Home » » Lẽ phải không cần cái mác “trí thức”

Lẽ phải không cần cái mác “trí thức”

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 23:06

Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết
11:00-30/01/2012
Giản Tư Trung

11:00-30/01/2012
Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết
Giản Tư Trung
Bàn về trí thức hay bàn về vai trò của trí thức thực chất cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết.
“Trí thức và vai trò của trí thức” hay “câu chuyện về trí thức” là một đề tài không mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Đây cũng là một đề tài rất phức tạp và dễ gây tranh cãi, nhưng là một đề tài đầy ý nghĩa đối với bất cứ xã hội nào, trong bất cứ thời đại nào. Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về trí thức, mỗi góc nhìn lại cho ta một cách hiểu về trí thức và vai trò của trí thức. Nếu ta có được nhiều góc nhìn về một vấn đề thì ta sẽ có cơ hội hiểu vấn đề đó một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, vì khi đó không chỉ thấy “cây”, mà còn thấy “rừng”.
Trong phạm vi bài viết này, từ một góc nhìn, tôi cho rằng, trí thức là người có trí và luôn dùng cái trí của mình để góp phần thức tỉnh xã hội nhằm hướng mọi người đến cái đúng và cái đẹp. Nếu ai đó “có trí” (sự hiểu biết) nhưng lại “không thức” (không thức tỉnh xã hội) mà để cho xã hội “ngủ” thì bị gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Nếu ai đó thích làm cái việc của trí thức là “đánh thức xã hội” nhưng lại “thiểu trí”, “lệch trí” hay “vô trí” thì gọi là “trí dỏm” (cũng có học hàm, học vị nhưng đầu óc lại trống rỗng, hoặc cũng có chút hiểu biết nhưng hiểu biết đó lại thể hiện sự lệch lạc và ẫu trĩ). Và nếu ai đó “có trí”, “có thức”, nhưng “thiếu tâm” (thiếu động cơ trong sáng) thì gọi là “trí gian” (gian manh, xu thời, cơ hội). Cả 2 loại “trí dỏm” và “trí gian” đều là “ngụy trí thức”, còn “trí ngủ” là “trí thức vô trách nhiệm”.
Sau khi GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ ý kiến của mình trên Báo Tuổi trẻ đã có rất nhiều những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau luận bàn về vấn đề thế nào là “trí thức”. Tạm gác lại những khía cạnh khác, chỉ xét riêng về khía cạnh trao đổi thuật ngữ thì thấy có hai luồng ý kiến: Người thì đồng tình cho rằng trí thức là lao động trí óc, việc đánh giá là dựa trên kết quả, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội. Người thì phản đối cho rằng trí thức không chỉ là người chú trọng đến chuyên môn hẹp của mình, mà cần phải là một nhà khoa học có lương tri, nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, dấn thân vì cộng đồng, phản biện, lên tiếng vì dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.Tôi nghĩ mỗi người vốn dĩ không ai giống ai, từng người tùy theo sức lực, khả năng, sự đam mê mà lựa chọn cách thức, con đường đi riêng cho mình. Những trí thức có cách cống hiến bằng chính kết quả lao động hoặc bằng những hành động cụ thể của mình góp ích cho xã hội thì đã là đáng quí.Những trí thức mà không những giỏi chuyên môn, ngoài ra còn thể hiện sự cảm thông trước nỗi đau của người dân, dám lên tiếng phản biện, dùng trí của mình để dẫn dắt, thức tỉnh xã hội thì lẽ dĩ nhiên sẽ còn đáng quí hơn. Như vậy, có thể thấy về bản chất giữa các khái niệm “trí thức” hay “trí thức của công chúng” theo tôi không hề có sự mâu thuẫn.Phản biện xã hội thời nào cũng cần, vì đó chính là tác nhân quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên khi liên hệ với trường hợp Việt Nam cũng nên đặt ngược lại vấn đề liệu dư luận xã hội, thể chế ở Việt Nam đã đủ rộng lượng, đủ khoan dung, luật pháp Việt nam đã đủ thông thoáng để mở đường cho phản biện và tiếp thu phản biện chưa? Cần phải làm gì để cải thiện tình hình hiện nay và cần bắt đầu từ đâu?
Nguyễn Minh Tuấn
NCS Đại học Saarland, CHLB Đức
Có thể hình dung ba điều kiện để hình thành một con người “trí thức”, đó là: (1) “sự hiểu biết” (có trí); (2) “thức tỉnh xã hội”; và (3) “vì mục đích cao quý” (hướng xã hội đến cái đúng và cái đẹp, hướng xã hội đến cái chân-thiện-mỹ). Nếu không hội đủ cả 3 điều kiện này (mà chỉ có 1 hay 2 trong 3 điều kiện) thì hoặc là “trí ngủ”, hoặc là “trí dỏm”, hay “trí gian”, chứ không phải là “trí thức”. Hay nói một cách nôm na, trí thức là người “có Trí”, “có Thức” và “có Tâm” (có 3T).Từ cách hiểu này, chúng ta có thể thấy rằng, bàn về trí thức hay bàn về vai trò của trí thức thực chất cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết. Tôi rất thích một câu nói của Einstein “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Câu nói này nói về trách nhiệm xã hội (trách nhiệm “làm người”) của một người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn. Nói cách khác, vai trò của những người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết (và cả uy tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải trái, chân-giả, thiện-ác, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên… trước những vấn đề chung mà xã hội đã, đang và sẽ gặp phải hay trải qua; dùng sự hiểu biết của mình để truyền bá tinh thần, tư tưởng, quan điểm mà mình tin là cần thiết để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần xác lập những chuẩn mực xã hội, những thang giá trị xã hội và đồng thời ra sức bảo vệ những chuẩn mực và giá trị đó; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần định hướng, định hình xã hội… Tất nhiên sự phân định, sự truyền bá, sự xác lập hay sự định hướng, định hình này cũng cần phải dựa trên cái nền là những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, những giá trị có tính phổ quát của thế giới đương đại hay thế giới tương lai.
Và tất nhiên, để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thì người hiểu biết có thể nói, có thể viết, hay có thể làm gì đó (bởi lẽ không phải tất cả những người hiểu biết đều giỏi nói hay giỏi viết). Vì làm một điều tốt cũng là cách gián tiếp góp phần đấu tranh tiêu diệt cái xấu; làm một điều đúng, cũng là cách gián tiếp góp phần chỉ cho người khác thấy những cái sai…Thêm nữa, khi nói đến trí thức là nói đến vấn đề “chân lý”. Không ai được phép độc quyền chân lý, nhưng ai cũng được quyền góp phần xác lập chân lý. Giới trí thức thường tự phân biệt giới mình với những giới khác ở chỗ luôn nỗ lực khám phá chân lý, xác lập chân lý và bảo vệ chân lý. Đó cũng là lý do vì sao mà người ta thường nói, chân lý thường không thuộc về số đông hay “kẻ mạnh”, mà thường thuộc về những người có hiểu biết (hay còn gọi là giới trí thức, giới tinh hoa). Nếu chân lý có thuộc về “kẻ mạnh” (nhưng thiếu hiểu biết) thì điều đó chắc chắn cũng chỉ là tạm thời mà thôi.Khi bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò, trách nhiệm, công việc, sứ mệnh, thiên chức của trí thức. Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của trí thức, dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ, trí thức cũng là con người, mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết; Bởi lẽ, trí thức cho dù có trí thế nào đi nữa thì sự hiểu biết vẫn chỉ là hữu hạn. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết” hay “mình cứ tưởng mình hiểu rất rõ một thứ nhưng thực ra mình chẳng hiểu gì cả hay hiểu một cách lệch lạc”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Đó cũng là điều kiện để mình có thể hiểu biết thực sự và là cơ hội để đẩy nhận thức và hiểu biết của mình đi xa hơn. Do vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay thậm chí là “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò “thức tỉnh xã hội” vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.Ở bất cứ xã hội nào thì sứ mệnh của trí thức vẫn thế. Và đối với những xã hội mà trong đó còn đầy rẫy sự bất thường thì một trong những sứ mệnh lớn nhất của trí thức chắc hẳn là góp phần đưa sự bất thường đó trở về sự bình thường. Nói cách khác, trong những xã hội mà sự bất thường của sự việc, sự vô minh của cái đầu, vô cảm của trái tim đang bao trùm thì trách nhiệm của người trí thức, của những người có hiểu biết còn nặng nề hơn (vì có quá nhiều cái cần phải khai sáng, cần phải thức tỉnh) và nguy hiểm hơn (vì không dễ dàng gì để làm cái chuyện khai sáng hay thức tỉnh trong những xã hội này).Nhưng, đã là người có hiểu biết thì không thể không làm gì cả, bằng cách này hay cách khác, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù ồn ào hay lặng lẽ…
Sài Gòn, 25/01/2012
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4847
===========================

7. Lẽ phải không cần cái mác “trí thức”

1. Tôi nghĩ chỉ có người điên mới nói rằng “phản biện” là không cần thiết hay nói rằng không cần trách nhiệm cộng đồng, nhất là ở những người có vị thế xã hội về kinh tế hay kiến thức. Việc lên tiếng chống sự độc tài, ủng hộ lẽ phải, đấu tranh vì công lý … hiển nhiên là đáng tuyên dương và ủng hộ, từ bất kỳ ai — “trí thức” hay không.
2. Tuy nhiên, điều tôi thấy “bánh vẽ”, không cần thiết, nằm ở chỗ sau đây: lẽ phải tự nó phải đáng được lên tiếng — không cần treo thêm cái mác “trí thức” vào. Lẽ ra người ta nên nói: “hãy cùng nhau lên tiếng vì lẽ phải”, thì tôi lại thấy nhiều người nói: “phải lên tiếng vì lẽ phải thì mới là trí thức”. Nói như vậy tự nhiên “belittle” những người như nhóm bác sĩ tình nguyện “vì nụ cười”, chỉ dùng chuyên môn của họ đi mổ sứt môi cho trẻ em khắp thế giới. Tôi thấy không có lý do gì mà các bác sĩ tình nguyện này không “xứng” tầm “trí thức”, cho dù họ không có bất kỳ câu nào “phản biện”. Khái niệm trí thức rất mông lung, distracting, làm cho người ta tranh luận về cái lý tưởng thay vì những quyền lợi cụ thể, vấn đề cụ thể đầy bức xúc như vụ anh Vươn, hay việc thiếu tự do ngôn luận ở VN. Vì thế, tranh luận “thế nào là trí thức” là một cuộc tranh luận — theo tôi — hoàn toàn không cần thiết.
3. Tranh luận về khái niệm “trí thức” còn dẫn đến một sự phản cảm rất tự nhiên: một số vị hay “phản biện” thì cũng lớn tiếng nói “phản biện là một điều kiện cần cho trí thức”. Có thể họ không tự tuyên bố bản thân họ là “trí thức”, nhưng khi họ đi tranh luận về cái nhãn này không khỏi làm người ta nghĩ là họ cần cái nhãn đó. Trí thức hay không, hãy để cho hậu thế viết lịch sử. Mà quan trọng gì cái nhãn, miễn là mình làm được việc. Do đó, tranh luận về trí thức không những là điều không cần thiết, mà còn gây phản ứng ngược. Không phải bánh vẽ là gì?
4. Tôi chỉ thấy có một lợi điểm của việc tranh luận nghiêm túc về “trí thức”. Đó là: nó có khả năng truyền cảm hứng cho chúng ta sống và làm việc theo “mẫu trí thức lý tưởng”, lên tiếng ủng hộ lẽ phải, ủng hộ tự do, chống lại cường quyền, vân vân. Điều này tốt thôi! Hoàn toàn có thể định nghĩa “trí thức lý tưởng” như là một hình mẫu để chúng ta noi theo. Tuy nhiên, một số người viết về “trí thức” theo nghĩa này, như bài của chị Phạm Thị Hoài trên BBC hay bài của anh Nguyễn Đình Đăng, dùng ngôn ngữ khá là miệt thị. Tác dụng của ngôn ngữ miệt thị là sẽ làm cho đối tượng “sửng cồ” lên, phản ứng ngược, tìm cách bào chữa, hoặc bất đồng với khái niệm “trí thức lý tưởng”. Nói tóm lại là đã không làm cho họ cố noi theo trí thức lý tưởng thì chớ, mà lại còn làm cho họ “trùm chăn” kỹ hơn. Vả lại, nếu người ta thấy điều phải không làm, thì người ta có làm điều phải … vì sẽ được gọi là “trí thức” không?
5. Định nghĩa “trí thức lý tưởng” tôi thấy khiên cưỡng. Cái gì mà phải thoả năm trong mười điều kiện A, B, C. Nếu đã lên tiếng vì lẽ phải thì tại sao không xắn tay áo vì lẽ phải, đã xắn tay áo vì lẽ phải thì tại sao không cầm súng vì lẽ phải, theo chân Che Guevara vào rừng kháng chiến. Đâu là điểm dừng? Các vị tranh luận ngồi sau bàn phím có vào rừng kháng chiến không? Tôi nghĩ đa phần là không — như vậy là tri hành bất nhất, làm sao “trí thức” được? Tóm lại vấn đề chỉ là định lằn ranh làm việc vì lẽ phải, vì cái bánh thật, ở đâu thôi; chứ không hẳn là vì một “chân lý tối hậu” của hành vi. Mà khi mình đã đặt lằn ranh “trí thức” là ở chỗ “lên tiếng phản biện” thôi, không “vào rừng kháng chiến”, thì mình cũng phải chấp nhận những người khác đặt lằn ranh của họ ở chỗ khác. Họ chọn đi mổ sứt môi thay vì phản biện chẳng hạn!
À mà này, trong các điều kiện A, B, C của “trí thức” có các điều kiện như “nhậu ít”, “ăn nói nhỏ nhẹ”, “lịch sự với phụ nữ”, hay “dùng thống kê trung thực” không nhỉ?
6. Kể cả cái hình ảnh “trí thức lý tưởng” như Noam Chomsky chẳng hạn; tầm ảnh hưởng của ông (trừ phần ngôn ngữ học chuyên môn chính của ông) ở Mỹ phải nói là … khiêm tốn từ sau 75 đổ lại đây. Sách viết về chính trị của ông bọn chính trị gia không làm theo, và cả bọn làm về khoa học chính trị cũng không mấy quan tâm. Chúng ta có thể nói: “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên, làm gì cho đúng lương tâm là được”. OK. Nhưng chính vì thế, không nên mỉa mai những người chọn con đường khác; chọn tác động vào những thay đổi cụ thể, thay đổi nhìn thấy được: thay đổi nếp sống văn hoá, bớt nhậu nhẹt, tôn trọng luật đi đường, tranh luận một cách văn minh. Hay, nói như Vàng Anh là dạy trẻ con đánh răng (không phải chuyện dễ dàng!). Con đường đó cũng hữu lý không kém con đường “self-righteousness”. Gọi những người như vậy là “trí thức” cũng được, có “mất gì của bọ” đâu mà phải tranh luận?
Nói tóm lại, hãy cùng lên tiếng vì lẽ phải. Hay tốt hơn hết, là hãy cùng xắn tay áo vì lẽ phải! Và khi nào rảnh lắm thì tán dóc về trí thức. Nhưng tôi nghĩ phất lá cờ “trí thức chính nghĩa” là công việc vô bổ. Self-righteousness rất là phản cảm.
(Bật mí một chút: tôi rất hèn, chỉ thích đi bơi, lập trình, và giải vài bài toán đồ thị lăng nhăng, nên không xứng với bất kỳ chữ “trí thức” nào!)
Nguồn: GS. Ngô Quang Hưng
http://www.procul.org/blog/2012/02/01/l%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A3i-khong-c%E1%BA%A7n-cai-mac-tri-th%E1%BB%A9c/

Ý kiến về bài viết này:

1/ Phạm Việt Hưng, http://viethungpham.wordpress.com/
“Tôi đã đọc bài “Lẽ phải không cần cái mác “trí thức”” của Ngô Quang Hưng. Nội dung cơ bản của bài này là sự đối lập với ý kiến của những người như Chu Hảo, hay Nguyễn Huệ Chi, v.v. – những người cho rằng “Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!”.
Đáng tiếc là Ngô Quang Hưng không hiểu cái tư tưởng chủ đạo trong ý kiến của những người như Chu Hảo hay Nguyễn Huệ Chi, mà lại bám vào tiểu tiết từ ngữ “trí thức” để mổ xẻ, làm cho vấn đề trở thành rắm rối, tầm thường hoá và vô ích.
Nói cách khác, Ngô Quang Hưng chỉ thấy cái vỏ của từ ngữ mà không hiểu được thông điệp cơ bản trong những ý kiến đòi hỏi người trí thức phải có phản biện. Bản thân chữ “phản biện” ở đây, theo tôi, chỉ có ý nghĩa đơn giản là nói lên sự thật bị che lấp, hoặc bị bóp méo.
Kiểu mổ xẻ của Ngô Quang Hưng cho thấy ông này đúng là một chuyên gia lập trình, quen tư duy logic máy móc, chứ không có khả năng tư duy trực giác, tư duy tổng hợp, nắm bắt được chiều sâu của nghĩa lý.
Theo tôi hiểu thì những phát biểu của những người như Chu Hảo hay Nguyễn Huệ Chi,v.v. cũng chỉ muốn nói lên một điều rất đơn giản là người trí thức phải là người có lương tâm, và do đó phải lên tiếng bênh vực cái tốt, lên án cái xấu, hay nói gọn là phải nói lên lẽ phải (từ ngữ của Ngô Quang Hưng). Thiết tưởng điều này là rõ ràng và dễ hiểu, vậy tại sao lại gán cho họ cái ý đồ “tiêu chuẩn hoá trí thức”, để rồi bảo “trí thức là cái bánh vẽ”? Tại sao lại biến một cuộc thảo luận về nhân tình thế thái thành chuyện tranh cãi tầm thường về từ ngữ?
Không biết vô tình hay hữu ý, Ngô Quang Hưng cũng lặp lại ý kiến cơ bản của Ngô Bảo Châu. Nhưng may cho Ngô Quang Hưng là kém nổi tiếng hơn nên không bị dư luận đập cho tơi bời như Ngô Bảo Châu. Tôi đọc ý kiến của Bọ Lập viết về “Châu giáo sư” thì nhận ra một điều là nhiều nhà khoa học đôi khi tự biến mình thành một anh hề trước công chúng.
Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là cái đinh gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri.
Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?
Trong bài của Ngô Quang Hưng, có chỗ nói Nguyễn Đình Đăng dùng những lời lẽ quá nặng nề,… nhưng Ngô Quang Hưng tảng lờ một sự thật phũ phàng mà Nguyễn Đình Đăng đề cập đến: đó là những sự tàn bạo trong chế độ Sô-viết trước đây. Những sự thật đó chính là chỗ thử thách lương tâm trí thức đấy. Có thể Ngô Quang Hưng còn quá trẻ để hiểu được những đau đớn của nhân loại trong quá khứ chăng? Trong khi một người có tuổi như tôi thì hiểu rõ những điều Nguyễn Đình Đăng muốn nói.
Một nhà khoa học Mỹ thành công trong thí nghiệm cấy tế bào não người vào não chuột, chuẩn bị làm thí nghiệm ngược lại, bị báo chí chất vấn: “Ngài nghĩ sao khi thí nghiệm của ngài có nguy cơ vi phạm đạo đức, vì nó xoá nhoà ranh giới giữa con người với con vật?”, nhà khoa học đó thản nhiên trả lời: “Chuyện đạo đức thuộc phạm vi của các nhà đạo đức học, tôi không chịu trách nhiệm đối với những gì không thuộc phạm vi nghiên cứu của tôi”. Tôi e rằng kiểu biện luận của hai nhà khoa học họ Ngô của chúng ta sẽ tạo ra những mảnh đất ươm giống cho những tư tưởng tách rời nghề nghiệp chuyên môn của trí thức với lương tâm đạo đức. Đó sẽ là một thảm hoạ mà Rabelais đã cảnh báo.”
2/ Nguyễn Đức Hiệp, Hiep.Duc@environment.nsw.gov.au
“Tôi đã tưởng ông NQH lo làm “bánh thật” không còn lo chuyện “bánh vẽ” nữa. Và tôi và các bác cũng đang lo chuyện “bánh thật” của mình. Thì đột nhiên không hiểu sao, ông NQH lại bỏ bánh thật (trong khi mọi người đã qua) để trở lại bánh vẽ. Có lẽ như ông ấy cũng thích bàn chuyện “bánh vẽ” mà ông đã chế nhạo cho là không thực dụng. Rất là self-contradictory, tự mâu thuẩn và thiếu logic
Nhưng bàn chuyện “bánh vẽ” phải có logic và trong tinh thần khoa học trong phạm vi câu truyện, tôn trọng lẫn nhau và cầu thị.
(1) Ông NQH mang trở lại bàn chuyện các tiêu chuẩn trí thức, cứ tưởng ông sẽ cho ý kiến hay phản bác gì về các tiêu chuẩn. Nhưng không. Ông chế giễu:
“trong các điều kiện A, B, C của “trí thức” có các điều kiện như “nhậu ít”, “ăn nói nhỏ nhẹ”, “lịch sự với phụ nữ”, hay “dùng thống kê trung thực” không nhỉ?”.
Thật thất vọng.
Đúng như anh PQT đã nói: đánh trống lãng! Một thói xấu thường có ở người Việt khi không muốn đối diện với cái khó khăn.
(2) Ông NQH có vẽ miệt thị những người bàn chuyện trí thức như ông viết “Có thể họ không tự tuyên bố bản thân họ là “trí thức”, nhưng khi họ đi tranh luận về cái nhãn này không khỏi làm người ta nghĩ là họ cần cái nhãn đó”. Ông đánh đồng tất cả mọi người bàn chuyện trí thức là cần cái nhãn hiệu đó. A big leap of faith in logic ! Nhưng ngoài cái nhảy logic rất lớn này còn thấy rõ một thái độ: khinh người.
Do đó ông đi tới kết luận theo “logic” của ông: “Mà quan trọng gì cái nhãn, miễn là mình làm được việc. Do đó, tranh luận về trí thức không những là điều không cần thiết, mà còn gây phản ứng ngược. Không phải bánh vẽ là gì?” .
Tức là stop, đừng tranh luận gì nữa. Đi làm việc ! Ông cũng không nói rõ là làm việc gì (có thể là làm việc như ông ấy).
Nói tóm lại theo NQH: ai bàn chuyện trí thức là ham danh trí thức là bánh vẽ
Wow, logic của một người khoa học!
(3) Bertrand Russel, Jean Paul Sartre, Albert Camus, Edward Said, Noam Chomski… coi chừng các ông toàn là vô dụng, bàn cái bánh vẽ! Các ông nói về justice (lẽ phải) thì như ông NQH nói “đã lên tiếng vì lẽ phải thì tại sao không xắn tay áo vì lẽ phải, đã xắn tay áo vì lẽ phải thì tại sao không cầm súng vì lẽ phải, theo chân Che Guevara vào rừng kháng chiến”.
Nếu không đi làm cách mạng được thì ông NQH nói “như vậy là tri hành bất nhất, làm sao “trí thức” được?”. Không hiểu ông NQH có biết rằng Bertrand Russel lên tiếng chống chiến tranh Việt Nam (lên tiếng đứng về lẽ phải) đã có tác dụng thế nào với phong trào chống chiến tranh, nhân dân tiến bộ, giới truyền thông và làm chính phủ Mỹ và phương Tây bị áp lực phải dè dặt, nhượng bộ trong các chính sách của họ ở Việt nam và góp phần vào sớm chấm dứt cuộc chiến không? Ông Bertrand Russel và Noam Chomski không cần phải cầm súng vào rừng như ông NQH kêu gọi hay bắt họ theo logic của ông NQH. Chắc ông NQH biết câu ngạn ngữ: “The pen is mightier than the sword”.
Theo ông NQH: Lên tiếng lẽ phải là Phải sắn tay áo, cầm súng là tri hành hợp nhất là trí thức
Wow, một logic nữa của một người khoa học!
Nói tóm lại ông NQH rất tự mâu thuẩn: ông chỉ trích tất cả các người mà ông gọi là trí thức gây phản cảm cho ông (như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Đình Đăng) khi ông không đồng ý với họ, nhưng tự ông dùng illogic với thái độ khinh miệt không tôn trọng và cầu thị, cũng rất phản cảm. Ông khinh miệt ai bàn về cái bánh vẽ, nhưng chính ông cũng bàn và nói về cái bánh vẽ.
Ông học toán biết logic nhưng ông không nói chuyện logic. Ông không tri hành hợp nhất, nhưng ông lại thích bắt người ta phải tri hành hợp nhất. Vì ông biết thế, nên ông “bảo bọc” trước bằng cái võ “( “(Bật mí một chút: tôi rất hèn, chỉ thích đi bơi, lập trình, và giải vài bài toán đồ thị lăng nhăng, nên không xứng với bất kỳ chữ “trí thức” nào!)”). Ở đây người ta gọi là hypocrite”
==============================

8. Nghĩa hiện nay của từ ‘trí thức’

Cập nhật 02/02/2012 10:59:55 AM (GMT+7)
Nghĩa hiện nay của từ ‘trí thức’
- Từ “trí thức” xuất hiện năm 1906 với nội hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó. “Trí thức” xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn.

Nghĩa ban đầu
Intellectuel (tiếng Pháp) hay intellectual (tiếng Anh) trong từ điển vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là intellect (trí tuệ, trí thông minh). Nhưng một văn bản kháng nghị công bố năm 1906 – do nhà văn Zola ký tên đầu – lại được thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels).
Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa hề có trong các từ điển lớn trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902. Ngay sau đó, thế giới đã chấp nhận một từ ngữ mới.
Đó là bản kháng nghị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, chống lại một bản án oan cũng nổi tiếng là xấu xa trong lịch sử tư pháp (xử đại úy Dreyfuss, sau gọi là “Sự kiện Dreyfuss”).
Trên thực tế, các tác giả của bản kháng nghị đã bị chính quyền chỉ trích, phân biệt đối xử, hăm dọa, kể cả tù đầy, nhưng không nao núng, mà vẫn theo đuổi sự việc tới cùng. Nay gọi là dấn thân.
Như vậy, danh từ “trí thức” ra đời nhân một sự kiện chống bất công nói riêng và chống mọi bất cập của xã hội nói chung.
Từ đó, một người có học vấn cao sẽ được mang danh “trí thức” nếu ông ta sẵn sàng tạm bước ra khỏi lĩnh vực chuyên sâu của mình để lên tiếng – với lập luận vững chắc – về những bất cập xã hội, với động cơ không vụ lợi. Nay gọi là phản biện.
Sau 100 năm, nghĩa gốc bị thay đổi
Từ rất lâu trước khi có từ “trí thức”, xã hội đã sử dụng nhiều từ tôn vinh dành cho những người có học vấn uyên thâm, làm nghề sáng tạo: nào là học giả, nhà văn, nào là nghệ sĩ, bác học…
Đó là bước tiến lớn khi xã hội nhận ra các sản phẩm tinh thần ngày càng đặc trưng cho văn minh nhân loại.
Từ “trí thức” xuất hiện năm 1906 với nội hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó… Để được gọi là trí thức, điều kiện “cần” là làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần; còn điều kiện “đủ” là phản biện xã hội – để xã hội tốt đẹp thêm.
“Trí thức” xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn:
- Một hướng cố giữ nguyên nghĩa: tuy chỉ thoi thóp, bị chìm lấp, nhưng khi cần thiết và gặp hoàn cảnh thuận lợi vẫn cứ bùng lên – chứng tỏ nó chưa chết hẳn. Bằng chứng là cách đây 5 năm – khi mọi người thảo luận sôi nổi về vai trò trí thức – đã có những “suy nghĩ về khái niệm trí thức”. Sau đó, thêm một ý kiến khác tỏ vẻ không đồng tình (với hướng thứ hai) về sự tầm thường hóa trí thức, với nhận định “trí thức ngày càng đông, nhưng càng… không đúng nghĩa”…
- Một hướng khác, áp đảo, đã rất thành công biến “trí thức” thành một từ bao quát và gói ghém trong nó tất cả các từ cụ thể quen dùng trước đó (như: học giả, soạn giả, tác gia, bác học, văn gia…). Ở mức độ cụ thể hơn nữa, ta có các từ chỉ rõ bằng cấp và nghề nghiệp của họ (ví dụ): tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tất cả, đều được quan điểm này coi là trí thức.
Theo hướng thứ hai, công lao của người sáng tạo từ “trí thức” rốt cuộc chỉ là đưa ra một từ chung, để gộp vào nó các từ sẵn có về giới “có học” trong xã hội.
Hướng thứ hai mạnh tới mức khuất phục được cả nhiều người soạn từ điển và soạn Nghị Quyết ở nước ta. Và do vậy, cũng là ý kiến của đông đảo bạn đọc trong cuộc thảo luận đầu năm 2012. Cụ thể, số người nói giống như GS Ngô Bảo Châu (và như Nghị Quyết) vẫn đông gấp bội số người đồng ý với GS Chu Hảo.
GS X:
“Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”… giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã đưa quan điểm:
Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
GS Chu Hảo:
Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức.
Sự thuận tiện và đắc dụng
Hướng thứ hai chiếm thế áp đảo, được xem là chính thống, vì nó đem lại nhiều cái lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Thí dụ, sự thuận tiện khi cần nói gộp. Nó giúp chúng ta gộp vào khái niệm trí thức, từ Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu cho tới một người thầy tốt nghiệp trường cao đẳng nay dạy Toán ở bậc trung học ( cũng như trước đây rất thuận tiện khi gộp một văn hào với viên thư ký của ông ta vào giai cấp tiểu tư sản vậy).
Nó càng thuận tiện khi cần tổng kết thành tích đào tạo. Nếu – như hiện nay – coi tốt nghiệp cao đẳng cũng là trí thức, thì số lượng giới này của chúng ta đào tạo ra đã tới vài triệu – là đông đảo, hết sức phong phú.
Đương nhiên, để phát huy sức mạnh xây dựng CNXH của đông đảo trí thức, cần phải xếp họ vào đội ngũ – đúng như nghị quyết đã chỉ rõ. Nó cũng giúp chúng ta hiểu thêm một đặc trưng lớn của trí thức XHCN.
  • GS Nguyễn Ngọc Lanh
TRÍ THỨC LÀ GÌ?
Lời chủ nhân blog: Gần đây, có nhiều bàn tán về trí thức là gì, vai trò của trí thức, v.v. Tôi nghĩ tôi cần học thêm về vấn đề này. Có mấy bài đáng suy ngẫm nên tôi lưu lại để học hỏi.
“Kẻ nào không tham gia vào việc công thì phải là súc vật hay thần thánh!” – Triết gia Aristotle.
“Trí thức là những người có sự hiểu biết và biết thức tỉnh xã hội” – Giản Tư Trung.
“Người trí thức là người không để cho xã hội ngủ” – GS. Cao Huy Thuần
“Có 4 hạng trí thức trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hạng 1 là những người “trí thức thứ thiệt”, đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân, cho dù họ không được lòng của giới cầm quyền. Hạng 2 là những người cũng quan tâm đến đất nước và dân tộc, cũng bức xúc trước những bất cập của xã hội, nhưng họ không dám dấn thân; Thay vì dấn thân, họ co rút trong cái không gian và môi trường nhỏ bé là gia đình. Hạng 3 là những người không màn đến các vấn đề xã hội dù cũng có chút hiểu biết về chính trị, nhưng họ không lên tiếng, không có hành động, mà thay vào đó là thái độ xu nịnh và lo làm ăn vì quyền lợi kinh tế cá nhân; Họ là những người thiếu lập trường, không có niềm tin, nhưng lại rất hãnh diện về những học vị và học hàm (có thể là dỏm hay mua bán) của họ. Hạng 4 là những người cũng thông minh, nhạy cảm với thời cuộc, và sử dụng thông minh của mình để dèm pha người khác; họ là những con buôn chính trị” – Đào Tiến Thi
“Nhưng theo cách hiểu của tôi thì chỉ có hạng 1 là những người trí thức thật sự, còn hạng 2, 3 và 4 thì ngụy trí thức là đúng hơn” – GS. Nguyễn Văn Tuấn
“Trí thức là người có tầm nhìn đứng cao hơn tầm nhìn chuyên môn của một chuyên viên” – Nguyễn Quang Minh
“Xuất phát từ thái độ trân trọng những lo âu dằn vặt của người khác, đặc biệt của những tấm gương khả kính, tôi xin bầy tỏ thái độ trân trọng đối với những vị đã gợi ý câu hỏi “trí thức là gì?” – Phạm Việt Hưng
“Nhưng gạt bỏ (việc bàn về khái niệm trí thức – NV) để khuyên người khác là nên chuyên tâm vào những việc khác (như những việc đại sự của các nhà có tầm vóc đã làm) và cho là các người (bàn về khái niệm trí thức – NV) là làm chuyện “bánh vẽ” thì tôi cho là trẻ con (nhẹ) hay khinh người, fascist học thuật (nặng)” – Nguyễn Đức Hiệp
“Đã là trí thức thì phải là người có tầm, có trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội” – GS. Nguyễn Huệ Chi
“Biết bao giờ người Việt (ít ra là người Việt có học thức) mới biết tranh luận cho ra hồn” – GS. Phạm Quang Tuấn
“Rõ ràng bạn không thể vừa được người ta cấp xe sang (hay tặng nhà to) lại vừa có Tự Do (hay Công Lý). Bạn chỉ có thể chọn một trong hai thứ đó. Lập luận rằng cưỡi xe BMW mới tiến được hoặc tiến nhanh hơn tới Công Lý (hay Tự Do) là ngụy biện, tự dối mình và lừa dối người khác. Đặc biệt, nếu bạn là một người lao động trí óc theo một chuyên môn nào đó, việc bạn chọn cái gì sẽ tự động xếp bạn vào hàng ngũ những ‘trí thức dự khuyết’, hay vào đám học giả xu thời đang ngày càng lạm phát trên đất nước này“ - TS. Nguyễn Đình Đăng
“Tôi luôn luôn tâm niệm lời dạy của Francois Rabelais: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn). Nói một cách dân dã thì khoa học chẳng là cái đinh gì cả nếu nó không luôn luôn tỉnh thức để đề cao lương tri. Kỳ vọng về phản biện của trí thức chẳng qua là kỳ vọng vào lương tri của trí thức, đơn giản có thế thôi. Chẳng lẽ điều đó sai ư?” – Phạm Việt Hưng
“Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt associate với trí thức: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ hay bịt mắt, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm information, đánh giá và kết hợp information để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự tìm hiểu về những vấn đề của xã hội, và từ đó tự suy ra con đường phải làm gì do sự thúc đẩy của lương tâm. … Nhưng đánh đồng “trí thức” với “từ thiện” với “lao động trí óc” v.v. theo tôi, là muddled thinking” – GS. Phạm Quang Tuấn
(Trích từ blog của TS Toán học Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu–tri-thuc-.html

Ý kiến về bài viết này:

GS. Nguyễn Văn Tuấn:
Câu chuyện thế nào là trí thức vẫn chưa ngã ngũ. Báo Vietnamnet mới đăng ý kiến của Gs Nguyễn Ngọc Lanh về định nghĩa trí thức theo quan điểm “chính thống”. Đọc rất thú vị! Nhưng hoàn toàn không thuyết phục. Trong entry này, tôi giới thiệu một ý kiến khác của một người bạn tôi, Gs Phạm Quang Tuấn, về định nghĩa thế nào là trí thức. Cố nhiên, những ai cảm thấy mệt mỏi về chuyện này, thì vẫn tìm thấy một liều thuốc an thần sau khi đọc bài này.
Đến bây giờ tôi mới biết Đảng có hẳn một nghị quyết về trí thức! Có lẽ chỉ có Việt Nam ta mới có một tổ chức chính trị đưa ra một định nghĩa mà tôi nghĩ thuộc về phạm vi của giới học thuật. Qua bài báo của tác giả Nguyễn Ngọc Lanh, sau một bài lên lớp về tiếng Anh và tiếng Pháp không mấy chuẩn mực, tôi mới đọc được Nghị quyết 27-NQ/TW (6/8/2008) định nghĩa trí thức là “những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
Định nghĩa trên của Đảng cũng giống ý với định nghĩa mà X phát biểu trên Tuổi Trẻ: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”
Tác giả Nguyễn Ngọc Lanh cho rằng định nghĩa này được nhiều người đồng tình. Nhiều bao nhiêu? “Đông gấp bội”, “áp đảo”. Đó là những chữ của tác giả Lanh. Chỉ rất tiếc một điều là chẳng có bằng chứng nào để nói như thế. Và, câu nói “đông gấp bội”, “áp đảo” làm môi nhờ đến loại fallacy có tên là ad numerum (nguỵ biện dựa vào đám đông). Ông Nguyễn Cao Kỳ lúc còn sinh thời, khi một kí giả hải ngoại hỏi ông về chuyến về thăm Việt Nam, và dùng câu “Nhiều người nói …”, ông liền ngắt lời và nói: Nhiều là bao nhiêu, ai nói, nếu đó là ý kiến của anh thì anh cứ nói như thế, sao lại mượn chữ “nhiều người”. Thẳng thắn như ông Kỳ mà tôi thấy hay.
Cả hai định nghĩa đều không đề cập đến cách hiểu thông thường về trí thức: đó là vai trò tham gia bàn luận những vấn đề ngoài lĩnh vực chuyên môn. Cứ đọc qua những tác giả như E. Said, R. Posner, N. Chomsky, SJ Gould, EO Wilson, v.v. (nhiều lắm), chúng ta có rất rất nhiều lí do để chất vấn định nghĩa trên. Lí do đơn giản nhất, hiển nhiên nhất làthực tế: những người có học mà chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy thì không phảo là trí thức. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một người thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc. Cái căn cước tính của người trí thức là thái độhành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân; căn cước tính của người trí thức không phải là học cao, chức vụ cao, hay lao động trí óc.
Định nghĩa trên vẫn chưa tách bạch được một người làm việc trí óc và có trình độ học vấn với một nhà trí thức. Bài viết dưới đây giải thích hai nhóm người đó.

Trí thức: quan điểm chính thống và quan điểm thông thường.

Theo cách hiểu thông thường trong tiếng Anh thì người trí thức (intellectuals) là những người dùng tri thức để tham gia đóng góp bằng cách viết sách, viết báo, góp ý, tranh luận về những vấn đề xã hội (kể cả chính trị). Nếu không làm những việc đó mà chỉ đóng góp về chuyên môn (chẳng hạn nghiên cứu một định đề toán học hay nghiên cứu lỗ đen, big bang) thì trong tiếng Anh gọi là intellectual worker – người lao động bằng đầu óc. Intellectual và intellectual worker là hai động vật khác hẳn nhau.
Theo GS Nguyễn Ngọc Lanh viết trên vietnamnet (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu–tri-thuc-.html): “Một người có học vấn cao sẽ được mang danh “trí thức” nếu ông ta sẵn sàng tạm bước ra khỏi lĩnh vực chuyên sâu của mình để lên tiếng – với lập luận vững chắc – về những bất cập xã hội, với động cơ không vụ lợi. Nay gọi là phản biện.” GS Lanh viết rằng đây là định nghĩa nguyên thủy của “the intellectual” – nhà trí thức. Đây cũng là cách hiểu của GS Chu Hảo khi ông nói rằng VN chưa có một thành phần trí thức (đáng kể) theo đúng nghĩa của nó.
Tuy nhiên, ở Việt Nam (phải ngầm hiểu là nước CHXHCNVN), gần đây “trí thức” đã mang một nghĩa khác: bất cứ người nào làm việc bằng đầu óc đều là trí thức, ví dụ: tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tức là, “người trí thức” đã trở thành đồng nghĩa với “người có học”.
Theo GS Lanh, định nghĩa này đã trở thành “áp đảo” ở Việt Nam, được sự chấp nhận của hầu hết dân chúng, và là định nghĩa chính thống của Đảng, theo Nghị Quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”
Cũng theo GS Lanh, định nghĩa này được xem là “chính thống” tại VN, vì nó “đem lại nhiều cái lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CN XH). Thí dụ, sự thuận tiện khi cần nói gộp. Nó giúp chúng ta gộp vào khái niệm trí thức, từ Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu cho tới một người thầy tốt nghiệp trường cao đẳng nay dạy Toán ở bậc trung học (cũng như trước đây rất thuận tiện khi gộp một văn hào với viên thư ký của ông ta vào giai cấp tiểu tư sản vậy)”.
(Phải công nhận GS Nguyễn Ngọc Lanh rất… lanh!)
Định nghĩa của GS X dang gây sóng gió trên mạng và báo chí, chẳng qua cũng chỉ là nhắc lại y nguyên định nghĩa “chính thống” này: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc… Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Dân mạng, báo chí ồn ào bình luận. Có người thì bảo không cần phải định nghĩa trí thức làm gì để gây chia rẽ. Có người lại viết rằng đóng góp như thế nào cũng quý cả: phản biện xã hội, cho tiền từ thiện, nghiên cứu chuyên môn, cầm súng đánh giặc, mắm sốt hết, tốt như nhau, không cần phải phân biệt thế nào là trí thức hay không trí thức.
Theo thiển ý, cứ bảo cái gì cũng “same same” và định nghĩa thế nào cũng được chỉ là những cách lẩn tránh vấn đề. “Ôi chà, sao cũng được” là câu nói thích hợp cho bàn nhậu nhưng không giúp ta tập trung vào các vấn đề xã hội và tranh luận đến nơi đến chốn. Ít nhất, nó làm cho tiếng Việt nghèo đi và kém chính xác. Khi cuộc sống càng ngày càng phức tạp và chuyên môn hóa thì một quan niệm chân chính về người trí thức càng cần thiết. Ngày xưa, một chữ “sĩ” kết tinh rất nhiều giá trị của đạo Nho, một chữ đó đủ để nhắc nhở nhà Nho tất cả các bổn phận và cách cư xử của mình. Chữ “trí thức” cũng vậy và không ngạc nhiên khi thấy có những cố gắng để tái định nghĩa nó hay “thiến” bớt ý nghĩa của nó.
Người ta có thể đóng góp cho xã hội theo nhiều cách: như một nhà từ thiện, như một nhà chuyên môn, như một chiến sĩ, như một nghệ sĩ, như một trí thức. Những cách đó rất khác nhau. Cách nào cũng đáng quý, nhưng ở trong tình trạng xã hội chính trị VN hiện nay thì cách đóng góp theo cách của một trí thức chân chính đặc biệt đáng ngưỡng phục, vì nó khó khăn, nguy hiểm và cực kỳ cấp thiết.
Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt gán cho người có học: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ, bịt mắt, lôi cuốn, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm thông tin, đánh giá, sàng lọc và tổng hợp thông tin để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự phát giác và đào sâu những vấn đề lớn của xã hội, và cố gắng góp ý một cách nghiêm túc, khoa học về cách giải quyết. Cách đóng góp đó sẽ gần như luôn luôn đưa đến sự phản biện chính quyền, nhất là khi chính quyền độc tài hay kém cỏi.
“Trí thức” theo định nghĩa trên hoàn toàn khác với “có học”, “có bằng cấp” hay “làm việc bằng trí óc”. Đánh đồng như vậy là cái sai lầm (có thể là cố ý) của Nghị Quyết 27-NQ/TW và của X. Một người không có bằng cấp, kiếm sống bằng cách lái taxi, nhưng biết tự đọc sách, tự học để phát triển các năng khiếu tìm tòi, suy nghĩ độc lập, v.v., và đóng góp cho xã hội với những khả năng đó, đối với tôi sẽ là một trí thức. Nhiều nhà trí thức thời Pháp thuộc không có bằng cấp cao lắm, và nhiều lúc phải đi làm những nghề chân tay như làm ruộng, rửa ảnh. Ngược lại, X, người Việt Nam thành tựu nhất về khoa học từ xưa đến nay, chưa thể được gọi là một nhà trí thức. Ông là một người lao động bằng trí óc, và đã đóng góp rất lớn trên cương vị này.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved