Home » » NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU RA HUẾ CHUẨN BỊ THI HƯƠNG HAY THI HỘI KHOA KỶ DẬU (1849) ?

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU RA HUẾ CHUẨN BỊ THI HƯƠNG HAY THI HỘI KHOA KỶ DẬU (1849) ?

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011 | 03:03

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]

LỐI XƯA XE NGỰA
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Chương V - NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU RA HUẾ CHUẨN BỊ
THI HƯƠNG HAY THI HỘI KHOA KỶ DẬU (1849) ?
I. NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU RA HUẾ THI HƯƠNG HAY THI HỘI ?
Văn Học số 49 đăng bài của ông Trần văn Tích bàn về cuốn " Việt Sử Khảo Luận "của ông Hoàng Cơ Thuỵ, tác giả tỏ ý thắc mắc tại sao có sách chép chuyện vô lý là Nguyễn Đình Chiểu chỉ đỗ Tú tài mà lại ra Huế để chuẩn bị thi Hội, có phải là đặc ân của triều Nguyễn dành cho nho sĩ miền Nam ? và thêm " trước và sau Nguyễn Đình Chiểu không thấy có chuyện đó " (= Tú tài được thi Hội), tôi mạn phép bàn góp mấy lời : Quả Nguyễn Đình Chiểu có ra Huế chuẩn bị khoa thi Kỷ Dậu (1849), nhưng để thi Hương hay thi Hội thì mỗi sách chép một phách. Lệ thường, những người đỗ Tú tài phải thi Hương lại kỳ cho đến khi có chân Cử nhân rồi mới được thi Hội, vì thế ta mới có những vị Tú Kép (đỗ 2 khoa Tú tài), Tú Mền (đỗ 3 khoa Tú tài), Tú Đụp (đỗ 4 khoa Tú tài). Đó là lệ thường, ngoài ra còn có những lệ luật khác cho phép một số Tú tài được chính thức dự thi Hội, không cần xin đặc ân. Sau đây là những loại người được phép ứng thi Hội :
- Cử nhân mới và cũ (đỗ từ những khoa trước).
- Tôn sinh (người trong hoàng tộc). Ấm sinh (con quan)
- Giám sinh, Cống sinh (những người học xuất sắc, do phủ, huyện tiến cống vào Kinh học đỗ, cho làm Giám sinh, được cấp lương, mũ áo, miễn thuế, tạp dịch. Song muốn thi Hội còn phải qua một kỳ Hạch nữa, đỗ mới được thi. Những người đỗ cũng được gọi là "ông Cống" (danh từ này vốn dành để gọi những người đỗ Hương cống, tức Cử nhân).
- Huấn đạo, Giáo thụ (có những người chỉ đỗ Tú tài, nhưng nhờ học lực cũng được bổ vào hai chức này).
- Học sinh Thượng hạng, trúng Tú tài (Học sinh là những người có tư chất, ham học, được tuyển lựa ở địa phương, chước cho đi lính, tạp dịch).
- Tú tài được làm việc trong Hàn Lâm Viện.
Trừ Cử nhân và Giám sinh, những người khác đều phải qua một kỳ Hạch, đỗ mới được thi Hội.
Đọc Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục, chúng ta thấy riêng triều Nguyễn có đến 26 vị Tú tài hay Phó bảng, nổi danh nhất phải kể đến Trần Quý Cáp, xuất thân là học sinh Thượng hạng, trúng Tú tài, đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa 1904. Trong Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, ông Lãng Nhân chép "Trần Quý Cáp đỗ ba khoa Tú tài liên tiếp, theo lệ được thi Hội", chưa rõ lệâ năm nào, có điều chắc chắn họ Trần khi ứng thi không có chân Cử nhân.
Chứng minh được Tú tài có quyền thi Hội vẫn chưa bảo đảm Nguyễn Đình Chiểu ra Huế chuẩn bị thi Hội. Luật thi Hương xưa nay bắt Thí sinh phải thi tại nguyên quán, song vẫn có những trường hợp ngoại lệ cho phụ thí, tức là những người có cha làm quan xa, đến kỳ thi Hương không về kịp quê quán nên xin đặc ân được phụ thí tại nơi cư ngu. Tuy là chuyện hiếm, nhưng Đại Nam Thực Lục Chính Biên cũng chép ít nhất tới ba đạo sắc dụ về phụ thí :ï
1) 1821 : từ Phú Yên về Nam, cho Thí sinh tuỳ tiện phụ thí, từ Bình Định ra Bắc phải theo nguyên quán.
2) 1834: Nam kỳ có biến, học trò Gia Định được phép phụ thí ở Thừa Thiên (ĐNTLCB XXV, 283-4).
3) 1858 : Định lệ từ nay cho 6 tỉnh Nam kỳ được thi phụ trường Thừa Thiên.
Lý do : Nguyễn Chính từ Hưng Hoá không về kịp sinh quán Gia Định, được phụ thí ở Thừa Thiên, đã đỗ đầu, nhân đó thành lệ (ĐNTLCB XXVIII, 427). Nguyễn Đình Chiểu ra Huế từ năm 1846, tức là trước khi phụ thí ở miền Nam thành lệ (1858) song rất có thể Nguyễn Đình Chiểu đã xin đặc cách được phụ thí ở Thừa Thiên vì người cha, Nguyễn Đình Huy, đã từ Gia Định trốn về Thừa Thiên năm 1833 khi Lê văn Khôi nổi loạn ở Nam kỳ.
Mặc dầu Nguyễn Đình Chiểu có đủ điều kiện để xin phụ thí, tôi vẫn tin tác giả Lục Vân Tiên ra Huế để thi Hội chứ không phải để thi Hương, vì lẽ những người xin phụ thí vốn là những người đã có mặt sẵn ở Thừa Thiên, không về kịp quê quán mới có lý để xin phụ thí, đằng này Nguyễn Đình Chiểu đang ở sinh quán Gia Định, lại lục đục bỏ ra Huế để đón một khoa thi mà trên nguyên tắc mình không được phép dự, trừ phi làm đơn xin phụ thí, thiết tưởng hành động như thế có điều không ổn.


II.NHỮNG ĐẶC ÂN CỦA TRIỀU NGUYỄN DÀNH CHO NHO SĨ MIỀN NAM
hay là : Những " kỳ thị " của nhà Nguyễn đối với sĩ phu miền Bắc.
Hay là : Những "kỳ thị" của nhà Nguyễn đối với sĩ phu miền Bắc
Một điều hiếm khi thấy các sửû gia nêu lên là sự "kỳ thị" của triều Nguyễn đối với đám sĩ tử ngoài Bắc : từ cách lựa chọn học sinh, đến cách tổ chức các khoa thi, chấm thi, bổ quan chức v.v...rất nhiều đạo dụ cho thấy sự bất công của nhà Nguyễn. Sau đây là một số những sắc chỉ chép trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên :
1) Tuyển chọn Học sinh : 1855 Định ngạch Học sinh cho các tỉnh biên giới : Cao Bằng, Lạng Sơn v.v...khảo hạch và cấp lương cho ăn học như các Học sinh từ Quảng Bình vào Nam (tức là miền Nam được hưởng đặc ân trước).
2) Phụ thí :
- 1821 Định lệ cho thi Hương từ nay từ Phú Yên vào Nam được tuỳ tiện phụ thí, từ Bình Định ra Bắc phải theo nguyên quán.
1858 Định lệ cho 6 tỉnh Nam kỳ được thi phụ ở trường Thừa Thiên.
3) Tổ chức các khoa thi :
- 1834 thi Hội. Lệ trước các Cử nhân, Giám sinh ở Kinh, ở các Trực (Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Nam) và ở Tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hoà) trở về Nam, Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá) trở ra Bắc đều hội lại để cùng thi...nhưng số người đỗ chưa được quân bình. Những kẻ sĩ từ Kinh, Trực trở vào Nam thi chung với các kẻ sĩ từ Hữu kỳ ra Bắc nên khi điểm duyệt không khỏi có sự sút kém về phân số (điểm). Từ nay ba kỳ thi Hội, mỗi kỳ chia làm hai lượt, mỗi lượt để riêng ngày : Cử nhân, Giám sinh ở Thừa Thiên cùng các Trực và Tả kỳ trở vào Nam cùng thi một lượt. Đầu bài thi sẽ ra riêng và khi chấm sẽ tuỳ theo bài văn mà điểm duyệt.
Vua dụ : Nếu mỗi kỳ thi chia làm hai lượt cũng chưa được tiện, vậy chuẩn cho trường thi chia làm hai vi :
Vi Giáp : sĩ tử ở Kinh, Trực và Tả kỳ trở vào Nam.
Vi Ất : sĩ tử ở Hữu kỳ trở ra Bắc.
Thi cùng một ngày. Thu quyển xong, Đề điệu (quan trường phụ trách việc Giám sát) chua luôn hai chữ "Vi Giáp" hay "Vi Ất" vào phía dưới mấy chữ "kỳ thi thứ mấy"...Vi nào nên lấy bao nhiêu Trúng cách (đỗ thi Hội), bao nhiêu Phó bảng, sẽ hạ chỉ đặc cách quyết định cho được thăng bằng, thích đáng (?). (ĐNTLCB XVI, 50-5).
- 1907 Lệ cũ Cống sĩ từ Quảng Bình trở về Nam vào Vi Giáp, từ Hà Tĩnh trở ra Bắc vào Vi Ất, nay Cao Xuân Dục xin cho thi lẫn lộn.
4) Chấm thi :
- 1825 học trò Thừa Thiên, Quảng Nam không một ai đỗ. Vua sai Lục bộ duyệt lại quyển văn lấy thêm Cao Hữu Dực ở Thừa Thiên và Trương Tăng Diễn ở Quảng Nam làm Hương cống (Cử nhân). (ĐNTLCB VII, 180).
1826 thi Hội, ứng thí trên 200 người, quan trường lấy đỗ 9. Vua bảo thị thần Lương Tiến Trường và Nguyễn Kim Xán :"Nay thiên hạ một nhà, Nam, Bắc đều là tôi con của trẫm. Nam hiền thì dùng Nam. Bắc hiền thì dùng Bắc; không phải có thiên tư. Vả lại học trò Nam, Bắc đều là người ở trong giáo dục, học lực tưởng không hơn kém nhau, thế mà nay 9 người đỗ đều là người Bắc là sao thế ? Nên lựa lấy một, hai người từ Thừa Thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong mới phải". Thế là quan trường lấy thêm Phan Thanh Giản cho đủ số 10 người (ĐNTLCB VIII, 28-9).
-1874 Sắc rằng :"Đặt khoa thi chọn lấy học trò để giúp nhà nước, hạng Tú tài để đấy không dùng là vô ích, trừ người nào bổ quan thì không kể. Từ nay thi Hương đình bãi lấy Tú tài, bắt đầu từ hai trường Hà Nội, Nam Định". Bộ Lễ can :"Xưa nay quan viên phạm tội nặng mới tướt bỏ tên trong sổ xuất thân là Tiến sĩ, Cử nhân hay Tú tài. Nay cả nước nguyên lấy đổ 4, 5000 Tú tài, nhất khái bỏ hết tên ở sổ, sinh dị nghị. Xin gia ơn cho đình miễn. Vả thi Hương năm nay ở các trường Hà Nội, Nam Định là làm bù cho khoa Quý Dậu. Khoa thi Hương các trường Thừa Thiên, Nghệ An, Bình Định, Thanh Hoá năm ngoái đều lấy Tú tài, nay nếu bãi bỏ sẽ không công bằng". (ĐNTLCB XXXIII, 108-9).
-1874 Gần đến kỳ thi hai trường Hà Nội, Nam Định vua lại dụ :"Mỗi trường không được lấy quá 50 Tú tài". Chủ khảo trường Nam Định Lê Đức Quang tâu :"Thi Hương năm nay ở hai trường là bù khoa Quý Dậu. Năm ngoái 4 trường Thừa Thiên, Nghệ An, Bình Định, Thanh Hoá vẫn lấy số Tú tài như cũ, nay hai trường Hà Nội, Nam Định xin chuẩn cho lấy trên dưới 100 người". Vua y. ĐNTLCB XXXIII, 125).
Khoa 1840 khi thấy văn bài miền Nam sút kém, vua bảo :"Văn phong ở Nam Kỳ mới mở, quyển văn thi đỗ so với các trường khác không khỏi có chỗ hơi kém...Đời xưa có người ít văn học mà công nghiệp rõ rệt, cứ gì phải Khoa mục đâu ?" (ĐNTLCB XXII, 170-2).
Nhưng khi văn bài sĩ tử miền Bắc sút kém (khoa 1828) vua bảo Hà Quyền, Phó Chủ khảo Bắc thành :"Bắc thành vốn xưng là nơi văn vật mà kỳ thi này chỉ được những người hạng bình, hoá ra chỉ là hư danh à ?". Quyền tâu :"Bắc thành gần đây chức Giáo, Huấn không được tốt cho nên học trò không lấy ai mà theo được". ĐNTLCB IX, 103).
5) Bổ quan chức :
- 1838 Khảo hạch các Tú tài các khoa từ 40 tuổi trở lên ở Quốc Sử Quán. Đỗ hạng bình 9 người, cho làm Huấn đạo. Hạng thứ hay liệt 70 người : những ai ở Hà Tĩnh trở ra Bắc cho về học tập mỗi người cấp cho hai lạng bạc; ai quê ở Quảng Bình trở vào Nam cho làm Hành tẩu Lục Bộ (chức quan chuyển đạt những mệnh lệnh của vua hay của thượng quan) hàng tháng cấp một quan tiền, một phương gạo (=30 bát gạo).
- 1857 Định : người nào thi Hội không có phân số (điểm) người từ Quảng Bình vào Nam 30 tuổi trở lên, từ Hà Tĩnh ra Bắc từ 35 tuổi trở lên, đã thi Hội hai khoa mà tình nguyện làm việc thì cho ra làm việc.
- 1875 Trước kia phàm đỗ Tú tài hai khoa, tình nguyện ra làm việc từ Quảng Bình vào Nam 40 tuổi trở lên, từ Hà Tĩnh ra Bắc 45 tuổi trở lên, đều chiểu lệ xét bổ.
- Lệ cũ Cử nhân Nam, 30 tuổi, Bắc 35 tuổi, đã thi Hội hai khoa mới được xét bổ. Nay Nam, Bắc cùng cho lấy 30 tuổi làm hạn. (ĐNTLCB XXXIII, 183-4).
Vì không được đọc trọn bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biênnên tôi chỉ chép được có chừng ấy sắc dụ, nhưng bấy nhiêu cũng đủ cho thấy óc thiên lệch của triều Nguyễn. Có lẽ vì buổi đầu nhà Nguyễn được nhân dân miền Nam nâng đỡ, nên dành nhiều cảm tình cho người miền Nam. Ngược lại, dù đất nước đã thống nhất, song người dân Bắc lòng còn tưởng nhớ nhà Lê, có ý không phục nhà Nguyễn, bởi thế vua Gia Long bỏ Thăng Long, dời đô vào Huế (nhưng không quên dời luôn cả Quốc Tử Giám đem vào ) và nhà Nguyễn tỏ ra "kỳ thị" dân Bắc, đấy chẳng qua cũng chỉ là một phản ứng tự vệ.


III. BÀN THÊM VỀ NHỮNG CẤM LỆ "KỲ QUẶC" CỦA KHOA CỬ.
Trên đây là những sự bất công của riêng triều Nguyễn đối với sĩ phu ngoài Bắc. Còn nói chung về Khoa cử, các nhà nghiên cứu lớp trước (tôi không muốn trỏ vào những người làm cách mệnh, chán ghét khoa cử như Phan Bội Châu) ai cũng ca ngợi Khoa cử công bằng, không phân giai cấp, con nhà nghèo cũng có quyền đi thi v.v...Kể ra, so với chế độ "con vua thì lại làm vua" quả Khoa cử công bằng thật. Song tất cả chỉ là vấn đề tương đối. Chúng ta chẳng ai không nhớ trường hợp Đào Duy Từ đã đỗ thi Hội, chỉ vì người cha cầm đầu đội nữ nhạc trong cung vua Lê Anh Tôn, nên bị xoá tên trong sổ nhữngngười Trúng cách. Đào Duy Từ uất ức mới bỏ vào Nam phò tá chúa Nguyễn. Tại sao lại có lệ lạ lùng ấy ? - Bởi người xưa liệt các ca sĩ vào loại "xướng ca vô loài" lười biếng, chỉ rong chơi ca hát, đáng khinh, không được xếp vào loại công dân có nghề nghiệp hữu ích cho nhân quần.
Ai nghe chuyện cũng bất bình thay cho Đào Duy Từ, những chẳng thấy ai phàn nàn hộ (trừ Trần Văn Tích và Nguyễn Tuân) cho một nửa số công dân Việt Nam cũng bị cấm thi mặc dầu cha ông không thuộc loại "xướng ca vô loài" : nay là phụ nữ. Phải chăng phụ nữ không phải là công dân nước Việt ? Chế độ phong kiến quyết tâm gạt hẳn phụ nữ ra ngoài, Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương đều bó tay, ấy thế mà vẫn có người lọt lưới, cải nam trang đi học và... đỗ Trạng nguyên ! Vào cuối thời nhà Mạc, và thời nhà Lê Trung Hưng, bà Trạng Nguyễn thị Du đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam nói chung và huyện Chí Linh nói riêng nên được dân làng Kiệt Đặc (Chí Linh) thờ làm thần (Xem bài Nguyễn thị Du, vị nữ Trạng nguyên độc nhất của ta sinh năm nào ?").
Ngoài phụ nữ và con nhà "xướng ca vô loài" không được đi thi, thời xưa còn nhiều cấm lệ mà ngày nay chúng ta thấy lạ lùng khó hiểu, chẳng hạn cấm những người có đại tang không được đi thi. Vì sao ? - Vì người xưa trọng đức, có tang phải ở nhà cư tang, đi thi để mong vinh hiển cho thân mình mà quên cha mẹ là phạm tội bất hiếu. Người đã mang tiếng bất hiếu, không thương đến cả cha mẹ mình, thì mong gì đi làm quan nghĩ đến dân đen ? Đấy là mặt lý thuyết. Song trên thực tế, ba năm mới có một khoa thi, nếu gặp hai cái đại tang liên tiếp cộng với một khoa bị tật bệnh không đi thi được vị chi mất chín năm đèn sách công toi. Chính một phần vì cái lệ khắc nghiệt đó mới có những cụ già 60 tuổi còn lẽo đẽo lều chõng và đến năm Thành Thái thứ 18 mới sửa lại cho phép những ngưòi có đại tang đi thi, nhưng ngược lại, tuổi bị hạn chế (1).
Dễ hiểu hơn là những lệ cấm người nào có cha ông ba đời làm trộm cướp, phản tặc. Chọn người ra làm "phụ mẫu" dân tất phải kén người có hạnh kiểm tốt. Song thế nào là "phản tặc ? ". Với nhà Nguyễn thì làm quan với Tây Sơn, hay cả với nhà Lê đều là "phản tặc" cả : Lê Đức Quang, Phạm Huy Lê chỉ vì khai lầm cha ông làm quan với nhà Lê đã bị xoá tên trong sổ Cử nhân khoa 1831. ĐNTLCB X, 293-5).
Lại còn một hạng người tuy không chính thức bị cấm thi mà cũng chẳng khác bị cấm : đấy là dân làng Thiên Thuộc (sau gọi là làng Tức Mặc) quê hương của các vua nhà Trần, bị cấm không được học tập văn nghệ, cốt để giữ tinh thần thượng võ, treo gương cho thanh niên toàn quốc. Năm 1821, vua Trần Nhân Tông lập trường học ngay phủ lỵ phủ Thiên Trường (sau là Xuân Trường) tức là phủ hạt nhà vua, thế mà dân làng Thiên Thuộc vẫn không được phép học văn. Đã không học thì thi làm sao được ? nên tuy không bị cấm mà cũng chẳng khác bị cấm là thế. Song chính nhờ trọng ngành võ bị mà nhà Trần bao lần thắng trận vẻ vang, sự kiện này ngoài sử liệu còn nằm trong ngạn ngữ "Đánh giặc đời Trần, làm quan họ Đặng".
Thành ra có nhiều cấm lệ mà ngày nay mới thoạt nghe ta thấy "kỳ quặc", song đặt vào khung cảnh thời xưa, lấy đức làm trọng, đặt đức trên tài, thì những lệ ấy không phải hoàn toàn vô căn cứ. Mặc dầu cha ông ta hết sức đề cao đức hạnh trong cách giáo dục và kén chọn người ra làm "phụ mẫu" dân, trên thực tế số tham quan vẫn nhiều hơn số những ông quan liêm chính, nhưng dù ít vẫn còn hơn không.

Châtenay-Malabry, tháng 6, 1990
(Văn Học, số 7, tháng 11, 1990)
1. Đại Nam Điển Lệ; dịch giả : Nguyễn Sĩ Giác. Saigon : Viện Đại học, 1962, tr. 359. Trong Hồi ký, Paul Doumer tỏ ra rất ngạc nhiên thấy một Thí sinh 80 tuổi mới đỗ Tú tài.
*
* *

Đọc lại Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục (tr. 107) thì thấy chắc chắn Nguyễn Đình Chiểu ra Huế năm 1849 để thi Hội chứ không phải thi Hương vì thi Hương đã được tổ chức năm 1848. Sau đây là chi tiết khoa thi Hội năm 1849 :
Tực Đức năm thứ hai, Kỷ Dậu (1849),
Quan duyệt quyển : Vũ Tuấn
Mai Anh Tuấn
Quan đọc quyển: Phan Thanh Giản
Trương Quốc Dụng
Lấy đỗ đầu : Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Đỗ Duy Đê đỗ Cử nhân năm Mậu Thân (1848) v.v...
Theo chỗ tôi biết thì chỉ có một lần vào năm 1779 chúa Trịnh Sâm mới mở Hương Hội thịnh khoa, tức là tổ chức thi Hương và thi Hội cùng một năm. Khoa này Nguyễn Du đỗ Tiến sĩ xuất thân, Phạm Quý Thích đỗ Đồng Tiền sĩ xuất thân (Đại Việt sử ký tục biên, tr. 448).



TỰA Chương I - KHOA CỬ Ở VIỆT NAM Công hay tội ? :
Khoa cử xuất hiện từ bao giờ ? - Những điểm khác biệt với Trung quốc - Công hay tội ? - Những lỗi lầm -
Chương II - PHÉP THI NGHIÊM MẬT :
I - THÍ SINH VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN DỰ THI HƯƠNG THỜI NHÀ NGUYỄN :
a ) Thi Hạch - b ) Nộp quyển - c ) Ngày thi : khám xét - d ) Trường quy
II - KHẢO QUAN : A. Ban Giám khảo - B. Ban Giám sát - C.
1/ Chọn lựa Khảo quan - 2/ Lễ tiến trường của các Khảo quan - 3/ Trường thi - 4/ Quyển thi - 5/ Chấm thi
III - NHỮNG VỤ ÁN NỔI TIẾNG
Chương III - AI LÀ CHỦ KHẢO TRƯỜNG HÀ NAM KHOA ĐINH DẬU (1907) : Đồng Sĩ Vịnh hay Cao Xuân Dục
I - Trường Hà Nam khác Trường Nam Định ở điểm nào ?
II - Khoa Đinh Dậu có gì đặc biệt ?
III - Cao Xuân Dục
IV - Ai là chủ khảo Trường Hà Nam khoa Đinh Dậu ?
Chương IV - TÚ XƯƠNG CÓ ĐI THI CHỮ QUỐC NGỮ HAY KHÔNG ?
I - Khoa cử thời cái cách : Địa vị chữ quốc ngữ và chữ Pháp hồi đầu thế kỷ XX
II - Tú Xương có thi chữ quốc ngữ hay không ?
III - Ai cứng đầu ?
Chương V - NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU RA HUẾ CHUẨN BỊ THI HƯƠNG HAY THI HỘI KHOA KỶ DẬU (1849) ?
I - Nguyễn Đình Chiểu ra Huế thi Hương hay thi Hội
II - Những đặc ân của triều Nguyễn dành cho nho sĩ miền Nam
III - Bàn thêm về những cấm lệ " kỳ quặc " của khoa cử
Chương VI - NGUYỄN THỊ DU, VỊ NỮ TRẠNG NGUYÊN ĐỘC NHẤT CỦA TA SINH NĂM NÀO ?
I - Thân thế
II - Sự nghiệp văn chương
III - Hai bài tính đố : Bà sinh năm nào và lấy chúa Mạc nào ?
Chương VII - KHOA CỬ THỜI HẬU LÊ DƯỚI MẮT SAMUEL BARON
Chương VIII - CÔNG CHÚA ĐỜI TRẦN
I - Mỹ Nhân Kế
II - Loạn luân
III - Cái vạ ngoại thích
IV- Vài nét sinh hoạt của các công chúa đời Trần
Chương IX - HOẠN QUAN
I - Những hoạn quan danh tiếng ở nước ta
II - Chức vụ và phẩm phục
III - Đời sống
Chương X - NỬA DÒNG MÁU VIỆT
I. Samuel BARON
II. Michel Đức CHAIGNEAU (1803-1894)
III. HỒ Dzếnh (1916-1991)
IV. Kim LEFEVRE (1937 ? - )
./.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved