Home » » Tranh Bửu Chỉ

Tranh Bửu Chỉ

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011 | 23:32

Tranh Bửu Chỉ
và Ván cờ Huề
___
Đặng Tiến

Đầu tơ mối nhợ một bức tranh Bửu Chỉ - động cơ khởi thảo họa phẩm - thường là một ý tưởng. Ví dụ thường gặp : khái niệm thời gian. Vẽ thời gian là việc khó, thậm chí không thể làm. Nếu xem thời gian như một khái niệm thì không thể vẽ, vì nó trừu tượng ; nếu xem thời gian như một cảm giác cụ thể, thì cũng không vẽ được, vì không thể tách mình ra khỏi thời gian để vẽ lên nó. Muốn gợi ý thời gian, người xưa mượn những hiện tượng thiên nhiên : màu quan san nhuộm cảnh rừng thu, hoàng hôn bảng lảng trời chiều…
Bửu Chỉ, hiện đại và cụ thể hơn, vẽ ngay cái đồng hồ với kim dài kim ngắn chạy quanh mười hai con số. Có khi có cả hình người trơ xương treo cổ trên kim đồng hồ nằm ngang, như một cột tử hình. Vì khởi thủy và tận cùng của ý thức thời gian là cái chết. Và sống là tự hủy dài dài. Trong cõi vô thủy vô chung, con người sẽ không khái niệm được thời gian.
Có thể tìm ở tranh Bửu Chỉ nhiều ví dụ khác, có khi cả một truyện kể, hay một tiểu luận cấu trúc trong một bức tranh. Nhưng đây không phải là nội dung của tác phẩm, hiểu theo nghĩa quy ước, theo thành kiến, đối lập nội dung với hình thức. Sự đối lập này vô nghĩa, ngày nay không còn được thừa nhận trong lý thuyết. Trong thực tế, nhiều người vẫn cứ đành hanh : vẽ cái gì ? tại sao cái này, cái kia ? ...
Người đặt câu hỏi như thế, có khi cho rằng tranh Bửu Chỉ minh họa một ý tưởng. Sự thật không phải vậy, vì mục đích của tác giả không phải là ý tưởng. Họa sĩ vẽ là để vẽ, để hoàn thành một tác phẩm bằng cách phối trí đường nét, hình thể màu sắc và sắc độ. Mục đích là thể hiện một khoảnh khắc trong đời mình ; một mảng sống , một mảnh đời được ném lên khung vải, thế thôi.
Mỗi họa sĩ có cách hành xử riêng. Các họa sĩ hiện đại, như Trịnh Cung, Nguyễn Trung hiện nay chẳng hạn, thấy cái mình vẽ. Bửu Chỉ vẽ cái mình thấy, thấy bằng mắt, bằng hồi tưởng, suy tưởng hay hoang tưởng. Bằng trực thị, linh thị hay huyễn thị.
Ý tưởng, trong tranh Bửu Chỉ, không phải là cứu cánh. Nó chỉ là khởi điểm, là phương tiện để họa sĩ thực hành một bức tranh. Nó ngang hàng với cái cọ, ống màu, khung vải. Do đó, không thể nói tác phẩm Bửu Chỉ là tranh minh họa, hay là " tranh đố ". Cũng không nên đồng hóa tranh Bửu Chỉ với trường phái Biểu Tượng hay Tượng Trưng (Symbolisme) thịnh hành ở Tây Âu cuối thế kỷ 19, dù kẻ liên tài có người liên tưởng.
Từng bức tranh, hay từng giai đoạn sáng tác của Bửu Chỉ, có thể nhắc đến môn phái nọ, chưởng phái kia. Nhưng trong toàn bộ, tranh Bửu Chỉ đăm đăm một kỷ cương duy nhất, là Trường Phái Bửu Chỉ.
Khi cực chẳng đã, phải sử dụng thành kiến nội dung-hình thức, thì có thể xem ý tưởng, hay chủ đề, ví dụ thời gian trong tranh Bửu Chỉ, là hình thức , còn toàn bộ bức tranh, đẹp hay xấu, buồn hay vui, hài hòa hay lỏng lẻo… mới là nội dung.
Bức tranh đẹp, thường nói lên cái gì với người xem. Nhưng " cái gì " ấy không phải là một ý tưởng ngoài bức tranh, dù có được đưa vào tranh, như là thời gian, tinh thần chiến đấu, v.v.. . " Cái gì " đó là cảm giác tổng thể đi từ vật chất của bức tranh đến tinh thần người xem, không kinh qua thao tác thị thực. Mua một bức tranh mục đồng không có nghĩa là mua trâu.
Bửu Chỉ yêu đời và nghệ thuật, trong nghĩa : đời và nghệ thuật là một. Anh ký thác hết mình vào cây cọ. Cây cọ chuyển vận tâm huyết vào nền vải, trong một lối vẽ riêng biệt - không phải là minh họa - mà có người thích hay không thích.
Phải yêu và tin tưởng cuộc sống mới xả thân cho hội họa như Bửu Chỉ. Nhưng tranh anh thường buồn : những mong manh, đổ vỡ, lìa tan, chết chóc. Những điếu thuốc tàn tro tắt lửa. Con cá trơ xương vẫn còn trõm lơ đôi mắt. Chim vui đâu, cây đã gãy lìa cành (*) . Những bất hạnh hóa thân thành cái đẹp và nguồn vui. Tác phẩm nghệ thuật là dấu chân con người vượt qua khỏi định mệnh.
Bửu Chỉ vẽ như người khác đánh cờ. Anh bày ra bàn cờ, đối thủ là khung vải trắng. Được thua là giá bức tranh.
Bửu Chỉ vẽ như người khác đánh trống, màu sắc nhảy múa rộn ràng trên khung vải, như trên mặt trống, bên tang trống.
Tranh Bửu Chỉ có bức ngon lành như cái bánh gâteau ; cũng có bức thảm đạm như tha ma.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè
Nhớ hồi tượng mã, pháo xe,
Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non.
(ca dao)
Có bạn, hăm hở mở bàn cờ, dù biết trước rằng sẽ lại là ván cờ huề.
Cờ huề mà vẫn hăm hở, thậm chí sân si.
Đám quê mùa chúng tôi gọi cờ huề ấy là tình bạn.
Nhà nho xưa dường như có người gọi là : ta với ta.

Đặng Tiến
Orleans, Toussaint 2002
(*) Huy Cận
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved