- Đinh hương tháng Mười (Vương Tùng):
Truyện Đinh hương tháng Mười của Vương Tùng với những hình tượng nhân vật người lao động khác được tập trung lại trong một cái hợp viện nhốn nháo để từ đó bật ra những mâu thuẫn trong quan hệ ứng xử cũng hỗn loạn ồn ào. Vấn đề nhà văn Vương Tùng đưa ra là quan hệ xã hội cộng đồng. Ngày xưa dưới cái thời giương cao ngọn cờ tập thể, công xã, người ta dễ dàng chung sống cùng nhau dưới một mái nhà, bất phân họ mạc, thế hệ, tất cả mọi cá tính, bản ngã đều phải dẹp qua một bên, dẹp xuống tận đáy lòng, sống để bụng chết mang đi. Nhưng nay thì khác hẳn và thế là mâu thuẫn trong căn nhà tứ hợp viện, bốn phòng đông bắc tây nam gom chung một bức tường vây và cái ngõ ra vào là khóm đinh hương quí giá đã bùng nổ. Mâu thuẫn giữa ông cháu lão Tư Dương với gia đình Già Lam, chủ sở hữu tứ hợp viện và mâu thuẫn giữa ba thế hệ trong ngay cả gia đình Già Lam: một cụ già, một cô con gái li dị chồng là Lam Vân, cùng đứa cháu ngoại ngang bướng Lam Vũ luôn đòi hỏi tự do cá tính và ăn chơi trác táng đã diễn ra trong suốt câu chuyện. Sự xuất hiện của Đồ Cách, một văn nhân trẻ đến ở trọ trong tứ hợp viện này cũng không có tác dụng điều hoà lại hai luồng mâu thuẫn nêu trên, ngược lại càng làm cho chúng gay gắt thêm và kết cục thật bi thảm: khóm đinh hương héo dần, ba người tử nạn là “Đại Bìu” cháu lão Tư Dương, Già Lam và cô Lam Vũ, thế hệ thứ ba. Còn lại duy nhất Đồ Cách ngày ngày đưa người thiếu phụ Lam Vân mất cha, mất chồng, mất con đi làm…Đây là sự cảnh báo cho bi kịch của thời đại mới nếu môi trường xã hội bị ô nhiễm…