Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Bên Trung Hoa, tại vùng Trúc Giang có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một nàng thôn nữ tên Tần Thúy Hải. Cả hai yêu nhau thắm thiết, nguyện cùng kết tóc, se tơ cho đến ngày răng long tóc bạc.
Quan Diệp Nhược thường đi buôn bán nơi xa. Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về với nàng. Đúng ngày, nàng Tần Thúy Hải đến đón người yêu. Lần nào cũng đúng hẹn cả.
Thời gian xa nhau không lâu nhưng họ đều cảm thấy dài đăng đẳng. Nỗi nhớ thương vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì sự nghiệp, họ đành phải chịu đựng và cầu mong ngày tái ngộ.
Mùa thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã, tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu báu với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn Quan hẹn ngày này tháng sau sẽ trở về.
Nhưng chuyến này lại khác.
Đến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, hớn hở vui tươi để ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy bóng chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần thu qua đông đến nàng mỏi mòn chờ đợi, nhưng người yêu xưa lại chẳng thấy về, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ mình nơi đất khách quê người? Nàng quằn quại sống trong cảnh sầu thương, mong nhớ.
Rồi, một ngày đông lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng cả vòm trời, nàng Tần trút hơi thở trên giường bịnh.
Theo tục lệ ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Lửa đã đốt cháy người trinh nữ, xương thịt nàng Tần đã trở thành tro bụi, nhưng khi người ta bới đám tro tàn lạnh lẽo ấy bắt gặp một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Lửa không sao đốt cháy, búa đập cũng không tan. Ai cũng lấy làm lạ, cho đó là khối tình u uất của nàng vì tương tư thương nhớ người yêu, vì quá đau khổ nỗi duyên phận bẽ bàng... Tuy thân xác đã tiêu tan mà khối tình vẫn còn mãi mãi.
Nhưng rồi, một hôm Quan Diệp Nhược lại trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì chàng gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường chàng bị giặc cướp cả tiền bạc, thuyền bè, làm chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bịnh, tưởng là bỏ xương nơi đất khách.
Cảm thương người yêu vì quá thương nhớ mình mà chết, Quan Diệp Nhược lấy làm đau đớn vô cùng. Chàng cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống thì viên ngọc ấy lại tan ra hòa theo giọt nước mắt của chàng.
Bên Việt Nam ta cũng có một truyện giống như trên.
Trương Chi làm nghề lái đò. Một con thuyền bềnh bồng trên mặt nước, hằng ngày đưa khách sang sông. Chàng Trương vốn có tâm hồn nghệ sĩ. Những khi hoàng hôn vừa tắt sau dãy đồi xa, bóng đêm bao phủ khắp không gian, lửa cháy lốm đốm nổi theo dòng nước, thì chàng lại cất tiếng hát vang lên. Giọng chàng trong trẻo, thánh thót như giọng hót của sơn ca vào buổi bình minh.
Tiếng hát của Trương lại đồng vọng rót vào lầu tây của một quan Tể tướng, làm động lòng của nàng trinh nữ Mỵ Nương. Mỗi đêm, nàng đứng tựa bên lầu chờ nghe tiếng hát của chàng Trương. Một mối tình thầm kín, sâu xa giữa nàng tiểu thư, con quan Tể tướng với anh lái đò ngày càng thắm thiết, mặn nồng.
Vắng tiếng hát của Trương Chi, Mỵ Nương bàng hoàng, nhớ thương, đau khổ. Nàng mang nặng một mối tình cảm. Rồi từ ấy, nàng mắc phải bịnh tương tư ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được. Chỉ mỗi lần có tiếng hát ngoài sông văng vẳng đưa vào thì bịnh của nàng mới đỡ được đôi phần.
Biết con gái say mê tiếng hát anh lái đò, quan Tể tướng cho đòi Trương Chi đến. Nhưng thảm thay, diện mạo của Trương Chi quá xấu xí, Mỵ Nương trông thấy chán nản, bịnh tương tư lại khỏi hẳn.
Tưởng rằng đòi đến sẽ được hàn thuyên cùng người ngọc, không ngờ lại chán chường nỗi tủi nhục, Trương Chi lấy làm đau đớn. Về nhà, hình bóng yêu kiều của Mỵ Nương ám ảnh mãi. Trương lâm bịnh tương tư, thuốc thang chạy chữa không khỏi. Cuối cùng Trương chết trong tủi hận sầu đau vì mối tình tuyệt vọng.
Ba năm cải táng, xương thịt của Trương đều tan rã, chỉ nguyên có quả tim còn lại đóng thành khối ngọc rất đẹp. Có người đem dâng ngọc quả tim của Trương cho quan Tể tướng. Thấy ngọc lớn và đẹp, Tể tướng cho tiện thành chén uống nước trà.
Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì trong chén lại hiện ra một chàng lái đò vừa chèo đò vừa hát, giọng văng vẳng não nùng như phảng phất đâu đây. Nàng nhìn kỹ là hình bóng của Trương Chi đương hát trên sông vắng.
Cảm mối tình tha thiết của Trương Chi, Mỵ Nương đau đớn, ôm chén ngọc, khóc nức nở. Nước mắt của nàng rỏ xuống chén ngọc làm chén ngọc vỡ tan hòa theo nước mắt của nàng.
Sử ta cũng có chép:
Nhà Hậu Lê (1533-1788), vua Tây Sơn là Nguyễn Huệ đem quân sang đánh Bắc Hà, vua cuối cùng nhà Hậu Lê là Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Tàu cùng một số quan tòng vong. Chiêu Thống mong cầu viện vua nhà Thanh đem binh sang giúp mình mong dựng lại cơ đồ.
Nhưng quân nhà Thanh vừa bị vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại tại trận Đống Đa, vua Càng Long nhà Thanh vỡ tan mộng xâm lược nên bằng lòng chịu hòa với Tây Sơn, do đó sự cầu viện của vua Lê bất thành. Vua nhà Thanh lại còn bạc đãi, sỉ nhục vua Lê đến điều, bắt các quan lại tòng vong như Lê Quỳnh, Trịnh Hiến cả thảy 10 người phải đổi áo gióc bím như dân nhà Thanh và còn đày họ mỗi người ở mỗi nơi.
Vua Chiêu Thống lấy làm tủi nhục. Hoàng tử lên đậu chết, nhà vua càng buồn bã rầu rĩ hơn nữa nên lâm phải bịnh ngày thêm trầm trọng, rồi mất (1793).
Khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1802, sai sứ sang Tàu cầu phong, các quan nhà Lê nhân dịp dâng biểu xin đem hài cốt vua và hoàng hậu về nước. Vua Gia Khánh nhà Thanh bằng lòng.
Trong lúc đào đất lên để cải táng mả vua Lê thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Ông Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược" chép đến đoạn này có lời phê: "Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái ngại thay cho ông vua một nước phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm một bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được."
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh trước khi theo về Lâm Truy, nàng ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya, nhớ đến mối tình đầu giữa nàng và Kim Trọng vì gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên than thở:
Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Quan Diệp Nhược thường đi buôn bán nơi xa. Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về với nàng. Đúng ngày, nàng Tần Thúy Hải đến đón người yêu. Lần nào cũng đúng hẹn cả.
Thời gian xa nhau không lâu nhưng họ đều cảm thấy dài đăng đẳng. Nỗi nhớ thương vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì sự nghiệp, họ đành phải chịu đựng và cầu mong ngày tái ngộ.
Mùa thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã, tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu báu với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn Quan hẹn ngày này tháng sau sẽ trở về.
Nhưng chuyến này lại khác.
Đến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, hớn hở vui tươi để ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy bóng chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần thu qua đông đến nàng mỏi mòn chờ đợi, nhưng người yêu xưa lại chẳng thấy về, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ mình nơi đất khách quê người? Nàng quằn quại sống trong cảnh sầu thương, mong nhớ.
Rồi, một ngày đông lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng cả vòm trời, nàng Tần trút hơi thở trên giường bịnh.
Theo tục lệ ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Lửa đã đốt cháy người trinh nữ, xương thịt nàng Tần đã trở thành tro bụi, nhưng khi người ta bới đám tro tàn lạnh lẽo ấy bắt gặp một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Lửa không sao đốt cháy, búa đập cũng không tan. Ai cũng lấy làm lạ, cho đó là khối tình u uất của nàng vì tương tư thương nhớ người yêu, vì quá đau khổ nỗi duyên phận bẽ bàng... Tuy thân xác đã tiêu tan mà khối tình vẫn còn mãi mãi.
Nhưng rồi, một hôm Quan Diệp Nhược lại trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì chàng gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường chàng bị giặc cướp cả tiền bạc, thuyền bè, làm chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bịnh, tưởng là bỏ xương nơi đất khách.
Cảm thương người yêu vì quá thương nhớ mình mà chết, Quan Diệp Nhược lấy làm đau đớn vô cùng. Chàng cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống thì viên ngọc ấy lại tan ra hòa theo giọt nước mắt của chàng.
Bên Việt Nam ta cũng có một truyện giống như trên.
Trương Chi làm nghề lái đò. Một con thuyền bềnh bồng trên mặt nước, hằng ngày đưa khách sang sông. Chàng Trương vốn có tâm hồn nghệ sĩ. Những khi hoàng hôn vừa tắt sau dãy đồi xa, bóng đêm bao phủ khắp không gian, lửa cháy lốm đốm nổi theo dòng nước, thì chàng lại cất tiếng hát vang lên. Giọng chàng trong trẻo, thánh thót như giọng hót của sơn ca vào buổi bình minh.
Tiếng hát của Trương lại đồng vọng rót vào lầu tây của một quan Tể tướng, làm động lòng của nàng trinh nữ Mỵ Nương. Mỗi đêm, nàng đứng tựa bên lầu chờ nghe tiếng hát của chàng Trương. Một mối tình thầm kín, sâu xa giữa nàng tiểu thư, con quan Tể tướng với anh lái đò ngày càng thắm thiết, mặn nồng.
Vắng tiếng hát của Trương Chi, Mỵ Nương bàng hoàng, nhớ thương, đau khổ. Nàng mang nặng một mối tình cảm. Rồi từ ấy, nàng mắc phải bịnh tương tư ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được. Chỉ mỗi lần có tiếng hát ngoài sông văng vẳng đưa vào thì bịnh của nàng mới đỡ được đôi phần.
Biết con gái say mê tiếng hát anh lái đò, quan Tể tướng cho đòi Trương Chi đến. Nhưng thảm thay, diện mạo của Trương Chi quá xấu xí, Mỵ Nương trông thấy chán nản, bịnh tương tư lại khỏi hẳn.
Tưởng rằng đòi đến sẽ được hàn thuyên cùng người ngọc, không ngờ lại chán chường nỗi tủi nhục, Trương Chi lấy làm đau đớn. Về nhà, hình bóng yêu kiều của Mỵ Nương ám ảnh mãi. Trương lâm bịnh tương tư, thuốc thang chạy chữa không khỏi. Cuối cùng Trương chết trong tủi hận sầu đau vì mối tình tuyệt vọng.
Ba năm cải táng, xương thịt của Trương đều tan rã, chỉ nguyên có quả tim còn lại đóng thành khối ngọc rất đẹp. Có người đem dâng ngọc quả tim của Trương cho quan Tể tướng. Thấy ngọc lớn và đẹp, Tể tướng cho tiện thành chén uống nước trà.
Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì trong chén lại hiện ra một chàng lái đò vừa chèo đò vừa hát, giọng văng vẳng não nùng như phảng phất đâu đây. Nàng nhìn kỹ là hình bóng của Trương Chi đương hát trên sông vắng.
Cảm mối tình tha thiết của Trương Chi, Mỵ Nương đau đớn, ôm chén ngọc, khóc nức nở. Nước mắt của nàng rỏ xuống chén ngọc làm chén ngọc vỡ tan hòa theo nước mắt của nàng.
Sử ta cũng có chép:
Nhà Hậu Lê (1533-1788), vua Tây Sơn là Nguyễn Huệ đem quân sang đánh Bắc Hà, vua cuối cùng nhà Hậu Lê là Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Tàu cùng một số quan tòng vong. Chiêu Thống mong cầu viện vua nhà Thanh đem binh sang giúp mình mong dựng lại cơ đồ.
Nhưng quân nhà Thanh vừa bị vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại tại trận Đống Đa, vua Càng Long nhà Thanh vỡ tan mộng xâm lược nên bằng lòng chịu hòa với Tây Sơn, do đó sự cầu viện của vua Lê bất thành. Vua nhà Thanh lại còn bạc đãi, sỉ nhục vua Lê đến điều, bắt các quan lại tòng vong như Lê Quỳnh, Trịnh Hiến cả thảy 10 người phải đổi áo gióc bím như dân nhà Thanh và còn đày họ mỗi người ở mỗi nơi.
Vua Chiêu Thống lấy làm tủi nhục. Hoàng tử lên đậu chết, nhà vua càng buồn bã rầu rĩ hơn nữa nên lâm phải bịnh ngày thêm trầm trọng, rồi mất (1793).
Khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1802, sai sứ sang Tàu cầu phong, các quan nhà Lê nhân dịp dâng biểu xin đem hài cốt vua và hoàng hậu về nước. Vua Gia Khánh nhà Thanh bằng lòng.
Trong lúc đào đất lên để cải táng mả vua Lê thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Ông Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược" chép đến đoạn này có lời phê: "Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái ngại thay cho ông vua một nước phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm một bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được."
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh trước khi theo về Lâm Truy, nàng ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya, nhớ đến mối tình đầu giữa nàng và Kim Trọng vì gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên than thở:
Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.