Home » » DƯƠNG THU HƯƠNG-HOA TẦM XUÂN CỦA MÙA THU-P3

DƯƠNG THU HƯƠNG-HOA TẦM XUÂN CỦA MÙA THU-P3

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012 | 22:01

 

Chương 4

Thành đã quay về Hà Nội sau khi hoàn tất bức chân dung sơn dầu cho cô Huyến. Ông già Ớt đưa anh ra tận ga. Họ không nói một lời suốt dọc đường, mặc con ngựa kéo xe gõ móng lộp cộp. Rồi, tới trước những bậc tam cấp bằng đá hộc của nhà ga, ông già làng biển chìa tay cho họa sĩ:

- Chú đi khỏe nhá. Về với tôi nữa chớ?

- Nhất định cháu sẽ về.

Thành đáp, tay xách túi du lịch, lưng đeo ba lô tiến vào phòng đợi. Anh nhìn thấy chiếc xe kéo ông già đi qua đoạn đường vòng lẹ làng gần như lướt trên mặt nước, túm lông ngũ sắc cắm trên mũ ngựa bắt nắng óng ánh. Thành còn đứng một lúc lâu, theo dõi đám bụi trắng di chuyển trên quốc lộ, tiếng lục lạc mỗi lúc một xa dần và con ngựa chỉ còn nhỏ như con sơn dương chạy giữa những dải đồi thoai thoải. Tàu đến chậm, anh phải chờ bốn giờ rưỡi đồng hồ. Non hai ngày sau, Thành mới về tới Hà Nội. Việc đầu tiên anh làm là tìm tới ngôi nhà có người đàn bà anh tưởng nhớ. Ngôi trường tầm thường như mọi ngôi trường khác trong thành phố. Một tấm bảng thông báo tin tức, mấy hàng quà rong, cây cột điện có treo hộp thư đã hai gỉ vì mưa gió. Họa sĩ chăm chú nhìn những chi tiết cũ kỹ của một góc phố cũ được xây dựng từ thời trước cách mạng. Anh đã qua lại đây hàng trăm lượt nhưng bây giờ nó mới trở thành cảnh trí được ghi nhận trong ký ức. Người đàn ông chợt thấy tim đập dồn lên, thắc thỏm khi hai cánh cửa ngôi trường hé mở và một tốp giáo viên đi ra. Hai chàng trai, một phụ nữ tóc hoa râm, một cô gái má bánh đúc, tóc cắt ngắn. Không có người đàn bà đó… Thành đi đi lại lại trước cánh cổng đã khép, chờ đợi. Thỉnh thoảng, người thường trực lại mở cửa cho các giáo viên đã hết giờ giảng về nhà. Cứ như thế, những tiết học lần lượt nối nhau qua. Mười hai giờ trưa, trống đánh dồn rã, hai cánh cửa sắt mở toang, học sinh ùa ra nhốn nháo, ầm ĩ. Người đàn ông cố sục tìm trong đám đông, nhưng anh đành thất vọng trở về. Hôm sau, Thành lại tới trường lần nữa. Cũng không gặp người đàn bà đó. Họa sĩ nổi cáu, vừa đi vừa tự rủa sả mình:

- Trò ngớ ngẩn. Tìm kiếm, chờ đợi một người đàn bà, trong khi bất cứ lúc nào ta cũng vẫy dược một cô gái trẻ măng xinh đẹp, ăn mặc như các diễn viên màn ảnh mô- đéc nhất…

Anh tìm một quán cơm bình dân, ăn cho qua bữa và trở về phòng vẽ. Ngồi giữa đống phác thảo, giấy bút ngổn ngang, Thành nhìn những hạt bụi ngũ sắc nhảy nhót trong làn nắng hiếu qua khe cửa. Đã mấy lần anh cầm bút lên nhưng lại bỏ xuống vì biết trước dẫu có vẽ cũng chẳng thành công. Người ta không thể cầm bút đứng trước giá vẽ đều đặn ngày nọ qua ngày kia như anh thợ chữa đồng hồ cầm tuốc- nơ- vít, như cô thư ký gõ máy chữ. Khi anh không có ngọn lửa say mê, đốt cháy mọi thú vui khác và áp đảo anh bằng chính hơi nóng ngột ngạt chết người của nó, anh đừng hòng tìm được nguồn cảm hứng siêu việt dẫn đến thành công… Người đàn ông thở dài, ném những phác thảo vào góc tường rồi mặc áo, đi ra phố.

Giữa thu, vào lúc trời chiều, hơi lạnh se se thấm vào da thịt. Những chiếc lá xanh thẫm, gần như đen lại, chen trong bóng hoàng hôn. Một làn khói mỏng lơ lửng giữa khung trời thành phố. Tiếng chim kêu trong các vòm cây trở nên vang động hơn. Khuấy đảo tâm hồn con người nhiều hơn vào lúc trở mùa. Họa sĩ bước mải mốt, người qua đường có thể lầm tưởng anh đi tới một cuộc hẹn hò vội vã hay một công việc cần thiết nào đó. Thành không thích lối đi nhênh nhang, vừa đi vừa ngơ ngẩn ngắm nhìn phố xá của lũ trai trẻ. Giữa cuộc sống hối hả này, nó dị hợm quá chừng. Lang thang lúc lâu, anh chợt thấy mình đến trước ga Hàng Cỏ. Một đám đông đang nối đuôi nhau qua cửa vào ga. Một đám đông khác, đứng túm tụm chờ giữa khoảng sân lấm bụi. Thành loanh quanh vòng qua sân ga, bộ như người đón tàu. Anh thấy một người đàn ông trạc tuổi mình, đứng cạnh chiếc xe Hon- đa 50 nữ. Anh này đưa mắt nhìn Thành ba bốn lần, vẻ thăm dò. Sau một lúc lâu, người đàn ông kia cất tiếng:

- Xin lỗi anh…

Họa sĩ quay lại. Người đàn ông nói e dè:

- Xin lỗi, tôi muốn phiền anh tí chút.

Thành gật đầu:

- Được thôi.

- Chắc anh cũng đang đợi tàu Thống Nhất như tôi – Người đàn ông nói và không đợi Thành trả lời, tiếp tục – Phải nửa giờ nữa tàu mới vào ga, vậy mà tôi đã đứng chờ ở đây từ lúc hai giờ chiều. Phiền gửi anh chiếc xe, tôi đi ăn bát phở. Xe khóa rồi nhưng vẫn phải có người trông mới dám bỏ đi. Tụi ăn cắp liều lĩnh lắm.

Thành nhìn người đàn ông, anh ta có vẻ hiền lành. Một gương mặt cân đối nhưng hơi khắc khổ, mái tóc đã có sợi bạc nơi thái dương. Họa sĩ gật đầu:

- Tôi nhận lời, nhưng nhanh nhanh lên nhé.

- Rất nhanh.

Người đàn ông đáp rồi vội vã băng qua đường. Anh ta mất hút vào đám đông ngay tức khắc. Hai mươi lăm phút sau, anh ta quay lại, hồ hởi cảm ơn họa sĩ. Rút trong túi ngực ra hai điếu thuốc đầu lọc loại sang tự châm lửa mời Thành một điếu và hút điếu còn lại. Vẻ mặt người đàn ông mãn nguyện. Thỉnh thoảng, anh ta đưa mắt liếc đồng hồ. Tự dưng, Thành tò mò. Anh muốn biết người đàn ông ngày đón chờ ai mà kiên gan nhịn đói, đứng giữa khoảng sân lầm bụi suốt buổi chiều. Anh làm bộ vô tình, hỏi:

- Anh đón chị nhà?

- Vâng.

Người đàn ông gật đầu tức khắc, rồi sau đó ngượng nghịu nói thêm: À, cũng gần gần như thế…

Trên môi anh ta ngưng đọng một nụ cười rụt rè và tràn trề hạnh phúc. Vừa lúc đó, loa phóng thanh cất tiếng thông báo tàu vào ga. Gương mặt người đàn ông bừng lên. Niềm vui đó làm giãn những nếp nhăn dưới đuôi mắt, phủ lên dàn da một màu sắc tươi tắn. Trông anh ta trẻ lại đến dăm tuổi. Họa sĩ ngạc nhiên vì sự biến đổi ấy. Anh ngơ ngẩn nhìn.

- Còi rồi. Tàu đang vào ga…

Người đàn ông bảo Thành.

- Tàu vào ga…

Họa sĩ lặp lại như cái máy rồi không chào người đàn ông, anh đi sang bên kia đường.

- Đấy là tình yêu… Một người đàn bà có thể làm một người đàn ông xao xuyến đến như vậy. Đấy là phép màu nhiệm mà những ai không còn tin ở tình yêu không bao giờ tìm thấy. Mình đã biến thành một kẻ bệnh hoạn, một gã đàn ông cao ngạo và thù ghét đàn bà… Không bao giờ mình còn có niềm vui như người đàn ông kia đã có…

Từ ngày Vượng phản bội Thành, anh đã chung đụng với nhiều cô gái khác. Mỗi cuộc chung đụng ấy đem lại cho Thành một chút ít thú vui, một vài khoản tốn kém và những hối tiếc, những khinh ghét chất chồng. Anh đọc thấy những ham muốn trụi trần sau các gương mặt son phấn mĩ miều kia:

- Em cần chiếc áo lông màu gì?… Anh sẽ gửi cậu bạn mua cho em trước khi mùa rét tới.

- Anh sẽ vẽ cho em một bức chân dung mà các bạn trai em phải yêu em thêm năm lần mỗi khi ngắm nhìn nó.

- Em cần một đôi giày da mới phải không?… Chờ anh vài hôm nữa nhé…

Chỉ có những cô gái chịu đựng được vẻ ngạo mạn của Thành, cái điệu cười mỉa mai và những cử chỉ tưởng chừng lịch sự nhưng thực chất lại thô lỗ mới lai vãng tới căn phòng anh ở. Đôi khi chán ngán, anh thẳng tay tống khứ các cô ra ngoài. Và rồi ngồi một mình trong căn phòng tối om không buồn bật điện, anh hối tiếc tuổi trẻ của anh, hối tiếc tình yêu chưa kịp đến đã tan biến như bọt xà- phòng. Anh thấy tâm hồn mình đang ngấm dần chất độc dược mà không có cách nào tẩy uế…

- Tại sao chứ? Tại sao…

Con người có thể cắt nghĩa được dễ dàng cỏ cây, sấm chớp nhưng lại vô cùng khó khăn khi muốn tự cắt nghĩa mình.

- Tại sao?…

Họa sĩ trở lại căn phòng quạnh quẽ của anh, nơi nhiều người đàn bà đi qua nhưng không một gương mặt nào gởi gắm lại. Bốn bức tường trơ trọi. Cả những giá vẽ, những bức tranh anh hài lòng nhất cũng tẻ nhạt vào lúc này. Có lẽ anh muốn một bức vẽ mới, một dòng sông, cánh buồm, đàn chim nghiêng xuống bọt nước, rặng cây tươi thắm như những ngọn lửa xanh… một bức vẽ với lòng trìu mến, giống như một gương mặt mà anh muốn được nâng niu…

Sáng hôm sau, Thành trở lại ngôi trường. Anh gặp ông già gác trường, dò hỏi về người đàn bà mặc quần jean nhung màu xám nhạt, áo sơ mi xanh da trời.

- Tôi biết, tôi biết… chị Vân. Chắc anh ở trên Bộ xuống mời chị ấy dự hội nghị khoa học giáo dục phải không? Anh ngồi đây chờ, tôi vào văn phòng gọi…

Ông già thường trực đáp lại vồn vả. Thành ngỡ ngàng trước vẻ nồng nhiệt ấy, anh ngồi im chờ đợi. Khoảng mười phút sau, ông ta quay lại với người đàn bà. Hôm nay, chị mặc quần lụa đen với chiếc áo sơ- mi hoa rực rỡ. Trông chị trẻ trung và xa lạ hơn buổi chiều mưa tại nhà bảo tàng. Vừa đi, chị vừa chuyện trò với người gác cổng, khẽ lắc mái đầu, miệng cười tươi tắn:

- Nụ cười ấy là nụ cười của một đứa trẻ…

Họa sĩ thầm nghĩ và anh bắt đầu tháy bối rối, không biết nên ngồi im hay đứng lên. Sau cùng, chị đã tới, đưa mắt nhìn anh ngạc nhiên nhưng không hề sửng sốt:

- Chào chị Vân…

Họa sĩ đứng lên. Người đàn bà khẽ cúi đầu:

- Vâng, chào anh… Chắc anh có việc cần gặp tôi?… Mời anh vào văn phòng…

Ngập ngừng một chút, chị nói thêm: Ở đây, chúng tôi không có phòng khách riêng, nên…

Thành vội vã nói ngay, sợ bỏ lỡ một cơ hội may mắn:

- Xin mời chị tới một quán trà nào đó gần đây… Như thế tiện hơn.

Thiếu phụ suy nghĩ vài giây rồi đáp: - Cũng được.

Thành chào ông già gác cổng, với cái vẻ hấp tấp mà anh chưa từng có. Hai người đi dọc phố. Họ im lặng suốt quãng đường đó, cho tới khi Thành tìm được một quán giải khát sạch sẽ và vắng khách:

- Ta vào đây được không?

Anh hỏi.

- Tùy anh.

Người đàn bà trả lời.

- Chúng ta có thể nói được nhiều chuyện ở nơi này.

Thành đáp lại. Anh chờ thiếu phụ vào quán trước nhưng chị dường như không mảy may chú ý tới điều ấy. Chị chọn chỗ ngồi, vén mái tóc bên tai một cách tự tin rồi hỏi anh:

- Xin lỗi, có lẽ anh là người của Bộ? Chúng tôi chưa chuẩn bị xong bản báo cáo các anh yêu cầu.

Thành im lặng lắc đầu, thay vì trả lời chị, anh gọi chủ quán lấy đồ giải khát rồi hạ giọng:

- Chẳng lẽ chị không nhận được tôi sao?

Người đàn bà nhíu mày:

- Thôi, đừng chơi trò ú tim ấy nữa. Anh cứ nói thẳng cho tôi biết xem sao. Chúng ta đâu còn ở cái tuổi đánh đố nhau thua được.

Gương mặt chị bình thản nhưng hơi nghiêm khắc. Và Thành thấy hai mang tai nóng lên vì chạm lòng tự ái. Tuy vậy, anh hiểu rằng anh không có quyền bực chị. Anh gượng nhẹ:

- Chị có nhớ buổi chiều ở Nhà bảo tàng không. Lúc cơn mưa đến bất chợt và chúng tôi phải tháo gỡ những tấm bảng trang trí đưa vào trong hành lang. Lúc đó, chị ngồi chờ học sinh tham quan…

- A… a… tôi nhớ rồi…

Người đàn bà trẻ kêu lên.

- Tôi còn nhớ chị đang đọc một cuốn sách. Đó là cuốn Jađic của Von- te.

Người đàn bà nhìn anh, thay cho một lời tra vấn. Thành nói tiếp.

- Lúc ấy, tôi đã buông những lời rất bất nhã…

Người đàn bà gật đầu, ngắt lời anh:

- Bây giờ tôi dã nhớ lại tất cả. Đấy là những lời lẽ…

Thành tiếp:

- Những lời lẽ tầm bậy, lố bịch nữa… Vì thế, tôi muốn tìm gặp lại chị để xin chị cảm thông.

Thiếu phụ lắc đầu:

- Không cần.

Ngừng lại ít giây, chị thêm: Có lẽ điều đó cần cho anh hơn là cho tôi. Tôi đã quên hoàn toàn nếu như anh không gợi lại.

- Tại sao chứ? Chẳng lẽ chị không có một chút bất bình?

Thành gặng hỏi. Người đàn bà ngước nhìn anh, và họa sĩ thấy rõ những rạch sáng lấp lánh trong mắt chị:

- Tôi bất bình làm gì? Chúng ta không thể bất bình được với hàng vạn người buộc phải gặp gỡ, phải quan hệ trong đời sống. Bởi có những người bình thường, và những người khác rơi vào trong trạng thái bất thường nào đó.

Người đàn ông bật cười:

- Chị cho tôi là một thằng khùng.

- Không hẳn thế – Thiếu phụ trả lời – Nhưng có lẽ anh cũng không được quân bình lắm về mặt tâm lý. Chỉ vì ân hận mà anh tìm gặp tôi thanh minh hay sao?…

Chị cười, hồn nhiên như một cô bé cười trước những trò chơi ngộ nghĩnh, rồi nói tiếp: Vậy thì mọi chuyện đã xong. Anh không cần áy náy nữa… Bây giờ, tôi phải trở lại trường. Chúng tôi đang bận bịu đôi chút vì công việc, xin anh cảm thông…

Không chờ anh trả lời, chị đứng lên, nghiêng đầu chào rồi bước ra. Thành ngồi sững trước hai cốc nước giải khát còn nguyên vẹn, rồi anh hối hả chạy theo:

- Vân… chị Vân…

Người đàn bà dừng lại.

- Chị Vân… Họa sĩ tìm lời: Ít nhất, chị cũng xem như là… chị cũng xem hành động của tôi là một thiện ý. Chúng ta có thể trở thành những người bạn… như những người bạn bình thường trong cuộc sống. Xin chị hãy cho tôi địa chỉ.

Người đàn bà nhìn Thành một lượt như để thẩm định lại một cách chắc chắn những ý tưởng chị đã có. Rồi chị cất tiếng cười:

- Nhưng anh là ai chứ?…

- Tôi… tôi…

Người đàn ông bỗng nhiên trở nên luống cuống: Tôi là Thành, họa sĩ, giảng viên trường…

Anh hối hả lục trong túi áo tấm danh thiếp in sẵn trao cho Vân. Và chị, liếc nhìn tấm danh thiếp mỉm cười: Tôi không có danh thiếp để trao đổi với anh đâu…

Mặt Thành đỏ bừng, anh hối hả nói:

- Xin chị thông cảm, nghề chúng toi cho phép in những thứ này một cách dễ dàng… Tôi chưa đến nỗi… là kẻ hợm mình.

Vẻ thành thật của Thành khiến người đàn bà dịu lại. Chị thôi cười, hạ giọng nói:

- Anh Thành ạ, chắc chắn tôi không có thời giờ tới nhà anh chơi. Còn nếu anh muốn, xin mời tới chỗ chúng tôi. Địa chỉ của tôi là…

Họa sĩ lấy bút, ghi vào lòng bàn tay. Khi người đàn bà thoăn thoắt đi về phía cổng trường, anh còn đứng sững sờ một lúc nữa. Bà chủ quán giải khát ló đầu ra. Thành trả tiền rồi đi như bay tới góc đường lấy xe, phóng về nhà. Hăm hở như chàng thiếu niên lần đầu được tham dự buổi dạ hội dành cho những kẻ trưởng thành.

Chương 5

Vân ở trong một gian phòng hẹp chừng mười lăm thước vuông, chỉ bằng nửa phòng vẽ của Thành. Trong gian phòng nhỏ bé ấy, vừa đủ kê hai chiếc giường gỗ cá nhân, một tủ đựng quần áo, một tấm gương rời có giá đỡ gỗ cẩm lai vổi vân rát đẹp, một chiếc bàn thấp chắc xưa kia là bàn trang điểm và bộ bàn ghế mộc, hẳn là bàn ghế nhà trường phát cho giáo viên. Không thứ đồ vật nào khó coi, chúng tồn tại rất hợp lý trong cái khung cảnh cần có, dù nhiều hay ít giá trị kinh tế. Vân thích cây cỏ. Trên bàn chị cắm vài bông su si vàng trong đĩa sứ cao chân. Dọc tường, chị treo những bình đất nung hình trái bầu trồng cỏ tóc tiên hoa tím. Ngoài hiên, và trên bậu cửa sổ, la liệt các chậu cúc gấm, bạch lão mi, lan phi hồng diệp. Đứa con gái của Vân chừng sáu tuổi, xinh xắn. Nó rót nước trong tích mời Thành:

- Mẹ Van còn bận tắm. Cháu mời bác uống nước a.

Xong, con bé ngồi xuống ghế, đối diện với anh, trả lời mọi câu hỏi của anh đúng như một vị chủ nhân lịch sự. Khi nghe tiếng guốc của mẹ ngoài cửa, nó mới đứng lên:

- Mẹ Vân chút tắm xong rồi ạ. Cháu chào bác đi chơi.

Thành bảo người đàn bà:

- Cháu bé của chị chắc chắn sẽ trở thành nhà sư phạm mẫu mực. Nó trang nghiêm và rành rọt quá.

Vân cười:

- Bây giờ là như thế. Nhưng tương lai, còn phải chờ xem.

Chị ngồi xuống trước anh, rũ mái tóc ướt vừa gội. Hai cánh tay mịn và trắng phơi bên ngoài tấm áo xẻ vai, đường chỉ rua li ti như những hạt vừng. Thành nhìn rõ một mụn ruồi hơi trái tai Vân, những nếp nhăn mờ hằn dưới đuôi mắt chị và những sợi lông tơ phơn phớt trên hai má. Đã lâu lắm, anh mới nhìn một gương mặt không tô điểm, nó gợi cho anh cảm giác ngỡ ngàng nhưng tin cậy.

- Có lẽ điều người ta mong mỏi trước tiên ở người đàn bà chung sống với mình phải là miềm tin cậy. Quán có lý…

Thành nghĩ, thoáng một chút cay đắng thương thân, một chút ghen tị vớn người bạn có tâm hồn mạnh mẽ và khả năng quyết đoán hơn mình. Anh nhìn Vân, nói một câu vô nghĩa, cũ rích:

- Tôi có làm phiền chị nhiều không?

Thay vì trả lời, người đàn bà đẩy chén nước tới trước mặt anh.

- Mời anh xơi nước cho nóng. Mẹ con tôi thích uống nước vối ủ gừng. Đó là thói quen bà ngoại cháu còn để lại.

Ánh mắt chị gợn lên nét buồn. Họa sĩ ngắm nhìn những lằn sáng phản chiếu qua ô cửa đuổi nhau trên đôi mắt người đàn bà rồi anh chợt mong muốn mình cũng có phần chia sẻ niềm nhớ nhung trong đôi mắt ấy. Anh muốn anh được là bà lão đã quá cố thích uống nụ vối ủ gừng, thích được là đứa con gái bé bỏng của Vân, để rồi anh cũng sẽ được chia niềm trìu mến ấp ủ của chị. “Mình là một đứa trẻ bơ vơ…” Thành ngậm ngùi nghĩ. Thấy anh ngồi im lặng, người đàn bà nhắc anh lần thứ hai:

- Kìa, mời anh xơi nước.

Họa sĩ ngẩng lên. Anh định nói điều gì đó, nhưng đã có tiếng lao xao của một đám trẻ ngoài cửa:

- Cô ạ, chúng em chào cô ạ. Thầy hiệu trưởng mời cô lên văn phòng họp đột xuất. Ngày mai, có phái đoàn giáo dục Lào tới thăm trường ta.

Vân nhìn anh, với nụ cười ái ngại:

- Công việc của chúng tôi thất thường như vậy, anh thông cảm cho.

Chị tiễn anh ra tận cửa, ngập ngừng định nói thêm điều gì nứa nhưng lại thôi. Thành trở về nhà. Người ta đang chờ anh để bàn việc đưa sinh viên xuống các cơ sở sản xuất thực tập. Họa sĩ bận rộn mất hai tuần. Anh đi Hải Phòng, Hải Hưng, Vĩnh Phú làm việc rồi trở lại Hà Nội với chiếc cặp đầy ắp những quần áo bẩn. Khi mở cửa, Thành không vào nhà ngay mà đứng một lát, nhìn căn phòng của mình, những bức tranh những đồ đạc phủ bụi, chiếc bếp điện và đôi đũa lăn lóc một bên… Anh ngạc nhiên bởi mình đã sống nhiều tháng năm trong cái khung cản buồn tẻ ấy, cái cuộc đời tự do mà cánh mày râu có gia đình thường ca tụng là tuyệt diệu nhưng anh đã sợ hãi, đã muốn khước từ. Người đàn ông bước vào căn nhà của chính mình với cảm giác lạ lùng như vào quán trọ. Anh nhìn thấy người đàn bà có làn da nâu hồng rực rỡ đang ngồi trên giường, vừa ngáp vừa duỗi đôi chân dài như chân các vũ nữ da đen:

- Anh, anh đã về đấy a? Có quà gì cho em không hả?..

Xưa kia lúc còn chung sống với anh, Vượng luôn luôn hỏi anh câu hỏi ấy. Không có căn nhà nào bừa bộn hơn căn nhà anh chung sống với cô. Tất cả những gì dính líu tới bản thân Vượng đều sạch sẽ: Áo quần là lượt, lúc nào cũng phẳng nếp ly. Chiếc ví da luôn luôn chùi sạch bóng. Những đôi giày đôi guốc cô đi được thay mốt thường xuyên… Nhưng mọi vật không dính tới con người cô đều luộm thuộm, bừa bộn. Các bức tranh của chồng và những thứ hàng tạp phẩm cô tha lôi về, những bát đũa chưa rửa và mấy chiếc chén cáu bẩn nước chè, đôi giày rách gót của Thành và đám tài liệu làm việc của cô…

- Hãy tha thứ cho nàng, vì nàng đẹp…

Thành đã lao vào kiếm tiền như mắc chứng thần kinh hoang tưởng. So với bạn bè đồng nghiệp, mức chi tiêu của vợ chồng anh khủng khiếp qua. Anh từ bỏ những tác phẩm mong ước, những thứ buộc người ta phải bỏ vào đó một số vốn lớn về thời gian, sự tìm kiếm phương thức, vật liệu, và độ chín của các rung cảm. Không, đời sống gọi anh bằng những tiếng gọi gần gũi hơn, chói lói hơn: Chiếc xe mới cho Vượng, những chiếc áo cho mùa đông sắp tới của cô và của anh, loại đồng hồ vỏ vàng Tây vừa xuất hiện trong thành phố rất hợp với cổ tay tròn lẳn của người đàn bà đẹp… Vốn từ một cô bé quê sáng dậy súc miệng qua loa rồi bưng bát cơm ăn với muối vừng, giờ Vượng thích đi ăn hiệu, thích được ngồi chờ đợi ngươi phục vụ bưng tới những món ăn ngon lành, nóng hổi, thích được khoác tay chồng bước vào những quán ăn sang trọng nhất thành phố. Mỗi lần anh từ một cuộc triển lãm hay từ phòng trưng bày hội chợ nào đó trở về, lem luốc màu vẽ, mắt mũi hốc hác vì gắng sức, Vượng lại mỉm cười:

- Anh đã về, quà em đâu?

Và cô há miệng ngáp một cách khoan khoái, trong căm phòng bừa bộn những đồ dùng chờ thu dọn và lau rửa. Nhiều lần, Thành bực muốn điên lên. Tuy nhiên, mỗi lần anh há miệng định rầy la cô, một sức mạnh tăm tối lại kìm giữ. Mặc cảm về cuộc hôn nhân vội vã không thôi đầy ải người đàn ông, mặc dù anh đã không ngừng chạy trốn nó.

- Hãy tha thứ cho nàng, vì nhan sắc của nàng là của cải của anh.

Hãy tha thứ cho nàng, nàng đẹp quá…

Lần nào đó, sau một đêm gần gũi, cô nói với anh:

- Mọi sự ông Trời sắp đặt đều có lý. Giá như em và anh Quán sống với nhau, chưa chắc đã tốt đẹp như em sống với anh.

- Tại sao chứ?

Thành hỏi lai, cố ghìm giữ sự khó chịu.

- Hoàn cảnh gia đình anh nhẹ nhàng hơn. Và thể lực anh tốt hơn.

Vượng trả lời giản dị, rồi cô nghĩ tới một hình ảnh mĩ miều:

- Động cơ nào cũng cần nhiên liệu để vận hành. Anh là một thứ xăng tốt…

Chắc hẳn hài lòng vì tìm được một hình ảnh xác đáng, cô cất tiếng cười giòn giã.

Một buổi chiều tháng mười, Thành khoác ba lô từ bến ô tô về nhà. Anh gặp Vượng đang nằm cuốn tròn trong chăn ấm với một người đàn ông khác:

- Con người là một thứ động cơ. Bây giờ, em cần một loại xăng tốt hơn anh, phải không?…

Vượng không trả lời. Nhưng hôm ấy, cô thu dọn toàn bộ tư trang vào chiếc va ly lớn, xách tới nhà “thứ xăng hảo hạng”. Thành nằm vật ra giường, đau đớn tê liệt mọi cảm giác. Anh đã sống với cô năm năm trời, đã hủy hoại tài năng, sức khỏe. Giống như kẻ khát bạc, anh đã phung phí tiền của không thương tiếc, và giờ đây lảo đảo bước khỏi căn phòng của cuộc chơi đen đỏ, anh biết mình thua. Ngay sau hôm Vượng bỏ đi, Quán đã tới với ý định an ủi bạn. Nhưng mãi sau này, Quán sẽ còn ân hận vì điều đó. Thành khùng lên vì tuyệt vọng, vì tủi nhục, quằn quại như kẻ trọng thương không được hưởng viên đạn nhân đạo, đã đuổi Quán một cách lỗ mãng. Quán đành bỏ đi, nhưng anh bảo Thu, vợ mình tới giúp đỡ Thành lúc hoảng loạn. Trong giới hội họa, người ta gọi họ là Lưu Bình – Dương Lễ kể từ ngày ấy. Sự tận tâm của Quán hoàn toàn không thừa. Vượng chưa rời bỏ Thành ngay. Sau khi xách va ly đi được năm hôm, cô lại xách va ly trở về.

- Em chưa rời bỏ căn phòng này được. Về mặt pháp lý, chúng ta vẫn còn là vợ chồng.

Cô nói, vừa đặt va ly lên chiếc bàn thấy vừa cởi tấm áo khoác mỏng bằng len kẻ sọc ra. Thành đang sốt, anh ngồi dậy, giương đôi mắt đỏ ngầu lên nhìn cô:

- Thế em muốn gì?

Vượng nhìn anh, và thấy anh có vẻ ngạc nhiên, cô liền nói:

- Không phải em đòi làm vợ anh như xưa.

- Chắc em cần một chữ ký vào đơn ly hôn.

- Không chỉ một chữ ký, còn những thứ khác nữa.

- …

- Anh thiếu thực tiễn quá. Tất cả những cặp vợ chồng ly hôn đều phải ra trước tòa án để phân xử về mọi mặt: Con cái, tài sản, nhà cửa…

- A…

Thành thốt ra tiếng kêu, vỡ lẽ rằng mình ngớ ngẩn quá, rằng mọi khổ đau hay hạnh phúc của con người đều không tồn tại đơn phương mà nó còn kèm theo vô số những điều kiện cụ thể, trần trụi đến xót xa, chi tiết đến tàn nhẫn và họ buộc phải chấp nhận. Anh nằm vật ra giường, đầu óc nóng sực lên như lò than đang độ bốc. Người đàn bà có làn da nâu đồng rực rỡ của anh tiếp tục nói:

- Theo quy định của pháp luật, mọi thứ sẽ chia đôi. Ở đây chẳng có gì đáng giá, nhưng căn phòng này sẽ phải ngăn ra, cả phòng phụ bên trong cũng thế. Tụi em chưa có phòng riêng. Gia đình anh Thảo (chắc đó là xăng hảo hạng) những bảy anh em ruột lại thêm một cô con nuôi, chật chội quá. Nếu anh không muốn vậy, anh hãy đưa cho em một khoản tiền tương đương với giá trị mười tám mét vuông. Hai lạng rưỡi vàng ta.

- Anh làm sao có nổi một mảy bụi vàng cho em bây giờ?

Thành nói lắp bắp. Tai anh ù ù như có gió lùa. Quãng đời vừa qua hiện lên như cuốn phim trong trí não. Bỏ xó mọi dự định lớn trong sáng tạo nghệ thuật, chúi đầu vào kiếm tiền và nướng tất cả mớ giấy đã đổi bằng mồ hôi nước mắt ấy lấy những thứ đồ nữ trang óng ánh trên tay, trên cổ Vượng, những tấm áo mĩ miều khoác trên vai cô, những trận cười của cô và cái hạnh phúc phù du cô ban phát cho anh sau tất cả những thua thiệt ấy. Lúc này, gương mặt cô vẫn tươi tắn, vẫn điềm tĩnh như xưa. Đôi mày đen, cặp mắt như luôn luôn ngây ngất, mê mẩn, và làn da tràn trề sinh lực… Tại sao cái đẹp lại khắc nghiệt đến như vậy?…

Vượng không chú ý tới Thành. Cô cũng không thể đoán biết những ý nghĩ của anh và cô đang để tâm tới công việc của mình:

- Anh Thành này, cô nói, nếu anh không có tiền thì tụi em sẽ đưa anh

bằng đúng số tiền hoặc số vàng như vậy, với điều kiện tụi em sẽ sử dụng căn nhà này. Anh tìm nhà khác dễ hơn. Chúng ta thỏa thuận trước để lúc ra tòa mọi sự sẽ chóng vánh…

Ngừng lại vài giây, cô nhấn mạnh: Anh quyết định đi, chỉ được quyền lựa chọn một trong hai phương án đó thôi. Dù đây là nhà thuê của nhà nước và do ông bà anh để lại, cũng sẽ không có cách giải quyết nào khác đâu.

Cô nói rành mạch, chuẩn xác từng ý một. Thành biết Vượng có lý. Cô là con người của thực tiễn, cô là đứa con của đời sống trần trụi và bạo liệt, với sức mạnh trần trụi và bạo liệt mà một kẻ yếu đuối như anh không thể chống đỡ. Anh nhắm mắt lại, bảo cô:

- Cũng được. Nhưng em thư thư cho anh vài bữa, anh đang ốm. Lúc này, anh không đủ sức xách va ly bước khỏi cửa đâu.

- Được rồi – Cô đáp – Chúng mình cam kết với nhau thế là đủ. Một tuần nữa chắc anh sẽ khỏi ốm chứ? Lúc nào anh sẽ làm bản cam kết, em giao tiền…

Cô bước tới giường, sờ lên trán anh:

- A, anh sốt khá cao đấy. Nhà còn gạo đấy chứ? Em sẽ nấu cháo cho anh…

Đầu tuần lễ sau, khi Thành ngồi dậy và bắt đầu ăn cơm được, Thành viết giấy nhượng nhà. Chính lúc đó, Thu can thiệp quyết liệt, huy động toàn bộ bè bạn và đồng nghiệp giúp đỡ anh. Nhờ Thu anh thoát khỏi cảnh lang thang không nơi trú náu mà chút nữa số phận oan nghiệt xô tới, tuy vậy, Thành cũng phải vay mượn, nợ nần vài năm để trả Vượng đúng số tiền cô yêu cầu. Có vậy, cô mới để anh yên…

Người đàn ông vùng dậy vừa lúc trời tối. Anh bật đèn nhìn căn phòng trống trải của mình. Chưa bao giờ, dấu vết cuộc sống tạm bợ của anh với Vượng xưa kia rõ đến thế. Một bếp điện nhỏ bệ đất vỡ long lở, chiếc thùng gỗ đựng đồ ăn, đám bát đũa cọc cạch từ thời sinh viên cho tới hôm nay… Tất cả những gì cô để lại. Có người đàn bà đem tới cho người đàn ông yêu họ ngọn lửa ấm áp của đời sống và có người đàn bà đem tới ngọn cuồng phong của đam mê. Khi ngọn gió ấy đi qua, nó sẽ để lại phía sau cảnh hoang tàn đổ nát, những cát bụi phù du, những bọt bèo rác rến. Sự rủi ro nào trong số kiếp đã đẩy người đàn bà đó tới đời anh?…

Thành nhấc con chó đã sứt tai lên xem: bụi bám đầy những chiếc tăm còn sót lại. Anh đặt con chó xuống sàn. Từ góc bàn, chú rùa ngọ nguậy bò ra, có lẽ nó đã bị bỏ đói vài tháng nay. Chiều mai, anh phải đi kiếm cho con vật tội nghiệp ít vỏ chuối và tép đồng.

- Giờ phải đun nước tắm giặt đã. Cả một cặp áo quần đầy ghét và bụi chờ kia…

Họa sĩ nghĩ. Anh bỏ con rùa xuống, cầm chiếc siêu vào phòng phụ lấy nước. Bất chợt, anh dừng lại trước khoảng không tối om của căn phòng chưa kịp bật điện bên trong. Hơi gió lạnh mùa thu ập tới, khiến người đàn ông rùng mình. Và rồi, anh thấy cồn lên một ước mong gặp gỡ. Người đàn bà ấy, với đôi cánh tay trần mịn màng và mái tóc ròng ròng nước, những chậu cỏ tóc tiên hoa tím treo trên tường và những đóa cúc bạch lão mi…
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved