|
Quê hương của hoạ mi là tất cả
những quốc gia có khí hậu ôn đới. Quê hương của sơn ca phổ biến ở những vùng
nhiệt đới. Miền nam đồng bằng châu thổ sông Hồng quê tôi, cứ đến mùa lạnh thì
hoạ mi mới từ các tỉnh biên giới phía bắc bay về. Còn chim sơn ca thì sinh ra,
lớn lên, sinh con đẻ cái ở đây. Cứ cánh đồng nào có nhiều đồi, gò, lắm bụi cây
hoang dại, triền sông rậm rạp là ở đó có chim sơn ca trú ngụ.
Cũng như hoạ mi, trời phú cho sơn
ca có một giọng hót tuyệt diệu nên trời cũng bắt sơn ca phải mang một vẻ bề
ngoài rất "quê mùa"; trông bề ngoài sơn ca còn thô mộc hơn cả hoạ mi. Hoạ mi còn
có cái lưng, cái đuôi màu xám, cái bụng vàng ong óng, nhìn kỹ có chút duyên
ngầm; còn sơn ca thì toàn thân màu nâu xám nhờn nhợt, trên lưng lại có những
chấm, sọc đen, gần giống với bộ lông của con rẽ giun, con cò lửa, con gà đồng.
Trông sơn ca lúc nào cũng lem luốc như vừa từ bùn đất nhoi lên
vậy.
Suy cho cùng thì sơn ca phải mang
bộ lông xấu xí như thế cũng là hợp lẽ, bởi phải có màu lông ấy sơn ca mới dễ lẫn
với màu đất đai, cây cỏ, kẻ thù mới khó phát hiện. Sơn ca có giọng hót quá hay
nên rất lắm kẻ thù. Rắn, chuột, cò, diều hâu, chim cắt, cáo, cầy hôi, chồn, kỳ
đà... đều là những kẻ thù nguy hiểm của sơn ca. Chúng phát hiện ra tổ sơn ca là
mò đến ăn mất trứng, giết chết sơn ca con.
Chính vì nhiều kẻ thù như thế,
ngoài bộ lông xấu xí để nguỵ trang, thiên nhiên còn ban cho sơn ca một trí khôn
hơn hẳn nhiều loài chim khác. Sơn ca không làm tổ trên cây, vì trên cây thì kẻ
thù nào cũng nhìn thấy, chúng làm tổ ngay dưới mặt đất đồi, gò; nơi có những gốc
cây, thảm cỏ. Sơn ca chọn những cái hốc nhỏ như vết nứt giữa hai tảng đất hay
một vết chân người để làm tổ. Bên trên tổ, sơn ca nguỵ trang rất khéo. Tinh ranh
như rắn, chuột đi qua cũng khó mà phát hiện. Mỗi khi sơn ca bay lên trời để hót
hay bay đi kiếm ăn trở về, không bao giờ chúng sà xuống chính cái nơi có tổ của
chúng. Bao giờ chúng cũng sà xuống một nơi cách xa tổ, để đánh lừa kẻ thù, rồi
khi chân chạm đất chúng mới lủi rất nhanh, theo cách lủi của con chim cuốc. Về
đến gần cửa tổ, quan sát xung quanh, cảm thấy an toàn, chúng mới khẽ khàng chui
xuống tổ. Xuống tổ rồi, chúng dùng mỏ kéo những sợi rác lấp cửa tổ. Khi ra khỏi
tổ, chúng cũng lủi một quãng xa rồi mới bay vọt lên bầu trời. Nhiều hôm những
người nông dân quê tôi đi làm đồng sớm, trông thấy đôi chim bé tí, lông xỉn như
màu đất, lủi rất nhanh từ vệ gò vào bụi cây, người ta chẳng hiểu là chim gì,
liền gọi liều là con sẻ đất, con sẻ đồng. Thực ra đấy chính là đôi vợ chồng sơn
ca.
Đàn sơn ca con vừa chui ra khỏi vỏ
trứng đã được thừa hưởng sự khôn ngoan lanh lẹ từ bố mẹ. Đang còn ở trong tổ, bị
kẻ thù phát hiện quấy phá, sơn ca bố mẹ vọt ra khỏi tổ, đàn sơn ca con cũng vọt
theo sau, lủi rất nhanh bám đuôi bộ mẹ.
Trong các kẻ thù của sơn ca thì kẻ thù tàn bạo nhất chính là con người. Con người thường dùng những tấm lưới mắt nhỏ, cứ đêm xuống là bao vây khu đồi gò có những lùm cây bụi cỏ, nơi sơn ca thường trú ngụ. Giăng lưới xong, con người tạo ra những tiếng động để sơn ca khiếp sợ chạy trốn. Sơn ca lủi rất nhanh nên cũng dễ sa vào lưới. Chữ "tài" đi liển chữ "tai" là thế. Có đêm một lưới có thể bắt gọn cả gia đình sơn ca. Người đánh lưới mang sơn ca về thành phố bán cho những người buôn chim. Người buôn chim nhốt sơn ca vào lồng để thuần dưỡng. Thức ăn của sơn ca là các loại côn trùng. Khi bắt đầu thuần dưỡng người ta vẫn phải cho sơn ca ăn các loại côn trùng như kiến, giun con, caò cào nhỏ. Rồi dần dần người ta cho chúng ăn hạt kê tẩm lòng đỏ trứng gà. Con sơn ca nào dễ thuần dưỡng thì chỉ ít ngày là chịu ăn thức ăn người cho và bắt đầu hót. Sơn ca hót là con chim đực, giữ lại bán. Sơn ca không hót là chim cái, người buôn chim thả chúng bay về với đồng nội. Nhưng sự thật thì số sơn ca bổi (sơn ca đã trưởng thành) thuần dưỡng được chiếm tỷ lệ không cao. Phần nhiều khi nhốt vào lồng chúng đều sợ hãi đến mức tuyệt thực hoặc bay loạn xạ va đầu vào lồng, long óc, toè mỏ mà chết. Những con sơn ca mái được người thả về đồng nội mà nếu không tìm được sơn ca trống cặp đôi thì chỉ ít lâu sau chúng cũng ốm o, chết mòn chết yểu.
Trong các kẻ thù của sơn ca thì kẻ thù tàn bạo nhất chính là con người. Con người thường dùng những tấm lưới mắt nhỏ, cứ đêm xuống là bao vây khu đồi gò có những lùm cây bụi cỏ, nơi sơn ca thường trú ngụ. Giăng lưới xong, con người tạo ra những tiếng động để sơn ca khiếp sợ chạy trốn. Sơn ca lủi rất nhanh nên cũng dễ sa vào lưới. Chữ "tài" đi liển chữ "tai" là thế. Có đêm một lưới có thể bắt gọn cả gia đình sơn ca. Người đánh lưới mang sơn ca về thành phố bán cho những người buôn chim. Người buôn chim nhốt sơn ca vào lồng để thuần dưỡng. Thức ăn của sơn ca là các loại côn trùng. Khi bắt đầu thuần dưỡng người ta vẫn phải cho sơn ca ăn các loại côn trùng như kiến, giun con, caò cào nhỏ. Rồi dần dần người ta cho chúng ăn hạt kê tẩm lòng đỏ trứng gà. Con sơn ca nào dễ thuần dưỡng thì chỉ ít ngày là chịu ăn thức ăn người cho và bắt đầu hót. Sơn ca hót là con chim đực, giữ lại bán. Sơn ca không hót là chim cái, người buôn chim thả chúng bay về với đồng nội. Nhưng sự thật thì số sơn ca bổi (sơn ca đã trưởng thành) thuần dưỡng được chiếm tỷ lệ không cao. Phần nhiều khi nhốt vào lồng chúng đều sợ hãi đến mức tuyệt thực hoặc bay loạn xạ va đầu vào lồng, long óc, toè mỏ mà chết. Những con sơn ca mái được người thả về đồng nội mà nếu không tìm được sơn ca trống cặp đôi thì chỉ ít lâu sau chúng cũng ốm o, chết mòn chết yểu.
Đấy là một trong những nguyên nhân
mà chim sơn ca ngày càng trở nên hiếm hoi.
Nếu người ta bắt được đàn sơn ca
con (từ hai đến năm con) về nuôi dưỡng từ nhỏ thì tỷ lệ tử vong thấp, chúng dễ
gần gũi, thân thiện với người hơn. Nhưng nuôi độc lập từ nhỏ, thiếu sự cộng
hưởng của những con sơn ca có giọng hót tự nhiên, giọng hót của sơn ca trong
lồng rất dễ biến âm, lạc điệu. Bởi thế, người ta phải để lồng chim sơn ca con
gần với lồng chim sơn ca bổi đã được thuần hoá mà vẫn giữ nguyên giọng hót hoang
dã để sơn ca con học hót.
Trong lúc kiếm ăn, nuôi con, sơn
ca cũng phải lo đối phó với kẻ thù. Chỉ khi hót, sơn ca mới quên hết mọi ưu
phiền âu lo. Nếu như con hoạ mi khi hót cứ đứng trên cành cây cao nhả ra từng
tiết tấu, chỉ phải đề phòng có mỗi anh cú mèo mắt sáng về đêm, thì sơn ca khi
hót phải chui ra khỏi nơi ở bay lên không trung, vừa bay vừa hót. Càng lên cao
tiếng hót của sơn ca càng thanh tao, luyến láy, du dương. Khi bóng sơn ca mất
hút trong tầng mây rồi, nó vẫn ban tặng tiếng hót loang khắp vùng trời, thánh
thót, khoan nhặt rơi xuống mặt đất.
Chính vì sơn ca cứ phải bay lên
mới hót được nên khi người ta nuôi chim sơn ca cũng phải làm cái lồng có chiều
cao hơn những cái lồng của các loài chim khác, để khi sơn ca, theo bản năng bay
vọt lên hót, đầu nó không bị va vào đỉnh lồng. Tận dụng thứ âm thanh thánh thót
của sơn ca, người ta còn dùng những con sơn ca hót hay để gần lồng những con
chào mào, chích choè, bạc má để bọn này bắt chước giọng sơn ca.
Thủa tôi còn đi học phổ thông, ở
quê tôi đất đai còn rộng, người chưa đông như bây giờ. Ngoài cánh đồng còn có
những cái gò trồng chuối, bên dưới cỏ tranh, cỏ gừng mọc cao lút đầu người;
những khóm tầm ma, dùng dành mọc trên những nấm mồ đắp đất... đấy chính là nơi
trú ngụ, tồn sinh của chim sơn ca.
Chim sơn ca hót cả ngày lẫn đêm.
Cứ hứng lên là chúng hót. Nhưng chúng hót dai dẳng, đam mê nhất là vào lúc tang
tảng sáng, muộn hơn lúc hoạ mi hót một lát. Vậy nên cứ cái con hoạ mi ở bụi cây
sau nhà tôi hót là tôi thức dậy đi học. Và bao giờ tôi cũng cắp sách đi tắt qua
cánh đồng làng đến lớp học sơ tán ở làng trên. Chẳng hiểu sao cứ đến lúc tôi đi
qua những cái gò, những ngôi mộ khu nghĩa địa cổ thì đôi sơn ca lại chui ra khỏi
khóm tầm ma hay khóm dùng dành bay vọt lên tầng không, chim trống thì vừa bay
vừa hót, chim mái thì nhào lộn phụ hoạ, cứ như là những tiết tấu tươi vui đó
chúng chỉ dành tặng riêng cho tôi vậy.
Cùng một buổi sớm mà được cả hai
loài chim ban tặng tiếng hót khiến tôi có cảm giác vô cùng hạnh phúc, quên cả
khi ấy trong bụng đói meo, thậm chí quên cả những quả bom, quả đạn mà phản lực
Mỹ ném xuống ngày hôm ấy có thể giết chết mình. Rồi trong tôi còn nảy ra ý so
sánh: giọng của hoạ mi hoang dã, thánh thót, khúc chiết; giọng của sơn ca thì
mềm mại, trong vắt, uyển chuyển. Có người thích giọng hoạ mi hơn giọng sơn ca,
có người lại thích giọng sơn ca hơn giọng hoạ mi. Riêng tôi thì tôi thích cả
hai. Bởi tâm hồn tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng bằng cả hai giọng chim tuyệt
vời ấy.
Lê Hoài Nam