói, rõ ràng là có khí tượng tinh thần của triết học và khoa học cận đại phương Tây, chịu ảnh hưởng của phương pháp hình thức trong nghiên cứu lịch sử triết học của phương Tây. Đặc biệt cần chỉ ra là, Hồ Thích là học trò của John Dewey – triết gia chủ nghĩa thực dụng (chủ nghĩa thực nghiệm) của nước Mĩ, chủ nghĩa thực dụng coi trọng sự thật kinh nghiệm và hiệu quả tác dụng, vậy nên Hồ Thích khi nghiên cứu lịch sử triết học đã nhấn mạnh rằng, cần phải coi hiệu quả khách quan, ảnh hưởng và giá trị của học thuyết tư tưởng là những tiêu chuẩn để đánh giá mỗi học thuyết tư tưởng. Những phương pháp và đặc sắc này không chỉ khiến cho cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của Hồ Thích khác hẳn với những tác phẩm lịch sử học thuật tư tưởng của Trung Quốc thời cổ đại như Trang tử - Thiên hạ thiên 庄子·天下篇, Tuân tử - Phi thập nhị tử 苟子·非十二子, Luận lục gia yếu chỉ 论六家要旨của Tư Mã Đàm 司马谈, Tống Nguyên học án 宋元学案, Minh Nho học án 明儒学案, Quốc triều học án tiểu chí 国朝学案小识…, bởi sự tự giác và đầy đủ về sự sáng tạo phương pháp cũng khiến cho cuốn sách này khác biệt với những trước thuật về lịch sử tư tưởng của những học giả ít nhiều thẩm thấu Tây học như cuốn Trung Quốc học thuật tư tưởng biến thiên chi đại thế 中国学术思想变迁之大势(Xu thế lớn trong thay đổi tư tưởng học thuật Trung Quốc) của Lương Khải Siêu 梁启超và Quốc cố luận hành 国故论衡(Bàn về quốc học) của Chương Thái Viêm 章太炎. Cuốn sách của Hồ Thích vừa ra đời đã gây chấn động đối với học giới Trung Quốc lúc ấy, mới hai tháng đã được tái bản, cũng thật có cái ý vị “đắt như giấy Lạc Dương” [5]. Ý nghĩa của cuốn sách của Hồ Thích, nói cho gọn lại, đã khai sáng ra mô hình mới trong nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc. Nhưng vẫn còn một số thiếu sót ở chỗ, cuốn sách này dành quá nhiều dung lượng cho phần biện chân ngụy cho tư liệu và khảo đính văn tự; còn về tư tưởng của các triết gia, ngoài những trình bày khá sâu về Danh gia và Mặc gia, những phần khác nếu nhìn bằng con mắt ngày nay thì viết còn quá sơ sài, không đủ tỉ mỉ. Một điều rất đáng tiếc nữa là, quyển thượng của cuốn sách này giới hạn về mặt thời gian chỉ đến đời Tiên Tần, ông đặt kế hoạch viết quyển hạ về phần trung đại và cận đại, tuy ông luôn dằn vặt suy tư về kế hoạch ấy, nhưng rốt cuộc không thể hoàn thành, thật đáng tiếc thay! Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) là một chuyên luận có tính khai sáng kể từ thời cận đại trở đi, áp dụng phương pháp và quan điểm hoàn toàn mới để nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc, nhưng đây cũng là một tác phẩm chưa hoàn thiện. Đối với việc nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc theo ý nghĩa hiện đại, Hồ Thích tuy có công khai sơn phá thạch, nhưng cũng có điều đáng tiếc là chưa trọn vẹn.
2. Tập đại thành cho nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc: Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan [6]
Giống như Hồ Thích, Phùng Hữu Lan 冯友兰cũng từng du học tại Mĩ. Ở Mĩ, ông tiếp thu “chủ nghĩa hiện thực mới” (tân thực tại luận 新实在论) của phương Tây, luận án tiến sĩ Nhân sinh lý tưởng chi tỉ giảo nghiên cứu 人生理想之比较研究(Nghiên cứu so sánh về lý tưởng nhân sinh) [7] thiên về luân lý học. Sau khi họ Phùng về nước, năm 1931 ông in quyển thượng của bộ Trung Quốc triết học sử 中国哲学史tại nhà xuất bản Thần Châu Quốc Quang ở Thượng Hải, ba năm sau Thương vụ ấn thư quán in đồng loạt hai quyển thượng và hạ. Bộ Trung Quốc triết học sử gồm hai quyển này, trên bắt đầu từ Khổng tử thời Tiên Tần, dưới đề cập đến kinh học đời Thanh, là một bộ “thông sử”, “toàn sử” dùng phương pháp và quan điểm mới để nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc. Còn về những thành tựu và bất cập của Trung Quốc triết học sử, bản thân tác giả Phùng Hữu Lan trong tác phẩm tự truyện mang tính học thuật Tam Tùng đường tự tự 三松堂自序đã nói rõ hai điểm thành tựu và hai điều bất cập. Về thành tựu: một là xưa nay người ta cho rằng Danh gia thời Tiên Tần chính là Danh học, biện luận chính của họ là “hợp đồng dị” 合同异, “li kiên bạch” 离坚白. Nhưng họ Phùng thì cho rằng các biện giả Tiên Tần thật ra có thể chia thành hai phái, một phái đứng đầu là Huệ Thi 惠施, chủ trương “hợp đồng dị”, một phái đứng đầu là Công Tôn Long 公孙龙, chủ trương “li kiên bạch”; hai là xưa nay người ta cho rằng tư tưởng của hai anh em Trình Hạo 程颢và Trình Di 程颐là hoàn toàn nhất trí, nhưng họ Phùng cho rằng tư tưởng triết học của hai người khác nhau, Trình Hạo là người mở đường cho tâm học sau này, còn Trình Di là người mở đường cho lý học sau này. Về hai nhược điểm lớn trong cuốn sách, Phùng Hữu Lan cho rằng, nhược điểm thứ nhất là viết về Phật học còn nông cạn, nhược điểm thứ hai là viết về thời Minh Thanh còn quá giản lược, ví như đối với những đại gia tầm cỡ Vương Phu Chi 王夫之mà trong sách cũng chỉ nói cưỡi ngựa xem hoa [8].
Tuy đều dùng phương pháp mới để nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc, nhưng hai bộ sách kể trên của họ Hồ và họ Phùng lại có những thiên hướng và đặc điểm khác nhau. Nói cho gọn, Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của Hồ Thích rất dụng công trên phương diện khảo chứng văn tự và biện ngụy tư liệu, chiếm rất nhiều dung lượng; còn Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan nhấn mạnh sự đào xới về tư tưởng và phát dương về nghĩa lý. Về đặc điểm của hai cuốn sách, Phùng Hữu Lan khái quát thành sự bất đồng giữa hai phương pháp “Hán học” và “Tống học” [9]. Tất nhiên, xét về trình độ học thuật tổng thể, cuốn Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan vượt trên cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của Hồ Thích, mặc dù Hồ Thích không đánh giá như vậy đối với con người và tác phẩm của Phùng Hữu Lan.
Cuốn Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan được in bản dịch tiếng Anh tại nhà xuất bản Đại học Princeton năm 1953 [10], dịch giả là giáo sư Derk Bodde người Mĩ. Cho đến ngày nay, đây vẫn là bộ lịch sử triết học Trung Quốc do người Trung Quốc biên soạn có ảnh hưởng lớn nhất tới phương Tây.
Ngoài ra, Phùng Hữu Lan còn có một cuốn sách tiếng Anh nữa là cuốn A Short History of Chinese Philosophy (Lược sử triết học Trung Quốc), cũng lưu hành ở Âu Mĩ. Cuốn sách này là bài giảng tiếng Anh về lịch sử triết học Trung Quốc mà ông trình bày tại đại học Pennsylvania nước Mĩ năm 1947, sau khi sửa chữa đã được Công ty Macmillan in năm 1948 [11]. Cuốn sách này hoàn thành sau nhóm “trinh nguyên lục thư” [12] trong đó có tác phẩm triết học Tân lý học 新理学của Phùng Hữu Lan, cuốn A Short History of Chinese Philosophy thể hiện hệ thống tư tưởng “tân lý học” của bản thân tác giả, dù về dung lượng thì ít hơn nhiều so với bộ hai tập Trung Quốc triết học sử, nhưng viết rất tinh túy và sâu sắc. Bộ sách này của Phùng Hữu Lan sau này được giáo sư Đồ Hựu Quang 涂又光dịch sang tiếng Trung Quốc, đặt tên là Trung Quốc triết học giản sử 中国哲学简史, nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh in năm 1985.
