Home »
KÝ
» Bút ký-Gửi em ngoài Huế
Bút ký-Gửi em ngoài Huế
Bút ký- Gửi em ngoài Huế
Bài dự thi Người Yêu Dấu
GỬI EM NGOÀI HUẾ
Do hoàn cảnh của ba, tôi có thêm cô em gái cùng cha khác mẹ. Ngày biết tin này tôi chẳng mấy vui, thêm rắc rối chứ phỏng có ích gì…Gặp mặt em hôm đầu, mẹ con tôi thầm thì chì chiết - nhìn thấy phát ghét, nó mà lớn thì phải biết, không vừa vặn chi đâu…
Thế nhưng không phải thế, em tôi ngoan hiền và đáng yêu lắm- em tôi là cứu tinh cho cả gia đình trong cơn túng bấn ngặt nghèo và chính tôi là người được em chia sẻ nhiều nhất. Nhiều lúc tôi thầm nghĩ: Nếu không có em gái giờ đây tôi sẽ thế nào? Hồi đó mình quá cạn nghĩ? Sao lại nhỏ nhen ích kỷ đến thế! Em nào có tội tình chi…
Em về sống trong gia đình nhưng chẳng ai mặn mà. Hình như biết điều đó nên em ít nói, ít tham gia chuyện trò và cố tìm vui trong công việc. Mọi việc nội trợ gia đình em đều chu tất với thái độ tự giác chẳng cần ai nhắc nhở. Mẹ tôi vốn cẩn trọng với việc nhà cũng phải thầm khen em gái. Dần dà em đã làm chúng tôi thay đổi nếp nghĩ không mấy thân thiện về em…
Năm ấy gia đình gặp chuyện chẳng lành. Mẹ tôi phải phẫu thuật do đột quỵ. Tôi vào mùa thi đại học. Nhà neo đơn, một tay em đứng ra cáng đáng mọi việc vừa lo chuyện nhà vừa chăm sóc mẹ - lúc đó em mới chỉ 15 đang bước vào bậc phổ thông trung học. Mãi sau này tôi còn biết thêm em đã cho máu cứu mẹ trong cơn thập tử nhất sinh. Ôi ! Em tôi tuyệt vời cao cả!
Sau cơn bạo bệnh của mẹ, gia đình tôi phải chuyển về quê sinh sống. Chúng tôi một người một ngả theo đường công danh sự nghiệp. Chỉ riêng em gái theo mẹ về quê. Cuộc sống nông thôn quá nhiều khó khăn em đành nghỉ học. Cũng từ đó em là trụ cột của gia đình. Mười sáu mười bảy mà trông em như bà cụ non, tất tả ngược xuôi lo toan mọi bề. Chuyện nhà, họ hàng, phải trái,chuyện cha mẹ già trái gió trở trời, dường như chúng tôi phó mặc cho em. Vậy mà tiếng thơm lại dành cho mấy đứa xa quê chúng tôi…Riêng tôi năm đi thực tập sinh nước ngoài em gái đã bán mấy chỉ vàng dành dụm cho chị phòng thân nơi đất khách…Ôi! Em tôi đảm đang tốt bụng!
Rồi em lấy chồng, tôi ở xa không về kịp. Chồng em là anh chàng nông dân hiền lành chăm chỉ ở làng bên. Cả hai quyết định ở nhà vợ đỡ đần cha mẹ già hay đau yếu. Thuận vợ thuận chồng họ đã có cuộc sống tạm ổn. Nhà chồng bà con xa gần, ai cũng khen em là nàng dâu thảo. Nhưng mà nói như sự đời: Giàu ở quê không bằng ngồi lê trên phố. Chúng tôi mỗi đứa có tiểu gia đình riêng, ai cũng cố thu vén để có đầy đủ mọi thứ, những tiện nghi vật chất nơi phố thị - sắm sửa, shopping, xe cộ…bao nhiêu cho đủ? Thi thoảng về quê thăm em gái, vài ba món quà vặt thành thị, lì xì mấy cháu ít tiền…Vậy mà ai cũng lên giọng…nào là công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức, tam cương ngũ thường… đủ thứ luân lý đạo đức, làm như mình giỏi giang hiếu để. Có lần tôi nhìn em nghe chuyện, lặng lẽ nhưng rơm rớm nước mắt…Lần đó chính tôi phải trằn trọc thao thức để tự soi mình. Mình được học hành nhưng thua xa em gái nhỏ, có gì mình bằng em, mình đã làm được gì cho cha mẹ, cho gia đình và cho em gái yêu cả một đời cực nhọc...
Bây giờ, em tôi vẫn dung dị sớm hôm phụng dưỡng cha mẹ ngoài Huế. Mẹ tôi không là mẹ đẻ mà em chẳng chút bận lòng. Còn chúng tôi, khi nào cũng chính chính hầu hầu; mẹ cả mẹ hai…Những lúc nghĩ về em tôi nghe nặng lòng... Chị xấu lắm, dở lắm, tệ lắm… Chị chỉ nói hay nhưng làm dở. Tới tuổi này chị mới thấu hiểu trong muộn màng. Ân tình em gái sao mà sâu nặng. Chị tự hứa với lòng- làm gì để trả? Tháng năm… lần lữa…tháng năm… lần lữa…em ơi, làm gì để trả…mà có bao giờ trả được đâu! Hỷ xã, tha thứ cho chị phải không em gái?
-------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Thị Hồng Điệp