Home » » Sự viết: những quy ước và cảnh báo

Sự viết: những quy ước và cảnh báo

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011 | 02:26

Sự viết: những quy ước và cảnh báoBài viết được đăng lúc 9:04:48 AM, 21.08.2011

Nhà phê bình Trần Thiện Khanh - Ảnh: vanhocquenha.vn

TRẦN THIỆN KHANH

Chúng ta sống trong một thế giới đầy những quy ước. Có quy ước công khai, thành văn; có quy ước ngầm, bất thành văn. Quy ước nhiều và có sức mạnh đến mức chúng ta tưởng chính nó làm ra chúng ta.

Không thể kiểm soát nổi những quy ước bao bọc, điều chỉnh, chi phối và tiên quyết từ cách nhìn, suy nghĩ đến lời nói, hành động của mọi người. Chúng ta thường xuyên phải đối mặt và buộc phải chấp nhận những quy phạm, những bản “cương lĩnh tinh thần” trong hệ thống xã hội mà mình đang sống, đang hoạt động. Những luật lệ, khoán ước và các cảnh báo cấm kỵ; những quy chế, điều lệ và các phong tục; sự thỏa thuận, những thiết chế, chuẩn mực… tất cả những cái đó tạo thành một phần sự sống, tham gia cấu trúc sự sống. Nó in dấu vào tiềm thức, tạo thành các thói quen - cái “lịch sử tinh thần” chung, những mẫu ứng xử chung mà nhiều khi chúng ta vẫn mặc nhiên tuân theo, thuận theo không do dự.

Chính sự quy ước tạo ra các giới hạn, thực hiện chức năng khu biệt hóa các không gian, ý nghĩa, các giá trị, đẳng cấp, điều chỉnh các mối quan hệ. Chính sự quy chế hóa mọi hoạt động của con người đã tạo ra một thế giới có những nguyên tắc, cơ chế vận hành riêng, có tôn ti, trật tự chặt chẽ. Chúng ta không phải lúc nào cũng được hiện diện trong tư cách một chủ thể tự chủ. Có thể, mỗi chúng ta chỉ là những người nói, mang theo những tiếng nói đại diện đặc biệt nào đó; là những người chức năng, chỉ hành động theo những quy chế mà bản thân mình không có quyền tham gia đặt định nó. Sự viết và sự nói của chúng ta cũng vậy. Những ai được nói, nói cái gì, nói như thế nào, những lời nói của ai có giá trị và trở thành chân lí; những lời nói nào và của ai không đáng tin cậy; những văn bản nào được gọi là văn chương còn cái nào thì không phải văn chương... đều có quy ước cả. Bất kỳ sự viết, sự nói nào, bất kỳ sự tạo thành văn bản nào cũng bị bao bọc trong các quy chế, các quy ước phát ngôn nhất định. Mỗi thời đại, mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa, mỗi vùng miền, mỗi cộng đồng hay nhóm người,… đều có những quy chế, những quy ước phát ngôn dành cho nó, và đặc trưng cho nó.

Để hiểu rõ những quy ước phát ngôn chúng tôi dừng lại phân tích một văn bản hành chính. Cách đây không lâu, trong văn bản Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được công bố rộng rãi, người đứng đầu một cơ quan hành chính và hành pháp đã thiết đặt những quy định cụ thể về việc phát ngôn và cung cấp thông tin. Ở đó, người ta quy định rõ ai được phát ngôn(*). Chẳng hạn người phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức của Bộ Tư pháp là Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp; người phát ngôn chính thức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là Chánh Văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch… Như vậy, người phát ngôn trước hết phải là người có thẩm quyền hoặc được trao thẩm quyền nói. Đó là một người nói, có vị trị xã hội nhất định, một người có tên riêng nhưng trong quy ước chung cái tên đó lại được sử dụng như một kí hiệu. Nghĩa là anh ta bị đánh dấu, bị quy chế hóa. Vấn đề đáng chú ý ở đây là người phát ngôn có thể chỉ là một người nói đơn thuần, người mang thông tin vô bản sắc; qua anh ta một nội dung phát ngôn nào đó sẽ được truyền dẫn, sẽ được tiếp nhận, thi hành và có hiệu lực. Chúng tôi cho rằng người phát ngôn không phải lúc nào cũng là chủ thể phát ngôn. Bởi vì nội dung được nói, thời gian được nói, trọng lượng lời nói… không phải trong mọi trường hợp đều do anh ta quyết định. Người phát ngôn có thể chỉ là một chức năng, một kẻ nhân danh, một vai nói, thậm chí là hiện thân của một quan điểm, một cái nhìn, một lập trường nào đó. Anh ta với tư cách là một chủ thể tự chủ đã chết. Người phát ngôn trở thành người đại diện, người nhân danh khi anh ta bị biến thành một phù hiệu, anh ta thuộc về một hệ thống chính trị xã hội văn hóa nào đó, và không có quyết định nội dung, hình thức phát ngôn: anh ta được lựa chọn bởi một quyền thế bên ngoài phát ngôn, anh ta tồn tại phục tùng quyền uy. Người phát ngôn chỉ trở thành một chủ thể phát ngôn khi anh ta có thẩm quyền quyết định nội dung và hình thức phát ngôn của mình, anh ta sinh ra cùng phát ngôn chứ không phải từ trong quyền lực. Đó là một cá nhân tự chủ không bị biến dạng bởi quyền lực, anh ta chủ động xưng danh - xưng tôi mỗi khi xuất hiện chứ không phải chỉ là đáp ứng lại sự đòi hỏi. Chủ thể phát ngôn bộc lộ rõ nhất bản thân nó trong cái tâm thế chống đối (chống đối các quy ước, các quy chế, các thao tác của quyền lực), trong trạng thái hoài nghi (các chân lí, quyền lực,…) trong sự tự ý thức khám phá và xây dựng bản thể của mình, nó tự chịu trách nhiệm đối với bản thân nó và với xã hội, nó đại diện cho chính nó chứ không phải đại diện cho một nhóm xã hội hay một tập thể nào. Chủ thể là kẻ sáng tạo ra thế giới, có tham vọng làm biến đổi những mối liên hệ xã hội mà nó đã sống qua. “Để cho chủ thể cá nhân xuất hiện… phải để cho cá nhân thấy được Cái Mình trong bản thân nó, đồng thời có ý chí trở thành chủ thể” (A. Touraine). Theo quan điểm này, thì chẳng hạn ở Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Thánh tông di thảo của Lê Thánh Tông, Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, Điểu thám kỳ án của Trương Văn Chi,… chỉ có người nói, giọng nói mà không có chủ thể phát ngôn. Các truyện ngắn Chí phèo, Lão Hạc, Dì hảo… của Nam Cao, Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam; Số đỏ của Vũ Trọng Phụng… cũng thuộc vào số văn bản chưa có chủ thể phát ngôn. Người kể trong các văn bản tự sự đó chỉ là những đại lý, là một trạm phát thanh, là những người nói được nhà văn và thời đại anh ta bỏ phiếu.

Người phát ngôn là kẻ đại diện cho một hệ thống nhất định. Tính chất cá nhân cá thể của anh ta trong thể loại lời nói công vụ luôn bị quyền lực của hệ thống ấy tái tạo lại, hoặc làm cho nó nhòe mờ đi, những gì là bản sắc trong lời nói của anh ta sẽ bị gột rửa sao cho chúng trở thành trung tính, khách quan ở mức cao nhất, nghĩa là cái bản thể của anh ta bị ý thức hệ nuốt mất. Roland Barthes có lí khi cho rằng văn chương cũng là thứ không gian trung tính, trong đó mọi chủ thể đều mất hút; văn chương như là hố đen nhấn chìm mọi bản thể, trước tiên là bản thể của người cầm bút viết.

Thế giới chúng ta sống được lấp đầy bởi những quy ước. Chúng ta không ngừng đặt ra các quy ước, đưa các quy ước ấy vào cuộc sống, rồi bị ràng buộc bởi chính các quy ước, thậm chí phải bám chặt vào nó để tồn tại, hoạt động. Tên gọi các sự vật hiện tượng và tên của mỗi người có tính quy ước riêng; ngay cả những mã tri thức chúng ta đang dùng trong mỗi lĩnh vực cũng có bản chất quy ước. Chúng đều được hợp pháp hóa, chính thống hóa hoặc quy phạm hóa theo một cách nhất định để có sức mạnh “điều khiển khung cảnh cảm nhận, sự trao đổi, hình thức cảm nhận và tái tạo, các giá trị và các bậc thang” của cả một nền văn hoá. M. Foucault khẳng định “các nhà tự nhiên học, kinh tế học, ngữ pháp học sử sụng những quy tắc giống nhau (mà họ không biết) để xác định đối tượng nghiên cứu của mình, để tạo ra khái niệm, xây dựng các lí thuyết”. Ngôn ngữ được dùng như một quy ước chung. Nhờ có quy ước ngôn ngữ mà chúng ta thông hiểu nhau, trao đổi được với nhau.

Ngôn ngữ mang trong nó những quy ước, những tập tục, nó là một kí hiệu. Nhà văn sáng tác trong thế giới các quy ước, các kí hiệu. Công thức văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí… xét cho cùng là những quy ước phát ngôn. Những quy ước này điều khiển sự tạo thành và diễn giải các diễn ngôn văn chương trung đại. Những định đề như văn học là vũ khí chiến đấu, văn học có tính nhân dân, tính giai cấp… ở thời cận - hiện đại cũng có ý nghĩa tương tự, nó là một cách quy chế hóa phát ngôn văn học, mà công việc “kiểm duyệt văn học” và việc đặt ra các điều luật liên quan đến nó chỉ là một trong những hình thức kiểm tra sự thực thi quy chế phát ngôn, uốn nắn lại các phát ngôn. Thể loại văn học nào cũng có một hệ quy ước của riêng nó. Bất kỳ sự phân chia thể loại nào cũng đều dựa trên những định nghĩa có tính chất quy ước nhất định. Sáng tác theo một thể loại nào đó là một hành động tự động và gần như một bản năng hơn là một sự lựa chọn thể hiện cá tính của tác giả. Nhà văn dễ bị hòa tan ngay trong cái thể loại mà nó cố gắng đặt vào đó những giọng nói không rõ nguồn gốc. Thể loại nằm cùng trên một hàng với sự viết, nó là một nghi thức của sáng tạo văn chương, “là sản phẩm tự nhiên của thời đại” và vì vậy nó mang tính áp đặt, tính khuôn mẫu. Nó ôm chụp lấy nhà văn. “Nhà văn không được quyền lựa chọn cách viết của mình trong một kho chứa phi thời gian của các hình thức văn học” (R. Barthes). Nhà văn sáng tác trong rất nhiều giới hạn, chịu áp lực của “những lối viết vẫn còn đầy ắp ký ức”, chịu sự kiểm soát và quy định của thiết chế văn hóa - chính trị hiện hành. Không phải anh ta thích viết gì thì viết và nói thế nào cũng được. Anh ta phải chọn cách nói như thế nào đó để có thể được chấp nhận, được hợp thức hóa và được hiểu. Nghĩa là anh ta tham gia vào một cuộc chơi có quy tắc, quy ước sẵn. Anh ta không hoàn toàn tự do, anh ta đánh mất tính tự chủ trong sự tự kiểm duyệt, biên tập, phải im lặng. Nói cách khác, anh ta chỉ được tự do trong khuôn khổ đã định sẵn, anh ta luôn đi trong rợp bóng các quy ước, các thiết chế, các đại tự sự. Viết như một hành động vô thức kí tên công nhận các quy ước, quy chế của văn học, của xã hội. Viết là đối mặt với những cảnh báo, những quy định đã và đang trở thành một chế độ bao bọc nó.

Sự thực thi những quy ước, quy chế phát ngôn như trên là một hình thức đưa đến cái chết của tác giả. Cái chết ở đây được hiểu là sự biến mất của chủ thể tự chủ trong các phát ngôn của nó; là sự đánh mất uy lực lớn lao của tác giả trong cái văn bản mà anh ta đương trình tấu trước công chúng; là kết quả của sự khống chế văn bản từ phía các quy chế, các luật lệ đang thịnh hành.

Cũng cần thấy rằng, sự kiện tác giả bị “bức tử” diễn ra chủ yếu ở trung tâm của văn học, còn ở đâu đó bên lề, ở ngoại biên vẫn diễn ra sự hình thành chủ thể phát ngôn tự chủ. Sự vận động của toàn bộ nền văn học Việt Nam 1954 - 1975 chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh ý thức hệ gay gắt, giữa hai miền Nam Bắc và trong nội bộ mỗi miền. Cuộc đấu tranh của nhóm Nhân văn, Giai phẩm ở miền Bắc, trên thực tế, đã làm xói mòn sức mạnh của ý thức hệ chính thống, đe đọa lật nhào những quy chế phát ngôn đang thống trị, điều khiển sự hoạt động của các văn bản văn chương. Đó là sự chống lại “cái chết của tác giả”; chống lại cái chết của cái tôi chủ thể trước hiện thực bị quy chế hóa và trước các văn bản phi văn học khác; chống lại sức mạnh thống nhất của một lối viết đang trị vì. Phong cách cá nhân ra đời không phải từ sự tuân thủ vô điều kiện những quy ước, mà từ sự chống lại các quy ước, các quy chế phát ngôn chung. Nhà văn có phong cách là người không răm rắp tuân theo những mệnh lệnh và răn cấm của hệ tư tưởng thống trị, anh ta dám “nghi vấn cái lẽ phải của ngôn ngữ lôgíc và liên hệ nhân quả được chấp nhận chung” (M. Foucault). Đọc văn lúc đó trở thành đọc những phá cách, đọc những sự lệch chuẩn, đọc những cuộc phiêu lưu tự do, đọc những kiến tạo chống lại tính hợp nhất của sự quy chế hóa phát ngôn. Đọc văn lúc đó là khoái cảm đi tìm lối viết trung tính, vô sắc.

T.T.K

(270/08-11)


--------------------
(*)
Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đầu đó giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved