Con "Quốc quốc"
Con "Quốc quốc" vốn là chim Cuốc. Tiếng "quốc quốc" do cách tá âm "cuốc cuốc" mà ra. Trong bài "Qua đèo Ngang" của bà huyện Thanh Quan, có câu:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Chim Cuốc còn có tên là Đỗ Quyên, Tử Quy hay Đỗ Vũ. Giống chim này, đầu mỏ hơi cong, miệng to đuôi dài, lưng màu tro, bụng sắc trắng có một đường đen thẳng ngang. Nó thường lủi trong bụi rậm dưới ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối xuân sang hè thì bắt đầu kêu. Giọng thê thảm khiến khách lữ hành động lòng nhớ nhà, nhớ quê hương.
Chim này không tự làm tổ lấy, đẻ trứng vào ổ chim Oanh. Chim Oanh ấp, nuôi cho đến lớn.
Sự tích chim Cuốc có nhiều thuyết.
Có điển cho rằng vua nước Thục là Đỗ Vũ thông dâm với vợ một bề tôi là Biết Linh, Biết Linh dấy loạn. Vua Thục thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng. Đoạn này sách "Thành đô ký" lại nói: Vua Thục thông dâm với vợ Biết Linh. Biết Linh biết chuyện, bày kế cho vợ nói khích Đỗ Vũ nhường ngôi cho Biết Linh rồi cùng vợ Biết Linh bỏ nước đi, để sống cho trọn tình chung. Đỗ Vũ nghe theo, giao nước cho Biết Linh nhưng vợ Biết Linh bây giờ bỏ Đỗ Vũ, trở lại sống cùng chồng.
Buồn khổ, nhớ nước, sau thác, Thục đế hóa thành chim Đỗ Quyên, ngày đêm kêu mãi không thôi.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du đoạn tả về khúc đàn của Kiều gảy cho Kim Trọng nghe lúc tái hợp, có câu:
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên.
Lại cũng có điển chép: Thục đế An Dương Vương của nước ta (207 trước D.L.?), vì con gái là Mỵ Châu bị lừa, trao nỏ thần cho chồng là Trọng Thủy nên phải thua trận và nhảy xuống biển tự tử. Vì nhớ nước nên hóa thành chim Cuốc, ngày đêm kêu lên những tiếng não ruột.
Thuyết sau này e không đúng. Vì tiếng "Đỗ Quyên", "Đỗ Vũ" nguồn gốc vốn ở Trung Hoa.
Thật không có tiếng gì kêu bi thảm, não ruột cho bằng tiếng chim Cuốc. Những buổi trưa hè nắng chang chang hay những đêm hè tịch mịch, tiếng chim Cuốc trong những bụi rậm hay trong bụi niễng dưới đầm vọng lên làm lòng người cảm thấy bi ai một cách lạ lùng. Nó gợi lên được sự nhớ nhung một thời oanh liệt xa xôi nào; có khi nó thúc giục và làm bừng dậy cái tinh thần ái quốc nồng nàn đương tiềm tàng trong lòng người dân thời nước mất nhà tan.
Thi ca cổ điển Việt Nam dùng rất nhiều điển về chim Cuốc.
Trần Danh An, một di thần nhà Lê (1428-1788), nghe tiếng Cuốc kêu cũng cảm xúc, nhớ lại một triều đại hưng thịnh, một công nghiệp dựng nước của Thái Tổ, tài đức Thái Tông... Hôm nay, Chiêu Thống hèn nhát, họ Trịnh chuyên quyền, lòng ái quốc thiết tha sống động trong tâm hồn thi sĩ; nhưng thi sĩ cảm thấy mình bất lực trước thời cuộc nên đành gói ghém tâm sự di thần của mình trong mấy vần thơ:
Giá cô tại giang Nam
Đỗ Quyên tại giang Bắc
Giá cô minh gia gia
Đổ Quyên minh quốc quốc.
Vi cầm do hữu quốc gia thanh,
Cô thần đối thử tình vô cực.
Nghĩa:
Chim giá cô ở bờ sông Nam,
Chim Đỗ Quyên ở bờ sông Bắc,
Giá cô kêu gia gia,
Đỗ Quyên kêu quốc quốc
Chim nhỏ còn kêu tiếng nước nhà
Cô thần đối cảnh tình man mác.
Bà huyện Thanh Quan khi qua đèo Ngang đã mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm trạng thầm kín của mình đối với công nghiệp của triều Lê đã mất:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Nhưng tiếng Cuốc ở đây lại càng lâm ly, não nùng hơn nữa.
Đứng trước thành Cổ Loa, xưa kia nơi đây là cung miếu của vua Thục, nhà thơ Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ. Cung miếu đó, xưa kia tráng lệ huy hoàng bao nhiêu thì ngày nay điêu tàn quạnh quẽ bấy nhiêu. Trong cảnh vắng vẻ lạnh lùng này, dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã.
... Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải Cuốc kêu thâu
(Bản dịch của Tiền Đàm)
Nguyên văn:
... Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
Tiếng Cuốc của quan Án Chu Mạnh Trinh tuy có não nuột thật nhưng chưa sâu xa thấm thía và bi đát bằng tiếng Cuốc kêu của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Tiếng Cuốc của Cụ Nguyễn là tất cả tiếng nói của lòng một người dân tha thiết yêu nước bị mất nước. Tiếng Cuốc đó còn nói lên một mối đau buồn uất hận của tác giả vì nỗi bất lực trước cảnh đen tối của thời cuộc. Và, đó cũng là tiếng nói của lương tâm thôi thúc tác giả xông pha vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc:
Khắc khoải sâu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đừng gọi?
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm sự của một người dân vong quốc vẫn là một thông lệ trong văn chương Việt Nam.
"Thục đế", "Đỗ Quyên", "Quốc quốc" đều do điển tích trên.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Chim Cuốc còn có tên là Đỗ Quyên, Tử Quy hay Đỗ Vũ. Giống chim này, đầu mỏ hơi cong, miệng to đuôi dài, lưng màu tro, bụng sắc trắng có một đường đen thẳng ngang. Nó thường lủi trong bụi rậm dưới ao sâu hoặc hồ rộng. Cuối xuân sang hè thì bắt đầu kêu. Giọng thê thảm khiến khách lữ hành động lòng nhớ nhà, nhớ quê hương.
Chim này không tự làm tổ lấy, đẻ trứng vào ổ chim Oanh. Chim Oanh ấp, nuôi cho đến lớn.
Sự tích chim Cuốc có nhiều thuyết.
Có điển cho rằng vua nước Thục là Đỗ Vũ thông dâm với vợ một bề tôi là Biết Linh, Biết Linh dấy loạn. Vua Thục thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng. Đoạn này sách "Thành đô ký" lại nói: Vua Thục thông dâm với vợ Biết Linh. Biết Linh biết chuyện, bày kế cho vợ nói khích Đỗ Vũ nhường ngôi cho Biết Linh rồi cùng vợ Biết Linh bỏ nước đi, để sống cho trọn tình chung. Đỗ Vũ nghe theo, giao nước cho Biết Linh nhưng vợ Biết Linh bây giờ bỏ Đỗ Vũ, trở lại sống cùng chồng.
Buồn khổ, nhớ nước, sau thác, Thục đế hóa thành chim Đỗ Quyên, ngày đêm kêu mãi không thôi.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du đoạn tả về khúc đàn của Kiều gảy cho Kim Trọng nghe lúc tái hợp, có câu:
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên.
Lại cũng có điển chép: Thục đế An Dương Vương của nước ta (207 trước D.L.?), vì con gái là Mỵ Châu bị lừa, trao nỏ thần cho chồng là Trọng Thủy nên phải thua trận và nhảy xuống biển tự tử. Vì nhớ nước nên hóa thành chim Cuốc, ngày đêm kêu lên những tiếng não ruột.
Thuyết sau này e không đúng. Vì tiếng "Đỗ Quyên", "Đỗ Vũ" nguồn gốc vốn ở Trung Hoa.
Thật không có tiếng gì kêu bi thảm, não ruột cho bằng tiếng chim Cuốc. Những buổi trưa hè nắng chang chang hay những đêm hè tịch mịch, tiếng chim Cuốc trong những bụi rậm hay trong bụi niễng dưới đầm vọng lên làm lòng người cảm thấy bi ai một cách lạ lùng. Nó gợi lên được sự nhớ nhung một thời oanh liệt xa xôi nào; có khi nó thúc giục và làm bừng dậy cái tinh thần ái quốc nồng nàn đương tiềm tàng trong lòng người dân thời nước mất nhà tan.
Thi ca cổ điển Việt Nam dùng rất nhiều điển về chim Cuốc.
Trần Danh An, một di thần nhà Lê (1428-1788), nghe tiếng Cuốc kêu cũng cảm xúc, nhớ lại một triều đại hưng thịnh, một công nghiệp dựng nước của Thái Tổ, tài đức Thái Tông... Hôm nay, Chiêu Thống hèn nhát, họ Trịnh chuyên quyền, lòng ái quốc thiết tha sống động trong tâm hồn thi sĩ; nhưng thi sĩ cảm thấy mình bất lực trước thời cuộc nên đành gói ghém tâm sự di thần của mình trong mấy vần thơ:
Giá cô tại giang Nam
Đỗ Quyên tại giang Bắc
Giá cô minh gia gia
Đổ Quyên minh quốc quốc.
Vi cầm do hữu quốc gia thanh,
Cô thần đối thử tình vô cực.
Nghĩa:
Chim giá cô ở bờ sông Nam,
Chim Đỗ Quyên ở bờ sông Bắc,
Giá cô kêu gia gia,
Đỗ Quyên kêu quốc quốc
Chim nhỏ còn kêu tiếng nước nhà
Cô thần đối cảnh tình man mác.
Bà huyện Thanh Quan khi qua đèo Ngang đã mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm trạng thầm kín của mình đối với công nghiệp của triều Lê đã mất:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Nhưng tiếng Cuốc ở đây lại càng lâm ly, não nùng hơn nữa.
Đứng trước thành Cổ Loa, xưa kia nơi đây là cung miếu của vua Thục, nhà thơ Chu Mạnh Trinh bất giác sinh lòng hoài cổ. Cung miếu đó, xưa kia tráng lệ huy hoàng bao nhiêu thì ngày nay điêu tàn quạnh quẽ bấy nhiêu. Trong cảnh vắng vẻ lạnh lùng này, dưới ánh trăng mờ nhạt, tiếng cuốc khắc khoải năm canh vọng lên buồn bã.
... Cung miếu triều xưa đây vắng ngắt,
Trăng mờ khắc khoải Cuốc kêu thâu
(Bản dịch của Tiền Đàm)
Nguyên văn:
... Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
Đỗ Quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
Tiếng Cuốc của quan Án Chu Mạnh Trinh tuy có não nuột thật nhưng chưa sâu xa thấm thía và bi đát bằng tiếng Cuốc kêu của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Tiếng Cuốc của Cụ Nguyễn là tất cả tiếng nói của lòng một người dân tha thiết yêu nước bị mất nước. Tiếng Cuốc đó còn nói lên một mối đau buồn uất hận của tác giả vì nỗi bất lực trước cảnh đen tối của thời cuộc. Và, đó cũng là tiếng nói của lương tâm thôi thúc tác giả xông pha vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc:
Khắc khoải sâu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đừng gọi?
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Mượn tiếng Cuốc kêu để diễn tả tâm sự của một người dân vong quốc vẫn là một thông lệ trong văn chương Việt Nam.
"Thục đế", "Đỗ Quyên", "Quốc quốc" đều do điển tích trên.