Làm thế nào dịch chuyển núi Phú Sĩ? - Phần 4:Trí tuệ nhân tạo
Xét từ một góc độ nào đó thì đây là vấn đề mấu chốt của việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI - artificial intelligence).
Mọi con đường đều dẫn đến lời giải
Bill Gates và gần như tất cả đồng nghiệp của ông đã trưởng thành từ ước mơ về trí tuệ nhân tạo (còn gọi là trí thông minh nhân tạo), về những máy móc được lập trình để suy nghĩ, nhận định và giải quyết vấn đề giống như con người. Một trong những phương pháp truyền thống để tiếp cận AI bắt đầu từ việc nghiên cứu quá trình con người suy nghĩ để giải quyết các vấn đề như thế nào.
Herbert Simon (1916-2001) được xem là cha đẻ của các công trình nghiên cứu hiện đại chuyên về cách giải quyết vấn đề. Phần lớn sự nghiệp của người đàn ông tài ba này (đã đoạt giải Nobel kinh tế năm 1978) diễn ra tại Trường đại học Carnegie - Mellon, nơi có truyền thống nghiên cứu lĩnh vực máy tính và người máy.
Simon muốn khám phá cách giải quyết vấn đề của con người để từ đó nghiên cứu cách lập trình cho máy tính, nhằm mục đích biến máy tính thành công cụ có thể làm thay công việc của con người. Simon phát hiện sau vài lần thất bại thì phần lớn mọi người đều tìm được câu trả lời đúng, không bao giờ việc giải các câu hỏi hóc búa hay các phát minh khoa học lại là kết quả của một phút thăng hoa bất ngờ. Tất cả là nhờ “không gian giải pháp”.
Bạn phải tìm sách trong thư viện như thế nào nếu sách ở đây không được xếp theo danh mục? Thiền sư người Nhật Shin’ichi Hisamatsu nói rằng tất cả các công án (tên gọi các bài “toán đố” của phái thiền) có thể được rút gọn lại thành một công thức sau: “Không được phép làm gì cả. Vậy bạn làm gì?”.
Phương án được Microsoft đưa ra như sau: Không có khả năng có thể tìm thấy cuốn sách. Vậy bạn làm gì? Việc duy nhất mà bạn có thể làm là tìm trong “không gian giải pháp” một cách hiệu quả nhất trong chừng mực có thể. Bạn cần phải chuẩn bị tinh thần, đừng vội vã dừng lại ngay từ đầu (chẳng có gì đạt được mà không phải đổ mồ hôi sôi nước mắt cả). Đó cũng chính là điểm khác nhau giữa những người giải được các bài toán đố và những người không giải được.
Sau khi bước qua sự phân tích đầu tiên, bạn sẽ thấy bài toán trở nên đơn giản hơn rất nhiều lần so với hình dung ban đầu. Cây khả năng sẽ không phân nhánh một cách vô hạn và tất cả mọi con đường đều sẽ dẫn bạn đến với lời giải đúng. Gần như tất cả các câu hỏi hóc búa đều có chung một kết cục như vậy. Đối với phần lớn mọi người, các suy luận thường là khó nhưng đối với máy tính thì ngược lại, có những thuật toán hữu hiệu để tìm kiếm theo sơ đồ hình cây và “tìm nhánh” (như công cụ tìm kiếm trên mạng Internet Yahoo! hay Google).
Tại sao có thể đánh bại robot?
Chắc hẳn bạn cũng đã từng được xem các trận chiến giữa những người máy trên tivi. Con người chế tạo ra chúng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phá hủy những người máy khác. Sau đó, chúng được đưa lên đấu trường để chúng ta theo dõi chuyện gì sẽ xảy ra. Những cuộc tranh tài như vậy ít ra cũng chứng minh được một điều: “phá hủy” người máy là điều quá đơn giản.
Mặt trời bao giờ cũng mọc ở hướng đông?
Câu trả lời là không đúng. Một số ứng viên đưa ra các ví dụ trong không gian vũ trụ. Sao Kim (Venus) và sao Thiên vương (Uranus) quay quanh trục và có chiều quay ngược với chiều quay của Trái đất. Nếu chúng ta đặt trong không gian một hành tinh tưởng tượng và không quay quanh quĩ đạo thì hoàn toàn không có hiện tượng Mặt trời mọc và lặn.
Người phỏng vấn không chấp nhận những câu trả lời tương tự như vậy và hỏi lại: “Có phải trên Trái đất bao giờ Mặt trời cũng mọc ở hướng đông?”. Câu trả lời cũng không có gì thay đổi, vẫn là không. Tại Bắc cực hoàn toàn không có hướng đông: tất cả các hướng đều chỉ về phía nam. Trong thời gian sáu tháng có Mặt trời, Mặt trời luôn mọc và lặn từ hướng nam. Còn ở Nam cực thì ngược lại. Ở đây các hướng đều chỉ về phương bắc.
Có thể có ích cho bạn: biết và nghĩ nhiều hơn về những gì bạn đã biết và đã nghĩ, nghĩ xa hơn những giới hạn xung quanh bạn, như thế sẽ có một con đường, dù con đường ấy không đưa bạn đến đích nhưng cũng có con đường, còn hơn không có con đường nào cả để đi.
Việc chiến thắng người máy nói chung là dễ dàng vì chúng chỉ hành động theo những gì mà chương trình đã lập sẵn. Người máy không nhìn thấy toàn bộ diễn biến của sự việc (không có tầm nhìn toàn cảnh) và không bao giờ có được những quyết định bất ngờ (những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ).
Ví dụ, bạn có một người máy có đặc tính tự bảo vệ mình bằng súng phun lửa. Chỉ cần những người máy khác lọt vào bán kính 3m xung quanh nó, lập tức súng phun lửa sẽ hoạt động và mục tiêu chắc chắn là bị phá hủy. Để có thể chiến thắng loại người máy này, chỉ cần chế tạo một người máy khác có khả năng phun xăng vào đối tượng cách nó 3,5m sau đó lập tức chạy ra xa, người máy của chúng ta sẽ phát lửa vào đối thủ và đồng thời tự hủy diệt mình.
Trong khi nếu là con người ở trường hợp đó, hiển nhiên chúng ta sẽ nghĩ rằng “người mình đẫm xăng thế này thì dại gì lại sử dụng súng phát hỏa cơ chứ”. Nhưng với người máy thì không, nó không “thông minh” để có khả năng suy luận như con người. Đây là một trong những vấn đề khó nhất của AI.
Khi mà người máy bất khả chiến bại của bạn vừa bị hạ gục và chỉ còn là một đống kim loại bỏ đi, phản ứng tự động của bạn sẽ là cố gắng tìm cách chế tạo một người máy mới tốt hơn, với những tính toán kỹ càng hơn sao cho sản phẩm này có khả năng nhận biết các yếu tố của môi trường xung quanh, đồng thời biết “suy ngẫm”, dự tính về những diễn biến, hậu quả có thể xảy ra trong hành động của mình. Đây là những mục tiêu tốt đẹp. Nhưng trong thế giới mã máy tính và những con chip, để thực hiện được điều đó cần phải có một sự nỗ lực khủng khiếp.
Việc mở rộng khả năng bao quát của người máy đòi hỏi khối lượng tính toán của bộ óc nhân tạo phải tăng theo cấp số mũ. Càng phải dự tính được nhiều hậu quả xảy ra sau mỗi hành động của mình thì người máy càng có những phản ứng chậm chạp. Và có lẽ chẳng có gì tồi tệ hơn một người máy chậm chạp.
Nói chung, loài người “đóng khung” các vấn đề tốt hơn hệ thống trí tuệ nhân tạo tân thời. Bằng cảm tính của bản năng, chúng ta hiểu được điều gì là quan trọng và điều gì không quan trọng đối với mỗi trường hợp mà chúng ta gặp phải, mặc dù cảm tính đó cũng có lúc sai. Để có thể dễ dàng giải các bài toán đố, bạn phải đồng thời suy nghĩ theo ít nhất hai hướng. Hướng thứ nhất để giải bài toán, hướng thứ hai là theo dõi khả năng thành công của hướng thứ nhất.
Bạn cần phải liên tục tự đặt câu hỏi cho bản thân: Liệu cách giải quyết này có đúng không? Còn phải mất bao nhiêu thời gian nữa và khả năng mình đang đi đúng hướng là bao nhiêu phần trăm? Liệu có nên thử thêm cách khác nữa không? Khả năng tự nhận thức cao là đặc điểm của những người luôn tìm được câu trả lời đúng cho các bài toán đố. Bạn cũng có thể nhận thấy đặc điểm đó cả ở những người thành công khi đi phỏng vấn tuyển dụng, vì đối với họ việc quan trọng không những là phải trả lời đúng các câu hỏi mà còn là hiểu như thế nào, vấn đề cần được xem xét đến đâu.
Bill Gates khẳng định không có bất cứ một tập đoàn nào có thể vĩnh viễn giữ được vị trí dẫn đầu của mình khi chuẩn mực công nghệ luôn biến đổi. Chính vì vậy, tập đoàn khổng lồ và thành công Microsoft luôn ở trong trạng thái bị các đối thủ mới ra đời đe dọa. Bill Gates nói rằng mục đích của ông là làm cho Microsoft đi ngược lại với qui luật trên và tiếp tục phát triển, mặc cho sự thay đổi chuẩn mực công nghệ đang diễn ra liên tiếp.
Có bao nhiêu người lên dây đàn dương cầm trên thế giới? Ở Manhattan, bạn phải giở ngẫu nhiên bao nhiêu trang trong danh bạ điện thoại để có số điện thoại cần tìm?... Trong một nền “văn hóa toán đố”, những câu hỏi như đều có lời giải. Các công ty muốn tuyển dụng đúng người tài đều đặt yếu tố sáng tạo và cách giải quyết vấn đề lên hàng đầu. Edit