Ngoài các cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của Hồ Thích, Trung Quốc triết học sửA Short History of Chinese Philosophy của Phùng Hữu Lan mà bên trên đã trình bày, trên phương diện nghiên cứu lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong nửa đầu thế kỉ XX vẫn còn một số công trình có giá trị nghiên cứu cụ thể về chuyên đề, văn bản, thời đại, nhân vật và phạm trù hữu quan, như: Lã Tư Miễn 吕思勉có Lý học cương yếu 理学纲要(Thương vụ ấn thư quán, 1928), Lương Khải Siêu 梁启超có Trung Quốc cận tam bách niên học thuật sử 中国近三百年学术史(Lịch sử học thuật 300 năm gần đây của Trung Quốc; Thượng Hải Thư trí thư cục, 1929) và Trung Quốc cổ đại học thuật tư tưởng biến thiên sử 中国古代学术思想变迁史(Lịch sử thay đổi tư tưởng học thuật cổ đại Trung Quốc; Thượng Hải Quần chúng đồ thư công ty, 1935), Cố Hiệt Cương 顾颉刚có Hán đại học thuật sử lược 汉代学术史略(Sơ lược lịch sử học thuật đời Hán; Thượng Hải Á tế á thư cục, 1935), Tiền Mục 钱穆có Tiên Tần chư tử hệ niên 先秦诸子系年(Niên biểu chư tử Tiên Tần, 2 tập; Thương vụ ấn thư quán, 1936), Lã Chấn Vũ 吕振羽có Trung Quốc chính trị tư tưởng sử 中国政治思想史(Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc; Thượng Hải Nhứ minh thư điếm, 1937), Thang Dụng Đồng 汤用彤có Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều Phật giáo sử 汉魏两晋南北朝佛教史(Lịch sử Phật giáo thời Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều, hai tập; Thương vụ ấn thư quán, 1938), Dung Triệu Tổ 容肇祖có Minh đại tư tưởng sử 明代思想史(Lịch sử tư tưởng đời Minh; Khai minh thư điếm, 1941), Hầu Ngoại Lư 侯外庐có Trung Quốc cổ đại tư tưởng học thuyết sử 中国古代思想学说史(Lịch sử các học thuyết tư tưởng cổ đại Trung Quốc; Văn phong thư điếm, 1944) và Trung Quốc cận thế tư tưởng học thuyết sử 中国近世思想学说史(Lịch sử các học thuyết tư tưởng thời cận đại Trung Quốc, 2 quyển; Tam hữu thư điếm, 1944, 1945), Quách Mạt Nhược 郭沫若có Thập phê phán thư 十批判书(Sách mười điều phê phán; Trùng Khánh Quần ích thư xã, 1945), Trần Dần Khác 陈寅恪có Đào Uyên Minh chi tư tưởng dữ thanh đàm chi quan hệ 陶渊明之思想与清谈之关系(Mối quan hệ giữa tư tưởng của Đào Uyên Minh với phái thanh đàm; Viện Harvard-Yenching của đại học Yên Kinh xuất bản, 1945), Hạ Xương Quần 贺昌群có Thanh đàm tư tưởng luận cảo 清谈思想初论(Khái luận tư tưởng phái thanh đàm; Thương vụ ấn thư quán, 1946), Đỗ Quốc Tường 杜国庠(tức Đỗ Thủ Tố 杜守素) có Tiên Tần chư tử tư tưởng 先秦诸子思想(Tư tưởng của chư tử Tiên Tần; Sinh hoạt thư điếm, 1947)…
Tất nhiên cần phải chỉ ra rằng, bất kể là cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của Hồ Thích hay hai cuốn Trung Quốc triết học sửA Short History of Chinese Philosophy của Phùng Hữu Lan, thì đúng như tên sách đã nói rõ, chúng đều giới hạn ở việc nghiên cứu lịch sử triết học là bộ phận quan trọng trong lịch sử tư tưởng, chứ chưa phải hoàn toàn mang nghĩa “thông sử” hoặc “toàn sử” về tư tưởng.
3. Cột mốc trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc: Trung Quốc tư tưởng thông sử do Hầu Ngoại Lư chủ biên [13]
Trong những công trình nghiên cứu và học giả nghiên cứu về lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng đã kể trên, Quách Mạt Nhược, Hầu Ngoại Lư 侯外庐, Đỗ Quốc Tường và Lã Chấn Vũ là những học giả nổi tiếng theo chủ nghĩa Marx từ rất sớm để nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc, họ sớm tự giác vận dụng quan điểm duy vật và phép biện chứng của chủ nghĩa Marx để tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc, bạt cỏ khai hoang, nêu riêng ngọn cờ, thành tựu trác tuyệt. Trong đó bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử 中国思想通史của nhóm Hầu Ngoại Lư, Đỗ Quốc Tường, Triệu Kỉ Bân 赵纪彬và Khâu Hán Sinh 邱汉生cùng viết có dung lượng dày nhất, thành tựu lớn nhất, ảnh hưởng rộng nhất.
Cuốn sách này được viết vào đầu những năm 1940, hoàn thành vào đầu những năm 1960, toàn cuốn sách đến năm 1963 được in tại Nhân dân Xuất bản xã, gồm 5 quyển, 6 sách, tổng cộng 2.600.000 lượt chữ. Trong đó, quyển một của bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử lấy cuốn Trung Quốc cổ đại tư tưởng học thuyết sử của Hầu Ngoại Lư làm khung cơ bản, dung hội thêm những kiến giải và sử liệu trong cuốn Tiên Tần chư tử tư tưởng khái yếu 先秦诸子思想概要(Khái lược tư tưởng chư tử Tiên Tần) của Đỗ Quốc Tường và cuốn Cổ đại Nho gia triết học phê phán 古代儒家哲学批判(Phê phán triết học Nho gia cổ đại, sau này tái bản thì đổi tên thành: Luận ngữ tân thám 论语新探) của Triệu Kỉ Bân, bàn về văn minh lễ nhạc, hiển học Khổng-Mặc và học thuyết của bách gia chư tử thời Ân Chu.
Quyển hai của bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử viết về tư tưởng thời Lưỡng Hán, chú trọng bàn đến việc quan học hóa và thần học hóa Nho học, sự đối lập giữa tư tưởng chính tông và tư tưởng dị đoan, giữa vô thần luận và hữu thần luận, giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, về cuộc tranh luận kim cổ văn kinh học, và về [trào lưu tư tưởng] “thanh nghị” 清议thời Hán Mạt. Trong đó chỉ ra, học thuyết Công Dương Xuân Thu 公羊春秋của Đổng Trọng Thư 董仲舒đã dung tục hóa cái chủ nghĩa “chính danh” của Nho gia với cơ sở là các quy phạm đạo đức, đã duy lý hóa thuyết ngũ hành của Âm Dương gia, đã quy kết sự thay thế vương triều Tần Hán thành sự tất yếu của thiên đạo “phụng thiên thừa vận”, đã thần hóa chế độ chuyên chế thành những phép tắc thần thánh vĩnh hằng bất biến và coi quan chế như trời. Đồng thời, quyển hai này cũng bàn về ý nghĩa học thuật và ý nghĩa chính trị của việc thống nhất kim cổ văn kinh học trong cuốn Bạch hổ thông đức luận 白虎通德论. Ngoài ra quyển này còn lần đầu tiên đưa những nhà tư tưởng dị đoan như Vương Sung 王充, Vương Phù 王符, Trọng Trường Thống 仲长统vào trong những bàn luận về lịch sử tư tưởng.
Quyển ba của bộ Trung Quốc triết học thông sử bàn về trào lưu tư tưởng huyền học thời Ngụy Tấn, về tư tưởng Đạo giáo kim đan “ngoại Nho thuật, nội thần tiên” của Cát Hồng 葛洪, về Phật học, và về tư tưởng vô thần luận của Phạm Chẩn 范缜. Trong đó chú trọng tìm hiểu những nguyên nhân kinh tế chính trị [của sự chuyển biến] từ sự dung thông cổ kim, không nệ “sư pháp” 师法(học theo, noi theo) của “giảng kinh sư” 讲经师thời Hán Mạt đến sự phong lưu phóng túng và phát ngôn huyền viễn của danh sĩ thời Ngụy Tấn; đồng thời xuất phát từ sự dị đồng của các danh môn đời Ngụy Tấn để phân tích sự dị đồng của tư tưởng đời Ngụy Tấn, thảo luận về căn nguyên chính trị của “huyền học thanh đàm” 清谈玄学.
Quyển bốn của Trung Quốc tư tưởng thông sử chia thành hai sách thượng và hạ, bàn về tư tưởng và học thuật các đời Tùy - Đường - Tống - Nguyên - Minh, đề cập đến các trào lưu tư tưởng kinh học, Phật học, tư tưởng sử học, lý học, và phản lý học. Trong đó, chương 1 có tiêu đề “Sự phát triển của xã hội phong kiến Trung Quốc và đặc trưng của sự chuyển biến từ tiền kì sang hậu kì trong xã hội ấy” với tư cách là cơ sở lý luận cho toàn quyển đã lấy chế độ sở hữu quốc gia về đất đai của xã hội phong kiến Trung Quốc làm điểm tựa lý luận; chú trọng bàn về sự phát triển và thay đổi của kinh tế và xã hội đời Đường với tư cách là giai đoạn quá độ từ tiền kì sang hậu kì của xã hội phong kiến Trung Quốc, về sự thay đổi hình thức thống trị của giai cấp địa chủ, về sự tái lập chế độ đẳng cấp; từ đó tiếp tục phân tích về vấn đề giai cấp của chính quyền chuyên chế chủ nghĩa đời Đường, về sự liên hợp và đấu tranh giữa địa chủ quý tộc và địa chủ thứ dân, về thực chất của sự tranh giành đảng phái thời Đường Tống.
Quyển năm của bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử thoát thai từ tập thượng của cuốn Trung Quốc cận thế tư tưởng học thuyết sử của Hầu Ngoại Lư, mở đầu là tư tưởng của Vương Thuyền Sơn 王船山“Lục kinh trách ngã khai sinh diện” 六经责我开生面(Phê phán Nho học để mở ra con đường mới), kết thúc bằng dự đoán lịch sử dũng cảm của nhà duy tân tiền bối Cung Tự Trân 龚自珍, bàn về tư tưởng khai sáng thời kì sớm từ khoảng giao thời Minh Thanh tới trước Chiến tranh Nha phiến [1840]; trong đó phân tích tường tận thành tựu về khoa học, những biến thiên tư tưởng quan trọng, và diện mạo triết học phức tạp của Chương Thái Viêm 章太炎.
Ngoài ra, quyển hạ của cuốn Trung Quốc cận thế tư tưởng học thuyết sử của Hầu Ngoại Lư còn bàn đến tư tưởng khai sáng từ cuối đời Thanh đến đầu thời Dân Quốc, sau này được học trò và cũng là trợ tá của họ Hầu là Hoàng Tuyên Dân 黄宣民hiệu đính, đổi tên thành Trung Quốc cận đại khải mông tư tưởng sử 中国近代启蒙思想史(Lịch sử tư tưởng khai sáng thời cận đại Trung Quốc), Nhân dân Xuất bản xã tái bản năm 1993, đây có thể coi là quyển sáu của bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử. Thêm nữa, Hầu Ngoại Lư vào cuối những năm 1970 từng chủ biên bộ Trung Quốc cận đại triết học sử 中国近代哲学史(Nhân dân Xuất bản xã, 1978), bàn về tư trào triết học và xã hội trong thời kì từ Chiến tranh Nha phiến [1840] đến phong trào Ngũ Tứ [1919], về mặt nội dung có thể bổ sung lẫn nhau với cuốn Trung Quốc cận đại khải mông tư tưởng sử.
Như vậy, bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử, trên từ Chu công, Khổng tử, dưới đến Tôn Trung Sơn, Lỗ Tấn, đề cập đến tư tưởng triết học, tư tưởng logic và tư tưởng xã hội (bao gồm các tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, đạo đức), thấu suốt toàn bộ quá trình phát sinh và phát triển của tư tưởng Trung Quốc trong mấy ngàn năm. Có thể nói, Trung Quốc tư tưởng thông sử không chỉ là bộ thông sử về tư tưởng Trung Quốc hoàn chỉnh nhất trong giới học thuật tính cho đến nay, mà còn là một công trình lớn về tư tưởng Trung Quốc mà hiện nay vẫn chưa ai có thể vượt lên hoàn toàn.
Về những nguyên tắc và quy ước biên soạn bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử, Hầu Ngoại Lư đã tổng kết thành 5 điểm như sau: 1). Giữa diễn tiến của các giai đoạn lịch sử xã hội với diễn tiến của các giai đoạn lịch sử tư tưởng có mối quan hệ như thế nào? 2). Những phạm trù và khái niệm xuất hiện trong lịch sử tư tưởng và lịch sử triết học cũng như tư tưởng cụ thể mà chúng đại diện đã có sự thay đổi như thế nào trong quá trình phát triển của lịch sử? 3). Giữa sự phát triển của tư tưởng nhân loại với sự hình thành một học thuyết tư tưởng nhất định trong một thời đại có mối quan hệ như thế nào? 4). Làm thế nào để phân tích rõ sự phê phán và tiếp thu lẫn nhau giữa các học phái? 5). Thế giới quan và phương pháp luận có liên quan đến nhau, nhưng có khi giữa chúng cũng xuất hiện mâu thuẫn, làm thế nào để biết rõ mối quan hệ chủ đạo và tòng thuộc giữa chúng [14].
Thành tựu và đặc sắc nổi bật của Trung Quốc tư tưởng thông sử liên quan mật thiết đến sự tu dưỡng lý luận, hệ thống tri thức, con đường trị học và tinh thần thời đại nhuần nhuyễn, độc đáo của Hầu Ngoại Lư. Ngày nay chúng ta nhìn lại công trình trên, nói chung có ba điểm sau:
Một, chủ nghĩa Marx nguyên điển. Chúng ta biết rằng Hầu Ngoại Lư mà một trong những người đầu tiên dịch bộ Tư bản luận sang tiếng Trung Quốc, ông chịu sự ủy thác của Lý Đại Chiêu 李大钊nhằm dịch bộ sách lừng danh này của Marx, năm 1927 họ Hầu đã sang Pháp để học tiếng Đức và tiếng Pháp, trải qua nhiều năm, nghiên cứu nhiều nguyên tác của Marx và Engels cũng như những trước tác triết học, văn học, kinh tế học và pháp luật học phương Tây, hiểu chính xác và nghiên cứu tỉ mỉ về những trước tác kinh điển của Marx như Tư bản luận, khác với thứ chủ nghĩa Marx đã “Nga hóa” hoặc còn gọi là “Stalin hóa” thịnh hành một thời ở Trung Quốc. Theo lời của Hà Triệu Vũ 何兆武, Hầu Ngoại Lư là “chủ nghĩa Marx nguyên điển ở giới hạn lớn nhất”. Việc nắm bắt chủ nghĩa Marx một cách chính xác và sâu sắc đã giúp ông, trong quá trình nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc sau này, xác định rõ cơ sở lý luận vững chắc và học phong nghiên cứu thực sự cầu thị. Tất nhiên, trong hoàn cảnh chính trị và học thuật bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo điều Marxist, bởi đấu tranh giai cấp, và bởi sự dung tục hóa từng thịnh hành một thời ở Trung Quốc, chủ nghĩa Marx như Hầu Ngoại Lư lại trở thành dị đoan và dị loại. Ví dụ, Hầu Ngoại Lư căn cứ vào nguyên nghĩa của Tư bản luận để chỉ ra rằng định nghĩa của phương thức sản xuất phải là: “phương thức kết hợp đặc thù giữa tư liệu sản xuất đặc thù với người lao động đặc thù” [15], cho rằng không nên quy kết phương thức sản xuất là sự kết hợp đơn giản giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Kết quả, vì cái gọi là “lên tiếng chống đối Stalin”, ông đã bị phê bình vào những năm 1950. Lại như, trong những năm 1950 Hầu Ngoại Lư đề xuất rằng chế độ sở hữu quốc gia về ruộng đất thời phong kiến Trung Quốc tức là chế độ sở hữu ruộng đất lũng đoạn hoàng quyền, rồi ông phân tích sâu hơn vấn đề trên từ các bình diện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và quyền sử dụng. Kết quả, quan điểm này của Hầu Ngoại Lư lại bị chỉ trích là “chủ nghĩa giáo điều”, “chủ nghĩa xét lại”, người ta nói rằng ông phủ định tính tất yếu của cải cách ruộng đất, nên ông bị phê phán gay gắt về mặt chính trị [16]. Đương nhiên, điều may mắn là, thái độ khoa học thực sự cầu thị và tinh thần kiên định chân lý của Hầu Ngoại Lư đã làm cho bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử không bị lạc vào thói a dua nói leo, giữ được tính độc lập và tính thuần khiết về học thuật, bảo vệ sự tôn nghiêm và thần thánh của khoa học.
Hai, tinh thần dân chủ và khoa học. Là nhà sử học theo chủ nghĩa Marx, một mặt Hầu Ngoại Lư trên bình diện học thuật đã giữ được thái độ khoa học thực sự cầu thị và tinh thần kiên định chân lý; mặt khác trên phương diện định hướng giá trị và lập trường học thuật, ông lại kiên trì tinh thần phê phán quyền lực chuyên chế trên tinh thần của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa nhân đạo. Mà hai điểm này lại phù hợp với tinh thần dân chủ và khoa học của thời Ngũ Tứ.
Ba, xuất phát từ lịch sử xã hội để hiểu lịch sử tư tưởng. Trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng, Hầu Ngoại Lư vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử Marxist, nhấn mạnh tác dụng quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, chú trọng đến mối liên hệ nội tại và vận động mâu thuẫn giữa lịch sử tư tưởng và lịch sử xã hội, xuất phát từ bối cảnh lịch sử xã hội để nắm bắt và nhìn rõ quan niệm tư tưởng. Với tư cách là một nhà sử học và nhà tư tưởng nổi tiếng theo chủ nghĩa Marx, ông có những kiến giải sâu sắc và độc đáo về lịch sử xã hội mấy nghìn năm của Trung Quốc, hình thành một chỉnh thể lý luận có hệ thống. Những phân tích sâu sắc về lịch sử tư tưởng mà ông thực hiện đã được căn cứ trên việc lý giải sâu về lịch sử xã hội Trung Quốc, vì vậy, mỗi lập luận đều chính xác, sâu sắc, đầy sáng tạo, có sức quán xuyến về lý luận và tình cảm nồng hậu đối với lịch sử ở mức độ cao.
Đương nhiên, tôi không ngại mà nói rằng, bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử sáu quyển do Hầu Ngoại Lư chủ biên cũng có chỗ thiếu sót và đáng tiếc. Nói cho gọn, một là sách này chữ nghĩa trúc trắc khó hiểu, nếu không phải là học giả có những tu dưỡng chuyên môn nhất định thì khó có thể nắm bắt được; một điều đáng tiếc nữa là mỗi quyển bao quát một khoảng thời gian quá lớn, do hoàn cảnh xã hội và học thuật bất đồng nên phân lượng của mỗi quyển cũng có nhiều chỗ thiếu cân bằng.
4. Từ thập niên 1950 đến thập niên 1970: sự phát triển gập ghềnh của nghiên cứu lịch sử tư tưởng
Từ sau thập niên 1950, cùng với sự nguy hiểm khác thường của bầu không khí chính trị Trung Quốc, việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng cũng như nghiên cứu học thuật trên các chuyên ngành khác, về phương hướng nghiên cứu cơ bản đã xuất hiện sự thiên lệch, đi vào sai lầm. Phương diện này biểu hiện tại: chịu ảnh hưởng của định nghĩa về lịch sử triết học của Andrei Zhdanov ở Liên Xô (cũ), phóng đại quá mức sự đối lập và đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm cũng như giữa biện chứng pháp và siêu hình học trong lịch sử triết học, gần như coi toàn bộ nội dung của tất cả lịch sử tư tưởng chỉ là lịch sử đấu tranh của chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm, giữa biện chứng pháp với siêu hình học, còn mục đích và ý nghĩa của việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng là chỉ xuất phát từ góc độ duy vật – duy tâm, biện chứng – siêu hình để định vị và định tính cho các nhà tư tưởng, các hệ thống tư tưởng và các tư trào xã hội trong lịch sử, “xếp chỗ ngồi theo số”, “dán nhãn suông”. Cái định thức nghiên cứu “hai mặt đối lập”, “hai quân đối lũy” trong lịch sử tư tưởng như thế chính là biểu hiện và ảnh xạ trên lĩnh vực học thuật của “sự khuếch đại hóa đấu tranh giai cấp” trong đời sống xã hội.
Mặt khác, việc nghiên cứu khoa học về lịch sử tư tưởng Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ sự bè phái trong bão táp chính trị nên thiếu tính khách quan độc lập, tính khoa học và tính nghiêm túc, bị biến thành công cụ và phụ trợ cho đấu tranh chính trị, biểu hiện nổi bật nhất là [các phong trào] “phê Lâm phê Khổng” 批林批孔(phê phán Lâm Bưu và Khổng tử) và “bình Pháp phê Nho” 评法批儒(khen Pháp gia, chê Nho gia) trong thời kì Cách mạng Văn hóa [1966-1976].
Tất nhiên, mặc dù hoàn cảnh chính trị thời kì này đầy chông gai, nhưng vẫn xuất hiện những công trình nghiên cứu rất có giá trị về phương diện tư tưởng triết học, như Ngụy Tấn huyền học luận cảo 魏晋玄学论稿(Nhân dân Xuất bản xã, 1957) của Thang Dụng Đồng chính là một cuốn sách nghiên cứu huyền học trọng yếu được xuất bản vào thời kì này. Ở đây vẫn cần nói đến cuốn Trung Quốc triết học đại cương 中国哲学大纲của Trương Đại Niên 张岱年, cuốn sách này được Thương vụ ấn thư quán xuất bản chính thức năm 1958, nhưng bản thảo đầu tiên hoàn thành năm 1937, đến năm 1943 đã được các trường đại học in làm bài giảng. Cuốn sách này khác với Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng) của Hồ Thích và Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan, nó không trình bày theo thứ tự các triết gia, mà trình bày theo vấn đề triết học, chia thành mấy bộ phận lớn như vũ trụ luận, nhân sinh luận và tri thức luận, dưới đó lại có những đề mục con được phân chia khá chi tiết, trình bày và phân tích theo từng điều, bàn luận một cách rõ ràng và xác đáng. Cuốn sách này, với cách biên soạn hoàn toàn mới, góc độ nhìn nhận độc đáo, điểm tựa lý luận rõ ràng, đã chiếm một vị trí quan trọng trong nghiên cứu lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong thế kỉ XX. Ngoài ra còn có bộ Trung Quốc triết học sử 中国哲学史(4 tập, Nhân dân Xuất bản xã, 1963-1979) do Nhâm Kế Dũ 任继愈chủ biên, ba quyển đầu được xuất bản lần lượt trong thời kì này, đây cũng là một bộ thông sử triết học Trung Quốc hoàn chỉnh hệ thống, luận thuật sâu sắc, có ảnh hưởng rộng rãi.
5. Từ thập niên 1980 đến thập niên 1990: sự phồn vinh trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng
Từ khi cải cách mở cửa, việc nghiên cứu lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng Trung Quốc bước vào thời kì phát triển phồn vinh. Thành tựu và đặc điểm trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng và triết học của thời kì này chủ yếu thể hiện trên mấy phương diện sau:
5.1.Phương pháp và thao tác nghiên cứu đa nguyên hóa. Sau khi kết thúc “mười năm động loạn”, cùng với sự thúc đẩy của cải cách mở cửa và phong trào giải phóng tư tưởng, lĩnh vực lịch sử tư tưởng Trung Quốc cũng bắt đầu thoát khỏi cái phương pháp giáo điều chủ nghĩa và sử học minh họa từng thịnh hành một thời, nhấn mạnh học phong nghiêm cẩn và thái độ khoa học thực sự cầu thị. Trong khi vẫn kiên trì chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, người ta cũng bắt đầu tiếp thu và học theo một số quan niệm triết học và phương pháp nghiên cứu khác, xuất hiện cục diện đáng mừng là sự đa nguyên hóa, đa dạng hóa về phương pháp và thao tác nghiên cứu. Ví dụ, các quan niệm và phương pháp của triết học ngữ nghĩa, thông diễn học, kí hiệu học, lý thuyết tiếp nhận, cấu trúc luận, giải cấu trúc luận, triết học so sánh, nhân học văn hóa, chủ nghĩa hậu hiện đại… đều được ứng dụng vào nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc, đã làm phong phú và mở rộng các thao tác, nhãn quan và bình diện nghiên cứu lịch sử tư tưởng. Sự đa dạng hóa trong phương pháp nghiên cứu đã tạo điều kiện tất yếu để lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc không ngừng được mở rộng và đi sâu.
5.2.Nội dung nghiên cứu được mở rộng và đi sâu.Việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong thời kì này có nhiều điểm đột phá so với thời kì trước, phạm vi nghiên cứu được mở rộng, nội dung nghiên cứu cũng được sâu sắc hóa và chi tiết hóa. Có một bước tiến dài trên phương diện nghiên cứu về một số chuyên đề, nhân vật, lưu phái, tư trào, khu vực văn hóa và văn bản tác phẩm thuộc lĩnh vực lịch sử tư tưởng, công bố được một loạt công trình khoa học có trình độ cao. Như: về khởi nguyên và tính chất của Nho học, Bàng Phác 庞朴có Nho gia biện chứng pháp nghiên cứu 儒家辩证法研究(Trung Hoa thư cục, 1984), Dương Hướng Khuê 杨向奎có Xã hội Tông Chu với văn minh lễ nhạc 宗周社会与礼乐文明(Nhân dân Xuất bản xã, 1992), Trần Lai 陈来có Tôn giáo và luân lý cổ đại: Căn nguyên của tư tưởng Nho gia 古代宗教与伦理: 儒家思想的根源(Tam liên thư điếm, 1996)…; về nghiên cứu Đạo gia của Lão Trang: Trương Hằng Thọ 张恒寿có Trang tử tân thám 庄子新探(Hồ Bắc Nhân dân Xuất bản xã, 1983), Trần Cổ Ứng 陈鼓应có Trang tử kim chú kim dịch 庄子今注今译(Trung Hoa thư cục, 1983) và Lão tử chú dịch và bình giới 老子注译及评介(Trung Hoa thư cục, 1984), Lưu Tiếu Cảm 刘笑敢có Triết học Trang tử và diễn biến của nó 庄子哲学及其演变(Trung Quốc Xã hội Khoa học Xuất bản xã, 1988), Thôi Đại Hoa 崔大华có Trang học nghiên cứu 庄学研究(Nhân dân Xuất bản xã, 1992)…; về nghiên cứu tư tưởng Chu Dịch: Cao Hanh 高亨có Chu Dịch đại truyện kim chú 周易大传今注(Tề Lỗ thư xã, 1979) và Chu Dịch cổ kinh kim chú 周易古经今注(Trung Hoa thư cục, 1984), Kim Cảnh Phương 金景芳và Lã Thiệu Cương 吕绍纲có Chu Dịch tập giải 周易集解(Cát Lâm Đại học Xuất bản xã, 1989), Chu Bá Côn 朱伯昆có Dịch học triết học sử 易学哲学史(4 quyển, Hoa Hạ Xuất bản xã, 1994)…; về nghiên cứu tư tưởng Phật học: Thang Dụng Đồng có Tùy Đường Phật giáo sử cảo 隋唐佛教史稿(Trung Hoa thư cục, 1982), Lã Trừng 吕澂có Trung Quốc Phật giáo nguyên lưu lược giảng 中国佛教源流略讲(Trung Hoa thư cục, 1979), Nhâm Kế Dũ có Trung Quốc Phật giáo sử 中国佛教史(theo kế hoạch định in 8 quyển, đã in 2 quyển, Trung Quốc xã hội khoa học Xuất bản xã, 1981, 1985), Phương Lập Thiên 方立天có Phật giáo triết học 佛教哲学(Trung Quốc Nhân dân Đại học Xuất bản xã, 1986), Lại Vĩnh Hải 赖永海có Trung Quốc Phật tính luận 中国佛性论(Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã, 1988), Quách Bằng 郭朋có Trung Quốc Phật giáo tư tưởng sử 中国佛教思想史(ba quyển thượng trung hạ, Phúc Kiến Nhân dân Xuất bản xã, 1994)…; về nghiên cứu tư tưởng Đạo giáo: Khanh Hi Thái 卿希泰chủ biên bộ Trung Quốc Đạo giáo sử 中国道教史(4 quyển, Tứ Xuyên Nhân dân Xuất bản xã, 1988-1996), Hồ Hoài Sâm 胡孚琛có Ngụy Tấn thần tiên Đạo giáo魏晋神仙道教(Nhân dân Xuất bản xã, 1989), Nhâm Kế Dũ có Trung Quốc Đạo giáo sử 中国道教史(Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã, 1990)…; về nghiên cứu tư trào huyền học: Thang Nhất Giới 汤一介có Quách Tượng với huyền học thời Ngụy Tấn郭象与魏晋玄学(Hồ Bắc Nhân dân Xuất bản xã, 1983), Vương Bảo Huyền 王葆弦có Chính Thủy huyền học正始玄学(Tề Lỗ thư xã, 1987), Dư Đôn Khang 余敦康có Hà Yến Vương Bật huyền học tân thám 何晏王弼玄学新探(Tề Lỗ thư xã, 1991)…; về nghiên cứu lý học Tống Minh: Trương Lập Văn 张立文có Chu Hi tư tưởng nghiên cứu 朱熹思想研究(Trung Quốc Xã hội Khoa học Xuất bản xã, 1981) và Tống Minh lý học nghiên cứu 宋明理学研究(Trung Quốc Nhân dân Đại học Xuất bản xã, 1984), Hầu Ngoại Lư, Khâu Hán Sinh, Trương Khải Chi 张岂之chủ biên bộ Tống Minh lý học sử 宋明理学史(hai quyển thượng hạ, Nhân dân Xuất bản xã, 1984, 1987), Mông Bồi Nguyên 蒙培元có Lý học phạm trù hệ thống 理学范畴系统(Nhân dân Xuất bản xã, 1988), Trần Lai có Chu Hi triết học nghiên cứu 朱熹哲学研究(Trung Quốc Xã hội Khoa học Xuất bản xã, 1988) và Cảnh giới hữu vô: Tinh thần triết học Vương Dương Minh 有无之境: 王阳明哲学的精神(Nhân dân Xuất bản xã, 1991)…; về nghiên cứu các trào lưu tư tưởng cận đại: Phùng Khế 冯契có Tiến trình cách mạng của triết học cận đại Trung Quốc 中国近代哲学的革命进程(Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã, 1989)…; về nghiên cứu tư tưởng logic: Uông Điện Cơ 汪奠基có Lịch sử tư tưởng logic Trung Quốc 中国逻辑思想史(Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã, 1979)…; về nghiên cứu tư tưởng luân lý: Thẩm Thiện Hồng 沈善洪và Vương Phụng Hiền 王凤贤có Trung Quốc luân lý học thuyết sử 中国伦理学说史(2 quyển, Chiết Giang Nhân dân Xuất bản xã, 1985, 1988)…; về nghiên cứu tư tưởng vô thần luận: Nha Hàm Chương 牙含章và Vương Hữu Tam 王友三chủ biên bộ Trung Quốc vô thần luận sử 中国无神论史(2 quyển, Trung Quốc Xã hội Khoa học Xuất bản xã, 1992)…
Đặc biệt cần nhấn mạnh là, thời kì này đã đạt được những thành tựu đột xuất về nghiên cứu tân Nho học hiện đại. Chúng ta biết rằng, tân Nho học hiện đại manh nha từ thời kì Ngũ Tứ, đến thời điểm này đã trải qua ba giai đoạn. Xét về mặt thời gian, giai đoạn thứ nhất là trong các thập niên 1920-1940: năm 1922 có cuốn Đông Tây văn hóa cập kì triết học 东西文化及其哲学(Văn hóa và triết học Đông Tây) của Lương Thấu Minh 梁漱溟ra đời, mở ra tân Nho học hiện đại; sau đó, Trương Quân Mại 张君劢xuất bản Dân tộc phục hưng chi học thuật cơ sở 民族复兴之学术基础(Cơ sở học thuật của việc phục hưng dân tộc), chủ trương phát dương truyền thống văn hóa dân tộc, tích cực chấn chỉnh học thuyết Nho gia; Phùng Hữu Lan viết “trinh nguyên lục thư” như Tân lý học…, phát biểu rằng “tân lý học” của ông không phải “sao chụp” mà là “căn cứ vào” lý học Tống Minh; Hạ Lân 贺麟viết bài Nho gia tư tưởng đích tân khai triển 儒家思想的新开展(Sự triển khai mới của tư tưởng Nho gia), trình bày tỉ mỉ về quan điểm luận lý của tân Nho học, được coi là công trình tiêu biểu cho tân Nho học; Hùng Thập Lực 熊十力dung hòa Nho – Phật, sáng tạo ra “tân duy thức luận”, đề xướng việc phát dương tinh thần cương kiện trong “Dịch lý” của Nho gia. Giai đoạn thứ hai là các thập niên 1950-1970: tết Nguyên Đán năm 1958, bốn người gồm Trương Quân Mại, Đường Quân Nghị 唐君毅, Mâu Tông Tam 牟宗三và Từ Phục Quan 徐复观cùng đứng tên đăng lời “tuyên ngôn” Trung Quốc văn hóa dữ thế giới 中国文化与世界(Văn hóa Trung Quốc với thế giới; phụ đề là: Nhận thức chung của chúng ta về nghiên cứu học thuật Trung Quốc và tiền đồ của văn hóa Trung Quốc và văn hóa thế giới) trên tạp chí Dân chủ bình luận ở Hồng Kông và tạp chí Tái sinh ở Đài Loan, đề xuất cương lĩnh tư tưởng “phản bản khai tân” 返本开新(trở về với cái gốc để mở ra cái mới) của tân Nho học hiện đại. Sau đó, Đường Quân Nghị viết Trung Quốc văn hóa tinh thần giá trị 中国文化精神价值(Giá trị tinh thần của văn hóa Trung Quốc), Nhân văn tinh thần chi trùng kiến 人文精神之重建(Tái thiết tinh thần nhân văn), Trung Quốc triết học nguyên luận 中国哲学原论; Mâu Tông Tam viết Đạo đức đích lý tưởng chủ nghĩa 道德的理想主义(Chủ nghĩa lý tưởng đạo đức), Tâm thể dữ tính thể 心体与性体(Tâm thể và tính thể); Từ Phục Quan viết Trung Quốc nhân tính luận sử 中国人性论史; Đông Phương Mĩ 东方美viết Khoa học triết học dữ nhân sinh 科学哲学与人生(Triết học khoa học với nhân sinh). Từ thập niên 1980 đến nay là giai đoạn thứ ba, chủ yếu có Lưu Thuật Tiên 刘述先, Thái Nhân Hậu 蔡仁厚, Đỗ Duy Minh 杜维明, Thành Trung Anh 成中英. Xét về mặt khu vực, giai đoạn thứ nhất của tân Nho học hiện đại bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục, giai đoạn thứ hai bắt nguồn từ Hồng Kông và Đài Loan, giai đoạn thứ ba là một bước phát triển tiếp theo ở Hồng Kông, Đài Loan và mở rộng ra nước ngoài. Thuật ngữ “tân Nho gia” 新儒家đã được Phùng Hữu Lan sử dụng từ những thập niên 1930 trong cuốn Trung Quốc triết học sử để trỏ lý học Tống Minh, cuốn sách này coi Khổng tử Mạnh tử của “thời đại tử học” 子学时代là Nho gia nguyên thủy, coi lý học Trình – Chu (vốn giải thích và phát huy cái đạo Khổng – Mạnh) là tân Nho gia. Nhưng ngày nay thuật ngữ “tân Nho gia” mà giới học thuật vẫn sử dụng chủ yếu là trỏ những học giả thông diễn và phát dương truyền thống Nho học từ thời Ngũ Tứ trở đi, đặc biệt là bao gồm một số nhân vật đương đại đang hoạt động rất sôi nổi trong giới học thuật Hồng Kông và Đài Loan. Những học giả này cũng thường được gọi là “tân Nho gia hiện đại” hoặc “Nho gia thế kỉ XX”, học thuyết của họ cũng thường được gọi là “tân Nho học hiện đại”, “sự phát triển ở giai đoạn thứ ba của Nho học”. Tân Nho gia hiện đại là một lưu phái tư tưởng học thuật nảy sinh vào thập niên 1920, coi việc tiếp tục “đạo thống” của Nho gia là trách nhiệm của mình, coi việc tín phục Nho học Tống-Minh là đặc trưng chủ yếu, nỗ lực dung hợp và hội thông học thuyết Nho gia với Tây học để mưu cầu hiện đại hóa. Tân Nho học hiện đại tập trung vào “sự phát triển ở thời kì thứ 3 của Nho học”. Cái gọi là “sự phát triển ở thời kì thứ 3 của Nho học” chính là trỏ một sự nỗ lực nhằm xây dựng lại Nho học và xác lập địa vị chủ đạo trong đời sống hiện đại cho Nho học sau khi Tây học truyền vào phương Đông khiến cho Nho học truyền thống bị tác động dữ dội nên suy tàn. Tân Nho học hiện đại là một trào lưu tư tưởng triết học văn hóa hoạt động sôi nổi ở Hồng Kông, Đài Loan và Mĩ; trong quá khứ, các học giả Trung Quốc đại lục hiểu biết về họ chưa nhiều, những năm gần đây đã có tiến triển trên phương diện nghiên cứu tân Nho học hiện đại. Đề tài “Nghiên cứu tân Nho học hiện đại” do Phương Khắc Lập 方克立chủ trì đã thu được nhiều thành tựu: Hiện đại tân Nho gia học án 现代新儒家学案với ba tập thượng trung hạ đã được xuất bản ở Trung Quốc Xã hội Xuất bản xã; loạt chuyên đề nghiên cứu Hiện đại tân Nho học nghiên cứu tùng thư 现代新儒学研究丛书đã in được 8 quyển ở Liêu Ninh Đại học Xuất bản xã; loạt sách nghiên cứu về từng vị tân Nho gia hiện đại được in ở Thiên Tân Nhân dân Xuất bản xã, đã in được 4 quyển; Hiện đại tân Nho học nghiên cứu luận tập 现代新儒学研究论集do Trung Quốc Xã hội Khoa học Xuất bản xã ấn hành, đã in được 2 tập; Hiện đại tân Nho học tập yếu tùng thư 现代新儒学辑要丛书do Trung Quốc quảng bá điện thị Xuất bản xã ấn hành, đã xuất bản được 11 tập. Ngoài ra còn xuất bản được hơn chục chuyên luận cá nhân về tân Nho học hiện đại, công bố mấy trăm bài nghiên cứu. Việc nghiên cứu ở đại lục về tân Nho học không chỉ kích thích tân Nho học ở Hồng Kông và Đài Loan, mà về khách quan cũng tạo thời cơ cho sự phát triển mới của tân Nho học ở Đài Loan. Vả lại, tân Nho học hiện đại đã được đông đảo học giả đại lục biết đến, từ “tuyệt học” trở thành “hiển học”.
5.3.Khai thác tư liệu mới để nghiên cứu tư tưởng.Trong thời kì này, việc khai quật khảo cổ của nước ta có những bước đột phá quan trọng. Xét về điển tịch lịch sử tư tưởng, có một số lượng khá lớn bạch thư 帛书(sách bằng lụa), trúc giản 竹简(tài liệu viết trên thẻ tre trúc), mộc giản 木简(tài liệu viết trên thẻ gỗ) được phát hiện. Trong đó, đáng kể nhất là Sở giản 楚简(tài liệu viết trên thẻ của nước Sở) ở Quách Điếm 郭店. Tháng 10/1993, tại thôn Quách Điếm huyện Tứ Phương thành phố Kinh Môn tỉnh Hồ Bắc đã khai quật được một ngôi mộ nước Sở, trong số vật tùy táng có trúc giản, tổng cộng 804 chiếc, sau này được các chuyên gia chỉnh lý thành 18 thiên của 13 loại tài liệu, đó là: Lão tử 老子(3 thiên), Thái nhất sinh thủy 太一生水, Tri y 缁衣, Lỗ Mục công vấn Tử Tư 鲁穆公问子思, Cùng đạt dĩ thì 穷达以时, Ngũ hành 五行, Đường Ngu chi đạo 唐虞之道, Trung tín chi đạo 忠信之道, Thành chi văn chi 成之闻之, Tôn đức nghĩa 尊德义, Tính tự mệnh xuất 性自命出, Lục đức六德và Ngữ tùng 语丛(4 thiên), tổng cộng khoảng 13.000 chữ. Tháng 5/1998, Văn vật Xuất bản xã đã in ảnh chụp, lời giải thích và chú thích cho số trúc giản này, tên tài liệu là Quách Điếm Sở mộ trúc giản 郭店楚墓竹简(Thẻ trúc trong ngôi mộ Sở ở Quách Điếm). Các học giả lừng danh trong nước như Lý Học Cần 李学勤, Bàng Phác và Lý Trạch Hậu 李泽厚đã có những nghiên cứu đầy sáng tạo về ý nghĩa lịch sử tư tưởng của Quách Điếm Sở mộ trúc giản.
Quách Điếm Sở mộ trúc giản có ý nghĩa trọng đại giúp chúng ta nhận thức chính xác về một số vấn đề nan giải trong lịch sử tư tưởng Tiên Tần. Nó đề xuất, giải quyết, hoặc tiếp cận giải quyết những vấn đề lịch sử tư tưởng sau đây: 1). Đạo gia thời kì sớm không phản đối “nhân nghĩa”. “Thánh nhân quý danh giáo, Lão Trang minh tự nhiên” 圣人贵名教老庄明自然, chỗ nguồn gốc sâu xa của Nho – Đạo hai nhà khác hẳn nhau, công kích sai lầm của nhau, điều này có vẻ như đã trở thành nhận thức chung của các học giả. Thế nhưng, việc khai quật được bản giản thư Lão tử đã thay đổi cái quan niệm quen thuộc ấy. Như trong bản Lão tử thông dụng, chương 19 viết: “Bỏ thánh vứt trí thì dân được lợi gấp trăm lần; bỏ nhân vứt nghĩa thì dân trở lại với hiếu từ; bỏ xảo vứt lợi thì không còn trộm cướp” (绝圣弃智, 民利百倍; 绝仁弃义, 民复孝慈; 绝巧弃利, 盗贼无有). Câu này trong bản giản thư Lão tử có chỗ bất đồng: “Bỏ tri vứt biện thì dân được lợi gấp trăm lần; bỏ xảo vứt lợi thì không còn trộm cướp; bỏ vi vứt tác thì dân trở lại với hiếu từ” (绝知弃辩, 民利百倍; 绝巧弃利, 盗贼无有; 绝为弃作, 民复孝慈), ở đây không còn “thánh, nhân, nghĩa” như trong bản Lão tử thông dụng, ý nghĩa khác với cách hiểu thông thường. Khảo sát bản giản thư Lão tử thì thấy trong đó thực sự là không có những nội dung miệt thị “nhân nghĩa” của Nho gia, điều này có thể cho thấy Nho – Đạo hai nhà ban đầu hoàn toàn không kình địch như nước với lửa. 2). Mô thức vũ trụ lấy “Thủy” (Nước) làm yếu tố nguyên sơ. Trong Sở giản ở Quách Điếm có một thiên Thái nhất sinh thủy, là dật văn (văn bản thất tán) của Đạo gia, trong đó viết: “Thái nhất sinh ra Thủy, Thủy lại giúp Thái nhất, vậy nên thành Thiên; Thiên lại giúp Thái nhất, vậy nên thành Địa…” (太一生水, 水反辅太一, 是以成天; 天反辅太一, 是以成地), có vẻ như đây là một loại mô thức diễn sinh vũ trụ của Đạo gia, khác với “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn vật” trong bản Lão tử thông dụng. Thiên Thái nhất sinh thủy coi Thủy là bản nguyên của vũ trụ, tương tự với quan niệm “Nước là nguồn gốc của vạn vật” của triết gia Hi Lạp cổ đại Thales (Talét), điều này khiến cho nhận thức của chúng ta về vũ trụ quan cổ đại Trung Quốc phong phú hơn rất nhiều. 3). “Ngũ hành” của Nho gia là trỏ “nhân, nghĩa, lễ, trí, thánh”. Tuân tử - Phi thập nhị tử cho rằng học trò của Tử Tư và Mạnh tử “theo thời xưa mà tạo thuyết, gọi là ngũ hành”. Cái “ngũ hành” này, Dương Cạnh 杨倞đời Đường chú rằng: “Ngũ hành tức ngũ thường, là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”.Hai mươi năm trước [1973], bạch thư trong ngôi mộ Hán ở Mã Vương Đôi 马王堆được khai quật, có quyển Lão tử bản A (Lão tử giáp bản), phần sau có một thiên giảng “nhân, nghĩa, lễ, trí, thánh”, đầu thiên bị tàn khuyết, các học giả đặt tên thiên là Ngũ hành. Hai mươi năm sau [1993] thì khai quật được trúc giản ở ngôi mộ Sở ở Quách Điếm, có một thiên giản thư (sách thẻ) có nội dung tương tự với thiên Ngũ hành bạch thư (sách lụa), mở đầu thiên là hai chữ “ngũ hành”, đó là tên sách. Bản giản thư Ngũ hành được khai quật đã cung cấp một sử liệu quý giá giúp xác định nội dung “ngũ hành” của Nho gia và đặc điểm tư tưởng học phái Tử Tư – Mạnh tử. 4). Nho gia thời kì sớm cũng trọng “tình”. Trong Sở giản ở Quách Điếm có một thiên nhan đề là Tính tự mệnh xuất, viết: “Tính từ mệnh mà ra, mệnh do trời giáng. Đạo bắt đầu từ tình, tình sinh ra từ tính. Đạo lúc bắt đầu thì gần với tình, cuối cùng thì gần với nghĩa. Người hiểu tình thì có thể thể hiện đạo, người biết nghĩa thì có thể dung hội đạo vào mình” (性自命出, 命白天降. 道始于情, 情生于性. 始者近情, 终者近义. 知情者能出之, 知义者能纳之). Điều này cho thấy, “tình” có một vị trí quan trọng trong tư tưởng Nho gia thời kì sớm. Cái mà Hán Nho và lý học Tống Minh gọi là “tính thiện tính ác” lại là “biệt tử vi tông” 别子为宗(không phải con đích mà lại kế tổ tông), khác nhau một trời một vực so với tinh thần thật của Nho gia nguyên điển mà giản thư đã thể hiện.
5.4.Giới thiệu những thành quả nghiên cứu ở nước ngoài. Trong thời kì này, việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc lại có một thành tựu đáng mừng nữa là không ít công trình nghiên cứu trọng yếu của học giả nước ngoài được đưa vào trong nước, hoặc giới thiệu, hoặc đánh giá, hoặc phiên dịch, hoặc tái bản, số lượng rất phong phú đa dạng. Những công trình này luôn sử dụng phương pháp mới, góc nhìn rộng, ít bị hạn chế bởi hình thái ý thức, điều đó chắc chắn có lợi cho việc thúc đẩy nghiên cứu lịch sử tư tưởng của các học giả đại lục.
Phương diện này thể hiện ở sự truyền bá rộng rãi tại Trung Quốc đại lục của các công trình nghiên cứu liên quan của các học giả gốc Hoa ở Hồng Kông, Đài Loan, và Âu Mĩ; các đại gia Hồng Kông và Đài Loan nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc là Từ Phục Quan với Lưỡng Hán tư tưởng sử 两汉思想史(3 quyển) và Trung Quốc nghệ thuật tinh thần 中国艺术精神, Ân Hải Quang 殷海光với Trung Quốc văn hóa đích triển vọng 中国文化的展望(Triển vọng của văn hóa Trung Quốc), Mâu Tông Tam với Tâm thể dữ tính thểTài tính dữ huyền lý 才性与玄理(Tài tính và huyền lý), Vi Chính Thông 韦政通với Trung Quốc thập cửu thế kỉ tư tưởng sử 中国十九世纪思想史(Lịch sử tư tưởng thế kỉ XIX của Trung Quốc, 2 quyển), La Quang 罗光với Trung Quốc triết học tư tưởng sử 中国哲学思想史(9 quyển), và Tiền Mục với rất nhiều sách có liên quan; các học giả gốc Hoa định cư tại Mĩ như Dư Anh Thời 余英时với Sĩ dữ Trung Quốc văn hóa 士与中国文化(Kẻ sĩ với văn hóa Trung Quốc) và Trung Quốc tư tưởng truyền thống đích hiện đại thuyên thích 中国思想传统的现代诠释(Thông diễn hiện đại đối với truyền thống tư tưởng Trung Quốc), Hoàng Nhân Vũ 黄仁宇với Vạn Lịch thập ngũ niên 万历十五年, cũng như những công trình của Thành Trung Anh, Đỗ Duy Minh… đều được giới thiệu vào đại lục.
Mặt khác, công trình của rất nhiều nhà Hán học nước ngoài nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Trung Quốc cũng được giới thiệu hoặc phiên dịch, như học giả Đức Max Weber có Nho giáo và Đạo giáo[17], học giả Anh Angus Charles Graham có cuốn Âm dương và tư duy tương quan[18] và cuốn Những nhà tranh luận về Đạo: Biện luận về triết học ở Trung Quốc cổ đại[19], học giả Pháp Jacques Gernet có cuốn Trung Quốc và Cơ Đốc giáo [20], học giả Hà Lan Erik Zurcher có cuốn Phật giáo chinh phục Trung Quốc: Sự truyền bá và ảnh hưởng của Phật giáo ở Trung Quốc đầu thời trung đại[21], học giả Nhật Bản Takeuchi Yoshio có cuốn Lịch sử tư tưởng Trung Quốc [22], các học giả Mĩ Joseph Levenson có cuốn Lương Khải Siêu và tư tưởng cận đại Trung Quốc [23] và cuốn Nước Trung Quốc Nho giáo tính và vận mệnh hiện đại của nó[24], Benjamin Schwartz có cuốn Truy tìm sự giàu mạnh: Nghiêm Phục và phương Tây[25] và cuốn Thế giới tư tưởng Trung Quốc cổ đại[26], Wm. Theodore de Bary có cuốn Đạo học và tâm học[27] và cuốn Tâm học và đạo thống [28], David Hall và Roger Ames cùng viết cuốn Suy nghĩ thông qua Khổng tử[29] …, hàng loạt công trình nổi tiếng nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Trung Quốc ở nước ngoài kể trên đã bắt đầu được học giả Trung Quốc nắm bắt.
5.5. Những đề tài nghiên cứu trọng yếu sát hợp với hiện thực xã hội.Việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc vốn có quan hệ mật thiết đến hiện thực xã hội, các nhà nghiên cứu đề xuất, thâm nhập và quan sát các góc độ của vấn đề lịch sử tư tưởng, từ đó đánh giá và bình luận về các tiêu chuẩn giá trị của nó, những điều này đều liên hệ với mối quan tâm tới hiện thực của họ. Vì vậy, những vấn đề nóng hổi trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng của một thời kì nào đó luôn luôn có ý nghĩa hiện thực quan trọng, một ví dụ cho điều này chính là “Nho học nhiệt” (điểm nóng Nho học, phong trào Nho học) của thời kì này.
Từ thập niên 1990 trở đi, xã hội Trung Quốc đã có những thay đổi mạnh mẽ, kinh tế liên tục phát triển cao độ, lại thêm các quốc gia và khu vực thuộc “Vòng văn hóa Nho gia” (Nho gia văn hóa khuyên) liên tiếp tạo ra kì tích kinh tế, từ đó gợi dẫn ra một phong trào văn hóa thảo luận về văn hóa truyền thống Trung Quốc, nhất là tư tưởng Nho gia. Có người gọi phong trào văn hóa lần này là “Nho học nhiệt”. Theo thống kê, chỉ trong nửa đầu thập niên 1990, trong nước đã xuất bản hơn 300 cuốn sách về phương diện nghiên cứu Nho học; trong 10 năm gần đây, các tạp chí khoa học trong nước mỗi năm đăng hơn 500 bài về Nho học, ngoài nghiên cứu cụ thể về nhân vật, phạm trù, mệnh đề và tư trào Nho gia, còn có những đề tài thảo luận tương đối vĩ mô như: “Nho học và nhân học”, “Nho học và thực học”, “Nho học và tôn giáo”, “Nho học và chủ nghĩa Marx”, “Nho học và tinh thần nhân văn”, “Nho học và hiện đại hóa”, “tại sao Nho học lại là học thuyết chủ đạo”… Khác với trước đây, phong trào văn hóa Nho học hay “Nho học nhiệt” lần này đã không còn giới hạn ở trong nước nữa, những nghiên cứu thảo luận về Nho học đã vượt ngoài châu Á để đi khắp thế giới, từ đó thu hút được sự chú ý của các luận đàn văn hóa quốc tế hiện nay, cho dù giữ thái độ khen hay chê, khẳng định hay bài xích, phát dương hay đề phòng, nhưng không ai có thể coi nhẹ sự tồn tại của Nho học. Các chủ đề nóng hổi về văn hóa quốc tế hiện nay như: “thời kì hậu chiến tranh lạnh”, “mô hình châu Á”, “giá trị châu Á”, “toàn cầu hóa”, “xung đột văn minh”, “tân Nho học đương đại”, “kết cục của hình thái ý thức”, “sự uy hiếp từ Trung Quốc”, “chủ nghĩa phương Đông”, “chủ nghĩa hậu hiện đại”, “chủ nghĩa hậu thực dân”, “chủ nghĩa bá quyền văn hóa”… đều liên quan ở những mức độ hoặc góc độ khác nhau tới sự tri nhận và thảo luận về Nho học. “Nho học nhiệt” đã kéo dài liên tục nhiều năm, chưa có dấu hiệu lắng xuống, nhiệt tình chưa hề suy giảm. Có thể dự đoán rằng, việc nghiên cứu và thảo luận sôi nổi về Nho học sẽ trở thành một cảnh quan văn hóa lớn xuyên thế kỉ của Trung Quốc, châu Á và thậm chí là thế giới. Trong bước chuyển giao thế kỉ hiện nay, Nho học đã có mối liên hệ mật thiết với diện mạo tương lai của văn hóa Trung Quốc, thậm chí là tương lai của văn hóa thế giới, vì vậy cũng không có gì khó hiểu khi Nho học trở thành chủ đề nóng hổi trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng.
Ngoài “Nho học nhiệt”, các điểm nóng khác trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng những năm gần đây như: đánh giá lại phong trào tân văn hóa Ngũ Tứ, phản tỉnh về truyền thống tự do chủ nghĩa cận đại, thảo luận về mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và tính hiện đại, thảo luận về mối quan hệ giữa văn hóa bản địa Trung Quốc với toàn cầu hóa… đều có tinh thần thời đại sôi sục.
Hơn nữa, ngoài những thành tựu vừa nêu, trên phương diện lịch sử triết học Trung Quốc thời kì này cũng xuất bản được một số chuyên luận có ảnh hưởng khá lớn, như: Tôn Thúc Bình 孙叔平có Trung Quốc triết học sử cảo 中国哲学史稿(2 tập, Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã, 1980, 1982), Tiêu Tiệp Phụ 萧萐父và Lý Cẩm Toàn 李锦全chủ biên bộ Trung Quốc triết học sử 中国哲学史(2 tập, Nhân dân Xuất bản xã, 1982, 1983), Phùng Khế có Phát triển lôgic của triết học cổ đại Trung Quốc 中国古代哲学的逻辑发展(3 tập, Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã, 1983-1985) và Tiến trình cách mạng của triết học cận đại Trung Quốc 中国近代哲学的革命进程(Thượng Hải Nhân dân Xuất bản xã, 1989), Phùng Hữu Lan có Trung Quốc triết học sử tân biên 中国哲学史新编(6 quyển, Nhân dân Xuất bản xã, 1983-1989, quyển bảy có nhan đề Trung Quốc hiện đại triết học sử 中国现代哲学史, lần lượt được in năm 1992 tại Trung Hoa thư cục và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Kông, in năm 1999 tại Quảng Đông Nhân dân Xuất bản xã), Nhâm Kế Dũ chủ biên bộ Trung Quốc triết học phát triển sử 中国哲学发展史(đã xuất bản các quyển: Tiên Tần quyển, Tần Hán quyển, Ngụy Tấn Nam Bắc Triều quyển, Tùy Đường quyển; Nhân dân Xuất bản xã, 1984-1994).
Về phương diện nghiên cứu lịch sử tư tưởng, các công trình của Lý Trạch Hậu như: Trung Quốc cổ đại tư tưởng sử luận 中国古代思想史论(Nhân dân Xuất bản xã, 1985), Trung Quốc cận đại tư tưởng sử luận 中国近代思想史论(Nhân dân Xuất bản xã, 1979), Trung Quốc hiện đại tư tưởng sử luận 中国现代思想史论(Đông phương Xuất bản xã, 1987) bằng tư tưởng nhạy bén, bút pháp sáng sủa và sự quan tâm nhiệt tình đến hiện thực đã có ảnh hưởng rất lớn đến giới học thuật, Lý Trạch Hậu đề xuất hoặc nhấn mạnh các thuyết “văn hóa lạc cảm”, “biến tấu song trùng của khai sáng và cứu vong”, “Tây thể Trung dụng”… đều từng được hưởng ứng mạnh mẽ trong giới học thuật.
Tuy nhiên, xem xét các chuyên luận “thông sử” về lịch sử tư tưởng Trung Quốc, bất kể là về quy mô hệ thống hay công phu học thuật, hoặc về mức độ xuyên thấu của độ sâu tư tưởng và lý luận, hoặc về việc xử lý tài liệu hay nghiên cứu nhân vật, thì vẫn chưa có công trình nào hoàn toàn vượt qua bộ Trung Quốc tư tưởng thông sử do Hầu Ngoại Lư chủ biên. Nhưng, thời kì vĩ đại của cải cách mở cửa và giải phóng tư tưởng như hiện nay chính là lúc cần kêu gọi sự ra đời của những công trình then chốt về thông sử tư tưởng Trung Quốc mới mẻ; mà muốn có được những công trình chủ chốt ấy, thì trước hết phải sản sinh được những nhà tư tưởng lớn, nhà học vấn lớn, thông kim bác cổ, hiểu khắp Trung-Tây, tư tưởng thâm thúy, cảnh giới phi phàm.
Nguyễn Tuấn Cường dịch, chú
Tác giả: Trương Hải Yến 张海燕, Sở Nghiên cứu lịch sử, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Nguồn dịch: 张海燕,《二十世纪的中国思想史研究》, in trong tạp chí 中国史研究动态(Trung Quốc sử nghiên cứu động thái), số 1/2002, tr. 5-15. Dịch xong tháng 4/2009. Trong bản dịch, những phần trong ngoặc vuông […] là của người dịch.

Nguồn: Nguyễn Tuấn Cường (tuyển chọn, dịch chú), Hán học Trung Quốc thế kỉ XX(văn tự, ngôn ngữ, văn hiến, giáo dục, tư tưởng, triết học), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010, tr. 491-519. Bản điện tử: http://tuancuonghn.blogspot.com/


[1]
[NTC chú] Cuốn sách này đã có bản dịch tiếng Việt: Trung Quốc triết học sử đại cương, Huỳnh Minh Đức dịch, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970; NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004 (tái bản).
[2] [NTC chú] Tên luận án trong tiếng Anh là: The Development of the Logical Method in Ancient China (Sự phát triển của phương pháp logic ở Trung Quốc cổ đại), luận án hoàn thành năm 1917 tại Đại học Columbia, Mĩ. Cuốn này đã có bản dịch tiếng Việt: Lịch sử logic học thời Tiên Tần, Cao Tự Thanh dịch từ bản tiếng Trung Quốc, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004.
[3] [NTC chú] Hồ Thích Chi: Hồ Thích có tên hiệu là Thích Chi 适之.
[4] Hồ Thích, Trung Quốc triết học sử đại cương (thượng), Thương vụ ấn thư quán, 1987, tr. 2-4.
[5] [NTC chú] Đắt như giấy Lạc Dương 洛阳纸贵(Lạc Dương chỉ quý): ý nói tác phẩm lưu truyền rộng rãi, nổi tiếng một thời; xuất phát từ việc sau khi Tả Tư左思 người đời Tây Tấn viết xong Tam đô phú三都赋, giới quý tộc tranh nhau sao chép, người sao chép nhiều đến nỗi giấy ở Lạc Dương tăng giá.
[6] [NTC chú] Bộ sách này đã có bản dịch tiếng Việt: Trung Quốc triết học sử (hai tập), Lê Anh Minh dịch chú, NXB Khoa học Xã hội, 2007.
[7] [NTC chú] Tên luận án bằng tiếng Anh là A Comparative Study of Life Ideals, hoàn thành năm 1924 tại Đại học Columbia, Mĩ.
[8] Tam Tùng đường tự tự, tr. 224-225.
[9] Tam Tùng đường tự tự, tr. 223.
[10] [NTC chú] Fung Yu-lan, A History of Chinese Philosophy, transl. by Derk Bodde, 2 vols., Princeton: UP, 1953.
[11] [NTC chú] Fung Yu-lan, A Short History of Chinese Philosophy, edited by Derk Bodde. New York: The Macmillan Company, 1948. Cuốn này đã có hai bản dịch tiếng Việt: 1). Đại cương triết học sử Trung Quốc, Nguyễn Văn Dương dịch (từ bản tiếng Pháp), Ban tu thư Viện đại học Vạn Hạnh ấn hành, Saigon, 1968; NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1999 (tái bản). 2). Lược sử triết học Trung Quốc, Lê Anh Minh dịch (từ bản tiếng Anh), NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2010.
[12] [NTC chú] Trinh nguyên lục thư贞元六书: sáu cuốn sách của Phùng Hữu Lan in trong khoảng các năm 1938-1946, tức là viết trong thời kì kháng chiến chống Nhật (1937-1945), gồm:Tân lý học 新理学, Tân sự luận 新事论, Tân thế huấn 新世训, Tân nguyên nhân 新原人, Tân nguyên đạo新原道, Tân tri ngôn 新知言. Cuốn Tân nguyên đạo đã có bản dịch tiếng Việt: Tinh thần triết học Trung Quốc, Lê Anh Minh dịch (từ bản tiếng Trung Quốc), NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2010. “Trinh nguyên” là nói tắt ý “trinh hạ khởi nguyên”, sau đức trinh là quay lại đức nguyên (quẻ Càn có bốn đức tuần hoàn: nguyên, hanh, lợi, trinh), gặp lúc “trinh hạ khởi nguyên” tức là thời cơ phục hưng.
[13] [NTC chú] Bộ sách này chưa có bản dịch tiếng Việt đầy đủ, mới có bản dịch của phần đầu trong quyển 1 (tổng cộng 5 quyển), xin xem: Hầu Ngoại Lư, Triệu Kỉ Bân, Đỗ Quốc Tường, Bàn về tư tưởng cổ đại Trung Quốc, Chu Thiên và Lê Vũ Lang dịch, NXB Sự thật, Hà Nội, 1959. Bản dịch này đã dịch 5 chương, từ Chương 1: Xã hội cổ đại và tư tưởng cổ đại Trung Quốc đến Chương 5: Tư tưởng của thời đại từ cuối Tây Chu đến Xuân Thu.
[14] Nhận đích truy cầu 韧的追求, Tam liên thư điếm, 1985, tr. 267.
[15] Nhận đích truy cầu 韧的追求, Tam liên thư điếm, 1985, tr. 227.
[16] Nhận đích truy cầu 韧的追求, Tam liên thư điếm, 1985, tr. 254-255, tr. 249.
[17] [NTC chú] Max Weber, Die Wirtschaftsethik der Weltreligionen: Konfuzianismus und Taoismus [Đạo đức học kinh tế của các tôn giáo thế giới: Nho giáo và Đạo giáo], Schriften 1915-1920, hrsg. von H. Schmidt-Glintzer in Zusammenarbeit mit P. Kolonko, Tübingen, 1989. Bản dịch tiếng Trung Quốc:马克斯·韦伯著, 《儒教与道教》, 洪天富译, 江苏人民出版社, 1993.
[18] [NTC chú] Angus Charles Graham, YinYang and the Nature of Correlative Thinking [Âm dương và bản chất của tư duy tương quan], Singapore: The Institute of East Asian Philosophies, 1986. Bản dịch tiếng Trung Quốc: “阴阳与关联思维的本质” được in trong cuốn: 艾兰(Sarah Allan), 汪涛, 范毓周主编,《中国古代思维模式与阴阳五行说探索》, 江苏古籍出版社, 1998.
[19] [NTC chú] Angus Charles Graham, Disputers of the Tao: Philosophical Argument in Ancient China, La Salle: Open Court Publishing Company, 1989. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 葛瑞汉, 《论道者: 中国古代哲学论辩》,张海晏译, 中国社会科学出版社, 2003.
[20] [NTC chú] Jacques Gernet, Chine et christianisme, action et réaction [Trung Quốc và Cơ Đốc giáo: Tác động và phản ứng], Paris: Editions Gallimard, 1982. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 谢和耐著, 《中国和基督教》, 耿昇译, 上海古籍出版社, 1991.
[21] [NTC chú] Erik Zurcher, The Buddhist Conquest of China: The Spread and Adaptation of Buddhism in Early Medieval China [Phật giáo chinh phục Trung Quốc: Sự truyền bá và thích nghi của Phật giáo ở Trung Quốc đầu thời trung đại], 2 vols. Leiden: E.J. Brill, 1959. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 许理和著, 《佛教征服中国: 佛教在中国中古早期的传播与适应》, 李四龙等译, 江苏人民出版社, 1998.
[22] [NTC chú] Takeuchi Yoshio,Shina tetsugakushi (支那哲學史) [Lịch sử triết học Trung Quốc], Tokyo: Iwanami Shoten, 1936. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 武内义雄, 《中国哲学思想史》, 汪馥泉译, 商务印书馆, 1939.
[23] [NTC chú] Joseph R. Levenson, Liang Ch'i-ch'ao and Modern Mind of China, Harvard University Press, 1953. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 约瑟夫·阿·勒文森著, 《梁启超与中国近代思想》, 刘伟, 刘丽, 姜铁军译, 四川人民出版社, 1987.
[24] [NTC chú] Joseph R. Levenson, Confucian China and its Modern Fate: A Trilogy, University of California Press, 1968. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 约瑟夫·阿·勒文森著, 《儒教中国及其现代命运》, 郑大华,任菁译, 中国社会科学出版社, 2000.
[25] [NTC chú] Benjamin I. Schwartz,In Search of Wealth and Power: Yen Fu and the West, Belknap Press, 1964. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 本杰明·史华兹著, 《寻求富强严复与西方》, 叶凤美译, 江苏人民出版社, 1990.
[26] [NTC chú] Benjamin I. Schwartz, The World of Thought in Ancient China, Belknap Press, 1985. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 本杰明·史华兹著, 《古代中国的思想世界》, 程钢译, 江苏人民出版社, 2004.
[27] [NTC chú] Wm. Theodore de Bary, Neo-Confucian Orthodoxy and theLearning of the Mind and Heart [Tính chính thống của tân Nho gia và tâm học], Columbia University Press, 1981.
[28] [NTC chú] Wm. Theodore de Bary, The Message of the Mind in Neo-Confucianism [Thông điệp của tâm trong tân Nho học], New York: Columbia University Press, 1989.
[29][NTC chú] David Hall, Roger Ames, Thinking through Confucius, State University of New York Press, 1987. Bản dịch tiếng Trung Quốc: 郝大维, 安乐哲著, 《通过孔子而思: 同文馆·哲学》, 何金俐译, 北京大学出版社, 2005.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved