Tác phẩm dự thi
Bút ký
DẤU ẤN THIỀN TÔNG TRÊN ĐẤT CỐ CUNG
Lê Quang Kết
Chuyến hành hương đưa tôi về miền tâm thức- đất cố cung thuở vua Đinh - Lê dựng kinh đô Đại Cồ Việt. Địa linh Hoa Lư - nơi những bài cổ thi tuyệt cú đầu tiên của thi ca xuất hiện. Đất này còn là nơi trở về của các vua Lý- Trần khi đã có Thăng Long là kinh đô hành xử. Sau những ngày mải mê công việc triều chính, phê duyệt các tấu chương bàn kế giữ nước - vua tôi lại trở về mái nhà xưa để được tắm nhàn đôi bữa. Phải chăng nơi này là khởi nguyên cho thơ thiền?- tập đại thành văn chương của dân tộc- là thông điệp gởi đi cho các thế hệ người dân Việt; không cũ đi theo dấu ấn thời gian -lúc nào ở đâu người đọc cũng tìm thấy ở đó những điều vi diệu, xác tín và minh triết.
Người hướng dẫn đưa tôi đi trên mười tuyến thành xưa, chị thuyết minh về dấu tích cố cung. Thành chính gồm ba mặt núi đá vôi và một dãy tường đất chếch Bắc. Các bức tường thời ấy chỉ sử dụng thứ vật liệu duy nhất là đất sét đá vôi mà đã ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Người Hoa Lư coi nơi này là chốn thâm nghiêm. Mỗi khi có dịp ngang qua, họ nhắc nhau cúi đầu nhẹ bước. Bước chân trên đất thiêng, đứa con từ phương Nam lần đầu trở về quê cha nơi cố quận, lòng tôi miên man chuyện đạo pháp- dân tộc thời ấy. Những năm cuối thế kỷ X, giặc Tống lăm le phía Bắc, Chiêm Thành gây sự phía Nam, triều đình chưa yên, đích thân vua Lê Đại Hành đã hỏi Thiền sư Pháp Thuận - “Quốc tộ” ( Vận nước) và đã được minh triết: Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh. - (Vận nước như mây cuốn/ Trời Nam mở thái bình/ Vô vi trên điện các/ Xứ xứ hết đao binh ). Một câu hỏi lớn đặt ra: Yếu tố gì làm cho vận nước dài lâu? Một cây làm chẳng nên non nhưng nếu biết chụm lại như mây cuốn thì sẽ là sức mạnh dời non lấp biển. Bài thơ là bản tuyên ngôn đoàn kết, là lời ước vọng chấm dứt nạn đao binh, là vua dân trên dưới một dạ một lòng - lời thơ bình dị nhưng súc tích có sức mạnh như sấm chẻ…Nói như Thiền sư Lê mạnh Thát – “Vận nước” kết hợp với Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt là hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh của Đại Cồ Việt thời bấy giờ.
Thế kỷ X- một thế kỷ đầy những biến động lịch sử dữ dội của đất nước, Thiền sư Khuông Việt- Ngô Chân Lưu nổi lên là một nhà trí thức lớn, nhập thế, tinh thông cả Nho, Phật, Lão- một nhà văn hóa tài năng đã phục vụ có hiệu quả công cuộc bảo vệ nền độc lập non trẻ ở hai triều đại chính thống đầu tiên của lịch sử dân tộc là triều Đinh và Tiền Lê trên đất Hoa Lư. Bài kệ trước khi Người viên tịch “ Nguyên hỏa” ( Gốc lửa): Mộc trung nguyên hữu hỏa/ Nguyên hỏa phục hoàn sinh/ Nhược vị mộc vô hỏa/ Toàn toại hà do manh? - ( Trong cây vốn có lửa/ Sẵn lửa lửa mới sinh/ Nếu cây không có lửa/ Khi cọ xát sao thành). Mộc, hỏa là hai trong năm theo thuyết ngũ hành của triết lý phương Đông. Hiện hữu hay không hiện hữu? Tồn tại hay không tồn tại? Sống hay không sống? Trong hiện hữu có thực tại- trong cây có lửa. Sóng bắt đầu từ đâu? Có nước và gió mới làm nên sóng. Bậc chân tu là người tự chuyển hóa từ dữ nên lành, từ xấu nên tốt, từ phàm nên thánh. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Phải nhập thế, đạo Phật phải đi vào cuộc đời -phải chuyển đổi cuộc đời. Sở ngộ của Thiền tông là chỗ đó- không lánh đời, không giải thoát cho riêng mình. Phật giáo thuở ấy- cách đây hơn ngàn năm đã có cách hành xử nhập thế tích cực mà Thiền sư Khuông Việt là người soi sáng, mở đường.
Sử sách chép rằng: Sau khi dẹp loạn sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi chưa kịp xây dựng kinh đô thì giặc Tống tràn sang lấn chiếm. Đến ngày Thập đạo tướng quân phá tan quân Tống, vua đã cho xây kinh đô to đẹp mà truyền thuyết còn ghi cả “cột vàng” lẫn “ngói bạc”. Hoàng thành xưa giờ đã hoang phế thế mà di vật đế chế qua năm tháng vẫn tồn lưu. Tận mắt tôi được thấy và hiểu thêm chiếc mũ “Bình thiên”(ngang trời) và màu “Long bào”(màu vàng thiên tử)- hai cổ vật biểu trưng cho tinh thần độc lập tự chủ và uy nghi vương đế triều Đinh mà trước đó- một ngàn năm nô lệ, phong kiến phương Bắc chỉ muốn coi đất này là quận huyện và gọi Giao Chỉ, Cửu Chân…Kinh đô Hoa Lư xưa trải dài tới Tam Cốc, Bích Động; dấu tích còn lưu lại đến hôm nay là hai khu đền thờ vua Đinh, vua Lê trên nền thành cũ. Giữa không gian bốn bề thành lũy, trước sân rồng chầu nghê phục, tâm thức người hành hương như được trở vế với nước non nguồn cội. Câu chuyện Thái hậu Dương Vân Nga “nợ nước nợ tình”- vì sự nghiệp lớn giữ nước đã bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, dèm pha, đàm tiếu. Người đàn bà lạ lùng trong lịch sử phong kiến “Hoàng hậu của hai vua”- vậy mà con cháu muôn đời vẫn một mực ngưỡng vọng yêu thương và tôn kính.
Điều gì đã làm nên chuyện lạ lùng ấy? Bức tượng thờ Thái hậu Dương Vân Nga mà tôi được chiêm ngưỡng - nét độc đáo của tượng là chiều sâu nội tâm thay đổi theo ba tư thế biệt lập, thế nhưng nét ước lệ đặc trưng chủ đạo vẫn là hình tượng một vị bồ tát mang đậm chất thiền nhà Phật với vẻ đoan trang, phúc hậu, từ bi - tượng Thái hậu như bài thơ thiền tuyệt vời vượt lên trên sự đố kỵ hẹp hòi nhỏ nhen- tất cả vì nghĩa lớn… Nhân dân vô danh kính yêu và bất tử đã có tiếng nói riêng của mình khi tụng ca hay phán xét các nhân vật lịch sử- yêu ghét phân minh. Các triều đại Đinh- Lê- Lý- Trần, Phật giáo là quốc giáo và bậc mẫu nghi thiên hạ như Dương Vân Nga đương nhiên là con Phật thấm nhuần thiền học của các bậc cao tăng. Kiến giải như thế chúng ta dễ đồng tình đồng thuận với cách hành xử của Dương hoàng hậu khi trao binh quyền và trao cả trái tim cho Tướng quân Lê Hoàn. Nếu không như thế thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng giặc Tống chỉ trong 20 đêm ngày?
Cố cung Hoa Lư nối với dãy núi đá vôi Trường Yên trập trùng kéo dài tới tận Tam Điệp hảo sơn. Một mảng đồng bằng bao bọc bởi núi non sông suối hiểm trở, vách đá cheo leo. Từ đây thủy bộ ngược xuôi với Am Thái Vi hay đường Thiên Lý ra vào Thăng Long, Thanh Hóa…Thế đất ấy phong thủy âm dương hội đủ, thuận thiên, yên lòng người, bảo toàn bờ cõi, quốc thái dân an. Vua Đinh - Lê đã chọn Hoa Lư làm kinh đô kháng Tống và sau này vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng hành cung Vũ Lâm làm cứ địa cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần hai. Và lịch sử đã xác tín đó là những lựa chọn minh triết.
Một bậc kỳ tài xuất hiện lúc triều chính nhà Tiền Lê rối ren - đó là Lý Công Uẩn, xuất thân từ nhà chùa Ngài đã trở thành đấng minh quân làm rạng rỡ dòng tộc và viết ra những trang sử oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Nhiều truyền thuyết, giai thoại về Người - có những giải mã chưa đồng nhất nhưng tất cả đều đồng thuận: Đó là người con của một dòng họ lớn, có nhiều người tài giỏi trên đất Cổ Tháp (Bắc Ninh) cộng với năng khiếu thông minh bẩm sinh đã được nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh văn hiến; là con đẻ- con nuôi- con tinh thần của những vị cao tăng xuất sắc. Tất cả làm nên một vị Hoàng đế - một thiền sư - một vị hộ pháp cổ lai hy. Sử gia Lê văn Hưu là bậc túc Nho không mặn mà mấy với nhà Phật đã phải thốt lên: “Có người hỏi: Lê Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ gian bên trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nói theo họ Lý”.
Vị Thiền sư đồng hành với vua Lý Thái Tổ là Quốc sư Vạn Hạnh- Người là thầy dạy học, dạy đạo và phò tá nhà vua. Thiền sư giỏi về phong thủy, dịch lý. Các vấn đề đại sự của đất nước, nhà vua đều trưng cầu ý kiến của Quốc sư. Và “Thiên đô chiếu”- chúng ta có nhiều lý do để xác tín - chính Thiền sư vạn Hạnh đã thuyết phục vua xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La ( Thăng Long, Hà Nội ngày nay)- trong ý nguyện bảo vệ nền độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Bài kệ “Thi đệ tử” của Quốc sư Vạn Hạnh xưa nay có tới hàng vạn trang sách và hàng ngàn tác giả ưu tú tiểu luận và tán dương nhưng vẫn huyền nhật nguyệt- treo mãi trên lầu cao: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”- ( Thân như ánh chớp có rồi không/ Cây cỏ xanh tươi thu héo tàn/ Nhìn cuộc thịnh suy lòng không hãi/ Thịnh suy đầu cỏ hạt sương tan).
Đoàn hành hương về chùa Bái Đính- tổ khai sáng là thiền sư Minh Không, ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục của đất nước và Phật giáo. Ngài được vua ban là quốc sư, pháp sư còn dân gian tôn vinh ngài là Thánh Nguyễn. Những câu chuyện lưu truyền về Thiền sư Minh Không đều có thể gọi đó là những công án thiền - “phi hữu phi không”. Ngài trừ khử con chim cáp kêu to tiếng vang nơi cung điện tráng lệ đất Thăng Long được vua ban vàng, ruộng là để hành hạnh nguyện bố thí của vị Thiền sư- Ngài chữa bệnh hóa hổ cứu vua Lý Thần Tông là giúp nhà vua quy y sám hối làm lành lánh dữ- Ngài đã không nệ tài hèn sức mọn cố công sang đất Tống làm nên Đại Nam tứ khí ( Tượng Phật, hồng chung, đỉnh, vạc) chính là khởi nguyên cho nghề đúc đồng của văn hóa dân tộc? Một số người phản biện dựa trên những yếu tố kỳ bí để phản bác. Nhưng không, tước bỏ những chi tiết thần bí, siêu nhiên phần còn lại về hành trạng của Thiền sư Minh Không là bậc cứu nhân độ thế, là đại hùng đại lực- là vị thánh bất tử trong lòng dân tộc và nhân dân…
Từ cố cung nhìn về phía Tây xa xa là dãy Tam Điệp hùng vĩ sừng sững ngang trời; chếch Nam là vùng đồng bằng chiêm trũng và biển Kim Sơn ầm ào sóng vỗ. Cả hai là đất thiêng, chứng tích lịch sử. Với Tam Điệp, trạm dừng chân cuối của đoàn hùng binh thần tốc Quang Trung- Nguyễn Huệ. Nơi núi này, nhà vua đã chỉ dụ mở tiệc khao quân, tạm sắm lễ vật cúng tết trước (30 tháng chạp- Mậu Thân 1788) hẹn mùng bảy tết vào Thăng Long mở đại tiệc mừng chiến thắng (Kỷ Dậu-1789). Còn đất Kim Sơn khi xưa vốn là biển. Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ phụng mệnh tới đây cùng dân khai hoang lấn biển, dựng tổng lập làng, vị thần khai canh biến biển mặn thành đồng lúa đồng cói hôm nay. Một tiếng chuông chùa ngân vang trong tĩnh lặng. Khách hành hương nghe trong mênh mang đất trời sâu thẳm tiếng vọng rầm rập đoàn quân áo vải Tây Sơn. Khói lam chiều lượn lờ trên mái ngói thôn xóm Kim Sơn nghe âm vang những nhác cuốc buổi đầu chặn biển đắp đê… Một cảm giác lâng lâng xao xuyến man mác đượm tình nước hồn quê, ra về dạ nhớ khó quên…
Chuyến xe chuyển dời, bất chợt người bạn đồng hành hát nhỏ ca từ và giai điệu Trịnh Công Sơn: “… Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi…”. Hóa ra chàng nhạc sĩ tài hoa xứ Huế cũng mang hơi thở thiền.
Về đây không vào thăm Bích Động coi như chưa tới Hoa Lư. Người bạn thơ đồng điệu cố tìm một “ Ngư nhàn” đưa chúng tôi vào Tam Cốc. Nam Thiên đệ nhị động quả danh bất hư truyền. Một Hạ Long trên cạn đẹp như tranh khéo như đặt. Tam Cốc, Bích Động với ghềnh, ngòi, động, núi - một danh thắng ẩn chứa những trầm tích xưa. Thuyền chèo trên Ngô giang giữa chằng chịt núi đá vôi cao thấp, to nhỏ đẹp như bài tứ tuyệt thiền thi. Người chưa quen sông nước tưởng như mũi thuyền chạm vào vách đá rồi chuyển dời. Hóa ra chỉ là mái chèo điệu nghệ cùa lão ngư.
Chao ôi! Cơ man bao là núi và bóng núi in trên dòng nước chẳng đếm xuể, đẹp như tranh minh họa thơ thiền. Dòng cảm xúc liên tưởng trong tôi “ Thi trung hữu họa”, câu thơ ngũ ngôn thất ngôn của các thiền sư thời Đinh- Lê- Lý- Trần dường như có màu tranh của Bích Động?
------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết
Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc
Bút ký
DẤU ẤN THIỀN TÔNG TRÊN ĐẤT CỐ CUNG
Lê Quang Kết
Chuyến hành hương đưa tôi về miền tâm thức- đất cố cung thuở vua Đinh - Lê dựng kinh đô Đại Cồ Việt. Địa linh Hoa Lư - nơi những bài cổ thi tuyệt cú đầu tiên của thi ca xuất hiện. Đất này còn là nơi trở về của các vua Lý- Trần khi đã có Thăng Long là kinh đô hành xử. Sau những ngày mải mê công việc triều chính, phê duyệt các tấu chương bàn kế giữ nước - vua tôi lại trở về mái nhà xưa để được tắm nhàn đôi bữa. Phải chăng nơi này là khởi nguyên cho thơ thiền?- tập đại thành văn chương của dân tộc- là thông điệp gởi đi cho các thế hệ người dân Việt; không cũ đi theo dấu ấn thời gian -lúc nào ở đâu người đọc cũng tìm thấy ở đó những điều vi diệu, xác tín và minh triết.
Người hướng dẫn đưa tôi đi trên mười tuyến thành xưa, chị thuyết minh về dấu tích cố cung. Thành chính gồm ba mặt núi đá vôi và một dãy tường đất chếch Bắc. Các bức tường thời ấy chỉ sử dụng thứ vật liệu duy nhất là đất sét đá vôi mà đã ngàn năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Người Hoa Lư coi nơi này là chốn thâm nghiêm. Mỗi khi có dịp ngang qua, họ nhắc nhau cúi đầu nhẹ bước. Bước chân trên đất thiêng, đứa con từ phương Nam lần đầu trở về quê cha nơi cố quận, lòng tôi miên man chuyện đạo pháp- dân tộc thời ấy. Những năm cuối thế kỷ X, giặc Tống lăm le phía Bắc, Chiêm Thành gây sự phía Nam, triều đình chưa yên, đích thân vua Lê Đại Hành đã hỏi Thiền sư Pháp Thuận - “Quốc tộ” ( Vận nước) và đã được minh triết: Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh. - (Vận nước như mây cuốn/ Trời Nam mở thái bình/ Vô vi trên điện các/ Xứ xứ hết đao binh ). Một câu hỏi lớn đặt ra: Yếu tố gì làm cho vận nước dài lâu? Một cây làm chẳng nên non nhưng nếu biết chụm lại như mây cuốn thì sẽ là sức mạnh dời non lấp biển. Bài thơ là bản tuyên ngôn đoàn kết, là lời ước vọng chấm dứt nạn đao binh, là vua dân trên dưới một dạ một lòng - lời thơ bình dị nhưng súc tích có sức mạnh như sấm chẻ…Nói như Thiền sư Lê mạnh Thát – “Vận nước” kết hợp với Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt là hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh của Đại Cồ Việt thời bấy giờ.
Thế kỷ X- một thế kỷ đầy những biến động lịch sử dữ dội của đất nước, Thiền sư Khuông Việt- Ngô Chân Lưu nổi lên là một nhà trí thức lớn, nhập thế, tinh thông cả Nho, Phật, Lão- một nhà văn hóa tài năng đã phục vụ có hiệu quả công cuộc bảo vệ nền độc lập non trẻ ở hai triều đại chính thống đầu tiên của lịch sử dân tộc là triều Đinh và Tiền Lê trên đất Hoa Lư. Bài kệ trước khi Người viên tịch “ Nguyên hỏa” ( Gốc lửa): Mộc trung nguyên hữu hỏa/ Nguyên hỏa phục hoàn sinh/ Nhược vị mộc vô hỏa/ Toàn toại hà do manh? - ( Trong cây vốn có lửa/ Sẵn lửa lửa mới sinh/ Nếu cây không có lửa/ Khi cọ xát sao thành). Mộc, hỏa là hai trong năm theo thuyết ngũ hành của triết lý phương Đông. Hiện hữu hay không hiện hữu? Tồn tại hay không tồn tại? Sống hay không sống? Trong hiện hữu có thực tại- trong cây có lửa. Sóng bắt đầu từ đâu? Có nước và gió mới làm nên sóng. Bậc chân tu là người tự chuyển hóa từ dữ nên lành, từ xấu nên tốt, từ phàm nên thánh. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Phải nhập thế, đạo Phật phải đi vào cuộc đời -phải chuyển đổi cuộc đời. Sở ngộ của Thiền tông là chỗ đó- không lánh đời, không giải thoát cho riêng mình. Phật giáo thuở ấy- cách đây hơn ngàn năm đã có cách hành xử nhập thế tích cực mà Thiền sư Khuông Việt là người soi sáng, mở đường.
Sử sách chép rằng: Sau khi dẹp loạn sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi chưa kịp xây dựng kinh đô thì giặc Tống tràn sang lấn chiếm. Đến ngày Thập đạo tướng quân phá tan quân Tống, vua đã cho xây kinh đô to đẹp mà truyền thuyết còn ghi cả “cột vàng” lẫn “ngói bạc”. Hoàng thành xưa giờ đã hoang phế thế mà di vật đế chế qua năm tháng vẫn tồn lưu. Tận mắt tôi được thấy và hiểu thêm chiếc mũ “Bình thiên”(ngang trời) và màu “Long bào”(màu vàng thiên tử)- hai cổ vật biểu trưng cho tinh thần độc lập tự chủ và uy nghi vương đế triều Đinh mà trước đó- một ngàn năm nô lệ, phong kiến phương Bắc chỉ muốn coi đất này là quận huyện và gọi Giao Chỉ, Cửu Chân…Kinh đô Hoa Lư xưa trải dài tới Tam Cốc, Bích Động; dấu tích còn lưu lại đến hôm nay là hai khu đền thờ vua Đinh, vua Lê trên nền thành cũ. Giữa không gian bốn bề thành lũy, trước sân rồng chầu nghê phục, tâm thức người hành hương như được trở vế với nước non nguồn cội. Câu chuyện Thái hậu Dương Vân Nga “nợ nước nợ tình”- vì sự nghiệp lớn giữ nước đã bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, dèm pha, đàm tiếu. Người đàn bà lạ lùng trong lịch sử phong kiến “Hoàng hậu của hai vua”- vậy mà con cháu muôn đời vẫn một mực ngưỡng vọng yêu thương và tôn kính.
Điều gì đã làm nên chuyện lạ lùng ấy? Bức tượng thờ Thái hậu Dương Vân Nga mà tôi được chiêm ngưỡng - nét độc đáo của tượng là chiều sâu nội tâm thay đổi theo ba tư thế biệt lập, thế nhưng nét ước lệ đặc trưng chủ đạo vẫn là hình tượng một vị bồ tát mang đậm chất thiền nhà Phật với vẻ đoan trang, phúc hậu, từ bi - tượng Thái hậu như bài thơ thiền tuyệt vời vượt lên trên sự đố kỵ hẹp hòi nhỏ nhen- tất cả vì nghĩa lớn… Nhân dân vô danh kính yêu và bất tử đã có tiếng nói riêng của mình khi tụng ca hay phán xét các nhân vật lịch sử- yêu ghét phân minh. Các triều đại Đinh- Lê- Lý- Trần, Phật giáo là quốc giáo và bậc mẫu nghi thiên hạ như Dương Vân Nga đương nhiên là con Phật thấm nhuần thiền học của các bậc cao tăng. Kiến giải như thế chúng ta dễ đồng tình đồng thuận với cách hành xử của Dương hoàng hậu khi trao binh quyền và trao cả trái tim cho Tướng quân Lê Hoàn. Nếu không như thế thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng giặc Tống chỉ trong 20 đêm ngày?
Cố cung Hoa Lư nối với dãy núi đá vôi Trường Yên trập trùng kéo dài tới tận Tam Điệp hảo sơn. Một mảng đồng bằng bao bọc bởi núi non sông suối hiểm trở, vách đá cheo leo. Từ đây thủy bộ ngược xuôi với Am Thái Vi hay đường Thiên Lý ra vào Thăng Long, Thanh Hóa…Thế đất ấy phong thủy âm dương hội đủ, thuận thiên, yên lòng người, bảo toàn bờ cõi, quốc thái dân an. Vua Đinh - Lê đã chọn Hoa Lư làm kinh đô kháng Tống và sau này vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng hành cung Vũ Lâm làm cứ địa cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần hai. Và lịch sử đã xác tín đó là những lựa chọn minh triết.
Một bậc kỳ tài xuất hiện lúc triều chính nhà Tiền Lê rối ren - đó là Lý Công Uẩn, xuất thân từ nhà chùa Ngài đã trở thành đấng minh quân làm rạng rỡ dòng tộc và viết ra những trang sử oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Nhiều truyền thuyết, giai thoại về Người - có những giải mã chưa đồng nhất nhưng tất cả đều đồng thuận: Đó là người con của một dòng họ lớn, có nhiều người tài giỏi trên đất Cổ Tháp (Bắc Ninh) cộng với năng khiếu thông minh bẩm sinh đã được nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh văn hiến; là con đẻ- con nuôi- con tinh thần của những vị cao tăng xuất sắc. Tất cả làm nên một vị Hoàng đế - một thiền sư - một vị hộ pháp cổ lai hy. Sử gia Lê văn Hưu là bậc túc Nho không mặn mà mấy với nhà Phật đã phải thốt lên: “Có người hỏi: Lê Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ gian bên trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nói theo họ Lý”.
Vị Thiền sư đồng hành với vua Lý Thái Tổ là Quốc sư Vạn Hạnh- Người là thầy dạy học, dạy đạo và phò tá nhà vua. Thiền sư giỏi về phong thủy, dịch lý. Các vấn đề đại sự của đất nước, nhà vua đều trưng cầu ý kiến của Quốc sư. Và “Thiên đô chiếu”- chúng ta có nhiều lý do để xác tín - chính Thiền sư vạn Hạnh đã thuyết phục vua xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La ( Thăng Long, Hà Nội ngày nay)- trong ý nguyện bảo vệ nền độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Bài kệ “Thi đệ tử” của Quốc sư Vạn Hạnh xưa nay có tới hàng vạn trang sách và hàng ngàn tác giả ưu tú tiểu luận và tán dương nhưng vẫn huyền nhật nguyệt- treo mãi trên lầu cao: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”- ( Thân như ánh chớp có rồi không/ Cây cỏ xanh tươi thu héo tàn/ Nhìn cuộc thịnh suy lòng không hãi/ Thịnh suy đầu cỏ hạt sương tan).
Đoàn hành hương về chùa Bái Đính- tổ khai sáng là thiền sư Minh Không, ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục của đất nước và Phật giáo. Ngài được vua ban là quốc sư, pháp sư còn dân gian tôn vinh ngài là Thánh Nguyễn. Những câu chuyện lưu truyền về Thiền sư Minh Không đều có thể gọi đó là những công án thiền - “phi hữu phi không”. Ngài trừ khử con chim cáp kêu to tiếng vang nơi cung điện tráng lệ đất Thăng Long được vua ban vàng, ruộng là để hành hạnh nguyện bố thí của vị Thiền sư- Ngài chữa bệnh hóa hổ cứu vua Lý Thần Tông là giúp nhà vua quy y sám hối làm lành lánh dữ- Ngài đã không nệ tài hèn sức mọn cố công sang đất Tống làm nên Đại Nam tứ khí ( Tượng Phật, hồng chung, đỉnh, vạc) chính là khởi nguyên cho nghề đúc đồng của văn hóa dân tộc? Một số người phản biện dựa trên những yếu tố kỳ bí để phản bác. Nhưng không, tước bỏ những chi tiết thần bí, siêu nhiên phần còn lại về hành trạng của Thiền sư Minh Không là bậc cứu nhân độ thế, là đại hùng đại lực- là vị thánh bất tử trong lòng dân tộc và nhân dân…
Từ cố cung nhìn về phía Tây xa xa là dãy Tam Điệp hùng vĩ sừng sững ngang trời; chếch Nam là vùng đồng bằng chiêm trũng và biển Kim Sơn ầm ào sóng vỗ. Cả hai là đất thiêng, chứng tích lịch sử. Với Tam Điệp, trạm dừng chân cuối của đoàn hùng binh thần tốc Quang Trung- Nguyễn Huệ. Nơi núi này, nhà vua đã chỉ dụ mở tiệc khao quân, tạm sắm lễ vật cúng tết trước (30 tháng chạp- Mậu Thân 1788) hẹn mùng bảy tết vào Thăng Long mở đại tiệc mừng chiến thắng (Kỷ Dậu-1789). Còn đất Kim Sơn khi xưa vốn là biển. Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ phụng mệnh tới đây cùng dân khai hoang lấn biển, dựng tổng lập làng, vị thần khai canh biến biển mặn thành đồng lúa đồng cói hôm nay. Một tiếng chuông chùa ngân vang trong tĩnh lặng. Khách hành hương nghe trong mênh mang đất trời sâu thẳm tiếng vọng rầm rập đoàn quân áo vải Tây Sơn. Khói lam chiều lượn lờ trên mái ngói thôn xóm Kim Sơn nghe âm vang những nhác cuốc buổi đầu chặn biển đắp đê… Một cảm giác lâng lâng xao xuyến man mác đượm tình nước hồn quê, ra về dạ nhớ khó quên…
Chuyến xe chuyển dời, bất chợt người bạn đồng hành hát nhỏ ca từ và giai điệu Trịnh Công Sơn: “… Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi…”. Hóa ra chàng nhạc sĩ tài hoa xứ Huế cũng mang hơi thở thiền.
Về đây không vào thăm Bích Động coi như chưa tới Hoa Lư. Người bạn thơ đồng điệu cố tìm một “ Ngư nhàn” đưa chúng tôi vào Tam Cốc. Nam Thiên đệ nhị động quả danh bất hư truyền. Một Hạ Long trên cạn đẹp như tranh khéo như đặt. Tam Cốc, Bích Động với ghềnh, ngòi, động, núi - một danh thắng ẩn chứa những trầm tích xưa. Thuyền chèo trên Ngô giang giữa chằng chịt núi đá vôi cao thấp, to nhỏ đẹp như bài tứ tuyệt thiền thi. Người chưa quen sông nước tưởng như mũi thuyền chạm vào vách đá rồi chuyển dời. Hóa ra chỉ là mái chèo điệu nghệ cùa lão ngư.
Chao ôi! Cơ man bao là núi và bóng núi in trên dòng nước chẳng đếm xuể, đẹp như tranh minh họa thơ thiền. Dòng cảm xúc liên tưởng trong tôi “ Thi trung hữu họa”, câu thơ ngũ ngôn thất ngôn của các thiền sư thời Đinh- Lê- Lý- Trần dường như có màu tranh của Bích Động?
------------------------------------------------------------
Lê Quang Kết
Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc