Home » » Nhà văn Nguyên Hồng trong ký ức của Nguyễn Khắc Phục

Nhà văn Nguyên Hồng trong ký ức của Nguyễn Khắc Phục

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011 | 02:52

Nhà văn Nguyên Hồng trong ký ức của Nguyễn Khắc Phục

Nhà văn Nguyên Hồng trong ký ức của Nguyễn Khắc PhụcNhà văn Nguyên Hồng
Thời gian học hàng hải ở Hải Phòng, tôi tập tành viết truyện, viết thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, và nhờ đó mà được gặp và thân quen với nhà văn Nguyên Hồng. Cụ Nguyên Hồng ngày đó có thể coi là “người cha tinh thần” của Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng...

 
Mặc dù là cây đa, cây đề trong làng văn thời ấy nhưng cụ đặc biệt gần gũi, thân tình với các cây bút trẻ. Ngoài 50 tuổi, nhưng trông cụ rất già, dáng người nhỏ bé, thường hay mặc bộ quần áo nâu  hoặc quân phục theo phong cách “sole”, nghĩa là mặc áo nâu đi với quần tây, hoặc áo quân phục đi với quần nâu.
Mắt cụ cũng nhỏ nhưng sáng lắm và rất ướt, còn chòm râu thì tuyệt đẹp. Tất cả bọn viết trẻ Hải Phòng chúng tôi đều gọi cụ là “bố Hồng”.
Tôi ở biển, thi thoảng mới lên bờ nên không được tiếp xúc với bố Hồng nhiều cho đến khi đi học lớp viết văn Quảng Bá để chuẩn bị vào Nam (năm 1970). Khóa học ấy có mấy giáo vụ như nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Thu Bồn...
Nỗi sợ lớn nhất của tôi là cứ 4h sáng, bố Hồng lại đi khua tất cả các phòng dậy tập thể dục. Mùa đông, đám bút nghiên ai cũng chỉ thích ngủ nướng, nhưng bố Hồng nhất quyết “ốp” từng đứa một với lý do “không tập luyện sao có thể ra chiến trường”. Riêng tôi thi thoảng vẫn trốn được khỏi tầm kiểm soát của bố, ra sân một lúc là luồn luồn ra ngoài, lủi vào phòng, nằm đất ngủ tiếp.
Hồi đó, tôi luôn nghĩ là bố Hồng ghét mình. Mang tiếng là dân Hải Phòng, lại quen biết bố từ trước nhưng bị bố ghét vì lười như hủi, học hành vớ vẩn, viết nhăng viết cuội, chỉ thích đi chơi, đi ăn trộm ổi ở đường Xuân Diệu. Mãi một hôm, bố Hồng gọi tôi: “Phục, ra đây bố bảo”. Bố nhờ tôi đạp xe sang bên Nhà Xuất bản Văn học để lấy bản bông cho bố.
Đúng là cơ hội ngàn năm có một để... đi chơi. Mượn cớ đi lấy bản bông cho bố hằng ngày, tôi cứ đi biệt tăm đến tối mới về. Bố hỏi thì tôi bảo “xe tuột xích”, nhiều lần như thế, bố cũng quen. Lạ là bố Hồng không giận, mỗi lần đem bản bông về, bố lại bảo tôi ngồi cạnh.
Nhà văn Nguyên Hồng trong ký ức của Nguyễn Khắc Phục
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục
Bên ngọn đèn dầu đỏ quạch, bố Hồng chỉ cho tôi từng chỗ: Vì sao phải dùng chữ này chứ không phải chữ kia, vì sao phải xuống dòng chứ không viết liền, vì sao phải chấm chứ không phẩy...
Tôi học được nhiều từ những bản bông đó hơn là những ngày lên lớp chán ốm nghe nhà văn Phan Tứ vẽ một sơ đồ tiểu thuyết và giảng giải hay nghe chính bố Hồng phân tích về phương pháp xây dựng nhân vật.
Bố Hồng có thói quen đọc bài của học viên rất kỹ, sửa từng li từng tí một. Có hai học viên mà bố rất hâm mộ: Một là anh Nguyễn Văn Lịch (giờ là Tiến sỹ Sử học của Đại học Sài Gòn), hai là anh Ngô Quy Nhơn (giờ làm Tổng biên tập một tờ báo ở Bình Định). Đọc bài của hai anh này, lúc nào bố Hồng cũng xuýt xoa “sao mà hay thế” và... khóc. Bố Hồng rất hay khóc.
Tôi nhớ như in cái dáng người gầy guộc nhỏ bé của bố trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô màu cà phê sữa với cái nón lá và một chiếc khăn vắt trên cổ. Cái khăn đó bố Hồng không dùng để lau mồ hôi, mà là lau... nước mắt.
Bố Hồng có thể khóc bất kỳ lúc nào, mà là khóc nồng nhiệt và thành thực như một đứa trẻ. Nghe chuyện đồng bào miền Nam đau thương, bố khóc. Nghe các chị học viên có chồng đang chiến đấu trong Nam được gửi vào lớp để có thể vào Nam tìm chồng kể chuyện, bố khóc.
Đọc bất kỳ một bài viết nào của học viên mà gợi đến một kỷ niệm nào đó, bố khóc. Gặp ông bạn thân Kim Lân lên chơi, bố khóc. Thậm chí nhắc đến Hải Phòng, bố cũng khóc. Gần như không giờ lên lớp nào mà bố Hồng không khóc. Nhiều lúc tôi cảm giác, trái tim trong người “ông già” ấy như làm bằng thủy tinh, như là tim phụ nữ, chạm nhẹ vào là ứa ra.
Suốt thời gian làm giáo vụ ở Quảng Bá, tôi cho rằng bố Hồng không dạy người ta viết văn mà là dạy “sống văn”. Tất cả những gì Nguyên Hồng sống và viết dạy cho người ta phải sống như thế nào, phải đối xử như thế nào với nghề viết và với con người. Xuất thân nghèo khó, ít học, 16 tuổi đã cầm bút viết “Bỉ vỏ” với sự từng trải, thấu hiểu từng ngõ ngách của thế giới giang hồ, xã hội đen ở Hải Phòng.
Nhưng lạ là càng khốn khó bao nhiêu, càng dày dặn từng trải bao nhiêu, chàng thiếu niên Nguyên Hồng ngày ấy càng dễ xúc động bấy nhiêu, càng vị tha, bao dung, độ lượng, càng dễ đồng cảm, thương xót con người.
Thế thì chúng ta mới có một nhà văn Nguyên Hồng và một ông già hay khóc. Chứ nếu đi qua những bụi bặm giang hồ mà trở nên mạnh mẽ, chai lì thì chúng ta đã phải gặp một “tay anh chị” Nguyên Hồng, một Nguyên Hồng “Năm Sài Gòn”.
Mỗi lần có dịp nhắc đến những ngày tập trung ở Quảng Bá, tôi không có kỷ niệm gì nhiều ngoài những trò nghịch ngợm, lêu lổng của mình và bố Hồng. Bố Hồng cũng là nhà văn “cha ông” duy nhất mà tôi được và thích gần gũi. Đấy là tôi còn ít gần gũi với bố Hồng hơn cả, ít được bố Hồng sửa bài hơn cả.
Những học viên nữ khác nghe đâu còn được bố nhắc nhở cả cách nói chuyện, đi đứng, mời cơm sao cho lịch thiệp. Quả thực, lúc đó mình là thanh niên, ngồi nói chuyện với một ông già hay khóc cũng mệt và chán. Nhưng sau này có ai nhắc tới Nguyên Hồng, lại thấy nhớ những lúc bố khóc. Nhớ chòm râu rất đẹp ướt đẫm lệ.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved