Home » » HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC TRUNG QUỐC ( P3 )

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC TRUNG QUỐC ( P3 )

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011 | 23:53

KẾT LUẬN
*
Qua sự tiến triển mạnh mẽ và ngày càng được khẳng định cả về số lượng lẫn chất lượng của văn học Trung Quốc đương đại chúng ta nhận thấy được rằng, rõ ràng truyền thống của văn học Trung Quốc từ cổ chí kim đã ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Truyền thống đó thể hiện qua cụm từ giản dị của nền văn học Trung Hoa với bề dày lịch sử đáng khâm phục, mà các nhà văn ngày nay đã không làm hổ danh các bậc tiền bối, họ đã xứng đáng để tiếp bước phát huy mạnh mẽ hơn những yếu tố truyền thống đó: hiện thực, nhân đạo và yêu nước.
Các tác giả đương đại đã “chộp” được những khoảnh khắc rất đắt và đã ghi chép lại với sự  sáng tạo của mình một cách chân thực hiện thực cuộc sống từ thành thị đến nông thôn với đủ mọi tầng lớp cùng những mối quan hệ phức tạp. Tính chất hiện thực như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nền văn học Trung Quốc và đến ngày nay vẫn được phát huy đầy sức sáng tạo cho phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó cần phải thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của những trái tim nghệ sĩ chân chính. Họ đi sâu vào hiện thực và khám phá những nét đẹp trong tâm hồn của con người, họ đã góp thêm một tiếng nói giá trị cho chủ nghĩa nhân đạo. Họ không chỉ khám phá mà còn thông cảm sâu sắc đặt trọn vẹn niềm tin vào sức mạnh tâm hồn của con người. Tin rằng con người sẽ vượt qua tất cả để dần tiến tới sự tự do về cá tính, niềm hạnh phúc về tinh thần. Và cũng sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến yếu tố cuối cùng trong đặc điểm văn học Trung Quốc – đó là lòng yêu nước thiết tha, nồng thắm. Mỗi công dân trong cộng đồng đều chung tay xây dựng tổ quốc vô vàn yêu mến của họ thành một đại cường quốc, họ dốc lòng xây dựng và cũng dốc lòng bảo vệ. Tất cả hành động đều mang lại một mục đích chung cuối cùng là nhằm đưa đất nước Trung Hoa của họ vững bước tiến lên trên con đường hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế nước nhà bằng lòng yêu nước thấm đẫm và cả sự dấn thân hành động nữa.
Chính những yếu tố đó đã làm nên đặc điểm của nền văn học Trung Quốc từ xa xưa, và các bậc tiền bối đã làm bật nổi được những yếu tố đó chứ không chỉ đến bây giờ mới được bộc lộ. Nhưng điều đáng quí là ở chỗ các tác giả đương đại đã xuất sắc trong việc phát huy ba yếu tố quan trọng bậc nhất ấy của nền văn học truyền thống Trung Quốc hơn bốn ngàn năm qua, bắt kịp tư tưởng – phương pháp nghệ thuật Tây Âu – Nga, Mỹ, … họ sáng tạo với những tư tưởng nghệ thuật mới mẻ, phóng khoáng, không câu nệ qui phạm, họ không bận tâm quá nhiều vào những phương pháp cổ điển, truyền thống Trung Hoa.
Những hình tượng nhân vật trong các truyện ngắn đương đại cùng những va chạm trong cuộc sống, những tâm tư thầm kín trong tâm hồn đều được các tác giả ghi lại rõ nét, chân thực và vô cùng sống động. Những hình tượng nhân vật cùng với vẻ đẹp tâm hồn đáng quí ấy có sức sống lâu bền trong lòng chúng ta dù đã gấp lại trang sách, và hương thơm vẻ đẹp tâm hồn của họ vẫn vương vấn quanh đây, giữa cuộc đời và giữa lòng người. Ta có thể thấy họ ở đâu đó trong cuộc sống và ở ngay giữa chúng ta, đang đối thoại với chúng ta, đang đặt ra những dấu chấm hỏi day dứt để chúng ta tìm ra những câu trả lời. Qua đó, mỗi người chúng ta hôm nay cũng phải luôn nhìn lại mình, tự soi chiếu lại bản thân mình để làm sao sống thật tốt thật có ích. Đó cũng chính là một tác dụng quan trọng và vô cùng tích cực của văn học – thanh lọc tâm hồn con người và hướng con người tới những giá trị tốt đẹp nhất.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved