Home » » HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC TRUNG QUỐC ( P2 )

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC TRUNG QUỐC ( P2 )

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011 | 23:53

LƯỢC ĐỒ TÁC PHẨM VÀ CHỦ ĐỀ NGHIÊN CỨU
CHƯƠNG 3
TÌM HIỂU HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG
MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI

1. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRÍ THỨC
1.1.       NHỮNG NHÀ GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH, HẾT LÒNG YÊU NGHỀ
MẾN TRẺ
         Là những nguời trí thức gắn với sự nghiệp “trồng người” – nghề cao quí trong các nghề cao quí – vì vậy họ là những con người rất nhạy cảm với những thay đổi của đời sống xã hội, những bất cập của cuộc đời. Họ luôn đứng ra nhìn nhận đúng đắn hiện thực và tích cực tìm hướng cải tạo, khắc phục. Có thể thấy được những nhà giáo dục chân chính, hết lòng yêu nghề mến trẻ đó qua nhân vật thầy Trương Tuấn Thạch trong truyện Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ. Thầy toả sáng trong tác phẩm với tấm lòng cao đẹp, tất cả vì học sinh thân yêu và thầy cũng gây dựng nên niềm tin giáo dục, cải tạo con người thành công dân tốt để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Độc tố do ảnh hưởng của “bè lũ bốn tên” gây ra đã còn di chứng dai dẳng đến cả những thanh niên vốn là những mầm xanh của tương lai đất nước, đó là Tống Bảo Kì bị tha hoá đến côn đồ buông thả, hay đó là Từ Huệ Mẫn nghiêm chỉnh, công tư phân minh đến mức cứng nhắc lệch lạc … Những “vết thương” nặng nề đó làm thầy Trương Tuấn Thạch vô cùng đau xót và hận bọn “Bè lũ bốn tên” biết bao nhiêu! Câu chuyện thật cảm động và đầy tình người toát ra từ trái tim giàu yêu thương và sự ý thức nghề nghiệp một cách sâu sắc. Hậu quả mà “Đại Cách mạng văn hoá” để lại thật là khủng khiếp, những ngừơi trẻ tuổi tương lai đã bị nhiễm độc khá nặng, nhưng nếu chung tay cải tạo họ bằng cả tấm lòng thì niềm tin chiến thắng của thầy Trương Tuấn Thạch là điều có thể hoàn toàn thành hiện thực. Sức mạnh của con người đến từ trái tim nhân ái và cả lòng yêu tổ quốc thiết tha:
 Anh thấy, anh yêu tổ quốc của chúng ta hơn bao giờ hết, nghĩ đến tương lai, tương lai rực rỡ của nó, nghĩ đến khi kết thúc thế kỉ này và bắt đầu thế kỉ sau, cảnh giới mê người của qui mô “bốn hiện đại hoá”, anh nảy sinh một tình cảm mãnh liệt không cho phép bất cứ ai bóp chẹt tương lai của tổ quốc! Anh nghĩ đến chức trách của ḿnh – người giáo viên nhân dân, chủ nhiệm lớp, cái anh gây trồng không chỉ là một số học sinh, một số bông hoa, đó rõ ràng là tương lai của tổ quốc, đó chính là tương lai làm cho dân tộc Trung Hoa trên mảnh đất 960 vạn kílômét vuông này tiếp tục cường thịnh, phát triển, sừng sững đứng giữa rừng dân tộc thế giới. Anh cảm thấy hơnlúc nào hết anh càng hận thù sâu sắc sự bán nước hại nòi của “Bè lũ bốn tên” họa nước ương dân này. Không chỉ thấy nguy hại hữu hình về kinh tế quốc dân “bè lũ bốn tên” gây nên mà còn thấy sự ô uế vô hình mà chúng gieo rắc lên ức vạn linh hồn nhân dân; không chỉ chú ý đến “Bè lũ bốn tên” gây nạn ra một loạt những xấu xa kiểu Trương Thiết Sinh “đầu mọc sừng, thân đâm gai”, mà còn chú ý đến bao nhiêu “hình trạng không bình thường” như Tống Bảo Kì! Hơn nữa thậm chí trên người những đứa trẻ bản chất thuần hậu như Tạ Huệ Mẫn đều có dấu ấn đen của chính sách ngu dân tàn khốc của “Bè lũ bốn tên” chụp lên! “Bè lũ bốn tên” không chỉ chà đạp lên hiện tại của dân tộc Trung Hoa, mà chúng còn giết hại tương lai của dân tộc Trung Hoa. Càng hận thù với cái xấu xa càng tăng thêm tình yêu với nhân dân; càng yêu nhân dân lại càng thêm hận thù với cái xấu xa. Khi yêu và ghét cùng đan xen, con người càng thêm dũng khí để đấu tranh vì chân lí và sẽ có sức mạnh vô song không sợ hi sinh để dành thắng lợi.      
 Những lời tự nhủ của thầy Trương Tuấn Thạch cũng là thông điệp mà tác giả Lưu Tâm Vũ muốn gửi gắm đến người đọc hôm nay. Tác phẩm đã thể hiện được tiếng nói tố cáo đanh thép về hậu quả do “Bè lũ bốn tên” gây ra và cả lời kêu gọi trách nhiệm hành động ở những nhà giáo dục nói riêng và mọi người dân Trung Hoa nói chung. Lưu Tâm Vũ đã bắn một phát súng lệnh thức tỉnh mọi người đồng thời đó cũng là tiếng lòng da diết “Hãy cứu lấy những đứa trẻ đang bị “Bè lũ bốn tên” hủy hoại cả tương lai”.
Cảm nghĩ cũng như phương châm hành động vì mục đích cao cả là cải tạo – đào tạo những con người mới xây dựng đất nước đẹp giàu của thầy Trương Tuấn Thạch thật đáng quí và cao đẹp biết bao, đó như tấm gương sáng tu dưỡng đạo đức và hết lòng vì sự nghiệp trồng người mà mỗi người trong chúng ta phải ghi nhớ và phải thực hiện ở cả hiện tại và tương lai:
  Hiện nay, chúng ta không chỉ tăng cường công tác dạy trên lớp để học sinh nắm vững được tri thức văn hoá khoa học, đạt được sự phát triển toàn diện về đức, trí, thể; không chỉ cần tiếp tục công việc hướng dẫn chúng học công nông nghiệp, kết hợp lý luận với thực tiễn mà hơn nữa còn hướng dẫn chúng chú ý đến thế giới rộng lớn, khiến chúng nảy sinh hứng thú đối với toàn bộ văn minh loài người, có năng lực phân tích tốt, từ đó hình thành lớp người có sức mạnh kế tiếp Cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cùng thầy Trương Tuấn Thạch, chúng ta có quyền tin tưởng vào con đường phía trước nhất định thắng lợi, những con người có tâm hồn đẹp sẽ làm nên một tương lai đẹp: “Lúc này, gió xuân mang theo hương hoa tỏa ngát, sao trời nhấp nhánh vui cười như khẳng định và khuyến khích cách nghĩ tốt đẹp của thầy Trương Tuấn Thạch”.
Truyện Bảo vệ Anh đào của Cừu Sơn Sơn thì đặt hoàn cảnh giáo dục ở một phương diện khác. Sự giáo dục phải đấu tranh và phủ định dốt nát, sự vô lí của những con người lạc hậu nghèo nàn. Những người dân làng thất học thiếu hiểu biết đã hành động vô lí, ngang nhiên hái trộm những quả anh đào ở trường tiểu học. Dù biết chuyện nhưng vì phần lớn họ là cha mẹ học sinh nên thầy hiệu trưởng già đành nhắm mắt bỏ qua không muốn ảnh hưởng đến hoạt động của trường và cả danh hiệu lao động tiên tiến ngành giáo dục của ông nữa. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi ông hiệu trưởng già về hưu và một cô hiệu trưởng trẻ được điều về thay thế. Bằng sự nhiệt thành của tuổi trẻ, cô muốn cải cách toàn bộ nền nếp trường, trong đó có việc bảo vệ những quả anh đào ngon ngọt để làm quà phấn đấu cho học sinh của mình. Nhưng đó chỉ là mơ hão khi mà hằng năm cứ đến mùa là anh đào lại bị hái trộm. Cô hiệu trưởng trẻ vô cùng bất bình đã cho xây tường cao để bảo vệ, nhưng vẫn vô hiệu, dân làng vẫn trèo vào hái trộm tan tành. Thậm chí vô lí hơn, họ còn đến trường ăn vạ khi một người vì trèo tường hái trộm mà té gãy chân. Hoạt động của trường bị đảo lộn và cô hiệu trưởng trẻ rất đỗi thất vọng chán chường. Cuối cùng cô bị áp lực số đông và không ai giúp cô giành công bằng cả, tuy các lực lượng lãnh đạo như đồn trưởng đồn công an hay vị hiệu trưởng già dày dặn kinh nghiệm đều thấu hiểu lí lẽ nhưng các vị này đều khuyên cô nên nhân nhượng vì cái trường này, vì học sinh của cô. Trong buổi tiệc rượu “tạ lỗi” với dân làng do trường xuất tiền chiêu đãi, cô hiệu trưởng trẻ suy nghĩ mọi chuyện và uống rượu đến say khướt mà mắt thì đầm đìa nước. Trong lúc mất định hướng cô đã tìm một chiếc rìu sắc và đến dưới các gốc anh đào điên cuồng hạ từng cây… Nhưng có một kết cục khác, đó là khi cô hiệu trưởng trẻ đến dưới những gốc anh đào với cây rìu sắc thì những học sinh của cô đến đó nắm tay nhau kết thành hàng rào quanh gốc cây và quyết tâm bảo vệ những cây anh đào đó, chúng hứa với cô sẽ thu hoạch được những quả anh đào vào năm sau với một quyết tâm mạnh mẽ và chân thành nhất. Cô hiệu trưởng đứng sững người và sau đó quăng rìu ôm lấy chúng… Đây mới là kết cục đúng đắn vì sau đó trước cổng trường đã treo một tấm biển to: “ Trường tiểu học Anh đào”. Tại sao chúng ta lại không tin tưởng kết cục này, tác giả Cừu Sơn Sơn qua nhân vật “tôi” thì bảo rằng: “Dù thế nào thì tôi vẫn tin bởi người nói kết cục đó là một giáo viên. Tôi nghĩ cô còn hiểu lũ trẻ hơn cả tôi”. Tình thầy trò thật cảm động! Cô hiệu trưởng trẻ giờ đây chắc đang nở những nụ cười thật tươi đầy kiêu hãnh bên cạnh lũ học trò đang vây quanh với những cặp mắt tròn xoe dễ thương cũng đang nhìn cô cười. Thầy trò cô đang kể lại câu chuyện trên cho tác giả nghe đầy hứng khởi và tự tin.
Nhân vật cô hiệu trưởng trẻ tuy không rõ tên tuổi nhưng cô đại diện cho những nhà giáo dục đầy nhiệt huyết trên cuộc đời này. Cô hành động vì lòng yêu nghề, yêu người sâu sắc. Tình thầy trò thiêng liêng đã giúp cô vượt qua tất cả với những con tim bao la tình yêu thương đã cùng chung một nhịp thương yêu. Tình cảm đó sẽ xua tan mọi nghi ngờ, thậm chí có thể khắc phục được những khó khăn để tỏa sáng trong môi trường sư phạm. Lòng yêu nghề, yêu người cùng đức tin bền vững sẽ giúp người giáo viên tạo dựng được những giá trị tâm hồn cao quí và ươm mầm những thế hệ tương lai trưởng thành lành mạnh. Sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp “trồng người” cao quí vì lẽ đó. Được giáo dục toàn diện con người sẽ phát triển đầy đủ cả thể chất lẫn tinh thần và sẽ trở thành người hữu ích cho xã hội. Cũng như những học sinh ở trường tiểu học Anh đào với lòng đoàn kết quyết tâm, yêu quí thầy cô nhất định sẽ trở thành những công dân có ích, là lực lượng mới xây dựng xã hội hôm nay. Đó là dấu hiệu đáng mừng, hoàn toàn trái ngược với cho mẹ chúng – những người dân quê dốt nát, cố chấp không học hành nên chẳng biết nói gì đến lẽ phải cả. Qua đó ta thấy được sự tin tưởng của tác giả đối với sự nghiệp giáo dục, cả lòng yêu mến kính phục những người làm sự nghiệp “trồng người”cùng trái tim đẹp đẽ thanh cao của họ. Tác giả Cừu Sơn Sơn cũng đã lên tiếng phê phán những kẻ quê mùa dốt đặc cán mai, không biết cầu thị, không được học hành đến nơi đến chốn và đã trở nên ngang tàng vô lí. Cuối cùng, tác giả khẳng định một lần nữa tấm lòng yêu nghề, hi sinh tất cả vì học sinh thân yêu mà không hề màng gian nan thử thách chắc chắn sẽ chiến thắng. Những nhà giáo dục chân chính nói chung và cô hiệu trưởng trẻ nói riêng sẽ đào tạo được những thế hệ mai sau ưu tú để phục vụ đất nước, đồng thời tạo ra những giá trị tinh thần tốt đẹp đẩy lùi sự ngu dốt, u mê… Tác giả tin thế và chúng ta cũng có quyền tin chắc chắn là như thế!
Hình tượng nhân vật trí thức là nhà giáo dục với nhân cách cao đẹp và lòng yêu thương con người qua tìm hiểu trên chúng ta có thể nhận thấy họ được các tác giả xây dựng rất thành công và có sức cảm động sâu sắc đối với độc giả. Hình tượng nhân vật trí thức đều là những con người có thật ngoài cuộc sống nên rất hiện thực, họ đều có tấm lòng yêu thương con người dào dạt, hết lòng yêu quí quê hương đất nước của mình. Hình tượng nhân vật trí thức là nhà giáo dục vì thế mang ý nghĩa nhân văn cao cả và có sức lay động tâm hồn độc giả một cách sâu rộng.
1.2. VĂN NGHỆ SĨ VỚI TẤM LÒNG TRÂN TRỌNG CÁI ĐẸP VÀ HI SINH VÌ NGHỆ THUẬT
Hình tượng nhân vật là văn nghệ sĩ cũng chiếm vị trí không ít trong các thiên truyện ngắn Trung Quốc đương đại. Là những người có tâm hồn đa sầu đa cảm, họ cũng rất dễ bắt nhịp được với những diễn biến đổi thay của cuộc sống và trang trải lòng mình một cách tha thiết nhất. Hình tượng nhân vật nhà giáo dục thì thiên về xu hướng hành động, nhưng hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ thì thiên về chiêm nghiệm để rút ra ý nghĩa từ bản chất cuộc sống bằng một tâm hồn thơ mộng nhưng cũng đầy khắc khoải. Tiêu biểu cho hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ là truyện Song cầm tế của Lương Hiểu Thanh, hình tượng được xây dựng trong tác phẩm là những người nghệ sĩ violon tài ba xuất chúng hết lòng hi sinh cho nghệ thuật nhưng cuối cùng lại rơi vào bi kịch thảm thương. Người ta thường nói sâu độc nhất là lòng người, sự ganh ghét đố kị và không chân chính của lòng người sẽ đẩy con người vào vực thẳm không lối thoát mà thôi. Hãy sống cho ra sống, sống bằng trái tim dào dạt tình người và hãy dùng nó cứu lấy cái đẹp, cứu lấy nghệ thuật.
Câu chuyện của Lương Hiểu Thanh quả không hổ là bản tuyên ngôn nghệ thuật hiện đại. Truyện kể về hai cây đàn violon hàng đầu với âm chất tốt như nhau được tạo ra từ bàn tay của người con trai một bậc thầy làm đàn. Anh làm chúng từ hai cây gỗ tốt nhất do chính tay cha mình nâng niu chăm chút và đó cũng là di nguyện của ông để lại cho anh trước khi qua đời. Anh con trai gửi hai cây đàn ở cửa hàng để tìm người tri âm và sẽ biếu tặng cho họ nếu họ thật sự biết được giá trị ngang nhau của chúng mà không hề có một sự so sánh nào. Và anh đã toại nguyện trao tặng hai cây violon quí giá cho hai người nhạc sĩ tri âm vì họ không hề cũng không muốn có một sự so sánh nào giữa hai cây đàn tuyệt hảo đó. Họ cùng hợp tấu trong bất kể trường hợp nào và bất kể ở đâu, tiếng tăm của họ bay khắp mọi nơi. Người ta ca tụng họ, tâng bốc họ, “nhưng tâm lí người đời có chút quái lạ, hơn nữa, lại dễ dàng đổi thay. Lòng người thích sự chia lìa, có lúc lại cầu mong sự dịu dàng”, và mọi người bắt đầu so sánh tài năng giữa họ một cách nghiệt ngã để xem ai phong độ hơn, “khi lòng người đã phát hiện ra cái đẹp không toàn vẹn, thật ra cũng dễ chịu như khi ca ngợi cái đẹp ban đầu”, và lòng người xôn xao tranh chấp, báo giới rộn ràng dư luận… Hai người nghệ sĩ đã cũng không thể hợp tấu nữa và họ cũng không thể không chia tách mỗi người một hướng. Nhưng sự so sánh ác nghiệt vẫn bám riết lấy họ mà sự thị phi của dư luận là phương tiện thực hiện hữu hiệu nhất. Sự chia lìa của họ làm hai cây violon cũng phân li, tưởng chừng như chúng vô tri nhưng chúng cũng buồn thương và nhớ nhau khôn xiết. Hai người nghệ sĩ đáng thương cũng dần dần trở nên ích kỉ, ghen ghét lẫn nhau. Cuối cùng thật bi thảm, hai người họ – một người thì hụt hẫng tột độ đến nỗi nhảy lầu tự tử, một người thì bị bệnh tâm thần, miệng cứ lẩm bẩm một câu đến tội nghiệp “Vì sao? Vì sao?”.
Anh con trai người thợ đàn tìm lại được hai cây violon của mình đã mục nát và làm nhà cho lũ chuột nơi nhà kho của một cửa tiệm nọ. Anh chực trào nước mắt trong dòng hoài niệm và đau lòng vì đã không thực hiện được trọn vẹn di nguyện của người cha đáng kính, ông những mong tạo ra hai cây đàn tốt như nhau để giáo dục một bài học quí cho con người: “Trên đời này cái đẹp của các vật khác nhau là giống nhau. Tại sao lại phải so sánh cái đẹp với cái đẹp. Đó là sự hẹp hòi của lòng người mà dẫn tới sự ngu dốt!”. Đám trẻ bên đường ngân nga câu hát như một lần nữa xoáy vào lòng anh và cũng là xoáy vào lòng người đọc: “Trên đời chỉ có mẹ thương con, con không mẹ như…” Sẽ ra sao nếu trên đời thật sự “chỉ có” mẹ thương con, lúc ấy tình người, sự hòa hợp của lòng người sẽ ra sao và hơn nữa là về mặt nghệ thuật: sự trân trọng và tôn vinh cái đẹp mà không hề và không thể có sự so sánh tính toan lại được dự báo mong manh đến thế sao? Bằng bút pháp tượng trưng, Lương Hiểu Thanh đã làm cho tác phẩm giàu hình ảnh và ý nghĩa. Qua hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ là hai người nghệ sĩ violon, ta thấy được cả một niềm trăn trở và sự suy nghĩ về cái đẹp trong nghệ thuật, một khi cái đẹp ấy được phản chiếu qua lăng kính của lòng dạ con người thì mức độ trong trẻo của lăng kính ấy phải như thế nào là điều mà con người phải điều chỉnh cũng như phải ý thức được để hào quang tỏa ra từ cái đẹp sẽ mãi trường tồn,  đấy mới là điều quan trọng.
Truyện Mắt đêm của Vương Mông lại xây dựng hình tượng nhân vật là nhà văn đầy nhiệt huyết nhưng cũng đầy trăn trở trước thực trạng xã hội thực dụng, hỗn độn đến xô bồ do hệ quả của nền kinh tế thị trường. Đó là Trần Cảo, một nhà văn hăng hái sáng tác, nhưng do một số sáng tác trước kia lúc anh còn trẻ đã bị người ta xem là quá đáng nên anh phải chịu lưu đày nơi thôn dã hẻo lánh suốt hai mươi năm. Nay anh trở lại phố thị thì đã có quá nhiều đổi khác, muốn tìm gặp người cần gặp để giúp sữa chửa nông cụ cho thôn quê hiện giờ của mình thì anh lại vô cùng thất vọng chán chường trước hành động đòi tiền đúc lót trắng trợn đến vô tâm của kẻ có quyền. Con người nghệ sĩ đầy tình cảm trong anh cảm thấy lạc loài, chơi vơi giữa lòng đô thị, nơi mà những con người “văn minh” miệng thì sáo rỗng “dân chủ” mà lại không hiểu rõ dân chủ là người dân phải thật sự được những cái gì. Goethe đã nói mọi lí thuyết thì xám xịt còn cây đời mãi mãi xanh tươi, cho nên đối với Trần Cảo, anh chỉ có một liên hệ đơn giản mà thấm thía:
…Dân chủ và đùi cừu ướp không mâu thuẫn với nhau đâu. Không có dân chủ thì thịt cừu đưa đến mồm cũng bị người ta cướp mất. Nhưng nếu không giúp người dân ở thị trấn hẻo lánh có thật nhiều thịt cừu ngon thì dân chủ chỉ là những lời trống rỗng xa hoa.
Anh nghĩ rằng những lời lẽ bác học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có hành động thiết thực đáp ứng nhu cầu và cải thiện đời sống cho nhân dân lao động. Chính vì vậy, Trần Cảo tự nhận xét về mình: “một người cứ chú ý quá nhiều đến thịt cừu thì kĩ xảo viết truyện sẽ kém sắc sảo, nhưng hiểu được tính cấp thiết của thịt cừu là một tiến bộ to lớn, là một thu hoạch lớn”.
Mắt đêm là câu chuyện mang tính chất “dòng ý thức” miên man dàn trải, và cũng chính vì vậy đã mang lại một sự băn khoăn dai dứt triền miên cho người đọc khi nhập vào dòng suy tư của nhân vật để cùng trăn trở, cùng suy ngẫm. Nhân vật Trần Cảo là một người sống vì lí tưởng, anh viết văn để cống hiến hết mình, bằng cả lòng tâm huyết mà phải chịu nhiều lận dận. Vùng quê yên ả thanh bình đã làm phẳng lặng tâm hồn và xoa dịu vết thương lòng của Trần Cảo, nhưng khi anh trở về với thành phố rực rỡ ánh đèn thì mọi sự đều xa lạc hẳn, anh không còn (hay không thể) hiểu nổi lòng người, hiểu nổi cuộc đời. Con người ta sống với nhau lại hời hợt và thực dụng đến thế sao? Đồng tiền lại có sức mạnh ghê gớm đến thế sao? Mọi người mãi chạy theo xu hướng hiện đại xa hoa mà bỏ quên những giá trị truyền thống tốt đẹp hay sao?… Tất cả đã làm cho Trần Cảo phải suy nghĩ ưu tư và có gì đó thật sự chán nản. “Hai mươi năm long đong, hai mươi năm cải tạo đã dạy cho Trần Cảo bao điều quí báu, nhưng đồng thời cũng làm mất đi những cái đáng ra không nên mất”, anh đã gần gũi với những người dân lao động giúp anh hiểu họ và yêu mến họ, mong ước làm giàu có đời sống tinh thần và cải thiện đời sống vật chất của họ, kêu gọi mọi người nhất là tầng lớp thanh niên chung tay thực hiện thật tốt mục tiêu ấy bằng cả lòng nhiệt huyết và cả lòng tin tưởng. Nhưng hai mươi năm cải tạo cũng cho anh thấy rõ sự ích kỉ nhỏ nhen của những con người hám lợi, vì tiền mà quên đi tình nghĩa. Dù sao, với tấm lòng yêu đời yêu người, với một trái tim dạt dào yêu thương chân thành Trần Cảo vẫn “yêu ánh đèn, yêu những người thợ đi làm ca đêm, yêu dân chủ, yêu tiền thưởng và đùi cừu ướp…”.Câu chuyện khá buồn qua tâm trạng của nhân vật Trần Cảo. Nhưng đồng thời qua nhân vật tác giả cũng nêu lên lòng tin trong không khí lạc quan cuối tác phẩm. Qua câu chuyện, chúng ta như nhận được một thông điệp tha thiết: hãy sống có ích và phải biết giữ gìn “thiên lương” tốt đẹp, chấp cánh cho những ước mơ khát vọng bay cao bay xa trên bầu trời nghệ thuật bằng một trái tim đồng cảm, dám dấn thân hành động và hơn hết là phải đầy lòng yêu thương, tin tưởng vào con người.
Cũng là truyện xây dựng bởi hình tượng trí thức là nhà văn, nhưng ở truyện Nhà văn và thiếu nữ của Triệu Quảng Tồn thì nhẹ nhàng hơn, mang đậm tính lãng mạn nhưng rất đời thường. Nhà văn là người tìm tòi phát hiện ra cái đẹp trong cuộc sống thì chính họ cũng phải là người giữ gìn, tôn vinh cả cái đẹp trong tâm hồn. Truyện kể về chuyện tình lãng mạn của một nhà văn ở tận trên phương Bắc và một thiếu nữ mãi dưới Giang Nam, tuy cách xa nhau ở hai đầu đất nước, chỉ trao đổi qua thư từ nhưng chất chứa trong đó là cả một tình yêu nồng nhiệt. Hơn một lần họ cùng muốn được gặp tận mặt nhau nhưng đều không dám dù cả hai đều đang đứng trước cửa nhà nhau, nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng gõ cửa nào vang lên. Cuối cùng, họ chọn giải pháp “cảm thấy không gặp vẫn hơn”, vẫn giữ trong lòng một tình yêu thắm thiết nên họ không muốn phá tan cái ranh giới giữa tưởng tượng và thực tế theo nghĩa tích cực, yêu nhau chân thành qua con tim chứ không vì vẻ đẹp bề ngoài, cái đẹp trong tâm hồn mới đáng trân trọng chứ nét đẹp bên ngoài rốt cuộc chỉ là phù phiếm mà thôi, đó cũng là điều làm nên một tình yêu bền vững.
“Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” (Dostoievky) đó là câu nói nổi tiếng của nhà văn người Nga được mọi người tâm đắc. Hình tượng nhân vật trí thức trong các truyện ngắn đương đại Trung Quốc đã phần nào một lần nữa chứng minh hùng hồn cho câu nói ấy. Họ luôn khát khao tìm tòi cái đẹp phục vụ nghệ thuật và thanh lọc tâm hồn con người, cái đẹp của tình người của sự yêu thương lẫn nhau. Dù là hình tượng nhân vật nhà giáo dục hay hình tượng nhân vật văn nghệ sĩ thì tất cả họ đều có lòng tin vào cái đẹp do chính con người tạo ra để cải tại thế giới và dĩ nhiên phải xuất phát từ cái đẹp bên trong thì con người mới có ý thức bải vệ cái đẹp tự nhiên bên ngoài. Nhạy cảm với hơi thở cuộc sống cùng đức tin vào cái đẹp sẽ cứu rỗi con người thì những người trí thức ấy sẽ nhiệt tình dấn thân hành động và tạo được niềm tin mạnh mẽ ở sức mạnh con người, ở tình yêu thương con người. Thế thì ở đây chúng ta cũng có thể nói rằng: tình yêu thương sẽ cứu rỗi con người trên thế giới này.
2. HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NÔNG DÂN
2.1. NGƯỜI NÔNG DÂN CHÂN CHẤT THẬT THÀ, CÓ TẤM LÒNG
CAO ĐẸP
Nếu như hình tượng nhân vật trí thức trong các truyện ngắn lấy bối cảnh ở chốn thành thị, nơi trung tâm để hoạt động vì tính chất nghề nghiệp hướng về đại chúng, thì hình tượng nông dân lại lấy bối cảnh ở chốn thôn dã hẻo lánh yên bình vì tính chất nghề nghiệp của họ vốn là làm đồng áng mưu sinh. Sau luỹ tre làng và những vạt lúa mơn mởn đung đưa hay giữa những sườn núi cỏ cây bạt ngàn, những người nông dân chân lấm tay bùn, mộc mạc giản dị đang sinh sống một cách thanh thản. Thiên Cẩu của Giả Bình Ao đã xây dựng thành công và chân thật những hình tượng nhân vật như thế. Nhưng trong cái yên ả của làng quê heo hút ấy cũng có biết bao thăng trầm của cuộc đời mà người nông dân nhiều khi phải mạnh mẽ về ý chí và cao đẹp về tinh thần mới vượt qua được và tiếp tục lao động tiến tới tương lai. Thiên Cẩu là hình tượng nông dân tiêu biểu cho ý chí và nét đẹp tinh thần ấy.
Thiên Cẩu là một nông dân khoẻ mạnh chân chất, hiền lành và có ý chí cầu tiến. Tuy phần nào còn thiếu hiểu biết nhưng anh đã sống và lao động bằng cả sự nhiệt huyết, bằng cả trái tim chân thành, chí tình chí nghĩa. Cái tên Thiên Cẩu cũng gắn với quá khứ phần nào lạ lùng của anh. Ba mươi sáu năm về trước, một người đàn ông ở thành này phải đi trốn bắt phu. Đúng vào đêm mười hai tháng chín – đêm nguyệt thực “thiên cẩu nuốt trăng”, những người đàn bà trong thành theo tập tục đem gậy cán mì ra sông khuấy nước, ca hát cho mãi đến khi trăng sáng lại để phá bỏ điềm gở là nếu “thiên cẩu nuốt trăng” thì những người xa quê sẽ gặp điều bất hạnh. Vợ người trốn phu cũng ra theo nhưng vừa đến bờ sông thì đau bụng dữ dội, đẻ đứa trẻ ngay trên bãi cát. Đứa trẻ ấy là Thiên Cẩu bây giờ.
Lớn lên một chút anh mồ côi cả cha lẫn mẹ nên phải tự mình làm lụng nuôi thân. Anh làm đủ mọi việc mà người ta cần một cách rất chăm chỉ và siêng năng lại tốt bụng giúp đỡ mọi người nên ai cũng quí mến. Trong thành lúc bấy giờ có bác thợ đào giếng tên Lý Chính nổi tiếng thạo nghề nhưng cũng là người khó tính và keo kiệt vào bậc nhất. Ông ăn nên làm ra từ nghề gia truyền của mình và không chịu nhận ai làm học trò cả. Cuối cùng Lý Chính mới chọn Thiên Cẩu học việc với mình. Thiên Cẩu một lòng theo thầy làm ăn, anh luôn là người phải gánh phần công việc nặng nhất trong khi Lý Chính thì nhẩn nha hưởng thụ, nhưng anh tuyệt nhiên không có một lời than vãn mà vẫn siêng năng làm việc. Thấy Thiên Cẩu ngày càng thạo việc, Lý Chính lo sợ anh sẽ giành đất làm ăn của mình nên đuổi Thiên Cẩu không cho anh theo học nữa. Thiên Cẩu buồn lắm nhưng vẫn ra đi tìm kế khác sinh nhai.
Trái ngược với Lý Chính, vợ ông là một người vừa đẹp người lại đẹp nết, phúc hậu và đoan trang. Vợ Lý Chính rất mến tình tình của Thiên Cẩu nên đối xử với anh rất tốt, bà là người đã đem lại cho Thiên Cẩu tình thương ấm áp trìu mến mà từ sau khi cha mẹ qua đời anh chưa từng được cảm nhận. Thiên Cẩu coi bà như nữ Bồ Tát trong lòng mình, hết lòng giúp đỡ bà và gia đình không nệ chi gian lao. Con của Lý Chính là Ngũ Hưng rất nghịch ngợm nhưng cũng rất quí chú Thiên Cẩu vui tính của mình.
Thiên Cẩu nghe theo lời khuyên của vợ thầy ra thành phố tìm việc làm ăn. Trải qua bao gian khó, thử thách nơi phố thị anh đã tìm được cách kiếm tiền kha khá: đó là bán búi rửa chén làm từ rễ cỏ hoàng mạch. Giờ đây, cuộc sống của Thiên Cẩu có phần thoải mái hơn nhưng anh vẫn tất bật với công việc. Anh vẫn không quên ơn nghĩa của người thầy Lý Chính, nên rảnh cứ ba, bốn ngày là lại qua nhà thầy thăm hỏi và giúp đỡ khi cần thiết. Lý Chính giờ đây thấy Thiên Cẩu khá giả nên cũng tay bắt mặt mừng.
Nhưng càng ngày, Lý Chính càng tỏ ra là một người độc đoán và keo kiệt. Ông bắt Ngũ Hưng phải nghỉ học làm việc giúp đỡ gia đình, vợ ông lên tiếng khuyên can thì bị ông mắng chửi đủ điều. Vì vậy, vợ Lý Chính tìm đến Thiên Cẩu nhờ anh khuyên giúp thầy nhưng chẳng ăn thua gì. Thiên Cẩu tuy buồn nhưng vẫn lặng lẽ giúp gia đình thầy khi thầy nhờ vả và luôn lo lắng, an ủi mẹ con Ngũ Hưng. Một hôm, khi đang cắt cỏ hoàng mạch trên sườn núi, Thiên Cẩu thấy vợ Lý Chính chạy lên báo tin dữ: Khi Lý Chính đang đào giếng thì giếng sập, Lý Chính bị đá đè lên người hiện giờ đang nguy cấp. Thiên Cẩu chạy như bay về thành. Anh nhảy xuống giếng ra sức cứu thầy, khó khăn lắm mới lôi thầy lên được, toàn thân thầy đầy máu. Qua mấy ngày đêm cấp cứu, tuy cứu sống được nhưng thầy anh đã bị liệt nửa người từ thắt lưng trở xuống và từ đó trở thành người tàn phế phải nằm liệt trên giường. Gia đình Lý Chính từ đó suy sụp và lụn bại. Vợ Lý Chính phải làm việc và lo toan cho chồng và cho cả gia đình đến hao mòn cả thân xác, suy sụp về tinh thần. Thiên Cẩu thì trước sau vẫn một lòng dốc tiền dốc sức hi sinh cả hạnh phúc của mình để lo cho gia đình thầy. Vợ thầy hết lời cảm kích và biết ơn nhưng vẫn khuyên anh đừng chỉ lo cho gia đình bà mà hi sinh hạnh phúc của chính mình. Thiên Cẩu không nghe một mực đòi giúp đỡ chu toàn cho thầy và gia đình. Anh bỏ ra về sau khi đã nói rõ lòng mình. Vợ thầy nước mắt lưng tròng nhìn theo.
Về phần Lý Chính, từ khi bị tai nạn tính tình ông thay đổi hẳn, khi nằm liệt trên giường, ông cảm thấy không có gì quan trọng cả ngoài những người thân yêu đang quan tâm hết lòng cho mình nên đã hiền hậu, độ lượng hơn trước rất nhiều. Lý Chính cùng vợ rất biết ơn Thiên Cẩu và rất xúc động trước tấm chân tình và sự chí tình chí nghĩa của anh. Hai người nói chuyện rất lâu sau khi Thiên Cẩu ra về, họ khóc rất nhiều và cuối cùng trong nước mắt người chồng ấy đã nói với vợ ý định của mình “tìm chồng để nuôi chồng”, người vợ sợ hãi nghe lời chồng nói và đau đớn vô ngần, bà chồm tới ôm chồng và cả hai người lại chìm ngập trong nước mắt.
Hôm sau, Lý Chính đem tâm sự của vợ chồng mình nói rõ với Thiên Cẩu khi vợ đã đi lên núi cắt cỏ. Thiên Cẩu nghe xong không nén khỏi đau và thầm nghĩ mà thương thầy, đưa ra một quyết định như thế không biết lòng thầy đã chảy bao nhiêu máu. Anh kiên quyết lắc đầu. Tuy sâu thẳm trong lòng, Thiên Cẩu đã yêu vợ thầy từ lâu, đó là một vị Bồ Tát thánh thiện nhân từ, nhưng đối với anh đó là một tình yêu trong sáng mang màu sắc tôn thờ, anh yêu ngây ngất nhưng biết chừng mực không bao giờ vượt qua khuôn phép. Anh tưởng sẽ chôn chặt tình cảm đó trong lòng nhưng giờ anh lại đang phải đấu tranh với chính mình. Anh đi lang thang và suy nghĩ dằn dặt, cho dù anh chết cũng không sao nhưng không thể lấy vợ của thầy được. Anh nghĩ và ghê tởm cho chính bản thân mình …
Vợ chồng Lý Chính giờ đã quyết tâm không gây phiền phức lo toan cho Thiên Cẩu nữa nên đã tự làm lụng nuôi thân. Nhưng Thiên Cẩu nhìn mà ứa nước mắt: vợ thầy thì đổ bệnh, Ngũ Hưng thì còn bé phải ra đời bươn chải. Anh đau đớn và sau một đêm suy nghĩ thật nhiều, anh đã đồng ý làm theo lời thầy. Họ làm một buổi tiệc nhỏ chiêu đãi và làm giấy tờ chính thức thành vợ chồng. Gia đình họ giờ đây có bốn người: hai người chồng, một người vợ và một đứa con nhỏ. Cuộc sống bắt đầu một cách ngượng ngùng nhưng bốn người họ yêu thương và hi sinh cho nhau bằng cả tấm lòng. Cả gia đình ngày một khá lên khi tình cờ họ phát hiện ra nghề nuôi và nhân giống bò cạp. Nhờ chăm chỉ và chịu khó nên cuộc sống gia đình họ rất sung túc và nổi tiếng trong làng. Nhưng Thiên Cẩu dù là bây giờ mang “chức danh” mới thì anh đã luôn tự đưa mình vào một khuôn phép, không tùy tiện và khi làm hết công việc trong nhà anh lặng lẽ đi ra ngoài và ngủ trong một cái lều quạnh quẽ. Người đàn bà rất buồn đôi lúc quay quắt mong mỏi khát khao nhưng nói thế nào Thiên Cẩu cũng vẫn lạnh lùng như thế nên bà cũng đành chấp nhận xót đau. Người chồng bại liệt đã chứng kiến tình cảnh lẻ loi của ba người từ đầu đến cuối, bác cũng đau khổ vật vã khi thấy mình là gánh nặng cho gia đình, là chướng ngại cản trở đôi bạn tình không thể đến với nhau. Thế là trong một đêm giá lạnh, bác thợ bại liệt ấy đã lợi dụng sợi dây buộc vào ang bò cạp để treo cổ tự sát. Một cái chết đáng thương của một con người đáng quí. Bác thợ đã dành đường cho Thiên Cẩu, giao nghề cho Thiên Cẩu, giao nhà cho Thiên Cẩu. Bác đã tìm cách mở nút cho tất cả tấn bi kịch tình cảm của cả ba con người. Thiên Cẩu đau lòng than khóc như chết lịm đi, lòng thì vô cùng ăn năn. Những người trong thành vô cùng xúc động. Gia đình anh luôn tưởng nhớ về người quá cố và luôn cố gắng xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc. Họ phát triển nghề nuôi bọ cạp rộng khắp cho mọi người trong thành để những người dân cũng cải thiện đời sống của mình, làm cho cái thành đẹp mà không giàu này trở thành giàu và đẹp.
      Xuyên suốt câu chuyện, ta như thấy sáng lên một vừng sáng chói từ trái tim cao đẹp của những người nông dân cơ cực mà tình nghĩa dạt dào. Trung tâm của vừng sáng đó là Thiên Cẩu – một anh nông dân chí tình chí nghĩa. Anh đã được sinh ra trong một đêm “thiên cẩu nuốt trăng” – đó là một điềm xui rủi, và quả thật cuộc đời anh cũng không may mắn dễ dàng một chút nào. Thiên Cẩu trên trời còn nuốt được mặt trăng có nàng Hằng Nga xinh đẹp, còn Thiên Cẩu nông dân nghèo khổ cực nhọc dưới trần thì chẳng có được một ánh trăng ấm áp của tình cảm yêu thương nào sưởi ấm trái tim. Người vợ của thầy mà anh ví như mặt trăng tròn phúc hậu, như gương mặt Bồ Tát từ bi là người mà anh chỉ được kính yêu tôn thờ một cách cao thượng chứ không hề mang một ý nghĩa quá trớn nào cả. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù anh có chịu đau khổ nhọc nhằn hi sinh bao nhiêu chăng nữa, anh cũng chỉ có một điều mong mỏi duy nhất: cả gia đình thầy mà anh kính trọng được yên vui và hạnh phúc, gương mặt Bồ Tát ấy luôn tỏa sáng ánh hồng hào – chỉ cần có vậy là anh cũng hạnh phúc rồi. Ngoài ra anh còn có một nhân cách cao đẹp cùng với đức hi sinh to lớn, anh luôn đại diện xuất sắc cho biểu tượng CON NGƯỜI, không bao giờ làm điều hổ thẹn với mình, với người. Thiên Cẩu là một đại diện cho mẫu hình nhân vật mới mang đầy tính nhân văn: con người vật lộn với hoàn cảnh trớ trêu, với những biến động của cuộc sống vô thường nhưng luôn luôn khát khao hoàn thiện mình, luôn luôn biết giữ gìn phẩm giá và nhân cách bằng nghị lực và lòng tự trọng.
      Xoay quanh làm tăng thêm vầng sáng cho trung tâm miền sáng trái tim  của những con người cao đẹp là những người vốn quê mùa nhưng cũng đầy phẩm chất thanh cao, đó là hai vợ chồngLý Chính. Lý Chính tuy lúc đầu có phần nào sai lạc theo hướng tiêu cực nhưng càng về sau ông lại càng giàu lòng vị tha và đức hi sinh cao cả; cái chết của ông nhẹ nhàng, chết đối với ông không chỉ là một sự giải thoát mà nó còn là một sự hi sinh cao cả cho hạnh phúc của mọi người, ông chết với lòng tự trọng và sống mãi trong kí ức của những người ở lại. Vợ Lý Chính cũng là một người phụ nữ có tâm hồn thuần hậu, bản chất hiền lương, giàu lòng nhân ái và hết lòng vì gia đình, bà là một nữ người nông dân điển hình với đức hi sinh lớn lao, tất cả vì chồng vì con chẳng quản thân mình.
      Cả ba con người đều tỏa sáng với đức hi sinh cao cả, tâm hồn họ thanh khiết đến cảm động lòng người. Tình yêu thương, tình người giữa họ vô cùng thiết tha, đằm thắm. Ai cũng muốn người kia được hạnh phúc mà không ngại hi sinh. Thật là cao đẹp biết bao! Những người nông dân ở đây không chỉ thuần túy hiện ra là những con người cục mịch quê mùa, mà tác giả Giả Bình Ao còn phát hiện ở họ vẻ đẹp tâm hồn cao thượng. Những tâm hồn đẹp làm nên những tình cảm đẹp và họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Tác phẩm đã làm cho chúng ta có một cái nhìn xúc động về cuộc sống của những người nông dân nơi thôn dã và gây cho chúng ta một sự cảm phục sâu sắc đối với những nhân cách tuyệt vời bên trong những con người có vẻ ngoài mộc mạc ấy. Càng yêu mến những người nông dân càng tin vào sức mạnh tinh thần của con người, sự yêu thương lẫn hi sinh dành cho nhau trong lúc khốn đốn, lúc gian lao, thử thách sẽ giúp con người vượt qua tất cả bằng trái tim yêu thương chân thành: “Trên đời chỉ có một điều ấy thôi là hãy yêu nhau” (Victor Hugo – Những người khốn khổ).
      Nói đến hình tượng người nông dân thì ta không thể không nhắc đến đại văn hào Lỗ Tấn – cây đại thụ của văn học Trung Quốc, bởi lẽ ông vẫn được coi là nhà văn hiểu sâu sắc nhất đời sống của nhân dân lao động Trung Quốc dưới ách áp bức bóc lột của thế lực phong kiến. Trong tác phẩm của ông hình tượng người nông dân không phải là hiếm thấy, và khi thể hiện nỗi đau của kẻ bị áp bức bóc lột, ông không dừng lại ở bề ngoài, ông giỏi nắm lấy cái mâu thuẫn có tính chất bi kịch trong hồn họ. Theo ông, ngoài những nỗi đau thể xác, nhân dân còn có những nỗi đau đáng sợ hơn, khó lòng chịu đựng hơn. Vì vậy ông đi sâu khám phá những đau khổ tinh thần. Tác phẩm của ông thường nói đến trạng thái bi kịch trong tâm hồn những người cùng khổ. Nó gợi lên sự nham hiểm, độc địa của giai cấp thống trị, khơi dậy lòng căm phẫn sâu xa đối với chế độ phong kiến. Sự mê muội của quần chúng chính là cột trụ chống đỡ cho sự thống trị, và Lỗ Tấn đã là người nhận thức rõ ràng về điều này. Do chỗ bản thân sự nghèo khổ không dẫn đến cách mạng, phải thêm vào đó ý thức của sự nghèo khổ mới dẫn đến cách mạng (C. Mác), cho nên trong tác phẩm của mình, Lỗ Tấn đã tập trung phơi bày những biểu hiện mê muội, an phận của nhân dân với mục đích vạch ra căn bệnh để mọi người tìm phương chạy chữa. Giai cấp phong kiến thống trị đã dùng mọi thủ đoạn đề làm cho nhân dân lao động tin rằng sự thống trị của chúng là tất yếu, là hợp lẽ trời. Nhà triết học Mạnh Tử đã đề ra thuyết lao tâm và lao lực: Kẻ lao tâm sinh ra để trị người, kẻ lao lực sinh ra để người trị. Lí thuyết đó, trên thực tế cũng là cái nọc độc của con tò vò chích vào huyệt thần kinh vận động của con sâu xanh làm nó dở sống dở chết để vừa sai khiến được vừa mất hết sức phản kháng (Chuyện phiếm cuối xuân, Tạp văn tuyển tập). Nhuận Thổ trong Cố hương chính là biến tướng cuả loại sâu xanh như vậy. Qua hai mươi năm bòn rút của “sưu thế, lính tráng, quan lại, cường hào”, tâm hồn anh ta đã bị sa đọa. Nỗi đau đớn của Lỗ Tấn khi gặp lại người “bạn cũ” này không phải chỉ ở chỗ thấy anh ta đói rách mà quan trọng hơn là ở chỗ thấy anh ta đã mất hết lòng tự trọng trong sạch thời niên thiếu. Ông đã giật mình khi thấy bạn mình lạy mình như lạy một quan trên. Nhuận Thổ chỉ muốn sống theo qui cũ, do đó anh ta đã đặc biệt chú ý lựa chọn cái bộ tam sự để thờ cúng. Nhà văn xót xa khi cảm thấy chế độ đẳng cấp phong kiến xây dựng một bức tường ngăn cách người với người, phá hoại những tình cảm trong sáng, chân thành giữa con người với nhau. Lỗ Tấn đã tìm niềm khuây khỏa trong nỗi mong ước con cháu Nhuận Thổ sẽ không thế nữa và ông tự khẳng định niềm hi vọng đó bằng suy nghĩ con đường rồi sẽ do con người tạo ra.
Những tác phẩm của ông viết về số phận người nông dân lao động mang nội dung nhân đạo chiến đấu; nó không phải chỉ là lời cảm thương, mà còn là lời buộc tội lễ giáo và chế độ phong kiến, cũng là sự cổ vũ nhiệt tình chiến đấu cho một cuộc sống công bằng và hợp lý hơn. Tiếp nối truyền thống đó, Giả Bình Ao cũng tiếp nhận những giá trị nhân đạo, đề cao phẩm chất của người nông dân trong tác phẩm của mình nhưng mang vào đó những hơi thở mới của thời đại. Ông đi sâu vào phân tích những chuyển biến tâm trạng của nhân vật, đồng thời đề cao những tình cảm trong sáng, chân thành giữa con người với con người. Từ đó làm cho những trang văn tỏa ra hơi ấm của lòng nhân đạo. Đồng thời làm cho hình tượng nhân vật người nông dân trong những trang viết của ông càng toả sáng mãi với chất người thuần khiết và tinh khôi, và hình ảnh của họ vẫn đọng lại lâu dài trong tâm trí độc giả. Đó cũng là tuyên ngôn sáng tác của Giả Bình Ao, như ông đã từng tâm sự:
      Tiểu thuyết cũ khó có thể truyền tải cách nghĩ hiện đại. Thời nay, độc giả ít còn chú ý đến việc bạn viết cái gì, cái mà họ chú ý nhiều là tiểu thuyết ấy liệu có làm cho họ xao động tâm linh để rồi từ đó họ giác ngộ được gì… (Giả Bình Ao, báo Tuổi trẻ online)
2.2.      NGƯỜI NÔNG DÂN KHỔ CỰC GIAN NAN NHƯNG BIẾT KHÁT KHAO HẠNH PHÚC, DÁM ĐẤU TRANH CHO TÌNH YÊU
“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Lời trong một ca khúc của Trịnh Công Sơn) – nói lên sự cần có nhau, khát khao tình yêu cháy bỏng của đôi lứa. Tình yêu là đề tài của muôn vàn cung bậc và kết quả cuối cùng của nó là mái ấm gia đình hạnh phúc vợ chồng vĩnh kết đồng tâm. Những người trí thức nếu đa sầu đa cảm và lãng mạn trong tình yêu thì những người nông dân lại có một tình yêu giản dị nhưng mặn mà, họ yêu nhau và hi sinh cho nhau một cách thầm lặng chứ không thiên về biểu lộ. Và lẽ dĩ nhiên là phải tìm được tình yêu đích thực thì mới có hạnh phúc đúng nghĩa trên nền tảng hết lòng vì nhau. Nhưng trên hành trình tìm kiếm ấy không phải dễ dàng và đơn giản. Có người đi cả suốt cuộc đời cũng không tìm thấy được cái kết quả của lí lẽ con tim mà mình mong chờ; và có người đã phải trải qua biết bao cay đắng khổ đau, đã yêu hết lòng, đã hi sinh hết dạ nhưng tình yêu chân chính vẫn như đùa cợt con người, nó không hề lộ diện mà đến khi xác định được thì lại rơi vào bi kịch quá trái ngang. Nhân vật Hắc Thị trong truyện ngắn cùng tên của Giả Bình Ao thuộc trường hợp thứ hai. Hắc Thị là hình tượng người dân khổ cực gian nan nhưng biết khát khao hạnh phúc, luôn mong muốn tìm ra được lối đi riêng cho mình. Không phải chị đòi hỏi quá trọn vẹn, quá cầu toàn trong tình yêu mà chị chỉ khát khao hạnh phúc đích thực, muốn được yêu thương thắm thiết – đó âu cũng là nỗi lòng của một người đàn bà bình thường, một nhu cầu rất “nữ tính”. Hắc Thị còn là một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, ở chị lúc nào cũng toát lên sự khỏe mạnh và sức mạnh tiềm tàng, dám đấu tranh cho tình yêu của mình. Tuy mang sự dốt nát của người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và đôi lúc cam chịu nhưng nhìn chung chị rất dồi dào sức phản kháng, chống trả với những bất công, sự đọa đày lên số phận của những người phụ nữ nơi thôn dã nói chung.
         Câu chuyện kể về chuỗi ngày gian truân trong cuộc đời của Hắc Thị. Hắc Thị là một nông dân cần mẫn, chịu thương chịu khó, chị có một nét đẹp khỏe mạnh và chân chất rất tự nhiên. Chồng chị là một người có thân hình bé choắt và là con của một gia đình giàu có nên khi về làm dâu, tuy chị làm lụng vất vả không quản công, nếm đủ mọi cay đắng nhưng gia đình chồng chỉ coi chị là một người ở không hơn không kém. Người chồng bé choắt thì cũng chỉ xem chị như thú vui để thỏa mãn dục vọng, còn bản thân hắn thì phong lưu bên ngoài. Hắc Thị ức lắm nhưng chị chỉ biết khóc thầm và âm thầm chịu đựng. Mộc Độc là một người hàng xóm rất tốt bụng của Hắc Thị, anh tuy nghèo khổ, xấu xí nhưng rất thật thà chăm chỉ, anh phải làm việc cực lực đủ mọi nghề để nuôi người cha già yếu của mình. Anh rất có thiện cảm với Hắc Thị và luôn quan tâm đến chị nhưng anh còn rất e dè, nhút nhát.
         Bố chồng của Hắc Thị là một kẻ gian thương, làm nghề tín dụng để bòn rút tiền và đầu tư bất hợp pháp để lấy lời to, vì thế gia đình chồng của chị ngày một phất lên và cũng kênh kiệu “học đòi làm sang” một cách lố bịch. Người chồng bé choắt vì thế cũng ăn chơi sa đọa và ra sức hành hạ Hắc Thị. Chính trong thời gian đau khổ này, chị quen và làm bạn với Lai Thuận, một người rất tốt bụng, nhiệt tình. Cũng như Mộc Độc, anh rất tốt với chị, luôn quan tâm chia sẽ cũng như hết lòng giúp đỡ chị. Gia đình chồng nổi cơn thịnh nộ vì Mộc Độc trong một lúc tức tối đã đến gây chuyện, họ buộc Hắc Thị phải li dị và buộc chị ra khỏi nhà. Hắc Thị tuy lòng bị tổn thương nhưng khi bên ngoài được tự do tự tại chị thấy rất ung dung và thanh thản. Với sự chăm chỉ lao động của một người đàn bà lực điền, chị sống rất thoải mái và tự lo cho thân mình một cách ổn định. Nhưng đêm nằm gối chiếc lạnh lùng chị cũng khát khao một hơi ấm đàn ông, khát khao sự yêu thương. Mộc Độc và Lai Thuận đều có tình ý với chị nên cả hai cùng nhờ người mai mối đến cầu hôn chị. Qua những đêm dài suy nghĩ mông lung, chẳng biết phải chọn ai từ chối ai nhưng lại rất tình cờ và cả sự trùng hợp, chị đã nhận lễ cưới từ người mai mối cho Mộc Độc. Một cuộc sống gia đình khác lại đến với chị, chị đã có một bàn tay chồng ủ ấm đêm đêm và yêu thương chia sẻ mọi việc với chị. Chị thấy phấn chấn hẳn lên và cùng chồng ra sức làm việc để chăm lo xây dựng gia đình. Nhưng cuộc sống ngày một khó khăn, Mộc Độc nghe theo lời một người bạn cũ đi làm ăn ở nơi hầm lò tối tăm xa xôi, nơi mà người ta phải “làm bạn với ma quỉ, làm khách của Diêm vương”. Mộc Độc đi rồi, Hắc Thị một mình quán xuyến cả gia đình, nuôi người cha đã già lại đau yếu luôn. Thời gian này, Lai Thuận rất hay đến đỡ đần và giúp đỡ chị làm cha chồng của Hắc Thị rất bực tức, chửi bới Lai Thuận tàn nhẫn vì nghi ngờ Lai Thuận có lòng đen tối. Hắc Thị rất buồn nhưng vẫn nghe theo lời cha nên không tiếp xúc với Lai Thuận nữa. Lai Thuận biết rõ nhưng vẫn luôn giúp đỡ chị hết lòng. Một hôm, Mộc Độc trở về, hình hài đã in đậm dấu vết tàn tạ nơi mỏ than và tâm hồn đã phần nào bị chai sạn vì không tiếp xúc với con người suốt một thời gian dài. Anh đã kiếm được một số vốn kha khá nên hai vợ chồng đã mở một hiệu ăn nhỏ, do chí thú làm ăn lại thêm Hắc Thị đã khéo tay lại khéo ăn nói, nên chẳng bao lâu họ đã làm ăn rất phát đạt. Cha chồng của Hắc Thị nay đã tuổi già sức yếu lại thấy con làm ăn khá giả nên ông cũng yên tâm đi về cõi hạc. Hai vợ chồng khóc than thảm thiết và làm đám tang rất linh đình. Thế là Mộc Độc phải về trông nhà, còn Hắc Thị phải ở cửa hàng lo buôn bán nên hai vợ chồng chẳng mấy khi được ở cùng nhau. Nhiều lần Hắc Thị bảo Mộc Độc ở lại cửa tiệm với mình nhưng anh vẫn tìm cách thoái thác để được về nhà nghỉ ngơi thoải mái vì anh cả ngày làm việc đã rất mệt. Lai Thuận lúc này vẫn là bạn thân thiết của gia đình Mộc Độc, nên những lần Mộc Độc bỏ về nhà, Lai Thuận vẫn kiên trì ở lại để trò chuyện và an ủi Hắc Thị. Anh đã làm lòng Hắc Thị ấm lại, nhưng Hắc Thị vẫn luôn giữ khuôn phép đuổi khéo anh về khi trời đã khuya. Lai Thuận vốn yêu Hắc Thị từ lâu, từ khi không lấy được Hắc Thị anh đã vô cùng tiếc nuối, nay thấy Hắc Thị phòng không chiếc bóng, anh lại trỗi dậy tình yêu trong lòng. Anh đã đem tới cho Hắc Thị những rung cảm yêu thương mãnh liệt và cuồng nhiệt nhất. Bẵng đi một thời gian nữa, Hắc Thị biết được tin gia đình chồng cũ tan tác vì tù tội do vi phạm pháp luật. Người chồng bé choắt phải đi lang thang để xin ăn và tìm đến xin ngay ở cửa hàng Hắc Thị, anh ta cảm thấy vô cùng xấu hổ và ân hận. Hắc Thị tuy trong lòng oán hận nhưng giờ chị lại thấy rất xót thương khi thấy người xưa gặp cảnh không may. Chị bàn cùng Mộc Độc lấy tiền trả nợ giúp cho người chồng cũ để cứu vớt danh dự gia đình của anh ta và còn giúp cho anh ta đi làm ăn ở hầm than. Nhưng do không làm được việc nặng nên người chồng bé choắt ấy rất túng quẫn, trong một lần đang làm việc ở hầm than thì hầm bị sập, anh ta đã chết không toàn thây. Hắc Thị rất đau lòng, đưa anh về để mai táng tử tế. Chị thấy mình như đã kết thúc một giấc mơ buồn ảm đạm.
         Đất nước ngày càng đổi mới, công việc làm ăn của hai vợ chồng Hắc Thị cũng ngày một khá giả, tuy vậy Hắc Thị vẫn thấy bị ghẻ lạnh về tâm hồn bởi vì Mộc Độc vẫn như một khúc gỗ, anh vẫn chai sạn cảm xúc như thế.  Anh yêu vợ nhưng không thể làm cho vợ hạnh phúc thật sự. Vào một đêm Trung Thu rất đẹp trời, Mộc Độc ra tiệm chuẩn bị bánh cùng người làm phá cỗ còn Hắc Thị về nhà dọn dẹp. Tới lúc sắp phá cỗ rước đèn, Mộc Độc sai người làm về gọi Hắc Thị ra họp mặt thì chẳng thấy chị đâu cả. Tưởng rằng chị đi gọi thêm Lai Thuận nhưng đến chỗ Lai Thuận thì cũng chẳng tìm thấy ai. Cùng lúc ấy, ở một thôn nhỏ nằm trên con đường về vùng núi sâu cách đó năm mươi dặm, người ta bắt trói một đôi nam nữ khỏa thân trong một chiếc lều coi dưa rách nát. Họ được phủ một tấm chăn đơn lại để người trưởng thôn đến thẩm vấn, họ khai là người thôn Tây Xuyên cách đây năm mươi dặm, đang trên đường về sum họp gia đình, có cả giấy tờ mang theo. Trưởng thôn thấy có lý nên thả họ ra, nhưng vẫn trừng phạt họ bằng cách dội nước lạnh từ đầu đến chân vì họ đã mang điềm xấu đến trong đêm Trung Thu sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của làng, họ chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi vội vã bỏ chạy ra đường, người nữ bị vấp ngã, người nam đỡ dậy và họ cùng nhau cố sức chạy để cho cái lạnh không vào xương cốt. Không biết con đường này còn bao xa nơi họ cần đến và cũng không biết cuộc sống đang chờ họ là cay đắng hay ngọt bùi, là nỗi buồn hay niềm vui…?
         Mang bản chất của một người nông dân thuần túy, nên bên cạnh việc giỏi giắng đảm đang thì Hắc Thị còn thể hiện ra một phần là dốt nát, cam chịu không biết đến việc bên ngoài xã hội. Nhưng  dù sao, thì cuối cùng ở chị vẫn toát lên vẻ đẹp khỏe mạnh, tự nhiên nơi tấm lòng của mình. Hết lòng làm dâu làm vợ, chị chỉ muốn hết lòng vun đắp cho gia đình chồng, nhưng những con người hám lợi tàn nhẫn ấy chỉ biết chà đạp lên cả thân xác và tinh thần của chị, làm chị đau khổ quay quắt trong sự nhẫn nhục chịu đựng. Chị còn là một người phụ nữ biết tự trọng và khuôn phép. Mới vừa li dị chồng, tuy chị luôn khát khao yêu thương, hạnh phúc nhưng không vì thế mà chị suồng sã với những người đang yêu thương mình. Chị là một người phụ nữ thuần nhất ở chỗ chị luôn là người của gia đình, luôn lo cho gia đình, hi sinh tất cả vì hạnh phúc gia đình, nhưng chị cũng là một người phụ nữ dám yêu dám hận, luôn khát khao tình yêu chân chính. Hắc Thị như một bông sen trắng tinh khôi tỏa hương thơm ngát giữa chốn bùn nhơ mà vẫn không hề tanh hôi mùi bùn, bông sen trắng tinh khiết ấy tỏa hương dào dạt giữa cuộc đời thường và luôn gìn giữ hương thơm ấy như con ngươi của mắt mình. Đáng quí chính là ở đấy. Chị tuy cũng có những yêu ghét giận hờn chứ không phải là thánh nhân nhưng dù như thế nào chị cũng không để những hĩ nộ ấy làm vẩn đục tâm hồn. Là một phụ nữ biết yêu thương và khao khát yêu thương, dám đấu tranh cho tình yêu đích thực của mình, nên ta có thể dễ dàng suy đoán được chị là người phụ nữ cuối tác phẩm với mong muốn ra đi tìm hạnh phúc và tình yêu thật sự của mình. Con người ta không sai khi đi tìm tình yêu, tìm hạnh phúc lứa đôi thuộc về mình và vươn lên để tự giải phóng mình.
         Ở đây ta còn thấy hai hình tượng nhân vật người nông dân nữa, tuy chỉ là nhân vật phụ làm hiện lên hình tượng nhân vật chính là Hắc Thị, nhưng Mộc Độc và Lai Thuận cũng góp phần quan trọng làm nên những chuyển biến, vận động của cuộc đời Hắc Thị.
Mộc Độc có thể coi làm mẫu người nông dân suốt đời lao khổ không biết đến ngày mai, chính vì thế anh có phần nào cứng nhắc và vô cảm trước tình yêu nồng nhiệt của vợ mình, anh chỉ biết thỏa mãn dục tính của mình một cách bản năng mà thôi. Lai Thuận thì đối lập với Mộc Độc, anh là mẫu người nông dân “nổi loạn”, có phần hơn cả Hắc Thị, anh cũng khát khao yêu thương, khát khao có một mái ấm gia đình để dừng chân và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, anh phóng túng ngang tàng không theo khuôn phép, anh chỉ hành động theo tình cảm của mình, dám nghĩ dám làm. Và hành động táo bạo nhất là bỏ trốn cùng Hắc Thị đến một nơi xa lạ để làm lại cuộc đời, gây dựng hạnh phúc trên nền tảng tình yêu đúng nghĩa ở cuối tác phẩm. Dù con đường phía trước có gian lao, có thử thách, nhưng con người ta có gì ngần ngại khi được là chính mình, sống thật với cảm xúc của mình, và khi được sống đúng nghĩa với tình yêu của mình. Hắc Thị và Lai Thuận là trường hợp như thế. Đặt vấn đề là cuộc sống của người nông dân và những tâm tư tình cảm của họ, Giả Bình Ao đã góp thêm một tiếng nói về giải phóng tình cảm con người, giải phóng sự dốt nát tối tăm để được khẳng định mình, hướng về một tương lai tươi sáng do chính mình tạo dựng. Cuộc sống có bất công tàn bạo, có đau khổ trầm luân, có đẩy con người đến bước đường cùng thì niềm tin vào sức mạnh cải tạo tích cực của con người là vô cùng cần thiết để chúng ta xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI. Từ sức mạnh của niềm tin ấy, con người nói chung và người nông dân nói riêng sẽ có thể thay đổi được cuộc sống của mình, cải tạo xã hội tốt hơn. Sự dốt nát, lạc hậu tuy có đeo đẳng những người nông dân khiến cuộc sống của họ tăm tối, lao đao khốn đốn và dẫn đến bi kịch, nhưng tại sao ta lại không tin tưởng vào trái tim chân thành của họ, không tin vào tâm hồn tràn ngập yêu thương của những con người thôn dã. Bằng lòng khát khao yêu thương cùng sức sống tiềm tàng nhưng cháy bỏng, họ sẽ làm được tất cả, họ sẽ giải phóng mình trên con đường tự do phía trước để tiến từng bước thật tự tin
         Cuộc đời chìm nổi gian truân của Hắc thị làm chúng ta liên tưởng tới một nhân vật truyền thống với một hoàn cảnh tương tự. Đó cũng là hình tượng người phụ nữ gian truân trong cuộc sống, nhân vật đó chính là chị Tường Lâm trong Lễ cầu phúc của Lỗ Tấn. Nhưng ở đây chị lại mê muội trong nỗi khiếp sợ trước giáo lí và thần quyền phong kiến. Nỗi đau day dứt tâm hồn chị Tường Lâm cho đến khi chết có thể nói là “muốn làm nô lệ mà không được” (Lỗ Tấn). Quả vậy, điều mong ước thấp nhất và cao nhất của chị cũng chỉ có một: sống một cuộc sống tối thiểu, làm một người nô lệ không hơn không kém. Chị bỏ ra rất nhiều để đổi lại rất ít. Được người thuê, chị làm không tiếc sức, hơn thế, còn lấy làm thỏa mãn, bởi vì hi vọng của chị không có gì khác là được chốn yên thân. Cái hi vọng nhỏ nhoi đó, bản thân nó đã mang tính bi kịch, bởi vì nó vốn không có gì đáng là hi vọng. Nhưng cái thòng lọng của lễ giáo phong kiến cũng đã giết chết cái hi vọng ấy. Cuộc đời chị là một chuỗi dài những ngày lăn lóc, đau đớn dưới áp lực tàn khóc của lễ giáo và thần quyền phong kiến. Chính quyền, tộc quyền, nam quyền, và thần quyền đã trở thành bốn sợi dây thòng lọng thắt cổ chị, mặc dù suốt cả cuộc đời chị cũng chưa hề ý thức đến sự phản kháng. Câu hỏi cuối cùng của chị: Người chết rồi còn có linh hồn không? mới chỉ là sự hoài nghi chứ chưa là sự phản kháng… Rõ ràng sự mê muội chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra bi kịch cho người phụ nữ này.
         Chúng ta thấy những điểm tương đồng giữa Tường Lâm và Hắc thị, đó là sự cam chịu trước cuộc đời, chỉ có điều Hắc thị đã nhận thức được ngọn nguồn gây ra đau khổ cho cuộc đời chị, từ đó chị đã đấu tranh để giành lại quyền sống và quyền được hạnh phúc cho mình. Chị đã thoát ra được bóng tối của tàn tích phong kiến để vượt lên giải phóng chính mình. Đó là cái hiện đại mà Giả Bình Ao đã làm được trong sáng tác của mình, ông nhìn người phụ nữ hiện đại với góc nhìn hiện đại từ đó làm “bật” ra được sức sống mạnh mẽ của người phụ nữ Trung Quốc mà lâu nay đã bị giam hãm bởi những lễ giáo và thần quyền phong kiến. Đọc tác phẩm của Giả Bình Ao chúng ta cảm nhận được một niềm tin mạnh mẽ vào con người mới nói chung và người phụ nữ nói riêng:
Thực tế, tôi không muốn tác phẩm của mình là sự gào thét, điều tôi mong muốn là sau khi đọc xong, độc giả sẽ có được cảm giác thoải mái, xua tan hết mọi ưu tư, phiền toái trong cuộc sống…
…Sáng tác tiểu thuyết mà theo khuôn mẫu thì thất bại là điều có thể thấy trước. Cốt lõi nhất của nhà văn là sáng tạo và mưu cầu thay đổi. Lặp lại chính mình là bi kịch và về căn bản là sẽ không tồn tại, sẽ làm cho độc giả nhàm chán. Vì vậy mà tôi, cho đến nay vẫn luôn tìm kiếm sự đột phá cho các tác phẩm của mình. (Giả Bình Ao, báo Tuổi trẻ online)
Mọi thứ hôm nay không thể giống hôm qua, mỗi ngày mới là một sự sáng tạo mới. Đó là điều mà nhà văn đã tâm niệm, và Giả Bình Ao đã truyền được ý chí của tâm niệm đó cho nhân vật của mình. Hắc thị đã không chấp nhận làm kiếp nô lệ để bị hành hạ mãi, không để những bất công tàn nhẫn nhấn chìm mà đã phản kháng mạnh mẽ để vượt lên hướng tới tình yêu và sự sống. Và không có gì để chúng ta không lạc quan tin tưởng rằng: hạnh phúc sẽ đang đón chờ những ai dám vượt lên chính mình, kiên trì với ý chí và quyết tâm của chính bản thân mình. Hắc thị đã củng cố thêm trong chúng ta niềm tin ấy.
        


3.  HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT LAO ĐỘNG KHÁC
3.1. NHỮNG THANH NIÊN TRẺ TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI NGÀY NAY
Hình tượng nhân vật lao động khác được xây dựng rộng rãi với những quan hệ dàn trải đa chiều của cuộc sống thời hiện đại. Những khoảnh khắc chớp nhoáng của cuộc sống thường nhật đã được các tác giả đương đại ghi lại một cách chân thực. Các hiện tượng cuộc sống được tái hiện trong các trang viết đã dựng nên một bức tranh đa chiều đa dạng của cuộc sống thời hiện đại. Có thể thấy đó là các mảng đề tài từ cuộc sống, cách ứng xử trong thời đại mới hay những bi kịch trầm lặng, day dứt về quá khứ, về tình yêu còn ám ảnh ngay cả hôm nay hay nhẹ nhàng, đằm thắm hơn là những cảm xúc lắng đọng trong tâm hồn … tất cả đều được thể hiện đa dạng, sinh động và tạo cảm giác hấp dẫn mạnh mẽ nơi bạn đọc. Chính vì lẽ đó, nên hình tượng nhân vật lao động khác ở những truyện khác nhau cũng không giống nhau, mỗi hình tượng nhân vật người lao động khác đều có sức sống riêng của mình, mỗi hoàn cảnh nhân vật trong truyện là từng mảnh ghép nhiều mặt của hiện thực để khi nhìn tổng quát ta sẽ nắm được cả bức tranh hiện thực thu nhỏ và phần nào hiểu hơn về tâm tư tình cảm của người Trung Quốc trong thời đại mới.
Cuộc sống ồn ào, tất bật thời hiện đại được phản ánh đầu tiên qua những hiện tượng của nó, cụ thể hơn là những hệ quả tiêu cực mà nó mang lại. Những mâu thuẫn của các hiện tượng này được bộc lộ qua cuộc sống của nhân vật người lao động khác. Hình tượng nhân vật người lao động khác này ta đã từng bắt gặp mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hôm nay. Muôn vàn tác động từ nhiều phía sẽ đưa đẩy con người tới sự nhìn nhận cuộc sống nhiều khi “lệch pha” với nhau tạo nên sự đối lập không gì hóa giải được. Con người ta phải có tâm thế vững vàng như thế nào và chọn lọc tích cực như thế nào để sống thật tốt, sống có ích là điều không phải ai cũng có thể giác ngộ được. Đó cũng là điều kiện cần để xứng đáng với từ “sống” một cách đúng nghĩa. Truyện Lá thư tình của Cố Công đã hé mở bức màn hiện thực ở khuôn khổ ứng xử trong gia đình một cách thấm thía. Truyện nói về tâm lí lo lắng bình thường ở các bà mẹ có con gái mới lớn, đó là bà Đỗ Nhã, mẹ của cô con gái Phương Phương, bà đã như một kẻ trộm khi lén giấu biệt bức thư của con gái mình gửi cho người yêu. Nhưng điều bà không ngờ rằng bức thư ấy lại chính là “bản sao” thư của chính mình từ mấy chục năm về trước. Phương Phương đã thản nhiên đưa ra điều kiện, nếu mẹ trả lá thư cho mình thì cô cũng sẽ trả lại mẹ lá thư “xưa cũ” mà cô đã lục lọi được trong chiếc rương của mẹ. “Bây giờ đã khác xưa quá xa vì ái tình được đem ra đầu môi chứ đâu có rụt rè, e thẹn như xưa nữa đâu” – Phương Phương lí giải. Bà mẹ Đỗ Nhã ngẩn ngơ nhìn cô con gái mình và bồi hồi nhận ra một cách chua xót:
Trẻ con bây giờ, nhịp điệu, tiết tấu bây giờ, tất cả đều như tăng nhanh, tư tưởng và tình yêu cũng vậy, mình ngày đêm lo lắng cho con cái, lo lắng đến mức bạc đầu, nhưng chẳng rõ thuở xưa cha mẹ mình có bận lòng như thế này chăng…?
Thời hiện đại tất nhiên sẽ phải tiếp thu những tiến bộ nhưng phải giữ gìn văn hóa truyền thống Á Đông cũng không bao giờ là xưa cũ, đây cũng là điều mang tính cấp thiết… Dấu chấm lửng ở cuối tác phẩm để lại cảm xúc ngân nga và sự suy nghĩ trăn trở cho người đọc…
Truyện Đinh hương tháng Mười của Vương Tùng với những hình tượng nhân vật người lao động khác được tập trung lại trong một cái hợp viện nhốn nháo để từ đó bật ra những mâu thuẫn trong quan hệ ứng xử cũng hỗn loạn ồn ào. Vấn đề nhà văn Vương Tùng đưa ra là quan hệ xã hội cộng đồng. Ngày xưa dưới cái thời giương cao ngọn cờ tập thể, công xã, người ta dễ dàng chung sống cùng nhau dưới một mái nhà, bất phân họ mạc, thế hệ, tất cả mọi cá tính, bản ngã đều phải dẹp qua một bên, dẹp xuống tận đáy lòng, sống để bụng chết mang đi. Nhưng nay thì khác hẳn và thế là mâu thuẫn trong căn nhà tứ hợp viện, bốn phòng đông bắc tây nam gom chung một bức tường vây và cái ngõ ra vào là khóm đinh hương quí giá đã bùng nổ. Mâu thuẫn giữa ông cháu lão Tư Dương với gia đình Già Lam, chủ sở hữu tứ hợp viện và mâu thuẫn giữa ba thế hệ trong ngay cả gia đình Già Lam: một cụ già, một cô con gái li dị chồng là Lam Vân, cùng đứa cháu ngoại ngang bướng Lam Vũ luôn đòi hỏi tự do cá tính và ăn chơi trác táng đã diễn ra trong suốt câu chuyện. Sự xuất hiện của Đồ Cách, một văn nhân trẻ đến ở trọ trong tứ hợp viện này cũng không có tác dụng điều hoà lại hai luồng mâu thuẫn nêu trên, ngược lại càng làm cho chúng gay gắt thêm và kết cục thật bi thảm: khóm đinh hương héo dần, ba người tử nạn là “Đại Bìu” cháu lão Tư Dương, Già Lam và cô Lam Vũ, thế hệ thứ ba. Còn lại duy nhất Đồ Cách ngày ngày đưa người thiếu phụ Lam Vân mất cha, mất chồng, mất con đi làm. Bi kịch thời đại mới là thế nếu môi trường xã hội bị ô nhiễm. Khóm đinh hương được Già Lam đánh giá là “thông hiểu tính người”, như là sự hòa hợp với người cũng được lấy làm tên của tác phẩm, là một nhân chứng cho cái môi trường xã hội đầy xáo trộn và các mối quan hệ đầy phức tạp trong đó. Khóm đinh hương nở hoa thơm ngát tượng trưng cho sự hòa hợp của tình người nhưng cũng nhanh chóng bị vùi dập đến bật cả gốc cây. Đồ Cách đã miệt mài vun xới để mong cứu sống khóm đinh hương vốn dào dạt hương hoa ấy, Già Lam cũng hết lòng chăm bón để những đóa hoa ấy sẽ mãi tỏa hương. Nhưng không có gì là hoàn mỹ và tuyệt đối cả, sự tươi tốt phục hồi của hoa đặt bên cạnh hình ảnh trái ngược chỉ khiến ta đau lòng thêm: đó là sự ra đi mãi mãi của những con người chưa từng hiểu được vẻ đẹp thuần khiết, tác dụng cảnh tỉnh của đinh hương cũng như chưa được thấm nhuần tình cảm tốt đẹp giữa người với người… sự trả giá và sự dự báo là một dấu chấm than và một dấu chấm hỏi tiếp theo thật nhức nhối để người đọc tự thẩm thấu và suy ngẫm. Tấn bi kịch của môi trường xã hội bị ô nhiễm đến một lúc sẽ không tìm lại được sự trong trẻo, thuần hậu quả là đáng lên tiếng cảnh báo, Vương Tùng dã gióng một tiếng chuông mà dư ba của nó còn vang mãi trong lòng chúng ta…
Truyện Thời đại ảo của Ngô Huyền thì đề cập đến hệ lụy của sự bùng nổ thông tin. Thông qua ba nhân vật: vợ chồng Chương Hào, Nặc Ngôn và người tình ảo của Chương Hào trên mạng là “Tuyết lạnh nhất trong mùa đông”, nhà văn muốn cảnh báo với chúng ta hậu quả của lối sống tán gẫu, vô bổ trong thế giới ảo và đặt một vấn đề khá nghiêm túc, gai góc là con người làm cách gì để chống đỡ trước sức tấn công của khoa học kĩ thuật do chính mình tạo ra. Nỗi ám ảnh của Nặc Ngôn khi thấy chồng “ngoại tình ảo” trên mạng sẽ gắn cho cô cái mác có một không hai của loại người thời thượng: “quả phụ vi tính”. Cô tức tối bày ra kế hoạch li khai chồng với cái máy vi tính đáng ghét đó, cô kéo chồng ra khỏi cuộc sống ảo bằng vũ trường, bằng chọc ghen là hạ sách và cuối cùng là phá tan tành cái máy vi tính, những mong Chương Hào có thể cắt đứt tình yêu với “Tuyết lạnh nhất trong mùa đông” lại càng hạ sách hơn… nhưng tác giả Thời đại ảo đã bỏ ngỏ để nhường câu trả lời cho tác giả mà nhất là nhiều người đang tìm thú vui trong cái thời đại ảo phải giải quyết ra sao mới là thượng sách. Trước cuộc phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật ngày nay, máy móc dần thay thế cho con người nhưng thay thế hoàn toàn là điều không thể được, tiếp thu sự tiến bộ để không bị lạc hậu, yếu kém là điều cần thiết nhưng không để sa đà vào những cái ảo mà quên lãng đi cuộc sống, bị chai sạn cảm xúc… tâm thế con người phải được xác định một cách vững vàng, nhất là trong thời đại ngày nay, đó vẫn là một câu hỏi lớn và bức thiết.
Truyện San San và Sa Sa của Nhiêu Kiến Trung thì đưa ta thâm nhập vào cuộc sống tình cảm của con người trong thời đại ngày nay. Sự đối lập giữa hai hoàn cảnh gia đình có cái vỏ bề ngoài hạnh phúc nhưng bên trong là sự thiếu hụt tình cảm, sự không thể chia sẻ mọi vui buồn lo âu của những con người trong một mái ấm. San San lấy chồng nhưng không được sống trong cảnh giàu sang, chồng cô muốn học tiếp lên đại học để tìm đường công danh. Mọi chi phí vật chất cô phải vất vả lắm mối xoay sở đủ, nhưng đổi lại cô chỉ nhận được những cánh thư lãng mạn đến sáo mòn từ chốn thị thành đô hội của chồng chứ không hề có một sự chia sẻ gánh nặng tiền bạc. Còn Sa Sa thì ngược lại, cô đủ đầy tiền bạc mà chồng cô vẫn muốn ra đi để bành trướng sự nghiệp nên những phong bì tiền vẫn luôn được gửi về tới tấp, còn cô thì lại vô cùng thiếu thốn tình cảm. Những tờ giấy bạc lạnh lẽo không hề kèm theo một lời chia sẻ nhắn nhủ nào từ người chồng ở xa. Đến một ngày kia chồng San San tốt nghiệp và kiếm được tiền cho gia đình cô trở nên dư dật, cô rất đỗi ngạc nhiên và vui mừng. Cùng chung tâm trạng là Sa Sa vì cô cũng đã nhận được những cánh thư lãng mạn và đầy yêu thương từ chồng mình. Nhưng San San và Sa Sa vẫn chỉ còn lại một mình nơi phòng không chiếc bóng, họ tìm đến nhau và luôn trò chuyện tâm sự cùng nhau, nếu trước đây ai nấy đều giả dối về hoàn cảnh của gia đình mình một cách gượng gạo, thì nay họ trải lòng cho nhau chẳng hề giấu giếm, tình cảm chân thành đã tạo nên một tình bạn đúng nghĩa. Sự gần gũi yêu thương nhau thật chân thành, sự hết lòng cho người mình yêu cả về vật chất lẫn tinh thần và sự vun đắp cho tình yêu mãi keo sơn là những điều quan trọng cần có để tạo nên một cuộc sống gia đình hạnh phúc thật sự, đó cũng là điều mà tác giả muốn gieo vào lòng người đọc.
Truyện Chim phóng sinh của Hoàng Mỹ Hoa thì lại đề cập đến vấn đề môi trường, đây là một vấn đề nóng bỏng và cần được quán triệt thực hiện, bảo vệ môi trường phải đi đôi với cải tạo vì sự tồn tại của con người và đó còn là sự thẩm định về mặt chuẩn mực đạo đức nữa. Thông qua hai nhân vật là đứa cháu nhỏ xưng tôi đối thoại với bà nội mình đã làm bật nổi lên sự giả tạo về đạo đức một cách thẳng thừng nhất. Đứa cháu theo bà nội đi mua chim phóng sinh vì lòng “thiện đức” của bà. “Phóng sinh có thật là việc tốt không?”… Câu hỏi của nhân vật tôi như xoáy sâu vào lòng người, như vạch trần những tình cảm đạo đức giả tạo, sự ngụy biện của những người cố chấp hủ lậu. Khi muốn phục vụ cho việc “thiện tâm” của mình lại bảo người ta phải bắt chim thật nhiều để bán mà không thèm quan tâm đến giá cả rồi khi đứa cháu hỏi, luận điệu của bà nội cực kì cố chấp này cũng rất buồn cười: “người bán bắt chim để bán cho mình tội lỗi chồng chất còn mình phóng sinh cho những chú chim tội nghiệp sẽ được lên chốn Tây thiên”?! Câu chuyện ngắn gọn mà ý nhị để chúng ta nhìn nhận lại những việc làm vô tình hay hữu ý nhưng rất vi phạm đến qui luật của môi trường nói riêng và qui luật của đạo đức nói chung.
Cuộc sống thời hiện đại cũng được phản ánh ở sự buồn mênh mang trong cõi lòng những con người giàu tình cảm. Đó là những khoảng lặng nhói lòng trong cuộc sống nhộn nhịp đương thời. Những di tích buồn đau của “vết thương” do “Bè lũ bốn tên” gây ra còn day dẳng đến hôm nay một cách nhức nhối, hay những bi kịch của tình yêu giữa những con người tuy thật lòng với nhau nhưng lại có quá nhiều cách trở: sự phân biệt giàu nghèo một cách nghiệt ngã, hay lề lối khuôn phép quá bất công cứng nhắc đã dần chia cách họ, tất cả những nội dung này cũng đều được khắc họa rõ nét mang đậm tính hiện thực. Nỗi đau buồn thiên về nội tâm của nhân vật “chị” trong truyện ngắn Vết thương của Lưu Tân Hoa hết sức cảm động. Dùng đại từ nhân xưng để gọi nhân vật, tác giả không nhằm vào một đối tượng cụ thể nào mà gợi lên sự thật là trong cuộc sống còn có nhiều người như giống nhân vật “chị”, tức là còn nhiều nữa những mảnh đời như thế mà nhân vật “chị” trong tác phẩm chỉ là người phát ngôn. Với một cá tính mạnh mẽ và quyết đoán, chị đã bỏ nhà ra đi, từ bỏ cả mẹ ruột của mình vì bà đã mang trên người tội danh phản bội. Đi tới đâu chị cũng chịu sự ghẻ lạnh, nghi ngờ và cảnh giác của mọi người, cả trong tình yêu chị cũng phải dè dặt, không cho mình tự do mở lòng trước tình yêu. Bẵng đi chín năm, sau khi hay tin mẹ chị đã được giải oan tội danh mà “Bè lũ bốn tên” cố tình gieo rắc, chị đã trở về thăm mẹ, nhưng đã quá trễ, mẹ chị đã trút hơi thở cuối cùng mà không gặp được mặt con… vô cùng đau đớn nhưng chị đã biến đau thương thành sức mạnh, vươn lên hết mình để luôn tiến về phía trước xây dựng đất nước quê hương, cống hiến cả cuộc đời mình phục vụ cho sự nghiệp của Đảng. Một tấm lòng thật là đáng trân trọng biết bao, từ trong đau thương mất mát, con người ta nếu đầy ý chí và nghị lực thì rất dễ trở thành phi thường.
Truyện Hai vé xem phim của Khuyết Danh cũng là một nỗi đau bi kịch, bi kịch của tình yêu tan vỡ trái ngang. Hai nhân vật chính là A Mỹ và Vu Tùng đã không thể đến được với nhau, suy cho cùng là bởi sự phân biệt nghiệt ngã giữa giàu và nghèo, sự kì thị giai cấp đã quá nặng đã như ăn sâu vào tâm khảm những con người bề trên cố chấp đầy rẫy trong các gia đình hiện nay, điều đó đến nay vẫn chưa được hay chưa hề được xóa bỏ… Chuyện tình đẹp nhưng bạc mệnh của họ như bộ phim “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” mà họ thích xem nhưng chỉ ứng với phần li biệt còn kết cục đoàn viên như đôi uyên ương thì vẫn còn bỏ ngỏ. Và chiếc túi kỉ vật xinh xắn mà A Mỹ trao tặng cho Vu Tùng bằng cả con tim vẫn được Vu Tùng giữ mãi bên mình nhưng giờ đây anh đã không bao giờ còn mở ra xem được nữa, vì sau một tai nạn trong chuyến đi làm ăn xa để kiếm tiền cho bằng được, giờ anh ngồi trên chiếc xe lăn và hai tay cứ mải miết mân mê cái túi nhỏ xinh ấy chưa hề mở nắp, trước mắt anh là một màn đen kịt. Đó thật là một chuyện tình éo le đến nao lòng.
Hai nhân vật chính trong truyện Chuông gió của Lưu Quốc Phương là Binh và Tiểu Kì cũng nằm trong trường hợp tương tự, cũng vô cùng trái ngang và đau nhói. Xã hội trọng tiền bạc đã ép uổng tình duyên và phá vỡ tan tành hạnh phúc của con người mà Tiểu Kì nhỏ nhoi và đáng thương là một nạn nhân. Bị mẹ gây sức ép cô đành phải thuận lấy tên Đại Cẩu lỗ mãng vũ phu và phải từ bỏ tình yêu thắm thiết với Binh. Nay đã quá cùng cực, cô bị dày vò về thể xác và sống trong bất hạnh triền miên nên muốn thoát ra đến với tình yêu thật sự của mình. Nhưng giờ đây đã quá muộn mằn. Binh tuy yêu cô nhưng vẫn tránh mặt cô vì không muốn phá hoại gia đình cô. Vì thế tiếng chuông gió kỉ niệm vẫn tinh tang đến nao lòng mà tình yêu vẫn bị ngăn cách trong tường rào của thế lực mạnh mẽ và tàn nhẫn của đồng tiền trong xã hội.
Cuối cùng thì cuộc sống hiện đại cũng được nhìn thấy bằng sự lãng mạn, bay bổng như những nốt nhạc trữ tình đằm thắm mà nó vốn có. Những khúc nhạc tình yêu vang lên du dương mà sâu sắc, để ta thấy yêu đời yêu người hơn, để ta có niềm tin làm đẹp cho đời và chống lại những xấu xa hèn nhát, để trên môi ta luôn rạng rỡ những nụ cười hạnh phúc đến từ sự yêu thương thành thực nhất. Tiêu biểu cho phương diện này là những chuyện như Chào em, Tiểu Mai của Vương Quân, Đóa hồng cuối cùng của Từ Tuệ Phấn, Lá phong của Vương Mông. Chùm chuyện cho ta cái nhìn màu hồng vui tươi tràn trề sức sống, và những nụ cười hạnh phúc như tỏa nắng xuống cuộc đời đầy ấm áp. Tình yêu chân chính đôi khi chỉ là những kí ức đẹp như những giấc mộng bình yên nuôi lớn cảm xúc và sự cao thượng nơi tâm hồn, những hồi ức đẹp được lưu giữ nơi con tim đẹp sẽ giúp ta có một cuộc sống đẹp. Đó chính là tâm trạng, cảm xúc của nhân vật Tiểu Mai trong truyện ngắn Chào em, Tiểu Mai của Vương Quân. Hay tình yêu chân thành sẽ khẳng định vị thế của mình trong sự hòa hợp của đôi tâm hồn, hãy nghe chàng trai nói với cô gái trong truyện Đóa hồng cuối cùng của Từ Tuệ Phấn: “Anh đã mua nơi em ngàn vạn đóa hoa hồng và cuối cùng nhận ra chỉ có em mới là đóa hồng của riêng anh”… Sự hết lòng cho nhau, yêu một người là mong cho người mình yêu hạnh phúc nhất và đôi khi ta chỉ đứng bên lề để dõi theo một cách cao thượng. Cho nên sự cao thượng đó khi đã được nhận ra thì vô cùng đáng quí, con tim sẽ thật sự đập những nhịp đập của tình yêu. Hay đó là tình yêu đầy lãng mạn luôn được hồi tưởng và gìn giữ ở một góc của con tim đa cảm, tuy cách xa nhau không còn gặp lại vẫn đủ sức ủ ấm tâm hồn. Tình yêu của nhân vật “anh” và “chị” trong truyện ngắn Lá phong của Vương Mông diễn ra nhẹ nhàng và trầm lắng như những cánh phong mang hình trái tim tung bay thắm đỏ tượng trưng cho sự nhiệt thành trong tình yêu. Và ngày sau là trái tim tình bạn cao cả thắm thiết dù mỗi người nay đã có mái ấm riêng của mình. Tình cảm tốt đẹp diễn ra giữa thiên nhiên tươi thắm càng đẹp rạng rỡ hơn. Nên nay thấy những chiếc lá phong màu tươi đỏ bị ép plastic để thương phẩm hóa anh đã không khỏi chạnh lòng. Không thể và không nên như thế được. Màu sắc tươi đỏ của những cánh phong phải đại diện cho một bản sắc, cho những tình cảm sâu sắc và cho cả những trái tim đầy nhiệt huyết giữ gìn truyền thống dân tộc tốt đẹp ngay trong thời hiện đại. Câu chuyện của Vương Mông khép lại nhưng những cánh phong bay mang sắc đỏ kiêu hãnh vẫn vương mãi trong lòng chúng ta.
3.2. NHỮNG NGƯỜI CAO TUỔI VÀ SỰ CHIÊM NGHIỆM CỦA HỌ VỀ CUỘC SỐNG
Giữa sự đổi thay đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại quay cuồng, những người “hoài cổ” rất dễ bị lạc lõng và chán nản là điều tất yếu nếu như không biết cách hòa hợp và bài trừ những tác hại xấu. Những con người đã đi qua đoạn đường gần cả một đời người thì có biết bao sự đổi thay thăng trầm mà họ cũng đã từng vượt qua, nhưng tất nhiên giữa dòng chảy không ngừng của nhịp sống sôi động thậm chí có những điều bất cập như hôm nay thì sự hụt hẫng xa lạ đối với họ cũng là điều dễ hiểu và cũng là điều rất dễ xảy ra. Những vị lão thành dày dặn kinh nghiệp ấy cũng phải vất vả lắm mới mong hòa hợp với xã hội đương thời. Dù là người ở chốn thị thành hoa lệ hay là người ở chốn miền núi xa xôi, ta cũng sẽ bắt gặp được những cách ngăn nhất định đối với xã hội, đối với cả cuộc sống đời thường của họ. Khó ai có thể hiểu thấu được họ và chia sẻ thông cảm với họ. Vì thế họ vẫn cứ lặng lẽ đi giữa cuộc đời và lặng lẽ gánh chịu bao nỗi trăn trở thấm thía về cuộc đời, về lòng người. Truyện ngắn Kính Triền núi hẹp của Giả Bình Ao có thể xem là một cuộc khám phá tìm tòi vào cõi lòng của những con người sống gần trọn cả đời người ấy. Bằng một sự nhạy cảm tinh tế, ngòi bút sắc sảo thâm thúy cùng một lòng nhân đạo thiết tha, tác giả đã xây dựng nên những nhân vật lớn tuổi đáng kính và hiểu thấu được những nỗi niềm của họ, đem đến cho trang văn một chủ nghĩa nhân đạo ấm nóng và tha thiết.
Hình tượng nhân vật ông lão Vương Hữu Phúc trong truyện Kính qua những cuộc gặp gỡ với nhân vật xưng “tôi” đã làm bật lên sự lạc lõng của ông lão đối với những cái tân thời hiện nay. Qua đó tác giả muốn nói rằng: chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến cuộc sống cũng như sự cảm nhận của những người có tuổi đồng thời cũng nhìn thấy rõ hiện trạng của cuộc sống đương đại với quá nhiều ứng dụng cực kì lạ lẫm, sa đà mà quên đi những điều cổ xưa tốt đẹp của cha anh. Trong truyện, nhân vật xưng “tôi” qua lời nhờ vả của người bạn tên là Đắc Quí phải mang một món tiền nhờ chuyển giúp cho cha của bạn là ông Vương Hữu Phúc khi có dịp trở về quê nhà. Lần đầu hẹn gặp ông Vương Hữu Phúc nhưng không được, “tôi” có phần bực tức. Đến lần thứ hai khi đã gặp nhau, “tôi” mới biết là lần trước ông lão trên đường đến chỗ hẹn đã gặp tai nạn bị thương ở đầu. Đó là do ông lão khi đi ngang phố đã không chú ý va đầu vào một tấm kính lớn của một nhà hàng sang trọng đang xây dở theo mốt “lắp kính suốt lượt”. Tác giả hỏi rõ và khuyên ông lão nên đi kiện của hàng đó để được một khoản tiền đền bù lớn vì lỗi là ở cửa hàng đã không ghi kí hiệu trên kính cho người đi đường biết mà cảnh giác. Nhưng ông Vương Hữu Phúc kiên quyết từ chối và hơn nữa còn gửi lại tiền nhờ “tôi” đem đến đền bù thiệt hại cho cửa hàng đó, điều này làm “tôi” vô cùng ngạc nhiên nhưng cuối cùng cũng hiểu rõ tấm lòng vị tha của ông Vương nên đã nhận lời. Kết thúc truyện là hình ảnh của một ông chủ cửa hàng khác lớn tiếng chửi ai đó đã vô tình (chả lẽ cố ý va đầu?!) vào tấm kính làm chiếc kính lắp của ông ta vỡ vụn “đứa nào đâm đầu phải đây? Đứa nào? Mắt mù cả rồi sao?”, “tôi” chứng kiến cảnh ấy, cuối cùng ra khỏi khu phố chật hẹp đầy ắp những kính và lên tàu vềNam ngay tối hôm ấy…
Sự đô thị hóa nhanh chóng, lối sống xa hoa thâm nhập đằm sâu đã không thể hòa nhập mà hòa tan đi cái tình người ở đời. Cả khu phố lần lượt đều lắp kính trong suốt cho những ngôi nhà rất thời thượng mà vô tình hay hữu ý quên đi rằng có những người già cả hoa mắt tay yếu chân run, những em bé tinh nghịch hiếu động sẽ là nạn nhân trực tiếp cho những tấm kính tưởng như đẹp đẽ vô hại ấy. Lối sống theo nền nếp cũ đã không còn được giữ vững nên sự lạc lõng thất vọng trước cuộc sống đó cũng quá lớn đặc biệt là những người cao niên từng trải như ông Vương Hữu Phú đã chua xót nói rằng:
Bác của cháu có từ tâm, sợ làm vỡ kính của người ta đền không nổi nên mới chuồn thẳng, cháu nên cười bác mới phải. Có điều, bác từng trải việc đời cả một đời, đến già còn bị tấm kính nó lừa, bị lừa một lần là đủ, bác không để bị lừa lần thứ hai đâu…
Tấm kính trong suốt tưởng như vô hình nhưng nó đã hiện hữu ngay giữa cuộc sống của chúng ta. Tấm kính không chỉ phân biệt thời thượng và cổ hủ về kiến trúc mà hình như nó còn phân biệt chia cắt sự trân trọng những truyền thống tốt đẹp vẫn còn nguyên gía trị, sự yêu thương hòa cảm giữa người với người, thấy nhau qua kính đấy mà không sao đến gần với nhau được. Đặc tính của kính là trong suốt nên dường như sự chia cắt giữa truyền thống và hiện đại là vô hình nhưng thật ra nó đã rạch ròi trong việc phân chia hai yếu tố đó bằng một ranh giới rất khó vượt qua. Cần phải nhìn lại lối sống hiện nay, và những lớp trẻ hôm nay có vững chắc bước đi đến phía trước không chỉ cần tài năng và quyết tâm mà còn một phần quan trọng là sự dẫn dắt, truyền thụ kinh nghiệm của thế hệ cha anh, hãy biết lắng nghe và học hỏi những điều rất quí báu từ thế hệ đi trước.
Truyện Triền núi hẹp thì vẽ ra bối cảnh của miền sơn cước, qua đó hình tượng người lao động hiện ra qua cuộc sống vất vả của họ rất đỗi cảm động. Đó là bác Thuận với kinh nghiệm dày dặn trong nghề sinh nhai của mình đã phải chịu sức ép từ nhiều thế lực để rồi nai lưng ra mà làm việc mặc kệ những hiểm nguy luôn rình rập phía trước, và cuối cùng trăm dâu đổ đầu tằm, bác phải hứng chịu một kết cục buồn và bi thảm.
Truyện kể về những mùa đông lạnh giá tuyết rơi dày đặc ở một triền núi nọ. Thời tiết khắc nghiệt đó làm ai nấy đều ở lại trong nhà, duy chỉ có bác Thuận vẫn miệt mài đi trên tuyết để làm việc, thời tiết này là cơ hội tốt để cho bác săn những con cáo có bộ lông đẹp ngây người. Bác đã tự chế một thứ thuốc nổ đặc biệt sau đó vùi dưới tuyết để bẫy cáo, những bộ da đẹp đến nỗi mà ai cũng muốn có, cả những cán bộ trên huyện cũng tìm đến để mua cho bằng được. Khi các cán bộ huyện tới thì đại đội sản xuất ở triền núi lại bắt bác Thuận biếu không cho họ vài tấm da cáo để được chỉ tiêu tối cao là nhận ở mức cao nhất số tiền cứu tế, hỗ trợ nên càng ngày thu nhập của bác sút kém hẳn đi, nhưng điều đó lại làm đẹp thêm cho những người ở huyện lên… Và đại đội sản xuất ở đây đã phân công “nghề nổ cáo” cho bác Thuận để cung cấp dược liệu cho tập thể chế biến thuốc không sót một mùa đông nào, những bộ lông thú săn bắt được đều thuộc về tập thể. Và năm nay trời rét lạ lùng, hứa hẹn chất lượng lông cáo hảo hạng, một vị chủ nhiệm trên huyện đã mò về bản hòng mua được những tấm lông cáo tuyệt vời đó, ông ta rất quan tâm và tỏ thái độ thân mật với bác Thuận nên bác rất mong tuyết rơi để có thể đi nổ cáo ngay. Thứ thuốc nổ đặc biệt làm nên sự nổi tiếng của bác Thuận là lấy lớp da mỏng của gà đem thái chỉ, trộn đều với diêm sinh (lưu hoàng) và mạt sắt giã vụn, viên lại thành những viên nhỏ như thuốc tể sau đó cẩn thận vùi vào tuyết để cáo dẫm phải rồi thu nhặt về lấy da. Bí quyết bào chế thứ thuốc lợi hại này đã phải đánh đổi bằng mạng sống của đứa cháu nội dễ thương khi không may đá bóng vào lồng thuốc nổ bị thương ở chân đến nỗi hoại thư mà chết. Sau đó con trai bác cũng phát điên mà chết theo, con dâu thì đi lấy chồng khác để lại hai ông bà lão cô đơn thui thủi. Hằng ngày bác Thuận phải miệt mài đi nổ cáo ở sâu trong núi còn vợ bác Thuận phải ở nhà một mình trong cô đơn lẫn sự sợ hãi nơi rừng núi đìu hiu trống vắng. Đi nổ cáo đã vài ngày nhưng vẫn chẳng được con nào, bởi lẽ mấy năm nay cáo đã thưa thớt nhiều rồi, bác Thuận rất sốt ruột vì nếu không tìm được bộ da nào sẽ phật ý chủ nhiệm trên huyện đã kì vọng. Và qua bao công sức tìm kiếm, bác đã phát hiện ra bầy cáo nơi hẻm núi sâu, bác mừng thầm và quyết tâm đặt thuốc nổ cho được lũ cáo ấy mặc cho bão tuyết đang kéo đến. Tờ mờ sáng hôm sau, bác đi thu nhặt thuốc nhưng chẳng có gì cả ngoài mấy viên thuốc đã bị thất lạc, thất vọng bác đi lang thang và vô tình thấy một con cáo già nằm chết sau một phiến đá lớn. Bác Thuận đưa tay ra nhặt nhưng con cáo già động đậy và bất chợt lao thẳng về phía trước, ông lão tức tối đuổi theo vô tình bị trượt chân ngã như trời giáng, lồng thuốc nổ ông xách bên tay trái do bị đập mạnh xuống đất làm những viên thuốc bùng nổ, ông lão hoàn hồn nhìn lại thì thấy cánh tay trái của mình be bét máu thịt và nhầy nhụa… sau đó ông không còn biết gì nữa… Bộ lông con cáo già đã được làm tấm khăn quàng cổ cho con gái ông chủ nhiệm vào cái hôm lễ cưới ai cũng phải tấm tắc khen và thán phục tài năng của người thợ săn. Mấy năm sau, khí hậu triền núi mỗi năm lại ấm dần lên và những con cáo cũng không còn có những bộ lông màu hoàng kim hoặc màu nâu ngã xám đẹp tuyệt nữa, và thậm chí da của chúng cũng chẳng còn giá trị nữa. Bác Thuận giờ tuổi cũng đã cao không làm nương rẫy được nữa, được thôn bản bảo trợ nuôi dưỡng cả hai ông bà. Họ thường mặc những bộ quần áo rộng thùng thình và thường ngồi sưởi nắng ở đầu bản. Bà lão cũng thường bê cơm ra đó, đặt bát trên một chiếc trục lăn lúa. Ông lão tay phải cầm đũa còn tay kia buông thõng – đó là một cánh tay cụt, không có ngón, lồng trong một chiếc túi bông dày cộm. Bác Thuận vừa ăn vừa đăm đăm nhìn về phía những nẻo đường…
Người ta nói “sinh nghề tử nghiệp”, có lẽ gia đình bác Thuận ở đây rất đúng với câu nói đó. Vì chạy theo nghề nghiệp mà bác đã phải trả cái giá rất đắt: cháu nội chết, con trai cũng chết theo, con dâu bỏ đi, gia đình bác giờ tan tác chỉ còn lại hai ông bà cô độc sống nương tựa vào nhau, và rồi cuối cùng, bác Thuận vì vẫn chạy theo cái nghề nghiệp ấy (hay bắt buộc phải chạy theo?) để tồn tại giữa cái thời cuộc sống còn rất khó khăn này mà bác đã trở thành người sống dở chết dở… Những kẻ được gọi là cấp trên chỉ biết ngồi hưởng lợi trong khi những người tầng lớp dưới phải lao động khổ cực thậm chí bị nguy hiểm đến tính mạng, vậy mà còn chưa thỏa mãn được nhu cầu của những kẻ ích kỉ ấy. Tấm da cáo tuyệt đẹp được mọi người khen ngợi trong ngày cưới của cô con gái ông chủ nhiệm đã phải đánh đổi bằng một nửa mạng sống của bác Thuận. Ở triền núi hẹp này đã không còn những con cáo có bộ lông đẹp và quí nữa vì không có tuyết rơi dày đặc trong mùa đông, nhưng lòng tham của con người và sự vô tâm ích kỉ cố hữu thì vẫn còn tồn tại mãi cùng triền núi nghiệt ngã này, ở nơi hẻo lánh và rất đời thường này. Cũng còn đó những con người suốt cả cuộc đời lao khổ vất vả, để đến khi được nghỉ ngơi thanh nhàn cũng là khi đã ngồi trên chiếc xe lăn lặng lẽ sống những ngày tháng cuối đời đợi thần chết mang đi. Giọng văn lạnh và tỉnh nhưng lại da diết và làm động lòng người trước những số phận, những cảnh đời trái ngang. Câu chuyện như một lời phê phán sâu sắc chỉ thẳng vào bọn ích kỉ tham lam chỉ biết chuộc lợi cho bản thân mà mặc kệ sự sống chết của người khác, hơn thế đó lại là những người có tuổi đáng ra phải được phụng dưỡng và kính trọng. Câu chuyện thắm đượm nỗi buồn và sự xót thương cho những con người lao động ở tầng lớp dưới quá nhỏ nhoi dù họ đã đi gần trọn cả một kiếp người, nhưng câu chuyện cũng không quá bi lụy chìm đắm trong nỗi buồn mà tấm lòng nhân đạo của tác giả đã thấu hiểu những con người nhỏ bé đó, làm sáng lên ngọn lửa của vẻ đẹp tâm hồn họ giữa mùa đông lạnh lẽo khắc nghiệt và giữa sự nguội lạnh của tình thương yêu đồng loại nơi con người. Tấm lòng đó đã thắp sáng ngọn lửa nơi trái tim của mỗi người đọc và nó còn được duy trì sáng mãi, sống mãi trong lòng người để những giá trị tốt đẹp luôn vĩnh hằng. Những người thâm niên có cảnh đời gian truân như thế rất đáng được thông cảm và đáng được trân trọng. Sự đưa đẩy của cuộc đời đầy biến động đã được đúc kết thành những dòng chiêm nghiệm về lẽ sống ở đời, về tình đời ở tận trong thâm tâm của những con người ấy, không những thế mà còn làm cho những người đọc chúng ta hôm nay hòa nhập vào đó để tiếp nhận, để cảm thụ và biết cách sống như thế nào cho có ý nghĩa.
Chi tiết cuối của truyện cho thấy một dấu hiệu của sự lạc quan dù còn mong manh, mơ hồ của tác giả: “Bác Thuận vừa ăn vừa đăm đăm nhìn về phía những nẻo đường”, những nẻo đường rộng mở cho những lớp người sau không còn cơ cực và những hướng đi cho một ngày mai tương sang vẫn đang đón chờ những ai dám đương đầu với thử thách để cải tạo cuộc sống một cách chủ động, vượt lên trên hết những khó khăn, như nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi” (Truyện Cố hương).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved