BUỔI HOÀNG HÔN CỦA NHỮNG THẦN TƯỢNG
HAY LÀM CÁCH NÀO TRIẾT LÝ VỚI CÂY BÚA
[Phần 3]
NHỮNG CUỘC NGAO DU CỦA CON NGƯỜI PHI THỜI
1.
Những bất khả của tôi. - Sénéque: hay kẻ
đấu bò của đức hạnh. - Rousseau: hay sự trở về thiên nhiên in impuris
naturalibus [5]. - Schiller: hay kẻ gióng Trống khua Chiêng - Đạo đức ở
Sackingan [6].- Dante: hay con lang làm thơ trong mộ. - Kant: hay sự lễ độ giả
dối như đặc tính trí tuệ. - Victor Hugo: hay đèn pha của đại dương phi lý. -
Listz: hay thiên tài âm nhạc - bên đàn bà. - George Sand: hay lactea uberta [7]
nói theo tiếng Đức: die Milchkuh mit “schonem Stil” [8]. - Michelet: hay sự
hăng say đã cởi áo khoác ngoài. - Carlyle: hay chủ trương bi quan như sự tiêu
hóa trì trệ. - John Stuard Mill: hay sự minh bạch tổn thương. - Les frères de
Goncourt [9]: hay hai tên Ajax
chiến đấu chống lại Homène. Nhạc của Offenbach .
Zola: hay “thú phóng uế”.
2.
RENAN. - Thần học, hay là sự đồi bại của
lý trí bởi “tội tổ tông” (Cơ đốc giáo). Bằng chứng: Renan, kẻ bất cứ khi nào
phải liều lĩnh đưa ra một tiếng phải hay không về một vấn đề thông thường, đều
sai trật với một sự tuân thủ theo đúng kỷ luật một e dè thận trọng kiểu thầy
dòng. Chẳng hạn ông ta muốn nối kết chặt chẽ la science và la noblesse [10] lại
với nhau; nhưng khoa học thuộc về chế độ dân chủ, điều đó quá hiển nhiên. Ông
ta muốn trình bày không phải không có tham vọng, một sự quí phái tinh thần;
nhưng đồng thời ông quì trước lý thuyết đối nghịch, évangile des humbles [11]
và không phải chỉ quì gối mà thôi... Làm gì bằng tất cả những tinh thần tự do,
tân tiến, tất cả sự diễu cợt, tất cả sự thay đổi địa vị một cách mềm mỏng, uyển
chuyển đó, khi tận đáy lòng, người ta vẫn là tín đồ Cơ Đốc, Kitô giáo và ngay
cả linh mục nữa? Renan có tài tìm tòi những sáng kiến để hấp dẫn, giống như một
giáo sĩ dòng Gia Tô hội hay một linh mục chuyên nghe xưng tội; tinh thần ông
không thiếu nụ cười nhân hậu giả dối rộng mở của thầy dòng - giống như tất cả
những linh mục, ông ta chỉ trở nên nguy hiểm khi ông ta yêu. Không ai có thể
sánh được với ông trong cách yêu quí chết người. Cái tinh thần này của Renan,
một tinh thần bạc nhược, là một tai ương thêm vào cho nước Pháp bệnh hoạn đáng
thương, ý chí suy vi. -
3.
SAINTE-BEUVE. - Không có chút đàn ông
tính nào trong ông ta; ông ta đầy lòng thù hận nhỏ nhen đối với tất cả những
tinh thần hùng tráng. Ông ta lang thang đây đó tinh tế, tò mò, chán chường tọc
mạch - một người đàn bà tại căn đế, với những sự trả thù của đàn bà và nhục cảm
đàn bà. Là một tâm lý gia, ông ta là thiên tài médisance [12]; khả năng khai
thác chuyện dèm xiểm bất tận, không ai biết cách pha trộn độc dược với lời tán
dương giỏi hơn. Những bản năng hạ đẳng của ông ta đều hạ lưu và bà con gần gũi
với tính resentiment [13]; của Rousseau: do đó ông ta là một kẻ theo phong trào
lãng mạn, - bởi dưới mọi romantisme [14] đều có bản năng trả thù của Rousseau
chầu chực, rình mò. Ông ta là một nhà cách mạng, nhưng dằn nén quá kĩ vì sợ
hãi. Không độc lập trước tất cả những gì có sức mạnh (dư luận, hàn lâm viện,
triều đình, ngay cả Port royal ). Bực tức chống
lại tất cả những gì vĩ đại trong người và sự vật, chống lại tất cả những gì tự
tin nơi mình. Đủ là một thi sĩ và nửa - đàn bà để cảm thức sức mạnh của những
gì vĩ đại; không ngừng co rúm như con sâu trong tục ngữ bởi ông ta luôn luôn
cảm thấy bị chà đạp dưới gót chân. Là một nhà phê bình, ông ta không có tiêu
chuẩn phê phán, không tiêu chuẩn hướng dẫn và không xương sống. Mặt dầu ông ta
có miệng lưỡi của một libertin [15] quốc tế nhưng lại thếu can đảm nhìn nhận
libertinage của mình. Là một nhà sử học không có triết lý, không có sức mạnh
của viễn quan triết lý, - chính vì lý do đó ông khước từ trách nhiệm phê phán
trong tất cả những vấn đề quan yếu, bằng cách dùng “khách quan tính” như một
cái mặt nạ. Tuy nhiên ông ta có một thái độ khác hẳn trước những sự vật mà
trong đó năng khiếu tinh tế và lão luyện là tối cao pháp viện: ở đó ông ta có
cản đảm và thích thú là chính mình, - ở đó ông là bậc thầy. - Về một vài phương
diện, đó là một kiểu mẫu đầu tiên của Baudelaire.
4.
IMITATIO CHRIST [16] là một trong những
cuốn sách tôi không thể cầm mà không cảm thấy gớm tay [17]: nó toát ra một mùi
người nữ vĩnh cửu [18] mà người ta phải là dân Pháp - hay là một tín đồ của
Wagner mới chịu nổi... Ông thánh này có một lối nói về tình yêu khiến cho ngay
cả những người đàn bà Paris
cũng phải hiếu kỳ. - Người ta nói với tôi rằng A. Comte, tu sĩ dòng Gia Tô hội
quỷ quyệt nhất, kẻ muốn dẫn dắt dân Pháp tới La Mã qua sự ngoắt ngoéo của khoa
học, hứng khởi từ cuốn sách này. Tôi tin điều đó: “Tôn giáo của trái tim”...
5.
G. ELIOT. - Họ đã giải thoát khỏi Thượng
Đế Kitô giáo và bây giờ họ cảm thấy phải bám lấy luân lý Kitô giáo chặt chẽ hơn
bao giờ hết. Đó là cách lý luận kiểu Ăng lê, chúng ta không muốn nhạo báng
những thứ luân lý - đàn bà à la Eliot [19]. Ở Anh, bất cứ một sự thoát li thần
học nhỏ nhoi nào, người ta cũng phải hồi phục lại danh dự bằng cách khủng khiếp
nhất là trở thành một kẻ cuồng tín luân lý. Đó là cách giải tội ở xứ này. - Với
chúng ta lại khác hẳn. Nếu người ta khước từ đức tin Kitô giáo là người ta đồng
thời tự bãi bỏ quyền hạn đối với luân lý Kitô. Bởi vì luân lý này không tự nó
minh nhiên: điều này cần soi sáng lại luôn luôn mặc dầu đầu óc nông cạn của dân
Anh. Kitô giáo là một hệ thống, một ý tưởng thống nhất và một quan niệm toàn bộ
về sự vật. Nếu người ta phá bỏ một khái niệm căn bản chủ yếu, niềm tin vào
Thượng Đế, là người ta phá tan cả một toàn thể: người ta chẳng có một chút cốt
tuỷ nào trong tay nữa hết. Kitô giáo giả thiết rằng con người không biết gì cả,
không thể biết cái gì tốt, cái gì xấu đối với mình: hắn tin tưởng vào Thượng
Đế, đấng duy nhất hiểu biết. Luân lý Kitô giáo là một huấn giới; nguồn gốc của
nó là siêu việt; nó ở trên mọi phê bình, mọi quyền phê bình, nó chỉ chứa đựng
chân lý nếu Thượng Đế là chân lý - nó đứng vững hay sụp đổ với niềm tin vào
Thượng Đế. - Nếu người Anh thực sự tin rằng tự họ hiểu biết bằng “trực giác”,
thế nào là thiện, thế nào là ác, nếu do đó họ nghĩ rằng họ không cần Thượng Đế
như một đảm bảo cho luân lý nữa, thì đó chỉ là hậu quả của quyền tối thượng của
sự thẩm định Kitô giáo và là một bằng chứng của sức mạnh và chiều sâu của quyền
tối thượng này: do đó nguồn gốc luân lý Anh Cát Lợi đã bị bỏ quên, do đó người
ta không còn nhận thấy tính chất tuỳ thuộc lớn lao của quyền tồn tại của nó
nữa. Đối với người Ăng Lê, luân lý không còn là một vấn đề nữa...
6.
GEORGE SAND. - Tôi đã đọc những bức thư
đầu tiên của tập Lettres d’un voyageur; như tất cả những gì bắt nguồn từ
Rousseau, những bức thư đó sai lầm, giả tạo, khoa trương, khoác lác. Tôi không
thể chịu nổi thứ bút pháp vàng úa màu giấy dán tường; cũng như tham vọng khơi
dậy những tình cảm khoan hồng tầm thường. Điều tồi tệ nhất là sự làm dáng đàn
bà với những kiểu cách đàn ông, với những cung cách của hạng thanh niên vô giáo
dục. - Bà ta phải lạnh lùng xiết bao với tất cả những điều đó, thứ nghệ sĩ
không chịu nổi: bà ta tự lên dây như một cái đồng hồ - và viết... Lạnh lùng như
Victor Hugo, như Balzac, như tất cả những kẻ theo phong trào lãng mạn khi họ
bắt đầu ngồi vào bàn viết! Và với xiết bao tự mãn bà ta muốn nằm dài ra đó, con
bò cái viết lách khủng khiếp có một chút Đức, trong ý nghĩa xấu xa nhất của
danh từ, như Rousseau, bậc thầy của bà, kẻ chỉ có thể chịu đựng được khi thị
hiếu Pháp đi đến chỗ suy đồi! Nhưng Renan kính phục bà ta...
7.
Luân lý cho những tâm lý gia. - Không
đem tâm lý học bán rong! Không bao giờ quan sát chỉ để quan sát mà thôi! Điều
đó tạo ra một viễn tượng sai lầm, một cái nhìn xiên lệch, một cái gì bị cưỡng
bách và thổi phồng. Cảm nghiệm một điều gì muốn cảm nghiệm - không đem lại kết
quả tốt đẹp. Trong khi cảm nghiệm, người ta không được phép nhìn trở lại mình,
nếu không mọi cái nhìn đều trở thành “con mắt xấu”. Một tâm lý gia bẩm sinh tự
nhiên chống lại việc nhìn chỉ để mà nhìn: một họa sĩ bẩm sinh cũng vậy. Hắn
không làm việc “phỏng theo thiên nhiên”. - hắn giao cho bản năng, cho phòng tối
của hắn, sàng sẩy và gạn lọc “thiên nhiên”, “trường hợp”, “kinh nghiệm sống”...
Hắn chỉ ý thức về phổ quát tính, kết luận, kết quả: hắn không biết diễn dịch
độc đoán từ trường hợp đặc thù. - Kết quả sẽ ra sao nếu người ta làm ngược lại?
Đem tâm lý học đi bán rong, bán sỉ và bán lẻ như những romanciers Ba Lê, chẳng
hạn? Như thế là người ta rình chờ thực tại, mỗi buổi chiều mang về nhà một dúm
tò mò... Nhưng hãy nhìn hậu quả - một đống lộn xộn, hay hơn nữa một thứ tạp
luận, và trong mọi trường hợp một cái gì thêm thắt, nhốn nháo, loè loẹt. Nhóm
Goncourts đã đạt đến cực đỉnh tồi tệ của loại này: họ không bao giờ đặt ba câu
cạnh nhau mà không làm nhức mắt, mắt nhà tâm lý học - Thiên nhiên, thẩm định
theo quan điểm nghệ thuật, không phải là kiểu mẫu. Nó phóng đại, méo mó, để lại
những lỗ hổng. Thiên nhiên là sự tình cờ. Nghiên cứu “theo thiên nhiên” đối với
tôi dường như là một dấu hiệu xấu: nó phản lại sự phục tòng, yếu đuối! định
mệnh thuyết, - sự qui luỵ trước những petits faits [20] này không xứng đáng với
một nghệ sĩ hoàn toàn. Nhìn hiện thể của sự vật - điều đó thuộc về một loại đầu
óc khác hẳn, những đầu óc phi-nghệ thuật, cụ thể. Người ta phải biết mình là
ai...
8.
Về tâm lý học của nghệ sĩ. - Để có nghệ
thuật, để có bất cứ một hành động hay một sự chiêm ngắm nghệ thuật nào, một
điều kiện sinh lý chuẩn bị này không thể thiếu: sự ngây ngất. Trước hết sự ngây
ngất phải nâng cao xúc cảm tính của toàn thể bộ máy: không nghệ thuật nào phát
sinh trước khi điều đó xảy ra. Tất cả mọi trạng thái ngây ngất đó, dù nguồn gốc
khác nhau thế nào chăng nữa, đều có khả năng tạo ra nghệ thuật này: trên tất cả
là sự ngây ngất của kích động dục tình, hình thức xuất thần cổ điển và nguyên
thủy nhất. Cũng vậy sự ngây ngất đi kèm theo tất cả những ước vọng lớn lao, tất
cả mọi cảm xúc mãnh liệt; sự ngây ngất của yến tiệc, của tranh đấu, của hành vi
dũng cảm, của chiến thắng, của giao động cùng cực; sự ngây ngất của tàn bạo; sự
ngây ngất của phá huỷ; sự ngây ngất dưới một vài ảnh hưởng khí tượng nào đó,
chẳng hạn sự ngây ngất của mùa xuân; hay dưới ảnh hưởng của thuốc mê; cuối cùng
sự ngây ngất của ý chí chất chứa và căng phồng. - Yếu tính của sự ngây ngất là
cảm thức về sự tràn đầy và gia tăng nghị lực. Bị kích thích bởi cảm thức này,
người ta buông thả cho sự vật, bắt buộc sự vật tiếp nhận mình, cưỡng bức sự
vật, - người ta gọi quá trình này là lý tưởng hoá. Ở đây chúng ta hãy đoạn trừ
một thành kiến: sự lý tưởng hóa không hệ tại sự diễn dịch hay giảm trừ cái nhỏ
bé và tuỳ phụ như người ta vẫn tin tưởng. Trái lại, việc vạch rõ một cách khủng
khiếp những nét chính yếu, để đến nỗi những nét khác biến mất chính là cái
quyết định tất cả.
9.
Trong trạng thái này người ta làm giầu
tất cả mọi sự bằng chính sự phong phú của mình: điều hắn nhìn, điều hắn muốn,
người ta đều thấy nó căng phồng, chặt chẽ, mạnh mẽ, chất chứa sức mạnh. Con
người trong trạng thái này biến đổi sự vật cho đến khi chúng phản chiếu sức
mạnh của hắn - cho đến khi chúng trở thành những phản ảnh của sự hoàn hảo của
hắn. Sự cưỡng bách, biến đổi thành cái hoàn hảo này - là nghệ thuật. Tất cả đối
với con người này đều là nguồn hân hoan trào vọt phát xuất tự trong mình; trong
nghệ thuật, con người hân hưởng chính con người mình như sự hoàn hảo. Có thể
tưởng tượng một trạng thái nghịch lại, một trạng thái phi nghệ thuật đặc thù
của bản năng - một cách thế làm nghèo nàn, giảm trừ và làm hao mòn xanh xao tất
cả mọi sự. Và quả thật lịch sử đầy rẫy những nghệ sĩ phi nghệ thuật thuộc loại
này, những kẻ thiếu sinh lực cần chiếm đoạt tất cả mọi sự vật họ nhìn thấy,
tiêu thụ chúng, làm chúng trở nên gầy mòn kiệt quệ. Đó là trường hợp một tín đồ
Kitô giáo chính cống, trường hợp Pascal chẳng hạn; một tín đồ Kitô giáo đồng
thời là một nghệ sĩ, điều đó không thể có... Đừng người nào trẻ con đến nỗi nêu
Raphael hay bất cứ một tín đồ Kitô giáo theo tương đồng liệu pháp [21] thế kỷ
thứ mười chín nào để chống lại phán quyết của tôi. Raphael nói ừ [22], Raphael
làm tích cực, do đó, Raphael không phải là một tín đồ Kitô giáo.
10.
Đâu là ý nghĩa của những ý niệm trái
nghịch nhau Apollon và Dionysos, cả hai đều được coi như những hình thức ngây
ngất mà tôi đã đưa vào thẩm mỹ học [23] - Sự ngây ngất apollinien trước hết
kích thích nhãn quan, khiến nhãn quan thủ đắc sức mạnh thị lực. Họa sĩ, điêu
khắc gia, thi sĩ anh hùng ca đều là những linh tưởng gia par excellence. Trái
lại, trong trạng thái dionysien, tất cả hệ thống cảm xúc đều bị kích thích và
nâng cao cường độ: đến nỗi nó phóng ra tất cả mọi phương tiện diễn tả bằng cách
khu trục tất cả mọi sức mạnh bắt chước, mô phỏng, biến đổi, chuyển hoá, tất cả
mọi loại hoạt họa theo và nghệ thuật bắt chước. Sự hóa thân dễ dàng vẫn là cái
chính yếu, không thể phản động lại (- tương tự như một vài loại bệnh loạn trí,
có thể bắt chước điệu bộ đóng bất cứ vai trò nào). Con người dionysien không
thể không hiểu bất cứ sự dẫn khởi nào, hắn thủ đắc bản năng thấu cảm và tiên
đoán cao độ, giống như hắn thủ đắc đến cao độ nghệ thuật thông tri với người
khác vậy. Hắn biết thấu suốt bất cứ vỏ bao bọc nào, đi vào bất cứ cảm xúc nào;
hắn thường xuyên biến đổi. - Âm nhạc, như chúng ta hiểu ngày nay, là một sự
kích thích và giảm trừ cảm xúc, nhưng dầu vậy đó cũng chỉ là tàn tích của một
thế giới của biểu thị tràn đầy hơn, một cặn bã của nghệ thuật riêng biệt, người
ta phải bất động hóa một số giác quan, trước hết là những cơ năng, ít ra là một
cách tương đối: bởi mọi tiết tấu đều hãy còn nói với những bắp thịt của chúng ta
tới một giới hạn nào đó): đến nỗi con người không còn có thể nào bắt chước hay
diễn tả bằng thân xác điều hắn cảm thấy được nữa. Tuy nhiên, đó chính là trạng
thái dionysien thông thường, ít ra đó là trạng thái uyên nguyên của nó. Âm nhạc
là sự cá biệt hóa thành tựu một cách chậm rãi, bằng cách nhờ vào những khả năng
gần gũi với nó.
11.
Diễn viên, người diễn hí kịch, vũ viên,
nhạc sĩ, thi sĩ trữ tình, rất gần nhau trong bản năng và cốt yếu là một, chỉ
sau này mới cá biệt hóa và tách rời nhau ra - đi tới chỗ đối thoại với nhau
nữa. Thi sĩ trữ tình đoàn kết lâu nhất với nhạc sĩ, diễn viên với vũ viên. Kiến
trúc sư không diễn tả trạng thái dionysien cũng chẳng diễn tả trạng thái
apollinien: ở đây là tác động vĩ đại của ý chí, ý chí dịch hải di sơn, sự say sưa
của ý chí mạnh mẽ đòi hỏi sự diễn tả nghệ thuật. Những người mãnh liệt nhất
luôn luôn gây hứng khởi đến cho kiến trúc sư: kiến trúc sư luôn luôn chịu ảnh
hưởng của sức mạnh. Lòng kiêu hãnh, sự chiến thắng trên trọng lượng và trọng
lực, ý chí hùng dũng phải được biểu hiện rõ rệt trong một tòa lâu đài; kiến
trúc là một thứ nghệ thuật hùng biện của sức mạnh bằng hình thể, khi thì hùng
hồn thuyết phục hay mơn trớn, khi thì cộc lốc ra lệnh. Cảm thức mãnh liệt nhất
về sức mạnh và chắc chắn tìm cách diễn tả trong grand style. Sức mạnh không cần
chứng tỏ; khinh thị chiều đãi; không đối đáp hời hợt; không cảm thấy nhân chứng
cận kề chung quanh; sống bằng những sự đối kháng người ta dựng lên chống lại
mình; an nhiên trong chính mình, tuân theo vận mệnh, một luật lệ giữa những
luật lệ: đó là điều nói về mình theo thể cách grand style cao nhã.
12.
Tôi đã đọc về cuộc đời Thomas Carlyle,
đúng là trò hề không ý thức và không chủ tâm, sự diễn dịch anh hùng tính - có
tính cách luân lý về chứng khó tiêu. - Carlyle, một người có ngôn ngữ và cử chỉ
hùng mạnh, một biện luận gia bởi nhu cầu, thường xuyên bị dao động bởi khát
vọng một đức tin mãnh liệt và cảm thức về sự bất lực không thể đạt đức tin ấy -
(về phương diện này, đó là một người theo phong trào lãng mạn điển hình!) Khát
vọng về một đức tin mãnh liệt không phải là bằng chứng của một đức tin mãnh
liệt mà hoàn toàn ngược lại. Một khi có đức tin đó, hẳn người ta có thể trả giá
sự hoang phí lòng hoài nghi xa hoa: người ta đủ chắc chắn, đủ vững vàng, đủ cố
định cho lòng hoài nghi đó. Carlyle làm đinh tai nhức óc một cái gì trong ông
với bài hát hùng mạnh ca ngợi những người có đức tin mãnh liệt của ông và sự
điên cuồng chống lại những người ít rồ dại hơn của ông: ông cần ồn ào. Một sự
thiếu thành thật say đắm thường xuyên với mình - đó là cái độc đáo của ông,
chính vì thế mà ông đã và sẽ vẫn còn hấp dẫn. Dĩ nhiên ở Anh, người ta ngưỡng
mộ ông chính bởi lòng chân thật của ông... À, đó là một cái gì đặc tính chất
Ăng lê; và nếu người ta coi dân Anh là dân tộc giả dối quá đỗi quá chừng, thì
điều đó còn hợp lý nữa chứ không phải chỉ dễ hiểu mà thôi. Đáo cùng, Carlyle là
một kẻ vô thần Anh Cát Lợi muốn được tôn vinh mình không phải là một kẻ vô
thần.
13.
Emeson. - Ông giác ngộ hơn, rộng rãi
hơn, đa tài hơn và tế nhị hơn Carlyle rất nhiều, và trên hết, ông hạnh phúc
hơn. Ông là một người tự nhiên sống bằng cao lương mỹ vị và gạt ra những thứ
khó tiêu trong sự vật. So với Carlyle, đó là một người có khiếu thẩm mỹ.
Carlyle, người rất quí mến ông, tuy vậy, nói về ông rằng: “Ông không cho chúng
ta đủ ăn”: điều đó có thể đúng nhưng không thiệt hại gì cho Emerson. - Emerson
có sự thanh thản tinh thần tốt lành làm nản lòng tất cả những kẻ nghiêm trang;
ông không có ý niệm nào về sự kiện ông đã già đến mực nào và ông còn có thể trẻ
lại đến mực nào, - ông có thể nói về mình như Lope de Vega: “Yo me sucedo a mi
mismo” [24]. Tinh thần ông bao giờ cũng tìm thấy lý do để hạnh phúc và biết ơn
nữa; đôi khi ông gần đi tới sự thanh thản siêu việt của con người cao nhã, từ
một cuộc hẹn hò yêu đương tamquam re bene gesta trở về, lòng đầy biết ơn và
nói: “Ut desint vires, tamen est laudanda volupta” [25].
14.
Chống-Darwin. - Về nguyên lý lừng danh
“đấu tranh để sinh tồn” đối với tôi dường như chỉ có tính cách khẳng định hơn
là chứng minh. Nó xảy ra, nhưng như một ngoại lệ; bộ mặt tổng quát của cuộc
sống không phải là cùng khổ, đói khát mà đúng hơn là giàu có, xa hoa hay ngay
cả hoang phí nữa - nơi nào có tranh đấu là tranh đấu để dành sức mạnh... Không
được lầm lộn Malthus [26] với thiên nhiên. - Tuy nhiên, giả dụ rằng có sự tranh
đấu này đi nữa chăng - và quả thực, nó xẩy ra thật - kết quả của nó, tiếc thay,
lại ngược lại với trường phái Darwin mong mỏi, và ngược lại với điều mà người
ta có lẽ có thể mong ước cùng với họ: nghĩa là sự thất bại của những kẻ mạnh,
những kẻ thiên bẩm, những ngoại lệ may mắn. Những chủng loại không tăng trưởng
ngày một hoàn hảo hơn: những kẻ yếu càng ngày càng thắng lướt kẻ mạnh - bởi
chúng thuộc về số đông và bởi chúng khôn khéo hơn... Darwin đã bỏ quên tinh thần (cái đặc biệt Anh
Cát Lợi!), những kẻ yếu có nhiều tinh thần hơn. Người ta phải cần tinh thần để
đi đến chỗ thủ đắc tinh thần, - người ta mất tinh thần khi không cần đến nó
nữa. Kẻ có sức mạnh từ bỏ tinh thần của mình (- “hãy để nó ra đi! người ta nghĩ
vậy ngày nay ở Đức - Reich sẽ ở lại cùng chúng ta...) [27] Người ta sẽ thấy
rằng tôi dùng chữ tinh thần để ám chỉ sự thận trọng, kiên nhẫn, xảo quyệt, yếm
trá, tự chủ mạnh mẽ và tất cả những gì là mô phỏng bắt chước (đặc tính cuối
cùng bao gồm phần lớn cái được gọi là đức hạnh).
15.
Quỷ kế của những nhà tâm lý học. - Người
này biết rõ bản chất con người: hắn nghiên cứu con người để làm gì? Hắn muốn
thủ một chút lợi nhỏ hay một mối lợi lớn nữa trên họ, - hắn là một chính
khách!... Người này nữa cũng là một kẻ hiểu tâm lý con người [28]: thế mà bạn
lại nói rằng hắn không cầu cạnh điều gì cho hắn cả, rằng hắn sẽ là hoàn toàn
“vô ngã”. Hãy nhìn gần hơn! Có thể hắn muốn một lợi ích tồi tệ xấu xa hơn nữa:
hắn muốn cảm thấy hắn cao cả hơn con người, có quyền nhìn xuống họ, không hòa
lẫn với họ. Mẫu “vô ngã” này là một sự miệt thị con người [29], trong khi mẫu
người thứ nhất nhân loại hơn, mặc dầu bề ngoài thế nào mặc lòng. Ít ra hắn cũng
tự đặt mình trên cùng bình diện, hắn tự đặt mình ở giữa mọi người...
16.
Sự khéo léo tâm lý của người Đức đối với
tôi dường như khả nghi bởi một loạt những trường hợp mà lòng khiêm tốn ngăn
không cho tôi nêu ra. Tuy nhiên có một trường hợp đã cho tôi một cơ hội tốt để
lập thuyết của tôi: tôi thù hận dân Đức vì họ đã lầm lẫn về Kant và “Triết lý
cửa hậu” của ông, như tôi gọi nó, - bởi đó không phải là mẫu thanh liêm tri
thức. - Có điều nữa mà tôi không thể nghe lọt tai là tiếng “và” khả ố: dân Đức
nói “Goethe và Schiller”,- tôi sợ họ nói “Schiller và Goethe”. Họ có hiểu
Schiller này đã không? - còn có những tiếng “và” tệ hơn nữa; chính tai tôi đã
nghe thấy, quả thực chỉ trong đám giáo sư đại học mà thôi: Schopenhauer và
Hartmann”...
17.
Những con người tâm linh thẳm sâu nhất,
khi nhận họ là những kẻ can đảm nhất, đã cảm nghiệm những bi kịch đau đớn nhất:
nhưng cũng chính vì lý do đó mà họ tôn vinh cuộc đời, bởi nó chống lại họ bằng
sự đối kháng mãnh liệt nhất.
18.
Nói về “ý thức”. - Ngày nay không có gì
hiếm hoi hơn sự giả đạo đức đích thực. Tôi rất hoài nghi rằng khí hậu ôn hòa
của nền văn hóa chúng ta không thích hợp cho cái cây này. Sự giả đạo đức thuộc
về những thời đại của đức tin mạnh mẽ: trong đó, ngay cả khi bị bó buộc phải
phô trương một đức tin khác, người ta vẫn không chối bỏ đức tin riêng của mình;
hay, thông thường hơn, người ta thủ đắc một đức tin thứ hai - tuy nhiên, người
ta vẫn lương thiện trong bất cứ trường hợp nào. Hiển nhiên, ngày nay người ta
có thể có nhiều đức tin hơn ngày xưa: có thể, nghĩa là được phép, nghĩa là vô
hại. Từ đó nảy ra lòng rộng lượng đối với chính bản thân. Sự rộng lượng đối với
chính bản thân cho phép có nhiều đức tin; và những đức tin này hòa thuận với
nhau, - và, như tất cả mọi người ngày nay, những đức tin này hết sức tránh thỏa
hiệp với nhau. Ngày nay người ta thỏa hiệp với mình bằng cách nào? Bằng cách
nhất trí. Bằng cách đi theo một đường thẳng. Bằng cách không hàm hồ, nghĩa là
không cho phép năm cách diễn dịch đối kháng nhau một lúc. Bằng cách chân
thật... Tôi e rằng con người hiện đại chỉ quá lười biếng đối với một số tật xấu
đang bị tiêu diệt. Mọi tội lỗi đều tùy thuộc ý chí mạnh và có lẽ không có tội
lỗi nếu không có sức mạnh của ý chí, - đều sa đọa thành đức hạnh trong khí hậu
ẩm ướt của chúng ta. Một vài kẻ giả đạo đức hiếm hoi mà tôi biết chỉ bắt chước
sự giả đạo đức thôi: như hầu hết một phần mười con người ngày nay, họ là những
kẻ đóng kịch.
19.
Đẹp và xấu. - Không có gì tương đối hay
bị giới hạn hơn cảm thức về cái đẹp của chúng ta. Bất cứ kẻ nào muốn tách rời
cảm thức này khỏi lạc thú con người tìm thấy nơi con người đều lập tức bị chới
với ngay. Cái “đẹp tự nội” chỉ là một danh từ, chứ chưa được là một khái niệm
nữa. Trong cái đẹp, con người tự đặt mình như tiêu chuẩn của sự hoàn hảo; trong
những trường hợp chọn lọc, nó tự ngưỡng mộ mình trong đó. Một chủng loại không
thể nào làm khác hơn là tự khẳng định mình theo cách đó. Bản năng hạ đẳng nhất
của nó, bản năng tự bảo tồn và trương rộng mình hãy còn tỏ lộ trong những sự
thăng hoa này. Con người tin rằng thế giới tự nó chứa đầy vẻ đẹp - nó quên rằng
chính nó là nguyên nhân của tất cả những vẻ đẹp này. Nguyên mình nó đã cho thế
giới một vẻ đẹp, than ôi! rất phàm phu, quá đỗi phàm phu!... Tóm lại con người
đã phản chiếu trong sự vật, nó cho là đẹp tất cả những gì phản ảnh lại cái hình
ảnh của chính nó: phán đoán cái đẹp là sự tự mãn chủng loại của nó... Tuy
nhiên, một chút nghi ngờ có thể lọt vào tai kẻ hoài nghi: thế giới được tô điểm
phải chăng bởi tại chính con người coi nó là đẹp? Con người đã nhân loại hóa
thế giới: tất cả chỉ có vậy. Nhưng không có gì, tuyệt đối không có gì đảm bảo
cho chúng ta rằng con người chính là khuôn mẫu của cái đẹp. Ai biết được trông
hắn giống cái gì trong cặp mắt của một phán quan thẩm mỹ siêu đẳng hơn? Có lẽ
hắn là một kẻ hơi hợm mình? Có lẽ hơi tức cười? Có lẽ hơi độc đoán?... “Ôi thần
Dionysos, tại sao lại beo tai em như vậy?” Ariane một hôm hỏi người tình triết
gia của nàng trong một trong những đối thoại nổi tiếng về Naxos
như vậy. “Tôi thấy tai em hơi tức cười, Ariane: tại sao nó lại không dài hơn
một chút nữa nhỉ?”.
20.
Không có gì đẹp, chỉ có con người là
đẹp: tất cả mọi thẩm mỹ học đều dựa trên sự ngây thơ này, đó là chân lý thứ
nhất. Chúng ta hãy thêm ngay chân lý thứ hai: không có gì xấu ngoài con người
sa đọa - lãnh vực của những phán xét thẩm mỹ đã được qui định bằng hai chân lý
đó. - Xét về phương diện sinh lý, bất cứ cái gì xấu đều làm con người suy nhược
và buồn rầu. Nó nhắc nhở con người tới sự suy đồi, nguy hiểm, bất lực; con
người hao tốn sức lực khi đối diện với nó. Người ta có thể đo được hiệu quả của
cái xấu bằng lực kế. Tóm lại, bất cứ khi nào con người cảm thấy yếu đuối thì đó
là dấu hiệu chứng tỏ nó cảm thấy một cái gì “xấu” đang cận kề. Cảm thức về sức
mạnh, ý chí hùng dũng, lòng can đảm, sự kiêu hãnh - tất cả xuống thấp với cái
xấu xa, lên cao với cái đẹp... Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều có thể rút
ra kết luận này: những tiền đề của chúng được tích chứa dồi dào trong bản năng.
Cái xấu được coi như một dấu hiệu và một triệu chứng của suy đồi: cái gì nhắc
nhở chúng ta, dù một cách xa xôi, tới sự suy đồi đều gây ra trong chúng ta phán
đoán “xấu”. Bất cứ một dấu hiệu bải hoải, nặng nề, già nua, mệt mỏi nào, bất cứ
sự câu thúc nào, như sự co quắp, tê liệt, nhất là mùi vị, mầu sắc, hình thể của
băng hoại, tan rã, dù chỉ giảm xuống đến độ chỉ còn là một biểu tượng đi chăng
nữa - tất cả đều gây ra cùng một phản ứng, phán đoán “xấu”. Một sự thù ghét nổi
lên tại đây: nhưng con người ghét cái gì? Không còn hồ nghi gì nữa: sự suy đồi
của chủng loại nó. Ở đây, sự thù ghét của nó bắt nguồn từ bản năng chủng loại
sâu thẳm nhất của nó, trong sự thù ghét này có sự kinh sợ, thận trọng, chiều
sâu, sự thấu suốt - đó chính là sự thù ghét thâm sâu nhất. Chính bởi lẽ đó mà
nghệ thuật sâu xa...
21.
Schopenhauer. - Schopenhauer, người Đức
đáng kể cuối cùng (- người tượng trưng cho một biến cố Âu Châu, như Goethe, như
Hegel, như Henrich Heine, chứ không phải chỉ như một biến cố địa phương, “quốc
gia” mà thôi), là một trường hợp thượng đẳng đối với một tâm lý gia: tôi muốn
nói như một toan tính khôn ngoan thiên tài viện dẫn những lời khẩn nguyện đối
nghịch, nhằm hỗ trợ cho một cuộc hạ giá cuộc đời một cách toàn triệt và theo
quan điểm hư vô chủ nghĩa: sự tự khẳng định vĩ đại của “ý chí sống” những hình
thức phong phú của cuộc đời. Ông đã lần lượt diễn dịch nghệ thuật, lòng anh
hùng, thiên tài, vẻ đẹp, lòng đại từ bi, trí thức, ý chí tìm chân lý, bi kịch,
như những hậu quả của sự “phủ nhận” hay nhu cầu phủ nhận của “ý chí” - vụ làm
bạc giả tâm lý lớn nhất lịch sử, trừ Kitô giáo. Nhìn gần ông chỉ là kẻ thừa kế
của lối diễn dịch Kitô giáo: có điều ông biết cách chấp thuận cái mà Kitô giáo
đã khước từ, những sự kiện văn hóa vĩ đại của nhân loại, và chấp thuận chúng
theo một quan điểm Kitô, nghĩa là hư vô chủ nghĩa (- nghĩa là ưng chuẩn chúng
như những con đường “cứu chuộc”, như những kích thích của nhu cầu “cứu
chuộc...”)
22.
Tôi lấy một trường hợp cá biệt.
Schopenhauer nói về cái đẹp với một sự hăng say sầu thảm. - Tại sao vậy? Bởi
ông nhìn thấy trong đó một cây cầu trên đó người ta có thể đi xa hay trên đó
người ta khao khát đi xa... Đối với ông vẻ đẹp là sự giải thoát khỏi “ý chí”
trong giây lát - nó lôi cuốn về phía giải thoát vĩnh viễn... Đặc biệt ông ca
tụng nó như đấng cứu chuộc khỏi “trung tâm điểm của ý chí”, khỏi nhục tình -
trong cái đẹp ông thấy sự phủ nhận xung lực hướng về sự sinh đẻ... Thật là một
vị thánh kỳ dị! Thế nào cũng có kẻ nói ngược lại ông và tôi e rằng đó là thiên
nhiên. Vẻ đẹp có trong những âm thanh, mầu sắc, hương thơm, những chuyển động
nhijp nhàng của thiên nhiên hướng về cứu cánh nào? Cái gì khiến vẻ đẹp đó hiển
lộ? - May mắn thay có một triết gia cũng nói ngược lại ông. Đấng thần linh
Platon (chính Schopenhauer gọi như vậy) uy tín ngất trời đã chủ trương một
thuyết nghịch lại: một vẻ đẹp khêu gợi, xúi dục sự sinh đẻ - đó chính là hiệu
quả đặc biệt của nó, từ cõi miền nhục cảm thấp nhất tới cõi tâm linh cao siêu
nhất.
23.
Platon đi xa hơn nữa. Ông nói với sự
ngây thơ mà phải là người Hy Lạp chứ không thể là người “Kitô giáo” mới có thể
có được, rằng sẽ không thể có mảy may triết lý Platon nào nếu không có những
trai tráng xinh đẹp như vậy ở thành phố Nhã Điển: chính khi nhìn thấy họ mà tâm
hồn triết gia bay bổng vào cõi mộng tình ngây ngất và không thể an nghỉ cho đến
khi nó reo rắc hạt mầm của mọi sự cao siêu vào lòng mảnh đất quá đẹp tươi như
thế. Thêm một bậc thánh kỳ dị nữa - người ta không thể tin tai mình, dù giả thử
rằng người ta tin Platon. Ít ra người ta thấy rằng ở Nhã Điển họ triết lý một
cách khác hẳn, nhất là trong quần chúng. Không có gì ít tính chất Hy Lạp hơn là
ngồi trong xó dệt một cái lưới nhện khái niệm, amor intellectualis dei [30]
theo kiểu Spinoza. Triết lý theo kiểu Platon đúng ra phải được định nghĩa như
một cuộc tranh biện dâm dật, như một sự khai triển và đào sâu của môn thể dục
cổ điển và những điều kiện tiên quyết của nó... Cái gì cuối cùng nẩy sinh ra từ
cái dâm triết lý của Platon? Một hình thức nghệ thuật mới của cổ Hy Lạp: biện
chứng pháp. Tôi nhắc thêm, chống lại Schopenhauer và để tôn vinh Platon: tất cả
mọi nền văn hóa và văn chương cao siêu của nước Pháp cổ điển đều nảy nở trên
mảnh đất dục tình. Ở đây người ta có thể tìm thấy khắp chốn sự hào hoa, nhục
cảm, sự tranh đua thư hùng, “đàn bà”, - người ta sẽ không bao giờ tìm kiếm vô
ích...
21.
L’art pour l’art [31].- Sự chống đối cứu
cánh trong nghệ thuật bao giờ cũng là sự chống đối khuynh hướng đạo đức hóa
[32] trong nghệ thuật, chống đối sự lệ thuộc của nghệ thuật vào đạo đức, L’art
pour l’art có nghĩa là: “Thây kệ luân lý” - nhưng chính sự thù nghịch này tố
cáo rằng thành kiến luân lý hãy còn giữ phần ưu thắng. Khi người ta khai trừ
khỏi nghệ thuật mục đích giảng dạy luân lý và cải thiện con người thì không
nhất thiết nghệ thuật phải vô mục đích và không có một ý nghĩa nào, tóm lại,
l’art pour l’art - một con rắn cắn đuôi chính nó. “Không có một mục đích nào cả
tốt hơn là có một mục đích đạo đức!”, đam mê thuần tuý nói như vậy. Một tâm lý
gia hỏi ngược lại: tất cả mọi thứ nghệ thuật dùng để làm gì? nó không ca tụng
sao? không tán dương sao? không lựa chọn sao? không tỏ lòng yêu quí sao? khi làm
thế nó sẽ làm mạnh hay làm yếu đi một số sự thẩm định giá trị... Đó là một cái
gì thứ yếu? một sự tình cờ? một cái gì bản năng của nghệ sĩ không tham dự vào
chút nào? hay nó không phải là điều kiện tiên quyết cho phép người nghệ sĩ là
nghệ sĩ?... Bản năng sâu xa nhất của nghệ sĩ có hướng về nghệ thuật hay đúng
hơn về ý nghĩa của nghệ thuật, về cuộc đời, về lòng khao khát cuộc đời? - Nghệ
thuật là sự kích thích mãnh liệt hướng về cuộc đời: tại sao người ta có thể coi
nó như vô mục đích, như l’art pour l’art? - Vẫn còn lại một câu hỏi phải giải
đáp: nghệ thuật còn đưa ra ánh sáng nhiều cái xấu xí, cay đắng, hồ nghi trong
cuộc đời - chẳng phải vì thế mà nó khiến cho cuộc đời trở nên nhọc nhằn sao? -
Và quả thực có những triết gia đem gán cho nghệ thuật ý nghĩa đó: “giải thoát
khỏi ý chí” đó là tất cả đối tượng của nghệ thuật theo lời dạy của
Schopenhauer, “khiến người ta nhẫn nhục”, đó là lợi ích lớn lao của bi kịch mà
ông đề cao. - Nhưng điều này - như tôi đã cho thấy từ trước - là quan điểm và
“ác nhãn” của người bi quan. Người nghệ sĩ bi thảm truyền đạt điều gì tới những
kẻ khác? Hắn không diễn tả thái độ vô úy trước tất cả những gì khủng khiếp và
hồ nghi sao? - chính thái độ này là một điều đáng mơ ước vô cùng: kẻ nào hiểu
đều cung kính tôn vinh nó trên tất cả mọi sự. Người nghệ sĩ truyền đạt điều
này, phải truyền đạt điều này nếu hắn là nghệ sĩ, một thiên tài trong nghệ
thuật cảm thông. Lòng dũng cảm và bình tĩnh trước kẻ thù hùng mạnh, trước bất
hạnh tày trời, trước một vấn đề đầy kinh hoàng - chính thái độ chiến thắng này
người nghệ sĩ lựa chọn, ca ngợi. Trước bi kịch, tính hiếu chiến trong tâm hồn
chúng ta cử hành những cuộc tế lễ linh đình; kẻ nào tìm kiếm đau khổ, con người
anh hùng, tán dương cuộc đời mình bằng bi kịch, - chỉ riêng đối với kẻ đó thôi,
người nghệ sĩ bi tráng mới dâng tặng chén tàn bạo ngọt ngào tuyệt vời này. -
25.
Chịu đựng mọi người, mở rộng cửa với tất
cả tâm hồn - đó là lòng quảng đại, nhưng chỉ là lòng quảng đại phóng khoáng mà
thôi, người ta biết có những tâm hồn hiếu khách cao sang trướng rủ rèm buông:
họ để trống những căn phòng tốt nhất. Tại sao vậy? - Bởi vì họ chờ đợi những
quí khách mà họ không phải “chịu đựng”...
26.
Chúng ta không tôn trọng mình lắm khi
chúng ta thổ lộ mình. Những kinh nghiệm riêng tư đích thực của chúng ta không
có nhiều lời. Dù những kinh nghiệm ấy có muốn thổ lộ mình đi chăng nữa cũng
không thể được. Ấy là bởi tại chúng ta thiếu lời. Chúng ta đã ở trên bất cứ
điều gì mà chúng ta có thể diễn tả bằng ngôn từ. Trong tất cả mọi câu chuyện
đều có một chút khinh bỉ. Dường như ngôn ngữ chỉ được tạo ra cho những cái tầm
thường, trung bình, có thể thông tri được. Bằng ngôn ngữ, người nói đã tầm
thường hóa mình đi ngay khi nói.- Trích luân lý dành cho những kẻ câm điếc và
những triết gia khác [33]. -
27.
“Bức tranh này đẹp mê hồn!”... [34]
người đàn bà chuộng văn chương, bất mãn, bứt rứt, trong tâm hồn và ruột gan,
trống trải, tò mò lắng nghe từng phút, một cách đau đớn, cái mệnh lệnh từ cơ
thể sâu kín của nàng thì thầm: “aut liberi aut libri” [35]: người đàn bà văn
chương học hành đủ để nghe tiếng nói của thiên nhiên, dù cho khi nó nói bằng
tiếng Latin, tuy nhiên khá kiêu căng, rỗng tuếch, khá đần độn như ngan ngỗng để
bí mật nói thì thầm với mình bằng tiếng Pháp: “je me verrai, je me lirai, je
m’extasierai et me dirai: Possible, que j’aie eut tant d’esprit?” [36]...
28.
Những kẻ “vô ngã” nói. - “Đối với chúng
ta, không có gì dễ hơn là trở nên khôn ngoan, kiên nhẫn, cao cả. Chúng ta xem
xét tỉ mỉ với dầu mỡ bao dung và thiện cảm, chúng ta đẩy công lý đến chỗ phi lý,
chúng ta tha thứ cho tất cả. Chính vì thế thỉnh thoảng chúng ta phải nuôi dưỡng
một chút đam mê nhỏ, một chút tật xấu nhục tình. Điều đó có thể cực nhọc đối
với chúng ta; và khi quây quần thân mật chỉ có chúng ta thôi, có thể chúng ta
sẽ cười dáng vẻ bề ngoài ta có vì lẽ đó. Nhưng để làm gì? chúng ta không còn
cách nào khác hơn là để tự vượt qua chúng ta: đó là sự khổ hạnh của chúng ta,
khổ hình của chúng ta... Trở nên vô ngã - đức hạnh của những kẻ “vô ngã”...
29.
Từ một cuộc thi tiến sĩ. - “Sứ mệnh của
tất cả mọi nền giáo dục cao đẳng là gì?” - Là biến con người thành một cái máy.
- “Bằng cách nào?” - Phải dạy con người buồn chán. - “Làm thế nào để đạt được
điều đó?”- Bằng ý niệm bổn phận.- “Ai là gương mẫu của nó?” - Nhà ngữ học: hắn
dạy cách nhá [37]. - “Ai là con người hoàn toàn?” - Công chức nhà nước. -
“Triết học nào cho người công chức nhà nước công thức tốt nhất?” - Triết học
của Kant: người công chức nhà nước với tư cách vật tự nội đặt trên người công
chức nhà nước với tư cách hiện tượng. -
30.
Quyền ngu ngốc. - Người công nhân mệt
mỏi, hơi thở chậm rãi, mắt nhìn dịu dàng, để sự vật tự do lưu chuyển: nhân vật
điển hình này, mà ngày nay, trong Thời Đại của Lao Động (và của “Reich”! nữa -)
người ta gặp trong mọi giai cấp xã hội đang đòi hỏi nghệ thuật, gồm cả sách vở
và, trước hết, báo chí - nhất là vẻ đẹp của thiên nhiên Ý Đại Lợi chẳng hạn...
Con người của buổi tối, vói “những bản năng man rợ ngủ say” [38] mà Faust nói,
con người này cần dưỡng sức, tắm biển, trượt băng, Beyreuth [39]... Trong những
thời đại như thời đại của chúng ta, nghệ thuật có quyền hoàn toàn điên khùng
[40] như một thứ nghỉ hè của tinh thần, trí tuệ và cảm giác. Wagner hiểu điều
đó. Sự điên khùng hoàn toàn là liều thuốc bổ...
31.
Lại một vấn đề chay tịnh nữa. - Những
cách mà Jules César dùng để chống lại tình trạng bệnh hoạn và chứng đau đầu của
ông ta là: đi bộ thật nhiều, sống hết mức đơn giản, nghỉ ngơi liên tục tại nơi
phóng khoáng, gắng sức liên miên - đại thể đó là những biện pháp phòng
ngừa và tự vệ chống lại sự dễ bị thương cực kỳ của bộ máy vi diệu làm việc dưới
áp lực cao nhất mà người ta gọi là thiên tài.
32.
Kẻ vô luân nói. - Không có gì nghịch lại
với thị hiếu của triết gia cho bằng con người với tư cách kẻ thèm muốn... Nếu
triết gia chỉ thấy con người trong hành vi, nếu hắn thấy con vật can đảm nhất,
xảo quyệt nhất, nhẫn nại nhất, lạc lõng bơ vơ ngay cả trong những mê lộ tuyệt
vọng - thì con người hiện ra với hắn đáng kính phục biết bao! Hắn khích lệ con
người... Nhưng triết gia khinh bỉ con người thèm muốn, và cả con người “đáng
thèm muốn” nữa - hắn khinh bỉ tất cả mọi cái đáng thèm muốn, mọi lý tưởng của
con người. Nếu triết gia có thể là một kẻ theo hư vô chủ nghĩa, hắn sẽ là một
kẻ theo hư vô chủ nghĩa ngay bởi hắn nhìn thấy hư vô đằng sau tất cả những lý
tưởng của con người. Mà cũng không phải chính hư vô nữa - mà chỉ là những gì vô
giá trị, phi lý, bệnh hoạn, hèn nhất, mệt mỏi, tất cả mọi thứ cặn bã trong cái
ly đã uống cạn của đời nó. Tại sao con người, kẻ đáng kính phục nhường ấy trong
thực tại, lại không xứng đáng một chút kính trọng nào khi nó thèm muốn vậy?
Phải chăng nó phải chuộc lỗi vì đã quá thích hợp trong thực tế? Nó phải cân
bằng hành động của nó, cân bằng sự căng thẳng của tinh thần và ý chí vận dụng
trong mọi hành động, bằng sự vươn tay duỗi chân [41] vào lãnh vực tưởng tượng
và phi lý chăng? - Lịch sử của những ước vọng của nó từ xưa tới nay là partie
honteuse [42] của con người. Phải cẩn thận đừng đọc quá lâu trong cuốn sử đó.
Cái biện minh con người là thực tế của nó - thực tế sẽ vĩnh viễn biện minh cho
nó. Con người đích thực giá trị biết chừng nào khi so sánh với bất cứ loại
người nào chỉ được tạo nên bởi thèm muốn, mơ mộng, rác rưởi và dối trá? khi so
sánh với bất cứ một con người lý tưởng nào?... Và chỉ có con người lý tưởng là
kẻ nghịch lại với thị hiếu của triết gia mà thôi.
33.
Giá trị tự nhiên của lòng ích kỷ. - Giá
trị của lòng ích kỷ tuỳ thuộc vào giá trị sinh lý của kẻ có lòng ích kỷ: nó có
thể rất có giá trị, nó có thể vô giá trị và đáng khinh bỉ. Mỗi cá nhân đều có
thể được xét đoán tuỳ theo hắn tượng trưng cho đường đi lên hay đi xuống của
cuộc đời. Sau khi đã quyết định như thế người ta đã có một tiêu chuẩn để đánh
giá giá trị lòng ích kỷ. Nếu nó biểu diễn đường đi lên, thì giá trị của nó quả
thật phi thường - và vì lợi ích của cuộc đời toàn diện, sẽ cùng với nó tiến một
bước dài về phía trước, sự lo lắng cho sự bảo tồn của nó, cho việc tạo ra những
điều kiện tốt nhất cho nó có thể vô cùng. Con người đơn lẻ, “cá nhân”, như
người ta cũng như những triết gia từ xưa tới nay hiểu, là một điều sai lầm: tự
nó không là gì cả, nó không phải là một nguyên tử, một “mắt xích”, một cái gì
chỉ do quá khứ để lại, - nó là tất cả dòng dõi đơn biệt của con người từ xưa
lên đến nó. Nếu nó biểu diễn sự phát triển đi xuống, sự suy đồi, thoái hóa kinh
niên, bệnh hoạn (- bệnh hoạn nói chung là những triệu chứng của suy đồi, chứ
không phải là nguyên nhân), thì lúc đó nó chẳng có giá trị bao nhiêu, và sự
công bình tối thiểu đòi hỏi rằng nó lấy của những người khỏe mạnh càng ít chừng
nào càng tốt chừng ấy. Nó chỉ là một con ký sinh trùng của họ mà thôi...
34.
Tín đồ Kitô và kẻ vô thần. - Khi kẻ vô
thần, người phát ngôn của những giai cấp giai cấp xã hội suy đồi lên tiếng đòi
hỏi với sự phẫn nộ chính đáng những “quyền hạn” của hắn, “công lý”, “quyền bình
đẳng”, hắn chỉ hành động dưới áp lực của sự thiếu văn hóa của hắn, mà không
biết lý do đích thực tại sao mình khổ - mình nghèo khó về phương diện nào,
trong cuộc đời... Một khuynh hướng về nguyên nhân mãnh liệt trong hắn lý luận:
phải có một kẻ nào đó phải chịu trách nhiệm về tình cảnh tồi tệ đó của hắn...
Sự “phẫn nộ chính đáng” này tự nó đã giúp ích cho hắn nhiều; bất cứ một kẻ đáng
thương nào cũng tìm thấy khoái lạc trong sự chửi rủa - nó tìm thấy trong đó một
chút say sưa của sức mạnh. Ngay sự ta thán và than vãn cũng đủ cho đời một sự
quyến rũ mà vì nó người ta có thể chịu đựng được cuộc đời rồi: có một lượng trả
thù nhỏ trong mỗi lời ta thán, người ta qui trách tình trạng tồi tệ, và trong
một vài trường hợp, ngay cả sự xấu xa của mình cho những kẻ khác họ, như thể
những kẻ này phạm một điều bất công hay có một đặc quyền trái phép. “Nếu tôi là
một tên Canaille [43] thì bạn cũng phải là một kẻ như vậy.”: người ta làm cách
mạng trên nền tảng luân lý này. Than thở chẳng bao giờ vô ích cả: nó xuất phát
từ những kẻ yếu đuối. Dù người ta gán tình trạng tồi tệ của mình cho những kẻ
khác hay cho chính mình - những kẻ theo Xã hội chủ nghĩa làm việc đầu, những
tín đồ Kitô giáo chẳng hạn, làm việc sau - thì thực ra cũng chẳng có gì khác
nhau cả. Cái giống nhau của cả hai, chúng ta có thể thêm, cái đê tiện đáng
khinh của cả hai, là cho rằng phải có kẻ nào đó chịu trách nhiệm về sự đau khổ
của mình - tóm lại, kẻ đau khổ tự kê đơn thuốc ra cho chính mình, lấy mật ngọt
của sự trả thù để trị nỗi đau khổ của mình. Những đối tượng của nhu cầu trả thù
này cũng như nhu cầu khoái lạc đều chỉ là những nguyên nhân cơ ngẫu [44]: kẻ
đau khổ tìm thấy khắp mọi nơi những nguyên nhân [45] để xoa dịu sự căm thù ti
tiện của hắn - nếu hắn là một tín đồ Kitô giáo, xin nhắc lại, hắn tìm thấy
những nguyên nhân này trong chính mình... Kẻ vô thần và tín đồ Kitô giáo - cả
hai đều là những kẻ décadents [46].- Khi tín đồ Kitô giáo lên án, phỉ báng và
bôi nhọ “trần gian”, hắn hành động như vậy bởi cùng bản năng thúc đẩy người
công nhân Xã hội chủ nghĩa lên án, phỉ báng và bôi nhọ xã hội: ngay cả cuộc
“phán xét cuối cùng” cũng chỉ là sự an ủi trả thù dịu dàng - cuộc cách mạng,
như người công nhân theo Xã hội chủ nghĩa mong mỏi, có điều được quan niệm như
một cái gì xa xôi hơn mà thôi... ngay cả “Thế giới bên kia” - thế giới bên kia
để làm gì nếu không phải là một phương tiện để bôi nhọ thế giới này?...
35.
Phê bình luân lý “Décadence” [47].- Một
luân lý “vị tha”, một luân lý trong đó lòng vị kỷ suy yếu - trong bất cứ trường
hợp nào cũng đều là một dấu hiệu xấu cả. Điều này đúng cho những cá thể, điều
này đặc biệt đúng hơn nữa cho những dân tộc. Cái tốt nhất thiếu vắng khi lòng
vị kỷ bắt đầu thiếu vắng. Chọn cái có hại cho chính mình, bị cám dỗ bởi những
nguyên nhân “vô vị lợi”, đó hầu như là định thức của décadence. “Không tìm lợi
lộc cho chính mình” - đó chỉ là một cái lá đa lá đề luân lý cho một thực tại
hoàn toàn khác hẳn, nghĩa là, sự kiện sinh lí: “Tôi không còn biết cách tìm lợi
ích của riêng tôi nữa”... Sự phân hóa của những bản năng! - Con người tàn mạt
khi nó bắt đầu vị tha. - Thay vì nói một cách ngây thơ: “Tôi không còn giá trị
nữa.”, sự dối trá luân lý qua miệng của kẻ décadent lại nói rằng: “không có gì
có giá trị cả, - cuộc đời không có giá trị gì cả”... Một phán đoán như vậy,
cuối cùng, bao giờ cũng là một mối nguy hại lớn, nó có tính cách truyền nhiễm -
trên mảnh đất vô cùng bệnh hoạn của xã hội, chẳng bao lâu nó nẩy nở phồn thịnh
thành một rừng tư tưởng nhiệt đới - khi thì dưới hình thức tôn giáo (Kitô
giáo), khi thì dưới hình thức triết học (chủ thuyết Schopenhauer). Đôi khi
những cây độc mọc lên từ sự mục nát thối tha này có thể đầu độc cuộc đời hàng
ngày muôn ngàn năm sau bằng hơi độc chúng xông lên...
36.
Qui tắc luân lý cho y sĩ. - Kẻ bệnh hoạn
là ký sinh trùng của xã hội. Trong một số trạng thái nào đó, tiếp tục sống là
điều bất chính. Tiếp tục sống như cỏ cây trong sự lệ thuộc hèn nhát vào y sĩ và
thuốc men, sau khi ý nghĩa cuộc đời, quyền sống đã mất, bắt buộc phải đi tới
chỗ bị xã hội khinh bỉ sâu xa. Những y sĩ, tới lượt họ, phải là những kẻ trung
gian truyền đạt sự khinh bỉ này - họ không được cho toa, chữa bệnh nữa, trái
lại mỗi ngày họ phải mang lại một liều ghê tởm mới tới cho bệnh nhân... Tạo ra
một trách nhiệm mới, trách nhiệm của y sĩ, áp dụng cho mọi trường hợp trong đó
lợi ích tối cao của cuộc đời, của cuộc đời đi lên, đòi hỏi người ta gạt ra và
chà đạp một cách tàn nhẫn cuộc đời đi xuống - chẳng hạn để xác định quyền sinh
sản, quyền được sinh ra đời, quyền sống... Chết một cách kiêu hãnh khi không
còn có thể sống một cách kiêu hãnh. Chết theo sự lựa chọn tự do, giữa đám con
cháu và nhân chứng quây quần xung quanh: như thế lời vĩnh biệt đích thực còn có
thể thực hiện trong khi kẻ đang từ trần hãy còn đó, và thực sự còn có thể đánh
giá giá trị điều hắn đã hoàn thành và ước muốn trong cuộc đời, làm bảng tổng
kết cuộc đời - tất cả những điều đó trái ngược với màn bi hài kịch thảm thương
và kinh khủng mà Kitô giáo đã đóng trong giờ lâm chung. Không bao giờ người ta
được phép quên rằng Kitô giáo đã lạm dụng sự yếu đuối của kẻ hấp hối để dùng
bạo lực áp đảo ý thức hắn và lạm dụng ngay cả chính cách chết để dựng nên những
phán đoán giá trị về con người và quá khứ hắn nữa! - Gạt ra ngoài tất cả những
hèn nhát của thành kiến, vấn đề ở đây là thiết định sự đánh giá trị đích thực, nghĩa
là có tính cách sinh lý, của cái gọi là chết tự nhiên: cái chết này, rốt cục,
có tính cách “phản tự nhiên”, một cuộc tự tử. Người ta không bao giờ chết bởi
kẻ khác mà chỉ bởi mình. Nhưng thường chỉ là cái chết trong những trường hợp
đáng khinh bỉ nhất, một cái chết không tự do, một cái chết không đúng lúc, một
cái chết của một kẻ hèn nhát. Vì lòng tha thiết yêu cuộc đời, người ta phải ao
ước một cái chết khác hẳn: tự do, ý thức, không tình cờ, không đột ngột... [48]
Sau cùng đây là một lời khuyên gửi quí vị bi quan và décadents thân mến khác.
Chúng ta không nắm trong tay khả năng ngăn cản việc chúng ta ra đời: nhưng
chúng ta có thể sửa chữa sự lầm lẫn này vì đôi khi đó là một sự lầm lẫn. Khi
người ta tự huỷ, người ta đã làm một việc đáng kính trọng nhất: người ta gần
như xứng đáng được quyền sống vì đã làm thế [49] ... Xã hội, tôi muốn nói chính
cuộc đời rút tỉa được lợi ích từ việc làm như vậy nhiều hơn bất cứ từ một “cuộc
đời” nào trôi qua trong sự khước từ ốm yếu xanh xao và những đức hạnh khác - người
ta đã đi cho khuất mắt những kẻ khác, người ta đã giải thoát cho cuộc đời một
vấn nạn... Chủ nghĩa bi quan pur, vert [50] chỉ có thể tự chứng minh bởi sự tự
chối bỏ của những quí ông theo bi quan chủ nghĩa: người ta phải tiến thêm một
bước nữa trong luận lý của mình, và không phải chỉ chối bỏ cuộc đời trong “ý
chí và biểu tượng” như Schopenhauer đã làm - người ta trước hết phải chối bỏ
Schopenhauer: Tiện thể xin nói qua, chủ nghĩa bi quan tuy hay lây nhưng không
làm gia tăng tính chất bệnh hoạn của một thời đại hay một chủng tộc nói chung:
nó chính là sự biểu lộ của tính chất bệnh hoạn đó. Người ta trở thành nạn nhân
của nó giống như người ta trở thành nạn nhân của bệnh dịch tả: cơ thể người ta
phải có những tố tính bệnh hoạn trước đã: chủ nghĩa bi quan tự nó không tạo ra
thêm dù là một kẻ décadent nào. Tôi xin nhắc lại rằng thống kê cho thấy những
năm bệnh dịch tả hoành hành tổng số người chết không khác gì những năm khác.
37.
Chúng ta có trở nên đạo đức hơn không? -
Như người ta đã chờ đợi, tất cả tính chất tàn bạo của sự xuẩn ngốc luân lý, từ
xưa tới nay vẫn được lầm coi là chính luân lý ở Đức, đã đổ xô vào tấn công quan
niệm: “phi thiện ác” của tôi: tôi có thể kể nhiều chuyện ngộ nghĩnh về sự kiện
này. Trên tất cả, người ta cố gắng khiến tôi suy nghĩ về “sự tối cao không thể
chối cãi được” của thời đại chúng ta trong phán đoán luân lý, sự tiến bộ đích
thực của chúng ta trong lãnh vực này: so với chúng ta, một César Borgia chắc
chắn không thể tượng trưng cho một “con người siêu việt”, một thứ siêu nhân theo
kiểu tôi đã dựng lên... Một ông chủ bút Thuỵ Sĩ, chủ bút báo Bund, đi xa hơn -
không những không bầy tỏ lòng khâm phục của ông đối với sự can đảm dám làm một
việc như thế này - mà ông còn “hiểu” rằng ý nghĩa tác phẩm tôi nằm trong việc
đề xướng bãi bỏ tất cả mọi tình cảm đoan chính! Xin cảm ơn! - để trả lời, tôi
tự cho phép nêu ra câu hỏi này: “Có thực chúng ta có trở nên đạo đức hơn
không?” Sự kiện tất cả mọi người tin như vậy đã là một bác luận chống lại nó
rồi. Chúng ta, những con người của thời đại mới, vô cùng tế nhị, vô cùng nhậy
cảm, sẵn sàng đón nhận ý kiến tư tưởng hàng trăm cách khác nhau, quả thực chúng
ta tưởng tượng rằng những tình cảm nhân loại dịu dàng mà chúng ta biểu lộ này,
sự nhất trí đã đạt được trong lòng khoan dung, trong sự sẵn sàng giúp đỡ, trong
lòng tin tưởng lẫn nhau, là một sự tiến bộ đích thực và chúng ta đã tiến xa con
người thời Phục Hưng. Nhưng thời đại nào cũng nghĩ như vậy, phải nghĩ như vậy.
Điều chắc chắn là chúng ta không dám tự đặt mình vào những hoàn cảnh ấy: thần kinh
chúng ta trong không chịu đựng nổi một thực tại như vậy, nói chi đến những bắp
thịt của chúng ta. Tuy nhiên sự bất lực này không chứng tỏ một sự tiến bộ mà
chỉ cho thấy một thể chất muộn màng khác yếu đuối hơn, tế nhị hơn, nhậy cảm
hơn, từ đó thiết yếu phải nẩy sinh ra một luân lý đầy cung kính. Nếu chúng ta
thử tưởng tượng sự tế nhị và trễ muộn, sự suy nhược sinh lý của chúng ta coi
như không có, thì lập tức luân lý “nhân đạo” mất ngay giá trị của nó - không có
một luân lý nào tự nó có giá trị cả -: nó còn có thể khiến chúng ta khinh bỉ
nữa. Trái lại, chúng ta hãy tin rằng chúng ta, những con người thời hiện đại,
với lòng nhân đạo như tấm chăn bông nhồi nhét đầy bông len êm ái quấn xung
quanh, sợ hãi không muốn đụng chạm dù với một hòn đá nhỏ, chắc chắn sẽ đem lại
cho những kẻ đồng thời với César Borgia một màn hài kịch khiến họ cười đến chết
được. Quả thực, một cách vô ý thức, chúng ta khôi hài đến cùng độ, chúng ta với
những “đức tính” hiện đại của chúng ta... Sự suy giảm của những bản năng thù
nghịch và khêu gợi hồ nghi - và đó là cái xây dựng sự “tiến bộ” của chúng ta -
chỉ tiêu biểu cho một trong những hậu quả của sự suy giảm tổng quát sinh lực
của chúng ta: người ta phải vất vả và thận trọng hơn gấp trăm ngàn lần để sống
một cuộc đời lệ thuộc và muộn màng như vậy. Lúc đó người nọ sẽ giúp đỡ người
kia, lúc đó mỗi người, tới một cực độ nào đó, đều là bệnh nhân, và mỗi người là
một khán hộ trông coi bệnh nhân. Cái đó được gọi là “đức hạnh” -: giữa những
người đã biết một cuộc sống khác, một cuộc sống phong phú hơn, hoang tàng hơn,
lai láng hơn, nó có thể được gọi bằng một cái tên khác, có thể là “hèn nhát”,
“ti tiện”, “đạo đức của bà già”... Sự làm dịu nhẹ phong tục của chúng ta - đây
là luận đề của tôi, sự cải cách của tôi, nếu bạn muốn, - là một hậu quả của sự
suy đồi; ngược lại sự cứng rắn và tàn khốc của tập quán lại có thể là hậu quả
của sự phong phú của cuộc đời. Bởi vì trường hợp sau đòi hỏi nhiều liều lĩnh,
nhiều thách đố và nhiều hoang phí. Cái gì trước kia là hương vị của cuộc đời
ngày nay có thể là độc dược cho chúng ta... Để lãnh đạm lạnh lùng - đó cũng là
một hình thức của sức mạnh - chúng ta cũng đã quá già, quá muộn: thứ đạo đức
bác ái của chúng ta mà tôi là kẻ đầu tiên đề cao cảnh giác, thứ đạo đức người
ta có thể gọi là l’impressionnisme morale [51], cũng lại là một biểu lộ khác
của sự nhậy cảm sinh lý quá đáng, đặc tính của tất cả những gì là décadent.
Phong trào này với đạo đức bác ái của Schopenhauer đã cố gắng tự trình bầy một
cách khoa học - một cố gắng đại bất hạnh! - đúng là một phong trào đích thực
của sự décadence trong luân lý và như thế rất gần gũi với luân lý Kitô giáo.
Những thời đại hùng mạnh, những nền văn hóa cao quí đều nhìn thấy trong lòng
bác ái, trong “lòng yêu thương đồng loại”, trong sự thiếu vắng lòng ích kỷ và
thiếu vắng độc lập một cái gì đáng khinh bỉ. - Phải đo lường những thời đại
theo những sức mạnh tích cực của chúng - và, nếu đo lường theo tiêu chuẩn ấy
thì thời đại Phục Hưng, hoang tàng và đầy bất tường hung hiểm, hiện ra như thời
đại lớn cuối cùng và chúng ta, chúng ta những con người thời hiện đại, với sự
thận trọng lo âu cho bản thân và tình yêu đồng loại, với những đức tính cần
lao, khiêm tốn, công bình, khoa học - thu thập, tiết kiệm, máy móc - hiện ra
như một thời đại yếu đuối. Những đức tính của chúng ta bị điều kiện hoá, bị sự
yếu đuối của chúng ta đòi hỏi phải có... “Bình đẳng”, một sự đồng hóa xác thực,
phát biểu qua lý thuyết về “quyền bình đẳng” cốt yếu thuộc về sự suy đồi: vực
thẳm chia cách giữa con người và con người, giai cấp và giai cấp, sự đa tạp của
những chủng loại, ý chí muốn là mình, muốn tách biệt đứng riêng một mình, cái
mà tôi gọi là cảm thức đau nhức về khoảng cách [52] - là đặc tính của mọi thời
đại mạnh. Sự đàn hồi, căng thẳng giữa những thái cực ngày nay càng ngày càng
trở nên thu hẹp lại - cuối cùng chính những thái cực tự xóa đi và đến chỗ trở
nên tương đồng... Tất cả mọi lý thuyết chính trị và những cơ cấu tổ chức quốc
gia của chúng ta, không vì lẽ gì không kể “Đế quốc Đức”, đều là những hậu quả,
những hậu quả thiết yếu của sự suy đồi; ảnh hưởng vô thức của sự décadence còn
bắt đầu chế ngự ngay cả trên lý tưởng của một số khoa học. Tôi bài bác toàn thể
môn xã hội học ở Anh và Pháp bởi nó chỉ biết do kinh nghiệm những hình thức suy
đồi của xã hội và hoàn toàn ngây thơ coi chính những bản năng suy đồi của nó
như qui phạm của phán đoán giá trị xã hội học. Cuộc sống suy đồi, sự suy giảm
của tất cả những sức mạnh tổ hợp, nghĩa là những sức mạnh chia cách, đào vực
sâu xếp đặt trên dưới tự thiết định thành lý tưởng trong xã hội học hiện đại...
Những nhà xã hội học của chúng ta là những kẻ décadent, nhưng ông Herbert
Spencer cũng là một kẻ décadent nữa, - ông nhìn thấy sự thắng lợi của lòng vị
tha là một cái gì đáng mơ ước!...
38.
Quan niệm của tôi về tự do... - Giá trị
của một sự việc đôi khi không nằm trong sự kiện người ta được gì khi thủ hữu nó
mà trong sự kiện người ta phải trả giá nào để được nó - trong giá mà chúng ta
phải trả. Tôi đan cử một thí dụ. Những chế độ tự do lập tức hết là tự do khi
người ta đạt tới: sau đó, không có gì vô cùng nguy hại cho tự do cho bằng những
chế độ tự do. Người ta biết rõ hậu quả chúng mang lại: chúng phá hoại ngầm ý
chí hùng cường, chúng san bằng núi cao và thung lũng và gọi đó là luân lý,
chúng khiến con người nhỏ bé, hèn nhát và thèm khát dục vọng, - và lần nào bầy
thú vật cũng chiến thắng cùng với chúng... Chủ nghĩa tự do: nói cách khác, sự
súc vật hóa thành bầy lũ... Cùng những thể chế đó, khi người ta còn đang phải
chiến đấu để giành chúng, lại tạo ra những hậu quả hoàn toàn khác hẳn; lúc đó
chúng thăng tiến tự do một cách mạnh mẽ. Nhìn gần hơn nữa người ta thấy rằng
chính cuộc chiến tạo ra những hiệu quả đó, cuộc chiến, với tư cách chiến tranh
đã cho phép những bản năng phản tự do tiếp tục tồn tại. Và chiến tranh huấn
luyện cho tự do. Vì, thế nào là tự do? Đó là người ta phải có ý chí tự gánh vác
trách nhiệm đối với bản thân. Đó là người ta phải giữ khoảng cách chia cách với
chúng ta. Đó là người ta phải trở nên lãnh đạm hơn nữa đối với vất vả, khổ cực,
thiếu thốn, ngay cả đối với cuộc đời. Đó là người ta phải sẵn sàng hi sinh con
người cho lợi ích của mình, kể cả chính con người mình. Tự do có nghĩa là những
bản năng hùng tráng, những bản năng hân hoan trong chiến tranh và chiến thắng
đã trỗi vượt chế ngự trên tất cả những bản năng khác - trên bản năng hướng về
“hạnh phúc” chẳng hạn. Con người đã trở nên tự do - và tinh thần còn phải trở
nên tự do biết chừng nào nữa - chà đạp lên thứ hạnh phúc yên ấm đáng khinh mà
những tên chủ tiệm tạp hoá, những tín đồ Kitô giáo, những con bò cái, đàn bà,
dân Ăng Lê và những tên dân chủ khác thường mơ ước. Con người tự do là một
chiến sĩ. - Tự do được đo lường cách nào nơi những cá nhân cũng như nơi những
quốc gia? Bằng sự đối kháng phải vượt qua, bằng sự cực khổ phải trải để được ở
mãi trên cao. Người ta phải tìm mẫu người tự do cao cả nhất nơi nào mà sự đối
kháng lớn lao nhất cần phải được khắc phục thường xuyên: cách sự độc tài năm
bước, gần sát bên ngưỡng cửa của hiểm họa nô lệ. Điều này đúng về phương diện
tâm lý nếu người ta hiểu sự “độc tài” là những bản năng tàn bạo và khủng khiếp,
để chống lại nó, cần phải vận dụng tối đa uy quyền và kỷ luật đối với bản thân
- mẫu tốt đẹp nhất là Jules César; - điều này còn đúng về phương diện chính
trị: người ta chỉ cần giở lại lịch sử. Những dân tộc có một giá trị nào đó, chưa
bao giờ chiếm được dưới những chế độ tự do: chính hiểm họa lớn lao khiến những
dân tộc trở thành một cái gì đáng kính trọng, hiểm họa trước hết dạy chúng ta
biết những tài nguyên của chúng ta, đức hạnh của chúng ta, khí giới tự vệ và
tấn công của chúng ta, tinh thần chúng ta, - nó bắt buộc chúng ta phải mạnh...
Nguyên tắc thứ nhất: người ta cần phải mạnh, nếu không người ta không bao giờ
trở nên mạnh cả. - Những trường huấn luyện vĩ đại dành cho những con người mạnh
đó, cho loại người mạnh mẽ nhất chưa bao giờ từng có đó, những cộng đồng quí
tộc theo kiểu mẫu La Mã và Venise, đã hiểu chữ tự do theo đúng nghĩa mà tôi
muốn nói: như một cái gì người ta có và không có, một cái gì người ta muốn, một
cái gì người ta đang chinh phục...
39.
Phê bình thời hiện đại. - Những chế độ
của chúng ta không còn lợi ích một chút nào nữa: tất cả mọi người đều đồng ý
với nhau về điểm này. Tuy nhiên lỗi lầm không phải ở nơi những chế độ mà ở nơi
chúng ta. Sau khi đã đánh mất tất cả những bản năng mà từ đó những thể chế phát
sinh, hiện chúng ta đang đánh mất chính những thể chế ấy, bởi chúng ta không
còn thích hợp đối với chúng. Chế độ dân chủ bao giờ cũng là hình thức suy đồi
của sức mạnh tổ chức; trong “Phàm phu, quá đỗi phàm phu”, I, 518, tôi đã biểu
thị chân tướng của chế độ dân chủ hiện đại, cùng với những biện pháp nửa vời
của nó như “Đế quốc Đức”, như là hình thức suy đồi của quốc gia. Để có những
thể chế, phải có một thứ ý chí, bản năng, mệnh lệnh, phản tự do đến độ tàn ác:
một ý chí hướng về truyền thống, về quyền uy, về trách nhiệm thiết lập trên
nhiều thế kỷ, về sự liên đới giữa những thế hệ nối tiếp, trong quá khứ và tương
lai, in finitum [53]. Khi ý chí này hiện hữu, thì sẽ có một cái gì như imperium
Romanum [54] được thành lập; hoặc như nước Nga, sức mạnh duy nhất ngày nay còn
sức mạnh bền bỉ, còn có thể chờ đợi, còn có thể hy vọng một cái gì đó - nước
Nga, phản đề của bệnh thần kinh và hệ thống chính trị nhược tiểu đáng thương
của Âu châu mà cùng với sự thành lập của Đế quốc Đức đã đi vào giai đoạn khẩn
trương nghiêm trọng... Toàn thể thế giới Tây phương đã đánh mất những bản năng
này mà từ đó phát sinh ra tương lai: có lẽ không có gì nghịch lại với “tinh
thần hiện đại” hơn điều đó. Người ta sống cho hiện tại, người ta sống vội vàng
- người ta sống rất vô trách nhiệm: đó chính là cái người ta gọi là “tự do”.
Cái khiến một chế độ là một chế độ thì bị khinh rẻ, thù ghét, bỏ rơi: bất cứ
khi nào nghe nói tới chữ “uy quyền” người ta đều tưởng mình đang ở trong hiểm
họa của một chế độ nô lệ mới. Tính chất décadence trong bản năng thẩm định giá
trị của những chính khách của chúng ta, những chính đảng của chúng ta, xuống
sâu đến nỗi họ tự nhiên thích cái gì đưa tới băng hoại, cái gì dục thanh thản
hơn thảm họa tận thế... Hãy coi hôn nhân thời hiện đại. Rõ ràng là tất cả mọi
lý trí đều đã biến mất khỏi hôn nhân hiện đại, tuy nhiên đó không phải là một
vấn nạn chống lại hôn nhân mà là chống lại thời hiện đại. Tính cách hợp lý của
hôn nhân nằm trong trách nhiệm pháp lý duy nhất của đàn ông: do đó hôn nhân có
một trọng tâm, trong khi ngày nay nó đi khập khiễng trên cả hai chân. Tính cách
hợp lý của hôn nhân nằm trong sự vững chắc theo nguyên tắc của nó: do đó có một
chủ âm có thể được nghe thấy trên sự tình cờ của cảm giác, đam mê và xúc động
thoáng qua. Nó còn nằm trong trách nhiệm lựa chọn vợ chồng của gia đình. Với sự
khoan dung gia tăng cho hôn nhân vì tình, người ta đã loại trừ chính nền tảng
của hôn nhân, cái duy nhất khiến nó trở thành một chế độ. Không bao giờ, tuyệt
đối không bao giờ người ta có thể thiết lập một chế độ trên một đặc tính; tôi
nhắc lại, người ta không xây dựng hôn nhân trên “tình yêu”, - người ta xây dựng
hôn nhân trên bản năng dục tình, trên bản năng tư hữu (vợ con được coi như tài
sản), trên bản năng cai trị không ngừng tổ chức cho chính nó những cơ cấu cai trị
nhỏ bé nhất, gia đình, và cần con cái và những kẻ thừa kế để duy trì - theo cả
nghĩa sinh lý nữa - một số lượng sức mạnh, ảnh hưởng, tài sản đã thủ hữu được,
để sửa soạn cho những công việc lâu dài, cho một sự liên đới của bản năng giữa
những thế kỷ. Hôn nhân, với tư cách một chế độ, đã bao hàm trong chính nó sự
khẳng định của hình thức tổ chức rộng lớn nhất và bền bỉ nhất: nếu xã hội như
một toàn thể không thể tự đứng bảo lãnh cho chính nó trong những thế hệ xa xôi
nhất, thì hôn nhân hoàn toàn vô nghĩa. - Hôn nhân thời hiện đại đã mất ý nghĩa
của nó - do đó, nó đang bị bãi bỏ. -
40.
Vấn đề thợ thuyền. - Chính sự xuẩn ngốc,
hay đúng hơn, sự suy đồi của bản năng mà ngày nay người ta tìm thấy nơi cùng
đáy của tất cả mọi sự xuẩn ngốc, đã làm nẩy sinh ra vấn đề thợ thuyền. Có một
số sự việc mà người ta không hề đặt câu hỏi: mệnh lệnh đầu tiên của bản năng. -
Tôi tuyệt nhiên không hiểu người ta muốn làm gì với người công nhân Âu châu sau
khi đã đặt hắn thành một vấn đề. Hắn thấy địa vị hắn quá tốt đẹp để không “đòi
hỏi” hơn nữa - để đòi hỏi một cách quá đáng hơn nữa. Rốt cuộc, hắn có đa số ủng
hộ hắn. Phải hoàn toàn từ bỏ hy vọng thấy một loại người khiêm tốn và tự túc tự
mãn, một mẫu người Trung Hoa, có thể phát triển thành một giai cấp ở đây: và
điều đó rất hợp lý, đó đúng là một điều cần thiết thiết thực. Nhưng người ta đã
làm gì? - Tất cả mọi sự đều sắp đặt để giết chết ngay từ trong trứng nước ngay
cả những điều kiện tiên quyết của vấn đề, - với một sự khinh suất vô trách
nhiệm nhất người ta đã hoàn toàn tiêu diệt những bản năng mà nhờ đó người công
nhân có thể trở thành một giai cấp, có thể dưới mắt hắn. Người công nhân đã
được qui định có thể đi quân dịch, có quyền tổ chức hội đoàn và đầu phiếu: có
gì đáng ngạc nhiên khi người công nhân ngày nay thấy sự hiện hữu của mình như
một nguy cơ (như một bất công, nói theo ngôn ngữ đạo đức -)? Nhưng người ta
muốn gì? - tôi xin hỏi lại lần nữa. Nếu người ta muốn một cứu cánh, người ta
phải muốn cả những phương tiện: nếu người ta muốn có nô lệ thì người ta điên
khi giáo dục họ để trở thành những chủ nhân ông. -
41.
“Tự do không theo nghĩa của tôi...”
[55]. Trong những thời đại như thời đại của chúng ta, buông thả theo những bản
năng của mình là một tai họa thêm nữa. Những bản năng này đối chọi, quấy rối và
phá hoại lẫn nhau; tôi đã định nghĩa thời hiện đại như sự tự-mâu thuẫn sinh lí.
Tính cách thuần lý của giáo dục đòi hỏi rằng, dưới sự đè nén sắt đá, ít nhất là
một trong những hệ thống bản năng này phải bị tê liệt để cho phép một hệ thống
khác chiếm đoạt sức mạnh, trở thành mãnh liệt, trở thành chủ nhân. Ngày nay
cách duy nhất khiến cá nhân còn có thể có được là cắt xén nó: có thể nghĩa là
hoàn toàn... Điều ngược lại là cái đang xảy ra: sự đòi độc lập, phát triển tự
do, laisser-aller [56] được đề xướng một cách nồng nhiệt nhất bởi những kẻ mà
đối với họ không xiềng xích nào quá khắc nghiệt - điều đó đúng in politicis
[57], điều đó đúng trong nghệ thuật. Nhưng điều đó là một triệu chứng của
décadence [58]: quan niệm về “tự do” của thời hiện đại chúng ta là một bằng chứng
thêm nữa của sự suy đồi của những bản năng. -
42.
Nơi nào đức tin cần thiết. - Không có gì
hiếm hoi hơn nơi những nhà đạo đức và những bậc thánh cho bằng sự lương thiện;
có lẽ họ nói điều ngược lại, có lẽ họ còn tin tưởng điều đó nữa. Bởi vì khi đức
tin ích lợi hơn, hữu hiệu hơn, hùng hồn hơn sự giả đạo đức ý thức, thì sự giả
đạo đức trở thành hồn nhiên ngây thơ ngay: nguyên tắc thứ nhất để hiểu những
bậc thánh vĩ đại. Trong trường hợp những triết gia, một thứ nhánh khác, cũng
vậy. Nghề nghiệp họ chỉ cho phép họ chấp nhận một số chân lí: những chân lý mà
nhờ đó nghề nghiệp của họ được công chúng công nhận. Nói theo ngôn ngữ của
Kant, đó là những chân lý của lý trí thực tiễn. Họ biết điều mà họ phải chứng
minh, họ thực tiễn ở chỗ đó - họ nhận ra nhau bởi sự đồng ý về những “chân lý”.
- “Mi không được nói dối” - nói cách khác: xin cố giữ đừng nói thật, triết gia
thân mến của tôi...
43.
Nói nhỏ với những người bảo thủ. - Cái
mà ngày xưa người ta không hiểu, cái mà người ta có thể hiểu, - một sự qui hồi,
một sự trở về theo bất cứ ý nghĩa nào và bất cứ mức độ nào là điều không thể
được. Ít ra đó là điều mà những tâm lý gia chúng ta hiểu. Nhưng tất cả mọi tu
sĩ và luân lý gia tin rằng điều đó có thể - họ muốn đưa nhân loại trở lui,
cưỡng bách nhân loại trở lui về một tiêu chuẩn cũ của đức hạnh. Đạo đức bao giờ
cũng là cái giường của Procuste [59]. Ngay cả những chính trị gia cũng bắt
chước những người rao giảng đức hạnh điều đó: ngay cả ngày nay vẫn có những
đảng phái mơ thăng tiến mọi sự bằng cách đi giật lùi như những con cua. Nhưng
không ai được tự do làm một con cua. Không thể được: người ta phải tiến lên,
nghĩa là đi chậm rãi từng bước một tiến tới décadence (- đó là định nghĩa của
tôi về “sự tiến bộ” hiện đại...). Người ta có thể cản trở sự phát triển này và,
trong khi cản trở, đắp đập ngăn và tích lũy sự suy đồi và khiến nó trở nên dữ
dội và đột ngột hơn: người ta không thể làm được gì hơn nữa...
44.
Quan niệm của tôi về thiên tài. - Những
vĩ nhân cũng như những thời đại lớn, là những chất nổ trong đó chứa chất những
năng lực khổng lồ; về phương diện lịch sử và sinh lý, điều kiện tiên thiên của
họ bao giờ cũng là có một sự thu thập, tàng chứa, tiết kiệm và bảo tồn đi trước
họ trong một thời gian lâu dài - nghĩa là trong một thời gian rất lâu không có
một vụ nổ nào xảy ra cả. Khi sự căng thẳng trong quần chúng đã trở nên quá
găng, thì chỉ cần một sự kích thích nhỏ nhặt không đáng kể nhất cũng đủ mời gọi
“thiên tài”, “hành động”, định mệnh lớn lao đến trên thế giới. Vậy thì hoàn
cảnh, thời đại, “tinh thần thời đại”, “dư luận quần chúng” lúc đó có đáng kể
gì! - Hãy lấy trường hợp Napoléon làm thí dụ. Nước Pháp tiền cách mạng lẽ ra
phải đẻ ra một mẫu hoàn toàn ngược lại với mẫu Napoléon mới phải, và quả thực
nó đã đẻ ra mẫu người đó. Và bởi vì Napoléon khác hẳn, kẻ thừa kế của một nền
văn minh mạnh mẽ hơn, trường cửu hơn, kỳ cựu hơn [60] nền văn minh đang tan
tành ra thành tro bụi ở Pháp lúc đó nên ông trở thành chủ nhân ông ở đây, chủ
nhân ông duy nhất ở đây. Những vĩ nhân thiết yếu, thời đại mà họ xuất hiện chỉ
là tuỳ phụ; nếu hầu như bao giờ họ cũng trở thành chủ nhân của thời đại họ là
vì họ mạnh hơn, kỳ cựu hơn, vì trước họ đã có một sự thu thập sức mạnh lâu dài
giành cho họ. Sự liên hệ giữa một thiên tài và thời đại giống như sự liên hệ
giữa người mạnh và người yếu, người già và người trẻ: thời đại bao giờ tương
đối cũng trẻ hơn, thiếu cốt yếu hơn, kém chín mùi hơn, ít tin chắc ở mình hơn,
trẻ con hơn. - Sự kiện ngày nay người ta hoàn toàn nghĩ khác hẳn như thế ở Pháp
(ở cả Đức nữa, nhưng điều đó không quan trọng gì cả) sự kiện lý thuyết về
milieu [61], một lý thuyết thác loạn thần kinh đích thực, đã trở thành bất khả
xâm phạm và hầu như khoa học, được sự tín dụng ngay cả trong đám những nhà sinh
lý học - sự kiện đó có một mùi “khó ngửi”, sự kiện đó đưa tới những ý tưởng ưu
phiền. - Ở Anh, người ta cũng tin như vậy nhưng không ai sầu não vì điều đó cả.
Người Anh chỉ có hai đường lối để thỏa thuận với thiên tài và “vĩ nhân”: hoặc
là đường lối dân chủ theo kiểu Buckle hay là đường lối tôn giáo theo kiểu
Carlyle. - Hiểm họa nằm trong những vĩ nhân và những thời kỳ vĩ đại thật phi
thường; sự kiệt quệ đủ mọi loại, sự khô cạn đi theo họ bén gót. Vĩ nhân là một
tận điểm; thời đại lớn, thời đại Phục Hưng chẳng hạn, là một tận điểm. Thiên
tài - trong hành động, trong sự nghiệp - thiết yếu là một kẻ hoang tàng phung
phí: chính sự kiện hắn phung phí mình là sự vĩ đại của hắn... Bản năng tự bảo
tồn một cách nào đó ngưng lại; áp lực cực độ của những sức mạnh tuôn trào từ
hắn ngăn cấm bất cứ một sự thận trọng hay cẩn thận nào. Người ta gọi điều đó là
“hi sinh”, người ta ca ngợi lòng “anh hùng” của hắn, thái độ lãnh đạm đối với
sự yên ấm của riêng hắn, sự nhiệt thành của hắn cho một ý tưởng, một chính
nghĩa, một tổ quốc: tất cả đều là những sự hiểu lầm... Hắn trào dâng, chan chứa,
hắn tự phung phá hắn, hắn không giữ gìn bản thân hắn, một cách nguy hại, không
thể tránh được, ngoài ý muốn, như sự ngập lụt của dòng sông là điều ngoài ý
muốn vậy. Nhưng bởi vì người ta mang ơn những con người bùng nổ này rất nhiều
nên người ta đã cho lại họ nhiều thứ, chẳng hạn một thứ đạo đức cao siêu... Đó
là cách biết ơn của nhân loại: nhân loại hiểu lầm những ân nhân của mình.-
45.
Kẻ tội phạm và những gì liên quan tới
nó. - Mẫu người tội phạm là mẫu người mãnh liệt bị đặt trong những hoàn cảnh bất
lợi, một con người mạnh bị làm cho trở nên bệnh hoạn. Điều mà nó thiếu là không
được sống trong một chốn man rợ, trong một thiên nhiên và hình thức sinh tồn tự
do và nguy hiểm hơn, trong đó tất cả những gì là tấn công và tự vệ nơi bản năng
con người mạnh được đặt đúng chỗ của nó. Những đức tính của nó bị xã hội khai
trừ, những bản năng sống động nhất mà nó mang đi từ khi sinh ra đời lập tức lẫn
lộn với những hậu quả trầm trệ suy yếu, với nghi kị, sợ hãi và nhục nhã. Tuy
nhiên đó hầu như là định thức của sự suy đồi sinh lí. Kẻ nào phải làm một cách
bí mật điều mà hắn làm hay nhất và thích làm nhất, với sự căng thẳng kéo dài,
với thận trọng, giảo quyệt, sẽ trở nên thiếu máu; và bởi vì nó không bao giờ
gặt hái được gì từ nơi những bản năng của nó ngoài những hiểm hoạ, ngược đãi,
thảm họa nên ngay cả những cảm giác của nó cũng quay lại chống chính những bản
năng của nó nữa - nó cảm nghiệm những bản năng của nó như một điều bất hạnh.
Chính xã hội, xã hội thuần hoá, tầm thường, bị thiến hoạn mất đàn ông tính của
chúng ta, trong đó một con người sống gần thiên nhiên, kẻ đến từ đồi núi hay từ
những cuộc phiêu lưu trên biển cả trở về, thiết yếu phải suy đồi thành một kẻ
tội phạm. Hay gần như thiết yếu: bởi vì có những trường hợp trong đó một con
người chứng tỏ mạnh hơn xã hội: con người đảo Corse, Napoléon là trường hợp
lừng danh nhất. Về vấn đề đang nằm trước mặt chúng ta đây, bằng chứng của
Dostoïevski rất quan trọng - nhân tiện xin nói qua, Dostoïevski là tâm lý gia
duy nhất mà tôi có vài điều để học: ông thuộc về những tình cờ hạnh phúc nhất
của đời tôi, còn hơn cả sự khám phá ra Stendhal nữa. Con người sâu thẳm này,
đúng mười mươi trong sự khinh thường dân Đức là hời hợt của ông, đã sống một
thời gian lâu dài giữa đám tù khổ sai Tây Bá Lợi Á, những tù nhân tồi tệ nhất
chẳng còn đường nào trở về với xã hội loài người nữa, và ông thấy họ khác hẳn
điều mà chính ông đã chờ đợi - ông thấy họ được gọt đẽo từ thứ gỗ tốt nhất,
cứng rắn nhất và có giá trị nhất mọc ở bất cứ nơi nào trên đất Nga. Chúng ta
hãy tổng quát hóa trường hợp của kẻ tội phạm: chúng ta hãy nghĩ tới những bản
chất thiên phú mà vì một lý do nào đó, không được công chúng thừa nhận, họ biết
họ không được coi như ân nhân hoặc kẻ có ích lợi, - cảm thức Tchândâla cùng mạt
cảm thấy rằng họ không được coi như một kẻ bình đẳng mà như một kẻ bị gạt ra
ngoài lề, vô giá trị, nguồn gốc của ô nhục xấu xa. Những bản chất thiên phú này
mang một mầu sắc dưới hầm trên hành động và tư tưởng họ; nơi họ tất cả mọi sự
đều trở nên xanh xao hơn nơi những kẻ mà đời sống được phơi ra ánh mặt trời.
Nhưng hầu như tất cả mọi hình thức hiện hữu mà ngày nay chúng ta nể trọng ngày
xưa đều sống trong bầu không khí nửa âm u mộ địa này: khoa học gia, nghệ sĩ,
thiên tài, tinh thần tự do, diễn viên, thương gia, nhà phát minh vĩ đại... Chừng
nào mà giáo sĩ còn được coi như mẫu tối cao thì tất cả mọi loại người có giá
trị vẫn còn bị hạ giá khinh khi... Thời đang tới - tôi xin hứa - khi giáo sĩ sẽ
bị coi như kẻ đê tiện nhất, như kẻ Tchândâla mạt cùng của chúng ta, như kẻ dối
trá nhất, như loại người thô tục nhất.. Tôi xin lưu ý sự kiện ngay cả ngày nay,
dưới tập quán mềm dịu nhất chưa từng có trên trái đất, ít ra là ở Âu châu, tất
cả những gì sống riêng biệt, tất cả những gì lâu nay, rất lâu nay ở dưới, tất
cả mọi hình thức đang sinh tồn khác thường và bí ẩn, đang đưa con người lại gần
mẫu người mà kẻ tội phạm là mức tuyệt hảo. Tất cả mọi nhà cải tạo tinh thần đều
mang trong một thời gian cái dấu hiệu xanh xao và định mệnh của giai cấp
Tchândâla cùng mạt trên vầng trán: không phải bởi tại người ta coi họ như vậy,
nhưng bởi tại chính họ cảm thấy cái vực thẳm khủng khiếp chia cách họ với tất
cả những gì là truyền thống và được kính trọng xưa nay. Hầu hết mọi thiên tài
đều biết, như một giai đoạn trong sự phát triển của mình, “cuộc sống Catilina”
[62], cảm giác thù hận, trả thù và nổi loạn chống lại tất cả những gì đã hiện
hữu [63], chống lại tất cả những gì không biến dịch [64] nữa... Catilina - hình
thức tiền hữu của tất cả mọi César. -
46.
Nơi đây cái nhìn cởi mở. - Khi một triết
gia giữ im lặng thì đó có thể là sự cao cả của tâm hồn; khi ông ta nói ngược
lại mình thì đó có thể là tình yêu; người đi tìm hiểu biết có thể nói dối vì
lịch sự. Không phải là người ta thiếu tế nhị khi nói rằng: Il est indigne des
grands cocurs de se répandre le trouble qu’ils ressentent [65]: có điều phải
nói thêm rằng không sợ không xứng đáng chút nào cũng có thể là sự cao cả của
tâm hồn nữa. Một người đàn bà hi sinh danh dự của nàng khi yêu; một thức giả có
lẽ có thể hi sinh nhân loại của mình khi “yêu”: một Thượng Đế khi đã yêu trở
thành một người Do Thái...
47.
Cái đẹp không phải là một tai nạn. - Vẻ
đẹp của một chủng tộc, một gia đình, sự duyên dáng và hoàn hảo của nó trong mọi
cử chỉ, phải vất vả lắm mới thủ đắc được: giống như thiên tài, nó là chung kết
của nỗ lực thâu góp nhiều thế hệ. Người ta phải hi sinh rất nhiều cho thị hiếu
phong nhã, người ta đã phải làm rất nhiều và bỏ rơi rất nhiều thứ vì nó - thế
kỷ mười bẩy của Pháp đáng được ngưỡng mộ về cả hai phương diện này -, người ta
phải thủ đắc từ nơi nó một nguyên tắc lựa chọn nơi giao tế, chỗ ở, quần áo, sự
thỏa mãn dục tình của mình; người ta phải thích cái đẹp hơn lợi ích, thói quen,
dư luận, tính biếng nhác ù lì. Nguyên tắc cư xử tối cao: ngay cả khi chỉ có một
mình người ta cũng không được phép “buông thả mình”. - Sự vật tốt lành giá đắt
vô cùng: và luật bao giờ cũng chủ trương rằng kẻ có chúng thì khác kẻ thủ đắc
chúng. Tất cả những gì tốt lành đều do di sản: cái gì không do di sản truyền
lại đều bất toàn, đều chỉ là một sự khởi đầu... Ở Nhã Điển, vào thời Cicéron,
ông ta ngạc nhiên trước sự kiện đàn ông và trai tráng đẹp hơn đàn bà rất nhiều:
nhưng phái mạnh đã đòi hỏi mình từ nhiều thế kỷ biết bao công lao và cố gắng để
phục vụ cho sắc đẹp! - Tuy nhiên người ta không được lầm lẫn phương pháp được
dùng ở đây: một kỷ luật của tình cảm và tư tưởng đơn độc gần như không đem lại
gì cả (- đó là sự lầm lẫn lớn lao của nền giáo dục Đức, một nền giáo dục hoàn
toàn ảo tưởng): trước hết người ta phải thuyết phục thân thể. Giữ gìn nghiêm
cẩn những cử chỉ quí phái và chọn lọc, bắt buộc chỉ sống với những người không
“buông thả mình”, hoàn toàn đủ để trở nên quí phái và chọn lọc rồi: trong hai,
hay ba thế hệ, tất cả đều thấm nhiễm vào bên trong. Điều có tính cách quyết
định đối với vận mệnh của một dân tộc và nhân loại là văn hóa phải bắt đầu đúng
chỗ - không phải từ linh hồn (như sự tin nhảm của những tu sĩ và bán tu sĩ):
chỗ đúng nhất là thân thể, cử chỉ, đồ ăn thức uống hằng ngày, sinh lí: phần còn
lại do đó mà ra... Đó là lý do tại sao người Hy Lạp vẫn là biến cố văn hóa đầu
tiên của lịch sử - họ biết, họ làm cái cần phải làm; Kitô giáo, miệt thị thân
thể, là điều đại bất hạnh cho nhân loại từ xưa cho tới tận ngày nay.
48.
Tiến bộ theo quan điểm của tôi. - Tôi
cũng nói về một cuộc “trở về với thiên nhiên”, tuy nhiên thực ra nó không phải
là một cuộc trở lui mà là một cuộc đi lên - lên tới một thiên nhiên và tự nhiên
cao vời, lồng lộng và khủng khiếp nữa, như đùa với những trọng trách, có quyền
đùa với những trọng trách... Nói bằng biểu tượng: Napoléon là một phần của “cuộc
trở về thiên nhiên” như tôi hiểu (thí dụ, in rebus tacticis [66]; còn hơn thế
nữa, như những nhà quân sự hiểu, về phương diện chiến lược nữa. - Nhưng
Rousseau - thực ra ông ta muốn trở về cái gì? con người hiện đại thứ nhất, kẻ
theo lý tưởng chủ nghĩa và dân Canaille [67] kết hợp trong cùng một con người -
kẻ cần “phẩm hạnh” để có thể chịu đựng nổi chính hình dáng mình, đau bệnh vì
tính khoa trương không giới hạn và lòng tự khinh bỉ mình không giới hạn. Ngay
cả kẻ sẩy non bất thành nhân này, nằm trên ngưỡng cửa thời đại mới, cũng muốn
“trở về thiên nhiên” - xin hỏi lại một lần nữa, ông ta muốn trở về đâu? - Tôi
còn ghét Rousseau ngay cả trong cuộc Cách mạng Pháp nữa: nó là sự biểu lộ lịch
sử của con người hai mặt, lý tưởng và Canaille này. Trò hề đẫm máu do Cách mạng
đó đóng, sự “vô luân” của nó, tôi không quan tâm lắm: điều tôi ghét là thứ luân
lý kiểu Rousseau của nó, - những cái tự gọi là “chân lí” của cuộc Cách mạng mà
qua đó Cách mạng còn tác động và lôi cuốn tất cả những gì nông cạn và tầm thường.
Lí thuyết bình đẳng!... Không có thứ thuốc độc nào độc hơn: bởi nó có vẻ được
rao giảng bởi công lý, trong khi chính nó là sự chấm dứt của công lí... “Bình
đẳng với những kẻ bình đẳng, bất bình đẳng với những kẻ bất bình đẳng” - đó
phải là ngôn ngữ đích thực của mọi công lý: và, do đó: “Không bao giờ bình đẳng
hóa những bất bình đẳng.” - Chung quanh thuyết bình đẳng này đã diễn ra biết
bao cảnh đẫm máu khủng khiếp đến nỗi nó đã đem lại cho “ý tưởng tân thời” par
excellence [68] này một thứ vinh quang và hào quang đến độ cuộc Cách mạng như
một màn kịch đã cám dỗ ngay cả những đầu óc quí phái nhất. Cuối cùng, chúng ta
không còn lý do gì để tôn kính nó nữa.- Tôi chỉ thấy có một người duy nhất đã
cảm nghiệm nó - với sự ghê tởm - Goethe...
49.
Goethe. - Không phải là một biến cố của
nước Đức mà là một biến cố của cả Âu châu: một mưu đồ vĩ đại nhằm vượt qua thế
kỷ thứ mười tám bằng một cuộc trở về với thiên nhiên, bằng một nỗ lực vươn lên
cái tự nhiên của thời Phục Hưng, bằng một thứ tự vượt mình về phần thế kỷ của
chúng ta. - Goethe mang trong ông những bản năng mạnh mẽ nhất của nó: tính đa
cảm, sự sùng bái thiên nhiên, chủ trương phi lịch sử, lý tưởng, hư ảo và tinh
thần cách mạng (- tính cách sau cùng chỉ là một trong những hình thức của cái
hư ảo). Ông cầu viện tới lịch sử, vạn vật học, thượng cổ sử, cả Spinoza, và
nhất là hành động thực tiễn; ông tự rào rậu xung quanh ông bằng những chân trời
khép kín; ông không hề tách mình ra khỏi cuộc đời, trái lại lao mình vào lòng
đời; ông không khiếp nhược trốn tránh bổn phận, trái lại, gánh vác tất cả trách
nhiệm trên vai, ôm ấp trong lòng mình. Điều ông muốn là toàn thể; ông chiến đấu
chống lại sự tách biệt của lý trí, nhục cảm, cảm giác và ý chí (- được rao
giảng bằng thứ triết học kinh viện đáng ghê tởm nhất bởi Kant, đối cực của
Goethe); ông tự đào luyện mình để đạt tới toàn thể, ông tự sáng tạo mình...
Giữa thời đại của tình cảm giả tạo, Goethe là một người tin chắc vào chủ trương
hiện thực: ông khẳng định tất cả những gì tương tự như ông về phương diện này -
không có kinh nghiệm riêng tư nào lớn hơn kinh nghiệm ens realissimum [69] mang
tên Napoléon. Goethe tưởng tượng một con người mạnh, văn hóa cao, thể dục khéo
léo, tự chủ hoàn toàn, kính trọng mình, dám cho phép mình hưởng trọn vẹn nhiên
tính [70] trong tất cả sự phong phú tràn đầy của nó, kẻ đủ mạnh cho một sự tự
do đó; một con người bao dung độ lượng, không phải vì sự yếu đuối mà bởi sức
mạnh, bởi ông biết cách dùng làm sao cho có lợi cho mình cái có thể tiêu diệt
một bản chất tầm thường; một người mà không có gì là cấm đoán đối với hắn nữa,
trừ sự yếu đuối, dù sự yếu đuối ấy mang tên là tật xấu hay đức hạnh... Một tinh
thần đã trở nên giải thoát như vậy, đứng giữa lòng vũ trụ với lòng hân hoan tin
vào định mệnh, với niềm tin tưởng rằng chỉ có cái gì tách ròi và cá biệt mới
đáng lên án và thể tất cả đều được cứu chuộc và khẳng nhận trong toàn thể - hắn
không phủ nhận nữa... Nhưng một niềm tin như vậy là niềm tin tối thượng trong
tất cả mọi đức tin có thể có được: tôi làm lễ rửa tội cho nó với tên Dionysos.
50.
Theo một ý nghĩa nào đó, người ta có thể
nói rằng thế kỷ thứ mười chín cũng cố gắng hướng về tất cả những điều Goethe đã
cố đạt tới một mình: phổ quát tính trong sự lãnh hội, trong sự ưng thuận, một
sự mở rộng-đón chào-tất cả-mọi sự-đến-với-mình [71], một thực tại luận can đảm,
một thái độ coi trọng sự kiện. Tại sao lại đưa tới kết quả toàn diện không phải
là một Goethe mà lại là một sự hỗn độn, một tiếng thở dài hư vô chủ nghĩa, một
sự bối rối Không-biết-hướng về-ngả nào-nữa [72], một khuynh hướng mệt mỏi in
praxi [73] liên tục cố lùi lại thế kỷ mười tám? (- chẳng hạn như tình cảm lãng
mạn, như lòng vị tha và tình cảm sướt mướt, như đàn bà tính trong thị hiếu, như
xã hội chủ nghĩa trong chính trị.) Phải chăng thế kỷ mười chín, nhất là giai
đoạn kết thúc, chỉ là một thứ thế kỷ thứ mười tám cường liệt, tàn bạo hóa, nói
khác đi, một thế kỷ của décadence? Đến nỗi Goethe chỉ là một sự tình cờ, một sự
“vô ích” đẹp đẽ, không phải đối với riêng nước Đức mà cả với toàn cõi Âu châu?
Nhưng người ta ngộ nhận những vĩ nhân nếu người ta nhìn họ dưới viễn tượng lợi
ích công cộng hèn mọn. Sự kiện người ta không thể rút ra được từ nó một lợi ích
nào có lẽ chính là đặc tính của sự vĩ đại...
51.
Goethe là người Đức cuối cùng mà tôi
kính trọng: chắc ông cũng cảm thấy ba điều mà tôi cảm thấy - chúng tôi còn đồng
ý với nhau về “thập giá” nữa... [74] Người ta thường hỏi tôi tại sao tôi lại
viết bằng tiếng Đức: không ở nơi nào tôi bị đọc một cách tồi tệ hơn ở quê hương
tôi. Nhưng cuối cùng ai biết được ngày nay tôi còn muốn được đọc không? - Sáng
tạo những sự kiện mà trên đó thời gian cố gậm nhấm hoài một cách uổng công;
bằng hình thức và bằng thực chất, cố gắng đạt tới một sự bất tử nhỏ bé - chưa
bao giờ tôi đủ khiêm tốn để đòi hỏi tôi ít hơn. Cách ngôn, châm ngôn, trong đó
tôi là bậc thầy đầu tiên trong đám người Đức, là những hình thức của “vĩnh
cửu”; tham vọng của tôi là nói trong mười câu điều mà tất cả những người khác
không nói trong một cuốn sách...
Tôi đã cho nhân loại cuốn sách sâu thẳm
nhất mà nó có, tác phẩm Zarathustra của tôi: vắn tắt, tôi sẽ cho nhân loại một
cái gì độc lập nhất.
Nguồn: Friedrich Nietzsche, Buổi hoàng hôn của những thần tượng hay
làm cách nào triết lý với cây búa, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Nxb. Hồng
Hà. 1971. Bản điện tử do talawas.org thực hiện.
CHÚ THÍCH
[5] Trong sự nhơ nhớp tự nhiên.
[6] Der Trompeter von Sackingan, tác
phẩm nổi tiếng của Joseph Victor von Scheffel. - (chú thích của người dịch).
[7] Sữa dồi dào
[8] Con bò sữa “đẹp mã”
[9] Anh em Goncourt.
[10] Pháp văn trong nguyên bản: khoa học
và quí phái.- (chú thích của người dịch).
[11] Pháp văn trong nguyên bản: phúc âm
của những kẻ bần cùng. - (chú thích của người dịch).
[12] Pháp văn trong nguyên bản: xoi mói,
dèm pha.
[13] Pháp văn trong nguyên bản: lòng hờn
oán, hiềm khích.
[14] Pháp văn trong nguyên bản: phong
trào hay chủ trương lãng mạn.
[15] Pháp văn trong nguyên bản: kẻ (sự)
phóng túng, vô kỷ luật, vô tôn giáo.
[16] Gương Chúa Jesus, tác phẩm nổi
tiếng của Thomas à Kempis (1379 – 1471).
[17] Nghĩa đen: mà không cảm thấy một sự
đối kháng sinh lý (ohne einen physiologischen Widerstand).
[18] das Ewig-Weibliche, một trong những
câu thơ cuối cùng trong tác phẩm Faust của Goethe (“Người nữ đời đời kéo chúng
ta lên cao), đối tượng chế giễu của Nietzsche.
[19] Pháp văn trong nguyên bản: kiểu
Eliot.
[20] Pháp văn trong nguyên bản: sự kiện
nhỏ nhặt.
[21] Homospathische hay là phép lấy bệnh
trị bệnh.
[22] Nói ừ, sagen ja là thuật ngữ
Nietzsche dùng để chỉ thái độ khẳng định tích cực đối với cuộc đời của kẻ chấp
nhận cuộc đời với tất cả những gì kinh khủng, bi đát nhất của nó, một
dionysien, tín đồ của Dionysos - kẻ khẳng định vĩ đại.
[23] Trong Sự khai sinh của bi kịch. -
(chú thích của người dịch).
[24] Tôi chính là kẻ kế vị tôi. - (chú
thích của người dịch).
[25] “Mặc dù thiếu sức mạnh, nhưng dục
vọng thì thực đáng khen.”
[26] Kinh tế học gia người Anh (1766-
1834), chủ trương hạn chế nhân khẩu. - (chú thích của người dịch).
[27] Nietzsche đổi lại câu cuối cùng bài
Ein fester Burg của Lutther, đại ý: những gì thuộc về trần gian này hãy ra đi,
ở lại những gì thuộc về Reich, nước thiên đàng. - (chú thích của người dịch).
[28] Menschenkenner
[29] Nguyên văn: một kẻ miệt thị con
người - Menschen-Verächter - (chú thích của người dịch).
[30] “Tình yêu Thượng đế bằng tinh
thần”. - (chú thích của người dịch).
[31] Pháp văn trong nguyên bản: “Nghệ
thuật vị nghệ thuật”.
[32] Tức chủ trương “văn dĩ tải đạo”. -
(chú thích của người dịch).
[33] So sánh Lão Tử: “Đạo khả Đạo, phi
thường Đạo. Danh khả Danh, phi thường Danh”, “Ngôn giả bất tri, tri giả bất
ngôn” và Héraclite: “Kẻ im lặng bao giờ cũng đẹp.”
[34] Dòng mở đầu nhạc khúc: “Tiếng sáo
mê hồn” của Mozart.
[35] Trẻ con hay sách vở. - (chú thích
của người dịch).
[36] Tôi sẽ thấy chính tôi, ta sẽ đọc
tôi, tôi sẽ xuất thần và tôi sẽ nói: Có thể tôi có nhiều tinh thần đến thế kia
ư?- Galiani: thư gửi bà Épinay ngày 18 tháng 9 năm 1709. Nguyên văn không có
dấu phết sau chữ Possible - (chú thích của người dịch).
[37] Nguyên tác: ochsen: làm việc siêng
năng vất vả, còn có nghĩa là học hành chuyên cần, học gạo. - (chú thích của
người dịch).
[38] Lấy trong câu thơ của Goethe:
“Entschlafen sind nun wilde Triebe” (Faust, Hồi I, cảnh 3.)
[39] Nơi Wagner ở, thỉnh thoảng có tổ
chức hòa nhạc.
[40] Parsifal, nhân vật chính trong vở nhạc kịch cuối
cùng của Wagner được mô tả như một kẻ trong trắng, thuần khiết, điên khùng
(reine Tor), Nietzsche cho câu truyện Parsifal là phi lý và dùng chữ reine
Torheit (thuần túy điên) theo nghĩa hoàn toàn điên. - (chú thích của người
dịch).
[41] Mit einem Gliederstrecken im
Imaginären und Absurden ausgleichen: ý nói sự buông xả.
[42] Pháp văn trong nguyên bản: Phần ô
nhục - (chú thích của người dịch)..
[43] Pháp văn trong nguyên bản: súc
sinh, đê tiện. - (chú thích của người dịch).
[44] Gelegenheit-Ursachen (Trường
hợp-Nguyên nhân): nguyên nhân cơ hội, cơ ngẫu, ngẫu nhiên: nguyên nhân thay đổi
tùy theo trường hợp,- duyên cớ ngẫu nhiên.
[45] Hay duyên cớ
[46] Pháp văn: những kẻ suy đồi. - (chú
thích của người dịch).
[47] Pháp văn: Sự suy đồi. - (chú thích
của người dịch).
[48] “Chết đúng lúc: đó là điều mà
Zarathustra giảng dạy.”. - Zarathustra.
[49] So sánh nhân vật Kirilov trong tác
phẩm “Bầy quỷ” của Dostoïevski.
[50] Pháp văn: thuần túy, non nớt. - (chú
thích của người dịch).
[51] Pháp văn, moral không có e như
Nietzsche viết. - (chú thích của người dịch).
[52] Pathos der Distanz - “Giữ khoảng
cách” là một trong những mệnh lệnh tuyệt đối của đức lý Nietzsche. - (chú thích
của người dịch).
[53] Bất tận.
[54] Đế quốc La Mã. - (chú thích của
người dịch).
[55] “Freiheit, die ich nicht meine...”,
ám chỉ bài thơ “Freiheit, die ich meine” (Tự do theo nghĩa tôi hiểu) của Max
von Schenkendorf - - (chú thích của người dịch).
[56] Pháp văn trong nguyên bản: buông
thả, dễ dãi.
[57] Trong lãnh vực chính trị.
[58] Suy đồi
[59] Procuste, tướng cướp ở Attique, có
một cái giường sắt. Procuste bắt nạn nhân của hắn nằm đo giường. Người nào dài
hơn giường, hắn sẽ chặt chân đi, người nào ngắn hơn, hắn lấy dây kéo dài ra cho
bằng cái giường. Procuste sau bị Thésée giết cũng bằng hình phạt do chính hắn
đặt ra. (Thần thoại). - (chú thích của người dịch).
[60] Nền văn minh thượng cổ
[61] Pháp văn trong nguyên tác: lý
thuyết về hoàn cảnh, chủ trương hoàn cảnh tạo ra tất cả. - (chú thích của người
dịch).
[62] Lucius Sergius Catilina (109-63
T.L.S) nhà quí tộc La Mã, âm mưu chống lại Nguyên lão Nghị viện.
[63] Hay những gì đã là (was schon ist)
[64] Hay những gì không trở thành nữa
(was nicht mehr wird)
[65] Pháp văn trong nguyên bản: Giãi bày
nỗi bối rối mình cảm thấy là điều bất xứng với những tâm hồn cao cả. Clothilde
de Vaux. - (chú thích của người dịch).
[66] Về phương diện chiến thuật. - (chú
thích của người dịch).
[67] Pháp văn trong nguyên bản: hạ lưu,
ti tiện. - (chú thích của người dịch).
[68] Pháp văn: tuyệt hảo, tuyệt vời. -
(chú thích của người dịch).
[69] Chân nhân. - (chú thích của người
dịch).
[70] Natürlichkeit. - (chú thích của
người dịch).
[71] ein An-sich-heran-kommen-lassen von
jedwedem.
[72] ein Nicht-wissen-wo-aus-noch-ein.
[73] Trong thực tiễn. - (chú thích của
người dịch).
[74] Nietzsche muốn
nhắc tới tác phẩm “Phúng thi thành Venise”, trong đó Goethe nói rằng thập giá
là một trong bốn cái ông không chịu nổi. - (chú thích của người dịch).