Home » » Ngày kỷ niệm Đại Thế Chí Bồ Tát

Ngày kỷ niệm Đại Thế Chí Bồ Tát

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012 | 02:52

Ngày kỷ niệm Đại Thế Chí Bồ Tát (13 tháng 7 Âm Lịch)

TVĐĐ - 09/03/2010
Thời Phật còn tại thế, trong hội Lăng Nghiêm, 25 vị Thánh trình bày đường lối tu hành của 25 tông phái. Đại Thế Chí Bồ-tát cùng 52 bạn đồng hành nói về Kiến đại viên thông, nhiếp cả sáu căn, chuyên một tịnh niệm. Các ngài tuyên bố : Nay ở Ta Bà để đưa người niệm Phật về Tịnh-độ.

Đại Thế Chí Bồ-tát tượng trưng đức thanh tịnh (tay cầm hoa sen), chuyên hướng xuất thế. Đại lực dũng mãnh không bị tà kiến ảnh hưởng. Tinh thần vững vàng quyết định trong ý chí giải thoát.

Đức Đại Thế Chí cùng đức QuánThế Âm hầu cận hai bên đức A Di Đà, phân thân khắp mười phương, phổ độ hàm linh.

Đức Quán Thế Âm tượng trưng trí tuệ nhập thế độ sanh, một lòng bi mẫn. Đức Đại Thế Chí, đoạn tuyệt phiền não, tối đại thế lực hộ trì Phật pháp. Vô biên quang trí khắp chiếu, khiến lìa tam đồ khổ, đưa chúng sanh về Tịnh-độ. Vô thượng lực, xứng nguyện chư Phật, gánh vác sự nghiệp thanh tịnh hóa hữu tình.

ĐẠI : lớn. THẾ : thế lực. CHÍ : đến nơi. Chúng ta làm học trò ngài, học hai việc :

a) Nghiêm chỉnh chặt đứt vọng tâm.

b) Bền lòng vững chí quyết đến kết quả, không dừng bước nửa đường.

Bởi vì si ám nhận nội sắc làm thân thể. Chấp ngoại sắc sáu trần có thật. Thọ tưởng hành tạo nghiệp, tâm thức trổ quả báo. Thần thức theo nghiệp vào bào thai, lại tạo ra căn thân và trần cảnh. Cái vòng tròn năm uẩn cứ chứa góp vần xoay.

Muốn thoát luân hồi cần đừng tạo nghiệp. Muốn không tạo nghiệp phải sáng suốt đừng nhận hai cặp khổ vui (thọ) yêu ghét (tưởng) là tâm tánh mình. Khôi phục quyền chủ nhân, không để vọng tâm kích thích sai sử. Phương pháp giải thoát là chuyên niệm Nam mô A Di Đà Phật, chuyển năm uẩn trở về tánh Vô Lượng Quang Thọ.

Nương nguyện lực Phật thâu nhiếp. Tự lực tha lực như chim có hai cánh, như xe có hai bánh, đảm bảo thành công. Thân vô thường. Mãn thọ, ta theo sức Phật tiếp dẫn vãng sanh về An Lạc Tịnhđộ, tiếp tục công phu giải thoát vô minh nghiệp.

Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đầy đủ pháp thân như Phật, tơ hào không thiếu. Nhưng nếu thân ở Phật đường, tâm hướng ngoại duyên thì tuy gặp Phật cũng như không gặp. Lãng tử phiêu lưu chẳng nghĩ trở về, làm sao về nhà ? Nếu con nhớ mẹ quyết định sẽ về với mẹ. Chẳng phải chỉ một kiếp này mà đời đời không xa Phật. Đây là hiệu lực của tâm tư một bề chuyên nhớ Phật. Đại ích lợi thật thâm sâu.

Theo kinh A Di Đà, chẳng những đức Thích Ca, Đại Thế Chí Bồ-tát khuyên ta siêng nhớ Phật A Di Đà mà mười phương Thế Tôn đều dùng tướng lưỡi rộng dài khuyên cả pháp giới hữu tình chuyên tâm niệm Phật cầu về An Lạc. Từ lúc tu nhân, đức Phật đã nguyện dùng danh hiệu làm phương tiện đưa chúng sanh lên quả vị vô thượng.

A DI ĐÀ : Vô lượng quang, vô lượng thọ, vô biên công đức. A Di Đà là giác tánh viên mãn, vô sanh bất diệt. A Di Đà là thể tánh chung cùng của mười phương Phật, mười phương chúng sanh. Về với Phật A Di Đà chẳng những là về với mười phương các bậc đại giác mà cũng là về với chân tâm bản tánh của mình và của mười phương chúng sanh.

Về với Phật là tỏ ngộ chân tâm bản tánh mình. Nhưng nếu cứ một nhớ hai quên, niệm niệm lưu chuyển theo mít xoài cam ổi, ngày này qua ngày khác thì đành vô vọng.

Đức Phật phát 48 đại nguyện. Nguyện nguyện chỉ mong lợi ích tất cả chúng sanh. Mỗi niệm ta quay về liền được từ lực hàm dưỡng. Bởi vì :

a) Mật thiết tương quan, bản lai ta đồng một thể với Phật. b) Phật nguyện độ ta. Ta nguyện về với Phật. Hai nguyện tương ưng như đá nam châm hút sắt. Tánh đức đã tương quan, tu đức lại mật thiết, cảm ứng không thể nghĩ bàn.

Đem lòng mẹ thương con ví với tâm Phật chưa đủ. Mẹ chỉ thương con trong một đời, Phật thương chúng ta vĩnh kiếp. Tiếc rằng chúng ta mê muội, vẩn vơ nghĩ ngợi lang thang, quên mất chân tánh. Một niệm sân, liền lạc về rắn rết. Một niệm tham, đi về nẻo ma tà ngạ quỷ. Từ vô thủy mãi long đong trong sáu nẻo luân hồi. Vừa thoát bào thai ra lại sa vào quả trứng. Thấp sanh, hóa sanh, triền miên khốn khổ.

Nay được thân người, được nghe nhất thừa vi diệu pháp môn, viên đốn thẳng đường, giản dị dễ tu, một đời kết quả. Chúng ta cố gắng tìm hiểu, phát nguyện thực hành.

Tin Phật là nơi nương tựa duy nhất. Tâm tâm quay về, niệm niệm không quên. Công phu thuần thục đúc thành một phiến. Một lòng dồn hết tâm tư về Phật như sông liên tục chảy về biển cả. Toàn thể thân tâm trụ trong biển A Di Đà vô lượng quang. Nương lực Phật, bản giác dần khai, mây ngũ trược tự tan.

Trồng dưa phải được dưa, nhân quả làm sao sai khác ? Câu câu Phật hiệu, tâm tâm chánh niệm. Vọng niệm dù khởi, giác biết liền tan. Mãi thành thói quen, chợt quên lại nhớ.
Giải thoát sanh tử là việc rất khó. Chỉ nhờ niệm Phật bảo đảm thành công. Pháp môn này ai tu cũng được. Theo đệ nhất phương tiện siêu phàm nhập thánh này, chẳng những chúng ta được khai ngộ mà còn thành Phật. Như người ướp hương, thân có mùi thơm. Pháp này gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Tiêu dung lũy kiếp mê tình, viên trương tự tánh quang minh, không chi hơn là thành kính trì danh hiệu Phật. Đem tâm nhân địa nhập vào Như Lai quả giác. Mỗi niệm mỗi niệm viên thông, nhân quả tương khế.
Bồ-tát Đại Thế Chí trợ giúp đức Thích Ca hoằng hóa cõi Ta Bà, đem diệu hạnh niệm Phật phổ khuyến chúng sanh tu tập. Bồ-tát đại từ bi, đại oai thần. Chỉ còn đợi ở chúng ta khả năng thâu nhiếp sáu căn, chuyên một tịnh niệm, để đưa chúng ta lên tòa sen. Bởi vì tự tâm làm Phật, tâm ấy là Phật. Tự tâm làm chúng sanh, tâm ấy là chúng sanh. Khổ vui họa phước, ta tự chiêu vời. Chỉ những tín nguyện thiết tha mới có cảm ứng đạo giao với Phật.

Mong ai nấy phấn chấn niệm Phật. Đừng để lỡ cơ hội đang được thân người. Từ vô thủy sáu căn tham nhiễm sáu trần chẳng thể thanh tịnh. Nay chí thành bội trần hợp giác, phản vọng quy chân. Một niệm chí thành là một niệm tịnh. Niệm niệm chí thành là niệm niệm tịnh. Lâu ngày thuần thục. Đây là thuốc tiên lọc quặng lấy vàng.


Cõi Ta Bà bao nhiêu tai nạn đói rét, bão lụt, đao binh… nghĩ thật lạnh lòng. Lại còn mai hậu đọa lạc địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, quả tình khủng khiếp. Chỉ có niệm Phật mới hy vọng hiện tại thảnh thơi, mai sau an ổn. Được niệm Phật tam muội là có cơ bản giải thoát.

Liên Tông Bảo Giám, Ưu Đàm đại sĩ cảnh sách rằng : “Đối địch với sanh tử không phải chuyện thường. Chớ để ngày giờ đi qua uổng phí. Đông hạ, ngày đêm, đi đứng nằm ngồi, bốn chữ hồng danh không rời tâm. Nhặt nhặt nhiệm nhiệm như gà ấp trứng. Tịnh niệm liên tiếp.

Thế gian vô thường. Sống chết thành bại không quản. Trong ba cõi sáu đường đã bao lần thay thân đổi xác. Nay đã gặp chánh pháp thì mai đây hoa sen hóa sanh, sẽ chứng quả Bồ-đề. Muốn được như thế phải một lòng niệm Phật, quyết cầu vãng sanh. Dù bệnh dù chết, bình tĩnh cởi bỏ báo thân. Xả cảnh phàm về cõi thánh là điều đáng mừng.

Nắm chặt danh hiệu Phật. Một niệm này là đức Bổn Sư ; một niệm này là mãnh tướng phá địa ngục; một niệm này là gươm báu chém ma tà ; một niệm này là đuốc sáng phá vô minh, thuyền vượt biển khổ, thuốc trường sanh, đường tắt ra khỏi luân hồi. Niệm này chính là bản tánh Di Đà, duy tâm Tịnh-độ. Chớ để lạc mất. Không việc cũng niệm. Có việc cũng niệm. An vui cũng niệm. Buồn khổ cũng niệm. Cứ một niệm này phân minh nghe rõ. Đâu cần hỏi ai để biết đường về”.
- I -

Phạm chí được vua Đế Thích cho biết tuổi thọ chỉ còn 7 ngày và khuyên đến cầu Phật. Phạm Chí hai tay cầm hai cây ngô đồng hoa nở rất đẹp, đến cúng dường Phật. Phật dạy : Buông đi ! Phạm chí đặt hai cây xuống. Phật dạy tiếp : Buông đi !

– Bạch Thế Tôn, hai tay con đã buông cả rồi.

– Buông sạch vọng thân (sáu căn), vọng cảnh (sáu trần), vọng tâm (sáu thức) thì giải thoát sanh tử.

Phạm chí liền được vô sanh.

- II -

Một bà già bạch thiền sư Triệu Châu : Thân nữ khổ lắm, xin Hòa-thượng dạy pháp giải khổ.

– Hãy quên mình đi. Một lòng cầu mong cho tất cả chúng sanh cùng giác tỉnh. Bởi vì cứ chấp chặt vào cái ta, bám chặt vào thân nữ. Đui què mẻ sứt vẫn không chịu buông nên cứ khổ. Đừng nhận nó là mình nữa. Ngay đó liền hết khổ.
- III -

Tung Sơn (bên Tàu) có miếu thờ ông Táo. Dân làng sát sanh vô số để cúng dường. Sư (không biết tên gì) lấy gậy gõ ba cái, bảo :

Thần bếp ơi ! Đây là cục đất ! Thánh từ đâu lại, linh từ đâu đến ? Nói xong đập bếp vỡ đổ nhào. Sư bỏ đi được một quãng đường. Chợt một vị áo xanh bước ra lễ bái : Con là thần táo. Vừa được Hòa-thượng khai thị, thoát thân quỷ thần, được sanh lên trời. Nay xin đỉnh lễ tạ ân.

Thần Táo nhận cái bếp là thân mình. Ra oai tác quái được thế gian tôn là linh thiêng. Chúng ta cũng thế, bám vào mấy thớ thịt mấy cục xương. Giết gà mổ cá cúng nó. Rốt cuộc nó già bệnh chết trở về cát bụi. Nghiệp ác đưa ta sang kiếp khác. Thần Táo nhờ tỉnh ngộ, buông cái bếp ra, thoát kiếp Táo. Chúng ta bao giờ ngộ tánh vô sanh sẽ sạch nghiệp luân hồi.


Theo truyền thống tiểu thừa. Diệu dụng từ bi, nguyện lực thần thông cứu độ chúng sanh là việc của Phật. Tăng đoàn xuất gia chỉ hy vọng giải thoát luân hồi sanh tử.

Đại thừa lập ý chí lớn cùng Phật cứu vớt chúng sanh, đạt lý tưởng nhân cách tối cao viên mãn. Lý tưởng cầu thành Phật cần nhiều kiếp tu hành mới kết quả nên vãng sanh Tịnh-độ là điều kiện thiết yếu.

Hiện tiền đại chúng vân tập về đây cùng nhau xây dựng đạo tràng, đều do nhiều đời đã gieo nhân lành, biết giác tỉnh cầu về sự thật. Phương pháp niệm Phật đơn giản. Chỉ cần tin sâu, nguyện thiết, hạnh chuyên, liền được đới nghiệp vãng sanh. Vãng sanh rồi ai cũng bất thoái và thành Nhất sanh bổ xứ. Mong ai nấy y giáo phụng hành. Sợ ba đường ác, cầu thoát luân hồi. Bỏ thân hư huyễn, nguyện sanh Tịnh-độ.

Tây phương siêng quán, dụng thành tâm.
Thường niệm từ bi Quán Thế Âm.
Chỉ được nghe tên, liền hưởng phước,
Lành thay đại sĩ, nguyện hoằng thâm !
Tây phương Bồ-tát phóng quang minh.
Đại lực oai thần Thế Chí linh.
Xứ xứ phân thân hằng giáo hóa,
Thề nơi biển khổ, độ mê tình.

Sư Bà Hải Triều Âm
Chùa Dược Sư – Lâm Đồng

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved