Home » » Hơn nửa đời hư

Hơn nửa đời hư

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 00:48

1.: Hơn nửa đời hư

Hiểu theo trong Nam Hơn nửa đời hư, có nghĩa là hơn phân nửa đời người, chưa làm gì nên thân. Giọng hàng tôm, giặm mắm muối, rõ ràng hơn; đã quá nửa đời người, hổng nên thân gì ráo trọi!

Hơn nửa đời, biết làm sao mà định? Bốn mươi năm mươi cũng được, quá sáu bảy mươi cũng biết đâu chừng? Thôi thì để đó, khi đập nắp quan sẽ hiểu.

Chuyện tôi viết, bắt đầu từ năm sanh (1902) đến năm đi dạy học ở Huế về (1967), thấy nhộn quá nên ở nhà, chớ dư sức hoạt động. Con đường đã trải, cũng dài khá bộn, kể tuổi đầu cho đến nay đã trên bảy mươi, như vậy lẽ đáng nên gọi, nếu mai nầy chết, là “trọn một đời hư”, mới phải.

Như con bạc trúng một canh bài về khuya, đủ gỡ vốn lời, vì “nên” được vào mấy ngày chót vậy xin cho tôi ghi “Hơn nửa đời hư” làm nhan sách.

Tưởng “viết để lại cho con là Bảo” nhưng nay in thành sách có nhiều mắt cùng xem, như vậy “Hơn nửa đời hư” là phải.

Ngoài trời mưa, đêm vẫn lạnh. Gió mướt tỉ tê, mắt già mi ướt. Tôi chuốc đôi hài nhung, mặc thêm một lớp áo ấm, lại ngồi bàn viết:

“Đêm nay gió bấc mưa dầm,

Đèn khuya một bóng, bóng lầm với đêm”

Dưới Mái Tây, ngọn đèn điện cứ reo vui với mấy con thiêu thân tự sát. Song cửa mở sương che mất khu phố mấy từng cao.

Con mèo tam thể đi ăn vụng bị hàng xóm chém tét móng chân trước, đang nằm rên hì hì trên đầu tủ sách. Vừa viết đến đây, tôi đọc lớn. Con mèo nhướng mắt tưởng tôi ngỏ lời an ủi, nên hoà âm mấy tiếng hừ hừ, tợ chiếc ấm gần sôi. Bỗng tôi đổi sang giọng lớn, không mấy êm tai, tôi thấy vành tai con miêu đang xụ lại vành lên, trán con miêu nhăn nhăn, tam thể tựa hồ bụng bảo dạ: “Lão Vương nầy chướng, chúng cho về hưu cũng phải: Lão lai nhai những gì rỗng tuếch, chẳng bù má Năm, nói những lời đáng giá, hứa cho ăn thì no bụng đến phát ách, hăm đánh đòn thù nhừ tử nên thân; Bữa nay lão viết giống gì nữa đây, chỉ hại tốn giấy?”

Ấy đó, trên bảy mươi mà còn bị chó mèo xài xể, hỏi phải hư chưa? Lúc nhỏ vì mê đọc văn Anatole France nên vướng cái nghiệp của lão già Ba Tri nầy. Tuy không hiểu hết những câu sâu sắc của lão, nhưng lại thích cái giọng trịch thượng nửa đùa nửa thật, hơi cay một tí thôi, vừa nhẹ vừa thâm, hiểu được mớ nào, thấm ý đánh đùi cái chát? Thú vị nhứt, đọc mãi không chán là bộ “Le crime de Sylvestre Bonnard”, và đoạn ly kỳ nhứt trong sách là chỗ diễn tả cách báo ân đáp nghĩa của chị ả huê khôi, nửa đời tài sắc trước nghèo xơ xác đến nỗi phải trú ngụ trên gác thượng của lão hàn lâm nầy, rồi sau đụng một ông hoàng giàu sang không mấy hồi, trực nhớ ơn xưa lão hàn tặng một chén xúp khi đói lạnh, nay biết lão ham sách bèn sai con ôm đến nhà đêm No-en dâng cho lão một cuốn sách quí đựng trong bộng một khúc gỗ củi chuyện đọc thật là khoái trá. Chương trong sách tựa là “La buche de Noel”, ai muốn thường thức hãy tìm mà đọc. Nay tôi mượn ý viết tập nầy mở đầu truyện “Anh Vương tự thuật”.

“Dừng chén ngoảnh lại trời non nước,

Một mảnh tình riêng: ta với ta”.

(Thơ Bà huyện Thanh Quan “Qua Đèo Ngang”)

Đêm nay, cớ sao hai câu thơ trên như thôi miên tôi, như vương vấn tâm hồn, ngâm đi ngâm lại mãi không biết chán. Buổi đầu hôm ăn mừng sinh nhựt, lễ trung thọ thất thập tam tuế, Năm dâng chén rượu mừng khiến cảm động, đóc giọng còn cay. Nếu đời quen lấy trăm năm làm hạn, thì kiếp sống mình kể đã hơn nửa độ đường, trời cho thêm được ngày nào, kể như là lãi. Phần còn lại, không nên tham nhiều. Ô hay! Lên chói đỉnh tự hồi nào? Và sẽ lần dốc xuống triền được bao lâu nữa? Thật là không sao nhớ xiết Và xiết bao bồi hồi. Lên đến chót đỉnh tất đã đăng cao. Lên cao rồi phải hạ. Mai nầy cất bước dò lần đường xuống. Tức nhiên câu thơ tức cảnh Đèo Ngang bà Thanh Quan làm sẵn mà nó phù hợp với cảnh ngộ của mình làm sao? Ám ảnh là phải.

Đêm đã về khuya, tư bề lặng lẽ; rất phải dịp cho mình chiêm nghiệm việc đời. Thử bỏ bàn toán tính sổ: lỗ hay lời, trước giờ gác đầu về núi, ta phải biết để mà lo liệu.

Nhà hiện thời đang ở, truyền đến tôi đã hơn ba đời. Thế mà mình vẫn tưởng là một dịch đình tạm, dừng chén đêm nay để mai nầy trẩy bước. Nơi phòng bên cạnh, mẹ con chúng đang ngon giấc. Hơi thở đều đều của một mớ tóc bông của người hiền phụ và làn môi son của trẻ. Nhớ đến trẻ, cục máu thâm tình duy nhứt, đứa con muộn màng mà cũng là cái mốc ăn chịu với đời của tôi. Bao nhiêu tình yêu buổi thanh xuân đã như giọt sương buổi sáng bao nhiêu người thương cũ đã rớt rơi hoặc nằm yên nơi bên kia triền dốc: mẹ tôi mất năm 1913, tôi biết khóc tiếc người hiền mẫu khi tuổi độ vừa mười một. Năm tản cư 1946 khi hồi cư về nhà thì chịu tang cậu tôi. Nhưng chưa thảm bằng năm ấy mất đứa em trai mười chín tuổi, Vương Hiển Vinh, tuy khác mẹ nhưng xem dường ruột thịt. Làm thanh niên tiền phong, lánh giặc Tây rút chân theo đồng chí, đang cữ rét hành, trốn lính Tây nhảy vào bụi ô rô, Tây đi mất là tử thần vội đến, Vinh thở hơi cuối cùng, nay nắm xương lạc loài còn vùi đâu đó nơi cù lao Dung lạnh lẽo, chưa được mang về. Thời gian mãi như vầy, khi hết chiến tranh, dễ gì tìm thấy xác.

Ba tôi tám mươi sáu tuổi, mất năm 1961, là người thân yêu khoá tạm cuốn sổ nầy. Hồn mẹ có linh, phách Ba dầu hiển, lại với mấy dì và mười đứa em trai sanh chưa kịp đặt tên đã trở về âm cảnh, bao nhiêu ấy là cốt nhục tình thâm nay gom lại làm mười mấy núm mộ nằm lúp xúp trên đất nhà ở Sốc Trăng, xin hãy về cùng tôi đêm nay nhấp chén mừng trung thọ. Nhưng xin đừng làm động giấc ngủ ngây thơ phòng bên cạnh. Hiền thê và Bảo con, hãy ngủ cho ngon, mai nầy chúng mình sẽ trẩy một khúc đường mới lạ còn dài lắm.

Tôi khoác thêm áo ấm, kéo ghế tránh bóng đèn, đêm nay nguyện thức viết cho thật nhiều, kể lại cuộc đời đã qua, lưu lại cho vợ hiền con thơ được biết.

Ô hô? Tuổi chẳng chờ ta...

Tôi nghe nhiều người phàn nàn, cho rằng không hơi đâu nhắc lại chuyện cũ. Cái gì đã qua, hãy để cho nó qua. Hãy nhìn tới tương lai mới phải.

Tương lai! Tương lai! Cách nay ba chục năm, tôi cũng say mê về tương lai, về ngày mai sẽ đến. Nhưng trải qua nhiều biến cố, từ năm 1945 cho đến nay, tuổi mòn chồng chất, tuy chưa đến độ chồn chân mỏi gối, tuy vẫn còn đi bộ hàng cây số không mệt, ngồi đánh máy suốt ngày không đau lưng, nhưng quay đầu ngó lại buổi đã qua, mới thấy cái hay của dĩ vãng.

Đời vẫn không cay nghiệt gì với tôi. Tôi phải biết ghi ân rằng đời đã dành riêng cho tôi khá nhiều hạnh phúc. Nhưng khi ai kia nhắc đến buổi tương lai, bỗng khiến tôi lại bùi ngùi lo sợ. Bất giác tôi lại hồi tường tới chuyện đâu đâu. Tôi đã hết trông cậy vào tương lai, và nếu phải ước mong, hoạ là gởi hết vào cái đầu non và mớ tóc xanh của trẻ đang say giấc nồng bên cạnh.

Xin ơn trên ban tôi thêm vài tuổi, có thì giờ đủ thấy đứa trẻ nên người.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved